7. 1947

Nhớ lại năm làm báo Cứu Quốc Việt Bắc bao giờ tôi cũng nhớ mùa hoa mơ và những ngày áp Tết. Hoa mơ nở trắng các bản trắng đầy trong cánh đồng và đầu suối. Bạt ngàn, trắng ngần, trắng ngần rừng mơ chân núi Phia Bioóc.
Mùa đông đầu tiên tôi ở rừng, rét cóng cá. Cả ngày mờ mịt trong sương mù và ánh lửa sưởi. Khi trời loé nắng lại chỉ thấy hoa mơ trắng cửa rừng càng rét thêm.
Chúng tôi ở cách Phủ Thông đồn Pháp chẳng bao xa.
Ngày ngày tiếp xúc với cả nước và thế giới bằng cái đài cọc cạch của Nguyễn Tiêu và những bản tin mỗi tuần một lần giao thông đi mấy ngày lên Bản Váng trên hồ Ba Bể mới lấy về được. Nha Thông tin và đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam ở trên ấy.
Công việc hàng ngày của tôi: viết tin, bài và xuống nhà in ở rừng bên cạnh. Suốt tháng, ăn thịt gà đến phát sợ.
Không có rau. Trong các làng, chưa mấy nhà biết làm vườn.
Thỉnh thoảng, có việc được ra “Thủ đô” thị xã Bắc Cạn, về kể lại những chuyện phở vịt, bánh khảo nhân đỗ đen, chuyện đi diễu quanh mấy phố tỉnh đường ngược, gặp mặt toàn người quen ở Hà Nội, rồi lại vào chơi với đội kèn ông "quản" Liên.
Sớm hôm ấy, sương mù mịt trên Đèo Giàng. Tiếng máy bay ầm ầm phía Bắc Cạn.
Đến trưa, được tin địch nhảy dù thị xã.
Chúng tôi ngơ ngác. Hôm trước, Xuân Thuỷ, chủ nhiệm báo ra thị xã. Cả mấy người cùng đi, không biết thế nào. Địch nhảy dù xuống đấy.
Mọi việc đã được lo trước. Khi còn ở gần Phủ Thông đã đi tìm nơi đóng cơ quan dự bị khác. Báo Cứu Quốc ra đời từ thời kỳ còn bí mật, trong những ngày cực kỳ gian khổ mà "cơ quan ấn" chỉ là một người ngồi lăn li-tô trong buồng nhà kín đáo.
Người ấy phải đái vào ống, đêm mới đem ra ngoài đổ. Chúng tôi đã nghe Lê Viên kể lại khi cơ quan "ấn" của báo ở núi chùa Thày, bị mật thám Pháp ập đến, các anh đã cất giấu những cuộn giấy, những lô mực, những con chữ và hòn đá - chiếc máy cái của nhà in. Công việc trong bí mật của tờ báo lớn nhất nước ta ngày nay(1), có chi nhánh toàn quốc, lúc bắt đầu là như thế.
Tôi hiểu tôi đương làm báo cách mạng khác làm văn làm báo xưa kia.
Sáng sớm, hôm ấy lại một đoàn sắp hàng ba, mười hai chiếc đakôta bay trắng phau, qua trên Đèo Giàng. Màu trắng và tiếng máy rú thật rùng rợn. Máy bay đi nhảy dù Cao Bằng.
Cơ quan dự bị của chúng tôi chạy sâu vào giữa châu Chợ Rã.
Làng Khuổi Khún chỉ có ba nhà dân tộc Tày. Chúng tôi trú tạm. Nhà chữ, toà soạn, kho giấy và mực chuyển lên, dồn vào rừng gần xóm. Cuộc di chuyển đột ngột ấy cũng là chuyến cuối cùng của cái ô tô Sơvrôlê của toà báo đã đem được từ phố Hàng Trống đi. Không phải bị máy bay bắn, mà ô tô phải chết xó chỉ vì không còn đường đi. Những đoạn đường đá lên Chợ Rã cũng phá hố ngang hố dọc hết. Cái xe được đánh vào bụi cây trong rừng. Ít lâu sau, định vào tháo lấy phụ tùng, nhưng tìm không thấy cái ô tô màu cánh quít nữa. Đập một đống mối thấy lòi ra mảnh sắt gỉ. Mối đã ăn hết cả cái ô tô.
Lên tới Khuổi Khún vừa chập tối, Xuân Thuỷ đã về được.
Mấy hôm chạy luồn rừng, chỉ còn trông cái cười mà nhận ra mặt Xuân Thuỷ. Em Cầu hôm sau mới về đến. Cầu còn gầy gò hơn. Cầu đã bị lính dù bắt giữa thị xã. Lính dù đem Cầu ra bến Cầu Phà để bắn cùng đám người chúng lôi từ trong phố ra. Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố, hội trưởng hội Truyền bá Quốc ngữ ngày trước, cũng bị bắn chết chuyến ấy. Nhưng Cầu thấp bé chạy thoát được. Cầu chạy ngược về Chợ Đồn.
Đằng ấy cũng có Tây xuống dù. Cầu lại đâm vào rừng. Rồi làm thế nào cũng lần được về Khuổi Khún. Cầu ốm nằm liệt.
Chúng tôi ai cũng sốt rét. Cứ tự dưng tìm chăn, đắp chùm đầu. Thế là biết hiệu cơn sốt đến, lại thường sốt rét ác tính đái ra máu. Có anh ở nhà chữ, mới đến châu Tự Do đã chết.
Nhưng cũng không ai kịp ở yên. Tiếng súng, tiếng ô tô đêm ngày réo trên Đèo Giàng trước mắt. Bộ binh Pháp đương đánh xuyên Bắc Cạn lên tới Cao Bằng. Bọn Tàu Tưởng cho quân Pháp mượn đường. Pháp ở Lạng Sơn mượn đường ô tô chở quân vòng sang Tàu rồi bất chợt ập vào thị xã. Mất Cao Bằng và Bắc Cạn, chúng tôi bị chẹt vào giữa.
Cũng không thể trở về Phủ Thông khuân đồ đạc được. Pháp chiếm Phủ Thông, sục vào các cánh rừng xung quanh. Cái bệ máy "công tự" to nhất chưa kịp chạy. Máy này chạy bằng máy phát điện, từ Hà Nội đi, đầu tiên lên đến Trung Giáp, Hạ Giáp ở Phù Ninh bên sông Lô. Rồi ngược thuyền lên Bình Ca. Rồi trâu kéo vào Sơn Dương, trâu kéo qua Thái Nguyên lên Bắc Cạn - hai con trâu ròng rã kéo lết bộ máy mấy tháng, trượt vai, mòn cụt cả móng. Thay mấy đôi trâu.
Bây giờ địch đặt mìn phá vỡ. Mất máy cái, từ nay chỉ còn máy "mi néc" đạp chân, quay tay.
Nhưng chưa phải chỉ gay go thế. Đương dựng lán trong cửa rừng ở tạm, một toán quân Pháp lên châu Chợ Rã, qua ngay ngoài đầu đường.
Không thể vá víu được nữa, cơ quan báo lúc ấy chỉ có một số ít người ở lại làm Cứu Quốc Hà Nội phát hành ở mặt trận còn tất cả lên đây. Có đến ngoài trăm người. Nhà in biên tập, giao thông cùng với máy, kho giấy, kho gạo, kho muối, cồng kềnh, bề bộn.
Vượt rừng sang làng Bản Hậu - một xóm Tày ở tựa chân núi Phia Bióoc. Nhưng đấy cũng chỉ cách đường bộ hai kilômét. Suốt đêm, moọcchiê câu vào núi. Tiếng ình oàng dội ra. Không biết nó bị ta đánh chặn hay đương tiến vào phía nào. Các làng ven đường, Khuổi Khún, Thạch Ngoà và những Bản Pục, Phiêng Phường, nhà bị đốt, khói bốc lên, đến tận tối còn đỏ ngòn.
Mọi nhà đã lánh vào ở rừng. Cảnh chạy giặc không phải là cái gì bối rối với người ở đây. Hôm Tây nhảy dù Bắc Cạn lên tới Phủ Thông, chúng tôi lúng túng ở Khuổi Khún, Quốc Lâm, cán bộ châu tạt về qua nhà, cả ngày quét sàn, trang thóc, uống rượu: "Phá đường rồi, lập trạm gác rồi, không lo. Thằng Tây không làm gì được. Thằng Tây phải chết thôi”. Rồi đi ngủ. Sáng hôm sau, khi tan sương, có nắng, Quốc Lâm lại ngả cái cót, đổ thóc ra, lại trang thóc cồn cột như hôm qua.
Nghe kể chuyện, mới biết ở Khuổi Khún, năm trước, du kích đã đánh một toán hơn trăm lính Nhật từ Chợ Rã kéo xuống.
Có lẽ vì thế mà không ai biết sốt ruột. Tôi đã viết truyện ngắn Đồng chí Hùng Vương tả lại quang cảnh ấy.
Ở đây đã thạo vườn không nhà trống từ thời khu giải phóng. Từ hôm Tây nhảy dù ngoài tỉnh làng nào cũng vắng tanh. Thỉnh thoảng mới gặp người ra vác mảnh gỗ vách, ván sàn nhà vào để ở lán bí mật. Những con gà nhà gáy xa xa như mọi khi nghe gà rừng gáy trong thung lũng.
Chúng tôi chia từng tốp, ngủ lán như bà con trong làng.
Đêm đầu nằm yên một chỗ, nhưng sau mócchiê câu sáng cả rừng. Khói ngoài Phiêng Phường cuồn cuộn đỏ đến sáng.
Đương cữ tháng mười, đêm buốt ngăn ngắt. Tây ở ngoài đường, đốt nhà để sưởi.
Mỗi chặp tối, lại đi tìm một chỗ phẳng trên sườn núi để ngủ tạm. Nhưng cũng chẳng đêm nào yên một chỗ. Đêm ngoài trời trên núi, không dám nhóm lửa. Chúng tôi trùm chăn, trùm cả rơm rạ lên đầu ngủ ngồi vạ vật ở sườn núi đá.
Cái màn quấn bù xù quanh cổ. Mưa "nay" như sương mù rơi, đóng từng mảng nước cứng nho nhỏ trên đầu cuộng rạ. Nam Cao đã được chi bộ kết nạp vào Đảng ở núi Phia Bioóc trong những ngày ấy.
Đêm nào cũng vất vả thế, không được. Phải tìm nơi chắc chắn hơn. Xuân Thuỷ và tôi với Toàn, chủ nhiệm Việt Minh xã, chúng tôi lên các làng Dao rải rác đỉnh núi. Sườn đá dốc dựng đứng. Cỏ tranh cứa xước chảy máu cổ chân và ngón tay.
Trèo một quãng, thở ra cả hai tai. Trời dần tan sương. Trông xuống Phiêng Phường ngoài đường thấy ô tô Pháp đậu thành từng cụm, chốc lại rời ra, bò lên bò xuống như những con bọ hung. Nom rõ trên xe, có bọn Tây cởi trần, mình đỏ hắt.
Sau lưng chúng tôi rừng đại ngàn. Triền Phia Bioóc che chở cho chúng tôi. Núi Phia Boóc - tên của khu giải phóng đặt từ lúc bí mật là núi Cứu Quốc, cao chất ngất chạy dài từ chân ngọn Phia U-ắc trên châu Nguyên Bình xuống, sườn châu Chợ Rã bên kia ghe khắp châu Chợ Đồn, chập trùng đến đầu tỉnh lỵ Bắc Cạn thấp xuống toả ra những cánh rừng lúp xúp. Người Tày ở dọc thung lũng hai bên chân núi. Trên đỉnh, các làng Dao mù mịt trong sương. Có thể lên Cao Bằng, xuống Thái Nguyên chỉ truyền qua các xóm chóp núi thưa thớt này.
Tôi có những cảm giác háo hức. Chỉ vài ngày lên đây, những “noọng” Liễu, những “nhình" Pin cứ dần dần thấy là những người đẹp.
Các làng Dao trên núi đã là trạm giao thông của khu giải phóng trong bí mật. Đội Võ trang tuyên truyền từ Cao Bằng xuống đã qua núi Cứu Quốc về Tân Trào. Trận quân cách mạng hạ đồn trên Tam Đảo của Nhật đã vang dội xuống đồng bằng từ khi ấy.
Các dân tộc trên núi giác ngộ từ lâu. Trong bóng rừng âm u, những làng Dao, làng Tày đã là những làng "Việt Minh hoàn toàn" từ nhiều năm trước. Cuộc sống còm cõi của tôi ở thành phố bấy lâu, đến đây đã mờ xa.
Chúng tôi lên Cốc Phường, qua Vàng Kheo, sang Píc Cáy, ngọn núi cao nhất.
Đến một xóm Dao ở Khui Váng, một cái khe cạn sâu trong rừng vầu tối ẩm ướt. Chủ nhà đem dao ra rừng lấy về một giỏ nấm hương. Những cái nấm còn ướt sương, nhoáng màu nhung nâu. Nấm xào suông với muối ăn thơm như mùi thịt nướng. Tôi biết thêm sự tích núi Phia Boóc - Phia Boóc là Núi Hoa, núi hoa thơ mộng. Bởi vì trên núi có dòng suối, ban đêm nước chảy lóng lánh cát vàng cát bạc sáng như rắc hoa.
Tôi ngồi giữa yên tĩnh rừng núi Phia Boóc và những làng Dao. Tưởng như bọn Tây đang đốt phá dưới chân núi kia là cái bóng chập chờn ngoài cuộc đời này.
Trở về, Xuân Thuỷ làm một bài thơ dài, Đường lên Píc Cáy âm u. Bài thơ in trên báo Cứu Quốc Việt Bắc ký tên là Trần Liên. Cũng là một bí danh Xuân Thuỷ dùng để liên lạc với chúng tôi từ đấy về sau, khi báo Cừu Quốc Trung ương đã về dưới Bác Giang.
Một buổi tối, quanh ánh lửa sưởi trong hốc núi ở Cốc Phường có một cuộc họp quan trọng của cơ quan. Xuân Thuỷ báo tin: báo Cứu Quốc Trung ương sẽ chuyển về căn cứ khu 12. Nhưng nhiệm vụ tuyên truyền tổ chức đồng bào Việt Bắc đương trực tiếp chiến đấu càng phải phát triển. Đoàn thể đã quyết định thành lập báo Cứu Quốc Việt Bắc phát hành ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn - Cao Bắc Lạng căn cứ địa của khu giải phóng cũ.
Tôi được phân công chịu trách nhiệm chung và làm bí thư chi bộ Đảng của báo mới thành lập. Nguyễn Bá Lợi, quản lý báo. Một mình Nam Cao toà soạn. Một mình hoạ sĩ Trần Đình Thọ làm "nhà in". Trần Đình Thọ viết và lăn đá li-tô. Nguyễn Tiêu phụ trách "điện đài", nghĩa là săn sóc cái đài thu thanh chạy pin để ghi chép tin tức. Cảnh đánh máy. Sáu Hồng, Phúc Mơ nhà in, nhà chữa, chúng tôi sẽ lắp lên cái máy mi néc đạp chân.
Cơ quan chính rút đi, vượt núi sang Chợ Đồn giữa quãng Vàng Kheo. Mấy hôm, mưa trơn lầy lội dốc núi đoàn người và máy chuyển xuống phía Chợ Lạng. Không biết phải bao nhiêu ngày mới về tới được rừng Yên Thế bên kia.
Mấy chúng tôi ở lại. Chủ nhiệm Việt Minh Toàn giúp cho chúng tôi mặc như đồng bào địa phương. Quần áo chàm, túi chàm, mũ nồi chàm. Toàn lại đưa chú Mộc đến làm liên lạc. Mộc người ở Thạch Ngoà. Tối đến, chú Mộc dạy chúng tôi tiếng Tày.
Báo Cứu Quốc Việt Bắc đã ra đời.
Tôi bắt đầu làm quen với cuộc sống rừng núi. Tôi với tôi cũng khác trước nhiều rồi. Nhớ hôm đầu ở Hà Nội đi, mang theo bánh xà phòng và bộ quần áo mặc thay đổi. Đến ở đồi Đồng Lư với báo Vệ quốc quân của Lê Tất Đắc cạnh núi chùa Trầm trông vào vùng đồi So Sở đã cảm thấy vẻ chiến khu?
Đầu tiên, bắt liên lạc với tỉnh uỷ Bắc Cạn. Trần Đình Thọ mở một lớp dạy in đá li-tô cho cán bộ tuyên truyền của tỉnh. Nam Cao cũng học lăn li-tô. Anh còn viết rồi in truyền đơn địch vận chữ Pháp cho hội Phụ nữ châu Chợ Rã.
Địch đương đánh rộng ra chiếm đóng Bắc Cạn. Tỉnh giao trách nhiệm cho tôi thành một đơn vị phụ trách cả xã nơi cơ quan đóng. Với tôi, mọi việc thật mới, nhưng cũng thật thích thú.
Hôm họp ở ban châu, có một chị cán bộ về. Chị ấy người nhỏ bé, trắng trẻo, dáng nhanh nhẹn. áo dài chàm, đeo túi chít khăn và thắt lưng quặt đằng sau, sống áo cẩn thận như cô gái trong làng. Nghe giọng nói, tôi đoán là người Tày ở Chợ Rã. Nhưng đến lúc hỏi chuyện mới biết chị người xuôi. Chị Ngọc Bảo người Hà Nội lên Việt Bắc trong đợt “cán bộ xung phong Việt Bắc” vừa rồi. Thế ra, đến kiệt cùng rừng núi này không phải chỉ có chúng tôi.
Tôi mở một lớp huấn luyện cán bộ xã. Tất cả đảng viên ở ba thôn Khuổi Khún, Bản Hậu, Mỹ Vi, các ban và mặt trận xã Trong một hòm tài liệu của báo Cứu Quốc để lại có tập báo Việt Nam Độc lập xuất bản ở Khu Giải Phóng. Các bài trong báo có thể soạn thành chương trình Việt Minh cơ sở.
Lớp huấn luyện trong một cánh rừng trên đồi sau làng Bản Hậu. Học tập, ăn tập thể, tối ngủ ngay đấy. Tôi giảng bài, cũng tự giảng cho mình được một hiểu biết và một tình cảm. Mơ ước và lý tưởng sự thật đơn sơ như lớp huấn luyện này.
Đến xóm người Dao ở Cốc Phường xa hẳn đường cái, có thể tránh được Tây đánh úp thình lình. Gọi là xóm, kỳ thực chỉ ba túp lều nền đất. Vào tận nơi vẫn chỉ thấy cây và đá, chưa nhận ra chỗ người ở.
Ở nhà Chẩn. Chẩn còn mẹ, em gái là Liễu và người em trai, Pảo. Mới tháng trước, Pảo đương ngồi trước cửa, có một con gấu đi qua. Con gấu tát Pảo một cái, Pảo mất một bên má. Bây giờ, mật gấu bôi còn vàng xuộm cả mặt.
Ở Cốc Phường, nghe tiếng súng chìm xa xa dưới chân núi. Tôi cho toà soạn báo và nhà in ở hai nơi cách xa. Cốc Phường chỉ mới là nơi dừng chân. Ở đây, mỗi nhà đều có một chỗ trong rừng, bí mật, chỉ nhà mình biết. Nam Cao và Trần Đình Thọ theo Chẩn. Không phải đi cho vui hai người. Mà chúng tôi bảo vệ cái "máy in" Trần Đình Thọ. Máy "mi néc" đạp chân còn quẳng một đống ở cửa rừng sau Bản Hậu. Như vậy, “máy” Trần Đình Thọ đương cần thiết. Nếu chưa lắp được máy, phải ra báo in li-tô. Thế thì một mình Trần Đình Thọ là cả một nhà in rồi. "Toà soạn" Nam Cao và "nhà in" Trần Đình Thọ phải ở liền với nhau.
Trên đỉnh núi, trong rừng sâu, cái lán nhỏ nhô ra bên một gốc trám cổ thụ. Phải xuống một quãng mới tới ngọn nước. Hàng ngày, Nam Cao và Trần Đình Thọ xuống lấy nước về thổi nấu. Theo cách đi đứng đảm bảo bí mật, từ bờ suối lên, không để một vết tích của con người. Hai anh ở lán với mẹ đồng chí Chẩn. Suốt ngày, Chẩn đi nương, có khi ngủ ngay ở lều. Còn tôi, khi xuống xã, khi đi họp châu, họp tỉnh, khi ở chỗ nhà in dưới lán gần làng. Thỉnh thoảng mới có đêm lên đây.
Chúng tôi lại đổi sang núi Vàng Kheo, trên lối đi Píc Cáy.
Vàng Kheo khuất nẻo ở xóm, trông vào rừng nứa. Ở Vàng Kheo, ngồi trong nhà không ra được bốn phía. Phía rừng nào tới cũng phải qua cánh nương trồng trước mặt. Không thể bị ập bất ngờ. Ngày ngày, chú Mộc liên lạc xuống nhà in. Ở rừng dưới đã bắt đầu dựng lán và lắp máy. Vàng Kheo cũng chỉ quạnh quẽ có ba nhà. Đêm rét buốt quanh bếp lửa, cả hai nhà bên đều đến ngồi chuyện râm ran.
Chúng tôi học tiếng Dao... Học đếm trước... iệt... uy... pu... piê nhận háng ăn cơm... nhận đom ăn cơm chiều... nhận pi êu ăn no... im mình dạo tôi đi chơi... ma hiu chong câu không biết nói chuyện... im mình Hà Nội tôi đi Hà Nội...
Lán dựng cho chiếc máy minéc đã làm xong. Nhưng Trần Đình Thọ vẫn lăn li-tô. In truyền đơn hộ trung đoàn 72 và cô Ngọc Bảo, cán bộ phụ nữ châu Chợ Rã. Cái máy minéc chỉ làm đủ việc báo. Bây giờ không phải chỉ một mình Trần Đình Thọ mà cả "toà soạn" Nam Cao cũng lăn li-tô. Trần Đình Thọ trở nên nhà kỹ thuật viết chữ ngược, quét nước chanh và quệt mực. Nam Cao mắm môi mắm miệng lăn, lăn lăn... Truyền đơn địch vận (bằng tiếng Pháp) Hoàng Xuân Tuỳ, chính trị viên trung đoàn 72 bên Nà Đông gửi sang nhờ in cả tuần lễ không ngơi tay.
Ở Vàng Kheo trông thẳng lên đèo Giàng bên kia. Người Dao ở Vàng Kheo bảo thế. Bởi sương mù chẳng mấy khi trông thấy núi. Còn nói đâu đến con đường đi Chợ Rã, Tây đóng ở Phiêng Phường, ở Phủ Thông, cả tuần cả tháng lặn vào bóng sương. Mùa đông lạnh tê, suốt ngày mù mịt. Những đêm trăng, sương phủ trắng như bông. Đôi khi bóng núi hé ra, chỉ thấy núi xanh, núi xanh chất ngất dán lên nhau. Tưởng như trên thế gian, độc còn có mỏm Vàng Kheo và những ngọn núi xanh như thế. Thỉnh thoảng, tiếng súng bên đèo Giàng, tiếng gầm gừ của những đoàn xe địch chạy lên Cao Bằng. Cái hiu quạnh tan được chốc lát.
Nhưng bây giờ không còn lo như ngày đầu địch nhảy dù. Tự vệ các làng đã được củng cố. Chủ lực huyện đi hoạt động. Cả Trung đoàn 72 về nữa.
Đường núi từ Phia Boóc sang Lùng Trang qua Pác Trang, tỉnh uỷ Bắc Cạn đóng ở đấy. Chẩn ở Cốc Phường đưa tôi đi.
Chặp tối, đến Píc Cáy.
Tôi đã biết cách nhận xét lúc đi giữa rừng và khi sắp đến làng xóm. Chưa thấy suối, nhưng trông thấy bụi cây lượn lô xô, biết đấy có nước chảy. Nơi có người ở, nhiều vết người và những loại vật nuôi trong nhà. Đường quang hơn, chân trâu lỗ chỗ nhiều hơn. Đến lúc, thấy có phân lợn, biết sắp đến nhà.
Chẩn bảo:
- Đồng chí Tư đứng lại dây tôi vào trước.
Tôi ngạc nhiên. Chợt nghĩ đến cái súng ngắn tôi giắt lưng. Khẩu mút cầm trong tay, Chẩn bước vào.
Tôi hỏi theo:
- Đứng lại làm gì?
Chẩn nói:
Có tiếng lạ.
Và nói thêm:
- Đừng vào vội.
Chẩn bảo tôi đứng lại để mình vào trước. Thế thôi. Can đảm và lòng trung thực dung dị.
Lúc sau, Chẩn trở ra nói:
- Có bọn người ngủ nhờ.
Đấy là một đám công nhân công binh xưởng bên kia núi chuyển về Chợ Đồn.
Đêm Pic Cáy yên tĩnh ấm áp trong tiếng củi sưởi thâu đêm. Sáng ra, lại đi trong lạnh buốt. Nhưng câu chuyện cẩn thận ấy của Chẩn, tôi nhớ mãi.
Bút ký Ở rừng của Nam Cao viết trong những ngày ở núi Vàng Kheo. Hai buổi thổi cơm ăn xong, lăn li-tô một lúc, lại ngồi lúi húi viết. Cả cái truyện ngắn Tiên sư thằng Tào Tháo rồi Nam Cao tự đổi là Đôi mắt cũng được viết ở chỗ đèo heo hút gió ấy. Cũng ở đấy, tôi bắt đầu viết tập truyện ngắn Núi Cứu Quốc. Một lần xuống Đại Từ về Thái Nguyên, tôi đã đem đưa những sáng tác của chúng tôi cho Nguyễn Huy Tưởng ở hội Văn Nghệ.
Suốt ngày, Nam Cao ngồi bên thành chuồng gà cạnh bếp. Chuồng gà ở dưới đầu giường, nghe tiếng gà đinh tai ngay dưới gáy. Nam Cao tựa lưng vào chuồng gà, bảo ngồi thế cho ấm, bọ mạt bò vào lưng cắn không biết ngứa, đã quen.
Bao giờ Nam Cao cũng có cách cắt nghĩa về bất cứ một cử chỉ nào của mình. Anh thường lý luận và nhận xét khẳng định thiết thực, lại vui vui, gàn gàn. Anh bước ra, đứng đái ở đầu sàn. Những con trâu quanh đấy đã biết lệ, nghe tiếng người, liền chạy lại, hếch mũi lên, khoan khoái hứng nước thải. Bao giờ anh cũng đợi cho trâu đến đông. Bảo là khỏi phí.
Trâu núi cũng thiếu muối. Ở nước đái, ở lưng áo và ở chiếu có hơi muối. Phơi áo phơi chiếu cẩn thận, kẻo trâu chén mất.
Anh lại bảo: hút thuốc lá tất nhiên dẫn đến bệnh ho lao. Nói thế, những khi Trần Đình Thọ đẽo cho chúng tôi mỗi người một cái tẩu gỗ, đầu tẩu tạc một mặt Tây mũi lõ. Nam Cao hút tợn. Lúc ấy anh cười mà nói rằng hút thuốc chống rét cần hơn, nhiễm lạnh còn dễ ho lao hơn hút thuốc. Cũng phải nói, thuốc lá núi Phia Boóc những năm ấy cũng là cái chống rét hiệu nghiệm. Lưng có chuồng gà ủ, - mặc dầu bọ mạt bò rần rần trên người. Trước mắt có lửa sưởi, trên mặt đượm hơi thuốc lá. Đấy cũng là những phương tiện giúp đỡ toà soạn làm việc.
Nhưng có một chuyện tôi nhớ mãi, câu chuyện đã làm những "nhận xét khẳng định” của Nam Cao đổ vỡ. Trong bút ký Ở rừng Nam Cao có một đoạn triết lý về con người, ấy là khi anh nghĩ đến mình, đến vợ con đương ở vùng tạm chiếm dưới khu Ba. Anh viết rằng con người ta phải vào lửa mới có thử thách, cũng như người có xuống sông bơi mới biết bơi. Cái triết lý cũng không lấy gì là mới ấy đã nảy ra hôm chúng tôi khuân đồ đạc từ lán bí mật ở Cốc Phường leo núi sang Vàng Kheo. Những người khác đi làm lán máy in. Mộc đi liên lạc. Nam Cao, Trần Đình Thọ và tôi ở lại dọn cơ quan. Ba lô, đồ đạc đem hộ mỗi người lại chia nhau khuân hết tất tật các thứ giấy, mực, phiến đá mài, cái lô lăn, mọi đồ dùng in li-tô của "nhà in" Trần Đình Thọ, lại nồi xoong thổi cơm, lại những bao gạo. Chúng tôi đeo tất cả. Đi mấy chuyến, suốt ngày cật lực.
Cũng chẳng phải một công việc ghê gớm gì trong những ngày long đong ở đây. Nhưng mấy ngày sau Nam Cao còn phải bóp chân nước nóng. Anh lại có những khẳng định mới. Nam Cao nói: “Thế là mình không đau tim. Thì ra cái lão đốc tờ ở Nam Định ngày ấy đã nói láo". Ngày trước, khi anh bôn ba vào Nam Kỳ rồi ốm bệnh phù phải trở về, anh đã học ôn lấy, rồi đi thi đíp lôm. Đỗ rồi, anh xin thi vào làm thư ký toà sứ ở Nam Định. Nhưng khám sức khoẻ, đốc tờ bảo anh “đau tim”.
Những người bệnh đau tim và ho lao thì không được làm công chức luật lệ của Tây thế. Câu chuyện này, mỗi khi Nam Cao kể, tôi cho là lại không có tiền đấm mõm cho nên lão đốc tờ phong bệnh cho đấy thôi. Nhưng bao giờ Nam Cao cũng cãi lại. Anh tin ở "khoa học" là anh đau tim thật.
Sau cái chuyến vác nặng sang Vàng Kheo mà chỉ đau bắp chân, rồi còn nhiều lần đổi cơ quan, phải vác, đi xa nữa, nặng nữa, anh lại “xà lù" chửi thằng đốc tờ gà mờ và anh lại có một nhận xét mới: "Thế là mình không đau tim, tim mình khoẻ chẳng khác tim các cậu". Anh tin như thế và anh đã viết vào bút ký Ở rừng rằng có bơi mới biết bơi, Mai Thiên con ơi!
Pháp đã rút khỏi các châu Chợ Đồn, Chợ Rã về chụm lại ở thị xã Bắc Cạn, rồi Cầu Phà, Phủ Thông, Bằng Khẩu, Hạ Hiệu, Ngân Sơn, dọc đường lên Cao Bằng. Bây giờ, nơi đóng của Pháp gần chúng tôi nhất là ở đồn Phủ Thông, cách khoảng mười kilômét.
Chúng tôi rời xuống ven đường và ở tập trung cho tiện công việc. Khe suối Thâm Phạ trên sườn núi ngay đầu làng Bản Hậu trông xuống đường Chợ Rã.
Những cây mắc có - cây hạt dẻ cao, quả rụng gai nhọn và sắc. Đến mùa hạt dẻ, mùa trám trắng, sáng nào quanh gốc cây cũng thấy vết chân hươu, chân gấu. Lán chúng tôi cheo leo trên nguồn nước, hai bên um tùm những bụi dong rậm xanh đen, bên các lán của bà con trong làng. Anh Trúc, anh Ba, nhà chủ nhiệm Việt Minh Toàn cũng ở đấy. Sàn nhà bắc trên dòng nước mà mùa rét đến chỉ còn một vệt ẩm, phải đào xuống, cắm máng vào, mới thấy nước thấm ra.
Bắt đầu những ngày mưa xuân mới, mưa bụi rồi mưa dầm rả rích. Suốt đêm nước mưa đọng trên cây cao rơi lùng phùng đánh trống xuống mặt lán lá dong và những bụi dong quanh nhà - nghe còn xa vắng hiu quạnh hơn khi ở Vàng Kheo.
Trên Cốc Phường tôi để một lán muối. Phải đem muối xuống, kẻo muối chảy hết. Ở Việt Bắc, hạt muối còn quí hơn gạo. Hết mực, hết giấy còn ngồi đợi được nhưng muối ngày nào cũng phải có ăn.
Những bì muối giấu giữa rừng, chỉ một mình Chẩn và tôi biết. Chẩn lợp lán, vác dó muối vào, buộc treo lên những dóng cây cao, phủ một túm lá cọ.
Chẩn trèo lên cành cây trông xuống mặt đất tối lầy lội, kêu:
- Hỏng rồi? Hỏng rồi!
Tôi chưa kịp hiểu thế nào. Chỉ trông thấy bùn lẫn cứt trâu, biết có trâu qua lại rừng này nhiều. Ngay lúc ấy, một đàn trâu xông đến, đen kịt, hung hăng húc đánh sừng quanh gốc cây. Đàn trâu lên phá kho muối. Trên thân cây nước muối chảy xuống. Thân cây trơ trụi, toác cả vỏ. Tàu lá cọ buộc che mưa kêu lạt xạt, có tàu đã rơi xuống. Những con trâu cúi liếm xồn xột, liếm đến tan cả tàu lá. Vẫn còn hơi muối, lại càng bị kích thích. Tiếng sừng húc, tiếng lưỡi liếm xuống đất tiếng móng va nhau lộp cộp.
Những con trâu nghênh sừng trông ra. Đốm mắt trâu đỏ dòng đọc. Trâu đương hăng tiết. Trâu sắp phát điên. Chúng tôi phải trèo trốn lên một cành ngoã cao, chẩn cúi xuống, giơ khẩu súng "mút" bắn vu vơ mấy phát.
Đàn trâu bỗng chạy toé. Phút chốc, cánh rừng vắng hẳn.
Chẩn ở lại đấy canh không cho trâu trở lại. Đêm ấy, Chẩn ngủ trên cành cây, trước những bì muối. Sớm hôm sau, các nhà ở Vàng Kheo và Cốc Phường - cả mấy chú bé, cô bé nhà đồng chí Quân, nhà ké Hùng và "em" Liễu, "chị" Pin cũng theo vào, vác cả kho muối xuống núi ngay buổi sáng.
Báo đã được in máy cẩn thận. Mỗi tuần hai số, bốn trang bằng cái quạt nan.
Trong cả mấy đống tài liệu báo Cứu Quốc Trung ương để lại, tập báo Việt Nam độc lập in hồi bí mật ở Cao Bằng là quý nhất. Chúng tôi học báo Việt Nam độc lập của Bác Hồ mà làm báo Cứu Quốc Việt Bắc. Một cái tin ngắn Nam Cao cũng viết có nháp, sửa đi sửa lại. Viết rồi đem đọc cho chú Mộc nghe. Có khi đọc cả cho các em bé ở các lán quanh đấy hay quấn quít đến chơi với chúng tôi. Rồi lại sửa lại. Cứ thế, một cái tin, một câu ca dao cũng làm theo lối này. Chúng tôi chữa lại, tờ báo nôm na hơn, dễ hiểu hơn. Đôi khi, bài ca dao của Nam Cao ký tên là Suối Trong lại in lời dịch ra tiếng Tày của Nông Quốc Chấn hoặc một bài xã luận cả hai thứ tiếng Kinh và tiếng Tày.
Những công việc tưởng dễ, đối với những người đã làm nghề viết như chúng tôi. Vậy mà chẳng dễ dàng. Khi Nam cao viết bài, đem đọc đem chữa, viết lại cả buổi. Loay hoay vẫn chưa yên tâm, còn chữa được nữa. Tôi nhớ năm trước viết bài hai trăm chữ cho báo bí mật ở Hà Nội.
Được nhiều thư của bạn đọc gửi về hỏi ý kiến. Bước đầu đã tới những điều mà chúng tôi mong muốn. Tờ báo là bạn của người đọc. Những lá thư mộc mạc đủ mọi chuyện, cả chuyện gia đình, chuyện làng xóm, cách cư xử... Ở báo Việt Nam độc lập khi trước, có cả bài xã luận khuyên cán bộ nữ lúc đi công tác đương có kinh nguyệt không nên lội suối nhiều và có mục kêu gọi bạn đọc ủng hộ chanh để toà báo in li-tô.
Bạn đọc gửi về cho nhà báo hàng túi chanh giúp báo có thể ra đều đặn.
Buổi tối, chúng tôi ngủ cả trong một lán. Ở sườn núi bên kia, chiếc máy in minéc đạp chân lạch cạch, đều đều trong ánh nến nhựa trám. Sáu Hùng đứng máy thật oai. Một máy con con hai bát, chân đạp, tay lật giấy, như người đạp máy khâu. Thế nhưng với chúng tôi lúc ấy, cái máy in bé nhỏ nhất trong các loại máy in này đã là một bước tiến xa. Từ hòn đá hộp mực và con lăn của hoạ sĩ Trần Đình Thọ lên cái máy của công nhân Sáu Hùng nhả ra những tờ báo vuông vắn chữ nối đều đẹp tăm tắp.
Cơm chiều xong, trời cũng vừa tối. Bóng rừng sụp xuống.
Rừng Thâm Pha tối đen như ai bịt mắt. Chúng tôi xúm quanh cái đài. Đài của Nguyễn Tiêu cũng như cái máy minéc, những của cải văn minh này đã khiến cho tờ báo du kích mang vẻ khoa học. Trong khi nghe đài, Cảnh rửa bát trên suối Cảnh vốn nghề đánh máy chữ, bây giờ chỉ việc thổi nấu rửa bát. Cái “suối mơ” chảy ngay dưới sàn nằm, suối mơ thật.
Suối cho nước thổi nấu, rửa bát và ban đêm có thể đái xuống đấy, khỏi ra ngoài, hãi gặp con gấu về tìm quả hạt dẻ. Cán bộ Cảnh lại chuyên vác gạo, đi kiếm rau và thổi cơm. Có khi cất công lên tận châu lỵ Chợ Rã, mua bó thuốc lá còn nguyên lá của người Nùng và mật ong về làm "căng tin”.
Góc sàn trong, dưới ánh nhựa trám, Nam Cao đương “làm việc toà soạn" với chú Mộc. Mộc đọc lại bài báo anh vừa viết. Lại dịch ra tiếng Tày cho chúng tôi cùng học.
Trần Đình Thọ gầy quắt queo, ngồi trầm ngâm với cái tẩu gộc, to bằng nắm tay.
Năm người nằm trên cái sàn tre - với khẩu súng các bin. Thật sự là một tiểu đội du kích.
Dần dà, vào những ngày cuối năm. Cái rét ngăn ngắt đến. Những cây mai nở trắng ngẩn ngơ các đầu xóm báo hiệu lại sắp năm hết Tết đến.
Làng nào cũng ăn Tết trong lán. Ở các mảnh ruộng chân rừng cạnh ngọn nước đã thấy cắm lên những cây tre thẳng tuột, quấn giấy vàng, trên đầu buộc những vòng tròn. Đấy là cột vòng để trai gái ra đánh còn, đánh yến. Anh Ba, anh Học, anh Trúc... Cô Nhạn, cô Eng áo chàm mới. Những quả còn vừa khâu xong tua đỏ tua vàng. Chúng tôi cũng ra chơi còn.
Kháng chiến ở rừng vẫn có Tết như thường.
Giấy và mực, kho chính vẫn để gần Phủ Thông, chỉ cách đồn địch một quãng - ngay trong rừng Vi Hương, chỗ đóng cơ quan khi Tây chưa nhảy dù thị xã.
Kho trong rừng phải cắt lượt đi trông coi. Bởi hàng ngày con hươu, con hoẵng, con chuột đến phá, nhất là mối. Vô ý, soát cột kho mà chỉ nhìn bề ngoài, ba hôm sau xem lại đã thấy đống mối đùn trong, đục thuốn vào, thủng hàng tấc giấy. Cách vài ngày lại phải có hai người xuống cùng dân quân tắt qua rừng, đến xem xét kho.
Nhưng cứ như thế nữa, không được. Đất mới như nhử mối đến, nhiều mối quá. Phải có người ở luôn. Thế là Phúc Mơ xung phong đi coi kho.
Phúc Mơ thợ nhà sách, từ khi lên Bắc Cạn, chuyên làm lán, đánh tranh lợp nhà. Tên anh là Phúc, các bạn còn gọi là Phúc Mơ, bởi Phúc Mơ thích văn thơ và có mộng viết văn.
Em Tước cũng đòi đi với Phúc Mơ. Tước nói: “Cho em đi với. Có hai anh em cho vui?” Tước là một em bé liên lạc ở cơ quan từ Hà Nội đi. Tước ở lại cơ quan Chợ Rã với chúng tôi.
Hồi còn ở Hà Nội, ở nhiều cơ quan, ngày nào cũng có những em thiếu niên xin đi công tác. Những ngày đầu, thiếu niên học sinh cả nước sôi nổi. Công tác của cách mạng bao trùm lên tâm trí hết thảy mọi người, kể cả các em bé. Trên các chuyến tàu Nam tiến đưa Vệ quốc đoàn vào các chiến trường miền Nam, nhiều em trơn nhà bám theo tàu, nhảy lên tàu. Có khi rủ nhau lập thành tiểu đội, trung đội rồi xin gia nhập đoàn quân Vệ quốc. Ở cơ quan nào cũng có những chú bé đến đòi cho em đi liên lạc, làm cấp dưỡng, làm gì cũng làm.
Báo Cứu Quốc cũng vậy, có em đến học sắp chữ, xin đi “làm cách mạng, đi đánh Tây”. Một em theo Phạm Văn Hảo lên Tây Bắc, bị Pháp nhảy dù đánh úp, mất tích. Em Vinh bị vây trong Hà Nội, chạy thoát được ra lại tìm lên Bắc Cạn. Em Cầu, em Tước là những em hăng hái như vậy. Ngay ở Bản Hậu, nơi chúng tôi đương ở, cũng nhiều trẻ em dân tộc đòi theo cơ quan. Các em trong làng không xa nhà bao giờ mà hăng hái thế. Tương và Nhu, mấy năm sau đã theo tôi về dưới Bắc Giang.
Trước hết, tính nơi ở và công việc cho Phúc Mơ và Tước.
Kho tàng bên ấy chẳng qua chỉ ném tạm vào rừng. Tây trong Phủ Thông, nếu hôm nào nó cần chặt, đốt bớt rừng xung quanh, sẽ đi đời mấy cái kho. Đằng nào sang giêng cũng phải tính bốc đi. Phúc Mơ sang để sửa soạn trước việc đó.
Phúc Mơ làm lán ở cách một quãng. Ở đấy, ngày ngày đến kiểm soát kho. Như vậy, vừa xa đồn địch lại bảo đảm bí mật kho tàng.
Trần Đình Thọ có sáng kiến lập một "chi nhánh" in li-tô bên ấy. Ngoài tờ báo tin tức, mở xuất bản in bằng li tô. Ngồi trong rừng có thêm việc hàng ngày. Mà làm việc đến bao nhiêu cũng không thể cạn. Bởi vì kho giấy, kho mực ngay đấy.
Trong tủ sách của toà soạn, có nhiều sách in bằng li-tô của Khu Giải phóng ngày trước. Những quyển Du kích Nga, Ba trẻ anh hùngHạ Môn được lấy ra in lại. Những sách ấy vẫn thích hợp với phong trào đánh du kích bây giờ. Tôi đã tìm được việc làm hàng ngày cùng với công tác coi kho của Phúc Mơ và Tước.
Trước khi đi, chi bộ tổ chức kết nạp Phúc Mơ vào Đảng.
Thế là, chi bộ thêm hai đảng viên mới, ngay trong lúc công tác khẩn trương. Cùng một cảnh trong rừng ở Bản Hậu, nhưng kết nạp Phúc Mơ được tổ chức đàng hoàng hơn hôm kết nạp Nam Cao.
Chúng tôi ở trong lán. Hoạ sĩ Trần Đình Thọ vẽ một hình búa liềm to cài lên vách nứa. Trên sàn có một ống tre cắm hoa mua, hoa sim. Phúc Mơ giơ tay thề tuyệt đối trung thành với Đảng, nước mắt Phúc Mơ ứa ra, như khi Nam Cao giơ tay thề như thế. Đêm ấy, Phúc Mơ kể: "Anh ạ, tôi nhớ bố mẹ tôi, tôi thương bố mẹ tôi, bố mẹ tôi chết năm đói cả rồi”.
Trần Đình Thọ hướng dẫn cách viết chữ ngược, bôi chanh đặt giấy, lăn đá. Rồi Phúc Mơ và em Tước sang giữ kho giấy bên Phủ Thông.
Chỉ tuần lễ sau, đã thấy Tước đeo về địu sách in, xén cẩn thận, buộc hai buộc dây rừng. Hơn trăm quyển Du kích Nga phát hành đợt đầu. Công việc khá tấn tới...
Tết bây giờ mới đến. Nhưng vẻ Tết đã đến từ hôm hoa mai trắng ngần đầu rừng. Anh em quảy gạo sang lán Phúc Mơ và thịt lợn, thịt gà đã kho sẵn, cả những xâu bánh tày của bà con trong làng đem cho cơ quan ngày Tết. Chúng tôi chuyển thư khen của Tổng bộ Việt Minh về công tác kịp thời của chúng tôi ra sách báo cho đồng bào các dân tộc ở Việt Bắc.
Ngoài giêng, Sáu Hùng đưa mấy anh thợ in sang. Ngày Tết, chắc Phúc Mơ đã in được kha khá, phải sang gánh đỡ về. Hơn nữa, bên này đã cạn giấy, đi lấy giấy mực nhân thể.
Xế trưa, tôi đang họp với xã ở lán chủ nhiệm Việt Minh. Mộc vào gọi:
- Anh Tư về ngay!
- Việc gì thế?
- Anh Sáu Hùng về rồi.
- Ờ, để anh họp xong. Bảo anh Sáu Hùng cứ dỡ giấy mực ra.
- Nhưng mà có việc khác kia, anh Sáu Hùng bảo thế.
- Việc gì, chú biết không?
- Em có biết.
- Việc gì thế?
Chú Mộc nói thong thả:
- Tây đốt kho giấy của ta ở Phủ Thông rồi.
Tôi về ngay. Các anh sang gần đến nơi, vào nghỉ lán một nhà quen ở rừng Vi Hương. Cũng để nghe ngóng tình hình. Lúc ấy, có chị xách cái nồi hớt hải chạy ra. Sáu Hùng hỏi:
- Cái gì thế?
Chị ấy nói: "Tây vào ngoài suối, bắt mất hai cán bộ rồi". Sáu Hùng lại hỏi: "Hai cán bộ nào?". Chị, nói: "Hai cán bộ kho giấy ấy mà".
Một lát thấy rừng bên khói lên, rồi tiếng nứa nổ lép bép, rồi ánh lửa đỏ khé ngùn ngụt bốc. Tây đốt kho.
Nhưng cũng chưa tin hẳn. Sáu Hùng chạy theo vào lán sâu, tìm gặp người ẩn trong ấy xem thực hư thế nào.
Một cụ già đi đến.
- Hôm qua, hai cháu cán bộ đến lán nhà cụ chơi. Sáng nay hai cháu xuống suối lấy nước gặp Tây đi tuần. Có người ta trông thấy mà. Còn trông thấy cả Tây đem hai cháu cán bộ về lán, về kho đấy. Nó đốt kho khói đầy rừng kia. Thế là cán bộ làm phản, đem Tây về đốt của cải của đoàn thể ta.
Sáu Hùng và anh em chạy về. Chúng tôi bàn cách chuyển lán đương ở và máy in. Phải đề phòng cả khả năng xấu ấy. Có thể lắm. Có thể Phúc Mơ dẫn Tây sang đây.
Nhưng tôi phân vân, thật phân vân. Tôi không thể hình dung được Phúc Mơ lại như thế.
Tôi bảo anh em không vội. Có gì, mai hãy chuyển cho cẩn thận, và không nên làm hoang mang bà con các lán quanh đây vẫn chưa biết việc xảy ra bên Phủ Thông. Chúng tôi ở lại.
Đêm ấy cắt canh gác suốt đêm. Chúng tôi làm lặng lẽ. Nhưng chỉ đến chập tối, bà con đã biết cả. Không một khe rừng nào thoi thóp ánh lửa. Người ta đã dọn đi hay ở nhà mà không dám đốt lửa. Tự nghĩ thấy xấu hổ. Cơ quan cách mạng mà có người phản bội để lo lắng cho làng xóm. Cả đêm không ai chợp mắt.
Sáng sớm, dưới chân núi, sương phủ trắng trên đèo Giàng. Thật là ngày rồi. Một đêm yên tĩnh, và ngày mùa đông trong óng như thế, tôi lại nghĩ đến Phúc Mơ. Phúc Mơ không thể phản bội.
Sáu Hùng lại sang Phủ Thông. Sáu Hùng bao giờ cũng bồn chồn sôi nổi. Quê anh vùng Canh Diễn. Sáu Hùng lại đi.
Sáu Hùng đi một mình. Sáu Hùng nói: "Để tôi đi một mình đã. Tôi thuộc đường. Lại quen biết hết bên ấy. Đi một mình cho gọn, dễ xoay xoả. Không sao đâu”.
Đến giữa trưa, Sáu Hùng đã về. Đi nhanh như vậy, Sáu Hùng nói to:
- Thằng Phúc Mơ tinh thần lắm. Không phải nó dẫn Tây vào đốt kho đâu. Kho giấy vẫn còn nguyên. Tao vào tận nơi xem rồi mới về đây mà.
Câu nói đó của Sáu Hùng đem lại cho mọi người cái nhẹ người. Không những vì kho không bị đốt, mà vì biết Phúc Mơ không phản bội.
Thì ra buổi sớm, Phúc Mơ và Tước ra suối lấy nước. Ở rừng cẩn thận, theo cách của người khu du kích đã có kinh nghiệm, không làm lán cạnh suối, sợ Tây hay lùng ngược, tìm người ở ngọn nước. Phúc Mơ ở xa suối, mấy ngày mới đi vác nước một lần.
Bọn lính Pháp mò đi lùng theo suối.
Chúng bắt được cả Phúc Mơ và Tước. Chúng đánh hai người ngay trên bờ suối. Phúc Mơ chỉ nhận là người trong làng đi kiếm củi. Hai anh em đều mặc quần áo chàm như người ở đây. Nhưng em Tước lại thắt cái thắt lưng da to bản, kiểu thắt lưng bộ đội. Thế là chúng nó cứ đánh, đánh mãi.
Rồi chúng bắt Phúc Mơ dẫn đến nơi ở. Phúc Mơ và em Tước đưa bọn lính về lán. Vốn quen làm việc gọn gàng ở nhà máy, lại cẩn thận đề phòng. Nơi ở của hai người cũng như lán ở rừng. Trên mặt sàn nằm chỉ có bộ quần áo, cái quang treo xoong cơm và nồi thịt Tết. Nhưng bọn Pháp vẫn nghi ngờ.
Chúng nó lại đánh. Phúc Mơ chỉ một mực nói: “Tôi ở đây”. Em Tước lắc đầu không biết.
Khói và ánh lửa hôm trước trông thấy, chỉ là khói Tây đốt lán Phúc Mơ.
Tôi đã đến họp với các xã, kể cho cán cán bộ xã nghe tinh thần Phúc Mơ và em Tước dũng cảm bảo vệ kho như thế nào.
Mấy hôm sau, chuyển được hết kho giấy mực về. Các làng Dao ở Nà Đông, Cốc Phường, Vàng Kheo, Pic Cáy lại xuống khuân kho cho chúng tôi. Người Dao đi rừng như hổ đi, cứ theo hướng, không cần đường. Vào tận kho, dỡ giấy mực hai ngày liền, mà Pháp ngoài đồn Phủ Thông không hay biết gì.
Chúng tôi vào lán Phúc Mơ ở. Còn thấy được cái ống đựng đậu xanh. Tìm quanh đấy, trong hốc cây có mấy chục quyển Ba trẻ anh hùngHạ Môn.
Đầu mùa hạ, trung đoàn 88 đánh tiêu diệt Phủ Thông.
Bộ đội vào cứu được một số đồng bào. Nhưng không thấy Phúc Mơ và em Tước.
1973
 
Chú thích:
(1) Từ 1947, báo Cứu Quốc ra hàng ngày khắp các chiến khu, gồm có: Cứu Quốc trung ương. Cứu Quốc khu 11 (Hà Nội). Cứu Quốc khu 3, Cứu Quốc khu 10, Cứu Quốc khu 12, Cứu Quốc Việt Bắc, Cứu Quốc khu 4. Cứu Quốc khu 5, Cứu Quốc Nam Bộ.