Chương 7

Mấy năm sau, thầy tôi trở về.
Tôi đã vọc vạch, đọc thông được quốc ngữ. Biết làm tính cộng, cũng thử được tính trừ, thày giáo Đức đi rồi, trường bỏ không. Tôi cất sách bút vào gậm giường thờ, ở nhà. Tôi làm giấy đỡ u. Chiều chiều, đem cái cút con đi mua rượu cho ông ngoại. Trong nhà quê, ông nội tôi cũng mất rồi.
U tôi đem tôi về quê nội mấy hôm. Buổi trưa nghe ngoài cửa ngang vẳng tiếng chó sủa. Tôi trông ra ngõ, thấy đi vào một người mặc áo dài đen bóng nhoáng, xương xương, da ngăm đen, mắt đeo kính rợp, một tay cắp một gói lớn bọc giấy nhật trình. Đứng trong cửa buồng, bác cả Gái tôi reo to:
- Ơ, chú Hai?
Trong nhà, bác Cả giai chạy ra:
- Kìa, chú. Chú về. Cháu kìa...
Tôi đứng ngẩn. Bác Cả tôi vốn tính nói nhanh, hấp tấp tiếng nọ cưỡi lên tiếng kia.
- Bố cháu đấy. Bố cháu ở trong Sà Goòng về đấy. Chú về bao giờ? Chú về thẳng nhà hay chú đã tạt lên Bưởi?
À, thày tôi ở Sài Gòn về. Năm thày tôi đi, tôi mới lên sáu tôi không nhận lại được. Thày tôi nói với bác Cả:
- Con vện nhà ta khôn quá. Lâu ngày thế mà nó thấy tôi chỉ cắn một tiếng rồi ve vẩy đuôi, lảng vào gốc cam.
Thày tôi đặt cái bọc nhật trình xuống ghế. Thày tôi hỏi bà tôi đâu? Rồi thày tôi bỏ mũ lên trước bàn thờ ông tôi, thì thụp lễ. Ở trong buồng bà tôi che vạt áo lên mặt, khóc lu loa...
Hờ anh ơi, anh bỏ nhà cửa anh đi đằng nào, bây giờ con anh về đây cháu anh về đây, anh
đâu anh không về... hờ ơ ơ...
Nhưng chỉ khóc hai ba câu, rồi bà lập cập đi lần ra ngoài.
Nước mắt tuôn ròng xuống mảnh yếm nâu. Bà nội tôi mắt kém. Về mùa rét, rận bò ra cả áo không biết. Trên khuôn mặt nhăn nheo xộc xệch, lèm nhèm hai con mắt lờ đờ cùi nhãn.
Xung quanh vành mắt lầy nhầy, lông mi đã rụng hết. Lông mày thì bạc phơ. Chẳng mấy lúc nhà đã đầy người. U tôi ở dưới bếp lên. U tôi nhòm cửa bếp, biết thày tôi ở Sà goòng về nhưng nấn ná lên sau thím Ba. Chị Cóc con bác Cả chạy đi gọi chú Ba. Chú Ba ở ngoài đồng. Anh Đợt, cũng con bác Cả đằng sau vườn nhào vào. Bà Ba tôi, đến lúc chiều vàng vàng mặt trời, mới ở chợ về, quảy cả một gánh cau khô, thuốc lào lù lù vào sân. Bà về chợ, thấy người ta nói "Bác Quỳ nhà ông phó Giáo trên xóm Đồng ở Sài Goòng về". Bà tất tưởi chạy vào chưa kịp về nhà.
Mọi người xôn xao mừng rỡ, tôi lủi ra đằng đầu nhà. Tôi cúi đầu, ngắt những cánh hoa cải vàng. Một ý gì buồn bã đến tôi. Tôi thường có những nỗi buồn vẩn vơ rất đột nhiên. Xỏ tay mặc một tấm áo mới hay một cái quần chúc bâu còn xột xạt hồ tôi cũng tần ngần buồn một lúc thật lâu mới quen.
Thày tôi ở Sà Goòng về. Thày tôi đi lâu ngày như thế. Thày tôi đi từ khi còn cái Hồ mà u tôi thường nói rằng đêm hôm ấy thày tôi nhổ hai bãi nước bọt vào lòng bàn tay chúng tôi.
- Mày ra đây làm gì?
Tôi ngẩng mặt lên giữa những tiếng cười khúc khích của Đợt. Đợt đứng cạnh từ lúc nào. Bỗng Đợt kêu:
- Ơ, thằng này khóc. Thím Hai ơi, nó khóc...
Tôi cũng không biết tôi đã khóc. Tôi đưa tay lên mắt.
Nước mắt đã đọng sẵn, chảy tràn ngay xuống má. Tôi bỗng oà khóc. Tôi khóc thực to, thảm thiết như là bị ai đánh đòn. Tôi cứ úp mặt vào áo u, gào ngằn ngặt, lẫn trong tiếng cười nói um xùm của các bà con đến chơi. Bác Cả pha một câu: “Cháu khóc sẵn, kẻo sợ thày đánh đấy. Cháu ở nhà hư lắm, chú Hai ạ?".
Hôm ấy được một bữa khóc vui, u không mắng. Đến chiều, tôi đã quen với thày tôi. Tối hôm ấy, tôi nằm ngủ ở phản giữa. Tôi nằm bên, thoáng ngửi một mùi thơm lạ mà tôi biết là mùi xà phòng thơm. Ban chiều thày tôi mở gói giấy nhật trình. Gói đựng nhiều thứ. Một bọc kẹo to, chia đều cả nhà. Có một hộp sữa bò tròn, một cục súc-cù-là hăng hắc đen như bùn gói quanh miếng giấy trang kim bạc. Sữa và súc-cù-là ấy, phần quà cho tôi. Thày tôi bảo có hòm đồ đạc còn gửi ngoài phố. Thày tôi có trong bọc một bánh xà phòng màu vàng lợt. Xà phòng sát vào tay, hai bàn tay thơm lừng. Tôi lại rửa hai chân bằng nước xà phòng. Đêm đi ngủ hãy còn thơm chân. Mùi xà phòng, mùi băng phiến. Những mùi thơm mới mẻ, tôi nằm chập chờn tưởng đến cái phương xa mà thày tôi vừa ở đấy về.
Trong những ngày ở quê, nhiều lần thày tôi kể những chuyện dọn đường cho tôi và Đợt nghe. Đợt là vai trên nhưng nó cũng bằng tuổi tôi.
Ôi, kỳ lạ biết bao con đường vào phương nam. Sau này nhiều lần, tôi đã qua con đường vào miền Nam xưa thày tôi đã đi, nhưng tôi không thấy nó giống mảy may trong tưởng tượng có con đường dài hun hút, qua những núi rừng âm u nhiều ma gấp trăm đường Phan Rang, Phan Rí của ông ngoại tôi Có chỗ tầu hoả. Có chỗ xe ô tô chạy, lại cũng có chỗ phải ra bể đáp tàu thuỷ. Bể rộng liền với trời và không có đáy. Giữa bể có một cái rốn nước xoáy vào đấy. Thuyền nào vô phúc chèo đến gần rốn bể bị xoáy cuốn mất tích. Đến cái tàu thuỷ to bằng cả làng tôi, rốn bể cũng hút mất như thường.
Ngoài bể có giống cá ông voi to bằng cái đình làng ta. Ném chùm dừa xuống nó nuốt chửng. Ném cái cối đá xuống nó cũng nuốt. Một lần kia, con cá ông voi nuốt cả một cái thuyền và một nhà thuyền chài. Anh chài ở trong bụng cá cứ lấy dao lóc thịt cá ông voi mà chén. Như vậy, sống được một tháng. Cứ đến bữa anh chài xẻo thịt, cá ông voi đau quá, chạy cuồng khắp bốn bể. Rồi kiệt sức, lên nằm chết trên bãi cát. Anh thuyền chài can đảm kia rạch bụng cá chui ra, lại còn kéo được cả thuyền của mình ra nữa.
Hàng tháng vượt bấy nhiêu rừng và bể cá thì sang đến Sà Goòng. Ôi 2, số 3 rồi mở 7, chạy nhanh nhất. Vùng tôi có tiếng "chạy mở bảy" là vì thế.
Cái tầu chạy vui quá. Bánh lăn, chuyển rập rình, rập rình. Tiếng gì dài dặc liên miên như tiếng mưa rào. Chuông kéo reeng reeng. Đằng cuối, còi đáp lại huý huý. Gió lùa vào trong cửa phần phật. Ôi chao, tầu đã lượn đến bờ hồ Tây. Gió mát thổi nhẹ người, bay mất cơn buồn ngủ. Ngoài xa, mênh mang một rừng cây lá rút xanh ngòm. Bên trên, giải dài một lưỡi nước trắng tinh. Trong khung cửa tầu, hiện lên nền trời xanh lơ lửng, ngọn núi Tam Đảo màu lam già, như vừa mới nhô ra. Kề bên mặt nước, lô xô những mái đỏ và mảnh tường sang sáng. Hà Nội ở phía đó.
Lác đác đã hiện ra vài con đường phẳng rẽ ngang, rẽ dọc chặp vào nhau. Xe cao su ngẩn ngơ cu-li kéo. Rồi những toà nhà hai tầng sát cánh đứng liền dãy. Người đi ùn ùn, xô nhau bước. Cái tường chợ Đồng Xuân lỗ chỗ như mặt tổ ong bò vẽ.
Xuống tầu, người lên xuống đông quá, tôi không chen được, đứng bẹp một chỗ, hai tay ôm mũ. Người đâu mà kéo ra lắm thế. Còn gì uôm uôm như ễnh ương ngày mưa. Nỗi vui sướng được ra Kẻ Chợ vơ vẩn với nỗi lo vẫn được nghe nói hàng ngày về những cái tai quái ở nơi đô hội. Kẻ cắp, nặc nô, ô tô, đội xếp, hàng rong, bài tây. Trẻ con Hà Nội trèo me trèo sấu nhanh như chuột. Đủ các thứ sợ. Tôi đi nép bên u, mắt liếc nghệch ngơ ngác. Hồ Gươm xanh rờn như nước lơ, nước rau muống trong chậu. Phố Hàng Đào có đôi giày và cái mũ khổng lồ treo lơ lửng. Cái gương soi vào thì lùn người. Cái ô to tướng, móc lủng lẳng. Con trâu vàng. Cờ xanh cờ đỏ phấp phới. Những tấm bảng cửa màu vàng lớn, nhỏ, nhấp nhô rối mắt. Rừng người nghìn nghịt, xôn xao...
Người thợ ảnh bảo u tôi ngồi ra cái ghế giữa nhà. Chúng tôi mỗi đứa một bên cạnh. Bỗng bác chụp ảnh đẩy cái máy to cao lù lù như con trâu, lăn từ đằng góc phòng lại tới trước mặt chúng tôi. Cái Hồ khóc thét. Tôi, bình tĩnh hơn nó, lơ láo ngó con quái vật. Nó không phải là con trâu. Nó tựa một cái thùng gì bí mật, trùm miếng vải đen rủ lê thê xuống hai cẳng chân gỗ có bánh xe. Phía trước lồi ra cái mõm nhăn nhở đen xỉn. Đầu mõm, lóng lánh một miếng kính tròn nhìn chúng tôi.
Bác thợ ảnh chui đầu vào trong bụng máy. Mảnh vải đen bụng nhụng trên đầu bác. Bộ như bác sắp làm trò quỷ thuật.
Bác thợ ảnh nhấp nhô nấp trong bụng máy, thò một bàn tay cầm cái chuông đồng. Bác lắc. Bác nói:
- Ê ê Trông vào đây... Loong... coong... Trông vào đây... Loong... coong... Cười đi, cười đi...
Tôi ngoái đầu lại xem. Bác thợ ảnh tung vuông vải đen chui ra, bác cười toe toét:
- Xong rồi. Gớm, phải làm mẹo chuông loong coong mới chụp được nổi cậu này.
Ở hiệu ảnh phố Hàng Bồ ra, u tôi đem chúng tôi ra Bờ Hồ.
Phố đông, cái Hồ không đi bộ được. U tôi ẵm Hồ đi trước.
Tôi nhếch nhải theo sau. Đôi chốc, tôi lại ngó sang hai bên bờ hè ngắm cái tủ gương loang loáng cùng người, xe chuyển vùn vụt. Mắt mải nghếch, đôi lúc trông lên, thấy u tôi đã bỏ xa một quãng, có đến mấy lần như vậy.
Tới đầu một phố nhốn nháo đông người. Chỗ cái máy nước thùng sắt tây va xoang xoảng, người tranh lấy nước như sắp đánh nhau. Bỗng một gã áo trắng, quần thâm, đầu đội mũ nồi đen xông xáo từ đám đông, trong nháy mắt bước theo u tôi. Trước còn cách một bước, sau sát đến tận nơi. Hai tay gã giơ lên vai u tôi, nắm cái dây khoá bạc trong cổ cái Hồ, gỡ ngay xuống nhanh như lấy cái dây khoá để sẵn trên vai u tôi.
Rõ ràng tôi trông thấy gã bỏ cái dây bạc vào túi áo. Gã quay ngoắt lại, mặt trông nhâng nhâng, thản nhiên trở về chỗ máy nước. Tôi rảo bước chạy theo u. Rồi tôi đi như thường.
Một lúc sau, u tôi nhìn không thấy cái dây chìa khoá bạc ở cổ cái Hồ. Mặt u tôi xám lại, ngơ ngác nhìn tôi. Tôi bần thần bảo u:
- Lúc nãy trông thấy thằng đằng kia lấy cái khoá.
U tôi rối rít, loanh quanh. Hồ ngơ ngẩn, nước mắt vòng dưới mi. U tôi cuốc tôi một cái vào đầu, nói xít trong răng:
- Trông thấy thằng kẻ cắp sao không bảo?
Tôi hu hu hu hu.
- Câm cái mồm, không tao giết bây giờ
- Vâng... Hức?
U tôi hỏi:
- Thấy thằng kẻ cắp lúc nào?
- Thấy ở chỗ đằng kia.
U tôi quay lại chỗ máy nước đầu phố.
Xung quanh máy, ràn rạt người. Người ấn vòi. Người đặt thùng. Người quẩy. Đâu thằng kẻ cắp? Tôi không biết. U tôi đành ẵm Hồ đi. Tôi cúi mặt như đứa chịu tội. U tôi làu bàu lẩm bẩm nói, tôi không nghe rõ. Chỉ thoáng vẳng... về bà bảo cho... Con nhà lớ ngớ như gà toi... bà để tội cho mày về nhà...
U tôi rẽ xuống một phố sâu, đường lầm và rác rưởi, rồi vào một cửa hàng bán đồ vàng bạc. Chỉ một chốc, u tôi ẵm Hồ ra. Cổ áo nó, sáng trắng cái dây chìa khoá bạc, như cái dây mất lúc nãy. Tôi đứng thập thò ngoài cửa hiệu. U tôi dặn doạ:
- Về nhà không được nói với ai là mất dây chìa khoá. Ai mà biết, tao đánh mày chết.
Tôi chẳng bao giờ dám nói cái chuyện mất cắp và chuyện mua vòng mới ấy với ai.
Trong kỷ niệm tôi mang bao nhiêu chuyến ra Kẻ Chợ.
Những lần dì Niêm đem đi xem hội Tây, xem rước Săng Ty xem tuồng Quảng Lạc. Nhưng nhớ hơn cả là nhớ lần đi chụp ảnh lắm cái rắc rối đó. Hôm lấy ảnh về, cả nhà xúm vào xem cùng trầm trồ khen là hệt. Ai cũng cười cái mặt ơ ơ của tôi.
Riêng tôi, tôi nghĩ luẩn quẩn lấy làm lạ làm sao tôi lại đứng trong ấy, rõ ràng là hình tôi.
Đầu tháng tư, Hồ và tôi, hai anh em cùng lên sởi. Tôi sốt trước, phải nghỉ học. Người tôi mẩn đỏ, lẩn mẩn, người như rôm. Được mấy hôm, sởi lặn. Mặt tôi khô se, róc từng đám gãi ra những vảy trắng lả tả. Giữa lúc ấy, bệnh sởi của Hồ bắt đầu.
Tôi không nhớ rành rõ được những ngày đau yếu của Hồ thế nào. Cả nhà ai cũng yêu Hồ hơn yêu tôi. U tôi hay ẵm nó. Nó nói leo lẻo. Mà ông tôi thì mắng tôi chẳng hề bao giờ mắng nó. Tôi biết Hồ ốm nằm trong giường u tôi. Nó vẫn nằm ngủ giường u trong buồng. Nó lên sởi nhưng không ai dám nhắc đến hai chữ “lên sởi". Tôi cũng không biết nó lên sởi.
Một buổi sáng, mặt trời đã lên ngọn dừa, tôi chạy gọi dì mặc áo cho tôi đi học. Bà tôi khẽ bảo:
- Hôm nay Cu nghỉ học.
Có một cái gì khác lắm. Tôi đem sách ra ngoài đầu hè định đọc. Ông tôi chỉ tay, cấm. Mọi người chạy ra, chạy vào cửa buồng. Tôi cũng lén vào. Nhưng dì Niêm giữ tôi lại. Tuy vậy, tôi cũng ghé được mặt nhìn vào, thấy cái Hồ nằm trên giường. Mắt nó nhắm, như ngủ. Mặt nó trắng xanh xanh hơn ngày thường. U tôi ngồi cuối giường.
Vào quãng mười giờ sáng, cả nhà tôi khóc ầm lên, xúm lại cửa buồng. Bà tôi mếu máo chạy xuống bếp, lại chạy lên.
Ông tôi ẵm Hồ ra nhà ngoài. Ông tôi đặt Hồ xuống đất, ngay gian giữa. Mắt nó vẫn nhắm. Mặt nó xanh như ban nãy. Tôi không hiểu là nó đã chết. Ông tôi vuốt mắt nó, bảo:
- Hỏng rồi.
Dì Bảy lật đật cõng tôi ra ngõ. Tôi cũng khóc. Dì Bảy cõng tôi vào trong xóm Trong, không cho tôi ở nhà, giữa lúc nhiều người trong xóm chạy đến.
Đến trưa tôi được về. Đến bờ giếng thấy hai người khiêng cái săng gỗ trắng bệch tròng hai dẻ mảnh thừng ra đằng cổng đồng. Trên nắp áo quan, có bát cơm thắp hương. Dì tôi cõng tôi, cung cúc chạy. Vừa chạy, vừa khóc rưng rức. Tôi ngơ ngẩn sợ nép xuống lưng dì.
Tôi cứ ngờ ngợ không bao giờ tin buổi sáng hôm ấy, cái Hồ chết. Chết là thế a? Tôi cứ tưởng hình như rồi một buổi chiều nào, Hồ lại lủi thủi trở về. Nó rón rén đi vào đầu ngõ cái mặt xanh xanh hời cúi, như mọi ngày.
Nằm trong buồng, u tôi quay mặt vào tường, khóc buổi sáng và buổi tối. Được mươi ngày, ông tôi kê giường cho u tôi xuống nằm nhà dưới. Gian cũ ấy khiêng vào một cái án thư để làm bàn thờ. Buổi chiều nào cũng thắp hương. Dì Bảy sang bên vùng Bắc gọi hồn cái Hồ mấy lần. Thỉnh thoảng u tôi nói rằng: "Độ đầu năm, mở quẻ Kiều có hai câu: Thiếp như hoa đã lìa cành, Chàng như con bướm liệng vành mà chơi. Nghiệm quá... ới con ơi a...". Lại khóc.
Ở trong Sài Gòn thày tôi gửi thư về, lá nào cũng hỏi con Hồ có ngoan không? Hồ đã biết "xắm" giấy đỡ u chưa?
U tôi nhờ người viết cho thày tôi biết ở nhà trẻ con vẫn ăn chơi như thường. Mỗi lần gùi thư đi, u tôi lại khóc.