Chương Mười Lăm

Từ lúc Ngọc Bích rời thành phố, ngoài Đoan Hạnh ra, Hạ hoàn toàn không liên lạc với người bạn nào trong lớp 12C Huyền Trân ngày xưa. Tám tháng học ở trường Cao Đẳng cùng với những cựu sinh viên Đại Học của các trường Đại học các nơi về, Hạ không thích sự chênh lệch tuổi tác và lối xưng hô “anh, chị và tôi” hay “tao và mày” của họ. Tuy nhiên, khóa học Cao Đẳng Sư Phạm đầu tiên được tổ chức tại Nha Trang này là nơi thử thách của giáo viên miền Bắc với những câu hỏi hóc búa của sinh viên miền Nam và là nơi sinh viên miền Nam có cơ hội so sánh những gì họ đang tiếp nhận với những điều họ đã hiểu biết. Trong những buổi thảo luận về lịch sử, chính trị, hay xã hội, Hạ thích nghe những lý luận của hai nhóm sinh viên cũ từ Sài Gòn, Đà Lạt và nhóm xu thời. Hai nhóm này luôn luôn tranh cãi nhau về hai thuyết khác nhau là duy vật và duy tâm. Một lý thuyết nêu cao vai trò tập thể, còn thuyết kia đề cập đến cố gắng của cá nhân. Lý thuyết duy vật được áp dụng ở các nước Cộng Sản và tôn thờ bởi những người tin chủ nghĩa Cộng Sản. Nhóm tin vào chủ nghĩa duy vật dùng nhiều bằng chứng để hùng hồn chứng minh vai trò tập thể và ích lợi của việc làm ăn tập thể nhưng họ lại ngớ ngẩn khi bị vặn về trường hợp cá nhân đặc biệt của Jules Vernes do nhóm sinh viên cũ ở Sài Gòn và Đà Lạt đưa ra. Hạ không hiểu những người xu thời có biết Jules Vernes là ai và những truyện khoa học giả tưởng của ông đã trở thành hiện thực như thế nào không. Hạ chỉ biết là chứng kiến những buổi tranh cãi như thế rất cần thiết và có ích cho sự hiểu biết của Hạ. Học chung với những người lớn tuổi, những người đã từng học đại học ngày xưa thật là thú vị bởi vì trình độ hiểu biết khá rộng khiến cho họ có những lý luận rất xác đáng và thực tế mà không có một kiến thức đơn phương nào có thể lung lạc họ được. Trong những buổi sinh hoạt chung, mấy anh chị cựu sinh viên trong lớp Hạ đã bày cho nhau những bài hát với âm điệu nhẹ nhàng ngày xưa:
“Gần nhau trao cho nhau yêu thương tình loài người.
Gần nhau trao cho nhau tim yêu đừng gian dối
Gần nhau trao cho nhau ánh mắt nhân loại này
Tình yêu trao cho nhau xây đắp trên tình người.
Cho dù rừng thay lá xanh đi Cho dù bầu trời thiếu mây bay
Ta vẫn yêu thương nhau mãi mãi...”
  Những âm điệu này có thể bị cho là loại nhạc ru ngủ nhưng vì lời nhạc không có ý gì phản lại chính quyền mới nên những giáo viên trong trường bỏ lơ đi. Còn tụi sinh viên miền Nam của bọn Hạ vẫn sống yêu thương nhau với dư âm ngày xưa, cho dù mọi cái hoàn toàn thay đổi.
  Sau khi đi lao động và thực tập, Hạ chính thức ra trường. Thời gian học trong trường Cao đẳng Sư Phạm, Hạ không tìm thấy điều gì mới lạ trong tình cảm để thay đổi nỗi buồn riêng. Những chiều chuộng và lời nói văn hoa của những người bạn trong trường không chinh phục được trái tim ngang bướng của Hạ. Từ lúc bặt tin Anh, Hạ không biết những người ngày xưa thay đổi như thế nào. Đi giữa Nha Trang, đi trên cát biển,
Hạ mơ hồ như mình sống ở kiếp nào khác mà trong đó thời gian xưa như một giấc mơ. Hạ không hiểu giấc mơ xưa đang từ từ lần chết trong Hạ hay Hạ đang sống như người đang chết trong giấc mơ xưa.
Sau khi ra trường, Hạ lập tức đăng ký tình nguyện ra khỏi tỉnh Khánh Hòa, mà lúc đó gọi là Phú Khánh, để không còn phải ở lại Nha Trang. Ngày nhận giấy báo đi Thuận Hải, má buồn không hiểu lý do gì khiến Hạ muốn rời thành phố. Còn nhỏ Vy thì ấm ức:
- Chị Hạ đã không hứa là chị em mình sẽ ở chung với nhau sao? Sao chị bỏ em?
Hạ muốn tâm sự thật nhiều với Vy nhưng thấy không ích gì nên đành im lặng:
- Chị sẽ luôn gửi tiền về giúp má và giúp Vy học đến lúc ra trường. Chị sẽ về thường xuyên thăm Vy mà.
  Đầu tháng tư năm 1976, Hạ chính thức là giáo viên cấp hai của trường Hải Ninh, Sông Mao. Hạ dạy môn địa lý từ khối lớp sáu cho đến khối lớp chín. Một tháng làm cô giáo cấp hai thực sự là việc quá mức đối với Hạ. Những đứa học sinh to lớn, nghịch ngợm như câu “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” làm Hạ phải tự tập cho giọng nói mình cứng hơn và cặp mắt nhìn thẳng nghiêm nghị hơn.
Hết một tháng làm cô giáo, Hạ vào Sài Gòn thăm Ngọc Bích như đã hứa. Ngọc Bích làm ở một nhà máy dệt tơ lụa gần Lăng Cha Cả. Bích đưa Hạ thăm gia đình, chỗ làm và mọi nơi trong thành phố Sài Gòn.
Khi đến chỗ ở của Ngọc Bích, nhìn cảnh chật chội trong căn phòng thuê, Hạ thấy buồn cho gia đình Ngọc Bích, nhưng cảm thấy yên tâm vì con nhỏ đã thích nghi với môi trường mới. Hạ ngạc nhiên biết bao khi thấy con nhỏ đạp xe đạp đòn dông thành thạo đến độ không thể tin được. Dáng người cao thanh mảnh với mái tóc dài thẳng mượt đến lưng đã tạo cho nhỏ một cái vẻ ưa nhìn bên chiếc xe loại này.  Ngọc Bích bày Hạ ngồi ở đòn dông rồi chở Hạ đi dưới những con đường có lá me bay như Hạ từng mơ ước trước đây. Mùi thơm dìu dịu trong tóc nhỏ toát ra. Hạ mỉm cười không hiểu sao cái người đẹp này hay làm khổ bao nhiêu người con trai lại là người thương yêu và chiều chuộng Hạ hết lòng.
Ngọc Bích lên tiếng bên tai:
- Ghét thật! Khuôn mặt Đan Hạ cái gì cũng dễ thương, ngoại trừ cái miệng móm.
  Hạ cãi lại:
- Không đâu, Hạ thích cái miệng móm này vì như thế Hạ mới giống ba Hạ. Hạ chỉ có cái này của ba khi ba Hạ qua đời. 
Ngọc Bích chọc: 
-  Mới làm cô giáo có một tháng mà giọng nói của Đan Hạ cứng kinh khủng.
    Hạ đỏ mặt:
- Cũng chịu thôi chứ giọng nhão nhoẹt tụi học trò chọc hoài chán lắm.
Im lặng một lúc, Ngọc Bích nói:
- Ngọc Bích nhớ Nha Trang và biển!
-Vậy thì về Nha Trang với Hạ đi.
- Ngọc Bích sẽ về mà.
 
 
  Ngọc Bích đã trở lại thăm Nha Trang như đã hứa. Không như ở Sài Gòn, Hạ và Ngọc Bích đạp xe mini song đôi dạo thành phố rồi tắm biển. Vì chỉ được ở Nha Trang một ngày duy nhất nên Ngọc Bích dành tất cả thời gian cho biển. Con nhỏ bơi sải xa thật xa ngoài khơi như muốn ôm hết biển vào lòng, rồi thả người nổi lềnh bềnh một nơi riêng biệt để nhìn lên trời.
Khi trở vào bờ, nằm dài trên bờ cát, con nhỏ nói:
- Ngọc Bích phải lấy hết nắng Nha Trang để khi vào Sài Gòn đỡ nhớ nhà!
  Hạ buồn lo: 
- Ngọc Bích còn có về đây không?
- Nếu Ngọc Bích còn ở Việt Nam, Ngọc Bích sẽ luôn về thăm Nha Trang, thăm biển và thăm Đan Hạ.
  Hạ hiểu là Ngọc Bích sẽ rời Việt Nam một ngày nào đó bởi vì không ít người muốn đưa Ngọc Bích ra nước ngoài dù với hình thức nào. Thời gian này, thành phố vắng vẻ hơn vì mọi người ít đi lại. Thêm vào đó, những chuyến vượt biển thành công làm số người ở Nha Trang ngày xưa đã ít, càng ít đi. Mà không riêng gì ở Nha Trang, hầu như thanh niên miền Nam âm thầm tìm cách trốn khỏi quê hương bằng đường biển. Những bức thư của những người thành công hun đúc thêm sự kiên nhẫn của những người đang thực hiện. Ngọc Bích sẽ là một trong những người kiên nhẫn ấy.
  Khi hai đứa chia tay nhau, Hạ thực sự hiểu rằng những gì thuộc về ngày xưa sẽ mất đi vĩnh viễn. Hạ sẽ trở lại Sông Mao và Ngọc Bích sẽ biền biệt ở Sài Gòn hay nơi nào xa xôi hơn nữa, còn Nha Trang thì trả lại cho biển.