CHƯƠNG II - 9
Địa chủ hụt

Mẹ tôi có cơi trầu ăn hỏi từ năm mười ba, tận năm hăm mốt mới về nhà chồng. Cứ chuẩn bị cưới, thì không bên nọ có tang, lại bên này có tang. Tang một năm, tang chín tháng, tang sáu tháng. Nghĩa là tuỳ theo quan hệ dây mơ, rễ má, mà chịu tang. Tám năm trời nhà trai vất vả sêu tết. Đoan Ngọ mùng năm tháng năm, tết ngỗng; Trung thu, tết hồng cốm; Nguyên đán, tết gạo,....
Tết nhiều thì nhà gái sướng. Chẳng phải vì quà cáp, cái chính là vinh dự trước bàn dân thiên hạ, con gái có người sêu tết. Như nhà ông bà ngoại tôi, được sêu tết, tính ra lại lõm.
Ông bà nội và ông bà ngoại tôi người cùng làng, cái làng có nghề thủ công, ở Hà Nam. Trai làng có thể lấy gái thiên hạ, chứ gái làng lấy chồng, nhất thiết phải trai cùng làng. Làng có lời nguyền, con gái lấy chồng thiên hạ, thì chết một đời cha, ba đời con.
Dân làng tôi thường tản mát đến các bến, các phố buôn bán và làm nghề. Hàng năm vào hội làng, hay Tết, họ tụ tập về quê.
Gia đình ông bà nội và ông bà ngoại tôi sống ở hai bến. Ông nội tôi sống bến ở Phủ Tiên Hưng, Thái Bình. Dịp sêu tết ông đi xe tay ra phủ lỵ nơi ông ngoại tôi sống, quãng đường hơn ba chục cây số. Trong những dịp sêu tết, ông ngoại tôi là người khoái trí nhất. Ông cụ có cớ để vui vẻ công khai. Những dịp khách khứa như vậy, nhất thiết chủ nhà phải khoản đãi khách. Thông gia tương lai thuộc hàng khách trọng, nhất thiết trong khoản đãi, phải có chầu tom chát.
Mẹ tôi kể, chính bà rất thích nghe và ngắm cô đầu. Họ hát hay lắm, người lại đẹp nữa. Được nghe, được ngắm cô đầu, bởi mỗi lần ông ngoại tiếp khách bằng tom chát, đến bữa, mẹ tôi được bà ngoại sai đi mời ông ngoại và khách về ăn cơm. Lắm hôm đến quán cô đầu, thấp thó đứng nghe, vì hay quá, bà quên cả việc chính của mình. Con gái mới lớn, nhìn các cô đầu quần là áo lượt, ai chẳng mê.
Tám năm được sêu tết, mà ngày cưới, mẹ tôi thật vất vả. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, phủ lỵ quê tôi thực hiện tiêu thổ kháng chiến, dinh cơ của bà ngoại tôi bị tống rơm đốt tiệt. Gia đình chạy tản cư về Quán Cháy, thuộc Thái Bình. Ngày cưới của bà diễn ra tại nơi tản cư này.
 Ngoài mê hát cô đầu, ông ngoại tôi còn thú đánh bạc và hút thuốc phiện. Ông dân diện bạch đinh, còn bà ngoại là con ông chánh tổng. Chánh tổng mà lại gả con gái cho bạch đinh, chuyện hơi lạ. Cụ chánh tổng nghiện thuốc phiện, anh chàng bạch đinh giỏi tiêm thuốc. Trong khi tiêm thuốc cho cụ tổng, chàng bạch đinh khéo cưa kéo, khéo đến mức cụ chánh gả cô con gái rượu cho.
Phố phủ quê tôi có cửa hiệu bán thuốc phiện công khai, đại lý của nhà bà Nghị Thích ở phố To. Trước cửa hiệu treo cờ vàng, trên ghi hai chữ: R.0 - Régie opium - Đại lý thuốc phiện. Cùng với cửa hiệu R.0, còn có cửa hiệu R.A - Régie Alcool - Đại lý rượu.
Có một ông chồng chẳng chú ý tới việc làm ăn của gia đình, suốt ngày chỉ hát hò, hút xách, mình bà vợ buôn bán, nhà vẫn giàu. Nhà bà ngoại tôi có tới hai dinh cơ ở phố phủ, lại còn dư tiền về quê tậu mấy mẫu ruộng. Vì giàu có và sai lầm đầu tư vào đất, nên trong Cải cách ruộng đất, ông bà ngoại tôi bị quy là địa chủ. May mà sau sửa sai, được xuống thành phần.
Nhà ông bà ngoại tôi đã khốn khổ về cái chức địa chủ trượt đó. Cha tôi là chàng rể cũng vạ lây. Sợ liên luỵ đến các em, ông đành bồng bế vợ con rời đất phủ Tiên Hưng, nơi ông đang sống cùng mẹ đẻ và các em, về sống gần ông bà nhạc cho cùng nhục một thể.
Người ngoài đấu, người trong họ đấu và suýt nữa thì ông bà ngoại tôi bị cô con gái nuôi cũng đấu. Năm đói Ất Dậu bốn lăm, đi chợ bán hàng, mẹ tôi xin về một cô bé. Mẹ tôi kể, nhà ấy có ba bố con, bà tôi xin đứa lớn. Năm ấy cô chừng tám, chín tuổi. Cũng khó đoán, vì đói kém, mà trẻ ngày đó ngơ ngơ lắm, cứ như bây giờ, tầm tuổi ấy, chúng biết tuốt.
Xin về, mẹ đặt cho cô cái tên là Gái. Cô Gái chẳng rõ quê quán mình ở đâu, tên bố mẹ là gì. Lúc mẹ tôi xin, ông bố muốn cho luôn hai chị em, nhưng bà chỉ nhận một. Mẹ tôi cho ông ta ít tiền. Bà đồ rằng, chắc rồi mấy ngày sau bố con ông ta cũng chết.
Các nhà ở phố rất kỵ xác chết đói trước cửa. Muốn xua đuổi kẻ đói, cứ vào chập tối, nhà chủ mang nước ra đổ ở vỉa hè. Ướt, người đói nằm lạnh, không ngủ được, phải bò đi chỗ khác. Số người chết đói kéo về phố phủ  không thống kê chính xác được là bao nhiêu. Xin lấy một xã gần phủ lỵ, xã Tươi Sáng. Xã này có non ba ngàn dân, mà năm Ất Dậu chết đến hơn một ngàn hai trăm người.
Dắt cô Gái về nhà, mẹ tôi đưa cô Gái đi lòng vòng khắp phố. Bà nghĩ, đưa đi như thế, sau này cô Gái không biết đường về nhà mình nữa. Mới đầu mẹ tôi định nhận cô làm con nuôi, những sau có ý ra ý vào, bảo con gái chưa chồng, làm gì mà nhận con nuôi. Thế là mẹ tôi chuyển cô Gái thành em nuôi. Lúc mới đưa về, mẹ tôi bị ông ngoại tế cho một trận. Ông bảo, rước khỉ về nhà. Đúng là cô Gái như con khỉ, người xanh xao, gầy nhẳng, chấy rận, ghẻ lở đầy mình. Mẹ tôi phải đem cô Gái ra tổng vệ sinh, cạo trọc đầu, lột hết quần áo đem đốt và tắm rửa cho một trận cẩn thận.
Quy định đầu tiên với cô Gái là mỗi bữa chỉ được ăn hai vực cơm, hoặc cháo. Cô Gái rất tự giác, cứ ăn đúng hai bát là đứng lên. Chỉ khi người nhà bảo ăn thêm, cô mới dám làm bát nữa. Mẹ tôi bảo, nghĩ cũng thương và còn khen là cô Gái bạo lắm. Nhà bà ngoại có hai dinh cơ, chỉ ở  một, còn một để không. Ban đêm cô Gái được cử ra dinh cơ kia. Trẻ con mới tám, chín tuổi, đêm hôm vòng võng một mình gác nhà. Chỉ riêng chuyện ma, nghĩ đã kinh, thế mà cô Gái chịu được.
Ngày 8/8/1954 bộ đội ta tiếp quản phố thị quê tôi, chấm dứt sự chiếm đóng của quân Pháp. Bước vào Cải cách ruộng đất, cô Gái lúc này đã lớn, đã là thiếu nữ. Hồi đó họp hành tợn lắm. Nhà nhà, người người đêm nào cũng họp. Cô  rơi vào tầm ngắm của đội, của xâu, của rễ. Xâu, rễ vận động cô Gái tố người từng cưu mang mình thoát khỏi trận đói bốn lăm.
Nhà ông bà ngoại tôi nín thở, sợ cô con gái nuôi tố mình. May mà cô Gái không tố cha mẹ nuôi. Sau này nghe kể lại, cô bảo với người xui mình rằng, cha mẹ nuôi tôi đâu có ác, đâu có bóc lột gì tôi. Thật hú vía cho nhà ông bà ngoại tôi. Sau này cô Gái đi thanh niên xung phong, rồi làm công nhân ở nhà máy chè Hạ Hoà. Cô lấy chồng là cán bộ tập kết miền Nam. Giải phóng Bảy lăm, cô theo chồng về sống ở thành phố Đà Nẵng.
Số cô vất vả. Lấy chồng, lại vớ ngay phải ông chồng bị tù tội. Ngày ấy tôi còn bé, thấy cô Gái về thăm mẹ nuôi, mà chẳng thấy chồng cô đâu. Sau mới biết, ông bị đi tù. Say này tôi gặp chú rể, ông hiền khô, dễ gần. Tôi cứ thắc mắc, không hiểu tại sao, ông bị đi tù. Lớn lên mới hay: ông là cán bộ tập kết, nên công thần, hay cãi lãnh đạo, rồi bị giám đốc đánh bẫy, vu cho cái tội chống đối, thế là lĩnh mấy năm tù.
Nói về trận đấu tố ông ngoại tôi, trừ cô con gái nuôi không đấu cha, còn họ hàng xa gần ở quê, toàn những người nhận ruộng, nộp tô, khối người tham gia đấu. Phố thị nơi tôi sống cách quê gốc chừng sáu mươi cây. Hồi Cải cách, từ quê, xã đánh ra cái giấy, thế là hai cha con, gồm ông ngoại và cậu ruột tôi, cum cúp về ngay. Hai người mang theo bị cói tiền, về nộp cho địa phương.
Tối đầu tiên về làng, ông ngoại tôi đến chơi nhà người cháu, gọi ông bằng cậu ruột. Ngồi trên nhà, nghe rõ mồn một thằng cháu họ dưới bếp nói to, nói cốt để ông nghe, nước non làm gì cho thằng địa chủ! Khổ quá, bóc lột được bao nhiêu?
Như mẹ tôi nhớ, đất chiêm trũng Hà Nam, năm cấy một vụ, năm một lần bà về thu tô. Bà bảo, một sào thu tô cỡ bảy cân thóc. Mà có bao giờ thu đủ, thu róc đâu. Toàn trong họ, người ta khất và nài nỉ, nói khó. Con gái buôn bán phố xá về quê, biết được thế nào về lúa má. Tiếng là có ruộng, tiếng là thu tô, mà có được bao nhiêu. Chi phí tiền tàu, tiền ăn, mỗi năm thu được dăm ba tạ thóc, chỉ đủ dùng cho cả nhà, dịp mỗi năm về làng hội hè đình đám.
Phục ông cậu ruột tôi là người phấn đầu bền bỉ. Hơn chục năm, hết dân quân, công tác khu phố, rồi lăn lộn với hợp tác xã, ông được xét kết nạp vào đảng. Lúc sắp kết nạp, lại có người lôi ra, bố là địa chủ. Khổ quá, có phải thế đâu, chỉ là địa chủ hụt thôi. Cuối cùng ông được kết nạp. Sau này ông còn là phó chủ tịch xã.
Ông bà ngoại tôi dù bị mất tiệt gia sản sau cái vụ bị đấu tố, thì so với ông chủ tịch xã thời kháng chiến chống Pháp, ở Hà Nam quê gốc của tôi, còn may chán. Ông bị quy là Quốc dân đảng và đem ra xử bắn. Khi tròn bốn mươi tuổi, tôi mới lần đầu về bản quán, về đúng vào ngày giỗ họ của mình. Về giỗ họ, tôi gặp được bà vợ ông chủ tịch bị bắn oan năm xưa.
Ngay lần đầu về quê, cứ như các cụ trong họ nói, tôi nhận thấy, cần phải chép lại gia phả. Một trong những người tôi tiếp cận là vợ ông chủ tịch xưa. Cụ là bậc cao niên, vế cao trong họ, lại rất minh mẫn. Cụ hẹn tôi, nếu có dịp ra thị xã Hải Dương, bây giờ là thành phố Hải Dương, sẽ cung cấp những điều mình biết về dòng họ. Y hẹn, sau vài tháng, tôi đến nhà cụ. Ngoài chuyện gia tộc, câu chuyện về người chồng xưa được cụ kể rất nhiều.
Năm 1948 ông từng là Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính xã, rồi bí thư chi bộ xã. Những năm kháng chiến, ông lăn lộn với cơ sở, trung kiên bám dân, chỉ huy du kích đánh giặc. Sau hoà bình, trong cuộc cải cách ruộng đất đợt ba, ông bị đem ra đấu tố, bị quy là Quốc dân đảng. Khi sửa sai, ông được phục hồi danh dự, đảng tịch và truy tặng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng ba.
Trong khi kể, ba cụ vạch áo đến khuỷu tay, chỉ vết sẹo dài:
 - Vết sẹo này là chúng trói bà đấy. Trói, phơi nắng suốt ngày. Lúc ấy bà đang bụng mang dạ chửa.
 Nói rồi, cụ chỉ tay vào người phụ nữ đang nhặt rau ngoài sân:
 - Đấy, ngày ấy bà chửa cô này. Cả tuổi mụ, năm nay cô này bốn hai rồi.
Chuyện kể rằng, lúc ông Quốc dân đảng bị dong ra bãi, ông cũng không ngờ mình bị bắn. Chỉ đến khi bị trói ghì vào cột, súng dương lên, ông mới ớ ra, ngỡ ngàng hỏi:
 - Các đồng chí bắn tôi thật à?
Còn bà cụ kể: Bà cũng không ngờ họ lại đem chồng ra bắn. Đến tận lúc sắp ra bãi bắn, họ còn lừa bà, bảo ra xem họ thả ông về. Đến nơi, bà thấy chồng đang bị trói vào cột. Nói đến đây, từ khuôn mặt răn reo của bà cụ gần tám mươi, dòng nước mắt rịn ra. Đã mấy chục năm rồi, nỗi uất hận còn ẩn ức trong con người già nua kia. Sau vụ chồng bị bắn, bà đưa con cái rời làng, tới sống ở thị xã xa quê này.
Nghe người làng kể, những năm trước, cứ dịp về quê, cụ đi dọc đường làng, gào khóc, chửi bới những kẻ tố và bắn chồng bà. Làng xóm chẳng thấy ai lên tiếng. Dại gì, điều hay, lẽ tốt thì mới tranh nhau, chứ cái dở, ai dại gì mà chường mặt ra. Năm tôi về giỗ họ, không thấy cụ đi dọc đường làng chửi bới nữa. Có lẽ cụ đã già, vết thương lòng thành sẹo. Thôi thì, chết đã chết rồi. Chết gì mà chẳng là chết. Công lao, oan khuất, thì cả làng, cả xã biết.