CHƯƠNG II - 10
Lính bồng súng viếng

 Có một phen ông chú phi công của tôi khốn khổ với chuyện, sao lúc ông bố mất, lại có tiểu đội lính bồng súng viếng. Có phải ông bố quan hệ, hay tham gia việt gian phản động gì không? Ông chú tôi phải giải trình mãi với tổ chức, họ mới cho qua. Chuyện là thế này:
Ông nội tôi sinh năm 1901, nhà mở lò sũ đóng đồ gỗ và buôn bè ở thôn Đình Thượng, phủ Tiên Hưng. Ông biết Nho học. Thời gian rảnh rỗi ở quê, ông có cái thú tiêu khiển là đọc Tam quốc, chơi đàn bầu và lẩy Kiều. Có thiếu nữ ở quê, vì tiếng đàn bầu đã đem lòng yêu ông.
Mỗi năm ông thường trú lại Hà Nội dăm bảy tháng. Sau khi bè từ Hoà Bình về tới Hà Nội, ông giao lại cho người giúp việc xuôi tiếp về quê, phủ Tiên Hưng. Lấy cớ bận quan hệ, giao đãi khách, ông ở lại Hà Nội. Nào giao đãi khách khứa gì đâu, ông đang bận... tom chát và đánh bạc ở mấy quán cô đầu nơi phố Khâm Thiên, hay dạt xuống Vọng.
Chắc trong những ngày ngược xuôi buôn bán, nhất là dịp trú ngụ tại Hà Nội, ông có dịp quan hệ buôn bán, giao du với một người tên là Chất. Khi Pháp lập tề vùng Thái Bình, ông ta được bổ làm Quận trưởng quận Tiên Hưng. Thỉnh thoảng ông Quận trưởng đến nhà ông nội tôi chơi.
Là chỗ quen biết trước đây, nhà lại có tời kéo gỗ, giữa năm 1950, ông Quận Chất nhờ ông nội tôi chỉ huy phu mấy làng, trục vợt chiếc phà bị đắm. Vất vả, lại trong nắng nóng hè tháng năm, ông bị cảm, sau khoảng mười ngày thì mất. Trước khi qua đời, ông  gọi vợ và con trai, tức cha tôi, vào dặn, sau khi ông mất, gia đình phải chuyển đi nơi khác sống. Ông Quận Chất biết nhà mình có con trai theo Việt Minh, nay ông còn sống, ông ta nể, bỏ qua cho. Nếu ông mất đi, thì...
Lúc đưa ma, ông Quận Chất điều một tiểu đội lính đến bồng súng viếng. Hồn ma ông cụ đâu có biết, đã để lại điều phiền toái cho con trai sau này.
Ngoài chuyện khốn khổ trên, suýt nữa ông còn mắc vào một chuyện rắc rối khác. May mà ông rút kinh nghiệm vụ lính bồng súng viếng cha, kịp căn dặn gia đình và ông cũng giấu nhẹm đi. Sau này qua hai vụ ông sợ đến mức, rút ra bài học cho mình và còn mang ra dạy con cháu, chúng mày phải cẩn thận, không quan hệ, không thân thiết, không quen biết với một ai hết.
Bà nội tôi sinh người con trai đầu lòng vào quãng sau năm 1920. Được vài tháng thì con trai mất. Hồi ấy ở thôn Đình Thượng có một nhà nghèo khổ, kéo xe tay, vợ đi làm vú em ở Hải Phòng. Tấm tửng thế nào, cô vợ lại có chửa với anh Tây. Đứa trẻ mũi cao, mắt xanh, tóc vàng, đúng giống Tây. Anh xe tay vẫn chấp nhận đứa con lai. Vào một mùa thuế, nhà ấy không đủ tiền đóng sưu cho chồng, cô vợ đành sang nhà bà nội tôi, gạ bán con gái. Bà nội bỏ ra mấy đồng bạc mua đứa trẻ lai kia làm con nuôi, nuôi cho đứng đầu đứng số, đứa bé vẫn khi đi, khi ở nhà mình. Bà nội tôi đâu ngờ, ba bốn chục năm sau, tý nữa nó thành hoạ nhà mình. 
Khi ở tuổi thiếu nữ, bác Tâm tôi là cô gái đẹp nhất vùng. Đẹp đến mức, con trai ông Nghị Quảng, tên là Hương, dịp về quê nghỉ hè, một lần nhìn thấy nàng Bạch Tuyết, đem lòng mê ngay.
Dịp ấy để tránh phiền toái, bà mẹ đẻ và mẹ nuôi phải gỡ mãi, cuối cùng  gửi cô con lai ra Hải Phòng. Nghe kể, vợ chồng nhà phu xe đều chết đói vào năm Ất Dậu, còn đứa con trai nhà ấy lang bạt lên Hà Nội, sau tòng quân, rồi chuyển sang ngành công an. Phong thanh sau này làm đến trung tá ở một quận thuộc Hà Nội. Nếu nay còn sống, chắc ông cũng ở tuổi tám mươi rồi.
Cuối năm 1946, bác Tâm đã có chồng, bồng bế con chạy giặc từ Hải Phòng về tá túc ở nhà mẹ nuôi. Bác Tâm tôi có ba mặt con, nhưng mỗi đứa một vẻ. Đứa thì giống Tây trắng; đứa giống Tây đen; đứa nâu nâu, giống Ấn Độ. Là giống người lai, sống ở thành phố, nhưng bác Tâm rất đảm đang việc  quê, sàng gạo, ươm tằm, kéo tơ, bác làm được hết. Chỉ phải cái tính chất Tây lai là không sao gột được. Giữa một vùng quê chiến tranh loạn lạc, chiều chiều, cô đầm đánh cái panh-sơ-lây, chơi thể thao bơi lội dọc sông.
Ở được một thời gian, chiến tranh vùng phủ Tiên Hưng diễn ra ác liệt, Tây càn suốt, bác Tâm đành bồng bế con trở lại Hải Phòng. Trước ngày hoà bình Năm tư, nghe đồn, bác Tâm lấy một ông Tây người Pháp, rồi theo chồng về đất Âu châu.
Bất ngờ, vào quãng năm năm tám, có ông cán bộ cầm lá thư của bác Tâm gửi từ Pháp về, đến hỏi bà nội tôi, quan hệ thế nào với người gửi bức thư này. Nhớ kỳ Cải cách ruộng đất, bà nội tôi nhanh trí, cãi phắt. Bà bảo không biết, không quan hệ gì với người gửi bức thư kia. Thật hú vía!
Lúc đó thì ai cũng bảo và nhất là ông chú phi công, bà nội xử lý thật sáng suốt. Bây giờ thì có người tiếc. Chính tôi cũng tiếc. Giá mà biết địa chỉ, liên hệ sang, bà bác nuôi gửi về cho vài trăm nghìn đô la, thoải mái tiêu. Tiếc thì tiếc, song nếu nay bà còn sống, cũng ngót nghét tuổi chín mươi rồi. Tôi đành an ủi, già như vậy, lấy đâu ra tiền, khéo lại đang trong viện dưỡng lão. Bà ấy mà quay về, đem theo một lũ cháu chắt Tây, cả họ phải nuôi là khốn. Thôi chả tiếc nữa! Chả liên hệ với bà bác Tây lai nữa.