CHƯƠNG II - 12
Phản động thì sao

Bà nội tôi có bảy trai và một gái, trong đó có ba con trai tham gia chống  Pháp và đánh Mỹ. Hai con trai chống Pháp, người tòng quân cuối năm 1949, người cuối năm 1950. Ông chú nhập ngũ sau tên là Cường, vào năm 1952, từ chợ Hưng có lá thư nhắn về nhà. Khi bà nội tôi tới nơi, đơn vị đã hành quân đi rồi. Bốn người trong làng nhập ngũ cùng lứa, sau chỉ có một trở về, ba người còn lại biệt tăm. Sau có tin đồn, họ đã hy sinh. Bà nội tôi vẫn hy vọng...
Hoà bình Năm tư không thấy con trai về. Mọi người trong nhà nghĩ, hay ông vào Nam đánh Mỹ. Có lúc sốt ruột, bà tôi sai các con lên xã, lên huyện hỏi. Chính quyền trả lời: chưa rõ. Đợi mãi, bà lại giục thư từ lên Trung ương,... Không thấy hồi âm. Hỏi mãi, hỏi nhiều quá, có lần đích thân bà tôi lên, một ông chính quyền giải thích: Bây giờ chưa rõ con bà thế nào. Phải thận trọng! Nếu không, công nhận con bà là liệt sỹ, nhỡ ra sau này, phản động, theo địch thì sao?
Uất quá, bà quát thẳng vào mặt cái ông cán bộ kia: Ông bảo con tôi theo giặc à? Ông kia hoảng quá, lỉnh mất. Về nhà, cụ vẫn còn tức. Con trai mình  tòng quân đánh giặc, cả làng, cả xã biết, thế mà người ta bảo, phản động. Giải phóng miền Nam Bảy lăm, vẫn không thấy chú tôi về. Mãi đến năm 1982, ông mới được công nhận là liệt sỹ. Lúc này thì bà nội tôi già quá mất rồi. Một lần tôi về thăm, bà cười, chỉ cái Bảng vàng và khoe với thằng cháu: Nhà mình được ông Uỷ ban cho cái giấy, đẹp lắm. Để trên bàn thờ kia kìa. Mày lại mà xem. Nhớ thắp nén hương cho chú mày nhá!
Bà ơi! Đấy là Bảng vàng Tổ quốc ghi công của chú cháu. Một núm ruột của bà. Đâu phải tờ giấy đẹp. Bà tôi quá già, lẫn thẩn mất rồi ư, hay trông chờ quá lâu, nỗi đau không còn nữa?
Học xong lớp bảy, ông chú út tôi, tên là Bảy, tình nguyện tòng quân đánh Mỹ. Nhà có hai anh trai đã nhập ngũ, ông thuốc diện được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ông nhập ngũ năm 1965. Những năm chiến tranh ác liệt, thỉnh thoảng nhà nhận được thư ông. Là học sinh giỏi văn, những lá thư  từ tiền tuyến gửi về hậu phương, đều thấm đẫm nước mắt nhớ thương mẹ già. Sau ngày giải phóng Bảy lăm, cả nhà vui mừng đón ông về thăm quê. Dịp về ấy, ông kịp xây dựng gia đình và để lại cho cô vợ trẻ đứa con trai.
Lúc chú út về, bà nội tôi chẳng tỏ rõ mừng vui, hay dửng dưng. Chờ đợi lâu quá chăng, hay thăng trầm cuộc đời, bà chẳng còn gì để hớn hở nữa? Những ngày về phép, chú tôi tụ tập ở đâu ra rất đông bạn bè, toàn những đồng đội vào sống ra chết ở chiến trường miền Nam. Đồng đội kể với giọng thán phục về ông: Lăn lộn khắp chiến trường miền Tây, vùng biên giới Campuchia, ông là người gan dạ, đánh trận lỳ lắm.... Có gan dạ, ngoan cường, ông mới được kết nạp Đảng ngay nơi trận mạc, mới được phụ trách trinh sát trung đoàn, như dòng chữ ghi trong tờ giấy giới thiệu nghỉ phép của ông.
 Một tuần, hai tuần, ba tuần, nhà bà nội tôi vẫn thấy đồng đội của ông tụ tập. Nhà có con lợn giết ăn mừng, rồi đàn gà thịt sạch, gạo trong thùng xúc đến hạt cuối cùng, vẫn tiếp tục đông khách. Đồng đội của ông vẫn tụ tập. Chỉ thấy họ về nhà vài hôm, rồi lại đến. Trong một bữa, khi mở lồng bàn ra, nhìn có đĩa rau và mấy bát khoai tây, chú út tôi thì thầm hỏi chị gái, cơm tiếp khách thế này sao? Bà chị gái thấp giọng:
 - Nhà hết gạo rồi. Phải bỏ khoai tây giống từ giàn xuống đấy!
Đến nước này ư? Chú tôi tưởng chỉ nhà mấy đồng đội gặp cảnh khó khăn, phải tá túc ở đây, đến nhà mình, dân buôn bán, cũng rơi vào cảnh này? Chú tôi đành xa xôi với các đồng đội. Cuối cùng, họ hẹn nhau ngày trở lại đơn vị.
Năm 1978, ta lại có giặc phía Tây Nam. Những người lính như chú tôi đất nước đang cần, cầm súng tiếp tục đi đánh giặc. Tin về ông thỉnh thoảng vọng về quê: ông tham gia lực lượng quân quản ở Phnôm-pênh, ông trong tiểu đoàn bảo vệ tuyến đường từ thủ đô nước bạn về biên giới Tây Ninh,... Rồi chiến tranh  Tây Nam tạm yên, không thấy ông về. Ông sợ cảnh đói ở quê, không về ư? Tin về ông cắt quãng, cứ vài năm, bà vợ ở quê lại nhận được một bức thư thấm đẫm tình cảm nhớ thương của chồng.
Người vợ quê, có chồng mà như không. Hơn chục năm trời thân nữ thui thủi một mình nuôi con, bà không chính chuyên được nữa, tự mình sinh ra đứa con gái.
Chồng mãi không về, vừa kiếm thêm được đứa con, thì lại thấy chồng về, về bất chợt như ngày ông đi. Hoàn cảnh trớ trêu! Ông về mà không ruồng rẫy vợ con, còn lũi cũi đưa cái gia đình phức tạp ấy vào Nam, đến vùng đất biên giới huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Anh em đồng đội và những cơ sở chiến trường năm xưa cưu mang ông, họ dựng giúp gia đình một túp nửa lều, nửa nhà, nằm ngấp nghé bên con rạch. Ông sống và nuôi gia đình bằng nghề nuôi vịt thả đồng thuê và phá hoang vùng Đồng Tháp Mười.
Bao năm chinh chiến vùng sông nước miền Tây, sống cùng dân Nam bộ, tính cách Anh Hai thấm đậm vào ông, cứ ngang tàng sống. Không hộ khẩu, không giấy chứng minh, ông và vợ con thành người vô thừa nhận.
Năm 1993 có tin ông bị bệnh nặng. Anh trai tôi, lúc này đã chuyển vào sống ở thành phố Hồ Chí Minh, cùng cậu em họ, phi xe máy quãng đường năm trăm cây số xuống thăm chú. Người ông nhỏ thó, chỉ có cái bụng to kềnh. Người ta bảo, gan bị báng. Nghèo túng, không tiền đi viện, vợ con chỉ còn cách đưa ông tới một nhà thờ trong vùng. Ở đây, nhà thờ họ có khoản bố thí chữa bệnh cho kẻ khó. Rồi ông nhập đạo, trước lúc mất, được nhà thơ làm lễ rửa tội. Ông ra đi vào ngày 11 tháng 3 năm Quý Dậu. Sau này hài cốt được đưa về táng ở xứ đạo khu Long Bình, Biên Hoà. Trên nấm mồ ông có cây thập ác.
Thôi, cũng chút nào an ủi một kiếp người ngang dọc. Bao ước mơ, chí hướng, giờ trong vòng tay che chở của Chúa.