CHƯƠNG II - 15
Tranh khoả thân

Tôi sinh năm Mậu Tuất, tuổi chó, năm 1958. Tuổi Tuất bảo là trung thành, đằng này lại là chó càn, phản chủ, cắn lăng nhăng. Tính theo tuổi âm, năm nay tôi năm mươi tuổi. Ngũ thập nhi chi thiên mệnh, tức là tuổi biết quy luật của trời đất.
 Cô thư ký Linh Phi ở Ban tôi nhận xét hình dong khá đúng về tôi: Người lẻo khoẻo, đi thì dúi trước, mặt gầy tóp không má, số ông này vất vả. Vất vả thì tôi chưa thấy, chỉ biết lắm việc, trưa làm đến mười rưỡi, chửa được đi uống rượu. Chiều, uống đến ba giờ về, đã thấy một đống việc chờ…
 Tôi xấu máu, tóc bạc sớm, hồi sinh viên đã bạc rồi. Sau nhờ có thuốc nhuộm nó thành ra trẻ. Nhuộm mãi, giờ đâm ngại, không nhuộm nữa, thành ra già. Người ta bảo, tóc mình bạc, chả lẽ cứ mang xấu máu ra giải thích, đành phải nói, tôi suốt ngày âm mưu lật đổ người, nên tóc nó bạc.
 Giống viết lách, chê thì chả ai thích, rất thích người khen. Nghe khen, mũi cứ nở ra là sung sướng. Chả ai bảo văn tôi viết như văn. Người bảo văn có mùi thum thủm. Đúng quá, tôi dân gốc học thú y mà. Người bảo, văn ông ảnh hưởng báo, phóng sự. Lại đúng nữa, làm nghề báo, tôi ước mơ và cố học cách phóng sự của cụ Vũ Trọng Phụng.
 Vợ tôi tuổi Mậu Thân, năm 1968. Năm khỉ, nên số khổ, vớ phải ông chồng gàn gàn, lại thích rượu bia.
Tôi có hai cô con gái rượu, con lớn tên Ủn, tuổi Hợi, sinh năm 1995,  con bé tên Ỉn, tuổi Dần, sinh năm 1998. Hai đứa hỏi tôi, sao bố gọi là gái rượu, tôi bảo: thì mỗi khi nhớ đến chúng mày, bố đều mang rượu ra uống.
 Tháng sáu năm 2007, Hiền Song, đi xác định lý lịch Đảng cho tôi. Tôi đưa Hiền Song về hai nơi, Thái Bình và Hải Dương. Tôi bảo, Hiền Song rủ nhà thơ Trương Hữu Lợi đi cùng. Hiền Song là con gái anh Lợi. Anh Lợi lúc nào trông cũng lừ đừ như tư duy thơ. Học ở Ba Lan, về làm phóng viên nông nghiệp, một thời anh là tay viết điều tra cự phách nông nghiệp thời tiền Đổi mới, thế rồi lại chuyển sang thơ. Con người ta, khả năng nhiều khi cũng kỳ lạ thế!
Trên xe, hỏi ra mới biết, tôi và anh Lợi là đồng hương Hà Nam danh giá nhất ông Cò. Nhân anh Lợi hỏi quê, tôi kể chuyện hai con gái mình, mỗi đứa một quê. 
Con lớn quê Thái Bình, còn con nhỏ quê Hà Nội. Lý do hai đứa hai quê là như sau. Đứa lớn bà thím tôi đi làm giấy khai sinh và hộ khẩu giúp. Nghĩ chồng bà và ông nội cháu ở Thái Bình, thì khai quê Thái Bình. Về nhà, cầm  giấy khai sinh và hộ khẩu, tôi nghĩ cứ buồn cười. Nhưng đã khai rồi, chẳng muốn đổi thay nữa. Nếu theo ông nội, thì quê gốc của cháu phải khai là Hà Nam cơ, Thái Bình chỉ là đất ông nội cháu ngụ cư. Đến đứa thứ hai, lần này mẹ cháu đi làm giấy tờ, vợ tôi bảo: Quê quán quan trọng lắm! Khai con theo quê mẹ, Đông Anh. Sau này có việc gì liên quan đến giấy tờ, về gần làm cho tiện.
Lúc khai lý lịch vào Đảng, trong giấy tờ yêu cầu, cha sinh ở đâu, thì con cái ghi quê ở đấy. Cha tôi sinh ở Tiên Hưng, tôi khai, tôi quê Thái Bình. Đến phần cha tôi, thì ông nội sinh ở Hà Nam, tôi ghi, quê cha tôi ở Hà Nam. 
Có lẽ cha, mẹ không làm nên cơm cháo gì, nên chúng tôi đặt hết hi vọng vào con cái, nhất là vợ tôi. Ngày mới sinh đứa đầu, vợ tôi chuẩn bị riêng một cuốn sổ, kẻ vẽ cẩn thận, lên cả đống kế hoạch đào tạo con, nào là học nhạc để sau này thành nhạc sỹ lớn, nào là hội hoạ, để con có những bức tranh để đời, nào là..., Tức là cầm kỳ thi hoạ. Nghe vợ trình bày, nhiều hôm sốt ruột, tôi gàn: Thôi, cứ để nó lớn đã. Bàn lắm, khéo con nó đẹn. Mới có vậy cô ta quắc mắt:
 - Tương lai của con, ông lại bảo đẹn!
Rút kinh nghiệm rồi, tôi im thin thít. Tránh voi chẳng xấu mặt nào, đằng này lại là tránh vợ. Về chuyện tương lai của con, phụ nữ ấy à, họ có ý định rồi, thì giời gàn. Huống hồ là chồng gàn. Con tép! Năm con gái tôi bốn tuổi, vợ tôi hăm hở triển khai ý đồ đào tạo con thành nhân tài đất Việt.
 Đầu tiên, vợ tôi cho cháu lên cung Thiếu nhi Hà Nội học vẽ. Thôi thì cũng tiện, tôi nghĩ bụng, địa điểm ấy gần cơ quan vợ, cô ta dễ quản, mà con  thêm chút ít kiến thức hội hoạ.
Ngay tuần đầu cháu đi học, vợ tôi mua về một lô, một đống đồ vẽ, như bút vẽ, giá vẽ, bột mầu, toan,.... Con bé thấy một đống đồ nghề, phấn khởi ra mặt, cứ tưởng mẹ mua đồ chơi cho. Trong lúc mẹ đi chợ, nó mang ra bày khắp nhà, chơi đồ hàng.
Đi chợ về, thấy con bày la liệt dụng cụ đào tạo nhân tài ra chơi, vợ tôi nghiến răng ken két, quát: Mày tưởng tao mua về cho mày chơi à? Đây là dụng cụ học tập! Con bé bất ngờ bị mẹ quát, tiu nghỉu, sán lại gần bố, phụng phịu: Đếch thèm dụng cụ nhân tài của mẹ. Tôi phải dỗ mãi.
Sau đợt mua dụng cụ vẽ, vợ tôi còn lôi về một loạt tranh chép, nào tranh Phố Phái, nào Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân, bức Lên đồng của Nguyễn Phan Chánh,.... Nhìn một bức hoạ khoả thân, con bé reo lên, eo ơi, cái cô này cởi truồng. Mẹ cháu vội vàng chỉnh sửa ngay: Không được gọi là tranh cởi truồng. Phải gọi là khoả thân. Rồi cô ta dành cả tiếng giảng giải cho con bé tuổi lên bốn về trời đất tạo hoá ra con người, một kỳ quan của thiên nhiên. Vợ tôi vốn dân học sinh giỏi văn Hà Nội, nên lý luận lắm lắm lắm. Đấy là vợ tôi đang bồi đắp kiến thức hội hoạ cho con. Nghe mẹ giảng giải, con bé thỏ thẻ hỏi lại:
- Hôm nọ con nhìn thấy bố tắm! Bố khoả thân. Có gọi là vẻ đẹp thiên nhiên không hả mẹ?
Mẹ nó tức quá, cốc cho  một cái:
 - Chỉ được cái hư. Cái tốt, cái đẹp không xem, xem đồ nhảm nhí!
Mấy tháng đánh vật ở cung thiếu nhi, tranh cháu vẽ, người không ra người, ngợm chả ra ngợm. Bác Minh Khiêm, quan hệ thông gia, xuống chơi, trả cho cháu năm mười ngàn, mua hộ một mớ năm bức tranh, mà cô giáo vẫn nhận xét, cháu không có khiếu vẽ. Thất vọng, vợ tôi chuyển con gái sang lớp múa. Vợ  giải thích:
 - Thôi, không có khiếu vẽ thì thôi. Nhưng em thấy, con bé có khiếu múa đấy. Múa cũng chẳng kém gì vẽ bao nhiêu. Mà tranh vẽ bây giờ, ế sưng sỉa. Tranh bày đầy ra ở Bờ Hồ, có ai mua đâu. Còn múa, bao người thành danh!
Nói xong, vợ tôi kể ra một đống những tên Tây, tên Tàu, toàn những cái tên đùng đùng, xịt xịt, các nghệ sỹ múa nổi tiếng. Cô ta còn đọc vanh vách thu nhập bằng đô la hàng tháng của từng người, toàn vạn, triệu đô la cả. Nghe đô la, cũng thấy thinh thích, tôi gật gù tán đồng. Học được hai tháng, bước sang tháng thứ ba, sau hai ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, con gái nhất quyết không học múa nữa. Bảo thế nào cháu cũng không đi.
Sau tôi phát hiện ra, có bà mẹ đưa con đi tập, chỉ chỏ bình luận về con gái tôi, bảo nó có cái chân hơi cong, sau này biểu diễn làm sao được. Nghe vậy, tôi vén quần mình lên quá gối, bảo với con: Đấy, cái chân cong cong của bố, trông có đẹp không. Còn cái đầu gối củ hành này nữa. Ai bảo nó xấu, con cứ về mách bố. Hồi sinh viên, bố chẳng mãi lên sân khấu nhà trường múa hội diễn. Nói đến thế rồi, mà con bé nhất quyết không học múa nữa.
Học múa không xong, vợ tôi xoay sang cho cháu học đàn, mà phải học đàn oóc gan cơ. Quả này mới căng, đàn oóc gan đâu phải cái nhị, cái sáo, dăm bảy chục, hay một trăm là cùng. Tôi giải thích với vợ:
 - Em ơi, rẻ nhất, đàn oóc cũng vài triệu. Hay là ta cho con học thổi sáo. Thổi sáo cũng thành người nổi tiếng, mà nó lại rẻ.
Vợ tôi cương quyết không nghe:
 - Thế anh quý tương lai của con, hay quý tiền?
Nói đúng quá đi còn gì. Tôi phải nhắm mắt, nhắm mũi đi sắm đàn oóc gan cho con, hết ba triệu rưỡi. Tiền thì không tiếc, chỉ tức là nhà không còn lúc nào yên. Suốt ngày, Này bà Lý toét ơi! Con tôi nó lấy con bà. Rồi bài, Tình bằng có cái trống cơm... Vui sướng gì, bố nó ngày ngày dốc tiết lên kiếm cơm, kiếm tiền đây này. Tôi là người lao động chất xám, cần không gian yên tĩnh, nhạc nhẽo ồn ã, thì tư duy trừu tượng nỗi gì!
Từ khi cháu học đàn, sếp trên cơ quan bảo, dạo này bài vở của tôi nhàn nhạt, sáo sáo ấy. Cũng may, con gái hăm hở học được năm, bảy bài, thì chán, không thấy sờ mó đến đàn sáo nữa. Biết con gái cũng không có thiên bẩm về âm nhạc, vợ tôi chép miệng:
 - Tao đã lo cho mày nhiều, mà chả nên cơm cháo gì. Thôi, sau này đi bán rau, đừng có trách bố mẹ mày nhé!
Bán rau thì chưa biết, kể từ khi để con gái tự do lựa chọn năng khiếu, cháu nhẩn nha học ngoại ngữ. Cháu học cũng được. Giờ thỉnh thoảng trong bữa ăn tối, cô con gái học lớp sáu trường Khương Thượng, Đống Đa, lõm bõm dịch được phim hoạt hình trên ti vi và cháu cũng học được.
Hồi đang học lớp năm, một hôm trong buổi cơm chiều, cháu khoe, mấy đứa lớp con dốt quá. Bảo mãi mà không hiểu. Tôi tò mò:
 - Sao con biết các bạn dốt?
 - Thì chính con giảng bài cho các bạn!
 - Con giảng?
 - Vâng! Mấy tuần nay, cô giáo bận em bé, thỉnh thoảng buổi chiều phải về, cô giao hết cho con đứng lớp, dạy các bạn! Có hôm chẳng bận việc gì, cô lúi húi ngồi viết trên bàn, mình con đứng giảng.
 - Thế con giảng giải cái gì, môn nào?
 - Con giảng môn tiếng Việt, môn tự nhiên xã hội,...
 - Có môn đạo đức không?
 Chết thật! Sao lại có chuyện đó? Một con bé mới mười tuổi đầu, cô lại giao giáo án, bắt đi làm thày, dạy các bạn những điều mà có khi nó cũng chưa hiểu. Giáo dục, dạy dỗ kiểu này thì chết. Dạy giả, dạy dối từ trong trường. Mầm non, tương lai đất nước… ơi! Tôi lắc đầu nói đùa với con:
 - Con chuẩn bị cái thước thật to. Đứa nào không nghe, giáng cho nó một thước!
 - Bố chỉ được cái xui dại con.
Người ta bảo, con người có số cả. Hồi chuẩn bị sinh cháu, hai vợ chồng  căng óc nghĩ cái tên đặt cho con. Khi sinh cháu, định đặt là Anh, thì cô y tá lại ghi nhầm ra Oanh - Nguyễn Thị Tú Oanh. Lúc đó thủ tục đổi tên nhiêu khê, tôi nghĩ, vả lại, nó là cái số, chẳng đổi nữa. Oanh là một loài chim, sau này chắc cháu sẽ bay nhảy. Nhà tôi hiện có hai tên Anh là Anh vợ và Anh cô con gái út. 
Hè vừa rồi tôi nghĩ ra mẹo nhỏ, liền bảo con: Ba tháng hè này, rỗi, không phải học thêm, con có muốn kiếm tiền không? Con bé cảnh giác, nhìn bố. Tôi thản nhiên: Kiếm hẳn một triệu cơ. Nghe đến một triệu, lòng tham của con bé nổi lên, át cả thói đa nghi, nó xăng xái hỏi: Bằng cách nào hả bố? Tôi bảo: Con viết truyện. Viết xong bố gửi cho nhà xuất bản. Đảm bảo kiếm ngon ơ khoản nhuận bút cả triệu.
Cái mẹo vặt đâm ra có tác dụng. Con gái tôi cắm đầu vào viết, chẳng thiết tắm biển, du lịch. Thấy con chăm chú, sau hè viết được hơn trăm trang bản thảo, vợ bảo tôi: Thôi thì không thành công cũng thành nhân.
Con gái thế mà được. Thành nhân là tốt quá. Thành danh mà danh hão, nước non gì, hoặc mãi thành danh trượt…