CHƯƠNG III - 23
Kiếp họ nhà trư

Tôi tốt nghiệp đại học vào cuối năm 1985, năm đầu tiên Nhà nước áp dụng chế độ sinh viên tự xin việc. Thế là thoải mái quá. Ngay từ khi bước chân vào trường, sinh viên ao ước, ngày ra trường, được tự đi liên hệ. Tôi được mấy đồng hương khoá cuối quân sư cho, cứ nhận chân cán bộ lớp, nghiễm nhiên khi ra trường, được suất liên hệ. Nghe theo lời quân sư, trong buổi bình bầu, sắp xếp cán bộ, tôi hăng hái đề cử mình và được luôn chân lớp phó phụ trách quỹ.
Một cái lớp vỏn vẹn hai mươi tám sinh viên, có tới năm cán bộ, gồm: lớp trưởng phụ trách chung – Ký; lớp phó phụ trách học tập –Tùng; lớp phó phụ trách đời sống - Huệ; lớp phó phụ trách lao động - Toại; lớp phó phụ trách quỹ là tôi, chưa kể mấy vị công tác Đoàn. Bộ máy như vậy cồng kềnh quá. Có lẽ vì ảnh hưởng từ trứng nước, nên các cơ quan nhà nước của ta, bộ máy mới cồng kềnh chăng?
Năm năm làm cán bộ tôi mất khá nhiều công sức họp và giữ tiền của lớp, quỹ toàn những giấy và chữ ký. Đùng một cái, lúc ra trường, hoà cả làng, ai cũng được tự do liên hệ công việc. Nhà nước đã tháo khoán sinh viên, muốn liên hệ ở đâu, thì liên hệ. Lúc này, có thể do các cơ quan, doanh nghiệp thừa mứa trí thức rồi.
Sau vài tháng liên hệ, tôi xin được chân hợp đồng, lại làm đúng nghề mình học và ngay giữa thành phố. Đó là lò mổ lợn, cơ sở giết mổ tập trung phục vụ thịt cho cả thành phố. Tôi bác sỹ thú y, giờ làm chân kiểm dịch, hợp quá. Công việc hơi nhàn, sáng tám giờ đến cơ quan, ngồi ngay cửa sau lò mổ nhập lợn, kiểm dịch bằng mắt, chấn đoán xem con nào ốm, con nào khoẻ.
Công việc thì nhàn, chỉ tội lương hơi ít. Chi cục trả mười cân gạo một tháng. Tôi chưa phải chân biên chế, mà hợp đồng, hợp đồng miệng. Điều vất vả và độc hại là suốt ngày phải ngửi phân và tiếng eng éc lợn kêu. Trong đội trực trước cửa lò nhập lợn có ba bộ phận, tôi thuộc Chi cục Thú ý thành phố cử xuống, một ông Bộ Nội thương, ông này chuyên kiểm tra, ghi chép cân đo, đếm số đầu lợn và một ông bên lò mổ, cũng cân đo, đong đếm.
Có làm mới biết, kiểu quản lý bao cấp, dân không đói mới lạ, cha chung chả ai khóc. Nhập lợn thì giờ hành chính. Lợn thu mua từ các tỉnh xa về, bị nhốt chen chúc mấy chục con trên một xe, lại nóng bức, lợn khoẻ cũng thành ốm.
Cái kiếp họ nhà Trư đã khổ rồi, kiếp họ Trư dưới thời bao cấp, còn khốn khổ hơn. Sinh ra, lớn lên, thì đói khát, chỉ toàn cơm thừa canh cặn, đến khi xuất chuồng đến chỗ chết, bị nhồi nhét mấy chục con một xe và rồng rắn hàng trăm cây số mới đến được nơi chết.
Chúng đã thoát đâu, cả một đời đói khát, trước khi về chầu trời, các ông bà chủ lại tống tiễn bằng bữa ăn lòi kèn tổng nhĩ. Họ chẳng ưu ái, thương xót lợn đâu, mà chỉ cốt nhồi cho thật no, khi cân, tăng thêm được dăm, bảy cân hơi. Thế nên đám lợn trên xe, cả đực lẫn cái, con nào con nấy trông như lợn chửa. Vẫn chưa hết. Về đến lò mổ chúng chưa được giết ngay đâu, còn phải đợi, phải chết theo kế hoạch tiêu thụ thịt của thành phố. Theo kế hoạch thịt, lũ lợn thường phải đợi hai, ba ngày, có khi cả tuần. Trong những ngày đợi chết, người ta chẳng có kế hoạch lương thực cho chúng ăn.
Đói, lũ nhà Trư kêu la suốt ngày. Kêu do đói một phần, phần khác chúng kêu gào bởi những vết thương trên mình hành hạ. Khi xe chở chúng áp đít vào bệ cân, để xua chúng xuống, người ta dùng gậy. Đấy là với những con nhát. Vớ phải con gan lỳ tướng quân, đánh đuổi không xuống, thì dùng móc sắt lôi xuống.
Thanh sắt dài chừng hơn hai mét, một đầu nhọn, uốn cong. Thanh sắt móc kia sẽ thẳng cánh bổ xuống con lợn, đâm sâu, móc chặt da thịt chúng. Có con lỳ lợm, phải hai người nhất loạt bổ, nhất loạt lôi, mới kéo xuống được. Giống lợn khoẻ thật, vết thương sâu là vậy, lại bị nhốt đói nhiều ngày, vẫn dai dẳng sống. Nhiều con vết thương quá sâu, nhốt cả tuần, thân mình lở lói, giết ra, xẻo đến một phần ba con lợn. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, dù là đói, đám thịt thối này vẫn phải đem đi chôn.
Dịp gần cuối năm, ba cơ quan ngồi lại với nhau. Trước số tiền kiểm dịch ông Chi cục thú y định thu, ông nội thương liền lý luận: Lợn xuống nhanh, nhiều như vậy, chúng tôi mấy người kiểm tra, chỉ việc đếm còn không xong. Bên các ông, có mỗi cậu thú ý mới ra ràng, bằng cách nào mà kiểm dịch nổi. Mấy ông Chi cục đuối lý, chẳng thu được đồng nào. Gần năm trời trả công cho tôi hơn tạ gạo, thành ra công cốc. Ngay sau đó, cái hợp đồng bằng miệng với tôi, bị huỷ.