CHƯƠNG IV - 28
Cuộc đoàn viên sau năm thế kỷ

Hơn năm trăm năm trước, trong đoàn quân theo vua Lê Thánh Tông chinh phạt phương Nam, có một người trong tộc họ Nguyễn của bố vợ tôi. Ông định cư lại vùng đất miền Trung và trở thành một trong những Thuỷ tổ ở thôn Yến Nê, thành phố Đà Nẵng. Binh đao và cách trở, đằng đẵng hơn năm thế kỷ, họ Nguyễn ở Yên Nê không liên hệ được với dòng tộc bản quán.
Hoà bình Bảy lăm là cơ hội để họ dò tìm về quê tổ. Những vị cao niên trong họ đau đáu công việc này và bằng mọi cách tìm lại gốc gác. Khi nghe tên họ ông Nguyễn Phú, công tác ở bộ Ngoại giao, các cụ thư từ liên hệ. Nhưng lại không phải. Trong dịp ông Nguyễn Trọng, lúc đó là Bí thư một thành phố lớn vào thăm Đà Nẵng, các cụ trong họ tìm cách tiếp cận. Ông cho biết quê quán mình và giới thiệu các cụ hãy đến làng mình tìm hiểu.
Tháng tư năm 1999, tôi có dịp cùng bố vợ trong đoàn đại diện họ Nguyễn làng bố vợ tôi vào đáp lễ nhận họ và dự giỗ Tổ họ Nguyễn ở Đà Nẵng. Năm trăm năm, anh em đồng tộc tìm được nhau, một câu chuyện thật lạ lùng.
Sau cuộc đón tiếp xúc động, chưa chan tình cảm của bà con dòng tộc Nguyễn ở Yên Nê, chúng tôi được bố trí nghỉ tại nhà chú Mười. Nằm mãi không chợp mắt được. Tôi cứ miên man suy nghĩ về cuộc gặp mặt mừng mừng tủi tủi giữa những ông già râu tóc bạc phơ, nước mắt rưng rưng. Ít đâu trên trái đất này có cảnh, năm thế kỷ một một cuộc đoàn viên. Tôi ngồi dậy, ra bàn uống nước. Tò mò quan sát cách bài trí của một gia đình miền Trung, ánh mắt tôi chợt dừng lại trên hai tấm Bảng vàng liệt sỹ. Đang lẩm nhẩm đọc tên người và ngày, tháng hy sinh, sau lưng tôi tiếng ông chủ nhà:
- Đó là anh trai và em gái tôi – cái giọng nằng nặng miền Trung, chú Mười kể - Đất nhà tôi đang ở là ấp chiến lược. Còn cánh đồng trước mặt là làng Yến Nê cũ. Năm 1966, khi quân Mỹ tràn vào miền Nam, dân làng bị dồn ấp. Cách ngôi nhà này năm trăm mét là cứ điểm trung đoàn thiết giáp Mỹ. Xung quanh còn tiểu đoàn dù, tiểu đoàn pháo và hai đại đội nghĩa binh. Cách đồng sát núi trước mặt là vùng trắng.
Ông Mười kể tiếp:
- Vùng này ngày xưa chiến tranh khốc liệt lắm. Cả chục năm trời không lúc nào ngớt tiếng súng. Tôi hoạt động vùng này từ năm sáu sáu, đến giải phóng thì làm chủ tịch xã Hoà Tiến.
Thế ra ông từng là du kích. Tiếng ông vẫn nhỏ nhẹ:
- Hồi ấy có một tiểu đội du kích. Gọi vậy, những quân số chỉ có tám người. Ban ngày anh em lặn ngụp, ẩn nấp ngoài hầm. Ban đêm về ấp chiến lược móc nối, tuyên truyền vận động bà con và tiếp nhận lương thực. Bọn địch thường xuyên rình rập, vây bắt du kích. Một lần địch bủa vây, tôi và ông Đáng, từng là bí thư huyện Hoà Vang sau ngày giải phóng, nhịn đói ba ngày, ngâm mình dưới nước. Địch rút, hai người nằm lả, anh em tìm thấy cõng về.
Hoà Tiến được phong là xã anh hùng. Sau giải phóng, địa phương tổng kết, có tới bảy trăm ba mươi liệt sỹ. Một xã dân số khoảng bảy, tám nghìn nhân khẩu, liệt sỹ bằng một phần mười dân số. Mất mát lớn quá.
Trong lúc tôi và ông Mười đang nói chuyện, mấy ông già trong dòng tộc lục tục kéo tới. Chú Mười thản nhiên chỉ tay giới thiệu một ông già nhỏ thó, dáng rụt rè:
- Ông đó là Nguyễn Phú Bai, bố anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Hường. Ông này còn là chồng và em ba bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hồi chủ tịch nước Võ Chí Công vào thăm địa phương, đã tới thăm nhà ông ta.
Thời gian trôi qua, vết thương mất mát dịu đi, hay ở tuổi ngoài bảy mươi, người ta chai sạn, bàng quan với cuộc đời. Ông già Nguyễn Phú Bai bình thản kể về những người thân anh hùng của mình: Bà ấy, tức vợ ông, hy sinh đúng vào năm hoà bình Năm tư, khi con trai mới được mấy tuổi. Ông gọi người anh hùng, đứa con trai ông bằng thằng. “Thằng Hường bị giặc giết, xác kéo lê khắp ấp chiến lược". Trong ông, người anh hùng vẫn bé bỏng và như anh vẫn còn, đâu có đi xa. Ông nói: “Ừ, thằng Mỹ, Nguỵ sợ thằng Hường lắm. Nó diệt hai trăm tên, cả Mỹ lẫn Nguỵ". Anh Hường ra đi ngày cận kề chiến thắng, năm bảy tư.
Giữa ngày giỗ tổ họ Nguyễn Phú Yến Nê, tôi thắp nén nhang, mà lòng nao nao. Bên bàn thờ Ngài Thuỷ tổ là ban thờ các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các liệt sỹ trong dòng tộc. Mắt tôi nhoè lệ vì khói hương, hay vì nỗi xúc động trước sự mất mát, hy sinh quá lớn của một tộc họ: năm bà mẹ Việt Nam anh hùng, bốn mươi tám liệt sỹ. Số người hy sinh bằng một phần năm số đinh trong họ. Vậy cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc của chúng ta, xương máu đổ xuống là bao nhiêu? Một triệu một trăm ngàn liệt sỹ, như con số của Bộ Lao động thương binh xã hội đưa ra, hay như hồi ký của Mc. Namara, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, ba triệu người Việt Nam chết trong cuộc chiến tranh?
Trong ngày giỗ tổ họ Nguyễn phú, tôi chú ý người phụ nữ có cái vẻ thị thành. Thấy vậy, ông Trưởng họ Nguyễn Phú Nam giới thiệu:
- Bà ta là du kích có tiếng đấy. Địch từng đặt giá, ai bắt được Nguyễn Thị Chát sẽ có thưởng. Sau giải phóng, bà ấy là Phó bí thư Hoà Vang. Nay nghỉ hưu ở thành phố Đà Nẵng.
"Đàn ông còn đỡ. Ở vùng trắng, phụ nữ chúng tôi cực lắm, nhất là tới tháng"… Đó là câu chuyện về chiến tranh, mà bà Chát kể cho tôi. Giọt máu duy nhất, đứa con gái bé bỏng của bà đã ở lại trên núi.
Cuộc chiến tranh đã qua hơn hai mươi năm, làng xóm Hoà Tiến giờ nhiều đổi thay. Hầu hết các nhà xây gạch, lợp ngói.
Buổi chiều trước hôm chia tay, chúng tôi tới thăm gia đình ông trưởng họ. Ông từng là bộ đội tập kết ra Bắc, đi nhiều vùng, rồi sau đó trở lại miền Nam chiến đấu. Chiến tranh không chỉ để lại trên cơ thể ông vết thương nhức nhối mỗi khi trở trời, và còn cả trong miền sâu thẳm, nó lắng trong khoé mắt ông, mà mơ hồ tôi cảm nhận được. Cùng tới thăm với chúng tôi, có ông già sống ở phố cổ Hội An, ông cũng về giỗ tổ. Năm Bảy lăm từ miền Bắc trở về, vợ ông bước qua tuổi bốn lăm. Hai mươi năm chờ đợi và sự truy bức của địch, người đàn bà đằng đẵng đợi chồng ấy, không còn sinh nở được nữa. Phút giây xum họp vừa bừng lên, đã chợt lắng xuống. Bởi tương lai trước mặt họ, một tuổi già cô quạnh, để ông già tuổi ngoài sáu mươi phải bước thêm bước nữa. Giọng nghẹn ngào, ông tâm sự điều sâu kín:
- Ở tuổi chú, bảy lăm bảy sáu, như người ta có cháu, có chắt. Thế mà bây giờ vẫn còn nuôi con nhỏ.
Nói rồi ông lặng lẽ chấm nước mắt. Tôi ngoảnh mặt đi, không dám nhìn cảnh một người già khóc.
Trên chuyến tàu Thống nhất ra Hà nội, ngồi cạnh tôi là một thanh niên đi du lịch, quốc tịch Hoa Kỳ. Anh ta chăm chú ngắm nhìn cảnh cánh đồng, làng mạc qua cửa sổ tàu. Người thanh niến ấy sinh ra sau cuộc chiến Việt Nam.
Có lẽ trong chuyến đi này, anh ta như bao khách du lịch khác, tò mò tìm hiểu về cuộc chiến tranh của Mỹ gây ra ở Việt nam. Điều họ được nghe, hay đọc qua sách báo. Tôi chỉ đủ vốn tiếng Anh chỉ cho anh chàng người Mỹ thấy hố bom nằm rải rác hai bên đường tàu. Các hố bom cỏ chờm mọc xung quanh, hình thù đâu còn rõ ràng. Người thanh niên Mỹ ra chiều hiểu, gật gật đầu. Có thể trong ý nghĩ của anh ta, chiến tranh là như vậy.
Tôi lại nhớ đến bữa cơm chia tay với bà con tộc họ Nguyễn Phú Yến Nê. Anh Phú Thanh, từng là du kích ở vùng trắng Hoà Tiến, nay là Phó bí thư quận Hải Châu, suốt bữa cơm trên tay chỉ ly nước trắng cụm với khách. Con người ấy cơ thể đầy thương tích. Sức khoẻ đã làm anh, đến ly rượu lúc chia tay người anh em đồng tộc, cũng phải kìm nén, khước từ.
Chiến tranh, tôi không thể hình dung hết được sự khốc liệt, sự mất mát của nó. Người thanh niên Mỹ chắc nghĩ, chiến tranh là những hố bom, cỏ dại mọc xung quanh. Còn Hoà Tiến, và bao miền quê khác, chiến tranh đã qua hơn hai mươi năm rồi, nỗi đau vẫn còn âm ỉ.