CHƯƠNG V – 36
Ông Chánh văn phòng Đài

Ông Hoàng Văn là một trong những nhà báo của Đài đầu tiên tôi biết. Hơn tôi chín tuổi, tôi gọi ông bằng chú, nhưng không có họ hàng gì với nhau. Lý do gọi bằng chú, bởi trong khu tập thể, nhà ông sát nhà ông chú ruột tôi, thỉnh thoảng ông Trần Sơn và ông sang nhà chú tôi uống nước, đôi khi làm chén rượu. Bạn của chú, tất nhiên thằng cháu là tôi, phải gọi các ông bằng chú.
Tôi về Đài do chính ông Hoàng là người kiểm tra khả năng làm báo và quyết định nhận tôi. Phải nói rằng đây là cơ chế tuyển người hay, nếu đơn vị sử dụng, trực tiếp tuyển, sẽ chọn được người theo yêu cầu của mình, nhưng với điều kiện người tuyển phải công tâm. Kiểm tra và nhận tôi, nhưng chín năm sau, tôi mới làm lính của ông, khi ông từ Văn phòng trở lại ban Kinh tài. Sau này có dịp hỏi, nếu hồi đó tôi không đạt, có nhận không, ông bảo, không nhận. Tôi thêm phục ông. Việc đã xong cả chục năm rồi, giá như tôi, sẽ trả lời ngược lại.
Hồi nhận tôi về Đài, không hiểu sao tôi lại không có chút quà cáp gì biếu ông, dù chỉ bao thuốc lá, hay lạng chè. Đây là tình người, là xử sự của người Việt ta. Có lẽ lúc đó tôi còn trẻ, còn ông chú ruột cũng không nhắc cháu, có lẽ ông chú tôi tính như vậy. Nay nghĩ, tôi vẫn còn áy náy.
Ông Hoàng tính quảng giao, công tâm. Hồi là sếp của tôi, ông duyệt bài nhanh, bắt vở và đã sửa là chính xác, lính chịu cứng. Dân học sinh giỏi, giật giải toán cấp ba miền Bắc, vẫn khác.
Thời bao cấp thật khổ. Hàng xóm nhà ông, một nghệ sỹ nổi tiếng, có chiếc ti vi. Con ông nghịch quá, nên nhà họ đóng cửa, không cho vào xem. Con về bảo bố, ông nghĩ thương con, quyết tâm mua cái ti vi cho nó xem. Làm báo, mà không thể bằng nghề để kiếm tiền, phải chọn con đường lợn, tức nuôi lợn.
Lúc ấy phong trào nhà nhà nuôi lợn, nuôi ngay trên tầng, lợn với người sống chung. Nhà Đặng Quang trên tầng năm cầu thang bên cạnh nhà chú thím tôi và cũng cùng cầu thang nhà ông Hoàng. Tôi hãi nhất là đến kỳ nhà Đặng bán lợn. Nhà Đặng, người nuôi lợn và lợn nuôi người. Nhà này nuôi lợn mát tay, lợn xuất chuồng đều cỡ bảy mươi cân. Mẹ Đặng Quang rất tài, bà huấn luyện thế nào, con lợn vào nhà vệ sinh của người, tự đi ị được, không phải dọn phân cho nó. Có hôm tôi sang chơi nhà Đặng, nó ủn ỉn ra chào khách. Động viên lợn, tôi gãi gãi vào lưng, nó phấn khởi, nằm ình luôn ra sàn. Mẹ Đặng phải lấy cán quạt, vọt cho mấy cái vào mông, nó mới chịu đứng lên, ủn ỉn đi về phòng. Lợn cũng có phòng riêng, nhà Đặng ngăn hẳn một góc bếp cho nó.
Khi nhà Đặng Quang bán lợn, tôi được mời sang khiêng giúp từ mãi tầng năm xuống đất. Con lợn to, tôi và Đặng xúm vào khênh đầu phía trước, anh thợ lợn đầu phía sau. Cầu tháng dốc, đầu khiêng trước chúi xuống và con lợn lại dãy giụa. Xuống đến mặt đất, tôi chỉ còn nước, ước mình được mang đi cắt tiết như con lợn.
Về chuyện nuôi lợn để mua ti vi của nhà ông Hoàng, lần đầu nuôi con lợn được sáu mươi cân, đem bán, thiếu một ít, chưa đủ tiền mua ti vi. Vợ chồng bảo nhau, nuôi lứa tiếp. Con thứ hai, nặng bảy mươi cân. Xuất chuồng, thì lúc này giá ti vi tăng, lại thiếu một ít. Nuôi đến con thứ ba, thứ tư, vẫn thiếu, vẫn chưa đủ tiền mua ti vi. Con đường nuôi lợn không thể sắm được ti vi và cải thiện đời sống gia đình, ông Hoàng quyết định đổi sang nghề dệt. Bán con lợn, ông mua cái máy dệt len và đi học dệt. Lúc này ông là Trưởng phòng phòng Nông dân. Đã tính đi học, không phải học nghề cho mình, mà về hướng dẫn bà vợ nhà báo thành thợ dệt. Còn với mình, ông có hướng khác rồi. Một người bạn mách nước, tách gạn bạc từ ni tơ rát bạc trong dung dịch nước tráng rửa ảnh, ông có thể dùng kiến thức hoá học tu nghiệp mấy năm ở Triều Tiên ra áp dụng.
Những ngày bình thường trong tuần, ông Hoàng phải đi làm báo trên cơ quan. Chỉ có chiều thứ Bảy và Chủ nhật, ông xách can đến các cửa hiệu ảnh mua lại nước tráng rửa phim, ảnh. Nghề mới thu nhập được. Hành nghề chừng ba, bốn tháng, thông tin tách bạc của ông không còn bí mật nữa, có người biết, bắt chước theo. Khi thứ Bảy, Chủ nhật ông xách can đến hiệu ảnh, người ta thu gom hết rồi, họ còn mua với giá cao. Ông Hoàng đâm mất nghề.
Cái máy dệt len, bà vợ sử dụng không thành thạo. Nhiều hôm đang viết bài, bà cứ bảo ông ra hướng dẫn, thế thì còn tư duy bài vở, tuyên truyền định hướng cho nông dân làm ăn gì nữa. Rồi hàng hoá ế ẩm, đổ ở chợ chẳng được bao nhiêu, dệt len chả bằng nuôi lợn. Ông quyết định giải thể nghề dệt, bán tống bán tháo cái máy dệt len đi. Lúc này nhà ông vẫn chưa mua được ti vi.
Ngày càng nhiều gia đình dùng ti vi. Dùng nhiều, nhu cầu sửa chữa lớn, đây là cơ hội kiếm ăn được. Nhà báo tư duy vốn nhanh nhạy, ông Hoàng quyết định đi học sửa chữa ti vi. Thày dạy là ông Cần, một ông thày nổi tiếng cả nước, mở lớp dạy ngay trong khu tập thể La Thành. Ông Hoàng học nhanh và hành nghề cũng nhanh.
Cái ti vi đầu tiên nhà ông dùng là từ cái sát xi Nép - tuyn cũ, tức bộ khung của ti vi, còn đèn hình đã hỏng, ông mua đèn hình mới lắp vào, giá thành là ba mươi lăm nghìn đồng. Sau này cái ti vi sanyo cửa lùa danh giá, mà nhà ông dùng nhiều năm, là mua lại của một đơn vị quân đội. Nó hỏng lâu ngày, đơn vị kia quyết định bán, ông tới xem, thấy bóng hình không sao, mua lại, giá ba mươi lăm ngàn. Về sửa chữa, nghiễm nhiên nhà có cái ti vi oách để dùng. Còn cái Nép - tuyn cũ, bà vợ bán đi được sáu mươi ngàn, dôi ra hai mươi lăm ngàn đồng. Thật sung sướng. Cất kỹ tiền rồi, nghĩ vợ chồng vẫn sung sướng!
Nghề sửa chữa ti vi kiếm ăn được, là nguồn thu nhập khá của gia đình. Ông Nhà báo trưởng phòng, tối tối xách đồ nghề đi sửa chữa. Ông Hoàng hành nghề sửa ti vi khá lâu và thành thợ cứng. Sửa chữa ti vi kiếm nhất là những nhà có máy mới. Thường nhà giàu mới có dạng máy này. Ti vi mới hỏng hóc nhẹ và chủ nhà trả công hậu. Với loại máy cũ, những cái ba bốn lần se cần hen, thứ gì cũng hỏng. Khắc phục được pan này, nó lan sang pan khác, hỏng tiếp. Giải thích cho nhà chủ, thì họ không hiểu. Thường những nhà dùng ti vi cũ là nhà nghèo, tiền trả công đã ít, lại còn phải sửa đi sửa lại.
Ông nhà báo không sống nổi bằng nghiệp viết báo, phải nuôi lợn. Làm nghề tuyên truyền sản xuất nông nghiệp cho nông dân, nhưng nhà mình nuôi lợn không xong. Là kỹ sư hoá, tu nghiệp tận nước ngoài, không hành nổi nghề hoá, phải chạy sang nghề sửa chữa ti vi. Từng ấy nghề mới mua nổi cái ti vi cũ cho vợ con xem. Kể cũng buồn. Ngày đó, cảnh dạng trớ trêu này, không phải là trường hợp riêng biệt của ông Hoàng. Có chuyện hài, nhà một ông giáo sư nuôi lợn. Nó gây mất vệ sinh khu nhà tầng. Người ta đến kiểm tra và bảo, sao nuôi lợn, ông cứ nằng nặc, nó nuôi ông, chứ ông có nuôi nổi nó đâu.
Lúc là Chánh văn phòng, ông Hoàng vẫn hành nghề sửa chữa ti vi. Đến tận năm 1993 mới dừng, tức là sáu năm Chánh văn phòng kiêm thợ sửa chữa. Đây là trường hợp hiếm, một ông trí thức thợ, kiêm chánh văn phòng cơ quan thuộc Chính phủ, tương đương cấp Trưởng vụ, tối tối xách đồ đi sửa chữa ti vi.
Trong cơ quan, trưởng phòng hành chính, rồi cơ quan to, chánh văn phòng là chân thơm, kiếm ra tiền. Có một ông lãnh đạo to ở Đài nói ra mồm với nhiều người rằng, ông Hoàng giầu lắm, cái chân văn phòng kiếm bẫm. Ông ta đồ nhà ông Hoàng có mấy cân vàng và bao tải đô la. Nếu ông Hoàng có như vậy, kể cũng mừng cho ông ta. Không thấy ông lãnh đạo kia khoe nhà mình có bao nhiêu. Cứ so chức của ông, to gấp rưỡi ông Hoàng, chắc hẳn nhà ông này giàu và kiếm được khá. Khiếp, thế thì giàu quá.
Sau này khi ông Hoàng về Ban Kinh tài, có lần ngồi uống rượu, tôi nói, người ta bảo nhà chú vàng lắm lắm. Chú để nó ở đâu. Ông Hoàng cười:
- Tao độn nó xuống nền nhà. Nhưng tại mày, nó hỏng hết. Mày ngồi uống rượu, cứ bi bủm, làm ố nó đi. Có bận cần vàng tiêu, tao cạy lên một cục, mang ra cửa hàng, thì cửa hàng nó chê, vàng non qúa.
Người ta kiếm tiền cốt để mà tiêu, để dùng, để mua đất, mua cát, hay cho bớt họ hàng. Chả ai kiếm, tích thành vàng để khi chết mang đi chôn cho đám ma nó sang. Ông Hoàng về làm trưởng ban Kinh tài được một năm, ba năm, năm năm,… thời gian đủ để an toàn. Chắc lúc này ông phải mang ra dùng chứ? Vẫn không thấy ông dùng. Ông này kín đáo tợn.
Chín năm làm Chánh văn phòng, rồi chín năm sang ban Kinh Tài và nay lại về Văn phòng, chở về cái chân thơm. Có bận tôi lên phòng, ông đang lúi húi dở phong bì. Công nhận chánh văn phòng lắm phong bì, lúi húi bóc suốt, một đống đến mấy chục chiếc, toàn loại phong bì dán kỹ, có dấu, chính tôi liếc trộm thấy.
Hồi ông Hoàng còn là Trưởng ban tôi, thấy tôi cặp kè rượu bia với ông, có dư luận, tôi bợ đít thủ trưởng. Nhân viên bợ đít thủ trưởng là thói thường của người đời, tôi cũng thế. Đến thời ông sang lại văn phòng, tôi vẫn rượu bia với ông, lúc này dự luận chẳng rỗi hôi, kệ đám này uống với nhau, cho say, cho bợ đít nhau. Thôi, lại thói đời và tôi kệ thói đời.
Tôi cứ ước ao, giá mình được cái chân Chánh văn phòng, ước ao được dư luận đồ rằng, mình có một thúng vàng, cùng bao tải đô la.