CHƯƠNG I - 3
Người nhà thánh tô hô

Trước năm 1945, dưới thời Pháp thuộc, phố phủ quê tôi có bảy ngàn dân, người tứ chiếng, có cả dân gốc Hoa, tới trăm hộ.
Lỵ sở quê tôi được đặt ở đây từ năm 1830. Xa xưa, quê tôi thuộc đất Hồng Châu, dưới thời Trần, thuộc đất Hạ Hồng, tới nhà Nguyễn, đặt thành phủ và có cái tên như ngày nay. Vùng đất này gắn với rất những nhân vật nổi tiếng.
Cuối đời Đường, Trung Quốc, thổ hào Khúc Thừa Dụ người Cúc Bồ, Hồng Châu chiếm cứ lấy thành, tự xưng là Tiết Độ Sứ. Ba cha con ông truyền đời kế nghiệp từ năm 906 đến năm 930. Thời này có những cải cách của cha con ông: "Sửa lại chế độ tô, thuế má và lực dịch, bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch, lập sổ hộ khẩu, kê rõ quê quán,…". Sử sách ghi nhận: "dưới thời Khúc Hạo bộ mặt đất nước ta bước đầu chuyển biến thuận lợi, đời sống nhân dân dễ chịu hơn…”
Nguyễn Minh Không khi xuất gia với cái tên Thiền sư Dương Không lộ (1065-1141), quê ngoại ở làng Hán Lý. Ông từng là Quốc sư nhà Lý.
Trời xanh nước biếc muôn trùng
Một thôn sương khói một vùng dâu đay
……………
Ông chài ngủ tít ai hay
Quá trưa tỉnh dậy tuyết bay đầy thuyền
Những câu thơ rất đời và nhàn tản.
Dấu chân Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, chắc từng nhiều lần qua đây, bởi ông vốn quê ở huyện Vĩnh Lại. Mãi đến năm Minh Mạng thứ mười chín mới cắt năm tổng của huyện Tứ Kỳ, ba tổng của huyện Vĩnh Lại thành lập ra huyện Vĩnh Bảo.
Do vị trí quân sự quan trọng, trong cuộc tranh giành Trịnh - Mạc, năm 1594 Trịnh Tùng cử Nguyễn Hoàng, sau là chúa Nguyễn, đem thuỷ quân về Vĩnh Lại đánh quân Mạc Kính Cung. Vào một số năm dưới thời Lê Trung Hưng, đây là một trong những địa bàn hoạt động của Quận He - Nguyễn Hữu Cầu.
Sau này nữa, vào năm 1897, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định thành lập bảy trung tâm hành chính ở Bắc kỳ, trong đó phố phủ quê tôi là một trong bảy trung tâm đó. Đứng đầu trung tâm là một quan chức tương đương Phó công sứ. Đầu năm 1950, Pháp lập ra tỉnh mới, phố phủ quê tôi là tỉnh lỵ.
Phủ lỵ, tỉnh lỵ, huyện lỵ, người phố thị tự hào lắm về truyền thống lâu đời của phố thị mình, sắp tới hai trăm năm ngày lập thị.
Phố thị quê tôi có đến năm, bảy ngôi đền, chùa. Đấy là trước năm 1945. Có cả đền thờ sao trời. Một năm thiên thạch rơi xuống. Thấy sự lạ, dân dựng đền, gọi đền Cống Sao. Các đền gồm có: Đền Đức Đức Thánh Trần, đền Cậu, đền Cô, đền Phủ Bà, đền Đoan, đền Cây Si...
Nổi tiếng nhất là đền thờ Quan Lớn. Quan Lớn là một trong Ngũ vị quan lớn. Truyện "Đối tụng ở Long cung” ở cuốn Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, viết vào thế kỷ XV, chính là viết về Quan Lớn.
Hiện nhiều nơi thờ Ngài, ở nhiều nơi như Ninh Giang, Hải Dương, Phủ Giầy, Nam Định; Kỳ Cùng và Bắc Lệ, Lạng Sơn; đường Lê Văn Sỹ, thành phố Hồ Chí Minh,… Đền Quan Lớn trong lễ hội trước đây có tục xuyên lình và thịnh lên đồng. Xuyên lình, người ta xuyên thanh sắt nhọn qua má ông đồng.
Đền, chùa ở đâu thì cũng khấn vái, lễ Phật, cầu Thánh. Quê tôi có chuyện hơi đặc biệt về các ông đồng. Đạo mẫu có tục đồng bóng, dòng đồng bóng có bà đồng, ông đồng. Bà đồng thì không có gì đặc biệt, họ là những phụ nữ tính đồng bóng và rất nghiện hầu đồng. Họ mà không hầu, thì ốm đau quặt quẹo, làm ăn không mát mẻ. Riêng các ông đồng, hay gọi cô đồng, là hơi đặc biệt. Gọi cô đồng, nhưng họ là nam giới, còn tính khí giống như dân pê đê bây giờ.
Trong những cô đồng ở quê tôi có hai người đáng chú ý. Cả hai ông cô đồng này đều dính vào buôn thuốc phiện, người phải tù, kẻ khuynh gia bại sản. Đạo có chính đạo, tà đạo; kẻ tu hành người thành chính quả, kẻ phá giới vì lòng đầy tà dâm. Hai ông cô đồng này có phải bị thánh vật không?
Ông cô đồng thứ nhất nhiều tuổi, bị tù cỡ dăm, bảy năm. Tính vắt vẻo, chua ngoa, ông ta nhìn người bằng nửa con mắt. Chính ông này lại dính vào nhà tôi một chuyện. Ngày ấy, quãng năm sáu tám, đang lúc chiến tranh bắn phá miền Bắc, ra-đi-ô còn là của hiếm, rất ít nhà có. Để nghe đài, người ta lắp ga-len, hoặc tự lắp ra-đi-ô. Họ lùng mua bóng bán dẫn gỡ ra từ các vụ máy bay Mỹ rơi. Một ra-đi-ô tự lắp có từ ba đến năm bóng. Càng nhiều bóng bán dẫn, bắt sóng ra - đi - ô càng nhạy.
Trong số người say mê lắp ra-đi-ô ở thị trấn, có cha tôi. Ông nhờ con gái học ở trường kỹ thuật phát thanh, mua sách về xem và lúi húi lắp đặt. Sau nhiều tháng mày mò, cha tôi dựng thành công chiếc ra-đi-ô. Chiếc đài có ba bóng bán dẫn, bắt được cả sóng đài BBC. Tiếng về cái đài của cha tôi lan truyền trong giới chơi ra-đi-ô ở thị trấn.
Cha tôi là cán bộ khu phố, đảm nhiệm chân an ninh trật tự. Chiến tranh, nên dân thị trấn đi sơ tán hết. Một đêm, sau đợt tuần tra về, ông tá hoả khi phát hiện chiếc đài không cánh mà bay. Thật là sét đánh. Cha tôi thẫn thờ, chán nản cả tuần. Rồi ông âm thầm dò tìm kẻ trộm cắp kia.
Gần một tháng sau, thủ phạm bị phát hiện. Trớ trêu thay, nó lại là rể trưởng của ông cô đồng kia. Để chạy cho chàng rể khỏi bị tù đày và giữ thể diện gia đình, ông đồng phải đích thân đến gặp cha tôi nhận nhục và mang theo hiện vật ăn trộm đến trả. Do đêm hôm không đèn đóm, lại quá vội vàng, anh chàng ăn trộm giật bung hết linh kiện chiếc đài. Lấy trộm mà chả dùng được, kể cũng tội cho thằng ăn trộm. Sau khi nghe ông cô đồng trình bày, với lời lẽ thống thiết, cha tôi tuyên bố, tha bổng. Chắc lúc đó ông cô đồng sướng phát điên.
Sau sự việc đó, chẳng bao giờ cha tôi sờ đến dụng cụ, hay hàn lắp ra-đi-ô nữa và cũng không kể ra trước thiên hạ câu chuyện kia. Nhỡ khi giáp mặt vơi cha tôi, ông cô đồng nhũn như con chi chi.
Cô đồng thứ hai trẻ hơn cô đồng trước cỡ mười lăm tuổi. Anh cô đồng này cũng buôn thuốc phiện. Nghe nói trong một vụ buôn chung, bị cô đồng già lừa một vố, mất cả chì lẫn chài. Tức mà không thể đưa ra cửa quan được. Uất quá, một dạo anh cô đồng này phát điên, cứ dọc các phố hò hát, nhảy múa, thỉnh thoảng nhớ nghề, còn nhảy đồng tâng tâng giữa phố.
Đến khi khỏi bệnh, anh cô đồng ta chẳng còn tâm trí đâu buôn bán thuốc phiện nữa, mà chuyển sang mở quán giải khát. Nhà anh này có cửa hàng mặt phố, buôn bán rất tiện. Anh ta cất ngôi nhà ba tầng, tầng dưới bán giải khát, tầng hai để ở và tầng ba lập điện thờ. Thật quá tiện, vừa là chỗ kinh doanh, ở, vừa là nơi thoả mãn nhu cầu tâm linh.
Mới đầu tầng hai dùng làm nơi sinh hoạt gia đình, tiếp đó nó được chuyển thành nơi cho hai cô con gái tiếp khách. Đó là quãng năm 1980. Thời kỳ ấy nhà máy xay hoạt động hết công suất. Ngày nào cũng có đoàn vận tải ô tô Cột Cờ Hà Nội về lấy gạo. Các anh tài lắm tiền là khách sộp cho quán xá phố thị quê tôi, ngày họ tiêu mấy chục đồng. Để hút khách, quán xá các nhà trong phố giở đủ trò.
Tất nhiên, anh đồng cô kia cũng ra công chiều chuộng khách. Nhà anh cô đồng có nhiều lợi thế. Một trong những lợi thế là có những hai cô con gái măng tơ. Món này, mời các ông tài, hợp quá. Giải khát ở tầng một xong, khách nhót lên tầng hai, có hàng phục vụ ngay. Đâm ra nhà anh đồng cô này khách hàng lúc nào cũng chen chúc.
Cái tầng ba là nơi lập điện thờ và anh cô đồng dùng để yêu trai. Tôi cũng một lần được lên điện thờ đó. Mẹ tôi buôn bán tạp pín lù. Vào dịp tôi về nghỉ hè đại học, tôi được mẹ giao mang cây thuốc lên nhà hàng anh ta. Nhận hàng xong, anh ta tủm tỉm cười, bảo tôi lên gác nhận tiền. Anh ta lên trước, tôi theo sau. Qua tầng hai, liếc qua cửa nửa khép nửa mở, thấy mấy gã trai trần trùng trục, lăn lóc, ngả ngốn, tiếng cười nói của đàn ông, đàn bà trong phòng vọng ra. Lên tới tầng ba, tôi thấy điện thờ nến hương nghi ngút, trên ban thờ bày nhiều hình nhân, cùng mũ mã sặc sỡ.
Tôi lúc ấy tuổi đôi mươi, thư sinh trắng trẻo. Vì còn trẻ nên tôi bất ngờ, khi thấy thái độ khác lạ của anh cô đồng kia. Hoảng quá, tôi chạy quanh điện thờ, cuối cùng tụt xuống tầng một. Một lúc sau anh cô đồng hậm hực bước xuống.
Giữa thanh thiên bạch nhật, người qua lại đông đúc, còn dám làm ăn gì. Anh cô đồng gắt: Thôi về đi. Hôm khác tôi trả tiền cho mẹ cậu! Mấy hôm sau không thấy mẹ sai tôi đưa thuốc cho nhà hàng anh ta nữa. Mẹ bảo, anh kia nói: Con nhà bà vía nặng. Cây thuốc mua mấy ngày, mà không bán hết. Lần sau, đừng có sai nó! Tôi nhẹ cả người, không phải mang thuốc cho anh cô đồng nữa.
Một dạo có anh cô đồng ở đâu đó lạc đến quê tôi. Anh này hơi lạ, mặc chiếc áo dài đỏ thắm, quần ta vải đũi vàng, trên đầu quấn tấm khăn xanh lẹt. Anh ta dạo khắp phố, múa hát nhí nhô. Cô đồng này khá tài tình, cưỡi trên chiếc xe đạp, tay lái xoay tít được quanh cổ phốt, mà vẫn phi vèo vèo. Có lúc bánh trước và tay lái rời ra, chiếc xe tách thành hai phần, anh ta vẫn cỡi xe uốn éo đi trên phố. Thật y như diễn viên xiếc.
Đồn rằng, anh cô đồng này cao tay. Mấy bà có số hầu thánh ở quê tôi sùng kính anh chàng tợn, lúc nào cũng một đàn, một lũ các bà rồng rắn theo sau. Anh ta thì múa hát, còn mấy bà kia ra công khấn vái. Chẳng rõ các bà lẩm nhẩm cái gì, chắc lại cầu khấn xin thêm nhiều tiền, nhiều lộc.
Nói về anh cô đồng lạc kia, hôm ấy anh ta cũng cưỡi xe, đằng sau cũng mấy bà có số hầu thánh lẽo đẽo theo. Đi loăng quăng một lúc trong phố, anh ta phi xe ra hướng bờ sông, mấy bà kia cũng luống cuống theo sau. Tới bờ sông, quẳng xe sang một bên, anh chàng bông nhông luôn xuống sông. Sau một lúc ngụp lặn gần bờ, anh ta bơi ra xa, tay giơ lên múa múa. Mấy bà theo sau lúc này hãi quá, không hiểu ý người nhà thánh là gì, bơi ra thì không được, đứng trên bờ vái, đâm ra thất lễ. Bí quá, các bà đành trên bờ vái vọng.
Được một lúc anh cô đồng bơi xuôi theo dòng nước. Mấy bà kia vừa khấn vái, vừa lần bước trên bờ theo. Vùng vẫy lâu, hình như mệt, người nhà thánh bơi dần vào bờ. Chỗ anh ta bơi vào gần chỗ bến đò Ảnh. Lúc này bến đò đông khách. Thấy cảnh lạ, một đám trẻ con lâu nhâu bâu tới. Kể cả mấy bà có số hầu thánh, khách qua đò và đám trẻ con, bến đò có tới non trăm người.
Anh người nhà thánh bơi vào đến bờ, lững thững bước lên. Nước từ trên đầu, trên cổ long tong chảy xuống. Cái áo dài bó sát lấy thân mình. Thấy anh ta chuẩn bị leo lên bờ, mấy bà tiến sát cả lại. Các bà vái dài và khấn khứa rất hăng. Kìa, anh ta bước lên khỏi mặt nước. Nước đến bụng, đến háng và rồi đến đầu gối, các bà vẫn tiếp tục vái. Khi anh chàng bước lên, nước qua đầu gối, qua bắp chân, xuống mắt cá, chợt rộ lên tiếng hò reo của đám trẻ:
- Ơ kìa! Người nhà thánh cởi truồng chúng mày ơi!
Bến đò rộ lên tiếng cười. Anh ta cứ thỗn thện bước. Cho đến lúc này mấy bà có số hầu thánh mới kịp ngó lên nhìn. Khấn vái nữa chăng, có bà đang giơ tay cao, hạ xuống, trân trân ngó nhìn.
Giờ mấy cô đồng già lớp trước ở quê tôi chết ráo rồi. Tre già măng mọc, nay lại nảy ra khối anh cô đồng mới. Bây giờ đời sống nâng cao, dân lắm tiền, nhiều kẻ sùng kính, có người bỏ ra mấy chục triệu cho một đêm hầu. Cứ yên tâm, cánh đồng cô quê tôi chiều tuốt. Các anh cô đồng này khoẻ lắm, thâu đêm suốt sáng, mấy chục giá hầu, họ vẫn nhảy tốt.