CHƯƠNG II - CỨ VIỆC NHÀ MÀ KỂ
7. Trưởng họ là ông Tây

Trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam có 964 họ, người Kinh có 165 họ, người hoa có 164 họ, người Nùng và người Mường ít họ nhất, mỗi dân tộc có 11 họ.
Ở phương Tây, họ hàng, ngoài quan hệ huyết thống còn là quan hệ hôn nhân, nó có thể trên phạm vi nhiều nước và mang tính xã hội hơn ở phương Đông. Phả hệ được ghi từ lâu đời, đầu tiên ghi các hoàng đế, quý tộc. Ở Pháp có lưu giữ cuốn "Lịch sử hoàng tộc Pháp", xuất bản năm 1674.
Dòng họ và ghi phả hệ phương Đông chủ yếu theo từng gia đình, từng dòng họ. Trung Quốc có phả hệ ghi từ đời Chu, vào năm 722 trước Công nguyên, chép các dòng dõi đế vương, quan khanh. Đến đầu công nguyên các sỹ tử đi thi phải khai tam đại, nên viết tộc phả là một yêu cầu tất yếu của sỹ tử.
Quyển phả hệ đầu tiên của Việt Nam là cuốn "Lý triều ngọc điệp", soạn triều Lý Thái Tổ năm 1026. Tiếc là hiện nay không còn tím thấy cuốn này. Cho đến nay các dòng họ Việt Nam còn lưu giữ nhiều cuốn phả. Về số cuốn của riếng dòng họ gốc Nguyễn Bặc, triều Đinh, tìm được 300 cuốn. Hiện nay, Viện Hán Nôm còn lưu giữ 300 cuốn phả hệ và dòng họ ở nước ta.
Đại tự trên bức hoành phi nhà thờ họ tôi phiên âm là: Nhị ngũ hoá sinh, nghĩa rằng: Khí âm dương chung đúc nên. Thấy truyền rằng, bức hoành phi xin chữ của Tam Nguyên Yên Đổ, cụ Nguyễn Khuyến, quê bên Bình Lục.
Tôi gốc họ Bùi. Gia phả ghi, tính đến nay, tới đời thứ mười lăm. Gia phả bắt đầu ghi cụ Tổ họ vào cuối thế kỷ XVI. Đến đời cụ Tổ thứ tư, thì đổi họ. Trong gia phả, không thấy ghi lý do là tại sao. Đến nay ở làng, vẫn còn họ Bùi và họ tôi. Ngày giỗ, hai họ qua lại lễ Tổ và có tục, con cháu không được lấy nhau. Sau một đời đổi họ, cụ Tổ đời thứ năm làm nên công trạng.
Trịnh Doanh lên ngôi chúa, trong nước nhiều vùng diễn ra loạn lạc. Thế nhà Chúa thật ngả nghiêng. Đích thân chúa Trịnh Doanh phải nhiều lần xuất chinh. Năm 1740 Trình Quận Công Hoàng Công Kỳ được cử làm Đại tướng, thống lĩnh đạo Sơn Nam, đi dẹp quân nổi dậy. Cụ tổ của tôi là một trong những thuộc tướng của Quân công Hoàng Công Kỳ.
Đợt xuất chinh dẹp quân nổi dậy Đoàn Danh Phương ở Vĩnh Phúc, khi chúa Trịnh Doanh khao thưởng chư tướng tại bờ sông Hồng, bên thành Thăng Long, ngày 22 tháng 2 âm lịch năm 1751, cụ Tổ tôi được vua ban sắc, phong hàm Phấn Lực Tướng Quân, chức Bách Hộ. Phần mộ cụ hiện an táng ở quê nhà. Cụ từng tham gia chinh chiến các vùng: Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Nghệ An.
Cụ tổ trực hệ đời thứ chín của tôi sinh 1840 mất năm 1886. Cụ ra lính, đóng chức Chánh đội trưởng. Từng nghe cụ tham chiến và tử trận ở vùng Chợ Đồn, Thái Nguyên. Do tử trận, mất xác, nên lễ an táng ở quê được tổ chức tượng trưng, đầu lâu - hoa gáo bằng sọ dừa. Trong khi dò tìm, phân tích để ghi chép lại gia phả, tôi cố hy vọng cụ Tổ của mình tham gia phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi chống Pháp. Bụi thời gian quá dày, chưa thể minh định, cụ đánh Tây, hay giúp Tây đánh ta. Thôi thì người đã khuất, không khiên cưỡng, uốn đặt gia phả.
Hồi tìm hiểu tư liệu viết gia phả, anh em trong cơ quan bảo tôi hâm. Gần hai tháng vào thư viện lục tài liệu. Điện thoại gọi đến, anh em đùa, ông ấy đang bận viết gia phả. Những tư liệu mà tôi thu thập được, kể ra cũng rất lý thú. Tôi xin kể một vài câu chuyện:
Trong số văn tự chữ Nho ít ỏi do một số gia đình trong họ cung cấp, tôi nhờ Viện Hán Nôm dịch ra quốc ngữ. Sau khi mày mò nghiên cứu, tôi phát hiện ra trong một cuốn gia phả lại ghi rất sơ sài, bỏ qua một số nhánh và đời trong chi phái đó. Nếu theo ngày tháng và tên người chép, thì lúc đó ông này mới bảy tuổi. Bảy tuổi mà viết nổi gia phả bằng chữ Nho, hoạ có thần đồng. Thôi rồi, một văn tự khuất tất. Đến gia phả một chi phái, người ta còn sửa chữa, thì không lạ gì, có những điều to tát hơn, bị bóp méo.
Một tài liệu khác khi dịch ra, lại không liên quan đến gia phả, mà là bản chúc thư chia tài sản. Điều thú vị ở đây là, tại một vùng quê nghèo nàn, heo hút Hà Nam, vào đầu thế kỷ trước, niên hiệu vua Duy Tân thứ năm (1911) người ta đã rất văn minh, có di chúc chia tài sản. Bà cụ ngoại tôi là chị cả được chia bảy sào ao. Tất nhiên bà được chia ít hơn so với các em trai, nhưng như thế là bình quyền đấy chứ. Trong chúc thư, ngoài chữ ký người cha lập, còn có tất cả chữ ký của con cái và triện, cùng chữ ký của lý trưởng và thấy một người có hai chữ ký, với hai tư cách, con trai và lý trưởng. Nếu văn minh kia được duy trì, phát triển, thì đến bây giờ, tránh cho không ít gia đình rơi vào cảnh, khi cha, mẹ mất, con cái đánh chửi nhau, vì di sản của bố mẹ để lại.
Trong quá trình sưu tầm, tìm hiểu gia phả, tôi khám phá ra một chuyện khá lạ và hài hước, phái trưởng thờ cúng, trông giữ nhà thờ họ hiện nay, gốc gác từ giống người Tây. Có lẽ ở Việt Nam ta, ít thấy trường hợp nào đặc biệt đến vậy - ông lai Tây làm trưởng họ.
Việc xảy ra vào cuối thế kỷ XIX, khi Pháp mới sang đô hộ Việt Nam. Ở phái Nhất có ông trưởng họ ra lính. Đi binh về quyền, sau mấy năm ra lính quay về làng, ông thành người oách, có chức vị nhà binh. Ngoài tên gọi trước đây, dân làng còn phải gọi thêm cái chức hồi ông đóng lính. Ra đình, ông đủ chuẩn ngồi chiếu trên với các cụ. Ngoài cái danh mang về làng và cả làng phải trọng, ông còn rước về cô vợ bụng chửa tướng.
Giữa một vùng quê Bắc bộ, nói giọng bèn bẹt chiêm trũng, vợ ông giọng Huế trọ trẹ, làm người làng nghe rất lạ tai. Chuyện của ông dân làng kháo cả tháng không hết. Tiếp đó họ lại được một chầu thì thầm nữa. Đó là khi bà vợ sinh con, đứa trẻ trai chẳng giống trẻ mỏ xứ ta, mà nó da trắng tuyết, tóc râu ngô, mắt mèo xanh biếc.
Thuở ấy dân làng đã ai trông thấy giống người Tây Dương đâu. Họ kháo nhau, hay là do ông ra lính, đến vùng rừng thiêng nước độc, nên sinh ra giống con như vậy. Cũng có thể do bà vợ là người miền trong, nên sinh ra, trẻ mỏ nó khác. Mãi sau này, khi gặp quan Tây, dân làng mới ngẫm ra, rồi suy đoán: Bà vợ kia chửa trước với ông Tây. Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ.
Để đổ đám vỏ ấy, ông được quan Tây trả cho cái danh nhà binh về làng, song ông phải rước bà kia về quê làm vợ. Ông vốn là trai trưởng, cháu trưởng, phái trưởng, nên là trưởng họ. Là người biết rõ đứa trẻ kia không phải dòng giống mình, nhưng ông không nói ra. Không nói ra, đứa con trai lai kia tất thành trai trưởng. Anh em và họ hàng ai dám nói.
Thời gian trôi đi, ông qua đời. Lúc này anh em có sự xì xào, nhất là ông em út, ông này từng là lý trưởng, định làm ầm lên, muốn truất thằng cháu trưởng lai. Rồi chuyện chẳng đi đến đâu, giở ra chỉ tổ vạch áo cho người xem lưng. Thế là giữa một vùng quê dày lệ tục, cậu Tây lai vẫn thành trưởng họ. Sờ sờ ra đấy, cả làng biết, cả họ biết,... Thế thì những chuyện thâm cung bí sử, chịu là đúng.
Mấy cụ cao niên ở làng đó còn nhớ về cụ Tây lai. Cụ mắt xanh như mắt mèo, mũi lõ, một búi tóc to sau gáy và rất sành chữ Nho. Nếu còn sống, ông cụ Tây lai trưởng họ tôi cũng hơn trăm tuổi. Hậu duệ của cụ, giờ đã tới hàng chút. Nay đám cháu, chắt của cụ, họ chẳng còn mắt xanh, mũi lõ nữa, nhưng dáng vẫn hơi khác, cứ cao lòng khòng, mũi gồ gồ.
Trong quá trình chép gia phả, tôi gặp lắm chuyện khó lý giải. Quê tôi tận Hà Nam, lại mấy chục năm loạn lạc, văn tự gia phả thất lạc. Đương lúc tưởng như vô vọng, ấy vậy mà trong một chuyến công tác về Nam Sách, Hải Dương, tôi lại tìm được cuốn gia phả họ mình bằng chữ Nho, viết năm 1929, lưu lạc ở đây. Cũng trong dịp này, tôi tìm được phần mộ ông cụ tổ trực hệ sáu đời của mình và hai cụ bà. Theo gia phả, cụ thuộc đời thứ tám, mất năm 1870.
Thành tâm với tổ tiên, ghi chép lại gia phả, tôi được các cụ phù hộ độ trì rồi đấy! Cuối tháng mười hai năm chín lăm, sau chuyến đi công tác, trở về nhà, thấy hàng xóm hai bên đang xây sửa. Tôi lo lắng, nhà mình đổ xuống bất cứ lúc nào. Cột và tường nhà chung nhau, thì cái bị dỡ, cái bị cưa. May có cô bạn của vợ tôi, cùng học đại học Văn hoá, tên là Phương, người làng Cót, cho vay ba nghìn đô, chúng tôi dành dụm được một nghìn và hai bên chi chút thêm một ngàn nữa, chúng tôi có tiền xây nhà.
Trước khi xây đã lường trước, chắc chắn mấy ông phường sẽ tới. Tôi ra xin trước với mấy ông quản lý xây dựng, ngày khởi công, khỏi vào lập biên bản cho đỡ xui. Đã kiêng kỵ, vẫn xui. Dân trong ngõ vẫn xúm nhau vào kiện. Mấy nhà giáp bên không có ý kiến gì, chỉ toàn những nhà xa xa kiện. Nào là, xây nhà có giấy phép không, xây lên che lấp hết ánh sáng, không khí nhà họ. Toàn những lý do chẳng đâu vào đâu. Có kiện là ông chính quyền xô tới, gia chủ phải hầu. Khi nhà xây xong, hạch toán ra, riêng khoản lót tay hầu kiện, mất toi năm triệu, bằng một phần mười chi phí ngôi nhà.
Hôm đổ trần tầng một, trong khi kiện cáo đang căng, lại đúng vào ngày giỗ họ, gia phả vừa in xong, tôi phải về dâng trước họ. Không về được, tôi đành nhờ ông chú giúp cho việc này. Trèo lên mái cốt pha, trước mâm lễ cúng đổ trần, tôi khấn nôm:
- Trình các cụ! Cả đời con, đây mới là lần đầu con xây nhà. Mà nhà có to tát gì đâu, chỉ có chục mét vuông, tiền lại đi vay. Thế mà họ cứ xúm vào đòi phá. Con lạy các cụ! Các cụ phù hộ độ trì cho!
Nhà không bị phá, một năm sau vợ chồng còn kéo cày, trả xong nợ. Nghĩ cũng lạ! Trước làm ăn mãi chả thấy tiền đâu, vay nợ, làm nhà xong một năm, đã kiếm ba ngàn trả đủ!