----- 2 ------

7. Đồng chí Sáu La Mã
Năm 1970, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Lênin, nhiều cuộc mít tinh lớn nhỏ được tổ chức chẳng những ở Hà Nội, mà còn ở tất cả các tỉnh, thành, huyện, xã... Ngoài ra, còn có các cuộc mít tinh cỡ “bỏ túi” ở khắp các cơ quan, trường học, xí nghiệp, hợp tác xã... Cả núi tài liệu về thân thế, sự nghiệp Lênin vĩ đại đã được Ban Tuyên huấn Trung ương và tuyên huấn các cấp phổ biến rộng rãi xuống tận cơ sở.
Cũng như mọi nơi khác, đúng ngày 22.4, một hợp tác xã nông nghiệp - được coi là “ngọn cờ đầu” của ngoại thành Hà Nội - tổ chức cuộc mít tinh có cả ngàn xã viên tham dự. Hàng ngũ quan khách cũng khá đông đảo: quan khách cấp xã, quan khách cấp huyện, quan khách cấp thành phố... Hợp tác xã này lại “kết nghĩa” với một nông trang tập thể ở ngoại ô Moskva nên Đại sứ quán Liên Xô còn cử người đến dự cho thêm phần long trọng. Và dĩ nhiên, còn có mặt cả đám phóng viên báo, đài...
Mở đầu cuộc mít tinh, đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã trịnh trọng đọc diễn văn khai mạc. Sau chừng 5 phút ề à “kính thưa” đủ mặt quan khách, đồng chí Bí thư hắng giọng, rồi ê a đọc bài diễn văn đánh máy sẵn từ trên huyện gửi xuống:
"Hôm nay, cùng với toàn thể loài người tiến bộ, chúng ta họp mặt ở đây để kỷ niệm trọng thể lần thứ một trăm ngày sinh đồng chí Sáu La Mã Lê Nin..."
Bà con xã viên ù ù cạc cạc, chỉ biết im lặng ngồi nghe. Còn trong hàng ghế quan khách, đặc biệt là quan khách cấp thành phố và đám phóng viên, thì xôn xao, sửng sốt vì cái tên “Sáu La Mã” lạ hoắc nọ.
Đợi mãi tới lúc Bí thư xã ngắc ngứ đọc xong bài khai mạc và tạm nghỉ giải lao, chàng phóng viên báo Hà Nội mới nhanh tay chớp lấy bản đánh máy diễn văn mà ông ta vừa đọc. Mấy người tinh ý trong đám quan khách thấy phóng viên nọ bỗng bịt chặt miệng, mặt đỏ rần, chạy vội vào hậu trường. Có người tò mò chạy theo, bắt gặp anh chàng vừa cố nhịn cười, vừa chỉ tay vào bản đánh máy. Thì ra, trong bản ấy, tên (Vladimir) và tên bố (Ilych - tức con ông Ilya) của Lênin được viết tắt là “V.I.”, đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã nhà ta chẳng biết mô tê gì, cứ thế “phang” bừa là... “Sáu La Mã Lê Nin”!
8. Bà con Lênin ở Việt Nam
Chuyện này cũng xảy ra vào dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Lênin vĩ đại, nhưng lại ở một xí nghiệp nội thành Hà Nội.
Đồng chí Bí thư Đảng uỷ sau khi đọc trơn tru mấy văn bản soạn sẵn của Ban Tuyên huấn, bèn tỏ vẻ hiểu biết, lên giọng hỏi những người dự mít tinh:
"Các đồng chí có biết Việt Nam ta có ai là bà con của lãnh tụ Lênin không?"
Một công nhân từng đi học nghề ở Liên Xô, mạnh dạn đứng lên đáp:
"Báo cáo Bí thư, theo tôi nghĩ, toàn thể đảng viên cộng sản Việt Nam đi theo đường lối Lênin đều là bà con của Lênin!"
Cử toạ vỗ tay tán thưởng câu trả lời hóm hỉnh. Nhưng Bí thư Đảng uỷ bĩu môi, lắc đầu:
"Đồng chí vừa rồi mới nói chung chung thôi. Tôi biết trong Đảng ta còn có một người bà con Lênin thật sự kia! Cho các đồng chí tiếp tục suy nghĩ năm phút nữa..."
Mọi người trố mắt nhìn nhau, ồn ào bàn tán. Năm phút trôi qua mà không thấy ai đứng dậy trả lời, Bí thư Đảng uỷ mới đắc chí nói:
"Có thế mà cũng không nghĩ ra! Người bà con Lênin thực sự, đó chính là đồng chí Lê Duẩn kính mến của chúng ta! Sao các đồng chí lại ‘ồ’ lên như vậy? Lênin họ Lê, đồng chí Lê Duẩn cũng họ Lê, vậy chẳng bà con là gì?"
9. Chùm chuyện Phạm Tuân bay vào vũ trụ
a. Dễ biết quá
Ngày 24.7.1980, tàu “Liên hợp 37” chở nhà du hành vũ trụ Liên Xô V. V. Gorơbátcô và nhà du hành vũ trụ Việt Nam Phạm Tuân bay vòng đầu tiên trên quỹ đạo trái đất. Lần đầu lên vũ trụ, Phạm Tuân ngỡ ngàng nhìn xuống trái đất và luôn mồm hỏi: “Đây là đâu?”
Lần thứ nhất, Gorơbátcô chìa tay ra ngoài cửa sổ con tàu và đáp: “Đây là vùng Bắc cực”.
Lần thứ hai, Gorơbátcô lại chìa tay ra ngoài và đáp: “Đây là vùng xích đạo”.
Đến lần thứ ba Phạm Tuân hỏi, Gorơbátcô vẫn chìa tay ra ngoài, nhưng lại rụt ngay tay vào và cáu kỉnh đáp: “Đây là cái nước Việt Nam nhà ngươi!”
Phạm Tuân ngạc nhiên: “Sao đồng chí biết giỏi vậy? Chìa tay ra ngoài, thấy lạnh nhiều thì biết là Bắc cực, thấy nóng nhiều thì biết là xích đạo, chuyện đó thật dễ hiểu. Còn ở nước tôi, chẳng lạnh lắm mà cũng chẳng nóng lắm, sao đồng chí chìa tay ra mà cũng biết được?”
"Tao bị... giật mất cái đồng hồ!"
b. Chỉ riêng Việt Nam
Đêm đầu tiên của chuyến bay, Gorơbátcô quan sát trái đất, rồi hỏi Phạm Tuân:
"Đồng chí hãy nhìn xem, khắp các nước trên thế giới đèn điện sáng trưng, riêng Việt Nam sao lại tối thui vậy?"
"Chắc đêm nay nước tôi bị cúp điện" - Phạm Tuân tỉnh bơ đáp.
c. Đồng hương trên vũ trụ
Lúc tàu vũ trụ “Liên hợp 37” tiến gần trạm quỹ đạo “Chào mừng 6”, Phạm Tuân thấy ngoài hai nhà du hành Liên Xô làm việc trên trạm từ nhiều tháng nay, còn lố nhố mấy người da vàng mũi tẹt. Nhà du hành Việt Nam lấy làm lạ lắm. Lại càng lạ hơn khi tàu lắp ghép thành công với trạm, Tuân thấy mấy người da vàng mũi tẹt nọ lại chính là người đồng hương Việt Nam. Tuân sửng sốt hỏi:
"Tôi là người Việt Nam đầu tiên bay lên vũ trụ kia mà! Các anh lên hồi nào vậy?"
Mấy người Việt Nam buồn bã đáp:
"Chúng tôi bị bắn lên đây hồi giá gạo, giá thịt, giá vàng ở Việt Nam tăng vọt đó!"
d. Đỏ tay và đỏ má
Thiên hạ đồn rằng trên tàu vũ trụ “Liên hợp 37” phóng lên quỹ đạo hồi tháng 7. 1980, ngoài Gorơbátcô và Phạm Tuân, còn có một nhà du hành vũ trụ Cuba nữa. Sau khi kết thúc thành công chuyến bay lịch sử, cả ba được kiểm tra sức khoẻ kỹ lưỡng.
Nhà du hành Liên Xô hoàn toàn khoẻ mạnh.
Còn nhà du hành Cuba thì hai mu bàn tay đỏ rần. Khám nghiệm mãi, vẫn không sao phát hiện đó là bệnh gì. Cuối cùng, nhà du hành Cuba mới ngượng ngùng tiết lộ: “Trong khi bay, tôi không được giao việc gì, ngồi buồn táy máy sờ cái nọ, vặn cái kia, nên bị đồng chí Liên Xô cầm thước vụt vào tay. Bị vụt nhiều lần nên cả hai mu bàn tay đều đỏ”.
Đến khi kiểm tra sức khoẻ nhà du hành vũ trụ Việt Nam, thấy Phạm Tuân vừa đỏ cả hai mu bàn tay, lẫn đỏ cả hai má. Bác sĩ hỏi:
"Chắc đồng chí lại ngứa tay táy máy các thứ nên cũng bị vụt thước như đồng chí Cuba chứ gì?"
Phạm Tuân gãi tai đáp:
"Báo cáo, đúng thế ạ."
"Vậy tại sao hai má đồng chí lại đỏ bầm thế kia?", bác sĩ hỏi tiếp.
"Báo cáo, tại vì tôi cứ hỏi luôn mồm nên bị đồng chí Gorơbátcô cho ăn tát liên tục ạ..."
10. Câu hỏi định mệnh
Một con tàu vũ trụ chở ba nhà du hành Liên Xô, Cộng hoà Dân chủ Đức và Việt Nam đi thám hiểm vùng thái dương hệ. Tàu bỗng gặp “trục trặc kỹ thuật”, bị văng khỏi thái dương hệ, tới một nơi loài người chưa hề biết đến. Ba nhà du hành chưa kịp hoàn hồn, lại thấy hai con tàu vũ trụ kỳ lạ chợt hiện ra, kèm sát hai bên tàu mình và bắt hạ xuống một hành tinh cũng có cỏ cây xanh tốt. Thì ra đây là hành tinh có con người sinh sống. Người ở đây lại hết sức thông minh nên chỉ sau vài giờ, họ đã có thể nghe hiểu và trả lời bằng tiếng nói của người trái đất.
Các nhà du hành chúng ta được đối xử lịch sự, thân ái. Nhưng đến khi cả ba ngỏ ý xin các vị chủ nhân tạo điều kiện cho họ trở về trái đất thì họ gặp ngay lời đáp lạnh lùng:
"Suốt bao đời nay, ở hành tinh chúng tôi có cái lệ bắt buộc với các vị khách ‘không mời mà đến’. Mỗi vị được phép đặt cho chúng tôi một câu hỏi. Nếu không trả lời được, chúng tôi sẽ lập ngay bệ phóng để đưa các vị quay lại thái dương hệ và trở về trái đất. Ngược lại, nếu chúng tôi trả lời được, các vị sẽ phải ở lại đây vĩnh viễn."
Ba nhà du hành chúng ta vô cùng bối rối. Nhưng vì muốn về ngay với vợ con nên cả ba quyết định cứ hỏi đại.
Thoạt tiên, nhà du hành vũ trụ Liên Xô hỏi:
"Ở hành tinh các vị, có máy tính điện tử không?"
Thay cho câu trả lời, mấy vị chủ nhân hành tinh bí ẩn dẫn người chúng ta đến một nhà máy chuyên sản xuất những máy tính điện tử mà vài thế kỷ nữa, trái đất ta may ra mới sản xuất nổi.
Đến lượt nhà du hành Cộng hoà Dân chủ Đức, tuy sợ lắm rồi, nhưng cũng cố hỏi liều:
"Thế các vị có sản xuất được máy đo chính xác không?"
Ba nhà du hành chúng ta lại được dẫn đến nhà máy đang sản xuất loại máy đo chính xác gấp trăm lần các máy đo hiện có trên trái đất.
Với vẻ mặt đưa đám, nhà du hành Liên Xô nắm chặt tay nhà du hành Việt Nam và nói:
"Số phận cả đội chúng ta bây giờ phụ thuộc hoàn toàn vào câu hỏi của tavarít [1]. Ráng suy nghĩ đi, anh bạn Việt thân yêu!"
Tavarít nhà ta tay chân lẩy bẩy, mồ hôi toát ra như tắm. Anh nghĩ bụng: “Hai tavarít đàn anh đã bị đo ván rồi, liệu mình còn làm được trò trống gì nữa!”
Mấy người hành tinh bí ẩn vẫn kiên nhẫn khoanh tay đứng chờ câu hỏi thứ ba, câu hỏi định mệnh cuối cùng. Nửa tiếng trôi qua, nhưng trong đầu nhà du hành đáng thương của chúng ta vẫn chẳng nảy ra được câu hỏi nào. Giữa lúc hốt hoảng, anh chàng bỗng buột miệng với giọng lắp bắp:
"Ở đây... các... vị... có... có... Đảng... Đảng... uỷ... không?”
Các vị chủ nhân hành tinh bí ẩn trố mắt nhìn nhau, rồi hỏi lại:
“Đảng uỷ?”
“Vâng, các vị có Đảng uỷ hay không?”
Những người nhận câu hỏi bối rối ra mặt. Họ yêu cầu ba nhà du hành vũ trụ trái đất cho họ một thời gian để tìm câu trả lời. Ngay sau đó, họ triệu tập những người tài giỏi nhất hành tinh, cố tìm cho ra “Đảng uỷ” là cái giống gì. Mấy bộ bách khoa toàn thư đồ sộ nhất được lôi ra tra cứu, nhưng trong đó không hề có từ “Đảng uỷ” oai oăm nọ. Số người tài giỏi nhất mở hết cuộc họp này đến cuộc họp khác suốt cả tháng trời mà cũng chẳng giải quyết được gì. Cuối cùng, họ đành phải chịu thua câu hỏi của nhà du hành Việt Nam và lập ngay bệ phóng để đưa con tàu chở các vị khách “không mời mà đến” trở về trái đất.
Lúc tiễn ba nhà du hành chúng ta, người được coi là tài giỏi nhất ở cái hành tinh bí ẩn nọ bước đến bên công dân Việt Nam và gãi tai, hỏi nhỏ:
“Ngài có thể tiết lộ cho tôi được biết ‘Đảng uỷ’ là gì không, nếu đó không phải là điều tối mật của nước ngài?”
“Tối mật cái quái gì!” - Nhà du hành người Việt cười ha hả, đáp. “Ở nước chúng tôi, “Đảng uỷ” [2] có vô thiên lủng. Chính các vị cũng vừa có một thứ ‘Đảng uỷ’ mà các vị không biết đó thôi!”
Những người chủ hành tinh bí ẩn tròn mắt kinh ngạc:
“Chúng tôi vừa có một ‘Đảng uỷ’? Sao chúng tôi lại không biết kìa?”
Nhà du hành nước ta cười kẻ cả, đáp:
“’Đảng uỷ’ là cái tổ chức hội họp triền miên mà chẳng giải quyết được gì, như các vị vừa làm trong suốt tháng qua đó!
11. Lên nhanh nhất và xuống nhanh nhất
Ngày 23 tháng Chạp, Táo quân các nước đua nhau lên chầu Ngọc hoàng Thượng đế. Mỗi ông Táo đều đi bằng phương tiện tối tân của nước mình và chẳng ai bảo ai, ông nào cũng muốn là người dâng sớ trước tiên.
Táo Liên Xô và Táo Mỹ dĩ nhiên là đáp tàu vũ trụ. Cả hai chắc mẩm thể nào mình cũng lên sớm nhất. Ai dè vừa lên tới cổng thiên đình, ngó vào trong, đã thấy Táo Việt Nam quỳ mọp trước Ngọc hoàng và đang đọc bức sớ dài thoòng.
Đợi Táo Việt bước ra, hai táo quân Liên Xô và Mỹ liền túm lấy, hỏi:
“Bác lên trời bằng phương tiện gì mà nhanh hơn cả tàu vũ trụ tối tân của bọn tôi?”
“À, tôi leo thang..." Táo Việt khinh khỉnh đáp.
"Thang gì mà kỳ diệu vậy?"
"Thang... vật giá của bản quốc."
Qua ngày tất niên, Táo quân các nước lại lục tục kéo về cho nhanh để kịp đón giao thừa cùng gia chủ. Lần này, Táo Liên Xô và Táo Mỹ bảo nhau phải tăng tốc độ bay của tàu vũ trụ lên nhiều lần để xem Táo Việt còn xuống trước được không. Ấy vậy mà lúc Táo quân hai “siêu cường quốc” hớt hải từ tàu vũ trụ bước ra, đã thấy Táo Việt nhà ta ung dung ngồi đánh chén thịt cầy và tợp rượu quốc lủi.
Táo Liên Xô đỏ mặt tía tai, kêu lên:
"Bác phải nói ngay cho chúng tôi biết, lần này bác xuống bằng cái thang kỳ quái gì mà nhanh như vậy?"
Táo Việt khề khà:
"Chẳng giấu gì hai bác, tôi xuống nhanh hơn cả tàu vũ trụ là nhờ cái thang có một không hai của bản quốc: thang mức sống dân đen."
12. Bộ ta có nhà máy gì?
Trong một cuộc họp ở Bộ Nông nghiệp, ông Bộ trưởng đập bàn chất vấn đám cán bộ chủ chốt:
"Tại sao vụ này thiếu nhiều phân đạm thế? Đồng chí Vụ trưởng Vụ Tổ chức gọi ngay tay Giám đốc Nhà máy Phân đạm lên đây để tôi cạo cho một trận!"
Vụ trưởng Vụ Tổ chức khúm núm đứng dậy, gãi tai:
"Báo cáo anh, nhà máy ấy lại thuộc Tổng cục Hoá chất, chứ không thuộc Bộ ta ạ..."
Bộ trưởng tròn mắt, hỏi:
"Ủa, vậy Bộ ta có nhà máy gì?"
"Dạ, báo cáo anh, Bộ ta chỉ có nhà máy phân... xanh thôi ạ."
13. Lệnh anh Ba [3]
Năm 1978, anh Ba đến Nhà máy sản xuất tủ lạnh và ra lệnh cho ban giám đốc: “Phải gấp rút sản xuất để đến năm 1980, mỗi nhà đều có một tủ lạnh. Năm 1976, khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, tôi đã trót hứa với dân chúng cả nước như vậy rồi”.
Cũng năm 1978, tới Nhà máy sản xuất tivi, anh Ba lại ra lệnh: “Đến năm 1980, phải ráng sản xuất cho mỗi nhà một tivi. Tôi cũng đã hứa như vậy, không thể trái lời!”
Cuối năm 1979, anh Ba hối hả đến Xí nghiệp đóng áo quan, hạ mật lệnh: “Đóng gấp cho mỗi người dân một cái áo quan!”
14. Vấn đề đầu tiên
Ba Mập: Muốn cải thiện đời sống nhân dân, phải đẩy mạnh sản xuất.
Út Ròm: Vấn đề đầu tiên.
Ba Mập: Đúng quá rồi! Còn muốn đẩy mạnh sản xuất, phải gia tăng các mặt hàng xuất khẩu để thu ngoại tệ về cho Nhà nước.
Út Ròm: Vấn đề đầu tiên.
Ba Mập: Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm phát triển mọi sinh hoạt lành mạnh về văn hoá và tinh thần của quảng đại quần chúng...
Út Ròm: Vấn đề đầu tiên.
Ba Mập: Quái, sao tui đụng đến chuyện gì, ông cũng hô hoài “vấn đề đầu tiên” vậy cà?
Út Ròm: Vấn đề đầu tiên là vấn đề “tiền đâu”, hiểu chưa cha nội?
15. Lý lịch vào Khối SEV [4]
Họ và tên: Việt Nam
Tuổi: 4.000
Họ và tên cha: Liên Xô
Họ và tên mẹ: Trung Quốc
(Ghi chú: Cha mẹ đã ly dị từ nhiều năm, nay sống dựa vào cha sau khi bị mẹ “uýnh đau” [5] hồi đầu năm 1979.)
Tôn giáo: Đa thần giáo Mác-Lê-Mao, có pha trộn cả Khổng giáo, Nho giáo và đôi chút Phật giáo
Nghề thành thạo nhất: Đánh nhau
Quan hệ bạn bè: Không chơi với ai và nếu có chơi cũng không lâu dài
16. Kít chê Đặng ngu
Sau vụ Trung Quốc xua quân xâm lược Việt Nam hồi đầu năm 1979, “quân sư quạt máy” Kissinger tức tốc bay qua Bắc Kinh. Đặng Tiểu Bình hí hửng khoe với Kít:
“Chỉ trong vòng một tháng, quân của tôi đã triệt để thi hành chính sách giết sạch, đốt sạch, phá sạch...”
Kít tròn mắt hỏi:
"Các ngài giết sạch cả đám cán bộ tổ chức và kinh tế?"
"Giết sạch!" Đặng đắc chí.
Kít đập bàn la trời và phán:
"Các ngài ngu hết chỗ nói! Để đám cán bộ ấy lại, chúng còn phá hại gấp mấy mười lần quân các ngài đó!"
17. Phần Việt Nam
Hội đồng Tương trợ Kinh tế mở cuộc họp cấp cao tại Moskva để bàn về phần đóng góp của mỗi nước thành viên, tuỳ theo thế mạnh của mình, vào kế hoạch sản xuất chung.
Sau mấy buổi thảo luận sôi nổi, cuối cùng Liên Xô lãnh phần sản xuất máy công cụ và dầu khí, Cộng hoà Dân chủ Đức sản xuất máy đo chính xác, Hungari sản xuất đồ điện tử, Ba Lan đóng tàu viễn dương, Cuba sản xuất đường, Mông Cổ sản xuất len và thịt gia súc...
Đến lượt Việt Nam, vị trưởng đoàn đứng dậy, trịnh trọng tuyên bố:
“Nước chúng tôi dù vừa vượt qua bom đạn chiến tranh, vẫn hăng hái lãnh phần sản xuất... nghị quyết!”
18. Họ “Tôn Thất”
Trong một cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng, có vị lên tiếng: “Nước ta có nhà bác học lừng danh thế giới là giáo sư Tôn Thất Tùng. Vậy để thế giới khâm phục cơ quan hành pháp ta có lắm nhà bác học, tôi đề nghị tất cả các đồng chí bộ trưởng nhất loạt mang họ Tôn Thất”.
Mọi người vỗ tay rần rần và tranh nhau đặt tên mới.
Bộ trưởng Tài chính hí hửng giành tên “Tôn Thất Thu”. Bộ trưởng Nông nghiệp khoái tên “Tôn Thất Bát”. Bộ trưởng Nội vụ [6] và Bộ trưởng Y tế cùng đòi cho được cái tên “Tôn Thất Đức”, cuối cùng ông Nội vụ có tên “Tôn Thất Đức A” và ông Y tế có tên “Tôn Thất Đức B”. Bộ trưởng Lao động được đặt tên “Tôn Thất Nghiệp”. Bộ trưởng Giáo dục hài lòng với cái tên “Tôn Thất Học”, v.v...
Đến lượt Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng [7], ông đứng dậy nói:
“Tôi xin lãnh cái tên Tôn Thất Bại.”
19. Cả ngày xếp hàng
Một đám người già trẻ lớn bé đang xếp hàng rồng rắn trước cửa hàng lương thực phố Đặng Dung, Hà Nội. Đứng cuối hàng là người đàn bà có vẻ mặt cau có. Mãi một lúc lâu, hàng người rồng rắn mới nhích được một chút. Thấy vậy, bà nọ ca cẩm: “Cứ điệu này thì đến tận tối cũng chửa chắc đã mua được gạo. Dân Sài Gòn giễu bốn chữ viết tắt “chủ nghĩa xã hội” (CNXH) là ‘cả ngày xếp hàng’, cũng chẳng oan đâu. Tiên sư nhà chúng nó!”
Một ông lão đứng cạnh nghe vậy, bèn bàn góp: “Bà đứng đây chửi thì chỉ có bà và đám dân quèn này nghe thôi. Bà có gan, đến trước cửa nhà anh Ba mà chửi thì mới hả”.
Bà nọ hí hửng: “Cụ dạy chí phải. Nhờ cụ giữ chỗ hộ cháu, cháu chạy ù ra trước nhà anh Ba chửi một trận cho đã tức. Nhà anh Ba ở ngay đây thôi mà!”
Nói rồi, bà ta te tái đi.
Mươi phút sau, đã thấy bà hầm hầm quay lại. Ông lão bèn hỏi: “Sao chửi nhanh thế?” Bà nọ hậm hực nói: “Nào đã được chửi! Ở trước nhà anh Ba, muốn đứng chửi cũng phải... xếp hàng. Mà hàng ở đấy lại dài hơn ở đây nhiều lắm, đứng đến mai chửa chắc đã tới lượt mình. Cháu gửi chỗ đằng ấy rồi, giờ thì xếp hàng mua gạo cái đã. Tiên sư nhà chúng nó!”
20. Bạn học của anh Ba [8]
Có ông lão nọ gây lộn với hai công an, liền bị đánh túi bụi. Ông lão vừa chống đỡ, vừa la lớn:
"Mấy chú coi chừng, tui là bạn học anh Ba đó!"
Một công an nghe vậy có ý sợ, bèn ngưng tay và bảo bạn:
"Thôi, tha cho lão, kẻo lại mang luỵ vào thân đó..."
Công an kia vẫn đánh ông lão. Đánh chán tay, anh ta mới nói:
"Lão nói khoác vậy mà mầy cũng tin! Anh Ba có đi học bao giờ đâu mà có bạn học!"
21. Tin vào Đảng... [9]
Trước Nhà thờ lớn Hà Nội có pho tượng Chúa đứng giữa vườn hồng nhỏ được vây tròn bằng lớp rào sắt. Gần đây, sáng sáng, những người đi làm ngang qua đều thấy một cậu bé chừng 15 tuổi, mặt mũi khôi ngô, quỳ trước tượng Chúa, mắt lim dim, miệng lầm rầm cầu nguyện. Cảnh tượng này không lọt qua mắt ông cán bộ báo Nhân dân có trụ sở đối diện với Nhà thờ lớn. Một bữa, ông nọ tò mò tới sát cậu bé và nghe rõ lời nó cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin Chúa cao cả lòng lành đoái thương cho con 100 đồng [10] để con có tiền ăn học!”
Ông cán bộ báo Nhân dân cảm thấy vừa buồn cười, vừa thương hại. Ông ta nghĩ bụng: “Chúa nào cho mày tiền! Hừm, ta sẽ cho mày một bài học”.
Ông vội vã chạy về toà báo, gặp ngay các đồng chí cùng chi bộ và bàn: “Đề nghị các đồng chí kẻ ít người nhiều, góp tiền cho thằng bé đáng thương nọ. Số tiền này, chúng ta sẽ bỏ vào cái phong bì có đề chữ “ĐẢNG”. Nhận được tiền, nó sẽ hiểu ra là chỉ có Đảng mới có thể cho nó tiền, cho nó tương lai. Nó sẽ tin vào Đảng, chứ không còn tin vào vị Chúa bất lực của nó”.
Mọi người ủng hộ ý định tốt đẹp của ông ta. Nhưng phần vì không có tiền, phần vì “ke” nên họ chỉ góp được có 62 đồng.
Ông cán bộ nọ vội vàng cho tiền vào cái phong bì có viết chữ “ĐẢNG” to tướng, rồi kín đáo đặt ngay trước mặt cậu bé. Lúc cậu bé mở mắt, thấy phong bì, bèn bóc ra và đếm kỹ tiền. Đếm xong, nó nức nở khóc.
Ông cán bộ báo Nhân dân ngạc nhiên lắm, nhưng cố nén lại, lặng yên theo dõi. Ông thấy cậu bé tay cầm chặt phong bì tiền, lại quỳ xuống trước tượng Chúa, mắt lim dim, miệng cầu nguyện tức tưởi: “Lạy Chúa, lần sau Chúa có cho con tiền thì xin cứ gửi thẳng cho con, đừng gửi qua Đảng. Đảng đã ăn chặn của con mất 38 đồng rồi, hu...hu...”
22. Một phần ba
Ngày 30.3.1980, Bác Tôn Đức Thắng qua đời. Gặp lại Bác Hồ, Bác Tôn mừng mừng tủi tủi. Sau một hồi hàn huyên, Bác Hồ sực nhớ, vội hỏi:
"Di chúc tôi để lại, các đồng chí thực hiện đến đâu rồi?"
Bác Tôn buồn bã đáp:
"Chỉ thực hiện được một phần ba thôi, Bác ơi!"
"Mới hơn chục năm mà đã thực hiện được một phần ba Di chúc, thế là khá lắm rồi! Tôi sẽ gửi điện chúc mừng Đảng ta sáng suốt lãnh đạo toàn dân thực hiện tốt Di chúc... Nhưng mà này, sao đồng chí Tôn lại trả lời tôi với giọng ỉu xìu xìu như vậy? Tin vui thì giọng phải vui chứ?"
"Vui sao được, Bác ơi! Lúc đi gặp Cụ Mác và Cụ Lê, Bác để lại chín chữ: Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Vậy mà hơn chục năm qua, Đảng và Nhà nước mới thực hiện được đúng... ba chữ đầu."
23. “Bảng đỏ, sao vàng"
Có một đảng viên chuyên hoạt động bí mật ở Sài Gòn trước năm 1975, được quần chúng lao động tin yêu, che chở. Sau ngày giải phóng, đảng viên nọ trở thành một lãnh đạo cấp cao. Ông ta không còn phải lẩn quất trong khu nhà ổ chuột của dân nghèo nữa, mà được ở trong toà biệt thự nguy nga của một “đại gia” đã di tản. Ông còn được cấp xe hơi bóng lộn và có hẳn tài xế riêng. Bà con lối xóm thấy ông mỗi ngày một đổi thay. Người đảng viên gần dân và cần dân năm xưa đã biến thành một “ông lớn” thực thụ.
Cho tới một hôm, giữa bữa cơm chiều thịnh soạn, bé gái út 8 tuổi rụt rè hỏi ông:
"Ba nè, sao tụi bạn con toàn kêu ba là ông ‘Bảng đỏ, sao vàng’? Con hỏi, tụi nó chỉ nhe răng cười. Con từng nghe mấy chú trong hẻm cũng kêu ba như thế. Vậy là sao hả ba?"
Đang mải gặm đùi gà, ông bố đáp cho qua chuyện:
"Con không thấy các trụ sở cơ quan cách mạng đều treo bảng sơn đỏ, chữ vàng đó sao? Bà con kêu vậy, ý muốn nói ba là người cách mạng..."
Nhưng đến đêm, nằm vắt tay lên trán, ông đảng viên lâu năm nọ bỗng giật mình. Thì ra bốn chữ “Bảng đỏ, sao vàng” nói lái theo giọng Sài Gòn có nghĩa là... “Bỏ Đảng, sang giàu”.
24. Chỉ cần ném... [11]
Năm 1978, nhiều vùng bị lụt lớn. Anh Ba, anh Chinh [12] và anh Đồng [13] đáp máy bay trực thăng đi “thăm thú dân tình”.
Thấy dân chúng khốn khổ vì lụt lội, anh Ba động lòng thương, vội ném một nắm tiền 50 đồng xuống. Nhiều người tranh nhau nhặt tiền, nhưng ai nấy vẫn buồn thiu. Thấy vậy, anh Chinh bèn nói với anh Ba: “Anh ném tiền lớn quá, ít người nhặt được, nên dân chúng không vui”. Nói đoạn, anh Chinh liền ném một nắm tiền 10 đồng. Quả là số người nhặt được tiền có nhiều hơn, nhưng dân chúng vẫn chẳng vui hơn chút nào. Thấy vậy, anh Đồng bèn nói: “Để tôi ném tiền 1 đồng xem sao”. Dĩ nhiên, số người nhặt được tiền lại nhiều hơn, nhưng quái lạ, dân chúng vẫn buồn rũ.
Bối rối, anh Ba hỏi viên phi công:
"Theo cháu, nên ném tiền gì xuống thì dân chúng mới vui?"
Viên phi công thủng thỉnh đáp:
"Dạ, thưa bác, chỉ cần ném... ba đồng chinh thôi ạ."
25. Ai được dân thích nhiều hơn? [14]
Lại chuyện anh Ba, anh Năm và anh Đồng đáp máy bay trực thăng đi “thăm thú dân tình”. Anh Ba lên tiếng:
"Nếu tôi ném 50 tờ hai chục xuống thì có 50 dân thích tôi."
Anh Năm nói theo:
"Nếu tôi ném 500 tờ hai đồng xuống thì số người dân thích tôi còn gấp anh Ba cả chục lần."
Anh Đồng cũng nói:
"Tôi chỉ cần ném 5.000 tờ hai hào, số người dân thích tôi sẽ gấp anh Ba cả trăm lần."
Nghe ba anh tán dóc với nhau như vậy, viên phi công liền bàn góp:
"Nếu cháu... buông tay lái, chắc hẳn cháu sẽ được 50 triệu người dân yêu thích!"
26. Ba thủ lợn
Một hôm, anh Ba cùng anh Năm và anh Đồng đi mua thủ lợn. Trong hàng thịt, có ba thủ lợn lớn bằng nhau. Anh Đồng chọn một cái, phải trả 5 đồng. Anh Ba lấy cái thứ hai, phải trả 3 đồng. Anh Năm mua cái còn lại, chỉ phải trả có 1 đồng. Anh Đồng lấy làm lạ, hỏi người bán:
"Tại sao ba thủ lợn lớn bằng nhau mà lại bán ba giá khác nhau?"
Người bán thịt đáp:
"Cái thủ thứ nhất có óc nhưng không có mắt nên giá 5 đồng. Cái thứ hai có mắt nhưng không có óc nên giá 3 đồng. Còn cái thứ ba, chẳng có óc mà cũng chẳng có mắt, giá chỉ 1 đồng thôi. Tôi bán thế là phải giá lắm rồi, còn thắc mắc gì nữa?"
27. Chuyện lương...
Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng được tiếng là người thực sự quan tâm đến đời sống nhân dân. Ông lại là một trong số rất ít cán bộ lãnh đạo cấp cao muốn và biết lắng nghe ý kiến của mọi người, kể cả những ý kiến “nghịch nhĩ”.
Một hôm, ông mời nhà văn Nguyễn Tuân đến chơi và hỏi:
"Anh nói thật cho tôi biết, trong xã hội ta hiện nay, lớp người nào sung sướng nhất?"
"Lớp người vô lương" - Nguyễn Tuân đáp liền.
"Anh có thể nói rõ hơn được không?"
"Đó là lớp cán bộ vô lương tâm và đám con phe... không ăn lương nhà nước."
Một lần khác, Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm vùng mỏ Quảng Ninh và ghé vào nhà một công nhân. Sau khi hỏi mức lương của hai vợ chồng, ông nói:
"Lương cô chú thấp như vậy, đời sống chắc khổ lắm?"
Anh chồng đáp:
"Lương thấp chưa hẳn đã khổ, chỉ lương... thiện mới khổ thôi ạ!"
Thấy Thủ tướng ân cần lắng nghe, chị vợ mạnh dạn “đế” thêm:
"Anh chị em công nhân chúng tôi thường kháo nhau về phong trào đấu tranh chống tiêu cực đang diễn ra rầm rộ trong cả nước: Bên trên các vị lãnh đạo cứ tha hồ mà tiêu, còn bên dưới dân đen chúng ta cứ tha hồ mà cực”.
Thủ tướng xo vai, im lặng...

[1]Đồng chí, tiếng Nga
[2]Đại từ điển tiếng Việt (Nxb Văn hoá-Thông tin, Hà Nội, 1999) giải thích Đảng uỷ là “Ban chấp hành đảng bộ”
[3]Ông Lê Duẩn
[4]Tên viết tắt theo tiếng Nga của Hội đồng Tương trợ Kinh tế (1949-1991). Đây là tổ chức hợp tác kinh tế của nhiều nước thuộc khối Liên Xô-Đông Âu, về sau kết nạp thêm Cuba, Mông Cổ và Việt Nam.
[5]Từ 17.2 đến 16.3.1979, Trung Quốc ồ ạt xua quân đánh vào các tỉnh biên giới Việt Nam, khiến cả hai “mẹ con” đều bị sứt dầu, mẻ trán. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, phía Việt Nam nói quân Trung Quốc có 62.500 người bị chết và bị thương, còn phía Trung Quốc nói quân Việt Nam có 60.000 người chết và bị thương.
[6]Nay là Bộ Công an
[7]Nay là Thủ tướng. Thời ấy, cơ quan hành pháp nước ta bắt chước y chang cách đặt tên của Liên Xô và nhiều thành viên khác trong khối SEV.
[8] “Cóp” chuyện tiếu lâm chính trị Liên Xô (xem phần Phụ lục)
[9]“Chế” chuyện tiếu lâm Sài Gòn trước năm 1975 (xem phần Phụ lục)
[10]Đây là số tiền không nhỏ thời ấy, khi lương tháng một bộ trưởng chỉ có 200 đồng.
[11]“Chế”chuyện tiếu lâm Sài Gòn trước năm 1975 và “cóp” chuyện tiếu lâm Đức (xem phần Phụ lục)
[12]Ông Trường Chinh, còn có bí danh là Năm
[13]Ông Phạm Văn Đồng, còn có bí danh là Tô
[14]“Chế” chuyện tiếu lâm Sài Gòn trước năm 1975 (xem phần Phụ lục)