5. Kiểm điểm vì Phùng Quán

Chia tỉnh, tôi về lại Quảng Bình làm Tổng thư ký (Chủ tịch Hội bây giờ). Gần hai năm sau, đầu tháng 4/1991, Phùng Quán từ Hà Nội vào thăm chúng tôi. Mừng lắm, không ngờ lại được gặp ông sau ngày chia tỉnh. Tôi hội ý với Ban Thư ký rồi lên kế hoạch, đồng thời đi cùng ông trên chiếc xe la đa cũ, tài sản lớn nhất được chia ra từ Hội Bình Trị Thiên.
Chiều 12/4 chúng tôi đến Hoàn Lão. Ông Lê Chiêu Nẫm– Bí thư Huyện uỷ Bố Trạch và anh Thoan - Trưởng Ban Tuyên giáo niềm nở đón tiếp chúng tôi. Anh Thoan dẫn chúng tôi về giao lưu với Trường Bồi dưỡng Giáo viên của huyện. Sau buổi tiếp xúc ấy, trường phổ thông trung học số 1 đăng ký mời Phùng Quán nói chuyện thơ. Hôm sau trên đường về anh Thoan tìm gặp xin chuyển địa điểm về nhà Văn hoá Trung tâm để bà con thị trấn được nghe nữa. Cuộc nói chuyện không thành. Họ ghi điện thoại cho tôi xin hoãn. Tôi hỏi, vậy thì bao giờ có thể tổ chức? Họ trả lời không biết nữa.
Thế nhưng Phùng Quán vẫn tiếp tục được mời nói chuyện ở trường phổ thông trung học Đào Duy Từ và trường cấp 2 Đồng Mỹ. Người nghe đứng chật ra tận hành lang. Anh Lại Minh Thương, bạn tôi, học sinh cũ của trường cấp 3 Quảng Bình, là đội trưởng Hợp tác xã đánh cá Hồng Mỹ, Bảo Ninh nghe tin, mời Phùng Quán và tôi sang nhà thết đãi, nghỉ lại đọc thơ cho xóm giềng. Tôi sung sướng và cảm động. Đâu đâu người ta đều ngưỡng vọng nhà thơ, muốn được nghe thơ, được nhìn rõ con - người - nhà - thơ như thế nào. Đó là dấu hiệu văn hoá lành mạnh. Ông nói chuyện say sưa, đọc thơ say sưa, hồn nhiên như người “cấm khẩu” lâu ngày bỗng nhiên bật lên tiếng nói. Không lần nào giống lần nào, con người ấy có sức cảm hoá đến kỳ lạ. Vẫn cái giọng trầm và ấm, cái giọng trải qua nhiều cay đắng nghiệt ngã, kiên gan trước cuộc đời ba động, đã đúc nên thứ âm thanh như có thần phép kia.
Nhưng tất cả những cuộc đi đâu về đâu đều có người theo dõi. Chúng tôi đi là họ đến. Họ cấm không được tổ chức gặp gỡ, đọc thơ hay nói chuyện gì nữa. Phùng Quán là Nhân văn.
Những ngày lưu lại nhà tôi đã thành một sự kiện.
Tôi nhớ sáng nào vợ tôi cũng dọn sẵn trên bàn một chén cà sống, bát ruốc, góc chai rượu ngon. Khi thì đĩa bánh cuốn, khi thì cháo trắng. Những thứ hợp khẩu với ông. Tôi cụng với ông một ly, nhấm nháp qua loa để đến cơ quan kịp giờ làm việc. Ông ngồi bên chai rượu cho tới khi tôi về để còn đi thăm những người quen biết.
Thế rồi đột ngột tỉnh giao tôi nhiệm vụ tháp tùng đoàn của Bộ Văn hoá lên hai huyện Tuyên Hoá và Minh Hoá. Ông rất muốn theo tôi. Khi hỏi đi cùng ai, ông bảo, mình trở thành kẻ bị săn đuổi tới nơi rồi. Thôi đi đi, mình không đi nữa. Tôi bàn với ông lên nhà Hải Kỳ, ở chơi vài ngày đợi tôi về. Ông ừ. Sau này được Hải Kỳ kể lại, ông và Hải Kỳ vừa ra khỏi nhà, lập tức công an vào hỏi. Vợ Hải Kỳ khôn khéo đem giấu cái bị cói của Phùng Quán ra sau bàn thờ, không thì họ lấy cũng nên.
Quả như vậy, khi tôi về đã thấy giấy mời lên làm việc với Thường vụ Tỉnh uỷ. Người trực tiếp gặp tôi là phó bí thư thường trực cùng một số người nữa. Ngồi vào bàn ông nói ngay: “Anh là cán bộ lãnh đạo Hội. Phùng Quán là ai, anh biết rồi đấy. Gần nửa tháng qua anh đưa anh ta đi đâu, gặp gỡ ai, nói chuyện gì”. Tôi trả lời ngay không cần nghĩ ngợi: “Phùng Quán là nhà văn thế hệ chống Pháp. Năm 1988 anh đã được phục hồi hội viên. Anh công tác ở cơ quan văn phòng Bộ Văn hoá, đã từng in...” Chưa dứt lời ông cắt ngang với hai hàm răng rít chặt: “Không nói nhiều, anh về viết bản kiểm điểm gửi cho chúng tôi. Cần nhớ rằng anh thuộc diện cán bộ chúng tôi quản lý...”. Tôi không đáp lại nữa. Ra về mà lòng cứ ấm ức. Chẳng lẽ thế? Chẳng lẽ người ta vẫn còn kỳ thị, nghi ngờ đến thế? Phùng Quán đã xuất hiện ở Huế, lúc ông làm Phó Giám đốc Công an cơ mà. Ông không biết Phùng Quán đã đọc thơ và nói chuyện nhiều nơi, đã in trên báo Đà Nẵng và tạp chí Sông Hương hay sao. Vả lại, hồi năm 81, 82 khác. Năm 86, 87 đất nước đã đổi mới, văn nghệ được cởi trói. Giờ đã là 91. Ông định làm gì nữa đây?
Tôi về nhà viết bản kiểm điểm gửi cho bốn tổ chức, Thường vụ Tỉnh uỷ, Đảng Đoàn Văn nghệ, Ban Thư ký, Chi bộ Cơ quan Hội. Những dòng tôi trích dưới đây y nguyên trong bản đánh máy trên mặt giấy pơ luya màu thẩm hồi đó. Tất nhiên tôi phải mất hẳn một buổi tìm lại từ “thư viện gia đình”. Tính tôi luộm thuộm, không ngăn nắp như người ta. Mở đầu tôi viết: “Nhà văn Phùng Quán, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả tiểu thuyết Vượt Côn Đảo, gần đây với bộ tiểu thuyết ba tập Tuổi thơ dữ dội được tặng thưởng văn học của Hội Nhà văn, chuyển dựng thành phim được tặng thưởng phim hay năm 1990...” Không lâu, trên một trang báo Nhân dân, in danh mục những phim chiếu phục vụ trong dịp Đại hội Đảng, có Tuổi thơ dữ dội. Trang 5, cuối bản kiểm điểm ở phần nhận khuyết điểm, tôi thẳng thừng: “Song không khí hôm Thường trực Tỉnh uỷ làm việc, rõ ràng là nặng nề. Có một số việc tìm hiểu chưa cụ thể vội vàng kết luận. Thí dụ: Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ cho rằng, tôi phải chịu trách nhiệm trước Thường vụ toàn bộ sự việc trên. Đồng chí còn nói: Tôi đã bất chấp chỉ thị cấp trên, tiếp tục tổ chức để anh Phùng Quán nói chuyện hai nơi (tức trường Phổ thông trung học Đào Duy Từ và trường cấp 2 Đồng Mỹ), lại còn qua cả Bảo Ninh.
Tôi là một nhà văn, được Thường vụ giao trọng trách quản lý Hội Văn Nghệ, tôi có nhân cách và lòng tự trọng của mình. Việc gì chưa rõ ràng thì cần được nhắc nhở trao đổi rút kinh nghiệm, sai trái thì kiểm điểm, cao hơi thì kỷ luật. Nhưng không thể xử sự với tôi bằng một thái độ vội vã kết luận, khẩu khí căng thẳng khi chưa điều tra kĩ lưỡng. Việc đó rõ ràng không tạo thuận lợi cho tôi trong việc quản lý Hội và đội ngũ văn nghệ sĩ trong tình hình còn phức tạp hiện nay”.
Bản kiểm điểm gửi đi. Họ im lặng không tiếp tục hành xử tôi nữa. Nhưng rõ ràng tôi không gặp thuận lợi về sau đó.
Năm ngoái, Phùng Quán được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Tôi định cầm mấy bộ sách tuyển tập thơ, tiểu thuyết của Phùng Quán và những cuốn khác do Ngô Minh biên soạn đến nhà ông Phó Bí thư Tỉnh uỷ, chỉ để nói với ông một câu. Ông thấy không, cái bằng chứng này cao hơn cả. Nếu Phùng Quán có gia đình ở đây, chắc ông phải ngậm ngùi tổ chức lễ trao Giải thưởng Nhà nước cho Phùng Quán. Mặc dầu ông đã nghỉ hưu lâu rồi. Nhưng chuyện đời, lẽ sống con người đâu có nghỉ hưu!