Dịch giả: Nguyễn Đại Phượng
Chương 2
Thời gian học nghề của một điệp viên

Sự thâm nhập của Việt Cộng vào báo chí là đáng kể
Nhà báo Nguyễn Hùng Vương nói với câc đồng nghiệp của mình Robert Shaplen và Phạm Xuân Ẩn.
PHẠM XUÂN ẨN, TRƯỜNG ĐẠI HỌC ORGANGE COAST
Costa Mesa, California
Phạm Xuân Ẩn mỉm cười khi ông đọc dòng địa chỉ của người gửi đề trên phong thư: Mills C. Brandes, 2329 đường South Joyce, Arlington, bang Virginia.
Đó là vào tháng 4/1958, Phạm Xuân Ẩn đang sắp kết thúc năm học thứ nhất Đại học Orange Coast. Đã có rất nhiều điều tốt lành đến với Phạm Xuân Ẩn kể từ tối ngày 16/8/1957, khi ông và gia đình Brandes chia tay nhau tại sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn.
Mills Brandes khi đó mới vừa hoàn thành hai năm làm việc dưới vỏ bọc ở Sài Gòn và cả gia đình đang đi nghỉ mát trước khi Mills trở lại Washington D.C để nhận nhiệm vụ mới.
Mối quan tâm đầu tiên của Mills trên đoạn đường lái xe ra sân bay không phải là về việc gia đình ông sắp trở lại Hoa Kỳ, mà là về một người bạn Việt Nam trẻ tuổi trong vài tuần tới sẽ rời Sài Gòn đi Costa Mesa, California, để bắt đầu học báo chí tại trường Orange Coast. Mills và vợ ông, bà Janet đã mua cho Phạm Xuân Ẩn một chiếc vali mới và không quên dặn anh rằng nam California thì không nóng ẩm như ở Sài Gòn. Mills hy vọng Phạm Xuân Ẩn vẫn tiếp tục học tiếng Anh nên đã dàn xếp với một người đồng nghiệp của mình là Conrad Dillow để thay Janet dạy tiếng cho ông. Trước khi nói lời chia tay lần cuối, Mills đã trao cho Phạm Xuân Ẩn một danh sách những người bạn và người nhà của mình để khi nào đến California, anh có thể liên hệ với họ.
Lần đầu tiên Mills gặp Phạm Xuân Ẩn vào năm 1956. Khi đó Mills đang làm một nhiệm vụ do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ giao cho trong lĩnh vực thuỷ điện hoặc ít nhất thì đó là một câu chuyện nguỵ trang của ông ta. Là bạn thân của sĩ quan chỉ huy CIA huyền thoại Lou Conein, Brandes trên thực tế đang bí mật giúp đỡ chính quyền Ngô Đình Diệm trong việc đàn áp sự nổi dậy của Cộng sản Việt Minh. Conein và Brandes từng là những nhân viên của cùng một đơn vị độc lập của Cục công tác chiến lược (OSS) trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Năm 1954, Conein sang miền Bắc Việt Nam để làm nhiệm vụ bí mật cho Edward Lansdale là tổ chức một nhóm lính dù chống cộng cài lại để chuẩn bị phá hoại các cơ sở công nghiệp và tiến hành chiến tranh gián điệp. Đích thân Conein đã tiến cử Brandes đến Việt Nam để tham gia cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản. Khi nghe tôi kể điều này rằng Brandes đã làm việc bí mật dưới một vỏ bọc, Phạm Xuân Ẩn tỏ ra ngạc nhiên nói: "Tôi không biết điều đó. Tôi chỉ biết Mills Brandes là một người chống cộng dữ dội, nhưng tôi không biết mối quan hệ của ông ta với Lou Conein. Tôi cũng biết Conein rất rõ. Chúng tôi thường uống rượu Black & White với nhau, đặc biệt là cùng với Bob Shaplen. Tôi còn biết Conein có mối quan hệ rất tốt với CIA, nhưng tôi không biết về quan hệ của Brandes với Conein". Phạm Xuân Ẩn nói bằng một giọng tôn trọng chuyên nghiệp đối với nghề bình phong của bạn mình.
Phạm Xuân Ẩn luôn coi gia đình Brandes là "gia đình Mỹ đầu tiên" của ông. Mills và Janet đã tìm mọi cách để ông Ẩn tham gia vào các hoạt động của gia đình mình. Sau khi dỗ cho ba đứa con nhỏ đi ngủ, Janet thường ngồi hàng giờ giúp Phạm Xuân Ẩn thực hành tiếng Anh. Ông Phạm Xuân Ẩn rất quí ba đứa con của Janet là Jud, Julanne, và Mark. Ông nhớ lại: "Lần đầu tiên trong đời tôi được những trẻ em Mỹ bày cho tôi cách chơi với những trẻ em Mỹ khác, cách làm sao để liên hệ được với chúng". Phạm Xuân Ẩn còn đưa cả Mills và Janet về nhà mình để gặp bố mẹ và anh em ông. Năm mươi năm sau, Julanne Brandes Owing kể với tôi chuyện ngày thơ ấu: "Thậm chí bây giờ cháu vẫn còn nhớ ông Phạm Xuân Ẩn như một người bạn đặc biệt; ít người cháu được biết từ ngày còn thơ ấu đối xử với cháu một cách tôn trọng và thân thiết hơn chú Ẩn". Một hôm, Mills bảo Phạm Xuân Ẩn có muốn tham gia cùng với gia đình mình thực hiện một chuyến đi dài khắp miền Nam Việt Nam. Phạm Xuân Ẩn sẽ giúp gia đình Mills làm người hướng dẫn và phiên dịch. Ngồi trên chiếc xe Land Rover trên những chặng đường dài, cả gia đình Mills đều giúp đỡ Phạm Xuân Ẩn thực hành Anh ngữ. Có những câu chuyện mà đến năm mươi năm sau, cả ông Ẩn và đám trẻ nhà Mills vẫn còn nhớ để kể cho tôi nghe với nội dung giống hệt nhau. Chuyện thứ nhất xảy ra khi mọi người đang ngồi trên xe hơi từ Ban Mê Thuộc đi Nha Trang dọc theo quốc lộ 1. Phạm Xuân Ẩn nhớ lại: "Chúng tôi nhìn thấy một ngọn núi và trên đỉnh có một hình người mẹ đứng bồng con. Tôi đã kể cho gia đình Mills nghe câu chuyện về Hòn vọng phu và sau đó Janet đã bảo tôi phải viết ra giấy để bà sửa lỗi tiếng Anh cho tôi. Chuyện rằng có hai đứa trẻ trong một nhà, đứa trai là anh, gái là em. Một hôm hai anh em có chuyện xô xát đánh nhau to. Đứa anh liền cầm dao bổ vào đầu em làm chảy máu. Máu ra nhiều đến mức đứa anh sợ quá bỏ trốn không bao giờ trở về nhà nữa. Gia đình đi tìm kiếm khắp nơi, nhưng không tìm được người anh. Sau khi bỏ trốn khỏi gia đình, người anh đi tới một làng khác rồi ở luôn đó không về nhà nữa. Người anh trở thành dân chài. Một lần, người anh gặp một cô gái mà sau này trở thành vợ của anh mà không hề biết đó chính là em gái ruột của mình. Hai người có con với nhau và sống rất hạnh phúc. Một hôm, người vợ ngồi chải chấy trên đầu mình và nhờ chồng giúp. Người chồng nhìn thấy vết sẹo trên đầu vợ liền hỏi vì đâu có vết sẹo này. Khi nghe xong câu chuyện, người vợ kể về căn nguyên vết sẹo, người chồng liền nhận ra mình đã lấy em gái ruột làm vợ, đó là tội loạn luân. Sau đó, lương tâm người chồng luôn cắn rứt đến mức người chồng không thể chịu dựng được nữa liền bỏ nhà ra đi biệt tăm. Vì làm nghề chài lưới, người chồng khi còn sống cùng vợ con thường ra khơi rất sớm và trở về nhà mỗi khi trời tối, nên ngày nào người vợ cũng bồng con lên núi ngóng trông chồng. Hai mẹ con cứ chờ mãi, chờ mãi. Mỗi ngày hai mẹ con lại trèo lên cao hơn. Cho đến một hôm, người vợ kiệt sức và chết trong tư thế vẫn còn bồng con. Trời đã thương tình biến hai mẹ con thành đá để hai mẹ con có thể đứng chờ cho đến khi chồng, cha của họ trở về. Ngày nay, những người dân chài ở miền Trung Việt Nam, đặc biệt là ở Qui Nhơn, mỗi khi ra khơi thường nhìn lên Nàng vọng phu mà khấn rằng: "Xin Bà phù hộ cho gió tây nam thổi mạnh lên… Chồng của Bà giờ đang ở Qui Nhơn, chúng con đang đi theo ông, vì vậy xin Bà cho gió thổi mạnh để giúp chúng con ra khơi nhanh".
Ông Phạm Xuân Ẩn đã đọc lời khấn như vậy cho tôi nghe và thậm chí còn viết lời khấn đó ra bằng tiếng Việt cho tôi. Khi tôi đề cập câu chuyện này với gia đình Brandes, Jud đã lôi trong cuốn album ra để chỉ cho tôi bức ảnh về Nàng vọng phu.
Trong chuyến đi dài ấy còn có một câu chuyện khác đáng nhớ. Chuyện là, một hôm Mills lái xe di nhầm vào một con đường ở vùng sâu. Xe của họ liền bị đám du kích Việt Minh bỗng từ đâu chạy ra vây kín lấy xe. Lũ trẻ nhà Mills trên xe sợ xanh mắt. Phạm Xuân Ẩn lúc đó bảo gia đình cứ bình tĩnh để ông ra nói chuyện với các du kích. Hai bên có vẻ không làm gì to chuyện. Sau vài phút vung tay chỉ chỗ này chỗ kia với những người du kích, Phạm Xuân Ẩn trở lại xe, hướng dẫn cho Mills lối đi ra đường cái. Chẳng hiểu ông Ẩn đã nói điều gì mà rất hiệu quả, bởi vì nghe ông nói xong, các du kích liền biến mất vào trong rừng.
Đêm hôm ấy Mills gọi các thành viên trong gia đình mình lại và bảo rằng không bao giờ được quên ơn Phạm Xuân Ẩn đã cứu tính mạng họ. Sau này các con của Mills kể lại lời của cha mình đã nói "Nếu không có chú Phạm Xuân Ẩn, chắc chúng ta đã bị giết chết rồi". Đến tận bây giờ, gia đình Brandes vẫn khẳng định không bao giờ quên ơn Phạm Xuân Ẩn về hành động của ông mà họ cho là rất dũng cảm và hữu nghị. Với họ, đó là một món nợ mà không bao giờ có thể trả được đầy đủ. Tôi hỏi Jul và Jud về phản ứng của cha các cháu khi biết tin ông Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên Cộng sản, cả hai đều nói: "Ba nói với chúng cháu rằng chú Ẩn là bạn của chúng ta, nên ba không phán quyết về chú. Chúng ta yêu Việt Nam, chúng ta yêu chú Ẩn, chúng ta hiểu chủ nghĩa dân tộc, người Việt Nam là bạn của chúng ta. Chú Phạm Xuân Ẩn đã làm những việc mà chú ấy phải làm vì đất nước, vì gia đình của chú ấy. Chú ấy xây dựng tình bạn cho tương lai. Chú ấy đã làm việc này một cách hết sức tinh tế".
Phạm Xuân Ẩn sau này kể với tôi rằng khi ông tiến lại chỗ những du kích Việt Minh, ông chỉ nói rằng ông là hướng dẫn viên du lịch cho một gia đình trẻ Mỹ và họ đã bị lạc vì không thuộc đường địa phương. "Tôi đã nói với họ rằng Mills không đe doạ bất kỳ ai và ông ấy không làm việc cho chính phủ". Tôi ngờ rằng đó chưa phải là tất cả những điều Phạm Xuân Ẩn đã nói với các du kích nên cố gặng hỏi ông. Phạm Xuân Ẩn chỉ trả lời: "Có một số điều mà thậm chí năm mươi năm sau tôi cũng không thể nói ra" - Cách nói của Phạm Xuân Ẩn ngụ ý là nên chuyển sang đề tài khác.
Cầm phong thư chưa mở trên tay, Phạm Xuân Ẩn nghĩ về ngày ông thấy Mills Brandes đang đạp chiếc xích lô lên một trong những đường dốc nhất của Sài Gòn trong khi người lái xe Việt Nam dáng gầy gò, ốm yếu thì lại ngồi vào ghế như một hành khách. Phạm Xuân Ẩn chưa bao giờ thấy một ông Tây đạp xích lô, nhưng điều làm ông còn ngạc nhiên hơn là người lái xe xích lô thì ngồi ghế khách, còn ông khách ngoại quốc thì lại phải đạp xe. Nhưng đến khi xe xích lô bò lên được đến đỉnh dốc cạnh Bệnh viện Grall thì hai người lại đổi vị trí cho nhau để cho người lái xe xích lô chở Mills Brandes đến nhà riêng ở tại số nhà 213B đường Công Lý. Sau này, Mills giải thích cho Phạm Xuân Ẩn rằng hôm đó trời quá nóng, thậm chí nóng cả đối với người Sài Gòn. Là người có thân hình to lớn, nên Mills cảm thấy không tiện lắm nếu cứ ngồi trên ghế khách để cho người lái xe xích lô ốm yếu gầy gò đạp xe. Đối với Phạm Xuân Ẩn thì đây là một câu chuyện mà ông không bao giờ quên. Phạm Xuân Ẩn nói: "Ông biết không, đó là một tấm gương rất nhân đạo in sâu trong trí nhớ của tôi cho đến khi tôi chết. Lần đầu tiên những người Mỹ đã cho tôi thấy họ là những người giàu lòng thương người và hào hiệp như thế nào".
Phạm Xuân Ẩn mong nhận được nhiều thông tin cập nhật từ phía Mills, nhưng lá thư này lại mang đến cho ông nhiều tin tức không vui. Trong thư, Mills Brandes viết: "Tôi hy vọng anh sẽ không cảm thấy phiền đối với việc chúng tôi muốn hỏi ý kiến anh về những điều liên quan đến các mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Chúng tôi làm thế bởi vì chúng tôi quan tâm đến những mối quan hệ này và vì chúng tôi tin rằng anh sẽ cho chúng tôi biết ý kiến chân thành của anh. Cuối cùng, chính anh là người đã dạy cho tôi và gia đình tôi gần như tất cả những gì mà chúng tôi giờ đây đã hiểu biết về đất nước của anh". Gửi kèm theo lá thư là bốn bài báo, trong đó có một bài báo nói về việc Chính quyền Ngô Đình Diệm vừa phát hiện ra ở miền Nam một số phóng viên là người của Cộng sản. Mills đã cảnh báo cho Phạm Xuân Ẩn về những trường hợp nhà báo bị bắt này.
Lá thư của Mills chỉ ra mối nguy hiểm về sự tồn tại của Cộng sản và sự nhận thức của dân chúng về sự tồn tại đó. "Chúng tôi chẳng có ai làm việc tuyên truyền chuyên trách ở miền Nam Việt Nam, chỉ có mỗi tự do báo chí - điều mà anh sắp được học đấy. Đã nhiều lần tôi cảm thấy rằng nước Mỹ của chúng tôi đang đấu tranh trong tình trạng bị bó tay. Hãy cứ để cho chúng tôi hy vọng rằng sự chưa thuận lòng của phía chúng tôi trong việc đương đầu với những người Cộng sản bằng cuộc tuyên truyền do Chính phủ Mỹ bảo trợ, thì đó không phải là do sai lầm hèn nhát từ phía những người bạn chúng tôi".
"Tôi phải thừa nhận rằng tôi đã gặp nhiều người hơn ở đất nước của anh và cả những người khác ở Viễn Đông. Họ là những người khôn ngoan trước các chiến lược và sách lược của Cộng sản hơn nhiều so với những người của chúng tôi ở miền Nam Việt Nam. Tôi chỉ là một cá nhân thôi, không phải là đại diện cho trong nước hay ngoài nước. Nhưng nếu có một ngày nào đó mọi người đều hiểu được sự thật về chủ nghĩa cộng sản thế giới có âm mưu thống trị toàn cầu dưới sự kiểm soát hoàn toàn bởi một nhóm người điên rồ, thì khi đó chủ nghĩa cộng sản sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Tôi không nghĩ rằng nhân dân miền Nam Việt Nam chưa nhận thức được sự nguy hiểm với ý nghĩa thực sự của nó. Hơn nữa, tôi không tin rằng chúng ta chưa biết những vũ khí mạnh mẽ nhất của chúng ta có thể giúp tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản chính là - sự thật, sự chân thành, và sự hội nhập cá nhân".
Từ lá thư này, Phạm Xuân Ẩn rút ra được hai điều quan trọng. Thứ nhất, ở quê nhà, Chính quyền Ngô Đình Diệm đang đàn áp những người bị tình nghi là có cảm tình với Cộng sản. Thứ hai, vỏ bọc của ông vẫn còn nguyên vẹn.
Sứ mạng của ông ở Hoa Kỳ là tìm hiểu càng nhiều càng tốt về người Mỹ và văn hoá của họ, để khi về Việt Nam làm việc dưới vỏ bọc là một nhà báo. Các uỷ viên Bộ Chính trị ở Hà Nội đang theo dõi sát sao các nguồn tin từ Hoa Kỳ chuẩn bị được tung vào Việt Nam khi Pháp bị đánh bại ở Điện Biên Phủ năm 1954. Không còn nghi ngờ gì nữa, sẽ đến một ngày có chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ. Trước khi rời Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn được chỉ thị phải luôn cố gắng làm cho mình hoà nhập được vào cách viết, cách nghĩ của người Mỹ. Ông Mười Hương, một cấp trên của Phạm Xuân Ẩn nói: "Nếu không làm được như vậy, anh sẽ không thành công. Khi đến Hoa Kỳ, anh phải nghiên cứu văn hoá Mỹ một cách thấu đáo và phải hoàn toàn hiểu được người Mỹ. Chỉ có như vậy anh mới hoàn thành được nhiệm vụ".
Trong khi thực hiện nhiệm vụ, Phạm Xuân Ẩn đã khâm phục nhân dân Mỹ, những giá trị của họ và văn hoá Mỹ. Tình cảm này có nguồn gốc từ ngày còn ở Việt Nam, ông đã giao lưu với những người Mỹ như gia đình Brandes, hay với đại uý Sergeant Frank C. Long và ba đứa trẻ của anh là Amada, Peter, và Kathy. Ông khâm phục lòng thương người, tính độc lập và thiện chí của họ. Phạm Xuân Ẩn từng nói với Henry Kamm: "Tôi luôn mong rằng Hoa Kỳ sẽ sớm nhìn ra và giúp đỡ một nước Việt Nam thực sự".
Phạm Xuân Ẩn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2/1953 tại một buổi lễ được tổ chức ở vùng đất Mũi Cà Mau, cách Sài Gòn 350 km. Nhà lãnh đạo Việt Minh cấp cao nhất ở miền Nam Việt Nam lúc đó là ông Lê Đức Thọ đã chủ trì buổi lễ kết nạp Đảng cho ông Ẩn. Sau đó, ông Lê Đức Thọ đã đưa Phạm Xuân Ẩn ra ngoài để nói chuyện riêng. Ông Lê Đức Thọ là một trong những người đi theo Hồ Chí Minh từ rất sớm và là một trong những người tham gia sáng lập ra Đảng Cộng sản Đông Dương(1). Ông từng bị giam cầm 10 năm trong nhà tù của Pháp, trong đó bao gồm cả thời gian tù khổ sai ở nhà tù Côn Đảo (Poulo Condore) - một nhà tù khét tiếng về điều kiện giam cầm độc ác. Khi còn bị giam tại nhà tù Nam Định, ông Lê Đức Thọ đã sáng tác bài thơ "Phòng giam uất hận" trong đó có những câu như "Căm giận khiến tôi phải chống lại bọn đế quốc dã man. Đã nhiều năm gót giầy của chúng giẫm nát đất nước tôi… ngàn ngàn lần áp bức".
Gần ba mươi năm sau, ông Lê Đức Thọ đối mặt với ông Henry Kissinger trong các cuộc đàm phán ở Paris nhằm kết thúc chiến tranh Việt Nam. Hai người được trao chung một giải Nobel Hoà bình, nhưng ông Lê Đức Thọ từ chối nhận giải thưởng với lý do rằng hoà bình thực sự vẫn chưa đạt được, vì Mỹ và chính quyền Sài Gòn lừa dối. Tại cuộc gặp nhau đầu tiên ở Paris hôm 21/2/1970, ông Lê Đức Thọ đã thách thức Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger bằng một bài phát biểu cùng một kiểu với bài diễn văn khi ông kết nạp đảng viên mới đêm ấy tại rừng U Minh: "Nếu thế hệ chúng tôi chưa giành được thắng lợi, thì thế hệ các con, các cháu của chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh. Chúng tôi thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ một lần nữa. Đây là ý chí gang thép của chúng tôi. Chúng tôi đã từng đấu tranh hai mươi lăm năm chống lại Pháp và Mỹ. Các ông muốn dập tắt tinh thần của chúng tôi bằng bom đạn. Nhưng các ông không thể bắt buộc được chúng tôi phải khuất phục… Các ông đe doạ chúng tôi. Tổng thống Nixon đe doạ chúng tôi. Nhưng nếu các ông từng đọc lịch sử của chúng tôi thì biết, chúng tôi đã đấu tranh chống Pháp trong chín năm. Khi đó, chúng tôi chỉ có hai bàn tay trắng. Như tôi đây này, tôi tham gia kháng chiến chống Pháp mà chẳng biết gì về quân sự. Thế mà chúng tôi vẫn thắng… Đây không phải là một sự thách thức. Tôi nói thật đấy. Chúng tôi là một dân tộc nhỏ. Chúng tôi không thách thức được ai. Chúng tôi đã từng bị đô hộ trong nhiều năm… Tôi tin rằng chúng tôi sẽ thắng".
"Anh Sáu Búa" các cán bộ gọi ông Lê Đức Thọ như vậy - đã tiên đoán với Phạm Xuân Ẩn rằng khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, Mỹ sẽ không để cho người Việt Nam tự quyết định tương lai của mình.
Những tên đế quốc mới sẽ thay thế những tên thực dân Pháp. Nhưng cuộc chiến tranh mới này sẽ là một cuộc chiến tranh lâu dài và tàn khốc. Phạm Xuân Ẩn được chuẩn bị sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào mà Đảng giao cho để bảo vệ đất nước mình.
Trước đó mười năm, Phạm Xuân Ẩn không thể nào tưởng tượng được mình sẽ trở thành một đảng viên Cộng sản. Sau khi Pháp đầu hàng Hitler, Nhật nhảy vào chiếm đóng Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn lúc đó mới hơn mười tuổi sống ở Rạch Giá. Ông đã tận mắt chứng kiến cảnh quân đội Nhật đối xử độc ác với các tù binh Pháp. Những người tù Pháp bị xích vào nhau, bắt phải đi bộ và bị lính Nhật đánh đập. Ông nói: "Tôi không thích người Pháp bởi vì con em của thực dân Pháp đối xử với chúng tôi, những trẻ con Việt Nam rất tồi. Nhưng sự độc ác của người Nhật còn làm tôi căm giận. Khi thấy những người tù Pháp khát nước, ba tôi bảo tôi đun một ít nước mang cho họ. Khi tôi mang nước uống ra cho những tù nhân Pháp, người Nhật trông thấy thể liền tát vào mặt những người Pháp".
Ngày 6/8/1945, quả bom nguyên tử đầu tiên của Mỹ ném xuống Hiroshima; ba ngày sau quả bom nguyên tử thứ hai được ném xuống Nagasaki. Nhật Bản nhanh chóng đầu hàng, kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai. Ngay sau đó, các lực lượng Việt Minh của Cụ Hồ Chí Minh đã tiến vào Hà Nội, lật đổ chính quyền, làm cuộc Cách mạng tháng Tám. Ngày 2/9 trước khoảng 400.000 người tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Cụ Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử của Việt Nam, trong đó trích dẫn câu nói nổi tiếng của Thomas Jefferson: "Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hoá đã ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, đó là quyền sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Cụ Hồ nói với đồng bào mình rằng "Những câu nói bất hủ đó được nêu trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776. Suy rộng ra có nghĩa là tất cả mọi dân tộc trên trái đất sinh ra đều bình đắng, tất cả mọi dân tộc đều có quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc và tự do".
Giáo sư David Marr giải thích rằng Cụ Hồ có ý định so sánh bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ với bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Pháp năm 1789 với bản Tuyên ngôn Độc lập của các công dân bị tám mươi năm sống dưới chế độ thực dân Pháp.
Sau khi đọc được một đoạn, Cụ Hồ dừng lại nhìn xuống một biển người và hỏi: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?" Đáp lại là một tiếng đồng thanh vang như sấm: "Rõ!". Sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Bác và một biển người hoà vào làm một. Phạm Xuân Ẩn sau này nói với tôi rằng "Không một nhà lãnh đạo nào ở miền Nam, dù đó là Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu hay bất cứ ai được mọi người yêu mến đến như vậy. Chúng tôi luôn luôn khai thác sự thật cơ bản đó".
Cụ Hồ kết thúc bài diễn văn bằng lời kêu gọi phe Đồng minh ủng hộ nền độc lập của Việt Nam: "Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.
Khi Cụ Hồ vừa dứt lời, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp của Chính phủ mới, nói với đám đông quần chúng rằng "Mỹ… là một nước dân chủ, không có tham vọng về lãnh thổ. Thế mà nước Mỹ đã phải gánh vác nặng nề nhất trong việc đánh bại kẻ thù phát xít Nhật của chúng ta. Do vậy, chúng ta coi Mỹ là người bạn tốt". Dưới đám đông có ai đó giương cao tấm biển mang dòng chữ "Việt Nam tôn vinh Truman".
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Hoa Kỳ nổi lên như một cường quốc thế giới. Việt Nam nhanh chóng trở thành một con tốt đen trong ván bài chiến tranh lạnh mới. Những nhà hoạch định chính sách đã cố tình quên một thực tế rằng Cụ Hồ đã nhận được bản dịch Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ từ tay Arrchimedes Patti làm việc tại Phòng Công tác chiến lược (OSS); rằng Cụ Hồ đã giúp cứu các phỉ công Mỹ, cung cấp các thông tin tình báo về hoạt động của Nhật Bản, vì thế mà tại OSS người ta mở riêng một hồ sơ số 19 với bí số Lucius; và rằng Việt Minh đã tham gia đội Con nai OSS để huấn luyện và tập trận gần biên giới với Trung Quốc.
Đối với các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ, nhưng điều đó cũng không quan trọng. Với họ, việc để một nước ở Đông Nam Á rơi vào tay chủ nghĩa Cộng sản mới đáng được quan tâm, vì nó sẽ gây tác động kinh khủng lên lợi ích của Mỹ về mặt địa - chính trị.
Cuối năm 1945, lần cuối cùng Cụ Hồ tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ bằng cách viết thư cho Tổng thống Harry S. Truman và Ngoại trưởng James Byrnes. Thư nói rằng nền độc lập của Philippines đã tạo ra một kiểu thi đua: "Với niềm tin vững chắc đó chúng tôi đề nghị Hoa Kỳ với tư cách là những người bảo vệ và những nhà quán quân về công lý trên thế giới hãy có bước đi mang tính chất quyết định để ủng hộ nền độc lập của chúng tôi. Điều mà chúng tôi đề nghị chính là điều mà Hoa Kỳ đã dành cho Philippines. Giống như Philippines, mục đích của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác hoàn toàn với Hoa Kỳ".
Đề nghị này của Cụ Hồ đã không được đáp ứng.
Phạm Xuân Ẩn và một thế hệ người Việt Nam đã tham gia cách mạng để chống lại những nỗ lực cuối cùng trong tuyệt vọng của Pháp nhằm vớt vát ánh hào quang của chủ nghĩa thực dân. Phạm Xuân Ẩn nhớ lại, khi Cụ Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập thì ông đang ở Cần Thơ. "Tôi đã rất phấn khởi. Tôi muốn tham gia và vì đất nước tôi mà chiến đấu đánh bại thực dân Pháp. Tôi chỉ là một trong số rất nhiều người Việt Nam như vậy. Và đó cũng là sự đáp lại một cách tự nhiên thôi". Ngày còn nhỏ, Phạm Xuân Ẩn và các bạn của mình cảm thấy như bị tra tấn trong các buổi lễ kéo cờ ở nhà trường. Cờ Pháp được kéo lên trước, cờ ba sọc được kéo lên sau và học sinh phải hát bài "Maréchal, nous voilà" - một bài hát rất nổi tiếng của Chính phủ Pháp Vichy ca ngợi Thống chế Henri-Philippe Pétain. Dưới chế độ thực dân Pháp, người Việt Nam bị coi là đồ nhà quê.
Còn nhỏ tuổi, Phạm Xuân Ẩn chẳng hiểu gì về Marx hay Lênin, nhưng ông đã mơ ước đất nước ông được độc lập và chấm dứt cảnh bất bình đẳng do chủ nghĩa thực dân gây ra từ nhiều thập kỷ trước đó. Sinh năm 1927 ở làng Bình Trước phía nam tỉnh Đồng Nai, Phạm Xuân Ẩn theo cha đi khắp nơi. Cha ông làm nghề khảo sát đất đai nên thường đưa ông đi đến nhiều vùng xa xôi của miền Nam Việt Nam. Thấy con không chăm chú vào học hành, ông liền gửi Ẩn về sống với người bà con ở Huế với mục đích để cho con biết được sự khác nhau giữa cuộc sống của người giàu và người nghèo. Phạm Xuân Ẩn sống trong một gia đình nghèo ở Huế, nghèo đến nỗi phải dùng mỡ chuột để làm nến thắp sáng vì không có đèn dầu.
Phạm Xuân Ẩn đã chứng kiến cảnh những địa chủ đánh đập các tá điền của họ và vì thế mà ông khâm phục những người vô sản. "Đó là lý do vì sao mà tôi tôn trọng người Mỹ đến thế. Họ đã dạy cho tôi phải giúp đỡ những kẻ yếu", Phạm Xuân Ẩn nói.
Tháng 10/1945, Phạm Xuân Ẩn bỏ học ở Cần Thơ để đăng ký gia nhập một đơn vị Việt Minh chuẩn bị vào rừng để đánh Pháp. Tháng 11/1946, khi các tàu chiến của Pháp nã đại bác vào Hải Phòng, thì cuộc chiến tranh toàn diện giữa Việt Minh và Pháp bùng nổ. Ngày 19/12/1946, Cụ Hồ ra Lời kêu gọi đồng bào cả nước: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ Quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc, xuổng, gậy gộc. Ai cũng phải gia sức chống thực dân Pháp cứu nước. Hỡi anh em binh sĩ tự vệ dân quân! Giờ cứu nước đã đến! Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh thì thắng lợi nhất định về dân tộc ta!
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm. Kháng chiến thắng lợi muôn năm".
Phạm Xuân Ẩn đã không được dùng súng hoặc dùng gậy gộc trong trận chiến này. Ông buộc phải trở lại Sài Gòn năm 1947 để chăm sóc cha ông đang bị bệnh lao rất nặng. Tại đây, ông trở thành người tổ chức các cuộc phản đối của sinh viên chống Pháp và sau này là chống Mỹ. Ông còn nhớ như in những hình ảnh vào một ngày tháng 8/1950, tàu Mỹ USS Richard B. Anderson cập cảng Sài Gòn chở hàng tiếp viện cho quân Pháp chống lại các lực lượng Việt Minh. Phạm Xuân Ẩn là một trong những người tổ chức các cuộc biểu tình đường phố chống lại việc con tàu Mỹ cập cảng Sài Gòn.
Việc lãnh đạo các cuộc biểu tình của Phạm Xuân Ẩn nhanh chóng chấm dứt khi người chỉ huy trực tiếp của ông là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nói với ông rằng ông có nhiệm vụ khác để làm việc cho cách mạng.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, một phụ tá thân thiết từ rất sôm của Cụ Hồ Chí Minh, đã ra lệnh cho ông Ẩn thôi không tham gia tất cả các cuộc phản đối trên đường phố để giảm bớt nguy cơ bị bắt hoặc gây chú ý không cần thiết. Phạm Xuân Ẩn cảm thấy bối rối và bức xúc đối với những chỉ thị này, lòng tự hỏi cách mạng sẽ dành cho mình vai trò gì đây? Chẳng bao lâu sau, ông được gọi về căn cứ Việt Minh ở Củ Chi phía bắc Sài Gòn. Tại đây, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã thông báo cho Phạm Xuân Ẩn rằng ông đã được giao nhiệm vụ tham gia lớp tình báo chiến lược đầu tiên của Việt Nam.
Phạm Xuân Ẩn không thích làm cái việc mà ông xem là "con chim mồi". Nhưng dù sao thì sự việc cũng đã được quyết định. Ông nói: "Cấp trên đã tin cậy mới trao cho công việc đó bởi vì họ tin tưởng chắc chắn là tôi sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong quá trình đó tôi cũng sẽ học được nhiều. Tôi chẳng có sự lựa chọn nào khác. Đất nước đã trao cho tôi một sứ mạng mới. Không còn gì để nói. Đó là tất cả những gì về nghề mới của tôi".
Hà Nội cử hai điệp viên vào Sài Gòn để dạy cho Phạm Xuân Ẩn những kiến thức cơ bản về nghề tình báo, nhưng việc học tập thực sự sẽ được tiến hành theo kiểu vừa học vừa làm. Phạm Xuân Ẩn làm tài vụ và kế toán cho Hãng dầu mỏ Caltex, sau đó lại chuyển sang làm thanh tra hải quan cho Pháp. Khi làm công việc thanh tra hải quan, ông có nhiệm vụ báo cáo về tình hình di chuyển quân đội Pháp ở Việt Nam và những nguồn cung cấp của Mỹ cho Pháp. Ông cũng tìm hiểu càng nhiều càng tốt những người Pháp và Mỹ ở Việt Nam. "Tôi phải quan sát, sau đó viết báo cáo không nhiều lắm" - ông nói.
Phạm Xuân Ẩn nhanh chóng chuyển mối quan tâm của mình sang các nỗ lực đang được tiến hành để xây dựng và huấn luyện một lực lượng khung mới cho quân đội miền Nam Việt Nam. Phái đoàn cố vấn và viện trợ quân sự (MAAG) ở Sài Gòn đã được thành lập năm 1950 để giám sát việc thực hiện dự án 10 triệu USD thiết bị quân sự để hỗ trợ cho lính lê dương Pháp chiến đấu với các lực lượng Việt Minh. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, MAAG cũng được giao trách nhiệm cải tổ các đơn vị quân đội miền Nam Việt Nam càng nhanh càng tốt. Một đội ngũ cán bộ khung được lập ra với các cơ quan bên trong MAAG như một tổ chức chuyên về huấn luyện có sự tham gia của hai quốc gia gọi tắt theo chữ cái tiếng Anh là TRIM. Một trong những trách nhiệm của TRIM là trợ giúp và cố vấn cho các cơ quan quân sự Nam Việt Nam trong việc xây dựng lại các lực lượng vũ trang. TRIM có biên chế gồm 209 sĩ quan Pháp và 68 sĩ quan Mỹ (sẽ được bổ sung 121 sĩ quan Mỹ nữa sau khi các sĩ quan Pháp rút đi). Trong số các sĩ quan Mỹ này, chẳng ai nói được tiếng Việt và chưa đầy mười người nói được tiếng Pháp.
Trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn đã học tiếng Anh từ các cha đạo Thiên Chúa ở Cần Thơ. Sau đó, ông làm bạn với nhà ngoại giao Webster của sứ quán Anh ở Sài Gòn - người sẵn sàng dành hàng giờ để giúp Phạm Xuân Ẩn thực hành tiếng Anh. Tiếp đó là ông Newell giúp ông học tiếng Anh, nên khi Phạm Xuân Ẩn chuyển sang làm với TRIM, ông đã là một trong những người Việt Nam nổi bật nhất.
Điều này giúp Phạm Xuân Ẩn sớm chứng tỏ mình là nhân vật có giá trị đối với cả người Mỹ và người Việt Nam. Ông đã xây dựng được hàng chục mối quan hệ với những nhà lãnh đạo của miền Nam Việt Nam trong tương lai, cũng như những người Mỹ sau này có ảnh hưởng lớn.
Tháng 2/1956, Phạm Xuân Ẩn tham gia Sư đoàn 25 quân đội Nam Việt Nam hoạt động ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nhiệm vụ tiêu diệt các hạ tầng của Việt Minh. Ông nói: "Trên thực tế, tôi phục vụ cho cả ba quân đội. Đó là quân đội Pháp trong thời kỳ chuyển tiếp; quân đội Nam Việt Nam khi tôi giúp họ lập ra Sư đoàn bộ binh nhẹ; và các lực lượng vũ trang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Năm 1990, khì Phạm Xuân Ẩn được phong hàm cấp Thiếu tướng một sao Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông đã nói đùa với các nhà lãnh đạo Cộng sản: "Tôi thân thiết với cả năm quân đội của Việt Minh, Pháp, Việt Cộng, Mỹ, và quân đội Sài Gòn, vậy thì tôi phải được phong hàm cấp tướng năm sao chứ. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng khi đó các nhà lãnh đạo hiểu được sự hài hước của tôi".
Phạm Xuân Ẩn kể về hai cố vấn quân sự Mỹ làm việc với ông là Hicks và Glenn với nhiều cảm tình: "Họ là những người tốt muốn giúp nhân dân Việt Nam. Tôi đã có những cuộc trò chuyện với họ về đất nước tôi. Họ đã giúp tôi thực hành tiếng Anh và sau này dạy tôi hút thuốc lá sao cho đúng kiểu cách. Tôi không biết hít khói vào như thế nào. Vì vậy, họ đã đưa cho tôi xem và cho nhiều thuốc lá Lucky. Họ đã làm việc tốt", Phạm Xuân Ẩn nói và mỉm cười.
Tổ chức Huấn luyện vũ khí Tổng hợp (CATO) đã thay thế TRIM từ tháng 4/1956 và có nhiệm vụ tham mưu cho chỉ huy trưởng MAAG - cơ quan kiểm soát tất cả những đơn vị độc lập trên chiến trường - để giao nhiệm vụ cho các trường học và chỉ huy sở của phía Việt Nam. Phạm Xuân Ẩn được chuyển từ TRIM sang CATO và được giao trách nhiệm xử lý các hồ sơ, giấy tờ tiến hành các cuộc phỏng vấn đối với những sĩ quan quân đội Nam Việt Nam trước khi được chọn cử sang Hoa Kỳ dự các khoá huấn luyện về chỉ huy.
Trong số những hồ sơ được ông Phạm Xuân Ẩn xử lý, có hồ sơ của trung tá Nguyễn Văn Thiệu, người sau này trở thành Tổng thống Việt Nam Cộng hoà; thiếu tá Cao Văn Viên, sau này trở thành Tổng tham mưu trưởng liên quân; Nguyễn Chánh Thi, sau này trở thành tướng Chỉ huy trưởng Quân đoàn I; đại uý Lê Nguyên Khang, sau này trở thành chỉ huy trưởng thuỷ quân lục chiến. "Tôi phụ trách việc làm các thủ tục cho các chuyến đi của họ tới Hoa Kỳ. Sau đó, tôi làm người liên lạc giữa những sĩ quan này và gia đình họ, thông báo cho các gia đình về ngày giờ các sĩ quan về nước để gia đình chuẩn bị đi đón. Vì thế, dần dần chúng tôi quen biết nhau", Phạm Xuân Ẩn nói.
Những quan hệ đó sau này trở thành những mối quan hệ không thể thiếu được trong công tác của ông. Một trong những chiến lược được xây dựng rất thận trọng của Phạm Xuân Ẩn là không bao giờ được tỏ ra quá thân thiết với những người mà ông đã biết rõ hoặc nghĩ là có cảm tình với Cộng sản. Trái lại, ông luôn tìm cách gần gũi với những nhân vật được thừa nhận là những tay chống Cộng khét tiếng. Mục đích là để bảo vệ vỏ bọc của mình và để có điều kiện nhìn sâu vào cách tư duy của người Mỹ. Phạm Xuân Ẩn bắt đầu bằng việc làm quen với Đại tá Edward Lansdale, người đã đến Sài Gòn từ năm 1954, giai đoạn giao thời sau khi Pháp bị đánh bại ở Điện Biên Phủ và ký kết Hiệp định Gèneva. Hiệp định này chia cắt Việt Nam bằng một đường giới tuyến tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc tại vĩ tuyến 17. Việt Minh kiểm soát miền Bắc. Pháp và chính quyền Sài Gòn tạm thời kiểm soát miền Nam. Các lực lượng Pháp sẽ phải rút khỏi miền Bắc và các lực lượng Việt Minh rút khỏi miền Nam. Sau đó, một cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào năm 1956. Theo qui định của Hiệp định Gèneva, bất cứ người dân nào cũng được phép di cư từ Bắc vào Nam hoặc từ Nam ra Bắc trước ngày 18/5/1955. Đã có chín mươi ngàn cán bộ Việt Minh tập kết ra Bắc, đồng thời gần một triệu tín đồ Thiên Chúa giáo di cư từ Bắc vào Nam.
Lansdale là Giám đốc Phái đoàn quân sự ở Sài Gòn (SMM), một đơn vị CIA khác tách khỏi cơ quan thông thường. Thời điểm đó tại Việt Nam có hai nhóm CIA cùng làm việc. Một nhóm dưới sự chỉ huy của trưởng trung tâm chịu trách nhiệm về các hoạt động tình báo thông thường và làm việc dưới vỏ bọc là những nhà ngoại giao trực thuộc Đại sứ quán Mỹ. Nhóm kia là Phái đoàn Quân sự của Lansdale phụ trách các hoạt động của lính dù làm việc dưới vỏ bọc và thực thi các nhiệm vụ của MAAG ở Đông Dương.
Lansdale là nhân vật đã trở thành huyền thoại trong vai trò đánh bại các phong trào những người Cộng sản Huk ở Philippines và anh hùng dân tộc Ramon Magsaysay. Khi đến miền Nam Việt Nam, Lansdale được Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles chỉ bảo: "Hãy làm giống như anh đã từng làm ở Philippines". Người anh của Lansdale là Giám đốc CIA Allen Dulles nói thêm: "Cầu Chúa phù hộ cho em". Hoạt động dưới vỏ bọc là Trợ lý tuỳ viên Không quân, nhưng Lansdale có nhiệm vụ chính là tạo ra một chính phủ phi Cộng sản ở miền Nam Việt Nam.
Chính tại Bộ chỉ huy của quân đội miền Nam Việt Nam, Rufus Philips của CIA đã lần đầu tiên gặp Phạm Xuân Ẩn. Khi đó, ông Ẩn đang làm nhân viên giúp việc cho người anh họ của ông là Đại uý Phạm Xuân Giai. Công việc của Phạm Xuân Ẩn là giúp phiên dịch và tham gia một số hoạt động liên quan với tư cách nhân viên thư ký tổng hợp của Cục Chiến tranh tâm lý trực thuộc lực lượng dự bị liên quân. Philips đến Sài Gòn ngày 8/8/1954, trước khi Hiệp định Gèneva có hiệu lực.
Vì những công trạng đối với Phái bộ Quân sự Mỹ ở Sài Gòn, Philips được nhận Huy chương Tình báo danh dự của CIA. Phạm Xuân Giai từng tốt nghiệp trường chiến tranh tâm lý của quân đội Pháp và sau đó học tiếp trường tác chiến tâm lý của Mỹ ở Ford Bragg, bang North Carolina. Ông ta là trưởng nhóm G-5, trên thực tế là một bộ phận tổng hợp chịu trách nhiệm về các tin tức về binh lính, huấn luyện, truyền bá... để phục vụ cuộc chiến tranh tâm lý hoặc chiến tranh tâm lý kết hợp tuyên truyền nhằm vào các mục tiêu cụ thể là dân chúng và Việt Minh. Sau này Philips nhớ lại: "Vì Phạm Xuân Ẩn làm việc cho Phạm Xuân Giai, nên đầu tiên ông ta được giới thiệu với Lansdale, sau đó là với tôi".
Philips, Conein, và những người khác trong nhóm bạn của Lansdale vừa gặp đã thích ông Phạm Xuân Ẩn ngay bởi vì bản tính không kiêu căng và lại có năng khiếu hài hước của ông: Ngoài ra, Phạm Xuân Ẩn còn nói tiếng Anh tốt hơn hầu hết những người Việt Nam khác, nên điều đó càng làm cho ông trở nên rất hữu ích. Những việc Phạm Xuân Ẩn làm cho Lansdale hay Philips chẳng liên quan gì đến cấp cao hoặc tiếp cận được với bất kỳ bí mật nào. Phạm Xuân Ẩn chỉ phát triển thêm các mối quan hệ tình báo nhằm củng cố thêm cho vỏ bọc của ông mà thôi. Ông học cách nói chuyện làm hài lòng người Mỹ và tạo thêm lòng tin của họ đối với ông để công việc được thuận lợi.
Phạm Xuân Ẩn kể với tôi về lần đầu tiên gặp Lansdale như thế nào. Một hôm Phạm Xuân Ẩn đang làm việc một mình trong văn phòng G-5 thì trợ lý của Lansdale tới hỏi tên tất cả các công nhân viên của G-5. Cuối ngày, khi Phạm Xuân Giai trở về, ông đã nói với người anh họ của mình rằng ông đã trao cho Đại uý Roderick toàn bộ danh sách. Phạm Xuân Giai nói: "Ồ, em ngốc quá. Em chả hiểu gì về tình báo cả. Tại sao em lại có thể trao danh sách của chúng ta cho Lansdale?". Sau này Phạm Xuân Ẩn nói với tôi: "Ông biết không, ngay sau lần ấy Lansdale rất thích tôi bởi vì tôi đã giúp ông ta bản danh sách ấy, cho dù đó là một sai lầm của tôi. Sau đó, cứ gặp tôi lúc nào là ông ta lại nói đùa: "Ẩn, anh có thể trở thành một điệp viên dễ sợ đấy".
Rufus Philips và Phạm Xuân Ẩn có một tình bạn đặc biệt, tồn tại cho đến tận cuối đời của ông Ẩn. Philips nói với tôi: "Trong số tất cả những người Việt Nam mà tôi đã từng gặp, thì Phạm Xuân Ẩn là người sắc sảo và giữ được cân bằng nhất với tư cách một nhà quan sát đối với cả Mỹ và Việt Nam trong suốt thời kỳ chiến tranh lâu dài. Tôi không nghĩ rằng Phạm Xuân Ẩn nằm trong đường dây của Đảng Cộng sản. Tôi chỉ biết ông là một người yêu nước theo chủ nghĩa dân tộc, chứ không phải là một người Cộng sản. Đó là vì sao tôi luôn nhớ đến ông".
Lansdale coi Phạm Xuân Ẩn là một tiềm năng để có thể tuyển mộ phục vụ cho cuộc chiến tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản. Vì vậy, Lansdale đã đề nghị được bảo trợ cho Phạm Xuân Ẩn sang học ở Trường hạ sĩ quan về tình báo và tâm lý chiến (NCO). Nếu tốt nghiệp trường này trở về Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn sẽ được đề bạt rất nhanh, vượt qua nhiều cấp bậc.
Phạm Xuân Ẩn báo cáo cho cấp trên trực tiếp của mình là ông Mười Hương về đề nghị này của Lansdale. Ông Mười Hương đã khuyên Phạm Xuân Ẩn nên tránh việc này vì đơn giản là nó quá mạo hiểm. Những người Cộng sản đã có các điệp viên cài cắm vào ban lãnh đạo của quân đội miền Nam Việt Nam, có người sau này leo lên cấp đại tá, nhưng chưa có ai đủ trình độ để thực hiện sứ mệnh kiểu như của ông Phạm Xuân Ẩn. Học nghề báo chí, Phạm Xuân Ẩn có thể được gửi sang học đại học ở Hoa Kỳ. Nếu ông gia nhập quân đội lúc này thì việc sang học báo chí ở Mỹ sẽ không thực hiện được. Ông Mai Chí Thọ nói: "Ông Phạm Xuân Ẩn là điệp viên duy nhất mà chúng tôi cử sang Mỹ…". Ông Mai Chí Thọ khi đó đứng đầu bộ phận tình báo ở miền Nam. Ông Mai Chí Thọ và một số người khác đã làm tất cả mọi điều để đảm bảo chắc chắn rằng Phạm Xuân Ẩn được đào tạo bài bản và được bảo vệ đúng mức nhằm hỗ trợ cho nhiệm vụ của ông.
Khi Phạm Xuân Ẩn nói với Lansdale rằng ông muốn được học báo chí, Lansdale lập tức đề nghị được đứng ra bảo trợ cho ông đồng thời liên hệ ngay với Quĩ Á châu. Được thành lập năm 1954 với ngân sách hoạt động thời gian đó là gần 8 triệu USD, Quĩ Á châu là một công cụ độc quyền của CIA thay mặt Chính phủ Mỹ thực hiện các hoạt động văn hoá, giáo dục theo cách không mở cho các cơ quan chính thức của Mỹ. Một đại diện của Quĩ này đến thăm Sài Gòn năm 1956 để tìm hiểu khả năng lập một chương trình dành cho các nhà báo Việt Nam. Lansdale đã dàn xếp với phòng Tuỳ viên quân sự ở Sài Gòn để đưa ông Ẩn đến gặp đại diện của Quĩ Á châu. Ông đại diện này đã giới thiệu Phạm Xuân Ẩn với Tiến sĩ Lon E. Hildreth, Trưởng phòng giáo dục thuộc Phái bộ Tác chiến Hoa Kỳ tại Việt Nam. Sau này, ông làm cố vấn trưởng cho Bộ Giáo dục chính phủ Nam Việt Nam từ năm 1956 - 1958.
Hildreth luôn mong được bảo trợ cho những thanh niên Việt Nam nhiệt huyết và thông minh sang học tập ở Mỹ. Gặp Phạm Xuân Ẩn, Hildreth nhận thấy đây là một ứng cử viên hoàn hảo. Phạm Xuân Ẩn nói được tiếng Anh, đầu óc thông minh, lại được sự thông qua của Lansdale, một chuyên gia hàng đầu nước Mỹ về chống Cộng. Hildreth là bạn thân của Tiến sĩ Basil Peterson, Chủ tịch Trường Đại học Orange Coast.
Một tuần sau khi Lansdale đặt chân đến Sài Gòn, ông vua vắng mặt Bảo Đại, lúc đó đang sống ở Paris, đã mời Ngô Đình Diệm lên giữ chức thủ tướng của chính quyền miền Nam Việt Nam. Bảo Đại nói rằng "Sự cứu nước Việt Nam tuỳ thuộc ở điều đó". Học bổng dành cho Diệm vừa qua chứng tỏ Diệm và em trai của ông là Ngô Đình Nhu đã phải dùng đến rất nhiều mưu mô từ một năm trước đó nhằm đưa Ngô Đình Diệm vào đúng vị trí này.
Tháng 5/1954, khi Điện Biên Phủ thất thủ, Ngô Đình Diệm đã tự cho mình là một người theo chủ nghĩa dân tộc có quan hệ tốt với Washington. Là tín đồ Thiên Chúa giáo, xuất thân từ một gia đình quan lại khá giả, Ngô Đình Diệm có một lý lịch chống Cộng nhà nòi. Ông ta đã cầu cứu đến nhiều nhân vật chống Cộng ở Mỹ nắm giữ các vị trí cao như Thượng nghị sĩ Mike Mansfield, Hồng y Francis Spellman, Thượng nghị sĩ John F. Kennedy, và Chánh án Toà tối cao William O. Douglas. Quan hệ được với hai anh em theo đạo Thiên chúa và chống Cộng sản điên cuồng John Foster Dulles ở Bộ Ngoại giao và Allen Dulles ở CIA, Ngô Đình Diệm đã có mối quan hệ tay trong với chính quyền Eisenhower.
Đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất đúng ba tuần sau khi Lansdale tới miền Nam Việt Nam, Ngô Đình Diệm tuyên bố ngay tại sân bay "Giờ quyết định đã đến". Ngô Đình Diệm phải đối mặt với một liên minh các kẻ thù hùng mạnh sẵn sàng bằng mọi giá chống lại việc củng cố quyền lực của Ngô Đình Diệm.
Trong số kẻ thù của Ngô Đình Diệm có tướng Nguyễn Văn Hinh, Tư lệnh lục quân miền Nam Việt Nam có quan điểm thân Pháp. Nguyễn Văn Hinh là người từng đứng ra vận động các chức sắc tôn giáo chính trị Cao Đài, Hoà Hảo; Bình Xuyên, một tổ chức băng đảng kiểu mafia kiểm soát việc buôn lậu thuốc phiện cờ bạc, đĩ điếm ở Sài Gòn lật đổ Ngô Đình Diệm. Để trả được món nợ hàng triệu đô la tiền thua bạc, Bảo Đại đã bán cho Bình Xuyên toàn quyền hoạt động cờ bạc ở Chợ Lớn, kể cả sòng bạc Đại thế giới Grand Monde và nhà thổ Phòng Gương lớn nhất châu Á thời đó. Bảo Đại cũng đã bán quyền kiểm soát cảnh sát quốc gia cho kẻ cầm đầu của Bình Xuyên là Chuẩn tướng Bảy Viễn.
Lansdale nhanh chóng vạch ra một kế hoạch, trước hết là không để cho các đối thủ chính trị của Ngô Đình Diệm cụm lại với nhau để lật đổ Diệm với tư cách thủ tướng mới. Sau đó, sẽ lần lượt tiêu diệt từng đối thủ đó bằng sức mạnh quân sự hoặc bằng các thủ đoạn chính trị. Lansdale bắt đầu bơm tiền từ Phái bộ Quân sự của Mỹ ở Sài Gòn cho các hoạt động trong chiến lược chia để trị của ông ta, trước khi Mỹ vào thay chân Pháp.
Lansdale chú ý đầu tiên đến các lãnh tụ đạo Cao Đài, một tôn giáo tự xưng có hai triệu tín đồ và một đội quân được Pháp tài trợ. Đại bản doanh của đạo Cao Đài đặt ở Núi Bà Đen do Trịnh Minh Thế cầm đầu.
Bằng cách tiếp cận với lực lượng ly khai có quan điểm vừa chống Cộng sản vừa chống Pháp trong Cao Đài, Lansdale hy vọng sẽ xây đựng được một liên minh giữa hai kẻ vừa chống Cộng sản vừa chống Pháp là Trịnh Minh Thế và Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Diệm và Trịnh Minh Thế đã liên lạc với nhau trước khi Lansdale đến Núi Bà Đen. Đây có thể là ý tưởng của Diệm đưa Lansdale xuống gặp Thế nhằm tung ra tín hiệu rằng Lansdale có thể cung cấp viện trợ của Mỹ.
Trước khi tiến hành, Lansdale cần sự chấp thuận của Ngô Đình Diệm đối với các chuyển động gây tranh cãi này. Đồng thời, Lansdale cũng cần sự ủng hộ của tướng John "Iron Mike" O'Daniel, chỉ huy trưởng MAAG ở Sài Gòn. Diệm chấp thuận ngay kế hoạch của Lansdale. O'Daniel cũng vậy, nhưng mong muốn các đội quân của Cao đài sẽ sáp nhập với quân đội miền Nam Việt Nam.
Được tháp tùng bởi một nhóm thân tín của mình đến đại bản doanh của Trịnh Minh Thế ở Núi Bà Đen, Lansdale đã dàn xếp được một thoả thuận theo đó Thế đồng ý quay sang ủng hộ Diệm trong cuộc chiến giành sự kiểm soát với Pháp. Đổi lại, đội quân của Trịnh Minh Thế được sáp nhập vào Quân đội Việt Nam Cộng hoà, nhưng Thế được giữ hàm cấp tướng.
Mặc dù việc Lansdale dàn xếp với các thủ lĩnh Cao Đài tiến triển thuận lợi, Ngô Đình Diệm vẫn chỉ tiến bước chậm chạp trên con đường bình ổn chính phủ còn non trẻ của mình. Tổng thống Eisenhower rất lo ngại cho Ngô Đình Diệm nên đã phái tướng J. Lawton "Lighting Joe" Collins sang Sài Gòn làm Đại sứ để tìm hiểu xem điều quỉ quái gì đang diễn ra ở đó.
Collins và phái đoàn của mình đến Sài Gòn ngày 8/9/1954 chỉ để "ngạc nhiên và hốt hoảng" trước tình hình ở đó. Sau năm tháng làm việc ở miền Nam Việt Nam, đại sứ Collins trở về Washington tổ chức hàng loạt cuộc họp cấp cao nhằm xác định số phận chính phủ còn non trẻ của Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam. Trước các cuộc họp này, Ngoại trưởng John Foster Dulles đã nói với người em của mình là Giám đốc CIA Allen Dulles rằng có vẻ như tình hình đang diễn ra rất xấu đối với ông bạn ở Đông Nam Á và cánh băng đảng cao bồi sẽ thắng thế".
Trong một bản ghi nhớ gửi cho Allen Dulles, Sherman Kent - trợ lý của Giám đốc Ban Dự liệu quốc gia trực thuộc CIA đã tóm tắt những ý chính trong bài phát biểu tại cuộc họp kéo dài bốn tiếng đồng hồ tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Sherman Kent chính là người mà Phạm Xuân Ẩn coi là một nhà tình báo chiến lược mẫu để ông noi theo. Bản tóm tắt của Sherman Kent viết: "Diệm đã thối tha, tình hình ở miền Nam Việt Nam là hoàn toàn do sự thất bại của Ngô Đình Diệm. Nếu muốn tránh tình hình rối ren, Diệm sẽ phải ra đi". Dưới đầu đề "Diệm thối tha", Sherman Kent viết: "Khi nói về Ngô Đình Diệm với tư cách một người đứng đầu chính phủ, chính quyền người ta chả có thể nói được điều gì tốt đẹp. Ông ta chẳng có năng khiếu gì đối với nhiệm vụ phía trước, chẳng có khả năng hành chính nào. Ông ta nhắm mắt đối với những vấn đề mà ông ta đang phải dối mặt… Ngô Đình Diệm không thể thu hút được những người có năng lực, chỉ thích những kẻ đầu óc nông cạn làm việc bên cạnh mình. Collins tuyên bố rằng… ông ta hoàn toàn tuyệt vọng với mọi giải pháp chừng nào Diệm vẫn còn tại vị Collins tin rằng không thể tránh khỏi một cuộc nội chiến xảy ra ở miền Nam Việt Nam.
Vào thời điểm đó, thời gian đảng viên dự bị của Phạm Xuân Ẩn cũng vừa kết thúc. Ông chuẩn bị phải gửi một tin tình báo có giá trị đặc biệt đầu tiên của mình về căn cứ trong rừng. Từ các mối quan hệ của mình đang làm việc trong Phòng Nhì Pháp và từ người anh họ Phạm Xuân Giai thân Pháp, Phạm Xuân Ẩn biết được Collins đã trở nên "thân thiết" với một nữ điệp viên Việt Nam đang làm việc dưới vỏ bọc là một nhân viên của tình báo Pháp. Bà này đã có nhiệm vụ cung cấp cho Collins các thông tin càng bất lợi đối với Diệm càng tốt. Collins cũng để lộ rằng ông ta chuẩn bị trở về Washington để nhằm mục đích cuối cùng là gạt bỏ Diệm, đòng thời giới thiệu Phan Huy Quát - một người thân Pháp - lên làm quốc trưởng.
Nhận được tất cả những thông tin này từ những mối quan hệ của ông trong cơ quan tình báo Pháp, Phạm Xuân Ẩn đi thẳng đến Củ Chi với nhận thức rằng những thông tin về sự thay đổi chính phủ đến trước sẽ là những thông tin quí giá đối với những nhà lãnh đạo Việt Minh.
Sau này, Phạm Xuân Ẩn nói với tôi: "Những thông tin mà tôi lấy được về Collins là rất giá trị bởi vì nếu Diệm bị thay thế thì người Mỹ sẽ đưa ra lời đe doạ rằng Mỹ sẽ ra đi, đồng thời cắt mọi khoản tiền viện trợ. Điều này có nghĩa rằng chúng tôi có cơ hội thống nhất đất nước rất nhanh chóng. Tôi đã kiểm tra với hai nguồn tin của mình sau đó mới báo cáo tất cả lên cấp trên của tôi. Sự thay thế Diệm đã không diễn ra, nhưng thông tin của tôi là chính xác".
Ngày 27/4 Dulles gửi một bức điện đến Đại sứ quán với chỉ thị rằng quyền Trưởng Phái bộ phải chuẩn bị tìm một người khác để làm thủ tướng. Từ bức điện của Dulles, Lansdale đã hiểu được rằng sắp có sự thay dồi trong chính sách của Mỹ. Nhận thấy thời gian còn rất ít Lansdale liền đến hỏi ý kiến Diệm để ra lệnh một cuộc phản công ồ ạt. Nhưng Ngô Đình Diệm không chờ đến khi bị thúc giục. Trong nhiều tuần trước đó, Diệm đã vạch ra kế hoạch tấn công, và đã công bố kế hoạch của mình nhằm chiếm tổng hành dinh của tổ chức Bình Xuyên. Ngô Đình Diệm cũng biết rằng các em của ông đã khéo léo tranh thủ sự ủng hộ của đám sĩ quan Quân đội Việt Nam Cộng hoà từ mùa thu năm trước đó. Hơn nữa, Lou Conein đã mua được sự trung thành của các sĩ quan chủ chốt bằng lời hứa sẽ từ bỏ Hinh vì sợ rằng mọi viện trợ của Mỹ sẽ bị ngừng nếu Hinh giành được thắng lợi. Quân đội quốc gia đi với Diệm thì tốt hơn, vì ông ta được Washington ủng hộ.
Trong một trận chiến kéo dài chín giờ đồng hồ, những tên phỉ Bình Xuyên đã bị đẩy ra khỏi Sài Gòn. Trong cuộc giao tranh chống lại Bình Xuyên, tướng Trịnh Minh Thế đã bị tiêu diệt bằng một phát đạn bắn vào gáy khi ông ta đang ngồi trên xe Jeep. Phạm Xuân Ẩn kể với tôi rằng Thế đã bị ám sát theo lệnh của Ngô Đình Nhu - em trai của Diệm. Kẻ thực hiện lệnh ám sát đó chẳng phải ai khác là thiếu tá Tạ Thành Long, một tín đồ Cao Đài. Sau vụ ám sát này, Tạ Thành Long được thăng chức nhanh chóng lên cấp bậc Thiếu tá Quân đội Việt Nam Cộng hoà, đồng thời được giao nhiệm vụ phụ trách các nhân viên quân sự đặc biệt của Tổng thống. Phạm Xuân Ẩn nghĩ rằng sự nổi tiếng của Thế với tư cách một người theo chủ nghĩa dân tộc đồng thời là một kẻ chống Cộng sản quyết hệt là mối đe doạ đối với chính phủ của gia đình Diệm, vì những người không theo đạo Thiên Chúa sẽ tụ tập xung quanh Thế. Ngày mồng 1/5, bằng một thủ tục hành chính hiếm khi xảy ra, Ngoại trưởng Dulles thông báo với Đại sứ Collins rằng bức điện mà ông gửi trước đó đã bị rút lại.
Dulles cho rằng thắng lợi của Diệm trong việc dẹp bỏ nhóm Bình Xuyên là bằng chứng cho thấy thủ tướng đã củng cố được quyền lực và hiện tại, ông ta có thể không bị phế truất. Bức điện viết: "Đối với chúng tôi lúc này, việc tham gia vào một âm mưu loại bỏ Diệm không chỉ là một vấn đề không thực tế trong nước mà còn là điều rất có hại cho uy tín của chúng ta ở châu Á".
Với việc đã bảo toàn được cơ sở quyền lực của mình và vô hiệu hoá được các giáo phái, Diệm quyết định quay sang phế truất Bảo Đại bằng cách tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân. Trong đó, Diệm tự xác định mình là người chống lại vua Bảo Đại. Chẳng ai ngạc nhiên, Diệm đã giành thắng lợi gần như tuyệt đối với đa số phiếu ủng hộ đạt 98,2% - một con số mà Cựu nhân viên ngoại giao Howard Simpson cho rằng đến "Ông chủ chính trị tại New York Tammany cũng phải đỏ mặt vì xấu hổ". Ba ngày sau, với số phiếu được kiểm nhiều hơn số cử tri đăng ký đến hàng ngàn phiếu, Ngô Đình Diệm tuyên bố rằng Hoàng đế Bảo Đại đã bị phế truất, đồng thời Diệm tự tuyên bố mình là Tổng thống mới của Việt Nam Cộng hoà.
Khoảng cuối năm 1955, điều tưởng như không thể đã xảy ra: vị trí của Ngô Đình Diệm đã được củng cố thêm rất nhiều. Có được điều này là do sự giúp đỡ bí mật và quan trọng của Lansdale cùng các cộng sự của ông - những người đã thành công trong việc trung lập hoá các âm mưu của những đối thủ chính trị của Diệm.
Tháng 5/1957, Tạp chí Life tuyên bố Ngô Đình Diệm là "Người hùng thần diệu của châu Á". Ngô Đình Diệm bay sang Mỹ để đọc một bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ. Tại New York, Thị trưởng Robert F. Wagner đã gọi Ngô Đình Diệm là "Một người mà lịch sử chưa điều chỉnh kịp để trở thành một trong những nhân vật vĩ đại của thế kỷ XX. Tờ báo Bưu điện tối thứ bảy gọi Diệm là "Ông quan mặc complet da cá mập - người đang làm thất vọng thời gian biểu Đỏ".
Năm tháng sau chuyến đi thăm Mỹ đầy thắng lợi của Ngô Đình Diệm, ông Phạm Xuân Ẩn đặt chân xuống California theo một "Thời gian biểu Đỏ" khác.
Chú thích:
(1) Lê Đức Thọ (1911-1990) tên thật là Phan Đình Khải từng tham gia các hoạt động cách mạng và bị thực dân Pháp bắt giam hai lần (1930-1936 và 1939-1944). Sau khi được thả tự do lần thứ hai, ông trở về Hà Nội hoạt động và trực tiếp phụ trách Xứ uỷ Bắc Kỳ.
Năm 1948, ông vào miền Nam Việt Nam làm Phó bí thư, kiêm Trưởng ban Tổ chức Xứ uỷ Nam Bộ cho tới Hiệp định Giơnevơ được ký kết năm 1954.
Sau khi tập kết ra Bắc 1955, ông được bầu vào Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam (sau đổi là Đảng Cộng sản Việt Nam). Đầu năm 1968, ông trở lại miền Nam làm Phó bí thư Trung ương cục miền Nam. Đến tháng 5/1968, ông làm cố vấn đặc biệt cho đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Paris, bàn về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Việt Nam. Các cuộc đấu trí giữa Lê Đức Thọ và Henry Kissinger, cả bí mật lẫn công khai tại Paris, đã trở thành một huyền thoại trong lịch sử ngoại giao thế giới. (NXB).