Chương 12

Trọng có cảm giác đã nghe thấy giọng nói của người nọ một lần, ở đâu đó rồi. Trong những âm thanh xô bồ của cuộc sống, những thanh âm ấy chỉ vang lên bên tai anh có một lần thôi, trong một lúc rất ngắn ngủi thôi, vậy mà sao nó lại để lại cho anh một ấn tượng lâu bền đến thế. Đó là một giọng nói sôi nổi nhưng đằm thắm vô cùng và có một sự thống thiết kỳ lạ giữa nội dung lời nói với âm lượng, âm sắc cùng ngữ điệu. Nam có nhiều bạn bè, nhưng Trọng chưa được biết người bạn nào có giọng nói như thế này.
 Do vậy, đáng lẽ bước vào phòng bệnh nhân thăm Nam thì Trọng dừng lại ở cửa, lắng nghe cuộc đối thoại của người bạn nọ với Nam và anh tự nhủ, có lẽ suốt đời anh sẽ không quên những câu nói của họ ở giây phút này.
 - Cậu nói cho mình nghe đi – Giọng Nam thều thào, đầy cố gắng và thiết tha – Mình không có báo đọc, không có đài nghe. Mình gần như bị tách ra khỏi đời sống. Sao họ lại muốn mình chết trước khi chết thật nhỉ?
 Một giây im lặng hết sức cảm động ngay sau khi Nam vừa dứt lời. Và sau đó, người nọ hình như hơi cúi xuống làm một động tác gì đó như là kéo chăn cho Nam chẳng hạn và giọng anh hỏi có phần xao xác:
 - Ông muốn nghe cái gì nào, Nam ơi?
 - Những chuyện vui... Không, không... Những chuyện có thật. à, có biết việc khai thác dầu hoả, việc xây dựng công trình thuỷ điện sông Đà không? Thành phố mình đã làm thêm được những điều kỳ diệu gì nữa rồi?
 - Nam ơi, nếu một sớm mai cậu khoẻ lại, cậu nhảy lên xe đạp, cậu đạp vòng quanh thành phố, ra vùng ngoại ô, chắc chắn cậu sẽ vui lên, khoẻ thêm rất nhiều. Lúa mùa sớm đang gặt. Hàng chục nhà máy đang xây... à mà thôi, không nên nói cụ thể. Cụ thể không có ích gì cả. Lúc này phải toàn cục.
 - Toàn cục? – Giọng Nam thoáng hơi cười.
 - Toàn cục chứ – Người nọ dằn mạnh – Nghĩa là dân mình vẫn đang còn đói, đang còn khổ sở trăm bề, tiêu cực còn nhan nhản ngoài đời, nhưng vẫn đang say sưa làm những chuyện kinh thiên động địa. Cũng nên lưu ý, nhìn đời cho biện chứng. Xã hội hiện nay như một chậu nước bị khuấy lên. Theo cùng một mô-men lực, tất cả đều quay tròn. ở trung tâm vòng xoay, tức là ở thành phố, vòng quay so với vòng ngoài xoay tít hơn và lắng nhiều cặn hơn, nên dễ bị lừa rằng: ở đây lắm cặn bã ghê gớm quá. Đừng nên nhìn nhận sự việc một cách cảm tính như thế!
 - Cậu vẫn lãng mạn!
 - Không đúng. Mình có con mắt hiện thực nghiêm ngặt. Vẫn nhìn rất rõ từng cái vòi bạch tuộc trong đời sống. Có thể kể cho cậu nghe từng vụ việc công an bắt bọn phe phẩy, trộm cắp. Có thể lên danh sách bọn quan nha thoái hoá biến chất. Còn biết bao điều phi lý trong cuộc sống và lý thuyết của chúng ta. Nhưng, cậu hãy cứ khẳng định hộ tớ rằng, cậu đang nằm giữa cái biển sôi động của cuộc sống, của cách mạng đấy.
 - Cậu vẫn làm thơ đấy à?
 - Thôi rồi. Mình đã đem tặng thư viện toàn bộ số sách văn học mình đã ki cóp. Mình không có tài. Vả lại, phải cho bền chí câu cua, mặc ai câu cá, câu rùa mặc ai.
 - Từ nhà thơ đi, đến nhà kỹ thuật. Đời người có chỗ bắt đầu và có nơi đi tới. Đời tớ không được như thế.
 - Không, tớ không đi từ đâu đến đâu cả. Cậu cũng vậy. Cậu luân chuyển trong một giới hạn, nhưng đó là một khoảng trời rất đẹp, Nam ạ. Cậu sống vững vàng, khoẻ khoắn. Cậu như cái cột trụ trời. Cậu là thần trụ trời.
 - Mình không hay lắm đâu. Mình hơi bị chai đi trước những cái xấu.
 - Không đúng đâu, Nam ạ. Cậu chưa phân tích được bản thân cậu. Ngọn cao phong không ngắm nhìn được mình. Tớ nhìn cậu rõ hơn. Vì tớ vừa giống cậu, vừa hơi khác cậu. Cậu là nhà cách mạng ở trong cuộc. Cậu nhận thức được cái tất yếu của thời kỳ này. Và cậu lẳng lặng làm việc, không rên la, để mau chóng chấm dứt nó.
 - Còn cậu?
 - Hãy khoan, để tớ nói hết. Cậu giác ngộ chân lý từ bản năng rồi nâng lên thành lý tính, do đó cậu vững chãi vô cùng. Còn tớ, tớ bắt đầu từ lý trí.
 - Không hẳn thế đâu!
 - Thế đấy. Tớ nói cậu nghe. ở cậu, động lực duy nhất không bao giờ suy suyển là lý tưởng, cậu bất cần hiện thực, hiện thực dầu có xấu xa thế nào cũng không mảy may ảnh hưởng đến niềm tin vào chân lý sắt đá của cậu. ở tớ, và những anh em khác, sức mạnh là sự kết hợp cả lý tưởng và hiện thực. Hai lực này càng cách xa nhau bao nhiêu thì hợp lực càng yếu bấy nhiêu. Có kẻ, hai lực đó ngược chiều nhau thì chống đối nhau. Còn ở tớ, tớ phải dùng lý trí để kéo hai lực đó lại, chồng khớp nhau, hay ít ra là gần nhau để tạo nên một hợp lực mạnh.
 - Cậu giải thích sức mạnh con người bằng vật lý học lớp sáu.
 - Thật thế đấy, Nam à. Vấn đề bây giờ với bọn tớ là cách nhìn hiện thực. Làm thơ, tớ không thành đạt gì cả. Nhưng, nhờ làm thơ mà tớ trở nên thống nhất hơn giữa hiện tại và huyền thoại.
 - Tớ sẽ nhớ ý kiến này của cậu và chết xuống âm phủ tớ sẽ nghiền ngẫm thêm.
 Người nọ bật một tiếng cười nhỏ. Và sau đó giọng Nam bỗng hạ xuống yếu ớt, run rẩy lạ lùng:
 - Cậu... hứa với tớ đi. Di chúc của tớ đấy. Cậu phải về phụ trách công việc thay tớ. Phòng mình, còn vị thành niên lắm, nó cần một người như cậu.
 Bàng hoàng, Trọng đẩy cửa bước vào. Anh đã hiểu người nọ là ai rồi. Anh đã không lầm. Người vừa say sưa nói chuyện với Nam chính là người đến tặng sách thư viện thành phố buổi nào anh đã gặp. Nhưng anh ta đã đi ra, né ở cửa, nhường lối cho Trọng vào. Một khuôn mặt dung dị, dễ mến. Đôi mắt kính cận trong sáng, vầng trán cao, hơi phẳng, và một thái độ hết sức khiêm nhường, hơi khép kín, khác hẳn lúc tự nói về mình.
 “ Chào anh”. Người nọ đi ra cửa. Trọng bước vào căn buồng bệnh nhân. Sao vắng vẻ thế này? Nam đâu? Cảnh vừa diễn ra như là không có thật.

°

 - Anh Nam ơi!
 Trọng nghẹn lời, cúi xuống cái hình người duỗi dài phủ một tấm vỏ chăn xanh, không thể nghĩ rằng đó là Nam vừa nãy còn theo đuổi cuộc đối thoại rất hào hứng với anh bạn nọ. Không thể nghĩ rằng đó là thân thể một con người, nó nhỏ teo, mong manh quá và gương mặt vàng bủng với đôi mắt nhắm nghiền mất hết mối liên hệ với thời cuộc kia lại có thể là gương mặt Nam.
 Nhưng, cái chăn bỗng động đậy và gương mặt ấy tự dưng bừng nở một sinh lực; đôi môi Nam hé mở, khô nẻ, nhợt nhạt và thoáng ánh cười: hai con mắt chớp chớp Nam đang gắng sức thu lấy cái thần thái vừa bị lạc đi trong phút hôn mê bất thần.
 Nam đang ở giữa biên giới của thực tại và vĩnh viễn. Nam như một chấm lửa đã lụi, chợt đón được một hơi gió, hồng lên.
 - Trọng đấy à?
 Thở hắt ra, tưởng như đẩy khỏi phổi tất cả khối không khí ứ nén, chết lặng từ nãy đến giờ, Trọng cúi sát xuống mặt Nam:
 - Anh Nam, em đây. Trọng đây. Em vừa ở Nguyên Lộc về. Đừng, anh đừng ngồi dậy.
 Không! Cái thân hình gầy xác, hoàn toàn hao kiệt ấy vẫn cứ gượng dậy. Và trên gương mặt héo hắt, cái chết đã chập chờn phủ bóng, tựa như vừa xuất hiện một trạng thái thiên thần; hai con mắt Nam ngước lên, leo lét một thứ ánh sáng chói gắt. Trời! Có thể như thế không? Trong mỗi con người vẫn có những khoảng sâu, ở đó linh hồn thoát khỏi mọi sự kiềm toả, sống độc lập với thể chất? Kia, quanh gối Nam, dưới chân giường Nam, ngổn ngang, lẫn với quà cáp của bạn bè gửi tới, là những tập bản thảo, tư liệu giấy và bút, Nam vẫn làm việc. Trời! Chẳng lẽ là sự sống vẫn tồn tại và biết đâu đang hồi phục trong Nam.
 - Tờ-rai! Hãy tin tưởng! – Nam nhệch cười, giọng khê đặc – Bác sĩ mổ cho mình rồi, có hy vọng. Nhưng, hiện giờ trong bụng mình có một quả lựu đạn đã mở chốt. Nếu biết thế này thì... phải sống có ích hơn, gấp rút làm việc hơn.
Ngọn nến hy vọng vừa thắp lại chấp chới trong gió. Trọng gai hết cả người. Nhưng không, kìa, mặt Nam lại rạng lên, ngời ngời:
 - Trọng có khoẻ không? Công việc đến đâu rồi? Mình hy vọng là tốt. Rất tốt.
 Dâng lên ngực Trọng một nỗi đau nghẹn không lời. Căn buồng thốt im phắc. Những cái giường mạ kền lạnh toát. Nơi nằm của các con bệnh
hiểm nghèo ở gác hai, cửa sổ ngó ra một vùng trời thu âu sầu, thanh tĩnh, rập rờn một cành me gầy đã thưa lá.
 Ghé ngồi xuống cạnh Nam, Trọng kể vắn tắt những việc đã làm và thấy Nam, tâm trí vẫn sáng suốt, hoàn toàn tuân theo một hướng đi, gật gật đầu mỗi khi anh dứt mỗi ý, với một vẻ hài lòng hết sức điềm tĩnh và tự nhiên.
 Bỗng nhiên lúc ấy có tiếng la thét ở phòng bên. Nam hơi chổm dậy, nhìn ra. Loáng thoáng bóng áo trắng chạy vội qua cửa. Và lát sau, trong không khí đẫm một vẻ hoang vắng rất lạ, một người bé nhỏ lùng thùng trong bộ quần áo bệnh nhân, tay sách một chùm bánh chưng bước vào phòng:
 - Thế là một ông bạn nữa đi rồi!
lên cái tủ nhỏ:
 - Anh Nam ăn bánh nhé. Ông bạn lý luận gia về hợp lực của ông về rồi à. Anh có nhiều bạn quý thật đấy. Mỗi anh một vẻ mà xem ra ông nào cũng tâm huyết. Nghe họ nói chuyện thấy đời vẫn đẹp lắm. Anh ăn đi. ờ, cả anh nữa.
 Người nọ nhìn Trọng. Trọng lắc đầu. Nam cười:
 - Tôi không đói, chán thế cơ chứ!
 - Tôi thì đói liên miên – Người bé nhỏ cười, phô hàm răng trắng bóng, rồi leo lên giường, đập đập hai chân, bóc bánh – Phải cố mà ăn, anh Nam ạ. Ăn để khoẻ, để về chứ! Tôi nhớ cái máy kéo, nhớ bạn bè quá. Có bạn tốt, yêu đời lắm. A, cái ông vừa rồi ở đâu thế? Tay này trí thức rộng và sâu đấy. Không như cái cậu gì tên là Hưng nhỉ?
 Hết cái bánh, lau miệng, người nọ ngả lưng. Khi Nam kể về bạn mình, người vừa nói chuyện với anh, chàng kỹ sư vật lý, thì anh ta đã thiu thiu.
 Cửa phòng lại mở, lẹp xẹp tiếng dép lê. Ngó vào cửa ba bốn mái đầu hoa râm. Thì ra các bệnh nhân ở phòng bên gọi Nam đi đánh tổ tôm.
 - Các bác cho tôi xin phép. Có anh bạn vào thăm nhân thể bàn bạc chút công tác.
 Lại bừng lên trong Trọng một niềm vui bất ngờ. Giọng Nam đột ngột có khí sắc. Nam vẫn khoẻ. Phải rồi, Nam vẫn làm việc đấy thôi. Quanh Nam đầy sách vở, tài liệu. Nam không phải giấu cô hộ lý nữa. Báo cáo về lũ sông Hồng của Noóc-măng-đanh, tổng công trình sư Bắc Kỳ. Báo cáo của Pây-ta-vanh, Boóc-nô, Ru-ăng..., những số liệu về khí tượng, thuỷ văn. Các văn bảo tổng kết. Bản thảo về hiện tượng nứt đê Nhị Lang... Nam vẫn là người trong cuộc. Không một sức mạnh nào có thể bứt Nam ra khỏi cuộc sống. Nam vẫn ở trong dòng đời băng tới.
 Nam vẫn khoẻ, lạy Trời cho Nam khoẻ, Nam khoẻ thật. Kìa, Nam lại nói:
 - Nói ngay nhé: sẽ có một kỹ sư vật lý hỗ trợ Trọng trong đề tài tìm, diệt mối. Còn một chuyện nữa. Hưng dến đây. Hưng bảo: chân lý là cái lý
có chân. Hưng mà cả: ỉm cái vụ vỡ cống Lợi Toàn đi thì Hưng sẽ tìm thầy tìm thuốc, đảm bảo khỏi bệnh cho mình.
 - Khốn nạn!
 Người bé nhỏ bật ngay dậy chửi, hoá ra anh ta không ngủ.
 Nam nhệch cười đau đớn:
 - Mình bảo Hưng: mình không muốn trước khi chết phải nghe những lời như thế. Hưng ngượng. Hưng kể vừa đọc xong cuốn “ Hít le và lò thiêu dân Do Thái”. Hưng than: Ôi, con người cuối cùng chỉ còn là một cụm khói xanh...
 - Anh Nam!
 Trọng thốt kêu. Giọng Nam bỗng chuệch choạng thế nào. Nhưng Nam đã choàng dậy, đưa đôi tay vàng nhợt sờ soạng.
 - Anh Nam, anh tìm cái gì?
 - Không không...
 - Để em tìm cho.
 - Cái bản thảo... về vụ vỡ cống Lợi Toàn... ờ ờ... Đâu rồi... Thiết kế sai. Ngày 28 phát hiện vòi phun. Mồng hai có lệnh điều thợ lặn đến... Hưng lừng chừng, kêu không có tiền tầu xe. Mồng tám, thợ lặn đến thì lỗ thủng to bằng con trâu rồi. Nhục nhã quá, không một cây tre, không một cân đá dự phòng. Hưng phụ trách ở đó... Tội gấp hai... Mực nước mới chỉ tám mét... Nhục... Ơ kìa! Bản thảo đâu rồi? Hay là... Thôi chết! Hưng! Chẳng lẽ Hưng lấy đi rồi à?
 Nam thét một tiếng, ật ngửa ra phía sau. Trọng vội nhao tới đỡ vai Nam. Nam oằn người. Đặt Nam nằm xuống giường, Trọng kinh hoàng nhận thấy mặt Nam bỗng nhợt thếch, vàng xỉn và trên trán anh nháng một lớp mồ hôi lạnh toát. Cơn kịch phát của căn bệnh ập đến đồng thời với nỗi căm giận Hưng đã hút hết tâm sức anh.
 Nam nằm, mắt Nam lờ đờ. Chỉ còn môi Nam mấp máy. Từ đó thoát ra những tiếng nói đứt nối, nghiêng ngả, xiêu vẹo.
 - Anh Nam!
 Trọng gào thất thanh. Mắt Nam buột mở ngơ ngác rồi lại khép kín. Người bé nhỏ vùng ngay dậy. Đám tổ tôm ở phòng bên chạy sang.
 - Gọi bác sĩ trực. Nhanh lên!
 - Khổ quá! Ông ấy còn say việc lắm.
 - Thu dọn tài liệu cho anh ấy. Đặt anh ấy nằm thẳng lại.
 Một bác sĩ dong dỏng cao bước vào. Ông vạch mắt Nam, lắc đầu. Vành mi trong không một chút màu hồng. Nam nằm ruỗi thẳng, xẹp như một lóng xương, mồm ho hó, thở trong từng cơn nấc, như hớp lấy không khí, như thèm không khí vô cùng.

°

 Con người kia là Nam ư? Vô lý! Ôm chồng sách báo, hai mắt kính mỗi lúc một nhoè mờ và hình sắc Nam đang hấp hối trong con mắt ông giáo Cần mỗi lúc một biến dạng đi, chìm dần vào một màn sương mù dày đặc.
 Con người đang hấp hối kia, đang sắp trở về với hư vô kia là người bạn vong niên của ông ư? Không có lý. Chẳng lẽ cái con người có kiến thức vững vàng, có tư duy độc lập, có bản lĩnh ngay thẳng, trung trực đang hết sức cần thiết cho đời lại đang đi về cõi chết! Trớ trêu quá! Nam đang kéo dài thêm ít phút nữa sự sống. Vòi ô-xy níu anh với đời. Anh há miệng, trong hôn mê, ngực co rút từng đợt, môi hớp tham lam từng ngụm khí trời.
 Có lẽ nào đời bạc đãi đến kiệt cùng như thế với Nam? Có lẽ nào đời con người đáng yêu, đáng quý này toàn những chương bi đát! Con người này đáng phải được đời ưu đãi vào bậc nhất. Vì con người này suốt cuộc đời đã chống lại sự gian trá trong công việc, đã tận tuỵ hiến dâng toàn bộ sức lực, trí tuệ cho sự an toàn của những con đê. Anh là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về đê. Anh đã thiết kế, thi công hàng chục công trình thuỷ lợi, đê điều mà bây giờ sự vững chãi của chúng nâng chúng nên thành những đài kỷ niệm mãi mãi nhắc tên anh. Kỹ sư tốt nghiệp học viện thuỷ lợi khoá bốn sau khi rời tay súng bộ đội chống Pháp, anh có tiểu sử gần như trùng hợp với lịch sử ngành thuỷ lợi của tỉnh. Đó là một con người có hình dáng một nhân vật tiểu thuyết, bởi vì chung quanh anh đã dăng dăng một tấm màn lung linh các huyền thoại. Anh đã cứu sống những con đê bằng sự quên mình của anh. Anh đã cứu cả một xóm, một làng khỏi cơn tai hoạ của trận hồng thuỷ. Và có nơi người ta yêu cầu được lập miếu thờ anh, tôn anh lên bậc thánh ngay cả khi anh còn sống.
 Nhưng, con người ấy lại chịu thiệt thòi hơn ai hết. Lương anh thấp, chức vụ anh không tương xứng với tài năng. Bọn tài hèn đức kém tạo ra xung quanh anh một bầu không khí ghen ghét, đê tiện. Anh trung thực và kiên trì chân lý nên trở thành kẻ bất phục tùng dưới con mắt những người lãnh đạo thiển cận. Anh không chấp nhận sự ngu dốt, thói dạy đời, tính cẩu thả, vô trách nhiệm. Anh không ưa sự tâng bốc, anh căm ghét tính xiểm nịnh, lối chỉ huy chỉ dựa vào quyền lực.
 Anh làm mất lòng cấp trên trực tiếp của anh. Giá trị thực của anh bị xuyên tạc. Công việc của anh bị trắc trở. Đời riêng anh lận đận. Hơn bốn mươi tuổi đầu, anh vẫn chưa có được một tình yêu xứng đáng. Vậy mà anh không buồn nản. Chẳng phải vì anh tự an ủi: Lối đi khúc khuỷu là lối đi của thiên tài. Không! Anh vững chãi như cái trụ đá vì tất cả sự sống, tính tình của anh thuộc về một bản năng vững bền được trí tuệ đổ móng đá hộc. Anh ngay thẳng, hăng hái một cách hồn nhiên. Bản tính ấy của anh tạo nên chất đề kháng, không hề bị xao xuyến vì các thói đời xấu xa. Anh không rên la, không buồn nản, cứ vui vẻ trong đội ngũ cùng đồng chí hăm hở đi tới đích mình nhằm.
 Con người ấy chẳng lẽ đang nằm kia ư? Không có lý! Con người ấy phải sống thật lâu và sau này khi cái chết tất yếu bắt phải từ giã cõi đời này, anh ắt phải trở về thế giới thiên đường, nơi dành cho các danh nhân, liệt sĩ, anh hùng, trong thần khúc của Đăng-tơ vĩ đại mới phải!
 - Anh ấy đi rồi!
 Cô hộ lý thoát một tiếng nói đau nhức, gục ngay xuống thành giường Nam, nức nở:
 - Hôm qua anh ấy bảo tôi: “ Từ hôm nay tôi không giấu cô nữa, và cô cũng đừng cấm tôi làm việc nữa nhé. Thời gian gấp lắm rồi, cô ạ”. Tôi đã thấy lo lo...
 Cái sàn lát đá hoa dưới chân Trọng bỗng như sụt xuống một khoảng sâu đen ngòm. Trọng vội níu lấy thành giường.
 Người bệnh bé nhỏ oà khóc, mếu máo:
 - Khổ quá, hôm nọ anh ấy bảo tôi: Đồng chí bác sĩ ơi, đồng chí thấy cần thì cứ mổ xẻ ngay tôi đi. Tôi hiến thân thể tôi cho y học, để các thế hệ loài người không bó tay trước căn bệnh quái ác này nữa đây!
 Ông giáo Cần buột rơi chồng sách báo xuống đất. Người bác sĩ cúi xuống nhặt số sách báo ông giáo để rơi, đứng dậy, thở một hơi dài:
 - Ngành y còn bất lực! Thế là quá khứ đã chiến thắng.
 Quá khứ đã chiến thắng! Cái mệnh đề gì mà khủng khiếp thế! Sững sờ, ông Cần bước những bước đờ đẫn ra ngoài hành lang. Ông đứng lặng một lúc. Trong mớ hiểu biết lúc này mù mù hỗn độn, ông chập chờn nhận ra rằng ông bác sĩ đã nói tới một lý thuyết về căn bệnh ung thư đang được lưu hành. Trong những nhiễm sắc thể của con người, có những vùng bị tước mất quyền hạn và nghĩa vụ, nhưng chúng vẫn sống, vẫn tồn tại và bị khống chế bởi các nhóm hoá học. Nhưng có một lúc nào đó, vòng khống chế bị phá huỷ, các tế bào già nua nọ bỗng quên mất chức năng của mình, chúng tái sinh, lan rộng, o ép, gây nguy hiểm cho sự sống xung quanh. Như vậy là quá khứ đã rất xa rồi vẫn sống và can thiệp vào sự sống hiện thời một cách thô bạo và đầy quyền thế! Chao ôi! Quá khứ chiến thắng hiện tại, chiến thắng tương lai. Hiện tượng cá biệt này trong y học chẳng lẽ lại có ý nghĩa tiêu biểu, phổ quát cho toàn bộ cuộc sống ư? Đứng lặng, ông giáo Cần chìm trong nỗi buồn thảm thiết, vô vọng.
 Cầu thang có tiếng chân nhiều người bước vội. Một người đeo kính trắng nhẩy hai bậc một, lao ngay vào phòng. Sau đó, ló dần lên, ông Tiễu, ông Chánh và ba cô gái ở tổ đánh máy chữ.
 Vừa thấy Trọng ở trong phòng bước ra, ông Tiễu xô tới, kêu rất lạc lõng:
 - Trọng! Thằng Hưng được đề bạt quyền trưởng phòng rồi. Nam thế nào rồi, Trọng!
 Trọng không đáp, lặng lẽ đi tới cạnh ông Cần.
 Trong buồng có tiếng kêu đau đớn của người đeo kính trắng và tiếng khóc nức lên của ba cô gái. Tiếng khóc của họ làm giá lạnh thêm làn không khí chiều thu ảm đạm.
 Lát sau, từ giường Nam nằm, cất lên tiếng nói rất rành mạch, khô khan của ông Chánh:
- Thôi, mời các vị tạm ra ngoài, để cơ quan chúng tôi làm thủ tục khai tử và tang lễ, mai táng cho đồng chí Nam của chúng tôi nào!