MỤC LỤC Tìm bố Thầy giáo dạy vẽ Thằng Bêm Hoa mận trắng Con sáo của Hoàn Ông nội và ông ngoại Người cô của bé Hương Quà tặng của chú Hề Đứa trẻ nhút nhát Bạn Lộc Bến tàu trong thành phố Người làm đồ chơi TÌM BỐ Trước kia tôi cũng có một người bố, tôi thường gọi rõ cả tên bố tôi là “bố Hải”. Vì tôi yêu bố tôi, tôi gọi thế để phân biệt rõ bố tôi với bố các bạn khác. Năm ấy tôi mới lên bảy tuổi, tôi rất hay leo trèo nghịch ngợm, làm bố tôi vất vả vì tôi nhiều. Có lần nhà tôi mới làm gác xép xong, cầu thang gỗ mới đặt gá vào chưa chằng buộc gì, tôi không biết liền nhảy phóc lên rất mạnh, thế là cả cái cầu thang trượt đi, đổ sập xuống sàn đá hoa, đập lên hai bàn chân tôi. Tôi ngất lịm đi. Khi tỉnh dậy tôi thấy mình đang nằm trong bệnh viện, hai bàn chân quấn đầy băng và đau ghê gớm. Bên cạnh tôi là bố Hải và mẹ tôi đang ngồi nhìn tôi lo lắng. - Con có đau lắm không? Bố tôi hỏi. - Con què rồi – tôi khóc – Không đi được nữa rồi. - Không què được đâu – bố an ủi – Con chịu khó nằm yên rồi sẽ khỏi. - Con nghịch quá! - Mẹ tôi bảo, giập nát cả mười đầu ngón chân, bố Hải phải bế con chạy ngay đến bệnh viện. Khi khỏi chân, ra viện được một thời gian, tôi lại gây ra một vụ rắc rối khác. Tôi sang chơi hàng xóm, vật nhau với bạn Minh, ngã vào cái phích thế là vừa bị bỏng vừa làm vỡ ruột phích. Lần ấy bố Hải phải mang cái phích nhà tôi sang đền nhà bạn Minh. Lại phải thuốc thang, chăm sóc tôi hàng tuần tôi mới khỏi. Biết tính tôi hay nghịch ngợm, bố Hải mua tre về rào chắn thêm ở các lan can gác. Các loại thuốc uống bố cất vào trong tủ khóa lại vì sợ tôi hay bắt chước người lớn uống lung tung, mà tính tôi lại tham, uống thuốc cũng uống nhiều và chọn viên to. Bố còn dặn mẹ là khi nấu nướng phải hết sức chú ý, đừng cho tôi xông vào bếp, quai chảo đang đun phải quay vào phía trong đề phòng tôi bất thình lình với vào chảo. Các tai xoong và quai ấm đều được quấn bọc bằng dây điện bọc ni lông để lỡ tôi có cầm vào thì không bị bỏng… Bố Hải tôi cẩn thận và tháo vát, các việc chính trong nhà thường do bố tôi lo liệu vì mẹ tôi thì vụng lại bị yếu tim. Thỉnh thoảng mẹ tôi thường bị xây xẩm mặt mày. Nghe người ta nói là khi sinh tôi mẹ cũng suýt chết. May nhờ có ông bác sĩ giỏi mổ cho và nhờ bố tôi chăm sóc hết lòng mới qua khỏi. Trong khu tập thể nhà tôi, bố Hải nổi tiếng là người chăm sóc gia đình rất chu đáo. Ai cũng bảo mẹ tôi là: - Chị thật là hạnh phúc. Có người chồng thương yêu, chăm sóc vợ con hết ý đấy. Mỗi lần nghe vậy mẹ tôi chỉ mỉm cười, lặng lẽ mà nét mặt mẹ vẫn có gì như là buồn buồn thế nào ấy. Đúng là bố Hải tôi rất chăm chỉ, thương yêu tôi và chả bao giờ to tiếng với mẹ tôi, nhưng hai người rất ít chuyện trò vui vẻ với nhau, thường chỉ trao đổi với nhau về những việc cần thiết trong gia đình. Hình như đêm khuya hai người thường rì rầm nói chuyện gì với nhau nhưng mà tôi không để ý – vì lúc đó tôi đã buồn ngủ quá rồi. Có một đêm tôi chợt tỉnh dậy, vẫn thấy bố mẹ tôi rì rầm trò chuyện. Tự nhiên tôi nảy ý tò mò lắng nghe xem hai người nói gì. Lúc ấy tôi đã tỉnh ngủ hẳn nhưng vẫn giả vờ như đang ngủ say lắm. - Anh đã cố gắng quên đi tất cả – bố tôi nói – Vì em vì đứa trẻ, sáu bảy năm trời nay, mà hình như em vẫn chưa quên mọi điều, hơn nữa hắn ta vẫn còn liên hệ với em, hắn không cho anh sống yên được nữa. - Anh tha lỗi cho em – mẹ tôi nói – và hiểu cho em không phải là như thế. Đó chỉ là sai lầm trong chốc lát. Hồi ấy em thật là khổ sở về mọi điều. Anh thì đi bộ đội biệt tăm, bao nhiêu thư từ em gửi đi mà chả có một thư nào của anh gửi về. Em ốm đau, cô quạnh… người ta giúp đỡ em… Bây giờ thì em đã quên hết, chỉ còn lại trong em về lỗi lầm đối với anh thôi. Còn anh ta, nếu như có chút liên hệ nào thì đó là vì anh ta cũng còn sự liên quan ấy. Anh nên thông cảm. - Anh hiểu và thương em, bố tôi nói – nhưng thông cảm với hắn ta thì không bao giờ. Tại sao hắn ta không để cho anh và em yên ổn để nuôi đứa con này. Hắn đã xúc phạm đến gia đình anh, bây giờ hắn còn muốn gì nữa chứ! Trời ơi, anh phát điên lên mất. Anh muốn là chúng ta lại sống yên ổn như trước, thế mà… - Em biết – mẹ tôi nói – Chả bao giờ chúng ta còn như trước được nữa, em thì lúc nào cũng mặc cảm về tội lỗi, còn anh thì chẳng bao giờ quên được mọi chuyện. Thấy anh càng chăm sóc con và em bao nhiêu em lại càng khổ tâm bấy nhiêu. Em đã nghĩ nhiều về điều này: em muốn em và anh được thanh thản. Có nhẽ em và anh chia tay nhau thì hơn. - Xin em đừng nói thế – bố tôi nói – Anh không có ý định ấy vì thằng bé thì nhỏ dại, em lại vất vả ốm đau… - Em biết ơn anh lắm – mẹ tôi nói – nhưng anh hãy nghe em. Cố gắng mà làm gì. Nếu chỉ vì thương em mà sống với em thì đấy là một sự trừng phạt em. - Em đã nói thế thì tùy em thôi – bố tôi nói – Em muốn giải quyết sao cho em nhẹ nhàng nhất anh cũng vui lòng. Nghe qua câu chuyện của bố mẹ, đầu óc non dại của tôi lúc bấy giờ còn chưa hiểu hết, nhưng tôi chỉ thấy trong lòng lo buồn lắm. Tôi luôn luôn tự hỏi “chẳng lẽ bố mẹ tôi, hai người vẫn thương yêu nhau và thương yêu tôi đến thế lại định không cùng ở với nhau nữa ư? Còn tôi, tôi sẽ ở với ai. Nếu như ở với mẹ thì tôi lại nhớ bố Hải, ở với bố Hải thì lại chẳng có mẹ bên cạnh. Khi ấy tôi sẽ buồn và khổ lắm. Trời ơi! Sao hai người lại không biết được điều ấy nhỉ? Đáng ra bố mẹ tôi phải biết là tôi cũng buồn lắm chứ, buồn khổ chẳng khác gì bố mẹ tôi đâu. Hay bố mẹ tôi nghĩ rằng những đứa trẻ không bao giờ biết buồn. Mà đúng ra thì họ chả nghĩ gì về tôi cả, chả hiểu gì cả. Tôi bé bỏng thế này mà nỗi khổ thì thật là to lớn quá!” Dù là còn bé, tôi cũng nghĩ được mọi điều, nhưng tôi biết, thường là người lớn tự quyết định mọi việc, không bao giờ cho trẻ con bàn bạc vào. Vậy nên tôi im lặng chịu đựng một mình. Sự chia cách gia đình luôn luôn ám ảnh tôi trong lúc ăn, lúc chơi cũng như trong giấc ngủ. Bữa cơm, tôi cứ len lét hết nhìn bố lại đến nhìn mẹ y như mình vừa làm vỡ cái bát. Còn bố mẹ tôi thì chẳng buồn nhìn tôi và cũng chẳng nhìn nhau, hai người cứ nhìn đâu đâu ấy. Ban đêm, tôi hay nằm mơ, mơ toàn những chuyện chẳng ra đầu ra đuôi gì, khi tỉnh dậy là quên hết. Một lần tôi mơ một giấc mơ thật là sợ, tỉnh dậy tôi vẫn còn nhớ hết. Tôi mơ thấy tôi đang xem xiếc cùng bố mẹ, thì bị con hổ rạp xiếc tát chết. Bố mẹ đem tôi ra nghĩa trang chôn, rồi bỏ tôi ở lại một mình. Tôi nằm ở dưới đất vừa lạnh lại vừa tối. Bóng mấy cây phi lao cứ chạy qua chạy lại trước mặt tôi. Các bia mộ đều có chân và có mặt, chúng xếp hàng đi từng đoàn tiến về phía tôi. Tôi sợ quá, gào lên gọi bố mẹ, xin bố mẹ mang tôi về nhà, mà chẳng ai nghe thấy, cũng có thể nghe thấy mà hai người vẫn cứ lẳng lặng đi xa dần, mỗi người đi một đường. Thế là tôi khóc, tôi vùng vẫy mà không sao dậy được. Vừa lúc đó tôi nghe có tiếng gọi rất xa của mẹ tôi: - Thân, Thân ơi, con làm sao thế? - Bố mẹ đi đâu, bố mẹ đi đâu rồi. Tôi hỏi lúc dở tỉnh dở mê. - Con mê ngủ rồi – bố tôi nói và ôm lấy tôi – bố mẹ vẫn nằm cạnh con đây mà. Một tay tôi nắm lấy cánh tay bố, tay kia quờ sang bên cạnh vẫn thấy mẹ, tôi mới yên tâm ngủ tiếp. Thế rồi có một ngày, bố Hải bỏ tôi mà đi thật. Hôm ấy, đi học về tôi không thấy bố. Bữa cơm chỉ có hai mẹ con ăn với nhau. Tôi rụt rè hỏi mẹ: - Bố Hải đâu hở mẹ? - Bố đi công tác. - Sao hôm qua bố Hải chả nói gì với con. Mọi khi, trước khi bố đi bố hay dặn dò tôi từng li từng tí. Nào là không được nghịch ngợm, nào là phải nghe lời mẹ rồi bố về sẽ có quà. Thấy nét mặt tôi ỉu xìu, mắt mẹ cũng rưng rưng. - Sao bố đi công tác mà mẹ lại khóc – tôi hỏi – Mẹ nhớ bố à. - Ừ. - Con cũng thế. - Thôi, ăn đi con, mẹ nói rồi gắp thêm cho tôi miếng trứng vào bát. Hai hôm sau tôi thấy bố tôi lại trở về, tôi mừng quá reo lên: - A, bố Hải về rồi, bố về rồi, bố không phải đi công tác nữa chứ? Tôi ôm choàng lấy bố như muốn giữ không cho bố đi đâu. Bố tôi cũng ôm chặt tôi, xoa đầu, vuốt ve tôi. Sau một lát im lặng, bố nói: - Con ạ, bố về để lấy một ít quần áo và đồ đạc cần thiết rồi bố lại phải đi. Con ở nhà ngoan, nghe lời mẹ, đừng nghịch ngợm bố sẽ mua quà cho. - Con chẳng thích quà đâu, con chỉ thích bố Hải ở nhà với con thôi, bố Hải đừng đi công tác nữa. Tôi nói rồi càng bám chặt lấy bố hơn. - Thôi con – mẹ tôi nói – con ra đây với mẹ cho bố sửa soạn đồ đạc. Đừng làm phiền bố nữa. Bố tôi lấy quần áo, hộp cạo râu lại cả sách vở bỏ hết vào một cái vali to. - Anh chỉ mang đi những thứ cần thiết – Bố nói với mẹ - Còn tất cả để lại cho em và con… - Thôi đi anh – mẹ tôi vừa nói vừa ra hiệu cho bố và nhìn tôi – Bố tôi im bặt. Bố gỡ một bức tranh đang treo trên tường, bức tranh do tôi vẽ bằng bút dạ nguệch ngoạc hình ba người: Mẹ, bố Hải và tôi đang đi xem con công ở công viên. Bức tranh này bố Hải vẫn thích, bố thường nói với mẹ: “Đúng là suy nghĩ của trẻ con, tất cả ba người đều đứng thành hàng ngang cùng với con công nhìn thẳng ra ngoài, thế mà lại gọi là đi xem con công mới vui chứ!”. Bây giờ bố đang đứng đó, tần ngần cầm bức tranh rụt rè hỏi tôi: - Con cho bố Hải cái tranh này nhé? - Vâng – Tôi trả lời – Nếu như bố thích, bao giờ bố về con sẽ vẽ cho bố nhiều, thật nhiều tranh con công nữa kia. Thế bố đi công tác có lâu không? - Lâu. - Lâu là bao nhiêu ngày? - Chưa biết con ạ. Thấy tôi phụng phịu, bố Hải kéo tôi lại, ôm chặt tôi vào lòng rồi bỗng dưng buông lỏng tôi ra, hờ hững nghĩ đâu đâu ấy. Tôi đã quen cái cách ấy của bố nhiều lần, nhưng lần này, qua cái cử chỉ ấy tôi cảm thấy bố Hải sẽ bỏ tôi mà đi mãi mãi. Mẹ tôi thì rầu rĩ nhìn hai bố con tôi mà chẳng nói gì. Lần ấy, rất lâu không thấy bố Hải về. Nhưng thỉnh thoảng bố lại gửi cho tôi những thứ mà tôi thích: kẹo cao su, màu nước, bút dạ và bút chì màu. Mãi sau, mẹ tôi mới nói cho tôi biết là bố mẹ đã quyết định không sống với nhau nữa. Khi tôi hỏi lý do thì mẹ tôi chỉ trả lời qua loa là: “Bố mẹ cần phải thế, khi nào lớn con sẽ hiểu…”. Từ đấy mẹ tôi càng hết sức chiều chuộng và bù đắp cho tôi. Thỉnh thoảng bố Hải có về thăm, mỗi lần về lại cho tôi bao nhiêu là quà. Sau ba năm, sự thiếu bố Hải bên cạnh dần dần tôi cũng quen đi, thì bỗng nhiên mẹ tôi lấy chồng. Chồng của mẹ là một cán bộ hành chính trong một cơ quan nào đó- Khi ấy ông chừng bốn tư, bốn lăm tuổi. Trông ông, tôi chẳng có cảm tình chút nào, ông có một cái nốt ruồi ở mang tai có ba cái lông dài dài trên cái nốt ruồi ấy mà ông chẳng chịu cắt. Sáng dậy ông hay súc miệng nước muối. Mỗi lần súc miệng ông cứ ngửa cổ lên òng ọc rất lâu rồi mới nhổ. Trước khi lấy mẹ, ông có qua lại thăm mẹ nhiều lần. Mẹ tôi gọi ông là anh Thành. Tôi cứ ngỡ ông là họ hàng của mẹ, tôi cũng gọi bác Thành. Tính bác Thành cẩn thận, chu đáo, mỗi lần đến bác không chỉ đến chơi không, mà bao giờ bác cũng làm lụng, sắp đặt cái gì đó. Lần thì bác dọn nhà, thau, phi nước, lần thì sửa điện, chữa cánh cửa… Có khi bác còn mang tem phiếu đi mua đường và nước mắm hộ mẹ tôi nữa. Tôi cảm thấy bác để ý đến việc nhà hơn là để ý mẹ chứ đừng nói gì đến tôi nữa. Những lúc bác Thành loay hoay làm việc nọ việc kia thì tôi chạy ra chạy vào chơi quanh quẩn. Bác nhìn tôi thờ ơ như nhìn đứa trẻ hàng xóm. Tôi chẳng hiểu bác yêu tôi hay ghét tôi. Còn tôi, tôi cũng chẳng yêu, chẳng ghét bác Thành – Tôi chỉ để ý xem xét bác thôi. Đùng một cái, tôi biết tin là mẹ tôi sắp lấy bác Thành, tôi buồn lắm. Mấy năm trước đây tôi đã mất bố Hải rồi, bây giờ lại sắp mất cả mẹ nữa. Tôi ôm mẹ khóc nức nở: - Mẹ ơi, mẹ đừng bỏ con đi lấy bác Thành – mẹ lấy bác Thành thì con ở với ai? - Mẹ xin con – mẹ tôi dỗ – con đừng khóc nữa, mẹ vẫn ở đây với con, cả bác Thành cũng về đây, chúng ta vẫn sống như bây giờ, mẹ vẫn thương yêu con, lại thêm bác Thành nữa, bác sẽ chăm sóc con như bố Hải. - Không – tôi vùng vằng thoát khỏi tay mẹ – Chả như bố Hải được đâu. Con ghét bác Thành lắm. - Con chưa hiểu bác Thành thôi – mẹ tôi nói – Nếu con hiểu con sẽ thương bác đấy. Trước kia bác cũng có một gia đình ở quê, vợ bác chết, bác phải nuôi con nhỏ một mình. Không có nhà riêng, phải ở nhà tập thể của cơ quan, thấy bác vất vả, mẹ bác đón con nhỏ về quê nuôi, tên con bác là Tươi. Tươi năm nay đã mười bốn tuổi. Mẹ định bảo với bác là đón cả Tươi ra đây ở với con cho có chị có em… Con bằng lòng chứ? Tôi thôi không phản đối mẹ nữa nhưng thực sự tôi vẫn chưa có thể yêu bác Thành được. Khi về ở hẳn nhà tôi, bác cũng chẳng gây cho tôi một chút cảm tình nào hơn. Bác vẫn chăm chỉ việc nhà, bác bắt cả chị Tươi làm suốt ngày, nhiều khi đáng lẽ việc không cần phải làm bác cũng bắt chị làm, ví dụ như bác bắt chị đánh bóng các nồi chảo, lấy tăm dặm lại những nan rá bị rách. Buổi sáng khi bác ngủ dậy là bác khua cả nhà dậy, nhất là chị Tươi. - Có việc gì đâu mà bắt nó dậy sớm – mẹ tôi bảo – Nó đi học buổi chiều, buổi sáng cứ để nó ngủ muộn cho nó khỏe. - Khỏe gì không biết – bác nói – ngủ muộn rồi quen lười biếng đi, chỉ tổ hư thân thôi. Đối với tôi, bác ít mắng mỏ nhưng cũng chẳng gần gũi quan tâm, chỉ thỉnh thoảng bác sai tôi đi mua diêm, mua muối và những việc lặt vặt trong nhà. Tuy vậy đối với bác tôi vẫn cảm thấy mình như đứa trẻ hàng xóm. Tôi càng nhận thấy rõ là bác để ý đến mọi việc chứ không quan tâm đến mọi người. Trước khi lấy bác, mẹ tôi bảo “bác sẽ thay bố Hải để yêu thương săn sóc tôi” nhưng khi bác về ở với mẹ con tôi, tôi lại thấy là bác thay mẹ tôi để quản lý mọi việc trong nhà. Chính bác Thành là người giữ tiền và phân phối mọi chi tiêu. Bác bảo với mẹ: - Em luộm thuộm lắm – Tem phiếu để lung tung, khi cần mua tìm chẳng thấy. Đi chợ thì hay nhầm lẫn mất tiền. Thôi để anh giữ cho mọi thứ, và chi tiêu chợ hàng ngày cho dễ nhớ. Tất nhiên là mẹ tôi mừng rơn, vì tính mẹ ẩu và không tháo vát. Thế là mỗi ngày bác lại chi tiền chợ cho chị Tươi hoặc mẹ tôi, bác dặn đi mua bán rất cẩn thận. Bác có một quyển sổ riêng ghi chép các mục chi tiêu hàng ngày: có lần tôi liếc trộm mấy dòng ghi trong sổ: Lạc – 18 đồng. (chú thích: đậu phộng) Rau – 12 đồng. Trứng – 38 đồng [2 quả] v.v… Đôi khi bác cằn nhằn mẹ tôi là nhà có thức ăn rồi còn mua thêm đậu, hoặc nhắc chị Tươi là đi chợ về còn ba đồng chưa đưa lại cho bác. Có những lúc sự cằn nhằn lên cao độ trở thành to tiếng giữa hai người: - Cô hoang toàng lắm – bác Thành mắng mẹ – Cô tiêu pha như thế này thì chỉ có bán cả cơ nghiệp đi mà ăn. - Cơ nghiệp! – mẹ tôi cãi – Anh chỉ làm to chuyện. Chẳng qua là mấy cái nồi, mấy cái bát chứ gì! Đúng là bán đi cũng chẳng đủ ăn một tháng. Những cuộc va chạm giữa mẹ và bác Thành ngày càng nhiều. Mẹ tôi trở nên buồn phiền mà tôi thì càng chán bác. Còn bác thì nhìn tôi như một vật trở ngại trong nhà chứ không phải trẻ con hàng xóm nữa. Có lần bạn bác đến chơi, nhân bàn về cuộc sống đắt đỏ khó khăn, ăn tiêu tốn kém, bác chỉ vào tôi và nói: - Thằng Thân nhà tôi nó ăn khỏe có khi còn hơn người lớn ấy. Không có gì tốn bằng cái ăn. Các cụ ngày xưa đã có câu “Miệng ăn núi lở” mà lại. Nghe bác nói, tôi vừa bực tức vừa tủi thân. Bố Hải tôi trước kia chẳng bao giờ nói thế mà lại còn dỗ dành cho tôi ăn kia. Đằng này cứ mỗi bữa ăn là một lần tôi thấy khổ nhục. Tôi chỉ dám ăn hai bát cơm., chẳng dám xoi xói gắp thức ăn như hồi ở với bố Hải. Mẹ tôi biết ý, thường lẳng lặng gắp thức ăn vào bát cho tôi. Thấy vậy bác nói gióng lên: - Chan canh rồi thì không cần phải ăn thức ăn. Nhiều lần tôi hậm hực nói riêng với mẹ: - Bác Thành ghét con, lúc nào cũng mắng con về chuyện ăn uống, bác làm như con ăn tham, ăn hết của bác ấy. Trước kia không có bác Thành mẹ vẫn nuôi được con cơ mà, phải không mẹ. - Con nên thương bác – Mẹ tôi không trả lời vào câu hỏi của tôi mà lại khuyên giải – Vì trước kia bác nghèo lắm, phải hà tằn hà tiện để nuôi chị Tươi. Bây giờ bác cũng chẳng làm gì ra tiền ngoài đồng lương và tiền trợ cấp thêm của cơ quan. Cũng là vì bác lo xa cho cả gia đình đấy thôi. Con xem, chính bác cũng chả dám ăn mặc gì nhiều. Có lẽ mẹ tôi nói đúng, bác Thành chả mấy khi ăn nhiều, còn mặc thì xuềnh xoàng cũng toàn quần áo cũ. Bác đối với chị Tươi cũng khe khắt như vậy. Nhưng chị Tươi ít bị nhắc nhở về ăn uống như tôi vì chị ăn ít lại rất là ý tứ – Có nhiều khi chị chỉ cần chan canh với vài quả cà là xong bữa cơm. Chị Tươi năm ấy mười bốn tuổi mà tôi cảm thấy chị rất lớn, lớn như một cô gái mười sáu, mười bảy tuổi ấy. Chị có hai hàm răng rất trắng lại có chiếc răng nanh khểnh ở hàm trên nên chị cười rất tươi giống như cái tên của chị. Chị nhanh nhẹn, tháo vát, luôn giành lấy mọi việc trong nhà để làm. Chị thường bảo với mẹ tôi: - Chẳng có việc gì đâu, cô cứ để cháu làm, cháu làm được mà. Mỗi khi nhìn xuống đường, thấy mẹ tôi đi làm về, chị chạy ngay xuống cầu thang, bê xe lên gác cho mẹ. Mẹ tôi rất yêu chị Tươi, cả tôi cũng vậy, yêu cái nết hay làm, cái tính tình vui vẻ cởi mở của chị. Thỉnh thoảng đi chợ về chị lại bớt dăm ba đồng mua cho tôi cái bánh chưng hoặc mấy quả táo. Một lần mẹ tôi và chị Tươi đi vắng, bác Thành sai tôi ra chợ mua lạng lạc, về bác cân lại không đủ, bác bắt tôi phải mang trả lại bà hàng lạc. Tôi nhất định không đi, thế là bị bác mắng cho túi bụi. Tôi ức quá òa lên khóc. Vừa lúc ấy chị Tươi về. Một tay chị cầm lấy gói lạc, một tay nắm tay tôi, chị bảo tôi dẫn chị ra hàng lạc. Ra đến nơi chị nói với bà bán hàng rất nhẹ nhàng, vui vẻ: - Bác ơi, em cháu nó vừa mua lạc của bác. Có lẽ bác cân nhầm, chưa đủ lạng đâu, bác xem lại xem kẻo em cháu bị mắng. Bà hàng đặt gói lạc lên đĩa cân cân lại, thấy hơi non, bà đưa thêm cho một dúm tới khi bên đĩa cân đựng lạc trĩu hẳn xuống. Mọi việc thế là đã êm đẹp. Nhưng tôi vẫn không nguôi uất ức. Bữa ấy tôi quyết định nhịn cơm cho bác Thành biết tay. Mẹ tôi, rồi cả chị Tươi nữa dỗ dành mãi, tôi vẫn quyết không ăn. Bác Thành thì bực tức nói là “Không ăn càng còn”. Tôi càng tủi nhục, đứng lì lợm ở góc nhà. Lúc ấy tôi nghĩ đến bố Hải của tôi. Nếu như là bố Hải thì bố chả bao giờ bắt tôi đi trả lại gói lạc. Tôi không ăn cơm, bố sẽ dỗ dành cho ăn bằng được. Nếu không, bố sẽ mua bún, mua phở cho ăn. Đằng này: “Không ăn càng còn”, người đâu mà độc ác thế, mà tôi có ăn của người ấy đâu kia chứ… Tôi ngửi thấy mùi cơm và mùi đậu rán bốc lên thơm phức, tôi nghe tiếng bát đũa va vào nhau lách cách. Tôi bỗng thấy đói, đói cồn cào. Nhưng tôi đã quyết rồi, nhất định sẽ không ăn cho bác ấy biết tay. Tôi bỏ ra ngoài hành lang nhìn xuống đường cho nguôi cơn đói. Nhưng không sao quên được. Tuy không quay lại, tôi vẫn như nhìn rõ mâm cơm có đĩa đậu rán vàng, bát nước rau muống vắt chanh và… mọi người đang ăn ngon lành. Còn tôi thì đói, đói quá! Ước gì có bố Hải ở đây nhỉ, bố chỉ cần nói một câu là tôi ăn ngay thôi, ước gì?... Cả nhà đã ăn xong, chị Tươi đi rửa bát. Sau khi rửa bát chị Tươi chạy ra hành lang tìm tôi, chị dúi vào tay tôi một gói giấy. Tôi mở ra thấy có bốn miếng đậu rán vàng, thơm phức không thể nhịn hơn được nữa, tôi ngồi thụp xuống, quay mặt ra đường, ăn ngấu nghiến. Chưa bao giờ tôi thấy ngon miệng như thế. Mãi tới chiều, khi bác Thành đi vắng, mẹ tôi dỗ dành mãi tôi mới chịu ăn cơm. Chị Tươi cũng dỗ tôi, chị còn bảo: - Đừng giận bố chị. Tính ông ấy thế. Thực ra ông ấy cũng chả sung sướng gì đâu. Chị thì quen rồi nhưng chỉ thương em. Nghe chị nói, tôi thấy thương chị, thương mẹ tôi và thương cả tôi nữa. Tôi càng ghét bác Thành – Sao bác làm khổ nhiều người thế. Mẹ tôi thì ngày càng buồn phiền, các cơn choáng váng xây xẩm mặt mày nhiều hơn trước. Những cuộc va chạm giữa mẹ tôi và bác Thành, giữa tôi và bác Thành cũng ngày càng nhiều hơn. Một hôm, tôi lấy bút lông, giấy và màu ra vẽ như mọi lần. Tôi vẽ tàu hỏa, trường tôi, bố Hải và vẽ cả cái nhà của bố Hải nữa. Tôi biết nhà của bố Hải rồi, vì bố có đưa tôi về chơi mấy lần. Nhà của bố ở cuối đường tàu điện số bốn mươi lăm phố N, trước cửa nhà có cái cột điện, mặt ngoài nhà là hàng nước chè. Tôi vẽ hết cái tranh này đến cái tranh khác, hỏng bỏ đi, lại vẽ lại. Giấy má, màu bút vứt đầy nhà. Vừa lúc ấy thì bác Thành đi làm về, bác cau có bực tức: - Làm gì mà bừa bãi ra thế hở Thân? - Cháu vẽ – Tôi trả lời và nghĩ bụng: “Bác biết thừa đi là tôi vẽ chứ còn làm gì mà phải hỏi”. - Vẽ với chả vời, thôi, dẹp đi, tao trông mà phát ngốt lên được. - Anh làm gì thì cứ làm – Mẹ tôi nói – Cho con nó vẽ một chút. Nó có nghịch ngợm hư hỏng gì đâu mà khó chịu! Được mẹ bênh tôi cứ ngang nhiên vẽ, lại còn bày thêm ra để trêu tức bác Thành vì tôi rất ghét cái cách cứ “Mày mày tao tao” của bác nói với tôi. Chưa bao giờ bác nói với tôi một lời nhẹ nhàng âu yếm. - Này – bác nói – Tao bảo một lần nữa đấy: Dẹp đi! Nói không nghe thì đừng có trách. Vẽ với chả vời! Cái ngữ mày chả bao giờ thành họa sĩ được đâu! - Sao anh lại nỡ nói con thế – Mẹ tôi gay gắt – Nó chẳng nghĩ nó sẽ thành họa sĩ nhưng nó thích vẽ cho vui thôi, cũng như anh đấy, cả ngày anh cứ phải tính tính toán toán, hẳn đấy cũng là niềm vui của anh. - À cô lại bảo tôi là tính toán – bác Thành nổi giận – Cô bảo tôi là ky bo bần tiện chứ gì. Không tính toán thì làm sao bốn cái miệng ở nhà này đủ sống. - Bác đừng cáu thế – Tôi cãi liều – Mà bác cũng đừng gọi mẹ cháu là cô. Ngày trước bố Hải cháu chả bao giờ gọi mẹ cháu là cô và gọi cháu là mày. - À thằng này láo, tao cứ gọi thế đấy làm gì tao. Lúc nào cũng bố Hải, bố Hải. Thử đi mà ở với bố Hải xem bố Hải mày có nuôi được không. Đừng có cái thói “Ăn một nơi, ấp một nơi”. - Anh Thành – Mẹ tôi quát lên – Anh không được nói con thế. Nếu nó có lỗi thì dạy bảo nó đàng hoàng. - Cô bảo sao – Bác quát lại – Dễ tôi phải thờ nó chắc. Nó có phải là bố tôi đâu. Bác điên tiết chạy lại vơ mấy cái tranh của tôi vò nát, rồi định ném ra cửa. Tôi uất ức nhảy chồm lên túm áo bác vừa hét vừa la khóc: - Ông ác lắm, tôi ghét ông, tôi thù ông. - Này thì thù – Bác ném nắm tranh đi và tiện tay cho tôi một cái tát. Sự việc xảy ra thật nhanh, mẹ tôi không kịp ngăn, mẹ chỉ kịp lao vào gỡ tôi ra khỏi bác, mẹ cũng la hét và khóc lóc. Sau tôi cũng chẳng còn nhớ là lúc ấy mẹ đã la hét và nói những gì. Khi ấy chị Tươi đi học chưa về. Trưa hôm sau, khi tan học tôi rẽ qua nhà nhân lúc mẹ và bác Thành chưa đi làm về, tôi nhét một mảnh giấy đã viết sẵn vào khe cửa: “Mẹ ơi, con xuống chơi bố Hải, mẹ đừng lo”. Sau đó tôi chạy ngay xuống phố nơi trạm đỗ tàu điện, vừa kịp chuyến tàu. Tôi leo lên tàu và len lỏi vào trong. Lúc này tôi hơi lo, vì trong túi tôi chẳng có xu nào, nhưng hy vọng là tôi thấp bé, tàu lại đông, người soát vé không trông thấy. - Ê nhóc con, vé mày đâu? - Cháu không có vé – Tim tôi đập thình thình – Xin chú cho cháu đi nhờ. - Không nhờ vả gì cả, lấy vé đi. - Cháu không có tiền! - Không có tiền thì xuống! Tao lạ gì bọn mày, chuyên môn trốn học lêu lổng nhảy tàu, lang thang ở ngoài phố. - Cháu không lêu lổng – Tôi ức muốn khóc được – Cháu đi thăm bố Hải cháu đấy. - Tao biết bố Hải mày là ai? Thôi đến trạm đỗ rồi, xuống đi! Tôi tủi nhục len ra ngoài định xuống rồi đi bộ dọc theo đường tàu đến nhà bố Hải. Bỗng chú soát vé lại thay đổi ý kiến. - Thôi, tao cho chú mày đi nhờ lần này, lần sau phải lấy vé. Có lẽ thấy tôi không phải là đứa láo lếu nên chú thương tình. Vừa xuống tàu tôi đã nhận ra ngay cái cột đèn hàng nước chè, số nhà bốn mươi lăm. Nhìn vào bên trong là phòng của bố Hải. Nhưng tôi nhận thấy phòng bố khóa cửa, bố Hải vẫn chưa về. Tôi cứ đi lại loanh quanh bên ngoài, chả dám hỏi ai xem bố Hải đi đâu. Tôi đặt cái cặp sách bên chân cột điện, rồi rút dép ra ngồi, tôi đợi bố Hải. Trong hàng nước có một ông mặc quần đùi, cởi trần, béo tròn và đen bóng. Tôi thấy ông luôn để mắt tới tôi suốt từ lúc tôi đến. Ông vừa xỉa răng vừa nhìn tôi chòng chọc. Có một lần ông vào trong nhà rồi lại ra ngay, tay cầm cái khăn mặt ướt cứ lau đi lau lại hai bên nách rồi đưa lên mũi ngửi ngửi. Mắt ông vẫn không rời khỏi tôi. Cuối cùng, ông đến thẳng chỗ tôi ngồi và đuổi: - Này, đi chơi chỗ khác đi! Con cái nhà ai mà giờ này chưa về lại còn lang thang? Ăn cắp à? - Ông giận dữ - Thấy tao phơi mấy mẹt sấu ở đấy lại sắp sửa nhón đấy. Lúc ấy tôi mới để ý thấy có hai mẹt sấu khô đặt phơi trên mấy cái ghế đẩu. Tôi ức lắm, nhưng biết là chả làm gì được nên đành phải nhịn nhục mà nói cho ông yên tâm: - Cháu không lấy sấu của ông đâu, cháu chờ bố Hải cháu đấy. - Hải với chả Hà - ông lầm bầm - Tao chưa thấy chú Hải ấy có con bao giờ đấy. Đừng có mà vờ vịt - lừa tao không được đâu! Hình như cuộc đối thoại giữa tôi và ông béo đã lọt đến tai bà hàng nước nên bà đã cất tiếng gọi: - Này ông ơi, đừng nạt nộ cháu bé mà tội nghiệp. Chắc là con chú Hải thật đấy. Cháu vào trong này ngồi ghế hàng bà cho đỡ mỏi. Nào vào đây, đừng sợ. Ông béo gườm gườm rút vào trong nhà còn tôi thì len lén đến ngồi sát cạnh bà hàng nước. - Bố Hải! Tôi reo lên khi bố vừa bước chân vào cửa. Bố Hải quay lại ngỡ ngàng rồi chợt nhận ra tôi bố cũng mừng rỡ. - Thân của bố đấy à, ai đưa con xuống chơi với bố thế. - Con nhớ bố Hải, con xuống một mình đấy. - Ôi, tội nghiệp, bận sau con đừng liều thế nhé, nào vào đây với bố. Bố vừa nói vừa ôm vai tôi, hai bố con đi vào phòng. Bữa cơm tôi ăn với bố Hải thật vui và ngon lành. Trong bữa ăn tôi kể cho bố nghe tất cả mọi chuyện trong nhà tôi. Kể cả cái tính tình ky bo bủn xỉn của bác Thành mà mẹ con tôi phải chịu. Kể cả những cuộc va chạm, cãi vã giữa mẹ tôi và bác Thành và kể cả lý do vì sao hôm nay tôi tìm đến bố Hải. Tôi còn nói với bố là tôi muốn xin phép mẹ cho tôi về đây ở hẳn với bố Hải... Nghe tôi nói, bố Hải im lặng một lát rồi nói: - Bố hiểu cả, bố rất thương con, nhưng về cái ý định con muốn ở đây thì bố cần phải xem thêm đã, phải bàn với mẹ con đã. Chưa chắc mẹ đã bằng lòng đâu, vì mẹ chỉ có con là vui thôi. Bây giờ thì con cứ ở chơi đây với bố. Con ngủ đi một giấc. Bố đi làm về, sẽ đưa con đi chơi, đi xem phim rồi mai bố đưa về nhà. Trước khi đi làm bố mua cho tôi bánh khảo, bánh rán, kẹo bạc hà... bao nhiêu là quà. Bố còn bảo "Ngủ dậy, lúc nào chán thì lấy các họa báo ra mà xem. Trong đó có cả truyện tranh thiếu nhi đấy". Bố Hải đi rồi, tôi chả ngủ được tí nào, tôi dậy lấy họa báo ra xem, xem chán tôi lục cả các loại sách của bố ra đọc. Toàn những sách mà tôi chẳng hiểu gì: “Bộ mặt thật CIA, Văn minh Ấn Độ, Lịch sử Mỹ học; Tâm thần học…”. Bỗng nhiên tôi thấy trong một quyển sách rơi ra một lá thư đã ố vàng, tôi giở ra xem. Đó là thư gửi cho mẹ tôi, ngoài phong bì đề địa chỉ: Phạm Tùy, nhà 202/3A hẻm BC Quận P Thành phố Hồ Chí Minh. Trong thư viết: Gửi cho Lan (tức mẹ tôi) “Chắc Lan không ngờ là tôi lại viết thư này. Đã từ lâu giữa tôi và Lan chả có một liên hệ nào. Sở dĩ tôi phải im hơi lặng tiếng là vì hạnh phúc gia đình Lan, nhưng tôi vẫn dò hỏi và biết được mọi tin tức cần thiết. Vì hoàn cảnh chúng ta không lấy được nhau, nhưng dù sao thì cũng đã có với nhau một đứa con…” (đọc tới đây tôi bàng hoàng tự hỏi) “Không hiểu mẹ tôi còn một đứa con nào khác nữa mà tôi không biết”. Tôi đọc tiếp “Đứa con đó là của tôi, thuộc về tôi, tôi không cho ai có quyền mạo nhận là bố nó. Trước sau rồi tôi cũng đón nó về với tôi. Tôi mong Lan nói cho con biết ai là bố đẻ của nó. Nếu như Lan không nói, khi nó lớn lên tôi sẽ tìm cách cho nó biết rõ sự thật. Ôi! cái thằng Thân, thằng con trai tội nghiệp của tôi!...”. Ký tên: Phạm Tùy Đọc xong lá thư tôi cứ run lên không hiểu ra sao. Tôi cứ ngỡ là tôi đang ngủ mê. Mà có lẽ không phải mê. Tôi đang ngồi đây, trong phòng của bố Hải, lá thư trong tay, sách báo bừa bãi trước mặt tôi. A bây giờ thì tôi hiểu ra rồi. Tôi hiểu vì sao mà bố Hải lại bỏ đi. Thật không thể nào tưởng tượng được là tôi lại không phải là con của bố Hải mà lại là con của ông Phạm Tùy nào đó, mà tôi chưa hề biết mặt. Tôi úp mặt vào gối khóc nức nở một mình. Trời ơi, sao tôi lại khổ thế. Mọi người lớn đều nói dối tôi hết, cả mẹ cả bố Hải cũng vậy, chỉ lo cho cái vui, cái buồn của mình mà chả ai nghĩ đến tôi, biết là tôi khổ đến thế nào. Hay là người lớn nghĩ rằng trẻ con thì không biết khổ. Có lẽ vì tôi mà bố Hải và mẹ tôi phải sống xa nhau. Vì vậy mà hai người chả thương tôi. Bố Hải thì bỏ mẹ con tôi mà đi. Còn mẹ tôi thì lấy bác Thành cho “có chỗ dựa” (như mẹ tôi đã nói). Những người lớn chỉ nghĩ về mình, tính cho mình, chẳng ai thèm để ý đến tôi. Có lẽ là trên đời này chỉ còn có ông ấy, ông Phạm Tùy, bố thật của tôi thương tôi thôi. Ông ấy viết thế nào nhỉ: “Thằng Thân, con trai tội nghiệp của tôi…”. A đúng rồi, bố tôi đấy, chỉ có bố đẻ ra tôi thật mới thương yêu tôi thế. Ước gì tôi được biết mặt bố. Nếu bố tôi chưa tìm được cách đón tôi về thì tôi sẽ tìm cách đến với bố. Bố ơi, chờ con, thế nào con cũng đến được với bố. Trong tôi từ đấy dạt dào một tình cảm mới lạ. Tôi giấu phong thư vào túi áo ngực rồi cẩn thận cài khuy túi lại. Có tiếng gõ cửa, tôi mở cửa ra thì hóa ra là chị Tươi. Vừa trông thấy tôi chị nói liền: - Mẹ bảo chị xuống đón em về. Sao em liều thế, một mình đi xuống tận đây. - Chị ơi vào đây đi, vào đây em cho chị xem cái này. Tôi rút thư trong túi áo ra cho chị xem, tôi kể cho chị nghe đầu đuôi mọi chuyện, vừa kể vừa khóc nức nở. Cuối cùng tôi cầu xin chị giúp đỡ tôi sao cho tôi có thể gặp được bố tôi. Chị Tươi thương tôi lắm. Chị dỗ dành tôi và hứa là sẽ tìm cách cho tôi đi tìm gặp bố! - Nhưng bây giờ thì chị phải đưa em về nhà đã. Chị nói rồi viết mấy chữ để bàn cho bố Hải. Chị khóa cửa, gửi chìa khóa bà hàng nước rồi hai chị em lên tàu điện đi về. Tôi trở lại nhà tiếp tục sống những ngày buồn chán. Tôi giấu biến lá thư và không cho ai biết ý định đi Sài Gòn tìm bố! Tôi gói sẵn hai bộ quần áo và mảnh vải nhựa. Ngày nào tôi cũng chờ đợi chị Tươi có phép lạ nào đấy làm cho tôi tìm gặp được bố tôi. Thế rồi phép lạ ấy đến thật. Một hôm chị Tươi gọi tôi ra thì thào: - Chị vừa gặp một người anh họ, tên là Phúc, anh là bộ đội quân bưu, nghĩa là bộ đội đi đưa thư. Đường thư của anh là Sài Gòn – Hà Nội. Anh ra đây công tác mấy hôm rồi lại vào. Chị đã kể mọi chuyện với anh ấy và nhờ anh ấy đưa em đi. Anh sẽ mang em đi máy bay quân sự không mất tiền. Anh sẽ lo liệu cho em mọi việc. Nghe chị nói tôi vừa mừng lại vừa lo. Tôi cuống lên hỏi chị: - Nhưng nói với mẹ em thế nào để em có thể đi được? - Mai anh Phúc đến đây, chị sẽ nói với mẹ là anh Phúc sẽ đưa em về quê chơi mấy hôm. Với lại em cũng đang được nghỉ học kỳ. Nhưng em nhớ là chỉ đi mấy hôm thôi, tìm được bố rồi thì ra ngay. Lúc ấy sẽ nói thật hết. Anh Phúc lại gửi máy bay cho em ra, đi máy bay nhanh lắm. Mọi kế hoạch chị Tươi đề ra xem chừng có vẻ thuận lợi. Mẹ tôi đã bằng lòng cho tôi đi với anh Phúc. Anh Phúc năm ấy đã mười tám tuổi mà tôi cứ ngỡ anh chỉ bằng tuổi chị Tươi. Mặt anh đầy lông tơ, mép anh cũng lún phún hàng lông tơ mà anh gọi là ria mép. Anh rất vui vẻ, cởi mở, vừa thấy tôi anh đã chuyện trò như quen từ lâu rồi. - Thế nào đi chơi với anh chứ. Rồi em sẽ rất thích cho mà xem. Trước khi đi mẹ tôi chuẩn bị cho tôi những thứ cần thiết: quần áo, khăn mặt, thuốc đánh răng, xà-phòng… mẹ lại mua cho một gói bánh quy để ăn đường. Tất cả xếp gọn gàng vào trong một cái túi du lịch nhỏ. Mẹ còn đưa cho anh Phúc ba trăm đồng, để chi tiêu dọc đường, anh Phúc không cầm anh bảo anh cũng có tiền rồi. Sân bay rộng mênh mông, chả có cây cối gì mà chỉ toàn là gió và nắng. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy bao nhiêu là máy bay đậu dưới đất, những chiếc máy bay sơn xanh như những con châu chấu khổng lồ. Xung quanh tôi không lúc nào ngớt tiếng ầm ầm của những động cơ máy bay. Gió từ những cánh quạt thổi mạnh như bão. Trước những chiếc máy bay thì tôi thật là bé nhỏ và yếu ớt, bé tí xíu bằng hạt trấu thôi. Tôi cứ túm chặt lấy cánh tay anh Phúc, sợ gió các cánh quạt thổi bay đi mất. Lên máy bay, tôi được ngồi gần cửa sổ nên nhìn rất rõ phong cảnh bên ngoài. Khi máy bay cất cánh, càng lên cao cảnh vật càng nhỏ dần. Những người đứng trên sân bay cũng nhỏ dần, đầu tiên bằng người thật rồi bằng quả bí đao, bằng cái phích, bằng cái bánh mì, bằng bắp ngô cuối cùng chỉ là những cái chấm di động. Nhà thì bằng bánh xà-phòng, ô tô như những con cánh cam các màu chạy nhằng nhịt trên những con đường chỉ hẹp bằng cái thước kẻ. Tôi cố hình dung xem ngôi nhà của mẹ tôi ở vào chỗ nào, nhưng giữa những vật li ti nhằng nhịt như vậy làm sao mà phân biệt được. Tất cả phía dưới chỉ là những mặt phẳng có những đường kẻ ngang dọc. Những ô xanh là cây cối, ruộng vườn, những ô trắng là ao hồ… Giá như có mẹ tôi ở dưới đất, thì trông mẹ cũng chỉ bằng một cái chấm mà thôi. Nhưng lúc này mẹ ở đâu, làm sao trông thấy mẹ được bây giờ? Tự nhiên tôi thấy nhớ thương mẹ quá. Tôi muốn quay về, nhưng máy bay đã lên cao và đang bay xa, xa lắm… - Thân có buồn ngủ không? – Chắc trông mặt tôi đờ đẫn nên anh Phúc hỏi – Nếu buồn ngủ thì anh bấm cái ghế ngủ ra cho em tựa mà ngủ. - Không, em không buồn ngủ đâu, anh cứ mặc em. - Em nhớ mẹ hay sao mà mặt cứ ngơ ngác ra thế kia? - Vâng. Với lại em đã nói dối mẹ. Nếu mẹ biết em đi Sài Gòn thì mẹ lo lắng lắm đấy. Khổ thân mẹ! - Không sao. Vào tới nơi khi tìm gặp được bố em rồi, anh sẽ gửi máy bay cho em ra ngay. Em sẽ nói lại hết với mẹ, xin lỗi mẹ. Chắc mẹ chả giận nữa đâu. - Mà có khi anh chả cần gửi em ra, bố em sẽ đưa em ra tận nơi ấy chứ. Trong đầu óc non dại của tôi lúc ấy hiện lên những hình ảnh thật là dịu dàng, đầm ấm: “Bố Tùy, bố thật của tôi sẽ mừng phát khóc lên khi được gặp tôi. Hai bố con sẽ đưa nhau đi chơi Sài Gòn. Bố tôi sẽ mua sắm cho tôi nào quà bánh, nào quần áo, bao nhiêu thứ mà tôi thích. Rồi bố giữ tôi ở lại chơi với bố. Ở với bố thì cũng thích đấy nhưng nhớ mẹ lắm, mà mẹ tôi cũng nhớ tôi lắm. Không, tôi phải về với mẹ, tôi không để cho mẹ tôi phải ở một mình với cái bác Thành cau có và ky bo ấy…”. Nghĩ tới đấy hình như tôi đã khóc, anh Phúc vỗ vai tôi và bảo: - Này Thân, phải cứng rắn lên chứ, mình là “đàn ông” cơ mà, chín tuổi rồi còn gì. Hồi anh bằng tuổi em, anh cầm đầu cả “đội quân chăn trâu” làng anh chơi đánh nhau với “đội quân chăn trâu” làng bên cạnh đấy. Thế mà đứa nào cũng tuân lệnh anh răm rắp, kể cả những đứa lớn tuổi hơn anh. Năm mười sáu anh đã xung phong vào bộ đội, thật ra thì mười bảy tuổi mới là tuổi nghĩa vụ quân sự, anh chưa đủ tuổi thế là nhà nước cho vay một tuổi, được đi liền. - Tuổi mà cũng vay được à – tôi thắc mắc – Ví dụ như anh có hòn bi, anh cho em vay, thế là anh không còn hòn bi ấy nữa mà em thì lại có bi. Khi nào em trả lại anh thì anh lại có, còn em không có. Đằng này tuổi có giống như hòn bi đâu mà anh vay một tuổi, tức là nhà nước bớt đi một tuổi, nhà nước sẽ trẻ lại, còn anh thì lớn lên phải không? Ôi, mọi việc cứ lung tung, em không sao hiểu nổi! - Thật ra chả có gì khó hiểu đâu Thân ạ. Vì đấy chỉ là một cách nói thôi chứ chẳng phải chuyện vay mượn rõ ràng rành mạch như em nghĩ đâu. Chẳng hạn như anh mới mười sáu, anh xin đi bộ đội, nhà nước cho anh vay một tuổi, có nghĩa là chấp nhận anh như người mười bảy tuổi. Thế thôi. - Dễ thế thôi à? - Dễ thế thôi! - Nếu như em bây giờ, em mới có chín tuổi, em muốn vay nhà nước tám tuổi để đi bộ đội thì nhà nước có cho em vay không? - Vay nhiều thế không được đâu nhóc con ạ. - Tuổi chứ có phải tiền đâu mà nhà nước ky bo thế? - Không phải là chuyện ky bo, mà là em còn quá bé chưa đủ sức khỏe, trí khôn để nhận em vào bộ đội được. Người ta chỉ chấp nhận những người kém nửa tuổi hoặc một tuổi, đủ điều kiện để nhập ngũ. Thế là tôi tắt ngấm cái ý định thoáng qua trong đầu vừa rồi. Vì khi nghe anh Phúc nói về chuyện cho vay tuổi. Tôi nghĩ tôi có thể vay tuổi nhà nước để đi bộ đội, tự nuôi thân cho bác Thành khỏi nói là: “Nhà tôi nặng gánh lắm. Thằng này ăn khỏe hơn người lớn…” Máy bay đã hạ cánh xuống Sài Gòn. Đây là sân bay Tân Sơn Nhất (anh Phúc bảo thế). Nhìn xuống, tôi thấy những cô gái mặc áo dài màu da cam, nhẹ nhàng đi lại trên sân bay như những cánh bướm màu phấp phới. Anh Phúc đưa tôi đến số nhà mà bố Phạm Tùy đã ghi trên phong bì gửi cho mẹ tôi, tôi vô tình bắt được. Phía trước nhà là hàng rào chắn song sắt, bên trong hàng rào lại có những mảnh tôn che kín nên chả nhìn thấy gì. Cửa cũng bằng sắt kín bít. Anh Phúc bấm chuông. Chúng tôi đứng đợi, hồi hộp! Một lát sau nghe tiếng dép, miếng sắt chắn lỗ cổng vuông được đẩy ra, hai con mắt nhìn vào chúng tôi và hỏi bằng một giọng đàn bà: - Các cậu hỏi ai? - Chúng cháu hỏi ông Phạm Tùy, anh Phúc nói. - Đây không có ai là Phạm Tùy cả. Lập tức miếng sắt đóng lại. Hai cánh cổng lại bít kín. Tôi thấy choáng váng cả người y như hôm bác Thành cho tôi cái tát ấy. - Thôi về đi anh – tôi nói – mai anh gửi máy bay cho em về với mẹ. - Cứ bình tĩnh – anh Phúc nói – để anh xem xem thế nào. Anh Phúc lại bấm chuông. Lần này thì cánh cổng mở hẳn. Đấy là một người đàn bà tóc đã bạc, nét mặt hiền lành – bà hơi cau mày và nhắc lại. - Không có ai là Phạm Tùy, tôi đã nói rồi. Thế các cậu muốn gì nữa. - Thưa bác – anh Phúc lễ phép – anh em cháu đường sá xa xôi, từ ngoài Bắc vào đây. Chú em đây (anh chỉ tôi) nhờ cháu đưa vào trong này để tìm bố. Bố em tức là ông Phạm Tùy, theo như lá thư cũ ông để lại thì địa chỉ là ở đây. Nói rồi, anh rút phong thư cũ đưa cho bà chủ nhà xem. Bà nhìn lướt qua cái phong bì, suy nghĩ một chút rồi nói: - Tôi là chủ sau, nhà này do em trai tôi nhượng lại. Nhưng ông em tôi thì không phải tên là Tùy mà chả có con cái nào ngoài Bắc cả. - Thưa bác – anh Phúc nói – số là thế này, cháu xin trình bày tất cả để bác xem có thể giúp đỡ gì được không! Chú bé này không phải là con chính thức của ông Tùy mà là con riêng do cuộc tình của ông Tùy trước kia với một người đàn bà đã có gia đình. Ông Tùy rất tha thiết muốn được nhận con, có lần ông đã viết thư xin đón chú nhỏ này về… nhưng vì hoàn cảnh… Bác thông cảm… - Ra là như vậy – nét mặt bà chủ tươi lên – có thể em trai tôi có chuyện gì rắc rối, bí mật trước kia mà không cho ai biết. Cũng có thể khi ấy, em tôi đã lấy một tên khác. Nếu đúng như vậy thì cũng là cái phúc cho cậu ấy. Cậu ấy đã lấy vợ gần mười năm mà chưa có con. Hai vợ chồng đang muốn đi tìm con nuôi ấy. Thôi bây giờ thì thế này! Hai cháu cứ ở đây (bà đổi cách xưng hô) lát nữa bác trai về, bác sẽ trao đổi với bác trai, rồi sẽ tìm hỏi cho các cháu. Lòng tôi lại tràn đầy hy vọng và chờ đợi, lát sau ông chủ về, đó là một người đàn ông phúc hậu, tóc bạc trắng, đuôi mắt lúc nào cũng như cười. Hai ông bà trao đổi với nhau rồi bà đi. Đến bữa ông già cứ giữ chúng tôi cùng ăn cơm. Anh Phúc giúp ông nấu cơm, xong anh chạy ra phố mua thêm khúc giò. Ông già trách: - Các cháu chê cơm nhà bác không có thức ăn hay sao mà lại đi mua thêm. Chiều tối, bà chủ nhà về, nét mặt bà trở lại buồn buồn, bà nói: - Bác hỏi em bác rồi, chưa bao giờ cậu ấy có cái tên là Phạm Tùy. Nhưng cậu ấy nhớ hình như là người đã nhượng nhà cho cậu ấy trước kia tên là Tùy. Cậu ấy hứa là trong hai ngày tới cậu sẽ tìm đến địa chỉ ông Tùy cho các cháu. Hay là cháu ở lại làm con nuôi em bác đi (bác âu yếm nắm tay tôi và nói). - Không – tôi òa lên khóc – cháu đi tìm bố cháu thôi, cháu cũng còn mẹ cháu ở ngoài Bắc nữa. - Tội nghiệp – bà vuốt tóc tôi – bé bỏng thế này mà phải vượt đường xa dặm thẳm đi tìm bố. - Thưa bác – anh Phúc nói – cháu xin có một ý kiến này bác có thể giúp cho anh em cháu được không? - Cháu cứ nói, bác sẽ cố gắng hết sức. - Đáng ra thì cháu mang em đây về đơn vị cháu, nhưng vì em đang phải nhờ bác tìm bố cho em, nên trong những ngày chờ đợi, cháu nghĩ để em ở đây tiện hơn. Thấy hai bác có lòng thương, cháu muốn phiền hai bác. Hai ngày nữa cháu sẽ quay lại đón em và thanh toán với hai bác đầy đủ mọi chi phí! - Được rồi, được rồi – bà chủ nói – cháu khỏi lo cứ yên tâm về đơn vị. Có em nó ở đây càng vui thôi. Nhà bác vắng vẻ, các anh các chị đều đi xa cả. Trước khi về đơn vị, anh Phúc chạy ra phố mua quà bánh cho tôi lại cả ô tô, máy bay bằng nhựa để tôi chơi cho đỡ buồn (anh bảo thế) anh dỗ dành tôi đủ thứ và hứa là sau hai ngày nhất định anh sẽ quay lại. Anh còn biên lại địa chỉ của đơn vị anh để lại cho bà chủ đề phòng có việc gì cần bà có thể tìm đến đấy! Ngày hôm sau, có một người đàn ông đến hỏi bà chủ, người này trông độ bằng tuổi bố Hải. Có thể đấy là ông Tùy, bố tôi (tôi nghĩ). Nhưng sao không thấy ông gọi tôi ra mà chỉ rì rầm trao đổi riêng với bà chủ rất lâu – đang suy nghĩ lung tung thì tôi nghe có tiếng gọi của bà chủ nhà: - Thân ơi, cháu ra đây bác bảo – tôi run rẩy bước đi không nổi vì ý nghĩ là “Mình sắp được gặp bố đây”. Như chợt hẫng đi và suy sụp tất cả sau lời giới thiệu của bà: - Đây là chú Hoàng, em trai bác – rồi quay sang chú Hoàng bà bảo – bây giờ chú cứ nói hết với cháu cho cháu nó biết rõ sự thật. Chả nên dối trẻ con làm gì, tội nghiệp. - Cháu ngồi xuống đây – chú Hoàng thân ái kéo tôi ngồi cùng ghế với chú – số là thế này, chú cứ nói thật cháu đừng buồn. Hôm nay chú đã tìm được ông Tùy, chú đã kể mọi chuyện về cháu, nhưng ông Tùy cứ khăng khăng là không hề có đứa con riêng nào ở miền Bắc cả. Thế là chú phải đưa cái thư của ông mà cháu cầm vào, cho ông ta coi: cuối cùng là ông cũng phải nhận là trước kia khi chưa có gia đình, ông có một đứa con riêng thật, khi ấy ông cũng muốn nhận cháu. Nhưng bây giờ thì không thể được. Ông ấy đã có vợ con rồi. Vợ ông tuyệt đối mảy may không biết gì về chuyện này, vì ông coi chuyện này là “một sai lầm của tuổi trẻ” nên ông đã giấu kín. Nếu chuyện này vỡ lở ra thì có thể hạnh phúc gia đình nhà ông bị tan vỡ. Ông đã van xin chú đừng hở ra chuyện này, ông nói đi nói lại “đấy là sai lầm tuổi trẻ”. Ôi “sai lầm tuổi trẻ” ông Tùy ấy sai lầm còn tôi có sai lầm gì đâu mà tôi khổ thế này – nghe chú Hoàng nói, tôi cứ khóc ròng mà không sao hở miệng được. - Cái con người bạc ác – bà chủ nói – sao chú không đề nghị ông ấy gặp riêng cháu, hai bố con nhận nhau, biết riêng với nhau thôi cho thằng bé đỡ khổ. Tội nghiệp, nó từ ngoài Bắc lặn lội vào đây! - Em đã đưa ra ý ấy – chú Hoàng nói – nhưng ông ta kiên quyết không chịu gặp. Ông bảo cần phải cắt đứt mọi quan hệ bất chính cũ để bảo vệ hạnh phúc gia đình ông. Ông còn hai đứa con và bà vợ. Gia đình rất thuận hòa. - A – bà chủ kêu lên – quân dã man, đồ hùm beo, rắn rết. Nó gọi đứa bé này là “quan hệ bất chính” à. Chính hắn đã hành động bất chính mà hắn lại mở mồm ra nói thế, hắn đạp lên hạnh phúc gia đình người khác, làm tan nát cả, bây giờ lại quyết ruồng bỏ thằng bé này. Đồ bất nhân. Bà chủ tức tối chửi rủa một thôi, một hồi còn tôi thì cúi mặt xuống nước mắt ròng ròng vì tủi cực. Bà kéo tôi vào lòng và an ủi: - Thôi con ạ. Con người đã bạc ác thế cũng chẳng xứng đáng là bố mình. Con còn bé chưa biết hết: máu mủ chả có nghĩa gì đâu. Ai thương yêu mình đấy là cha mẹ. Bác nói thế cháu có hiểu được không nhỉ. Ví như con vịt ấy, chỉ đẻ thôi mà không ấp trứng. Con gà mái thì lại ấp cả trứng của con vịt thế là gà có thêm con mà vịt lại chẳng bao giờ có con để mà nuôi. Nghe bà chủ giảng giải tôi nghĩ đến bố Hải tôi, người đã nuôi dạy chăm sóc tôi từ những ngày tôi còn rất bé. Thế mà đã có lúc tôi oán trách bố, ghét bố vì bố đã lừa dối tôi, có lẽ tôi không hiểu gì hết… Ôi, sao lúc này thấy nhớ bố Hải và thương mẹ tôi thế. Tôi muốn trở về nhà bây giờ. Nhưng tôi đang ở xa, rất xa mà anh Phúc thì chưa đến đón tôi. Đêm hôm ấy tôi thao thức không sao ngủ được chỉ mong sáng, mong anh Phúc. Thế mà suốt buổi sáng anh Phúc chả đến. Chả lẽ anh Phúc cũng nói dối tôi nốt. Tôi cứ thắc thỏm, thỉnh thoảng lại nhìn qua lỗ nhòm ở cổng, không chịu vào nhà. Thật là một việc bất ngờ với tôi, chiều hôm ấy anh Phúc đã đến và còn dẫn theo cả bố Hải tôi nữa. Làm sao mà bố lại biết được tôi ở trong này. - Con xin lỗi bố, xin lỗi bố. Tôi ôm cổ bố mà nước mắt cứ giàn dụa – sao bố biết con ở đây? - Chị Tươi đã kể ngay mọi chuyện với mẹ - bố nói – mẹ đang bị tim cấp cứu ở bệnh viện, mẹ bảo bố vào đón con ra ngay. Thôi đừng khóc nữa. Mẹ và bố không giận con đâu, con chả có lỗi gì. Lỗi tại bố, mẹ. Thế con đã gặp bố con chưa? - Không, con không gặp – ông ấy đã không nhận con. Ông ấy không phải là bố con. Bây giờ con chỉ có bố Hải của con thôi. Bố đưa con về với mẹ con đi. Con sẽ ở với mẹ mãi mãi. Bác Thành có đánh mắng con, con cũng chịu được hết, chỉ cần được gần mẹ. Rồi bố Hải sẽ đến với con luôn, và con cũng đến nhà bố Hải luôn. Thấy bố con tôi ríu rít bà chủ nhà nhìn chúng tôi mỉm cười mà lại lau nước mắt. Chúng tôi ngủ nhờ nhà bà chủ một đêm nữa. Sáng hôm sau anh Phúc gửi bố con tôi đi máy bay quân sự, bay về Hà Nội. Năm sau bác Thành và mẹ tôi đã ly dị nhau. Bố Hải về chơi luôn. Có lần tôi nói với bố là muốn bố về nhà ở cùng với hai mẹ con tôi như ngày trước, bố Hải chỉ mỉm cười và trả lời một câu chẳng rõ ràng: - Để còn xem mẹ con có bằng lòng không đã chứ? Hà Nội, 17/4/1987