Dịch giả: Cao Việt Dũng
Lời giới thiệu
Nguyên tác tiếng Pháp: La valse aux adieux

Tặng François Kerrel

 
 
Điệu Valse giã từ là cuốn tiểu thuyết thứ ba của Milan Kundera, sau "Chuyện đùa" và "Cuộc sống không ở đây". Được viết vào đầu những năm 70, Điệu valse giã từ giống như một lời chào buồn bã gửi lại cho đất nước Sec của ông, vùng Boheme tươi đẹp của ông, vì chỉ vài năm sau ông sẽ sang Pháp và định cư tại đó. Nhân vật Jakub của Điệu valse giã từ, xét về mặt nào đó, chính là hiện thân của nhà văn đang trên con đường đi về một nơi xa xôi bất định, với quá khứ đóng lại sau lưng mà tương lai thì mờ mịt không chút rõ ràng.
Nhưng đó chỉ là một khía cạnh của cuốn tiểu thuyết. Jakub cũng chỉ là một trong những nhân vật, một trong những "vũ công" quay cuồng trong một điệu valse chóng mặt vào những ngày đầu thu tại một thành phố nhỏ chuyên điều trị bệnh nhân nữ vô sinh. Jakub đến thành phố để chào tạm biệt hai người bạn, bác sĩ Skreta và cô gái trẻ Olga, nhưng không ngờ anh đã bị lôi tuột vào vũ điệu đầy chất phi lý hiện sinh và những tình cờ mang tính định mệnh. Chỉ trong vòng năm ngày, thành phố nhỏ đã trở thành một sân khấu để diễn những tấn kịch cả bi lẫn hài, và kết thúc bằng một cái chết, một người ra đi, một người đạt được mục đích cuộc đời mình và rất nhiều bí ẩn còn bỏ ngỏ. Nghệ sĩ  thổi kèn Klima quay cuồng xung quanh hai người đàn bà: Kamila vợ anh và Ruzena, cô y tá của khu điều dưỡng. Ông già người Mỹ Bertlef lịch lãm và trải đời luôn tin mình có thể điều khiển cuộc đời bằng tiền và sự tinh tế của mình. Bác sĩ Skreta đãng trí nắm trong tay rất nhiều bí mật, nhưng lại sẵn sàng hạ mình xin làm con nuôi của ông già người Mỹ. Jakub, con người hoạt động rơi vào "vòng vây" của cùng một lúc ba người đàn bà: Ruzena, Kamila và Olga. Đó là những nhân vật chính của những vở kịch nhỏ diễn ra trong năm ngày tại thành phố nước nóng.
Chúng ta gặp lại trong Điệu valse giã từ một cảm thức mà Kundera vẫn thường triệt để khai thác: con người dù mạnh mẽ hay tưởng mình mạnh mẽ đến đâu, cuối cùng cũng chỉ là một kẻ bé nhỏ thảm hại bị nhốt kín trong cái vòng lẩn quẩn xung quanh, không sao hiểu được người khác, không thể vươn tới các vũ trụ xung quanh vũ trụ của riêng mình. Cặp vợ chồng nghệ sĩ thổi kèn Klima là một ví dụ, họ sống bên cạnh nhau hàng ngày nhưng giữa hai người sự nghi kỵ, ngờ  vực vẫn là thứ tình cảm thống trị. Ngay cả khi không thực sự ý thức, nhân vật của Kundera vẫn lừa dối người khác, và đôi khi lừa dối cả chính mình. Điệu valse giã từ có một đặc điểm khác biệt với các tiểu thuyết khác của Kundera, đó là sự nổi bật của cảm thức tôn giáo. Những đoạn tranh luận về các vị thánh giữa Bertlef, Jakub và Skreta, hay các suy nghĩ của bác sĩ Skreta ghi gieo mầm các "tiểu Skreta" khắp nơi tại nước Séc là những ví dụ sinh động, những ví dụ mang tính ẩn dụ cao nhưng cũng không kém phần mỉa mai, hài hước cay độc. Trong Điệu valse giã từ, ba nhân vật chính: Bertlef, Jakub và Skreta, mỗi người theo cách riêng, đều nỗ lực vươn lên trở thành vị Chúa trong thế giới mình. Giàu  có, Bertlef dùng tiền để tạo thế lực, dù chỉ về tinh thần, lọc lõi sự đời và xuất phát từ một số định kiến và lý tưởng mà ông tuân thủ chặt chẽ, ông can thiệp vào cuộc sống của người khác, hướng họ theo lối mà ông thích. Jakub lại muốn trở thành vị Chúa của chính bản thân mình, được tự mình quyết định cái sống và cái chết của bản thân. Còn Skreta, thông qua tài năng về khoa học, tự biến mình thành một vị Chúa sáng thế, ban phát cuộc sống cho những đứa bé còn chưa ra đời…Kết cục là các vị Chúa đó chỉ làm rối tinh thêm mọi việc vốn đã rối tinh từ trước. Không dự định làm điều gì xấu xa, nhưng cả ba người đều can dự vào cái chết của Ruzena, và sau đó đều không bị liên quan, thậm chí lương tâm cũng không chút cắn rứt. những tình cờ đầy phi lý mới là cái thực sự dẫn dắt cuộc sống, trong đó con người dù mạnh đến đâu, nhiều quyền lực đến đâu cũng chỉ là những con rối, những vũ công của một điệu valse chóng mặt do một quyền lực phổ quát và vô hình tổ chức.
Kết thúc truyện, Jakub rời thành phố để đi ra nước ngoài. Nhưng trước khi đi, anh đã kịp nhìn thấy cái đẹp thánh thiện, cao quý ẩn trong con người Kamila Klima. Có lẽ như thế là đủ để an ủi một con người đi xa với tương lai mù mịt trước mắt.
Điệu Valse giã từ là một cột mốc trong sự nghiệp sáng tác của Milan Kundera. Sau khi hoàn thành tác phẩm, đã có lúc ông tưởng như sẽ không tiếp tục vật tiểu thuyết nữa. Nhưng rồi ông đã lấy lại được nhịp sáng tác và viết nên ba kiệt tác sau này: Sách cười và lãng quên, Đời nhẹ khôn kham và Sự bất tử, ông vẫn chưa nói lời "giã từ" với nghệ thuật tiểu thuyết của mình.
Tháng Mười 2004
Người dịch