-- 1 --

1.
Trong các tác gia văn xuôi vùng đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975, Bình-nguyên Lộc là nhà văn có số lượng tác phẩm đã viết và đã xuất bản thuộc vào hạng nhiều nhất. Các sáng tác của ông ít nhiều đã có ảnh hưởng tích cực đến đời sống sáng tác và con người Nam Bộ trước đây cũng như bây giờ.
Bình-nguyên Lộc sinh ra, lớn lên và sống gần như trọn đời tại vùng Đồng Nai-Sài Gòn. Ông lấy tên đất làm bút danh cho mình, viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên đặt tên là Phù Sa, tập truyện đầu tiên tên Hương gió Đồng Nai, lập nhà xuất bản Bến Nghé..., và toàn bộ những tác phẩm của ông đã lý giải cho quan điểm sáng tác rất nhất quán là hướng về quê hương, hướng về cội nguồn!
Thổ ngơi, mùi vị, cuộc sống, nếp sinh hoạt của vùng đồng bằng sông Đồng Nai, sông Cửu Long... là đề tài, là nguồn cảm hứng dường như không bao giờ cạn cho những trang viết của Bình-nguyên Lộc. Ông từng nói: "Văn tôi bắt nguồn từ những cảnh đẹp với quê hương và xuất phát từ lòng nhớ nhung tha thiết của tôi với nó..." [4/372].
Tình cảm và "lòng nhớ nhung tha thiết" mà nhà văn nhắc đến ấy còn là nguyên nhân để văn chương ông hướng đến việc lưu giữ hình ảnh con người và những giá trị văn hoá vùng đồng bằng Nam Bộ trong dòng chảy mải miết của thời gian.
2.
 Bình-nguyên Lộc viết nhiều thể loại nhưng truyện ngắn là phần nổi trội và thành công nhất, là nơi thể hiện tập trung tư tưởng và phong cách sáng tác của nhà văn. Khảo sát hơn 100 truyện ngắn đã in trong Tuyển tập Bình-nguyên Lộc, tập I & II [14], có thể thấy điểm chung vẫn là cái nhìn về con người và văn hoá Nam Bộ của chính tác giả.
2.1. Bình-nguyên Lộc hay viết về người nông dân nghèo gắn bó mật thiết với mảnh đất, căn nhà lâu đời của mình. Nếu họ có lìa xa quê hương ra thành phố, sống đời anh "công chức" hay sống bằng những nghề khác, thì trong "căn bổn" họ cũng là người dân quê và sẵn sàng về quê như anh Thuần trong truyện Đất không chết. Bà vợ ông giáo Quyền khi chuyển ra sống ở thành phố cũng nhớ đất đến mang bệnh và cuối cùng cả nhà phải dời ra ngoại ô để bà có đất trồng trọt, để đỡ nhớ mùi đất quê hương. Người trông coi nghĩa trang thành phố cũng vậy. Anh ta chỉ ở lại, không bỏ về quê nữa vì tại đây anh ta có đất để trồng bông vạn thọ, để trồng rau, để bận rộn với công việc quen thuộc của mình (truyện Thèm mùi đất). Còn cha anh Sáu Nhánh (truyện Phân nửa con người) dù đã tuổi cao bóng xế vẫn kiên quyết bỏ con cháu, bỏ cuộc sống trên chiếc ghe thương hồ để lên bờ sống trên đất liền. Ông thậm chí còn cho rằng tình nghĩa với đất còn sâu nặng hơn cả tình nghĩa vợ chồng: "Vợ chồng chỉ ăn ở nhau ba bốn mươi năm là cùng, đất thì nó thấy mình sinh ra lớn lên, già yếu, rồi nó lại ôm mình khi mình chết. Mình cũng thấy nó từ lúc lững chững bước đi cho tới lúc chống gậy mà lê bước..." [14/998]...
Trong mối liên hệ với tự nhiên bao gồm đất đai, sông nước, ruộng vườn, cây cỏ, thời tiết nắng mưa...+; Bình-nguyên Lộc luôn cho rằng đất là tình yêu sâu nặng nhất của con người. Tập quán, nếp sinh hoạt ở một nước nông nghiệp lâu đời dường như đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân. Tư tưởng sở hữu đất cùng với những nét tâm lý rất đặc trưng của người nông dân Nam Bộ được nhà văn phát hiện trong những chi tiết khá thú vị như cảm giác thèm mùi đất, nỗi khát khao được che chở, bảo vệ đất... Nhà văn để cho nhân vật tự phân tích và phát biểu:
"Đất có mùi thật sự, nhứt là đất mới xới, một mùi rất đặc biệt mà mũi họ quen ngửi cho đến ghiền, thiếu thì họ nghe thèm. Họ thấy rằng họ hạnh phúc vì họ được thỏa mãn tình cảm. Tình nhớ xứ, nhớ nhà gồm nhiều yếu tố, mà nỗi thèm mùi đất là một yếu tố quan trọng. Nỗi thèm này có khi mãnh liệt như nỗi thèm mùi thuốc phiện của những con thằn lằn, những con chuột lắt sống trong buồng của những kẻ hút thuốc phiện, họ thèm và nhớ mùi đất y như đào hát thèm và nhớ sân khấu, vũ nữ thèm và nhớ đèn màu, và y như cá thèm và nhớ nước..." [14/981].
Tình yêu với đất được cắt nghĩa như một sức hấp dẫn tự nhiên với con người như vậy, nên đôi khi vì đất đai, cây cỏ, con người có những hành động "kỳ cục". Ba Mín (trong truyện Mẹ tôi tái giá) cùng với những người dân làng Chánh Hưng sống dựa vào rừng già. Khi lão Tây Xi-lăng-ba định phá rừng trồng cây cao su, đêm nào Ba Mín cũng lén bưng bếp rề-sô cồn vào bãi trồng đun nước sôi tưới lên gốc cây cao su, làm cây chết dần chết mòn. Ba Mín quyết tâm giết chết những cây cao su con để bảo về rừng già cho tới ngày lão Tây cho xe ủi và máy cày đến cày xới trên sáu mươi mẫu rừng với hàng trăm phu thợ, anh mới buồn bã khăn gói trở về làng cũ. Ở làng cũ như làng Tân Nhuận của ông Cựu Xã An, thanh niên lần lượt bỏ ra đi, chỉ còn người cũ già nua và cái xa nước cũ kỹ không đủ sức quay để tưới cho cánh đồng khô hạn. Hình ảnh ông Cựu Xã An đứng nhìn cái xa nước quay yếu ớt mà "hồi hộp, nín thở" giống như đang chứng kiến giờ phút hấp hối của người thân, hay đoạn tả cảnh ông tiếc ngẩn ngơ khi thấy những ống tre múc nước sút dây làm nước đổ trật xuống suối lại trong khi "đám đất ông nó khát hả họng" (truyện Đất không chết) thật thấm thía, cảm động [14/288]. Đất quê có khi không nuôi nổi con người nhưng con người vẫn nặng tình với đất. Lão Nghiệm, thím Bảy, thằng Ất và những người dân xóm Gò Rái của làng Tân Định nghèo khó trong truyện Bám níu giống như những con cá cố lội ngược dòng nước chỉ để được ở lại nơi chôn nhau cắt rún. Cả một đời cơ cực nhưng lão Nghiệm cho rằng được sống ở nơi mình sinh ra, lớn lên đã là niềm hạnh phúc: "Cái ngày mà ông nội tui quyết định ở lại, tui mừng không biết bao nhiêu, tui chạy đi báo tin lành với các bụi tre ở đầu xóm, với con suối cạn ở cuối thôn, và cả ngày ấy, không có gì ăn tui cũng nghe no tới cổ vì sung sướng" [14/1016]. Không chỉ 17 truyện đã in trong tập Cuống rún chưa lìa mà với nhiều truyện khác nữa, nhà văn Bình-nguyên Lộc hướng tác phẩm mình đến chủ đề: con người luôn gắn bó với đất mẹ yêu thương!
Đất đai, cây cối... thật thiêng liêng mà gần gũi với con người. Người dân cần có đất để canh tác nhưng dù luôn mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn thì họ vẫn nghĩ đến việc sống hoà đồng với tự nhiên hơn là chinh phục, thống trị nó. Rừng mắm là một truyện xuất sắc nói về vấn đề này. Truyện là bức tranh sinh động về những thế hệ tiên phong đã lao khổ mở đất khẩn hoang vùng đồng chua nước mặn để gầy dựng sự sống. Ông nội của thằng Cộc tự coi đời mình là rừng mắm, tin rằng sau mắm sẽ là tràm và sau đó nữa sẽ là những vườn cây ăn trái. Tự nhiên không phụ con người nếu con người biết bền gan với nó. Cây mắm không dùng được vào việc gì nhưng cây mắm có nhiệm vụ tiên phong lấn đất, giữ đất cũng như biết bao thế hệ cha ông đã tình nguyện hy sinh trên vùng đất mới cho lớp lớp con cháu tiếp tục sống, sinh sôi phát triển. Lời giải thích của ông nội vào một buổi sáng cùng ông và cha chèo thuyền ra biển làm thằng Cộc cảm nhận được cái cao cả của tự nhiên và của con người. Con người có khả năng cải tạo tự nhiên, sống cùng với tự nhiên nhưng nếu anh hủy diệt tự nhiên, chống lại tự nhiên thì anh sẽ phải trả giá đắt. Truyện Bà mọi hú vừa là hình ảnh thực của vùng đất phía Tây Đồng Nai-Biên Hoà thời xa xưa, vừa là sự giải thích của nhà văn về tác hại của việc huỷ diệt môi trường tự nhiên. Cho tới nay tiếng hú tuyệt vọng, đau đớn của người đàn bà rừng rú mà thần thánh đó còn vang vọng để nhắc nhở mọi người về cách ứng xử với tự nhiên. Truyện Câu dầm cũng vậy, thông qua chuyện báo ứng hoang đường của ông Ba, hệ quả tất yếu của chuyện vét sạch cá ở sông suối, ao hồ thật khủng khiếp và con người phải hứng chịu lấy.
Đôi khi tôn vinh và thần thánh hoá sức mạnh của tự nhiên nhưng tác giả cũng hiểu rằng đất đai, rừng núi, sông hồ chỉ gắn bó máu thịt với con người khi ở đó con người có kỷ niệm, có tình người. Ông để cho người đàn bà xa xứ trong truyện Chiêu hồn nước lặn lội ngàn dặm về thăm quê trong những ngày sắp Tết, nhưng bà ta đã không tìm được điều muốn tìm đó là linh hồn quê hương bởi vì tại đây bà không còn sợi dây liên hệ tình cảm nào cả: "Cây cỏ vẫn có linh hồn. Nhưng ta chỉ nắm tay được với linh hồn cảnh vật qua trung gian của một linh hồn khác thôi, linh hồn người..." [14/947]. Anh thanh niên tên Bùi An Khương trong truyện Thèm người, thầy giáo Lầu trong truyện Rung cây dừa... dù có giận dỗi mọi người bỏ ra đảo hoang hoặc trốn vào rừng sâu thì cuối cùng cũng không thể sống tự nhiên hoang dã như cây cỏ, như muôn thú được. Họ bằng mọi cách đã trở lại với cuộc sống bình thường, cuộc sống có mối quan hệ giữa con người với con người, trong cộng đồng người.
2.2.
"Phải có những nếp nhà đã chứng kiến bao nước mắt, bao nụ cười của bao thế hệ trong dòng họ ta, những nếp nhà mà mỗi món đồ (từ thếp đèn xưa gãy chơn, đến cây ngạch cửa mòn lẵn dưới bàn chơn của những người thân yêu) đều là bầu bạn của ngày buồn lẫn ngày vui của ta. Phải có những con đường mòn bò quanh quẩn trong làng mà mỗi phiến đá bên lề biết kể lể một câu chuyện đau thương hay ngồ ngộ. Phải có những vuông ruộng sau nhà mà nơi đó lưõi cày của tổ tiên ta đã lặn hụp từ mấy nghìn năm..." [14/296].
Trong tất cả những gì "phải có" đó, con người dường như chú trọng đến mối liên hệ máu thịt gia đình hơn là cộng đồng làng xã. Nhân vật của Bình-nguyên Lộc dù sống trên sông nước hay trong những làng xóm xa xôi hẻo lánh gần rừng núi, ở nông thôn hay ở thành phố thì vẫn luôn cùng với gia đình. Thậm chí như anh thợ mộc tên Nguyễn Văn Mun định bỏ làng Phú Thạnh nghèo đi làm ăn nơi khác, khi đi chẳng những mang theo vợ con gia đình, mà còn mang theo cả sáu bộ hài cốt của cha mẹ ông bà để tiện nhang khói và để ấm lòng người xa xứ (truyện Mấy vụ quật mồ bí mật). Truyện Má ơi, má! làm người đọc chảy nước mắt. Con Nhộng, nhân vật chính trong truyện, hãy còn nhỏ tuổi lại bị mù mắt, má nó mắc bệnh bại xụi nặng, ba thì đã chết cách đây bốn năm, nên nó phải làm cái nghề leo cau hái trái rất nguy hiểm vì cần tiền nuôi mẹ. Nhộng té từ ngọn cau xuống, trước khi chết còn kêu lên đau đớn: "Má ơi, má!". Khác với con Nhộng, thằng Kẹo trong truyện Lại mẹ tôi tái giá có má nhưng vì giận mẹ tái giá nên bỏ nhà đi bụi đời. Sau một lần tù tội, nhất là sau lần gặp gỡ ngẫu nhiên với một cô gái quê chăm chỉ, Kẹo mới thấy thương mẹ và quyết tâm làm lại cuộc đời...
Những nhân vật trong truyện ngắn Bình-nguyên Lộc dù trong cảnh ngộ nào cũng mơ ước có một gia đình êm ấm hạnh phúc. Ngay cả với người ngoài gia đình, họ cũng dễ dãi, gần gũi theo kiểu người trong nhà hơn là giữ lễ nghi, phép tắc. Sợi dây liên hệ giữa người với người trong cộng đồng ấy chính là nghĩa tình bất kỳ họ ở đẳng cấp, vị trí nào. Trong truyện Lương tâm kẻ trộm, Ba Khện là tên trộm. Sau nhiều đêm lập mưu ăn cắp bò nhà Xã Tần, hắn đã thành công đem được đôi bò êm ru giong xe ra ngoài nhưng khi gặp người đang vội vã rước Xã Tần về để cứu bà mụ Dậu bị rắn cắn, anh ta quyết định bỏ lại đôi bò vì biết người nhờ xe là hàng xóm tốt bụng nóng lòng muốn cứu người láng giềng. Cũng như vậy, trong truyện Chiếc khăn kỷ niệm, ông Bảy Rựa vốn không bà con gì với Tấn, nhưng anh vẫn thường tới thăm nom ông ở nhà thương thí như người thân cho đến khi ông qua đời chỉ vì ông ở cùng làng với Tấn, vì ông gợi Tấn nhớ quê hương bản quán của mình. Từ con Dừa trong truyện Cây đào lộn hột, cô Diệu trong truyện Rắn cắn làm phước, đến thi sĩ Quỳnh Dao (tức Hưng) trong truyện Bí mật của chàng... đều là những người trọng nghĩa hay nói khác hơn coi người khác hơn bản thân mình. Trong truyện Đồng đội, Tư Nết thuộc đội ghe An Thịt tuy bị mua chuộc lẫn hù dọa nhưng anh thà hy sinh bản thân mình, gia đình mình hơn là bán đội nhà cho đội ghe Ba Doi. Quan niệm đạo đức theo kiểu trọng nghĩa, khí khái này chi phối cả việc đánh giá con người.
Bình-nguyên Lộc ít xây dựng những nhân vật với tư cách là con người cá nhân có khả năng khái quát cho tính cách hay số phận. Nhân vật trong những truyện ngắn của ông là biểu hiện của cuộc sống đa dạng, phong phú và cho quan niệm đạo đức xã hội. Thằng Bò là đứa mồ côi, không được ghi tên vào sổ đinh trong làng nhưng ai cũng nhớ nó nhất là khi có đứa trẻ chết đuối, khi có việc khó cần nó. Thằng Bò chết rồi người ta mới nhận ra giá trị của nó một cách muộn màng (truyện Tiếng vang trễ muộn). Sanh yêu Mai và đã định ngày cưới nhưng thấy Dung (bạn Mai) có nhan sắc hơn nên Sanh xiêu lòng, phụ người vợ chưa cưới để theo Dung. Ở với người đẹp, Sanh mới nhận ra tính nết của Mai có giá trị hơn nhiều so với vẻ bề ngoài hào nhoáng của Dung (truyện Cái nết đánh chết cái đẹp). Cũng như vậy, nhân vật thầy Ba Hát trong truyện Thám hiểm lòng người quyết định cưới cô Năm xấu xí lại tật nguyền làm vợ chứ không chọn cô Hai Thiền xinh đẹp vì anh khám phá ra tấm lòng nhân hậu, quảng đại hiếm có của cô Năm. Con người trong truyện Bình-nguyên Lộc xấu tốt đôi khi được thể hiện quá đơn giản, rõ ràng như kiểu các nhân vật trong những truyện thơ nôm bình dân phổ biến ở miền Nam. Hoàn cảnh có thể xô đẩy con người vào con đường tội lỗi nhưng không làm tha hoá, biến chất họ. Một tên cướp, một ả gái giang hồ vẫn có lòng nhân, sẵn sàng che chở cho người đồng cảnh ngộ. Họ bất đắc dĩ phải lừa bạn mình nhưng họ ăn năn, hoàn lương liền ngay sau đó (truyện Ba con cáo). Vùng đất mới ít định kiến, lại pha trộn nhiều loại người với nhiều nguồn văn hoá khác nhau, nên chi bản tính con người cũng dễ dãi hơn.
3.
 Nam Bộ là xứ miệt vườn như nhà văn Sơn Nam nói, Nam Bộ cũng là vùng sông nước vì có tới 57.000km đường kênh rạch, sông nước [5/313]. Bức tranh quê hương mà nhà văn Bình-nguyên Lộc khái quát trong những truyện ngắn của ông không chỉ có con người với cuộc sống của con người mà có cả bề rộng lẫn chiều sâu của một vùng văn hoá đa dạng, phong phú.
3.1. Bình-nguyên Lộc cũng như nhiều nhân vật của ông sinh trưởng ở vùng quê nhưng sống và làm việc chủ yếu ở thành phố Sài Gòn. Sức hút đô thị vào lúc này đã mạnh nhưng vẫn chưa bứt đứt hết mọi tình cảm liên hệ với đồng ruộng, thôn xóm cũ. Những đường phố, biệt thự và chợ búa;  những đường làng, dòng kênh, bờ rạch nối liền nhau tạo nên một Nam Bộ thân thương, vừa hoang dã vừa sầm uất. Thương nhớ thì đi về thường xuyên trên những con đường đó, còn tâm tình thì dành để lý giải cho mọi thứ đổi thay của thời gian. Sài Gòn, trung tâm điểm của bức tranh là nơi thay đổi nhiều nhất. Lịch sử hơn 300 năm của thành phố là sợi dây nối liền của những đổi thay đó. Không chỉ có trong tập Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình-nguyên Lộc mà trong rất nhiều truyện ngắn, nhà văn cũng hay nhắc đến tên phố, tên đường, hàng cây và những dấu tích cổ xưa của nó. Sài Gòn không chỉ có me, thành phố còn có hai cây vông nem cổ thụ nở hoa đỏ rực (truyện Cây vông đỏ) [11]. Rất nhiều cây xanh đã ngã xuống cho nhà cửa mọc lên, thậm chí người chết còn phải nhường chỗ cho người sống. Những nghĩa trang bị thu hẹp dần rồi bị bỏ hoang, bị dời đi nơi khác (truyện Ba con cáo). Những căn nhà tạm bợ, lụp xụp dần dần được thay thế bằng nhà đúc, nhà lầu năm bảy tầng. Bệnh viện, công sở mọc lên cùng với nhà hàng, tiệm nhảy, quán bar. Những con chim thường cất tiếng hát chào bình minh cũng vắng bóng, im tiếng dần, chỉ còn mắc trên các đường dây điện của thành phố mấy xác diều giấy dãi dầu theo mưa nắng. Phố lớn bên ngoài, còn bên trong dọc ngang là những hẻm nhỏ. Có những con hẻm thâm u, ẩm mốc, không có tên, không lối ra nhưng cũng có hẻm dấu kín biết bao bí mật của thành phố (truyện Ngõ hẻm vợ bé, Một ngày xuân vui). Phố không có trâu bò nhưng phố có nhiều xe. Xe đi lại, giăng mắc trên đường phố, trong ngõ hẻm, có cả xe nhà binh, xe quân sự. Màu sắc, hình dáng và tên gọi của các loại xe cũng nói lên địa vị hay tính cách của chủ nhân nó.
Nếu thành phố có nhà cửa và đường sá làm nét chủ đạo thì miền quê có những dòng sông, kênh rạch, ruộng vườn trên cái nền quen thuộc, ít thay đổi. Thành phố trong những truyện của Bình-nguyên Lộc khác miền quê nhiều thứ nhưng vẫn được xác định trong hình dáng Nam Bộ nói chung. Có lẽ do được cảm nhận từ tâm hồn của chung một người, một nhà văn gắn bó quá sâu nặng với bản quán, làng quê và cả với nơi cư ngụ.
Không gian trong truyện Bình-nguyên Lộc thường được trình bày qua góc nhìn văn hoá. Ở đó mỗi chi tiết, địa danh đều lưu dấu thời gian và nếp sinh hoạt, tập quán của con người. Những truyện như Bà mọi hú, Bám níu, Đất không chết, Bán ngôi nhà cổ, Săn cọp Đồng Nai, Tiếng thần rừng, Ma rừng...đưa người đọc trở về vùng Đông Nam Bộ, bắt đầu từ nơi tiếp giáp với các cao nguyên đất đỏ Nam Trung Bộ. Những làng mạc hoang sơ, hẻo lánh; núi thấp, gò đồi, bờ sông cao, rừng rậm... Nhà văn nhắc đến chuyện săn bắn, đào suối, trồng lúa, nuôi bò và nỗi sợ hãi hạn hán, thiếu nước. Truyện Câu dầm, tác giả ghi rõ ràng tặng làng Tân Uyên, Biên Hoà của mình [14/983], nên chi đã có hình ảnh sông nước và mùi vị phù sa con sông Đồng Nai. Tới truyện Phân nửa con người, Con Tám Cù lần, hay truyện Lại mẹ tôi tái giá, Không một tiếng vang...thì lênh láng một vùng sông nước. Người ta đi lại bằng ghe, bằng thuyền, và sống với cả gia đình trên thuyền. Cha anh Sáu Nhánh vui mừng khi có cả ba mươi thực khách lên thuyền mình ăn giỗ. Ông rất giỏi lộ trình đường nước nên biết đúng ngọ ghe thuyền thường kẹt ở Vàm Cui này (truyện Phân nửa con người). Thú vị nhất là cảnh một thằng bé "mình trần lưng đen thui", "mặc chiếc quần xà lỏn bằng vải đen đã trỗ trắng" chạy như giông, như xiếc trên cả đoàn ghe dài "mũi chiếc sau cột dính lại với lái chiếc trước", theo sau là má nó và con chó mực, mà chẳng ai chịu kém tài. Cuộc đuổi bắt này chỉ dừng lại khi thằng bé chạy đến mũi tàu cuối cùng, nhảy ùm xuống nước, còn má nó "đứng đó, cầm roi điểm điểm trên không trung, về hướng nó rồi hăm dọa: - Mày hổng lên cho tao đánh đòn, tao la làng cho mày coi!". Mà không có làng, chỉ có ghe thuyền và sông nước mênh mông! (truyện Lại mẹ tôi tái giá) [14/484]...
Phù sa sông Cửu Long, sông Đồng Nai bồi đắp nên một vùng châu thổ màu mỡ, làm cho những vườn cây trái thêm sum suê, tươi tốt. Bình-nguyên Lộc ít miêu tả tỉ mỉ miệt vườn như nhiều nhà văn khác khi viết về vùng đất phương Nam, nhưng ông thường chú ý các vựa trái cây bày bán. Những thúng sa-bô-chê nặng trĩu trên các xe hàng (truyện Lại mẹ tôi tái giá). Những vựa dưa chất cao lút đầu, nhiều đến mức chủ dưa không bao quát xuể. Dưa chở đến từ khắp nơi bằng ghe, bằng xe bò tấp nập đông vui vào những ngày giáp Tết (truyện Thí một con chốt hốt một con xe, Bớt đi một trái). Và như một lẽ tất nhiên, ở những làng mạc trù phú hoặc nơi đô thị, nhịp sống bao giờ cũng sôi động hơn. Nó hấp dẫn con người trên đường tìm kiếm mưu sinh, nhất là trong hoàn cảnh bom đạn chiến tranh thường xuyên tàn phá những vùng quê xa...