Nó ngồi bó gối trong quán tàu hũ đá. Chốc chốc lại ngước cặp mắt ươn ướt ngó ra bầu trời xám xịt sũng nước bên ngòai. Không biết sao mấy hôm nay trời hào phóng thế, cứ xối hết thác nước này đến thác nước khác xuống thành phố. Mà thành phố có bị cúp nước đâu kia chứ? Nó khuấy mạnh cốc tàu hũ, cảm thấy người gây gây như vừa ốm dậy. Ừ, thì nó cũng sắp ốm rồi đây. Nó vừa bị mất một chỗ dạy kèm rất "sộp". Nghĩ đến công cán đã bỏ ra một tháng trời, nó thấy tiêng tiếc, đôi lúc muốn trở lại nơi ấy để đòi người ta "sòng phẳng" với mình, nhưng nhớ đến cánh cổng sắt nặng trịch, thân hình hộ pháp và ánh mắt thèm thuồng soi mói như muốn phanh phui nó ra của lão gia chủ khiến nó rùng mình. Tim nó bỗng dưng nhói lên từng hồi khi nhớ đến hai cánh tay đầy lông lá, nùng nục mỡ, chắc như hai gọng kìm của lão gia chủ. Hôm ấy, nếu nó không chạy ra kịp thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nó thấy số phận sao mà cay nghiệt với nó thế?Từ hồi vào đại học đến giờ nó gặp tòan những chuyện không đâu. "Phải trở lại nơi ấy đòi lão gia chủ phải trả cho mình một tháng lương vừa rồi mới thôi". Nó xô ghế đứng dậy, phóng xe đi trong cơn mưa vỡ òa. Bong bóng phập phồng trên mặt đường như trêu ngươi nó. Không hiểu sao nó lại đạp xe thẳng về ký túc xá chứ không rẽ về hướng gia chủ. Thì ra nó sợ. Cái sợ cố hữu lại uà về, bủa vây lấy nó. Mắt nó ươn ướt. Hình như nó khóc. Ô, không phải đâu! ước mưa đấy thôi. Không hiểu sao trời hoang phí nước thế nhỉ? Ký túc xá sắp ngập lụt rồi đó."Không biết đứa nào xúc của tao hết ba lít gạo". Vừa thấy cái thân hình ướt như chuột lột của nó lấp ló ngòai cửa phòng, nhỏ Oanh đã chanh chua. Câu nói khứa vào lòng tự ái của nó. Ừ, Oanh làm như nó là thủ phạm không bằng! Nó lẳng lặng đi đến cái giường ọp ẹp, lấy bộ quần áo đang treo trên móc rồi đi về phía nhà tắm. Cái giọng the thé của nhỏ Oanh còn đuổi theo nó:"Cái con quỷ sứ này! Làm ướt nhà hết trơn rồi!"Bây giờ trời đã hửng nắng rồi. Còn cái đầu nó vẫn nóng hầm hập như bị lửa đốt. Tòan thân nó lạnh run lên. Tô cháo gà thơm phức của anh mang đến vẫn còn nằm nguyên trên bàn. Anh ép mãi nó mới cố nuốt vài muỗng. Rõ khỗ! Khi mạnh có thèm rõ dãi cũng không dám mơ đến, lúc ốm lại … Miệng nó đắng nghét, môi khô rộp. Anh buồn bã nhìn nó lắc đầu, thương hại.Số phận đã gắn chặt anh với nó từ thuở còn học phổ thông. Lớn lên từ miền quê sông nước Hậu Giang, nó và anh đã quen với những kênh rạch chằng chịt. Mùa nước nổi, ngày hai buổi đến trường trên chiếc tam bản cũ kỹ của ba nó. Có những chiều tan trường về, chiếc ghe ngợp đi trong sắc tím của hoa lục bình và sắc vàng óng ả của hoa điên điển, còn dưới khoang ghe thì tòan cá bống trứng … Muà nắng, nó ngồi vắt vẻo sau chiếc xe đạp cà tàng của anh để đến lớp. Hai bên đường làng, cây xanh rợp bóng. Lúc tan trường về, nếu cái dạ dày chưa kêu réo thì đến con ngõ rẽ vào làng thế nào nó cũng bắt anh leo lên hái cho nó mấy bông ngọc lan trăng trắng cho bằng được. Hương ngọc lan thoang thoảng trên tóc nó, trong áo nó. Hương hoa len ca vào trong giấc mơ của nó. Thế rồi năm tháng trôi mau. Thoáng đó mà thời hoa bướm ngày xưa đã mất. Nó cảm thấy hụt hẫng, tiếc nuối nhưng cũng không lâu. Nó hân hoan đón nhận niềm vui mới: trúng tuyển vào đại học sư phạm. Anh vào đại học chế biến. Cho đến bây giờ nó vẫn còn nhớ như in cái ngày nó lên thành phố nhập học. Hôm ấy bà con hàng xóm đến rất đông. Người dúi cho nó một mớ cá khô. Người nhét vào giỏ chục trứng gà. Người biếu cả giỏ cam mật vàng ươm đặc sản của quê hương nó. Ai cũng dặn nó cố gắng học cho thật giỏi để mai mốt tốt nghiệp xong về cái trường xã mình mà dạy. Nó cảm thấy xót xa khi nhớ đến câu nói ngậm ngùi của bà Tám: "Ôi! Tụi nhỏ xóm mình vô đại học cũng bộn, ai cũng trông cho tụi nó học xong rồi về đây phục vụ cho bà con mình. Nhưng tụi nó ra trường rồi ở miết trên Cần Thơ, có thấy đứa nào bén mảng về nữa đâu!". Bác Tư chép miệng tiếp lời: "Trách chi ba đứa nhỏ thím ơi! Tụi nó học kinh tế, điện tử điện tiếc gì đó thì về quê mình mần sao được". Ông Tám đốp chát lại: "Chứ còn thằng Sơn con của con Năm ở xóm trên đó, học bác sĩ mà cũng đi tuốt luốt luôn. Ba nó đau rề rề phải chở lên tới Cần Thơ chữa trị".Nó đi, việc nhà dồn lại. Mỗi lần nó về thăm nhà thấy đôi vai của mẹ nó ngày một gầy hơn. Nhiều lúc nó bật khóc khi cầm trong tay xấp tiền còm cõi của ba mẹ nó gửi cho, có nhiều tấm hai trăm còn in nhữgn vết bùn khô queo. Cũng như bao nhiêu sinh viên nghèo đi học xa nhà khác, ngòai giờ học, nó lao vào cuộc mưu sinh. Anh sốt sắng tìm cho nó một chỗ dạy kèm. Học trò của nó là một chú nhóc học lớp sáu và một con búp bê học lớp hai. Suốt hai năm nó làm gia sư cho hai đứa ấy. Tụi nhỏ học tiến bộ rõ rệt, phụ huynh mến nó lắm. Chiều nào cũng giữ nó lại ăn cơm cho bằng được. Số tiền lương ít ỏi cộng với tiền học bổng, nó xoay sơ cũng tạm đủ. Ðến kỳ thi chuyển giai đoạn, một số đứa lớp nó phải "ra trường sớm". Nó may mắn được tuyển thẳng nhưng vẫn phải đóng học phí. Nó dự định sẽ để dành tiền lương của mình để đóng tiền học. Ðùng một cái, hai đứa nhóc chuyển về huyện. Nó hụt hẫng không biết bám víu vào đâu. Ngay lúc đó thì anh lại xuất hiện đúng lúc như một vị cứu tinh, trao cho nó một địa chỉ dạy kèm mới. Nó cảm ơn anh bằng đôi mắt ngân ngấn nước. Hai đứa học trò mới nhỏ tuổi hơn mà cũng bướng bỉnh hơn so với hai đứa nhóc trước. Gia chủ giàu có hơn và cũng uy quyền hơn. Buổi đầu chạm mặt phụ huynh, nhìn đôi mắt sáng quắc, cái mặt bự phấn và đôi môi đỏ choét của "phu nhân", nó đã thấy ơn ớn. Nó định "rút lui có trật tự" nhưng nghĩ đến số tiền lương, nó miễn cưỡng gật đầu. Tuần lễ đầu, tụi nhóc bướng dữ, chỉ thích nghe kể truyện chứ không thích học. Nó phải vận dụng hết các thủ pháp sư phạm của mình ra. Cuối cùng tụi nhóc cũng ngoan ngoãn như hai chú mèo con. Sau hai tuần, con em về khoe: "Tháng này con được lên hạng sáu rồi, được cô biểu dương trước lớp". Thằng anh cũng không chịu kém: "Còn con, làm toán tòan điểm chín với mười". Phụ huynh hài lòng lắm, tia mắt nhìn nó có vẻ dịu bớt đi. Nó mừng rơn nghĩ đến số tiền lương cuối tháng này nó sẽ lãnh và ứng thêm để đóng học phí. Phụ huynh giàu có thế kia mà, chắc chẳng hẹp hòi với nó đâu. Thế mà, tiền lương chưa lấy được, ông chủ đã giở trò … Ba trăm ngàn chứ phải ba triệu, nó cũng không còn hồn vía mà quay lại căn nhà ấy nữa. Anh đút cho nó thêm muỗng cháo nữa. Nó lắc đầu chỉ ly nước. Một thứ nước chua chua ngọt ngọt len vào cái miệng khô queo, đắng nghét của nó. Anh nhìn nó, lắc đầu buồn bã, không nói lời nào. Nó biết bất kỳ lời nói nào của anh thốt ra lúc này cũng sẽ làm nó bật khóc. Chao ôi! Nó muốn ngồi dậy lắm nhưng tòan thân đau rã rời. Chỉ còn một tuần lễ nữa là thi học kỳ rồi. Bài vở thì tràng giang đại hải mà nó phải nằm lỳ ở đây. Có lẽ giờ này tụi bạn nó xếp hàng ở thư viện chờ mở cổng. Nó chợt thấy nôn nao. Ước gì bây giờ nó được ở thư viện nhỉ. Nhưng mà … nó còn mong thi cử gì nữa! Học phí chưa đóng thì làm gì có số báo danh mà thi. Chẳng lẽ điện về để hỏi mẹ ư? Thoáng qua óc nó là đôi vai gầy guộc, còm cõi của mẹ. Lòng nó chợt chùng xuống, chùng xuống …đến nghẹn thở. Cái ý nghĩ ấy vừa loé lên đã bị nó dập tắt ngay. Nó đã đi được nửa chặng đường rồi, chẳng lẽ bây giờ lại bỏ cuộc? Ước mơ được làm cô giáo, cái ước mơ bé nhỏ, giản dị, bình thường như thửa ruộng, bờ tre quê nó, chẳng lẽ đành phải xếp lại trước chuyện cơm áo đời thường sao? Nước mắt nó chợt ứa ra, lăn dài trên má. Anh an ủi, vỗ về khiến nó càng thêm tủi thân. Nó bước vào phòng tài vụ. Cô thủ quỹ đang bận sắp xếp giấy tờ gì đó. Nó đứng khép nép vờ xem bảng thông báo. Bất giác cô ta hỏi: "Gì đó?" Cái giọng chan chát của cô làm nó run bắn lên. Nó ấp úng "Dạ, em …đóng học phí". Cô trợn mắt, cái môi đỏ chót trề ra: "Giờ này mới đóng học phí? Sao không để ở nhà ăn gì ăn luôn đi!". Nó nghe sống mũi cay cay, trân mắt nhìn cô, không nói được gì hết. Trời! Nó đang diện kiến ai thế này? Những người "trí thức" lại nói với nhau như thế sao? Hay là tại nó nghèo nên được đối đãi "mát mẻ" như vậy?"Thôi, lại đây! Tên gì?". Nó mở cặp lấy ra xấp tiền. Cô ta đếm tiền, quăng ra tấm mười ngàn bị rách một miếng: "Ðổi lại!". Nó lại mở cặp tìm mãi mới được một tấm mười ngàn khác. Số tiền này hồi sáng anh đem đến cho nó. Anh bảo là tiền dạy kèm của anh để dành. Nó không tin. Lương dạy kèm không đủ để anh trang trải, có dư đâu mà để dành. Anh thuyết phục mãi nó mới chịu nhận. Nó định khi thi xong nó sẽ tìm việc làm thêm để trả lại anh.Nhận biên lai xong, nó phóng xe đến thẳng thư viện tỉnh. Sinh viên đông nghẹt. Mượn sách xong nó xuống cầu thang. Ngồi bệt ở chân cầu thang cùng những đứa khác. Nó mãi miết ghi ghi chép chép. Tiếng giày dép đủ loại lên xuống, khua lọc cọc. Mặc kệ! Ghi xong, nó nhìn đồng hồ: 9 giờ. Nó hoảng hốt chạy lên trả sách. Chắc giờ này nhỏ Thanh đang chửi nó tắt bếp. Tám giờ là nó phải trực phòng rồi. Bên ngòai trời mưa tầm tã. Nó khoác vội chiếc áo mưa lên người, cắm cúi đạp xe. Ðến ngã tư, dưới ánh đèn đường nhoang nhoáng, bất giác tia mắt nó chạm phải một người. Trời ơi! Anh! Ðúng là anh rồi. Làm sao nó có thể lầm cho được manh áo mưa bạc màu và cái dáng gầy gầy quen thuộc của anh. Nhưng sao nhìn thấy nó, anh lại quay đi như thế? Sau xe anh là một người, cũng sùm sụp áo mưa. Bất giác nó nghe tim mình đập mạnh. Ðèn xanh. Nó vẫn đứng ngẩn ngơ. Giữa mớ âm thanh hỗn độn của người, của xe và của mưa, nó vẫn nhận ra giọng nói của người ngồi sau anh: "Chú quẹo phảịChừng năm trăm mét nữa thì tới". Lập tức xe anh quẹo ngoặt về phía tay phải. Nó còn kịp nhận thấy một bên mặt của người ấy. Ðó là một bà lão. Không hiểu sao nó thở phào một cái. Nhưng ngay sau đó thì một nỗi buồn len lỏi vào tim nó. Trời ơi! Chẳng lẽ vì nó mà anh phải vất vả như vậy sao? Anh đã đi qua lâu lắm rồi mà nó vẫn đứng chết trân giữa ngã tư, dưới cơn mưa tầm tã. Bất giác môi nó chạm phải những giọt nước mưa, mặn đắng!