Dịch giả: Hoàng Khoa Khôi
Lời Giới Thiệu

 
Đã trở thành một thông lệ, gần như một cái “mốt”! Hễ nói tới sự sụp đổ của Liên xô và các nước Đông âu, tức khắc có một số đông người thi nhau lên tiếng bài xích chủ nghĩa mác xít, cho rằng sự sụp đổ này là sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.
Trong số những người nói trên, có người thực tâm, nghĩ sao nói vậy. Có người a dua theo trào lưu dư luận. Có người mượn dịp thanh toán với một chủ nghĩa thù địch. Ít ai bình tĩnh đưa ra một nhận xét khách quan, vô tư, dựa trên những lý luận đúng đắn.
Chúng tôi dịch và in cuốn Cuộc Cách Mạng Bị Phản Bội của Lêông Trôtski, mục đích cống hiến bạn đọc một tài liệu tham khảo. Viết năm 1936, sách này có vài tiết mục bị thời cuộc vượt qua như những đoạn nói về nền kinh tế của Liên xô trong những năm 30 chẳng hạn. Nhưng toàn bộ vẫn giữ giá trị thời cuộc. Người đọc có cảm tưởng nó mới được viết ngày hôm qua, vì nó thể hiện đầy đủ những khuyết tật mà xã hội Liên xô mang nặng trong vòng hơn nửa thế kỷ.
Sách này ít người biết, trừ một số chuyên gia chính trị. Ở các nước “cộng sản”, nó bị cấm. Ở các nước tư bản “tự do”, mặc dầu có nhiều nhà xuất bản phát hành hàng chục ngàn cuốn, nó vẫn chưa được tới tay quảng đại quần chúng lao động. Các cơ quan truyền thông tư bản chẳng “dại” gì mà mất công tuyên truyền cho nó.
Tác giả, Lêông Trôtski, là một trong những người thân cận nhất của Lênin, đã cùng Lênin lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng mười đến chỗ thành công, xây dựng Hồng quân Nga, sáng lập ra Liên bang Xô viết, đặt nền móng cho một chế độ xã hội xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử. Hơn ai hết, ông hiểu rõ những ưu điểm cùng nhược điểm của chế độ này. Ông đã theo dõi từng bước biến chuyển của nó, đánh giá khách quan những thành tựu cũng như những thất bại, đề ra những phương sách đấu tranh tránh cho nó sự băng hoại.
Đối với Trôtski, cuộc Cách mạng Tháng mười đã bị phản bội. Một cuộc phản cách mạng chính trị técmiđo (Thermidor)[1] đã diễn ra trên đất nước Liên xô. Kể từ 1925[2], nền dân chủ Xô viết mà cách mạng 1917 khai trương, không còn nữa. Lợi dụng giai đoạn thoái trào quần chúng, một tầng lớp quan liêu, do Stalin đứng đầu, đã cấu kết nhau, nhảy ra lũng đoạn các cơ quan đảng, Nhà nước, nghiệp đoàn cùng các tổ chức quần chúng. Họ tước đoạt quyền hành của lao động, loại trừ và giết hại các chiến sĩ cách mạng, xuyên qua những vụ án bịa đặt, đẫm máu.
Mỗi cuộc cách mạng thường kéo theo sau một thời kỳ thoái bộ hay phản cách mạng. Cuộc đại cách mạng tư sản Pháp 1789 đã kế tiếp bằng Tháng Nóng (Thermidor) rồi đến Đế chế của Nã Phá Luân. Cách mạng vô sản Nga cũng không tránh khỏi hiện tượng này.
Từ ngày lên chính quyền, Stalin và đẳng cấp quan liêu đã biến đổi đảng Cộng sản Nga thành đảng quan liêu, các cơ quan xô viết thành hình nộm, Nhà nước Chuyên chính vô sản thành Nhà nước Độc tài quan liêu. Cuộc phản cách mạng chính trị này đã thay đổi diện mạo của Liên xô, tuy không thay đổi tính chất của chế độ. Hạ tầng cơ sở do Cách mạng Tháng mười để lại (quốc hữu hóa, công cộng hóa, kế hoạch hóa, độc quyền ngoại thương Nhà nước v.v...) vẫn duy trì. Nhưng thượng tầng kiến trúc có những thay đổi nghiêm trọng, khiến Nhà nước lao động bị suy thoái, biến dạng, không còn là Nhà nước lao động đích thực của thời Lênin nữa. Ngoài mặt, người ta vẫn tiếp tục tung hô Lênin và những khẩu hiệu của Lênin. Thực tế, Liên xô không còn là Liên xô của những người đã sáng lập ra nó.
Đọc Cuộc Cách Mạng Bị Phản Bội của Trôtski, bạn đọc sẽ thấy nhiều nguyên lý của chủ nghĩa mác xít đã bị quan liêu chà đạp, xuyên tạc. Nhiều kết quả những cuộc đấu tranh của quần chúng đã bị tiêu tán hoặc bị đe dọa. Trên nhiều lãnh vực cơ bản: chính trị, xã hội, quân đội, thanh niên, văn hóa, ngoại giao, v.v..., Liên xô mỗi ngày xa rời chủ nghĩa xã hội.
Để thiết lập nền độc tài một đảng, quyền lực một lãnh tụ, Stalin và đẳng cấp quan liêu đã thi hành luật lệ và các biện pháp thu hẹp quyền dân chủ. Thanh niên bị tước đoạt quyền chính trị. Trí thức, văn nghệ sĩ bị bịt mồm, bịt miệng. Dân chúng bị kiểm soát từng lời nói, ý nghĩ, việc làm. Xã hội đầy rẫy những kẻ nịnh hót, tham ô, đầu cơ, trục lợi. Bọn hãnh tiến ngoi lên. Người trung thực bị trù dập. Đảng và Nhà nước lựa chọn những người đại diện cho mình, không lựa chọn theo khả năng mỗi người mà chỉ dựa trên một tiêu chuẩn duy nhất: trung thành với Stalin và với đảng. Kết cục: chỉ lựa chọn một lũ người cơ hội và giả dối.
Kế hoạch kinh tế, đáng nhẽ nhắm mục tiêu thỏa mãn yêu cầu của dân chúng, chỉ quan tâm đến yêu cầu của lãnh tụ và cán bộ. Đáng nhẽ xây dựng nhà ở cho lao động, người ta ưu tiên xây dựng những biệt thự sang đẹp cho các nhà chức sắc, những trụ sở huy hoàng cho Đảng, những lâu đài nguy nga cho Nhà nước, những trạm tàu điện ngầm đồ sộ... mục đích phô trương nhiều hơn là phục vụ dân chúng. Sản xuất đồ tiêu dùng, chương trình kế hoạch chú trọng sản xuất những xa xỉ phẩm, hợp với khẩu vị của tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Trẻ em thiếu bánh thiếu kẹo, nhưng không thể thiếu nước hoa hạng tốt dành riêng cho các “phu nhân” của các lãnh tụ, cán bộ. Lãnh tụ, cán bộ cao cấp có nhà thương riêng, nhà nghỉ mát riêng, nhà mua đồ riêng mà thường dân không được bén mảng. Họ thừa thãi những đồ vật tiêu dùng, trong lúc toàn dân thiếu thốn đủ thứ.
Đối với giai cấp lao động, một chính sách “làm khoán” theo kiểu “stakhanôvích” đã được đem ra áp dụng. Chính sách này không những bóc lột lao động tệ hại hơn chế độ tư bản mà còn gây ra đố kỵ và hiềm khích trong hàng ngũ lao động do sự cách biệt quá mức giữa tiền lương mỗi người.
Về mặt quân đội, người ta đã bãi bỏ chủ trương thành lập “quân đội nhân dân”, lập lại phẩm trật như thời Sa hoàng. Các thói tục phong kiến như sùng bái cá nhân, tôn ti trật tự, đắp tượng xây lăng tẩm cho các lãnh tụ v.v... đã được đem ra thi hành triệt để, xô đẩy xã hội vào vòng u muội.
Cứ thế, xã hội phân chia nhiều thứ bậc như thời phong kiến, mặc dầu không có vua. Chênh lệch xã hội ngày một khơi sâu. Kẻ có vây cánh và thần thế chiếm giữ đặc quyền. Kẻ yếu kém, không điều kiện thay đổi cuộc sống. Nhiều tầng lớp nhân dân bất mãn với chế độ. Muốn cho xã hội khỏi rối loạn, chính quyền đã xây dựng một bộ máy công an, mật vụ kiên cố, một Nhà nước chuyên chế! Chính thể độc tài của Stalin phát sinh từ đó!
Hiến pháp 1936, tuyên dương giai cấp đã xóa bỏ, phân biệt giai cấp không còn nữa. Liên Xô đã thực hiện xong giai đoạn kiến thiết chủ nghĩa xã hội và bắt đầu bước vào giai đoạn kiến thiết chủ nghĩa cộng sản. Thực tế hoàn toàn trái hẳn. Trôtski nói: “Trong những lãnh vực cơ bản, Liên xô chưa có một tí gì gọi là chủ nghĩa xã hội”!
Đối với Trôtski, chủ nghĩa xã hội chỉ có thể gọi là thành công khi nào năng suất lao động ở Liên xô cao hơn các nước tư bản tiên tiến nhất. Như thế cũng chưa đủ, cần phải có một nền dân chủ xô viết đi song đôi. Không có dân chủ xô viết, không thể có chủ nghĩa xã hội. Một trong các biểu hiện của nền dân chủ xô viết là sự tiêu vong của Nhà nước, sự trao trả quyền hành Nhà nước cho dân sự, sự tự quản lý của nhân dân trong việc sản xuất.
Vì những lý do nói trên, chủ nghĩa xã hội không thể thực hiện lẻ loi riêng biệt trong một xứ. Chỉ khi nào cách mạng xã hội lan ra các xứ tư bản tiền tiến, lúc ấy mới có điều kiện thực hiện chủ nghĩa xã hội, giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản.
Thuyết “chủ nghĩa xã hội thành công trong một xứ” của Stalin và của quan liêu không những đi ngược lại những nguyên lý của chủ nghĩa mác xít mà nó còn là một sự lừa đảo có ý nghĩa đối với lao động và nhân dân thế giới. Nó đã gây ra các đổ vỡ như ta đã thấy!
Đối với Trôtski, Liên xô là một chế độ giao thời giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Là giao thời, chế độ này có thể tiến đến chủ nghĩa xã hội hoặc trở lại chủ nghĩa tư bản, theo điều kiện biến chuyển quốc gia và quốc tế! Theo ông, nó chứa chất nhiều mâu thuẫn trầm trọng, một cuộc bùng nổ sẽ không tránh khỏi. Muốn cho Liên xô khỏi băng hoại, phải có một cuộc cách mạng chính trị, lật đổ chính quyền quan liêu, tái lập nền dân chủ xô viết thời Lênin. Không có cuộc cách mạng chính trị này, Liên xô sẽ tiến theo một trong hai giả thuyết: Một là nó sẽ bị một đảng tư sản lật đổ, tái lập chế độ tư sản. Ở trường hợp này, đại bộ phận đẳng cấp quan liêu sẽ tình nguyện trở thành tư sản. Hai là, do sự mâu thuẫn nội tại, quan liêu phân hóa. Đa số sẽ tranh thủ thành lập chế độ tư sản. Quan liêu tự động chuyển hóa thành giai cấp tư sản. Những gì đã xẩy ra gần đây chứng minh cho giả thuyết thứ hai này của Trôtski.
Đúng là khi nền kinh tế Liên xô còn duy trì quốc hữu hóa, công cộng hóa, kế hoạch hóa, độc quyền ngoại thương Nhà nước, tóm lại, còn duy trì những thành quả của Cách mạng Tháng mười, chế độ Liên xô chưa thể coi là chế độ tư sản, đẳng cấp quan liêu chưa thể coi là giai cấp tư sản. Trong điều kiện ấy, Trôtski đã đem hết sức mình đấu tranh bảo vệ Liên xô, đứng trước các cuộc tấn công của tư bản. Sự bảo vệ này chỉ có nghĩa bảo vệ những thành quả của Cách mạng Tháng mười. Ngược lại, ông giữ toàn quyền tự do chỉ trích chính sách của Stalin và ban lãnh đạo Liên xô, mà theo ông, sẽ đi tới kết quả tiêu hủy những thành quả đó!
Hồi sinh thời, Trôtski đã từng luận chiến với hai ông Buyếch Nam (Burnham) và Sát Man (Shachtman)[3], hai học giả người Mỹ, về vấn đề quan liêu và Liên xô. Cuộc luận chiến đã kết liễu bằng sự đoạn tuyệt chính trị giữa đôi bên. Trong hàng ngũ Đệ tứ quốc tế, cứ từng thời kỳ, vấn đề này lại được nêu ra, tranh cãi sôi nổi. Khuynh hướng thiểu số cho rằng quan liêu ở Liên xô, với chính sách phản động của họ, đã trở thành giai cấp tư sản kiểu mới; Liên xô trở thành một nước tư sản kiểu mới. Vấn đề bảo vệ Liên xô không đặt ra nữa như thời Trôtski còn sống. Khuynh hướng đa số vẫn duy trì lập trường cũ của Trôtski, khẳng định “bước nhảy biện chứng” (saut dialectique) đó chưa trở thành hiện thực. Chính sách bảo vệ Liên xô vẫn còn giá trị thời cuộc. Ngày nay, những diễn biến xẩy ra gần đây ở Liên xô đã giải quyết vấn đề này.
Quan liêu và chính sách của quan liêu là vấn đề trọng tâm của mọi vấn đề về Liên xô. Không thể hiểu nổi sự sụp đổ của Liên xô, nếu không có sự nhận xét minh bạch về quan liêu. Một lẽ giản dị: quan liêu chứ không phải chủ nghĩa mác xít đã gây nên sự sụp đổ này.
Thời Mác, thời Lênin, quan liêu chỉ là một khái niệm trừu tượng. Hai ông chưa có điều kiện cụ thể để nhận xét. Công trình của Trôtski là đã khai thác vấn đề, phân tích và phê phán theo phương pháp khoa học và biện chứng. Ông đã đóng góp một phần không nhỏ vào gia tài của chủ nghĩa mác xít.
Trong nhiều tác phẩm, Trôtski trình bày một cách có hệ thống tính chất của quan liêu, sự thành hình và sự trở nên của nó. Dưới mắt ông, quan liêu không phải là một thói tục, một tư cách xử sự trong công việc hành chánh hay bàn giấy. Thứ quan liêu này ở chế độ nào, dưới bầu trời nào cũng có. Quan liêu mà ông nói là một “phạm trù xã hội” (catégorie sociale) xuất hiện từ sau Cách mạng Tháng mười. Đó là một tầng lớp gồm hàng ngàn hàng vạn người[4] nắm giữ những chức vụ then chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, nghiệp đoàn, cùng các tổ chức quần chúng.
Sự phát sinh ra tầng lớp quan liêu đó không do lý thuyết hay chương trình mà do các điều kiện vật chất, kinh tế và xã hội, sự nghèo nàn và lạc hậu của nước Nga, sự thấp kém về trình độ văn hóa và về nhân số vô sản, sự suy sụp của lực lượng sản xuất, sự mệt mỏi của quần chúng và sự tiêu hao lực lượng và nhân số các chiến sĩ, sau ba năm nội chiến và chiến tranh chống can thiệp ngoại bang v.v... Thêm vào đó, sự thất bại của phong trào cách mạng Đức 1918-23 và Hung gia lợi tiếp theo, sự chậm trễ của cách mạng châu Âu mà ban lãnh đạo cách mạng Nga mong đợi để giải tỏa vòng vây tư bản. Tất cả những yếu tố nói trên đã tạo ra điều kiện bất thuận lợi cho cuộc đấu tranh cách mạng và thuận lợi cho sự xuất hiện một tầng lớp quan liêu cơ hội, đứng ra chiếm giữ đặc quyền. Lớp người này cần có một lãnh tụ tin cậy, có quá khứ cách mạng, đồng thời có bộ óc thiển cận, có bản lãnh cương quyết, có mối dây liên hệ mật thiết với các cơ quan chính quyền: “Họ đã tìm ra Stalin, trước khi Stalin tìm ra lối đi của mình”!
Nói về sự thắng lợi của Stalin trong Đảng, cuốn sách này cống hiến bạn đọc nhiều trang nhận xét độc đáo. Tác giả cho ta biết vì sao và dựa vào động lực xã hội nào, điều kiện nào, một người kiến thức hẹp hòi như Stalin, đóng vai trò thứ yếu trong cuộc Cách mạng Tháng mười, chưa mấy ai biết tên tuổi[5] thế mà bỗng nhảy ra sân khấu chính trị nắm giữ những chức vụ quan trọng, loại bỏ được các đối thủ tài giỏi hơn mình!
Sau ngày Lênin mất, một trong những biện pháp của Stalin để chiếm đa số trong Đảng là mở rộng cửa Đảng đón nhận các phần tử quan liêu cơ hội vào Đảng. Chiến dịch này mệnh danh là “khóa Lênin” (promotion Lénine)[6] đã kết nạp hàng ngàn, hàng vạn đảng viên mới mà đại đa số là những người chưa từng có một ngày nào tham gia cách mạng. Họ chỉ có đặc tính là trung thành với Stalin và với Đảng.
Xét về tính chất, quan liêu không phải là một giai cấp, mặc dầu có khát vọng trở thành một giai cấp. Trong quá trình sản xuất, quan liêu không có vị trí độc lập và cần thiết như một giai cấp. Quan liêu chỉ là một đám người ăn bám vào giai cấp lao động, như cây tầm gửi ăn bám vào một thân cây to, rút nhựa để sống. Trong hàng chục năm, quan liêu ở Liên xô đã rút ở nền kinh tế Nhà nước những đặc lợi, đặc quyền cho mình. Mặc dầu không chiếm hữu những phương tiện sản xuất, họ vẫn có quyền hưởng thụ tối đa những sản phẩm do những phương tiện sản xuất này làm ra. Chính vì thế, họ đã bảo vệ (bảo vệ theo phương pháp quan liêu của họ!) nền kinh tế tập thể, thành quả của cách mạng Tháng mười, như “bảo vệ con ngươi của mắt” họ.
Nhưng có một vài điều vẫn làm cho họ không thỏa nguyện. Thứ nhất là cái địa vị “chông chênh” của họ. Hôm nay nắm đặc lợi đặc quyền. Ngày mai có thể mất hết! nếu không bị đưa đi đầy ở các gu-lắc hoặc bị một phát súng bắn vào sọ! Thứ hai họ vẫn phải lẩn lút giấu giếm thu nhập của họ, trước mắt dân chúng. Họ vẫn phải giả dối, đem chủ nghĩa mác xít ra tuyên truyền, trong lúc họ áp dụng chủ nghĩa này dưới lăng kính quan liêu của họ. Về mọi phương diện, tinh thần cũng như vật chất, đời sống của quan liêu khác biệt với đời sống của lao động, ngoài việc họ ăn bám lao động như những ký sinh trùng!
Khác với giai cấp tư sản có quyền tư hữu, làm giàu, quan liêu có quyền hưởng thụ, không có quyền thuê mướn, bóc lột nhân công, trở thành triệu phú. Triển vọng số đông trong đám họ là có sự ổn định trong đời sống, tránh khỏi những bất trắc do chính thể của Stalin luôn luôn gây ra cho họ. Đứng trước sự sụp đổ của nền kinh tế tập thể do sự quản lý quan liêu của họ làm ra, họ nhận thấy không còn lối nào thoát ngoài việc tự mình chuyển hóa thành giai cấp tư sản. Họ sẽ có quyền tự do tích lũy tư bản, có quyền công khai xây dựng những xí nghiệp tư gia, có quyền công khai tuyên bố lý tưởng của mình như mọi giai cấp khác. Họ cần phải cắt mối giây ràng buộc họ với giai cấp lao động, đoạn tuyệt với Cách mạng Tháng mười mà họ đã lạm dụng danh nghĩa và uy tín trong vòng hơn nửa thế kỷ!
Cũng như mọi tầng lớp xã hội khác, tầng lớp quan liêu phát triển không đồng đều. Hàng ngũ họ bao gồm nhiều cấp bậc. Do đó có nhiều khuynh hướng khác nhau. Nếu đại đa số[7] muốn trở thành tư sản, một thiểu số, gọi là “bảo thủ”, vẫn còn luyến tiếc quá khứ. Lớp người này lo sợ ngày mai không biết có duy trì được đặc lợi đặc quyền mà họ đang có? Trong đám đa số, gọi là “đổi mới” cũng phân chia hai ba khuynh hướng. Có người muốn “đổi mới” nhanh. Có người muốn chậm. Có hạng người thứ ba muốn điều hòa nhanh chậm để tránh đổ vỡ và nhất là tránh sự phản đối mạnh mẽ của quần chúng.
Bản chất sâu xa của quan liêu là bảo thủ. Họ sợ những gì mới, những gì mà họ chưa kiểm soát được. Họ sợ nhất là các phong trào tự phát và độc lập của quần chúng! Kêu gọi quần chúng xuống đường lật đổ chế độ cũ là một hành động “mạo hiểm” đối với họ. Mạo hiểm vì tình hình có thể diễn biến khác với ý muốn của họ, một khi quần chúng nhảy vào cuộc tranh đấu. Nhưng họ không còn con đường nào khác chấm dứt một tình trạng đổ vỡ mà chính họ đã gây ra!
Sau khi đã tận hưởng gia tài của Cách mạng Tháng mười và làm cho nó khánh kiệt, quan liêu “khám phá” ra rằng sự băng hoại của Liên xô không do tội lỗi của họ mà do đường lối của Lênin, “do sự không chính lý” của Cách mạng Tháng mười “là cuộc cách mạng đi ngược bước tiến của lịch sử”. Họ quên rằng những thể chế quốc hữu hóa, công cộng hóa, kế hoạch hóa, độc quyền ngoại thương v.v... tự nó không nhất thiết gây ra tai hại cho nền kinh tế. Sự tai hại là do việc quản lý quan liêu, do những thể chế chính trị quan liêu đã ngăn cản bước tiến triển của nó.
Họ quên rằng Cách mạng Tháng mười xẩy ra 1917, Lênin mất 1924! Sau đó, trải qua hơn 50 năm, ai đã giữ vận mệnh của Liên xô? Ai đã thực hiện chính sách đi ngược hẳn đường lối của Lênin và những nguyên lý mà Cách mạng Tháng mười đã đề ra?
Sự sụp đổ của Liên xô không phải là tiền định, không phải không thể tránh khỏi. Một đảng cách mạng theo tinh thần Lênin, một đảng có chương trình đúng đắn, biết dự báo hiểm họa, đưa ra các biện pháp đề phòng quan liêu và loại trừ nó trong trứng nước; một đảng biết tôn trọng quyền tự do dân chủ, quyền đối lập trong nội bộ đảng, quyền tự do phê bình kiểm soát lãnh đạo, tình hình có thể diễn biến một cách khác hẳn.
Cuộc Cách Mạng Bị Phản Bội là bản cáo trạng lên án chính sách quan liêu staliniên đã áp dụng ở Liên xô. Nó giải đáp một số những sự kiện xẩy ra gần đây ở xứ này. Nó trả lời những ai, thiếu nhận xét khách quan, coi sự sụp đổ của Liên xô là sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.
Hoàng Khoa Khôi
Paris, Décembre 1992
Chú thích:
[1] Cuộc phản cách mạng chính trị Tháng Nóng (Tháng 7-1794) ở Pháp đã xử tử Robespierre và một số các lãnh tụ cách mạng.
[2] Coi Trôtski Toàn Tập, Tập V trang 86.
[3] Hai ông Buyêch Nam và Sát Man chống sự bảo vệ Liên xô trong cuộc chiến tranh 1939 - 40.
[4] Năm 1936, Trôtski lượng tính 400.000 người trong giới lãnh đạo và 6.000.000 người ở các cấp dưới (những người có vai trò quản lý, chỉ huy, phân phát, phạt và thưởng). Ít nhất là 12% dân số.
[5] Trong “Tờ Trình Bí Mật Của Krúpxêp về Stalin) trang 70, nxb Nghiên Cứu tại Pháp 1982.
[6] Khóa này đã chấp nhận 240.000 đảng viên mới, chiếm gần một nửa số đảng viên của đảng. (Coi cuốn La Nomenklatura en URSS của Michael Volensky, trang 80, nxb Belfond, Paris).
[7] Nhiều người đã sai lạc gọi đám người này là “tiến bộ”.