MỤC LỤC Thay lời giới thiệu Sách chép tiểu sử sáu danh nhân: Dostoïevsky, Jack London, Voltaire, Mustapha Kémal, Ibn Séoud và Byon. [1] Bìa sau sách in đoạn kết tiểu sử Dostoïevsky như sau: “Ngày 28 tháng giêng năm 1881, sau mấy ngày ngoạ bệnh, mấy lần thổ huyết, ông tắt nghỉ. Thanh niên tranh nhau khiêng quan tài tới nhà thờ. Lính canh phải đóng cửa nhà thờ vì không còn chỗ đứng. Có kẻ mặc tang phục, dắt con gái, mạo nhận là bà Dostoïevsky để được vô. Ba vạn người, bảy mươi cơ quan phái người đưa ông tới huyệt: có đủ các giới từ các ông hoàng, các linh mục, thợ thuyền, nông dân, và cả hành khất; cờ đâm tua tủa lên như rừng, hoa thơm chất thành núi. Và còn hơn các văn hào khác, tới nay tám chục năm, danh ông mỗi ngày một tăng chứ không hề giảm. Ông nói: “Muốn viết cho hay thì phải đau khổ, đau khổ”. Suốt đời, ông đã thực hành đúng lời đó”. Giống như Dostoïevsky, cụ Nguyễn Hiến Lê cũng “mấy lần thổ huyết”, và cũng giống như Jack London, cụ cũng muốn được “hoả táng”, nên ở đây tôi xin được chép thêm đoạn kết bài viết tiếp theo: “Trước khi chết ông (tức Jack London) viết thư cho một bạn thân, bác sĩ Ecrison, dặn dò những lời cuối cùng: “Hoả tán là cách độc nhất thích nghi, hợp lý và đoan chính để cho đời khỏi bận về ta (…). Như vậy cũng tiện cho con cháu nữa. Tại sao để cho thể xác thối nát của ta làm xấu cảnh thiên nhiên đi (…)? Vả lại đọc sử ta chẳng thấy rằng bao nhiêu những gắng sức ích kỷ để vĩnh tồn sau khi chết đều thất bại cả ư? Trong các Kim tự tháp, vua Ai Cập chỉ lưu lại cho ta ít di tích để bày trong các viện bảo cổ, chứ có gì khác đâu?”. Những gắng sức ích kỷ để vĩnh tồn thì tất phải thất bại, nhưng những gắng sức vị tha trong lúc sống thì bao giờ cũng thành công. Còn thanh niên, thì tên ông còn nhắc tới, và những tác phẩm của ông như Tiếng gọi của rừng, Đứa con của sói, Nanh trắng, Truyện biển miền nam… còn được trân tàng trong mỗi tủ sách gia đình vì ai cũng nhận ông là một trong số các nhà văn có công nhất với bọn trẻ: ông đã dạy họ bài học can đảm, mạo hiểm, kiên nhẫn, thương người trong những truyện mà nghệ thuật hấp dẫn rất cao”. Ta tìm đọc tiểu sử các danh nhân Dostoïevsky, Jack London… chẳng những là để tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp các nhà đó mà còn để hiểu được ít nhiều quan điểm của tác giả về văn học, nghệ thuật, về chính trị, xã hội, nhân sinh… Hơn nữa, đọc Gương chiến đấu của cụ Nguyễn Hiến Lê, ta còn thỉnh thoảng thấy thấp thoáng cuộc đời của chính tác giả, một người luôn phải chiến đấu với nghịch cảnh, chiến đấu với bệnh tật để học và để viết; còn sự nghiệp của cụ, tôi cho rằng, cũng không khác mấy với những lời cụ nhận định về sự nghiệp các danh nhân đó: “danh ông mỗi ngày một tăng chứ không hề giảm”, và “còn thanh niên, thì tên ông còn được nhắc tới, và những tác phẩm của ông như (…) còn được trân tàng trong mỗi tủ sách gia đình”. Vâng, nếu ta bảo rằng “Danh cụ Nguyễn Hiến Lê mỗi ngày một tăng chứ không hề giảm; còn thanh niên, thì tên cụ còn được nhắc tới, và những tác phẩm của cụ như các sách thuộc loại “Gương danh nhân” - trong đó có cuốn Gương chiến đấu này - chẳng hạn, còn được trân tàng trong mỗi tủ sách gia đình”, thì lời nhận xét đó cũng có phần hợp lý.
Goldfish
Tháng 04 năm 2010
Chú thích:[1] Cuốn Gương chiến đấu in lần đầu tiên năm 1966 (Nxb Nguyễn Hiến Lê). Trong Đời viết văn của tôi, cụ Nguyễn Hiến Lê cho biết bài Voltaire đăng trên Giáo dục phổ thông (số 39, 40 - năm 1959), và ba bài sau đăng trên Bách khoa: Dostoïevsky (số 82, 83 - năm 1960), Mustapha Kémal (số 86, 87 - cũng năm 1960), Ibn Séoud (số 107, 109, 110, 111 - năm 1961). (Goldfish).