Ra trông coi đền, chị Yến được ở ngay tại hậu điện. Chị ăn cơm tù hơn hai mươi năm rồi nhưng nếu gặp chị ở ngoài xã hội chắc chắn không ai nghĩ đó là một nữ tù nhân.Không gian mà câu chuyện này nhắc đến khá rộng lớn và đặc biệt. Mặc dù “không gian” là một cái gì đó không cần quá cụ thể trong truyện ngắn, nhưng ở đây người viết vẫn nhấn mạnh rằng, bạn đọc đang được giới thiệu về một không gian có tường rào bao quanh và không dễ được nhìn thấy, được vào ra, được thăm thú hay tìm hiểu, nếu tính tỉ lệ dân số thì cứ một nghìn ba trăm người mới có một người được (hay phải) vào đây.Nếu chẳng may một ai đó từ trên trời rơi xuống khoảng không gian này, thì cảm nhận đầu tiên là đang lạc vào một thôn xóm trung du chứ không phải là một nông trường, hay một đại công trường khai khoáng nào đó.Trước hết là núi. Núi kề vai sát cánh chạy dài, bao bọc cả một khoảng chân trời phía Tây. Núi ở đây cơ bản là đá hoặc lõi đá, không dùng vào việc trồng cây gây rừng hay chăn thả gia súc gia cầm gì được. Người ta đã bắt tay vào khai thác đá ở đây bốn mươi năm rồi, và nếu cứ khai thác với tốc độ như thế này thì những con người nhỏ bé kia phải mất bốn trăm năm nữa mới có thể làm cho không gian này trở nên phẳng lỳ, hoàn toàn không còn núi đồi gì nữa.Dưới chân núi là ruộng. Ruộng được chia thành nhiều khoảnh, to nhỏ, xiên xẹo, dàn trải. Trên những khoảnh ruộng đó người ta trồng một năm hai vụ lúa. Bên cạnh những thửa ruộng là một con mương nhỏ dùng để tưới tiêu. Con mương này dẫn nước từ trên núi xuống, sau khi đi một vòng loanh quanh bên chân các thửa ruộng thì chảy ra một cái hồ nằm ở phía Bắc, gọi là hồ Thanh Tẩy. Tại sao lại là Thanh Tẩy? Theo một vài người nói lại, thì, nó được dùng để tẩy trần những thể xác dơ bẩn và thanh lọc những tâm hồn tội lỗi nên được gọi bằng cái tên ấy.Xen kẽ giữa các khoảng ruộng là những dải đất cao dùng để trồng màu. Ngô, khoai, sắn, mía, dưa, bí, bầu… mùa nào thức ấy, xanh mướt, non tơ hoặc lúc lỉu, bộn bề quả, hạt.Hết phần ruộng và đất trồng màu là đến khu nhà ở. Có năm khu tất cả. Khu hành chính tọa lạc trên quả đồi cao nhất, cây cối xanh um, rất nhiều voi chầu hổ phục, rồng leo báo nhảy, công xòe phượng múa, ngựa phi chim lượn cùng non bộ và các thế bonsai rải kín từ cổng chính vào tới tiền sảnh, vòng qua sân sau ra tới tận cổng hậu. Sự kỳ thú này được tạo lên bởi chất liệu đá và gỗ, do những bàn tay khéo léo nhất trong số gần một vạn con người làm ra. Gần một vạn con người đó sống trong bốn khu nhà còn lại dưới chân đồi. Bốn khu nhà này cơ bản giống nhau, được đánh số từ A đến D, có cổng riêng, bất cứ ai ra vào đều phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt. Mỗi khu có sức chứa trên dưới ba ngàn người. Khu A và khu B toàn nam giới. Khu C dành riêng cho nữ. Khu D đặc biệt hơn một chút, nói theo ngôn ngữ ở đây là “dành chứa đám tiểu yêu”, tức là những cậu bé từ mười bốn tuổi trở lên nhưng dưới mười tám tuổi. Nếu hàng sáng, những đoàn người từ ba khu nhà kia lần lượt làm thủ tục “xuất trại” để ra ngoài đi làm, thì đám tiểu yêu ở khu nhà D chỉ làm việc trong bốn bức tường của khu nhà đó thôi. Thỉnh thoảng, người ta “nhặt” vài ba đứa đi làm việc này, việc khác, nhưng theo quy định chung thì chúng chưa phải ra ngoài lao động như người lớn.Tất nhiên, ngoài năm khu nhà chính trên đây, còn có những “công trình” phục vụ cộng đồng như trạm xá, nhà trẻ, trạm bơm, máy phát điện hay những dãy nhà lẻ tẻ, ngang dọc, lô nhô, lúp xúp dành cho những người có chức trách ăn ở, sinh hoạt, học tập và công tác.Đến đây thì bạn đọc đã lờ mờ đoán ra không gian mà câu chuyện này đề cập.Vâng, đó là một trại giam.Tên trại được gọi theo tên hồ nước dưới chân núi: Trại giam Thanh Tẩy. Nhưng người viết vẫn phải tiếp tục làm phiền bạn đọc, tức là vẫn phải tiếp tục kể về một điểm nhấn của cái không gian đặc biệt này. Điểm nhấn đó không nằm trong những khu nhà kể trên mà nằm ở trong dãy núi phía Tây, ngay sát con đường rải đá cấp phối, theo hướng đi về phía hồ Thanh Tẩy.Điểm nhấn ấy là một ngôi đền.Đền nằm tựa vào vách núi, phải leo hai quãng bậc đá mới lên tới điện thờ chính. Giữa hai quãng bậc đá có chỗ nghỉ chân khá rộng rãi, được đặt một số bàn ghế cho khách ngồi chơi, ngắm cảnh. Tại chỗ nghỉ chân này, dưới gốc đại già có một tấm bia đá, khắc chữ màu vàng, nội dung như sau: Vào năm 1419, Lê Lợi cùng một số thuộc hạ của ông bị quân Minh vây bắt, truy đuổi vào tận vùng núi đá này. Giữa lúc tưởng như rơi vào tay kẻ thù thì có một người dân làm nghề đẽo đá đã chỉ chỗ ẩn nấp cho Lê Lợi và những người đi theo Ngài. Khi quân Minh đuổi đến, chúng đã bắt người làm đá này, hành hạ đánh đập suốt ngày suốt đêm để ông phải khai ra thủ lĩnh của nghĩa quân Lam Sơn lẩn trốn ở đâu. Không chịu được đòn thù, người đẽo đá đã chấp nhận dẫn quân Minh vào hang bắt Lê Lợi. Ông dẫn quân Minh vào sâu trong một ngách núi, nơi ông biết rõ có một bãi đá ở lưng chừng núi sẽ đổ sập xuống nếu có một chấn động nhỏ. Đến đây ông đã bất ngờ giật dây leo cho đá lăn xuống, đè chết cả nhóm quân Minh. Bản thân người đẽo đá cũng bị đá đè chết, xác ông nằm lẫn với xác giặc Minh. Nhờ vậy mà Lê Lợi thoát được. Sau này khi cuộc khởi nghĩa thành công, Lê Lợi lên làm vua, nhớ đến người đẽo đá trong núi sâu đã bỏ xác vì mình, Đức vua đã cho xây tại đây một ngôi miếu thờ. Người dân quanh vùng coi ông như một vị thần. Vì không ai biết tên ông nên mọi người gọi ông là Thần Đá Rơi. Sau nhiều thay đổi, bây giờ tại chân miếu cổ ngày xưa được dựng lên một ngôi đền thờ Thần Đá Rơi. Ngôi đền này, không ngoài mục đích gì khác, là dành cho các gia đình cán bộ chiến sĩ công nhân viên và các anh chị em phạm nhân trong khu vực trại giam Thanh Tẩy đến thắp hương tưởng niệm tri ân vị thần có công với nước.Người viết những dòng chữ trên đây là một phụ nữ. Thông thường thì người ta có thể gọi người phụ nữ này là “con mụ”, “thị”, “kẻ giết người”, “đồ sát nhân”, “phạm nguy hiểm”, “nữ tù”, vân vân, nhưng người viết truyện này xin được gọi là “chị”. Chị tên Yến, phạm tội giết người, tù chung thân, được giảm án hai lần, đã thụ án hai mươi tư năm, đang tiếp tục hy vọng vào đợt đặc xá tới sẽ xét giảm án lần thứ ba, và có thể sẽ được ra tù trước khi chị bước sang tuổi bốn mươi sáu. Chị được Ban giám thị cho ra đây trông ngôi đền này đã tám năm. Trước đây ngôi đền chỉ là một bức tường đá sót lại của gian miếu thờ Thần Đá Rơi. Hoang tàn là vậy nhưng người ta vẫn thấy có những chân hương cắm la liệt quanh bức tường. Mặc dù những đoàn tù nhân hàng ngày đi lao động qua đây chỉ “trên răng dưới các tút” nhưng quanh năm suốt tháng, ngày rằm mùng một người ta vẫn thấy có đầy đủ xôi gà oản chuối được đặt dưới bức tường miếu hoang. Nhận thấy tâm linh là một nhu cầu không thể thiếu của con người, nhất là những người đang trên hành trình sám hối, vị giám thị mới đã quyết định cho xây dựng lại ngôi đền, và khi tìm thủ đền, chị Yến đã được chọn trong số hơn hai nghìn phạm nhân nữ đang thụ án. Tại sao lại chọn chị Yến? Có thể có nhiều lý do, vì chị ta chấp hành nội quy trại giam tốt chẳng hạn, vì thời hạn cải tạo của chị sắp hết chẳng hạn, vì chị ta có căn số hợp với nhà đền chẳng hạn, vì chị ta có chút chữ nghĩa chẳng hạn. Thôi thì cũng không nên tìm hiểu cái lý do nào khiến chị Yến trở thành thủ đền, cứ đọc “văn bia” mà chị ta viết thì thấy câu chữ cũng gãy gọn, nếu muốn tò mò một chút sẽ được biết thêm, chị Yến từng là một giáo sinh.Ra trông coi đền, chị Yến được ở ngay tại hậu điện. Chị ăn cơm tù hơn hai mươi năm rồi nhưng nếu gặp chị ở ngoài xã hội chắc chắn không ai nghĩ đó là một nữ tù nhân. Chị có khuôn mặt tròn, da dẻ còn căng mịn. Tóc chị thường búi thành lọn ra sau gáy, chưa có sợi bạc nào. Cánh mũi thẳng, tạo cho khuôn mặt sự thanh tú và dễ gần. Đôi môi hồng hào, khi cười khoe ra hàm răng trắng. Dáng dấp thoáng, gọn, nhanh nhẹn. Ám ảnh nhất từ chị có lẽ là ánh mắt đen, hơi buồn, ẩn giấu nhiều tâm trạng. Có cảm giác chị cố làm cho vẻ bề ngoài của mình già hơn so với cái nội tâm vẫn còn căng tràn nhựa sống. Nhìn chung, mỗi người ghé thăm đền sẽ có một cảm nhận riêng về chị, còn vợ của ngài giám thị, cũng là một nhà giáo, thì nhận xét ra miệng thế này: Cô Yến có nét gì đó đảm đang, nhu mì, tháo vát, khôn khéo, biết người biết ta, biết thân biết phận, thủ đền là rất hợp.Năm đó vợ ngài giám thị lên chơi với chồng cả tháng. Nếu không có người thủ đền chuyện trò giải khuây thì phu nhân giám thị buồn đến phát ốm. Nhưng không phải ngay lập tức chị Yến đã gây được thiện cảm nơi bà giám thị. Sau buổi nói chuyện đầu tiên với chị, vợ ngài giám thị đã về lục hồ sơ lưu ra đọc. Bản cáo trạng xỉn mầu, chữ bay gần hết nhảy nhót mờ nhòe trước mắt bà. Bà buông kính, nhìn ra ngoài hòn non bộ, bâng khuâng không hiểu nổi tại sao người phụ nữ hơn bốn mươi tuổi mà bà vừa gặp lại có thể là kẻ giết người. Mà khi giết người Yến còn rất trẻ. Hai mươi mốt tuổi. Lại vừa học xong cao đẳng sư phạm. Lại là cán bộ đoàn. Lại học lực khá. Thế mà cầm dao đâm thẳng vào cổ người yêu là một thầy giáo dạy văn trong trường. Kỳ lạ thật. Khi ấy cái cô Yến là cô Yến nào chứ chẳng lẽ lại là cái cô thủ đền mà bà vừa gặp?Vài tuần sau, khi đã thân quen và thực lòng yêu quý người thủ đền, bà giám thị hỏi thẳng Yến:- Tại sao không kiềm chế được mà lại cầm dao đâm người ta thế?Yến lắc đầu, cười buồn:- Em cũng chả biết tại sao bà ạ.Bà lại hỏi:- Có yêu nó nhiều không?Yến rưng rưng:- Hôm đó em lên hội trường nhận bằng tốt nghiệp. Rồi về phòng tổ chức cán bộ nhận quyết định điều về trường chuyên của tỉnh. Nhận xong, em vội về phòng anh ấy ở dãy nhà tập thể giáo viên, định khoe với anh ấy hai niềm vui cùng lúc mà em vừa nhận được. Nhưng anh ấy lại đang ôm ấp một con bé sinh viên học khóa sau. Em biết con bé này, mấy lần vẫn va chạm với nó nhưng em không thể tin là nó lại có thể giành được anh ấy từ tay em. Em bỏ về. Nhưng tối hôm ấy em quyết định đến giết anh ấy. Khi quyết định vậy, em chả nghĩ gì khác, chỉ nghĩ là giết anh ấy rồi tự giết mình. Thế là xong. Nhưng thấy máu ra thì em sợ quá. Em không dám chết...Vợ ngài giám thị ôm lấy vai Yến:- Dại quá! Chết đâu dễ. Sống mới khó chứ. Thế có bao giờ mơ thấy nó về nó trách gì không?Yến gật đầu:- Từ ngày ra coi đền, em hay gặp anh ấy. Cứ đêm nào em gặp anh ấy là hôm sau trên núi có đá rơi.- Đá rơi?- Vâng, có đá rơi là có người chết.- Ai chết? Những phạm nhân làm đá à?- Vâng, có người chết là em lại tắm rửa cho họ. Dùng nước hồ Thanh Tẩy để tẩy trần, rồi nhập quan và đưa ra nghĩa địa chôn. Về đền, em lại cúng khấn cho họ nữa.- Cúng đến bao giờ?- Thường thì hết giỗ đầu bà ạ. Em chỉ cúng cho những người nằm lại đây, còn ai được người nhà đón về thì thôi. Vong họ theo về với gia đình của họ rồi.- Có nhiều người chết không?- Nhiều bà ạ. Cũng như ngoài xã hội thôi, nhiều kiểu chết lắm. Chết vì già, vì ốm, vì tai nạn, vì tự tử, vì đánh nhau... Trước đây thì làm đơn giản, nhưng từ ngày có đền, ai cũng muốn thủ đến cắm cho họ nén hương, tụng cho họ bài kinh, gõ cho họ mấy tiếng chuông. Có người đi làm qua đây, còn bảo em: Chị ơi, em án chung thân, chắc chết trong này thôi, nếu em chết chị cúng cho em nhé, nhà em chả còn ai, em nhờ chị, chị nhớ nhá, chị mà quên là em về em oán chị đấy.- Thế cũng sợ nhỉ!- Vâng. Hồi đầu mới ra đây ở em sợ lắm. Em cũng đâu quen việc cúng bái. Nhưng mà như có người về mách bảo đấy bà ạ. Rồi em cứ tự làm được mọi việc...Không muốn câu chuyện nhuốm màu tang thương, bà giám thị quay sang gợi chuyện khác:- Thế là cô Yến ra trường từng ấy năm mà vẫn chưa được đứng lớp lần nào nhỉ? Chưa được dạy dỗ một ai đúng không? Có bao giờ nghĩ đến chuyện được làm cô giáo nữa không?- Nghĩ thì nghĩ nhiều chứ bà. Có nhiều đêm em mơ đang giảng bài bà ạ. Tỉnh dậy chỉ mong được một lần lên lớp rồi chết ngay cũng thỏa nguyện. Nhưng mà cái số em nó thế rồi, bà bảo, biết trách ai?Sau lần đó không thấy bà giám thị lên thăm chồng nữa. Nhưng thỉnh thoảng bà lại gửi đồ cho chị Yến, thường là các sách về kinh Phật và văn học.