CHƯƠNG 1

P hi cơ đã cất cánh lên một lúc khá lâu.
Phía ngoài cửa sổ, là từng lớp lớp sóng mây, mây cuộn lấy mây, mây bao lấy mây, mây ôm lấy mây. Chí Tường ngồi tựa bên song cửa, ngẩn ngơ nhìn từng lớp mây trùng điệp phía bên ngoài. Lần đầu tiên ngồi phi cơ, lần đầu tiên xuất dương đi xa, lần đầu tiên thực sự rời khỏi gia đình... xa rời Đài Loan. Những cảm giác tràn ngập trong lòng chàng, cũng giống như những lớp mây xô đẩy, cuốn hút lẫn nhau phía ngoài kia; trong lớp mây mờ mù mịt vẫn lóe ra tia sáng xinh đẹp của ánh thái dương chiếu rọi trên vạn vật. Nỗi sầu ly biệt và sự đợi chờ, nhớ nhung và náo nức, hoang mang và hăng hái... đều là những cảm giác mâu thuẫn, phức tạp đang chất chứa đầy trong tâm hồn chàng ngay bây giờ. Chàng không biết anh mình - Chí Viễn - khi đi ra nước ngoài lần đầu tiên, có phải giống như chàng hiện nay, cũng mang đầy trong lòng những cảm xúc không nói được nên lời? Chắc chắn, Chí Viễn lúc đó còn hoang mang nhiều hơn chàng bây giờ nữa, vì lúc đó Chí Viễn đã đơn thân độc mã đi đến một xứ sở hoàn toàn xa lạ. Còn chàng - Chí Tường - ít nhất cũng có người anh ở đó cho chàng tìm đến!
Anh chàng! Anh chàng đang ở La Mã, kinh đô âm nhạc và nghệ thuật thần kỳ! Anh chàng đang chờ chàng đến, đang chờ chàng chia xẻ sự thành công của anh. La Mã - đối với Chí Tường, La Mã là những chất chứa của thật nhiều tấm postcard do Chí Viễn liên tục gửi về trong mấy năm qua, trong những tạp chí du lịch chàng đã đọc, và cả trên màn ảnh ciné mà chàng đã xem: đấu trường thời cổ, phế thành La Mã, Michelangelo... dĩ nhiên còn có cả hí viện ca nhạc kịch huy hoàng sang trọng! La Mã, vùng đất mà chàng mơ tưởng đã lâu trong giấc mộng. Bây giờ, phi cơ đang bay về hướng đó, cứ mỗi lần gần thêm một phút, là chàng rời xa gia đình thêm một phút!
Gia đình! Chí Tường lắc lắc đầu, định cố gắng dùng hai chữ "La Mã" để làm giảm bớt đi nỗi sầu ly biệt của mình! Thế nhưng, trong ánh mặt trời lóng lánh phía đàng sau lớp mây trôi trùng trùng điệp điệp kia, vẫn lấp lánh những giọt lệ ngắn dài của cha mẹ già. Ba mươi hai năm, những ngày tháng dài đăng đẳng, nuôi lớn hai đứa con trai, tám năm trước tiễn Chí Viễn ra đi, bây giờ lại tiễn Chí Tường ra đi. Chí Viễn đã có thể một đi tám năm dài, thì Chí Tường sẽ đi bao lâu?
Tựa đầu vào thành ghế, Chí Tường nhắm mắt lại, mái tóc điểm sương của cha già, và đôi mắt già nua lấp lánh sau đôi kính lão, hiển hiện ngay lên trong óc chàng:
- Chí Tường, đừng có lo nhớ gì cho ba và mẹ cả, sức lực của ba mẹ vẫn còn mạnh lắm! Có dạy học thêm hai mươi năm nữa cũng chẳng hề gì. Con đi rồi, phải giỏi như anh con vậy nhé! Con biết đó, ba mẹ không phải là người cổ hủ, không phải ba mẹ muốn con có bằng cấp gì, mà chỉ hy vọng là con thật sự học được một cái gì đó về đây!
Ba dạy học suốt một đời, nên không khỏi có chút méo mó nghề nghiệp! Cho dù đưa con trai lên phi cơ, nói chuyện vẫn không khác nào lên lớp học trò - không quên chuyện khích lệ và dạy dỗ. Nhưng mẹ thì lại không giống như thế, dù sao mẹ cũng là đàn bà, nói chuyện "tình cảm" hơn nhiều:
- Khi gặp anh con, nhớ nói với nó rằng, tám năm rồi. Coi như nó cũng đã công thành danh toại rồi, đừng nên có nhiều tham vọng quá, nếu có thể về được, thì hãy trở về xem xem vậy! Năm nay nó đã ba mươi hai tuổi rồi, cũng cần phải lập gia đình rồi đấy!
Ba ngắt lời mẹ:
- Úi chà, đúng là bụng dạ đàn bà! Âm nhạc và nghệ thuật đều giống như nhau, sự học coi như bất tận, Chí Viễn không trở về, là vì tự cảm thấy mình học chưa đủ, huống chi bây giờ Chí Tường sang bên ấy, nó cũng phải ở lại bên đó để trông nom Chí Tường ít nhất là hai năm đầu chứ, bà thúc nó trở về làm gì? Thời gian chín mùi, con tự nó sẽ biết trở về ngay thôi chứ gì!
Mẹ cười một cách thật miễn cưỡng:
- Thật không? Chỉ e chim én con khi lớn lên, bay được ra ngoài rồi lại không còn nhìn ra được tổ cũ của mình nữa chứ!
- Bà nói cái gì vậy? Con của mình mà lại như thế à?
Ba ôm lấy mẹ nói bằng một giọng trách móc. Vợ chồng già với nhau rồi, nhưng cha mẹ vẫn còn "tình" lắm. Tuy nhiên, không biết vì sao, sự "tình tứ" đó của hai ông bà, lại cho Chí Tường cái cảm giác thê lương thế nào đó. Gia tài chỉ có hai đứa con trai, thế mà bọn chúng nó đều đi hết, chỉ còn lại đôi vợ chồng già, cái cảnh "nương tựa" vào nhau đó, trông sao mà buồn thảm! Ba trừng mắt nhìn mẹ:
- Bà đừng nên quên, hai đứa con trai của chúng ta, đều hơn hẳn người thường đấy!
Mẹ cố gắng gượng cười:
- Dĩ nhiên rồi! Đàn ông nào cũng thế, con trai thì con của mình là nhất, vợ thì vợ của người là hơn!
Ba nói:
- Chẳng lẽ bà lại ghen với con mình như thế à!
Mẹ bật cười, ba cũng cười, Chí Tường không nhịn được, cũng cười theo. Tuy nhiên, xen lẫn trong những tiếng cười đó, vẫn có một nét ngậm ngùi và thê lương như thế nào đó, không nói được bằng lời. Trong khoảnh khắc đó, Chí Tường đột nhiên cảm thấy tròng mắt mình nóng lên, cổ họng như bị chặn cứng lại, chàng chạy đến phía trước, ôm choàng lấy cổ cha mẹ, nói nho nhỏ:
- Ba mẹ yên tâm đi, con và anh Hai, suốt đời bao giờ cũng nhìn ra nhà của mình! Chỉ cần học hành xong xuôi, chúng con nhất định sẽ trở về!
- Cái gì mà "học hành xong xuôi"? Ngành thanh nhạc của anh con, đã học được tốt như vậy rồi, thế mà nó lại mê ca nhạc kịch...
- Mẹ, đó là do sự di truyền của mẹ đó mà! Và đó cũng là sự vinh quang của mẹ! Anh Hai có thể cùng với bao nhiêu những nhà nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới diễn xuất chung trên một sân khấu, mẹ không vui sao?
Mẹ lại cười, trong nụ cười có mang nét an ủi, nhưng lại cũng có chút ngậm ngùi.
- Con trai mình có sự thành tựu thì bao giờ cũng tốt, tuy nhiên...
Ba lại ngắt lời mẹ:
- Tuy nhiên chỉ tại vì bà nhớ nó mà thôi! Bao nhiêu năm nay, Chí Viễn gửi tiền về, phải trả nợ cũ, phải lo cho Chí Tường xuất ngoại, do đó không có dư. Ráng chịu đựng thêm một vài năm, chúng ta trả xong luôn hết phần nợ mới của Chí Tường, chúng ta sẽ đi Âu Châu thăm chúng nó! Bà cũng sẽ được hoàn thành mong ước được đi du lịch Âu Châu từ bao nhiêu năm nay!
- Bây giờ, "mong ước" đó cũng đã bị biến chất rất nhiều rồi...
- Thôi đừng nói nữa, nói tới nói lui, thì cũng chỉ là vì bà thương nhớ hai thằng con trai mà thôi!...
Đột nhiên ba thở dài thật nhẹ:
-... Nếu như cả hai đứa chúng nó, đều chỉ bình thường như những đứa trẻ khác, thì cũng xong đi. Thế nhưng, chúng nó lại đều ưu tú như thế!
Ưu tú? Ánh mắt của Chí Tường lại đưa ra nhìn ngoài song cửa. Ưu tú? Trong cơn mơ màng phảng phất, chàng lại trở về thuở ấu thơ, sáu tuổi, lần đầu tiên chàng đem về chiếc cúp vàng giải quán quân của cuộc thi hội họa thiếu niên toàn tỉnh, trong ánh mắt của ba toát ra những tia sáng kiêu hãnh biết mấy!
- Nhà chúng ta không những chỉ có một thiên tài âm nhạc, mà lại xuất hiện thêm một nghệ thuật gia tí hon nữa đây!
Lúc đó, anh của chàng - Chí Viễn, từ nhỏ vốn đã có mỹ danh là "thần đồng" - đã mười bốn tuổi, khi bốn tuổi, Chí Viễn đã tham dự ban hợp ca nhi đồng, từ nhỏ, bao nhiêu loại phần thưởng, cúp vàng, cúp bạc, cờ gấm v.v... đều đã được Chí Viễn đem về chất đầy nhà. Mẹ thường hay chọc quê ba:
- Ông dạy mỹ thuật, tôi dạy về âm nhạc, ngó bộ sự di truyền của tôi mạnh hơn của ông đấy nhé!
Nhưng từ khi chàng đem chiếc cúp đầu tiên về trở đi, mẹ chàng không còn chọc ba như thế nữa. Chí Tường cũng không còn để cho Chí Viễn dành hết tất cả những lời khen tặng. Mỗi lần Chí Viễn đoạt được chiếc cúp nào, là gần như Chí Tường cũng ôm về một cái. Thế nhưng, hội họa và ca nhạc không giống nhau, Chí Viễn có được một giọng ca trầm ấm đầy thiên phú, cộng thêm với sự huấn luyện về âm nhạc sau này, giúp cho chàng ngoài việc ôm về nhà những chiếc cúp bạc, còn đem đến rất nhiều những tràng vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt. Từ nhỏ, Chí Tường đã quen được cha mẹ dẫn đi nhiều chỗ khác nhau để nghe Chí Viễn trình diễn, mỗi lần như thế, những tiếng vỗ tay tán thưởng như sấm sét đều như một thứ ma thuật, làm sáng rực đôi mắt của cha mẹ chàng, chiếu bừng lên cả khuôn mặt của Chí Viễn. Thế là, Chí Tường cũng cảm thấy cả người như bị cảm nhiễm cái không khí phấn khởi, vui mừng đó mà toàn thân nóng bừng lên, chàng hãnh diện vì có người anh trai như Chí Viễn. Chàng tôn sùng Chí Viễn! Chàng thật lòng thật dạ tôn sùng Chí Viễn! Người anh lớn hơn chàng tám tuổi đó, đối với chàng vô cùng thần thánh. Còn Chí Viễn thì sao? Chàng hoàn toàn hiểu rõ tâm tình sùng bái gần như mù quáng của đứa em trai đối với mình, chàng đáp trả lại em mình bằng một tình yêu thương đằm thắm. Chàng vẫn thường vò mái tóc mềm mại nhưng rối bời của Chí Tường và nói:
- Chí Tường! Anh của em là một đại thiên tài, còn em? Em là một tiểu thiên tài!
Khi chàng nói những lời đó, giọng nói của chàng sao mà thân thương, tự tin, và kiêu hãnh. Chí Tường hình như không hề cảm thấy chữ "tiểu thiên tài" có ý gì hạ thấp chàng, trước mặt Chí Viễn, chàng tự nhận mình vĩnh viễn thấp hơn anh một bậc, và cũng cam tâm tự nguyện thấp hơn một bậc. Chí Viễn vốn vô cùng vĩ đại mà! Vĩ đại, đúng vậy, ai có được một người anh như Chí Viễn mà không cảm thấy kiêu hãnh cho được? Muôn đời chàng nhớ mãi lúc mình còn bé bị người khác bắt nạt, hoặc đánh nhau với những đứa trẻ hàng xóm, Chí Viễn bao giờ cũng đứng ra hét lên:
- Đứa nào dám hiếp đáp em tao?
Giọng của Chí Viễn vang rền như tiếng chuông đồng vọng, bọn trẻ con hoảng sợ ùa bỏ chạy tán loạn. Chí Viễn dùng hai vòng tay, ôm choàng lấy chàng, giống như một "vị thần hộ mạng", chói lọi, sáng ngời.
Những ngày tháng thơ ấu đã qua đi như thế, tuy rằng chàng cũng thường lãnh được nhiều giải thưởng, tuy rằng chàng cũng được trường mình cho rằng chàng là một "kỳ tài hiếm hoi", thế nhưng chàng không bao giờ vượt qua được vùng hào quang sáng chói của Chí Viễn, cũng không muốn vượt qua khỏi Chí Viễn. Chàng giống như một cái bóng của Chí Viễn, chỉ cần đứng bên cạnh Chí Viễn, để Chí Viễn đưa tay vò mái tóc vốn sinh ra đã có hơi chút quăn tự nhiên của mình, nghe chàng dùng giọng nói thân thiết nói rằng:
- Chí Tường, thế nào cũng có một ngày, anh của em sẽ nuôi cho em ăn học thành tài! Cho dù em chỉ có một chút xíu thiên tài!
Bảy, tám tuổi, chàng đã biết ngẩng đầu lên, nói với Chí Viễn rằng:
- Anh, sau này anh là nhà đại âm nhạc, em chỉ cần làm tiểu họa sĩ là đủ rồi!
- Không có chí khí gì hết!
Chí Viễn vừa cười vừa mắng, vò mái tóc chàng cho rối nhiều hơn nữa.
Chí Viễn xuất ngoại vào năm hai mươi bốn tuổi, cha mẹ cầm cố hết tất cả tài sản mà ông bà có được, mượn thêm một số nợ lớn cho chàng đi La Mã. Vì cùng một lúc, có cả ba vị giáo sư giới thiệu chàng đi ghi danh ở học viện Âm Nhạc bên ấy. Khi Chí Viễn xuất ngoại, Chí Tường mới mười sáu tuổi, đứng ở phi trường, chàng có một nỗi sầu ly biệt không sao nói được nên lời, bắt chàng rời xa người anh khả kính của mình, làm cho chàng cảm thấy còn buồn bã hơn là xa lìa cha mẹ.
Hiển nhiên, Chí Viễn đã nhìn thấy rõ được tâm tình của chàng, đứng trước mặt chàng, Chí Viễn dùng đôi mắt hừng hực sáng ngời, nhìn trừng trừng vào chàng, nói bằng một giọng khẳng định, cương quyết và chắc như đinh đóng cột:
- Hãy đợi đi! Tiểu họa sĩ, thế nào anh cũng sẽ đón em đi theo!
Nói xong, chàng lại đưa tay ra vò vò đầu tóc của thằng em, rồi quay người lại, bước vào phòng xuất cảnh. Đôi mắt Chí Tường dâng đầy lệ, chàng xông nhanh vào phòng đợi, đứng ở dàn cửa kính to lớn nhìn ra sân bay, dõi mắt theo người anh thân thiết của chàng đang đi lên phi cơ. Chí Viễn từ trên cửa phi cơ quay người lại, vẩy vẩy tay với chàng, cho đến nay, chàng vẫn còn nhớ rõ như in hình dáng của anh mình ngày hôm đó: hào sảng, đẹp trai, xuất sắc hơn người.
Lần ly biệt đó, vậy mà đã tám năm.
Bắt đầu từ lúc đó, là thư từ duy trì mối quan hệ của hai phương trời cách biệt, Chí Viễn lười viết thư, chàng thường hay dùng những tấm postcard viết gửi về nhà báo cáo mọi sinh hoạt của mình; ra trường rồi, vào viện nghiên cứu rồi, lại ra trường rồi, vào ca kịch viện. Từ một diễn viên thường đến vai phụ nhỏ, từ vai phụ nhỏ lên đến vai phụ lớn, từ vai phụ lớn đến diễn viên quan trọng... chàng bắt đầu gửi tiền về nhà, không ngừng gửi tiền về nhà để cho đại họa sĩ của chúng ta chuẩn bị xuất ngoại với chứ! Từ bao giờ, tiểu họa sĩ trở thành đại họa sĩ! Chàng không hề biết!
Chí Viễn không hề nuốt lời, Chí Tường đã biết từ lâu, chàng sẽ không bao giờ nuốt lời. Chí Viễn là loại người như thế, nói được là làm được!
Phi cơ hơi có một thoáng chao đảo, có tiếng của cô nữ tiếp viên khả ái vang lên từ chiếc loa phóng thanh, kêu gọi mọi người thắt chặt dây an toàn, Chí Tường đưa tay ra thắt chặt sợi dây an toàn của mình. Chàng bất giác đưa tay thò vào trong túi áo, kéo ra một tấm postcard nhàu nát, đọc đi đọc lại nhiều lần đến độ thuộc làu của chàng, phía đàng trước tấm postcard, là khu đấu trường La Mã đổ nát chỉ còn lại nửa vòng cung, mặt sau, là nét chữ bay bướm như rồng bay phượng múa của Chí Viễn:
"Đại họa sĩ: mọi việc đều đã chuẩn bị xong xuôi. Học viện nghệ thuật XX tỏ ra rất tán thưởng những bức họa em gửi sang, họ cho rằng đây là một thiên tài hiếm có, em đừng nên lo lắng về vấn đề học phí, đã có anh ở đây, em còn lo những chuyện đó làm gì? Anh đã nhận được thư em, sẽ ra phi trường đón em đúng như giờ đã định. Anh em xa cách nhau đã tám năm, nay sắp gặp lại, thật khó kềm lòng nao nức! Em hãy nhắn lại với Ba Mẹ, đừng nên lo lắng, tất cả sinh hoạt ăn ở của em, mọi thứ mọi thứ, đều sẽ có anh thay hai người lo lắng, săn sóc tận tình.
"Anh,
"Chí Viễn"
Chí Tường trịnh trọng gấp tấm postcard lại, cho vào túi áo, như thế đó, thư của Chí Viễn bao giờ cũng ngắn gọn, rõ ràng và đơn giản. Ánh mắt chàng lại đưa ra phía ngoài cửa sổ, từng lớp mây, từng lớp mây vẫn còn chồng chất lên nhau, mây ôm lấy mây, mây vòng vào mây, mây chất lên mây. Chàng đưa mắt nhìn vào lớp mây xa thẳm, nhìn vào thật sâu, thật sâu, ở đầu một bên mây, là cha mẹ già đôi mắt mờ mờ lệ, cùng mái tóc bạc trắng phau phau. Ở một đầu mây kia, là tương lai chói lọi huy hoàng, cùng người anh vĩ đại của chàng!