àn cổ cầm khỏa thân” là một cuốn tiểu thuyết về thời gian. Với thời gian, vật đổi sao dời. Thông qua số phận của đàn cổ cầm, Sơn Táp kết nối các điểm thời gian với nhau, xen lẫn chúng, hòa chúng với nhau: thế gian hàng trăm năm, hàng nghìn năm, đổi thay như một bản nhạc cô độc đang suy tư về chính cuộc đời. Đó là thế giới “thượng lưu”, tầng lớp quý tộc cao cấp nhất ở Trung Nguyên, nay đã không còn tồn tại. Từ thế giới đó bước ra một cô gái gia giáo, tài sắc cùng người cha nghệ sĩ giao du với các tầng lớp thấp hèn bị gia phong cấm kỵ. Tiếng đàn dịu ngọt từ đôi bàn tay thiếu nữ còn chưa tắt thì chiến tranh đến, trong một buổi sáng “mặt trời ném xuống cửa sổ một tấm mạng đỏ rực”, buổi sáng đã lấy đi cái đầu của cha nàng ngay giữa sân nhà. Cái tấm mạng đỏ rực của chiến tranh ấy sẽ còn mang cuộc đời nàng đi đến đâu? Phải chăng số phận nàng là sự lặp lại của số phận người con gái năm xưa - chủ nhân cây đàn cổ gia bảo của gia đình nàng? Đi đến tận đâu để rồi nàng gặp một người con trai mà nàng chỉ được thấy dáng người thấp thoáng trong bức tranh chính mình vẽ ra? Đó là chàng Thẩm Phong của gần hai trăm năm nữa, đứa con trai mồ côi sống cùng thầy là thợ đàn vào thời buổi cái nghề đang rơi vào vận mạt. Chàng thanh niên mới lớn đắm chìm trong đam mê âm nhạc, ngây thơ trộm mộ trong chùa để cứu sống bạn, để rồi bị triều đình truy đuổi, khép tội chết. Lịch sử vốn dĩ nghiệt ngã với tất cả mọi cuộc đời, nhưng dường như có những cuộc đời mà điểm bắt đầu và kết thúc rất khó nhận ra. Thẩm Phong sinh ra từ đâu? Chàng có chết không? Người con gái kinh qua bão táp lịch sử có chết không? Kết cục câu chuyện về họ thế nào? Đặt những câu hỏi này cũng giống như đặt ra câu hỏi “Âm nhạc bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu?” vậy... Tiếng đàn dìu dặt mãi không thôi, những trang cuối cùng vẫn chưa phải là giới hạn. Ở ngã ba lịch sử, văn minh, nghệ thuật của quê hương mình, Sơn Táp vẽ ra những bức tranh tỉ mỉ bằng ngôn ngữ tiểu thuyết, với những chất liệu đầy kì thú, tất nhiên, nhưng cũng với những điều đơn giản thường nhật mà chỉ có nhà văn mới đem lại độ căng trên từng con chữ nữa. Cả thế gian dồn nén lại trong cuốn tiểu thuyết, như thời gian, như âm nhạc, như độ dày ẩn trong khoảnh khắc không nói nên lời của một người yêu đàn được ngắm một cây đàn cổ cầm. Khỏa thân. CÉNACL A Cuộc xâm lăng của các tộc người man rợ bắt đầu vào thế kỷ thứ ba. Ở phương Tây, người Francs, người Alamans, người Huns, người Goths, người Germains, người Vandales tràn đến làm lung lay đế chế La Mã. Năm 476, Hoàng đế Romulus Augustule thoái vị đánh dấu sự sụp đổ của đế chế này. Cùng thời gian đó, các bộ lạc du mục Tiên Ti, Hung Nô, Đê, Khương ồ ạt tấn công vào đế chế Hoa Hạ. Những bộ lạc này gây ra sự suy tàn của vương triều nhà Hán, rồi đến vương triều nhà Tấn và buộc người Hán phải rời khỏi quê hương trốn về phía bờ nam sông Dương Tử. Đất nước bị chia cắt thành hai nửa. Bên bờ Bắc sông Dương Tử, các bộ lạc dần Hán hóa. Bằng cách sử dụng lại cách điều hành và văn tự của người Hán, họ xây dựng lên các vương quốc của mình. Ở bờ Nam, người Hán tiếp tục quần tụ quanh thiên tử, một hoàng đế được xem như thuận thiên thừa mệnh. Giữa các vương quốc ở bờ Bắc và các triều đình bờ Nam, chiến tranh xảy ra khốc liệt triền miên. Cuộc chiến Nam – Bắc triều đi kèm với vô số những cuộc nội chiến. Ở bờ Bắc, các bộ lạc đánh nhau để tranh giành lãnh thổ. Ở bờ Nam, các thủ lĩnh địa phương tranh thủ mọi thời cơ để nổi dậy và tranh nhau ngai vàng. Ở bờ Bắc, mười sáu vương triều được định hình. Con số này giảm dần theo năm tháng qua các cuộc xung đột. Ở bờ Nam, các vương triều nhà Đông Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần nối tiếp nhau cai trị, càng ngày càng chóng lụi tàn vì các cuộc nội chiến ngày càng nhiều. Hai trăm năm sau, Dương Kiên, một triều thần gốc Hán, đã lật đổ ngai vàng của một vương quốc được các bộ lạc du mục lập ra. Dương Kiên thống nhất bờ Bắc, đánh bại bờ Nam và thống nhất hai miền Trung Hoa vào năm 589. Sơn Táp sinh ra trong một gia đình trí thức cao cấp ở Bắc Kinh và rời Trung Quốc để đến Paris vào năm 1990. Năm lên 8, cô đã có thơ in thành tuyển tập. Năm 14 tuổi, cô đã được giải thưởng văn học thiếu nhi toàn quốc, gây chấn động văn đàn Trung Quốc, cô đã xuất bản được 4 tập thơ khi còn ở trong nước. Năm 1997, với bút danh Shan Sa, cô từng bước chiếm lĩnh văn đàn Paris. Thiếu nữ đánh cờ vâylà tác phẩm đầu tiên của cô đã được xuất bản trong và ngoài nước Pháp, được 4 giải văn học lớn của Pháp đề cử và đoạt giải thưởng văn học Goncourt dành cho giới trẻ, đây cũng là cuốn sách đã đưa tên tuổi của Shan Sa đến với các bạn độc giả Việt Nam. Và tác phẩm mới nhất của cô - Đàn cổ cầm khỏa thân đã lọt vào Top 10 cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất châu Âu năm 2010.