Giới Thiệu

    
uốn tiểu thuyết về Cupid đến với tôi vào một buổi Chủ nhật đẹp trời khi đi chơi với cô bạn thân. Trong lúc tìm và chọn sách cho mình, tôi vô tình tìm thấy cuốn sách được cất khá kỹ trên góc sách. Cuốn sách đã gây cho tôi một sự tò mò nhất định. Thần tình yêu lại phải học yêu, và hơn thế nữa, đây là câu chuyện kinh điển trong Thần thoại Hy Lạp mà ai yêu thích bộ truyện này cũng đều biết. Tình yêu của Cupid ngoài Psyche ra thì còn ai vào đây được nữa chứ! Và nếu đã biết rồi thì tôi còn đọc làm gì? Thế nhưng sự thu hút của cuốn sách với tôi là độ dày của nó. Một câu chuyện nhỏ trong Thần thoại Hy Lạp thì không nhất thiết phải tốn nhiều giấy mực đến vậy. Hơn thế nữa, khi giở cuốn sách ra, tôi đã xem đúng một trang có đoạn này:
“Một cảm xúc thanh bình tuyệt đối bắt đầu thấm dần và lan tỏa khắp cơ thể chàng. Lần đầu tiên trong suốt cuộc đời bất tử của mình, thần Tình yêu Cupid muốn ở bên một ai đó ngoài mẹ chàng. Thần muốn dâng tặng bản thân cho sắc đẹp của Psyche và bằng cách đó, thần cũng sẽ đẹp như chính nàng vậy.
Thần Cupid không hiểu điều gì đã xảy đến với mình. Nếu suy nghĩ một chút, chắc các bạn sẽ thấy thật khôi hài. Chàng là vị thần của tình yêu, nhưng lại chưa yêu bao giờ cả. Tình yêu vốn chỉ là một trò chơi đối với chàng mà thôi, một trò chơi mà chàng điều khiển bằng cây cung và những mũi tên của mình. Nhưng kể từ sau khi nhìn thấy Psyche, cuộc đời chàng không bao giờ còn trở lại như trước được nữa.”
Vậy là sự tò mò đã dẫn dắt tôi đọc lướt qua một vài trang sách nữa cho đến khi tôi quyết định mua cuốn sách. Tôi đã nghĩ nó không hề lãng phí cho một ngày nghỉ khi đã đọc xong. Với giọng văn hài hước, dí dỏm, Julius Lester đã kể lại câu chuyện giữa các vị thần, đặc biệt là câu chuyện của thần tình yêu với con mắt của một người từng trải, bao dung. Những bình luận về tình yêu, triết học ngoài lề câu chuyện cũng khiến ta thêm thú vị trong khi cuộc sống của các vị thần hiện lên hết sức phong phú. Thần sắc đẹp Venus ghen tuông với tình yêu của con trai khi chàng dành trọn trái tim mình cho một người thiếu nữ trần thế, thần Apollo sau khi trải qua đau khổ với tình yêu đơn phương dành cho Daphne đã sợ Cupid đến nỗi phải trốn, thần Oizys luôn tìm cách làm người ta phải trải qua những cảm xúc đau khổ, ghen tuông, v.v… Khi đọc câu chuyện này, người ta sẽ bắt gặp mình trong một vài tình huống, nhất là khi đã trải qua mối tình đầu đầy cảm xúc hồi hộp và rất đỗi ngây thơ. Một khi đã trải qua cảm xúc yêu và được yêu, con người đều thay đổi và không còn như trước nữa. Cảm giác đau đớn vì một ai khác khiến họ trưởng thành hơn và tâm hồn đẹp hơn. Câu chuyện cởi mở này rất gần gũi với thực tế, làm cho người đọc cảm thấy nó hiện hữu ngay trong cuộc đời của chúng ta vậy.
Qua câu chuyện này, tôi cũng biết thêm một điều rất thú vị về từ Psychology – Tâm lý học bắt nguồn từ cái tên của nàng công chúa Psyche, có nghĩa là Tâm hồn. Còn gì đẹp hơn khi Tình yêu và Tâm hồn hòa quyện làm một và kết tinh của nó là một hạnh phúc vô bờ. Tình yêu không chỉ có niềm vui khi hai người được ở bên nhau, mà còn có thử thách khi họ xa nhau, cũng có nước mắt và đắng cay, nhưng chỉ cần là tình yêu chân chính, không phụ thuộc vào danh vọng, tiền bạc, hai người yêu nhau sẽ vượt qua tất cả. Một bài học, một sự giải trí nhẹ nhàng, một cách nhìn nhận về tình yêu qua Thần thoại Hy Lạp, Julius Lester thực sự đã tặng cho độc giả một món quà quý giá nhân danh tình yêu trong cuộc đời này.