Dịch giả: Đào Thiện Trí
Phần I

    
n sát Thái Ty nhậm chức ở quận Phương Lai đã được sáu tháng. Câu chuyện lạ kì dưới đây xảy ra vào một buổi sớm oi bức báo hiệu sẽ có giông bão. Các bà vợ của Thái Ty dỡ các hòm quần áo ra để xem chúng có bị ẩm ướt hoặc mố meo không. Thái Ty ngồi gần đó nhìn hai bà vợ tíu tít, bận rộn. Không khí trong phòng ngột ngạt: mùi lò sưởi than, và nhất là mùi băng phiến và mùi ẩm ướt của áo quần để lâu trong hòm, tỏa ra làm cho ông cảm thấy khó chịu trong người. Hai bà vợ mải mê với việc kiểm tra quần áo nên quên cả việc pha trà buổi sớm. Cảm thấy chân và đầu gối nhức nhối, Thái Ty đứng dậy nói:
- Tôi ra ngoài một lát.
- Trước cả khi uống trà à? – Bà vợ cả nói trong khi vẫn chăm chú vào đống quần áo.
- Tôi sẽ về ăn trưa. Đưa tôi chiếc áo xanh treo ở kia.
Cô gái giúp việc, đưa áo đến, nói:
- Thưa Đại Nhân! Trời này mà mặc nó thì quá nóng.
- Không sao! Nó khô, không ẩm mốc là được – Nói rồi Thái Ty cảm ơn cô gái.
Sau đó ông xuống thang, qua sân Nha phủ, ra đường bằng cửa phụ. Rất may là không gặp lão Hồng, cố vấn thân cận. Ông ta sẽ dễ dàng nhận ra vẻ buồn bực của Thái Ty.
Thật ra mấy tháng đầu với việc phá án cái chết của bà Hổ (Năm dải mây hạnh phúc), và vụ ở pháo đài (Giải băng màu đỏ) là công việc còn đỡ mệt. Nhưng vài tháng gần đây, Thái Ty thấy buồn nản vì toàn các việc sự vụ buồn tẻ. Hơn nữa quận này đâu phải hoàn toàn do Thái Ty cai quản. Còn cả chính quyền quân sự kiểm soát Pháo đài và vùng lân cận, vì nơi đó là khu quân sự. Bực bội, ông đá một hòn cuội rồi lẩm bẩm một câu gì đó. Một điều nữa làm ông phải suy nghĩ: đêm qua bà cả có gợi ý là nên cưới cô giúp việc làm bà ba, vì cô ta trẻ lại thông minh và có học. Chức Án sát có quyền được lấy bốn vợ, nhưng Thái Ty cho rằng chỉ cần hai bà là đủ, miễn là họ có khả năng sinh nở. Thật là lắm chuyện phiền phức. Thái Ty ép chặt áo sát người vì trời lại đổ mưa. Ông thở phào khi đặt chân lên bực thang dẫn đến đền thờ Khổng Tử. Ở tầng hai phía Tây đền là quán trà nhỏ, ông định uống trà buổi sớm xong, sẽ quay về Nha phủ. Thái Ty rất mừng là chủ quán đang mải quát người đốt bếp lò đun nước, nên không nhận ra Thái Ty. Ông chẳng thích thú gì việc người khác cúi lậy mình. Ngồi xuống chiếc ghế bằng tre, ông kêu một ấm trà và một chiếc khăn khô ráo.
Cậu bé bồi bàn đến bên, nói:
- Xin ông đợi một lát, nước sắp sôi rồi. Khăn tay đây thưa ông!
Khi Thái Ty lau bộ râu dài bị ướt, chú bé nói tiếp:
- Chắc ông dậy từ sớm, nên đã biết việc xảy ra ở phía bên kia – Chú bé chỉ về phía cửa sổ.
Thái Ty lắc đầu, chú bé thích thú nói luôn:
- Một người bị giết và bị băm nhiều nhát vào người tối qua ở vọng gác cũ, giữa đầm lầy.
- Một vụ giết người? Sao cháu biết?
- Người ở tiệm tạp hóa đến giao hàng nói là sớm hôm nay nó đến vọng gác cũ mua trứng vịt của cô gái điên dở ở đó và đã thấy một xác chết. Cô gái điên dở ngồi khóc ở góc vọng gác. Thế là nó chạy báo cho Quân cảnh. Được tin, viên đại úy và tùy tùng đã đến vọng gác. Kìa ông nhìn xem, họ kia kìa!
Thái Ty đứng lên, đến bên cửa sổ nhìn về phía con đường nhỏ dẫn đến vọng gác.
Người chết là lính à? – Thái Ty nhấn mạnh câu hỏi.
Dù khu đó thuộc vùng kiểm soát của pháo đài, nhưng Tòa án dân sự cũng phải được báo về mọi cái chết xảy ra ở đó.
Chú bé trả lời:
- Có thể như vậy! Cô gái khốn khổ ấy vừa câm vừa điếc, nhưng không xấu gái. Chắc là có anh lính nào mò đến… và chuyện xảy ra.
Vừa lúc đó, nước pha trà đã sôi.
Từ xa hai quân cảnh cưỡi ngựa đang tiến về phía quận lị, vó ngựa hất tung nước từ những vũng nước còn đọng trên đường.
- Thưa ngài, chè đã pha xong, cháu để trên cửa sổ. À, người chết không phải là lính đâu ạ! Cậu bé đưa hàng nói, đó là một thương gia ở gần cổng bắc, mà hắn ta biết. Thế nào bên quân cảnh cũng nhanh chóng tìm ra thủ phạm thôi, họ cứng tay lắm! Ngài hãy nhìn kìa! – Chú bé phấn khích chạm tay Thái Ty – Có một tên bị trói dắt theo: một dân chài. Họ dẫn người đó về pháo đài.
Thái Ty bực bội:
- Họ không được làm như vậy!
Sau khi trả tiền Thái Ty vội vã xuống cầu thang. Ông vừa đi vừa nghĩ: việc một thường dân giết một thường dân phải do Nha phủ xét xử! Đây là dịp tốt để nhắc nhở bên quân sự nhớ rõ quyền hạn của mình.
Thái Ty thấy hết mệt mỏi, buồn nản, ông thuê ngựa phi đến cổng Bắc. Lính gác kinh ngạc nhìn kị sĩ, và đứng nghiêm khi nhận ra quan Án Sát.
Thái Ty hỏi viên chỉ huy vọng gác:
- Chuyện gì lộn xộn ở vùng đầm lầy vậy?
- Dạ, một người chết ở vọng gác cổ, thưa Đại quan. Quân cảnh đã bắt được kẻ giết người,
và đang hỏi cung. Tôi nghĩ là họ sắp giải nó đến pháo đài.
Thái Ty ngồi xuống chiếc ghế bằng tre, rồi lấy tiền đưa cho tên lính đi mua hai chiếc bánh rán.
Bánh mua về, Thái Ty tuy đói, nhưng không ăn nổi. Nước trà nóng làm bỏng cả lưỡi, hơn nưa việc quân đội lạm dụng quyền hành đang làm ông suy nghĩ. Thật đáng tiếc là Triều đình chưa có quy định về quyền hạn của mỗi quan chức, của mọi cấp bậc.
Người lính nói:
- Thưa Đại quan, tên thủ phạm đang được giải đến bến thuyền!
Thái Ty đứng lên. Ra lệnh:
- Ngươi dắt theo bốn lính và theo ta!
Ở bến thuyền: gió nhẹ đang xua dần màn sương, áo ngoài Thái Ty ẩm ướt như dán vào vai, ông càu nhàu:
- Thời tiết này dễ cảm cúm lắm!
Lính gác đưa Thái Ty vào một gian buồng ở bến thuyền.
Ở cuối buồng, một quân cảnh mặc áo giáp, mũ nhọn của quân cảnh, ngồi sau chiếc bàn đơn sơ. Hắn đang nắn nót, chậm chạp viết.
- Ta là quan Án Sát, ta muốn… - Thái Ty mở đầu và vội dừng lời.
Viên đại úy quân cảnh ngẩng mặt lên, một vết sẹo trắng nhợt kéo dài tử gò má trái đên tận môi dưới. Và đứng lên trong lúc Thái Ty chưa hết bàng hoàng, nói giọng nhát gừng:
 - Rất hân hạnh được gặp Đại quan! Tôi vừa viết xong báo cáo (Và chỉ chiếc cáng, có phủ chăn ở góc phòng): Đó là xác nạn nhân, tên thủ phạm bị giữ ở gian bên, Chắc Đại Nhân muốn đưa nó về trại giam Nha phủ?
- Đúng như vậy! – Thái Ty hơi bối rối trả lời.
- Rất tốt, thưa Đại quan.
Nói rồi viên đại úy đưa bản báo cáo cho Thái Ty.
- Xin mời ngồi. Và nếu Đại quan dành cho tôi ít phút, thì tôi xin nói điều tôi nghĩ về vụ án này!
Hai người cùng ngồi xuống. Thái Ty vừa vuốt bộ râu dài vừa nghĩ, sự việc diễn ra không như ông ta tưởng.
- Dạ, là thế này ạ! – Viên quân cảnh nói – Tôi biết rõ vùng đầm lầy như bàn tay. Cô gái câm điếc ở vọng gác là một cô gái nghèo khổ, ngốc nghếch và hiền lành. Khi được biết tin về vụ này, tôi nghĩ ngay là một vụ cướp của. Tôi đã cho người sục sạo, tìm kiếm dấu vết từ vọng gác đến tận con ngòi ra sông.
- Tại sao chỉ ở khu vực ấy? – Thái Ty cắt ngang – Việc tấn công cũng có thể xảy ra trên đường đến chòi gác chứ? Và sau đó, tên sát nhân mới dấu xác chết vào vọng gác?
- Thưa Đại quan, không có chuyện đó được. Trạm gác của chúng tôi ở ngay giữa đường từ bến thuyền đến vọng gác cổ. Lính tuần ngày đêm canh gác để ngăn chặn bọn do thám Triều Tiên ra vào khu vực này. Con đường để do thám duy nhất vượt qua đầm lầy. Ở đây đầy rẫy những cạm bẫy do cát đất bị sụt nên ai đi qua cũng dễ dàng bị chết đuối trong bùn lầy. Lúc người chúng tôi tìm thấy nạn nhân, thì thi thể còn hơi ấm,vì vậy có thể kết luận nạn nhân bị giết trước bình minh khoảng vài giờ. Trừ thằng bé làm ở hiệu tạp hóa đi qua con đường này lúc sáng sớm, thì không còn ai khác. Vì vậy, chúng tôi cho rằng kẻ bị giết và tên sát nhân đều từ phía Bắc đến bằng một con đường nhỏ hai bên đầy lau sậy dẫn từ vọng gác cũ ra sông. Như vậy họ rất dễ dàng qua mặt được lính gác.
Anh ta vuốt bộ ria, nói thêm:
- Và tất nhiên cũng qua mặt được lính tuần canh trên sông.
- Và người của các ông đã bắt được tên giết người ở bờ sông?
- Thưa Đại quan, đúng như vậy! Đó là một dân chài trẻ tuổi tên là Vương Lang, trốn trên chiếc thuyền câu nhỏ của nó giữa bụi cói, đúng ở phía Bắc vọng gác cổ. Nó đang giặt chiếc quần vấy máu, và đã chèo thuyền chạy trốn ra sông khi người chúng tôi ập tới. Chúng tôi bắn tên theo, nó phải quay lại bờ. Hắn khẳng định không biết tí gì về vụ giết người ở vọng gác cổ; và hắn giặt quần vì nó dính máu của một con cá chép lớn, hắn đợi đến sáng sẽ mang con cá cho cô gái câm điếc. Khám người hắn, chúng tôi thấy có cái này (viên quân cảnh mở một gói nhỏ trên bàn và đưa cho Thái Ty ba lạng bạc).
- Chúng tôi nhận ra nạn nhân qua giấy căn cước giắt trong người – Viên quân cảnh mở chiếc phong bì to trong đó có hai chiếc chìa khóa, ít tiền lẻ, danh thiếp và một giấy biên nhận tài sản thế chấp để vay tiền; cầm tờ giấy biên nhận trên, viên quân cảnh nói tiếp:
- Tờ giấy này rơi ở dưới đất, bên xác chết, chắc là rơi từ túi áo ra. Nạn nhân là một tên cho vay nặng lãi nổi tiếng ở quận này. Tên anh ta là Thông, cửa hàng ở cạnh cửa Bắc, rất giàu có. Anh ta rất thích đi câu. Theo ý tôi thì, tối qua Thông đã gặp Vương Lang ở bến thuyền và đã thuê anh này đi câu qua đêm trên sông. Khi đến phía Bắc vọng gác cổ, một nơi vắng vẻ, Vương Lang đã tìm cách đánh lừa sự chú ý của Thông và đã ra tay. Hắn đã dự kiến giấu xác chết ở tầng trên vạng gác cổ, một chỗ đổ nát, hoang tàn. Cô gái câm điếc thì chỉ ở tầng đất phía dưới; chẳng may cô gái tỉnh giấc, biết được hành động của Vương Lang, nên chỉ là một giả thuyết thôi, vì cô gái câm điếc đâu có giá trị của một nhân chứng. Chúng tôi có hỏi cô ta, nhưng cô ta chỉ vẽ lung tung và ú ớ điều gì đó về thần mưa và những bóng ma quỷ đen ngòm. Sau đó thì cô ta lên cơn, lúc cười, lúc khóc… Đúng là một cô gái hiền lành và đáng thương.
Viên quân cảnh đến bên chiếc cáng, nhấc chiếc chăn lên:
- Đây là xác nạn nhân.
Kẻ bị giết mặc một chiếc áo xám giản dị. Ngực đầy vết máu khô, Tay áo dính đầy bùn. Mặt anh ta rất xấu: dài ngoằng, mũi khoằm và hơi vẹo, mồm rộng nhưng môi lại rất mỏng, tóc dài màu xám.
- Rõ ràng là một con người không có gì là hấp dẫn cả! – Viên quân cảnh nói – Xấu như tôi mà cũng nhận xét như vậy!
Anh ta nhăn mặt làm bộ mặt có sẹo càng thêm méo mó. Sau đó anh ta lật lưng nạn nhân lên và chỉ vào vết máu to rộng:
- Nạn nhân bị chết vì nhát dao đâm vào từ phía sau, thấu tận tim. Hắn nằm ngửa tại cửa phòng cô gái câm điếc – Anh ta đặt xác xuống – Tên dân chài thật đáng kinh tởm: sau khi giết Thông, tên Vương Lang đã băm nhiều nhát vào ngực và bụng nạn nhân. Tôi nói, nó làm việc đó sau khi Thông đã chết, vì chắc Đại nhân cũng nhận thấy vết thương đó không có máu chảy ra nhiều. À, suýt nữa thì tôi quên đưa trình một vật nữa.
Viên quân cảnh lấy từ ngăn kéo ra một vật dài bọc trong giấy dầu, đó là một con dao nhọn, nói:
- Chúng tôi tìm thấy trong thuyền của Vương Lang. Hắn nói dao đó dùng để mổ cá: trên dao không có vết máu. Sao lại thế được, à là vì ở đây thiếu gì nước. Đó là tất cả những gì tôi nắm được, thưa Đại nhân. Tôi chắc là nó sẽ nhận tội thôi! Tôi biết rõ bọn côn đồ đó, bao giờ cũng chối phăng, nhưng sau khi tra hỏi ra trò, chúng sẽ gục ngay và thú nhận tội lỗi. Xin Đại nhân ra lệnh!
- Trước tiên ta phải báo cho thân nhân của Thông, để họ xác nhận chính thức nạn nhân là ai, vì thế, ta…
- Tôi đã làm việc đó, thưa Đại nhân. Nạn nhân góa vợ, có hai con trai đang sống ở kinh đô. Ông Linh, người cộng sự của nạn nhân xác nhận xác chết là ông Thông. Ông Linh cùng ở một nhà với ông Thông.
- Ông đã tiến hành mọi việc rất hoàn hảo – Thái Ty nhận xét – Ông hãy giao tên tù và xác nạn nhân cho lính của tôi. Tôi rất biết ơn về những nhận định nhanh chóng và thông minh của ông. Thái Ty đứng lên – Nạn nhân là một dân thường, nên ông chỉ cần thông báo cho Phủ Nha là đủ. Hơn nữa ông đã nêu ra một số ý kiến có thể giúp cho tôi, và…
- Đó là một vinh hạnh cho tôi… Thưa Đại nhân. Hiện tôi dưới quyền chỉ huy của Đại tá Minh Long. Chúng tôi luôn giúp đỡ Nha phủ một cách tối đa bất cứ lúc nào.
Nụ cười làm khuôn mặt ông ta méo xệch đi. Khi trở lại chòi gác ở cổng Bắc, Thái Ty dự định hỏi cung ngay tù nhân, và sau đó sẽ đến hiện trường. Nếu để các nhân viên Nha phủ làm những việc đó, rất có thể nhiều chứng cứ bị bỏ qua. Vụ này mới nhìn tưởng như giản đơn, nhưng rất có thể có nhiều bí ẩn.
Thái Ty ngồi sau chiếc bàn đơn sơ ở vọng gác đọc bản báo cáo của viên quân cảnh. Cũng chả có điều gì khác những lời anh ta đã nói. Nạn nhân tên là Phan Thông, 56 tuổi. Cô gái câm điếc tên là Sáo, 20 tuổi, Vương Lang dân chài, 22 tuổi. tờ giấy nhận vay tiền có ghi: hôm trước một bà tên là Pha có giao bốn chiếc áo thêu để vay ba lượng bạc, ba tháng sau sẽ hoàn lại với lãi suất tháng 5 %.
Một viên đội vào, theo sau là lính khiêng cáng.
- Hãy đặt nó ở góc phòng! – Thái Ty ra lệnh – Anh có biết gì về cô gái câm điếc ở vọng gác cổ không. Bên quân cảnh chỉ mới cho biết tên cô ta là Sáo.
- Vâng, có ạ! Thưa Đại Nhân – Viên đội trả lời – Mọi người gọi cô ta là Sáo. Cô ta bị bỏ rơi từ khi còn bé, được một bà cụ bán hoa quả ở đầu quận nuôi dạy. Sáo được bà cụ dạy viết được ít chữ, và diễn tả ý nghĩ bằng điệu bộ qua đôi tay. Bà cụ chết cách đây hai năm. Nên cô Sáo bỏ vào sống ở vọng gác cổ để khỏi bị bọn thanh niên quấy rày. Ở đó, cô ta nuôi vịt đẻ và bán trứng để sinh sống. Tên Sáo là do người vui tính đặt cho cô ta.
- Tốt – Đưa tù nhân vào!
Hai lính gác đưa Vương Lang vào. Đó là một thanh niên lực lưỡng, tóc dựng ngược, mặt xạm nắng, nét mặt cau có cùng chiếc trán dô. Quần áo anh ta vá víu nhiều chỗ, hai tay bị trói quặt ra sau, làm lộ rõ chiếc cổ to bè. Lính gác đẩy tù nhân quỳ xuống.
Thái Ty yên lặng ngắm nhìn Vương Lang, chưa biết tra hỏi từ đâu. Chỉ nghe thấy tiếng mưa rơi bên ngoài và tiếng thở nghèn nghẹt của tù nhân. Thái Ty lấy ra từ tay áo ba lượng bạc.
- Ngươi lấy chúng ở đâu?
Tù nhân lẩm bẩm bằng tiếng địa phương, nên Thái Ty không hiểu được. Một lính gác đá Vương Lang và bắt nói to lên. Hắn nói:
- Đó là tiền để dành của tôi để mua một chiếc thuyền kha khá.
- Ngươi gặp ông Thông lần đầu tiên khi nào?
Chàng trai xổ ra một tràng câu chửi tục tĩu và được nhận ngay một cú đập bằng vỏ gươm vào đầu của lính canh. Vương Lang nhúc nhắc đầu, buồn bã nói:
- Tôi chỉ nhìn thấy ông ta ở bến thuyền. Ông ta hay lảng vảng ở đó – Sau đó giận dữ, nói tiếp – Nếu tôi giáp mặt ông ta tôi sẽ giết ông ta đồ chó lợn, tên ăn cắp!
Thái Ty hỏi:
- Ngươi đã cầm gửi đồ gì cho ông ta để vay nợ?
- Đại quan tưởng tôi có nhiều thứ để cầm gửi à?
- Thế tại sao ngươi lại gọi ông ta là ăn cắp?
Đôi mắt vằn tia máu đỏ, Vương Lang nhìn Thái Ty, cúi đầu, buồn thảm trả lời:
- Vì rằng tất cả bọn cho vay lãi đều là ăn cắp cả!
- Đêm hôm qua ngươi làm những việc gì?
- Tôi đã nhiều lần khai với Quân  Cảnh rồi. Ăn mỳ xong tôi cho thuyền ngược sông. Sau khi câu được kha khá, tôi cho thuyền cập bờ ở phía Bắc vọng gác cổ, và ngủ một giấc, dự định sáng sớm sẽ mang cá đến cho Sáo.
Thái Ty chú ý đến giọng nói của y khi nói đến Sáo.
- Ngươi đã chối việc giết người cho vay lãi. Người ngươi ra thì ở đó chỉ có cô gái ấy, vậy thì cô gái là thủ phạm.
Vương Lang nhổm người lao về phía Thái Ty. Lính gác đã kịp thời cản được và liên tục đá vào người hắn cho đến khi Vương Lang ngả người, lưng chạm đất, mới thôi:
Hắn ta cố sức nhỏm lên la hét:
- Đồ chó… các ngươi là…
Viên quản đá vào mặt Vương Lang, hắn ngã xuống nằm bất tỉnh, mồm đầy máu.
Thái Ty đứng lên quan sát tù nhân, nói:
- Khi chưa có lệnh thì không bao giờ được đánh đập tù nhân – rồi ra lệnh cho viên quản – Hãy làm cho nó tỉnh lại, rồi cho vào ngục, chiều ta sẽ hỏi cung. Mang xác nạn nhân về Nha phủ. Đi tìm lão Hồng bảo ông ta giao bản báo cáo này cho chỉ huy quân cảnh, nói ta sẽ quay lại Nha phủ sau khi tìm hiểu thêm vài nhân chứng.
Ngoài trời vẫn đang mưa.
- Hãy mang cho ta tấm vải dầu che mưa!
Thái Ty khoác mảnh vải che mưa, ngồi lên con ngựa thuê lúc sớm. Ông đi theo con đường từ bến thuyền qua vùng đầm lầy.
Sương mù tan dần, ông chăm chú quan sát mặt nước xanh, lạnh lẽo của đầm lầy kéo dài hai bên đường. Những dòng suối nhỏ len lỏi qua những bụi lau, có chỗ phình ra tạo thành những ao nhỏ lấp loáng trong ánh sáng xám xịt.Thỉnh thoảng một đàn chim vụt bay qua, tiếng của chúng lanh lảnh như e ngại cái khoảng không vắng lặng của đầm lầy. Mực nước đã rút xuống, sau trận mưa to đêm qua, con đường đã se lại. Toán lính ở chòi gác chặn Thái Ty lại, sau khi biết rõ là ai, họ mời ông đi tiếp.
Vọng gác cổ hình vuông, đổ nát, có bốn tầng, được xây trên đá cứng. Các cánh cửa đều không còn, nóc của vọng gác đã bị sập đổ, chỉ có hai con quạ đen đậu trên một xà nhà còn sót lại.
Tiếng vịt kêu ầm ĩ ở chân vọng gác, có khoảng một tá vịt đẻ ở đó. Khi Thái Ty xuống ngựa, bọn chúng vội vàng, lạch bạch lao về phía ao, như thể không tán thành sự có mặt của người lạ.
Tầng dưới cùng của vọng gác là một vòm cung, cửa thấp, phía trong tối tăm, hầu như không có đồ đạc gì, ngoài mấy đồ gỗ đã hỏng, chồng chất ở góc phòng. Một cầu thang cũ kỹ và dệu dạo dẫn lên tầng trên.