ừ trạm xe buýt đối diện với vườn Bà Lớn đến Ngã Bảy chỉ xa có mấy mươi thước, thế mà Minh đổ mồ hôi nhễ nhại, sơ-mi vải dính sát vào ngực và lưng chàng.Nắng trưa gay gắt bị mặt đường nhựa phản chiếu trở lên, khiến người đi đường như vừa bị đốt ở trên, vừa bị hơ ở dưới. Một ngọn gió nhẹ thổi qua làm cho mồ hôi của Minh bốc lên thành hơi. Chàng nghe mát lạ và sung sướng lắm. Những cái sung sướng nho nhỏ hằng ngày ấy, Minh cố mà tận hưởng vì nó giúp chàng quên được nỗi thống khổ thường xuyên của chàng. Nhưng hôm nay chàng đã hết khổ rồi, mà sao vẫn còn nghe cái ấy là sướng? Minh còn đang băn khoăn thì đã đi tới cửa quán.Bấy giờ đã hơn một giờ trưa. Quán vắng teo, chỉ còn có mỗi một ông khách độc nhứt đang ngủ gục trước một tách cà-phê và một ly rượu thuốc. Ngoài của quán, không thấy bóng ai cả.Chàng đã biết trước sẽ bắt gặp ông ấy ngủ gục ở đây vào giờ này, nhưng vẫn ngạc nhiên vì hôm nay ông ta ăn mặc rất giống bạn hay tôi, hay bất kỳ ai khác.Nhà văn Bắc Hải đã giới thiệu với chàng rằng đó là ông Lê Thiệu Các, giáo sư địa lý trường Đại Học Văn Khoa.Ông Các trạc năm mươi nhưng trông còn sõi lắm, trán rất cao và mặt mũi khôi ngô. Ông thường mặc âu-phục may bằng vải ka-ki vàng, cà-vạt cũng cùng thứ vải và cùng màu. Chơn mang giày ống bằng da, tay cầm can, ông có vẻ một thợ săn hay một người Âu băng rừng hơn là một nhà giáo đang sống giữa thành phố. Hôm nay ông mặc đồ trắng, sơ-mi hở cổ, đi giày săn-đan, nên trông hơi khác khác.Cứ theo lời của Bắc-Hải thì ông giáo-sư đại-học ấy cứ bị người trong quán gọi bằng ông giáo vì lối sống đơn giản của ông. Ngày nào ông cũng ăn cơm trưa tại đây rồi ngồi đó mà ngủ gà ngủ gật cho đến ba giờ trưa.Minh bước vào quán, ngồi lại trước chiếc bàn rộng nhứt kê giữa nhà, huơi tay một cái để đuổi ruồi và xem chúng bay lên cho vui mắt. Vào giấc trưa, ruồi không bị ai quấy rầy, đậu đầy các tấm vải nhựa phủ bàn, trông như là vải có vẽ hoa đen lấm tấm. Chàng có ý chọn chiếc bàn nầy để trả thù những lần phải lùi vào xó vách.Minh chờ trót năm phút mà không thấy ma nào ra nên nắm tay lại, đấm lên mặt bàn một cái rầm. Thổ dường bằng chất nhựa dẻo và cả ve nước mắm bằng pha-lê, rất nặng, đều nhảy tưng lên. Ông giáo Các giựt mình mở mắt ra, nhìn chàng một giây, rồi lại gục xuống mà ngủ trở lai.Từ buồng trong chẫm rãi bước ra nuột cô chiêu đãi viên mặc áo choàng trắng, tóc uốn quăn theo lối quăn tự-nhiên của phụ nữ da đen. Nước da của cô ta cũng đen lắm, nên trông cứ ngỡ đó là một cô gái Mạc-Ti-Níc lai:- Làm người ta hết hồn hè! Uống gì?- Nói cho có lễ phép không thôi bị đòn nứt đít đa.Minh là khách quen lâu ngày của quán nầy, lại là khách ít xu, không bao giờ được trọng vọng, nên chi các cô chiêu đãi viên ở đây hay lấy cái nê là thân mật để mà vô phép với chàng. Thật ra là họ khinh rẻ chàng. Khách nghèo nào khác, họ dám đâu vô lễ ra mặt như vậy. Gần chúa gọi Bụt bằng anh mà!Cô chiêu đãi viên mỉm cười mai mỉa rồi trêu chọc:- Vâng, thì lễ phép! Vậy chú ăn chi? uống chi?- Kêu bằng chú, cũng bị đòn nữa.- Khó tánh lắm. Vậy anh ăn gì? uống gì?- Giỏi, có thế chớ. Nè, em cho anh một cái ly...-???-... bỏ vào ly vài muỗng đường...-???-... rót vào đó một chén nước lạnh...-???-... lại bỏ vô một cục nước đá...-???- và nửa trái chanh.- Mắc dịch, thì cứ nói suỵt-xủi đi cho gọn, báo hại người ta phải lắng tai nghe cả buổi.Từ sáng đến giờ, trong bụng chưa có gì cả, nhưng Minh cứ nghe no nóc vì mệt và mừng. Liệu không ăn gì cho vô, chàng gọi nước đá chanh để giải khát. Với lại cũng để trả thù. Hôm nay chàng có tiền, sắp trả thù đây. Mà còn cách nào trả thù ác cho bằng bắt họ ngạc nhiên tột độ mà thấy sau cái cùng cực giả vờ của chàng, một sự giàu có bất ngờ."Ừ, mọi khi hắn uống nước cam, hoặc cà-phê đá, nhưng hôm nay thì chỉ nước đá chanh hai đồng rưỡi thôi. Rõ là càng ngày càng xuống chơn".Nhưng rồi họ sẽ biết tay chàng. Hôm nay chàng vừa chụp được một ghim hồi sớm nầy, tại nhà báo. Từ lâu, mỗi lần chàng mang những bài thơ nắn nót suốt tháng đến cho thằng Thanh-Vân, tổng thơ ký tòa soạn nhựt báo SỚM MAI, thì đều bị nó đẩy ra và nói:- Tao đã bảo mầy rằng nhà báo không cần thơ kia mà.Có bận tức quá, chàng nói:- Thì mầy cứ ráp những câu thơ đó lại để biến nó ra văn xuôi, rồi đưa tiền cho tao ăn cơm, tao đói lắm.- Không được!- Sao lại không? Nếu tụi nó viết văn xuôi rồi ngắt ra từng khúc mà bảo rằng đó là thơ tiên phuông, thơ tiền phong gì đó được, thì tao hay mầy, ráp thơ lại để làm văn xuôi, sao lại không được chớ?- Tao đã bảo là không được!Rồi thằng Thanh-Vân không thèm cãi nữa, cúi xuống mà viết văn xuôi.Nhưng tuần rồi, nó dễ thương quá:- Nè, tao vừa nghĩ ra cách giúp mầy. Mầy cố mà viết một truyện võ hiệp, tao đăng cho, Nhưng mà mầy viết chắc dở lắrn, vậy chỉ trả mầy bảy mươi đồng một ngày thôi. Báo mỗị tháng ra 26 ngày, vậy mầy được 70đ x 26 =1820đ mỗi tháng.Hôm ấy đói quá, chàng nhận càng bừa, và hôm nay chàng mang cốt truyện đến, chủ báo ứng trước cho chàng một ngàn đồng. Giàu to rồi! Nếu sống theo mực sống trước, chàng làm gì cho hết số tiền một ngàn tám, bỏ hai mươi đồng lẻ vì chủ báo cho rằng nên làm cho tròn con số. Nhưng sao lại không làm tròn thành 1.850đ hoặc l.900đ thì đó là một sự bí mật mà Minh không sao khám phá nổi.Cô chiêu đãi viên bưng ly nước đá chanh ra, dằn mạnh lên bàn khiến ruồi lại bay lên. Sau lưng cô nầy, một cô thứ nhì cũng ra đến nơi mà Minh không thấy.Chàng bận tìm cho đủ hai vế thơ hầu đặt nơi chương đầu truyện võ hiệp ấy, cho có vẻ Tàu. Nhan truyện chàng đã tìm được lúc đứng trên xe buýt. Nhất định phải là SƠN-ĐÔNG KIẾM-HẬN mới hạp với loại phun phí kiếm và đánh nhau chí tử này. Chàng định cho chuyện khởi phát tại quán Tai heo, và đã tìm ra vế trên của câu thơ. Chàng ngâm nho nhỏ:Quán Tai heo, anh hùng lâm đại nạn.Cái vế thứ nhì phải có đoạn: "... nghĩa-hiệp quyết ra tay" mới là đối chọi và xuôi nhạc cho. Nhưng trước tiếng "nghĩa hiệp" nói cái gì bây giờ?Quán Tai heo, anh hùng lâm đại nạn.............................................Quán Tai heo, anh hùng lâm đại nạn.............................................Quán Tai heo, anh hùng lâm đại nạn.Bỗng một chuỗi cười dòn kéo mặt chàng ra sau. Cô chiêu đãi viên số hai ấy cười rồi hỏi:- Anh hùng không tiền trả quán, nên bị bắt xuống bót phải không?- Im cái mồm, con nít đừng có hổn láo, mất lỗ rồi kia mà không lo.Cô ấy bỗng đỏ mặt tía tai, sấn lại trước mặt chàng và hỏi giọng sân si:- Anh nói gì đó? Đừng có hồ đồ hỗn độn, không được đa.- Anh chỉ nói sự thật; em không tin, bước ra thềm, ngước lên thì rõ.Cô này nguýt chàng một cái rồi ngoe ngoảy bỏ đi lại quầy thâu tiền, đứng dựa lên đó, miệng ngồm ngoàm cái gì nghe không rõ. Cô ta nước da mét xanh, nhưng vì giận nên đỏ hồng lên khiến Minh phải khen:- Hôm nay em khá đẹp.- Hứ!Cái cô đen thui, tò mò bước ra vỉa hè, ngước lên dòm rồi nói lớn:- Mất lỗ thật rồi mầy ơi: ông chủ ổng bôi hồi nào không rõ.Bảng hiệu của quán ấy nguyên đề là "QUÁN LỖ TAI HEO", Minh thấy chướng nói với ông chủ quán:- Ông bán và khách ăn TRÁI TAI HEO, chớ cái lỗ tai vì nó là cá lỗ thì ai ăn được mà ông bán. Ông nên bôi bớt chữ LỖ đi!Ông chủ hiệu cho rằng chàng nói có lý và toan làm y theo đề nghị của người khách dị kỳ nầy, Nhưng cô mặt mét đã ngăn cản kịch liệt, cho rằng ai cũng nói "LỖ TAI HEO" cả, không tin đi hỏi nuột trăm bà nội trợ mà xem, thử coi có bà nào nói khác hay không thì biết.Cô ta lại dọa ông chủ bằng câu chuyện sau đây:Một hiệu bánh ngọt kia đề bảng hiệu như vầy: TẠI ĐÂY CÓ LÀM VÀ BÁN BÁNH NGỌT. Một khách hàng phê: "Ai lại không biết rằng là TẠI ĐÂY, còn phải nói làm chi cho dài dòng". Chủ hiệu nghe xuôi tai, bôi hai tiếng TẠI ĐÂY. Bảng hiệu được thâu ngắn: CÓ LÀM VÀ BÁN BÁNH NGỌT.Vài hôm sau, một khách hàng khác lại chỉ trích: "Ông có làm hay ông mua của hiệu khác để bán, người ta cóc cần biết, người ta chỉ cần ông có bán là đủ rồi. Vậy bảng hiệu lại được rút gọn lần thứ nhì: BÁN BÁNH NGỌT.Nhưng hôm sau, một khách hàng cười ha hả khi đọc bảng hiệu mới nầy: "Ông bày bánh trong tủ kiếng ắt hẳn là để bán, chớ không lẽ ông bày cho vui nhà vui mắt?"Ông chủ hiệu liền cho thợ bôi ngay hai tiếng BÁN BÁNH vô lý ấy đi, và rốt cuộc hiệu bánh chỉ còn cái tên ngắn ngủn là NGỌT.Cô mặt mét tiên liệu rằng, nếu cứ nghe những ông khách vớ vẩn như vậy mãi thì e ngày kia quán sẽ mang tên HEO gọn lỏn.Chủ quán hơi sợ khi nghe câu chuyện trên đây. Nhưng không hiểu vì sao rốt cuộc ông lại len lén mà bôi chữ LỖ hồi nào không ai hay.Minh đã thấy sự thay đổi nhỏ ấy khi sắp bước vào quán, nhưng không biết cùng ai mà khoe sự đắc thắng của chàng. Đến bây giờ chàng mới có dịp nói ra.Nghe thế, cô mặt mét càng tức thêm vì cô đã thua trận cái thằng cha kỳ dị này. Minh làm lành:- Em Hồng Đào nè, bít lỗ thì chuột hết đường chun vô chớ có gì mà em giận.Cái cô mặt mét mà lại tên Hồng Đào ấy vụt cười xòa, và không khí ủ ê của buổi trưa hè vắng khách ở đây bỗng tươi lên.Có một người khách tên là Tư Chuột hay tán tỉnh cô Hồng Đào này mà cô không ưa. Minh pha trò tức cười quá làm cô ta không nín được, mặc dầu cô cũng chẳng ưa gì Minh.Hai cô chiêu đãi viên ở đây rất đặc sắc nơi cái điểm này: cô đen thui thì lấy biệt hiệu là Bạch Tuyết, còn cô mặt mét lại tự là Hồng Đào. Cả hai lại đặc sắc hơn vì xấu như bà hoàng hậu họ Chung và có duyên như một ngày mưa dầm.Tuy nhiên thân thể họ đẹp, lại gói trong chiếc áo choàng trắng nên trông từ đằng sau cũng ưa nhìn. Thành ra Minh không ghét họ lắm, mặc dầu chàng bị họ hất hủi nhiều phen.Quán về đêm được tăng cường thêm ba cô chiêu đãi viên trá hình. Không, đừng nghĩ ngay đến ý quấy là họ buôn hương. Không rõ về nhà họ có làm gì bậy bạ không, nhưng quán này lương thiện về mặt ấy lắm.Nguyên chiêu đãi viên thật sự không được ngồi với khách nên khách họ buồn. Ba cô trá hình ấy, mặc y phục thường, ngồi bàn như là bạn hữu hay vợ con hoặc nhơn tình của khách mà không ai bắt bẻ được cả. Họ chỉ trá hình tới mức đó thôi.Nếu hai cô bưng chén bưng ly mà còn nặng nhẹ chàng được thì ba cô áo màu về đêm còn song tàn hơn biết bao nhiêu đối với chàng.Ở đây không ai biết chàng làm nghề gì cả, mà có lẽ họ tin rằng chàng thất nghiệp cũng nên, vì chàng ngồi quán giờ này đến giờ khác trong khi các công tư sở, các xưởng, các nhà máy đều làm việc. Quán nầy có bán cơm trưa cho phu xích lô, sáu đồng một dĩa và chàng ăn cơm trưa với họ. Nội cái việc ăn cơm với phu xích lô và mặc quần ống tròn như ống tre, mặc sơ mi tưa cả bâu, đủ làm cho quán xem thường chàng. Nhưng sở dĩ họ dám khinh chàng ra mặt là vì lờn mặt: chàng chà lết nơi đó thường quá, uống môt ly đá chanh mà ngồi đến bốn tiếng đồng hồ. Nhứt là giấc tối là giấc họ sợ, họ tức chàng đến muốn đuổi chàng ra. Vào giấc ấy, khách rất đông vì quán biến thành ba, bán rượu mạnh và một món nhắm mà khách ưa thích: món tai heo luộc, chấm mắm nêm. Một anh chàng choáng ghế, mà chỉ uống một ly rước đá thì có đáng tống cổ đi hay không chớ?Minh biết tự trọng. Nhưng chàng khinh rẽ họ và tự nhủ không nên chấp nê đối với những kẻ không đáng kể ấy. Vả chàng rất cần nơi này để có bàn mà viết lách, và hình như là chàng đã ghiền không khí nơi đây rồi, khó mà tìm nơi khác lắm. Tìm nơi khác? Thì nơi khác cũng sẽ dằn ly, dằn chén như ở đây chớ gi. Ở đây, được cái là chàng mắng lại họ rất sướng miệng mà họ vẫn làm thinh. Họ cũng tốt bụng đấy chớ!Không hiểu vì sao mà chàng lại ưa không khí quán lều. Đành rằng nhà trọ lắm muỗi, nó đốt phải chạy như điên, lại không có bàn. Nhưng chắc không phải chỉ vì hai lẽ đó đâu. Ông giáo đang ngủ gục kia và nhà văn Bắc Hải chắc cũng thế, nên họ đến đây thường lắm. Hình như là họ cũng ở xóm nào gần đó như chàng. Cả ba như đã ngầm ký kết với nhau là không ai hỏi thăm nhà cửa gia đạo ai cả.Ông giáo và nhà văn Bắc Hải là hai yếu tố gây cái không khí mà chàng ghiền này. Nhưng chắc còn nhiều yếu tố khác mà chàng chưa tìm ra được.Hai cô chiêu đãi viên đã tươi cười và dường như tội nghiệp anh chàng bị hất hủi, cả hai đồng đến trước bàn anh, Minh buồn cười cho tình đời quá. Hai cô này, nếu không làm ở đây chắc không đủ tiền để ngồi tiệm uống nước đá hai đồng rưỡi như chàng. Thế là chàng giàu hơn họ. Nhưng họ khinh chàng có lẽ vì họ ngỡ họ lấy được cái giàu của khách khác sao mà!Tuy nhiên, đây là dịp hiếm hoi mà chàng được các cô đến bàn trò chuyện, nên chàng sẵn lòng quên cả mọi mỉa mai của cuộc đời, để mà vui vài phút.- Em Hồng Đào ơi, em ăn hiếp anh như vậy không sợ trời trả báo à?- Hứ! Bộ anh là chồng của em sao mà trời trả báo?- Nếu em chịu uống thuốc điều kinh hiệu "Con Trâu" cho bớt mệt thì sao anh lại không là chồng của em?- Hừ, đừng có nói bậy.- Em chê anh? Chê thì thôi, còn em Bạch Tuyết đen?- Nếu anh chịu cạo râu mỗi ngày một lần và chịu bỏ giặt áo quần vài hôm một bộ thì có thể có chút ít hy vọng.- Anh xấu trai lắm không?- Không xấu. Còn trái lại nữa. Nhưng anh liệu nuôi nổi em hay chăng?- Em ăn một ngày mấy chén cơm?- Em không ăn cơm; chỉ ăn mì, ăn nem nướng, ăn chả giò không mà thôi.- Mẹ ơi, hèn chi mà mập ú muốn nứt áo choàng.- Anh nói ai mập ú hử? Bộ heo sao mà ú?Hết cô mặt mét, giờ đến phiên cô mặt đen nổi giận. Minh chưa kịp pha trò để xí xóa thì một người khách bước vào, làm cả ba đều quên hết mọi việc, bởi bận chú ý đến hắn.Khách bé người, răng hơi hô, mang kiến cận thị, và ngậm một chiếc bíp to tướng. Đây là một tay khách xộp, nhậu cừ, nên được nể nang.Anh Bắc Hải ấy nhìn chàng mà nói: "Rua", nhưng xâm xâm đi thẳng lại bàn của ông giáo.Bắc Hải trước kia là văn sĩ, nhưng anh ta lại bỏ nghề văn, xoay qua nghề báo. Ở đây họ biết nghề nghiệp của anh ta nên gọi anh ta là "thầy nhựt chình". Có một bí mật này mà họ không rõ là "thầy nhựt chình" lại đèo bồng say mê thêm một ngành hoạt động thứ nhì nữa là việc khảo cổ.Một nhà khảo cổ mà chỉ mới có băm tám tuổi thôi, thì trông buồn cười hết sức. Trong làng văn, làng báo, anh em quen gọi đùa anh là nhà "khảo của.. vợ", hoặc nhà "bẻ cổ... gà".Ông giáo sư Lê Thiệu Các cũng là nhà khảo cổ địa lý, nên cả hai, một già một trẻ, bồ nhau lắm.Đến trước người ngủ gục, Bắc Hải gọi:- Cụ ơi! Dậy mau, có chuyện này hay lắm!Ông giáo là người miền Bắc, nên Bắc Hải mới gọi ông ta như vậy. Ông giáo ư... ư... mấy tiếng rồi hỏi, giọng nhừa nhựa:- Gì đó?- Dậy cho tôi hỏi thăm một chi tiết này.Ông giáo ừ, nhưng vẫn tiếp tục ngủ, cái trán cao, sói sọi áp sát vào mặt bàn. Cây ba toong của lão ta ngã nằm dưới đất, một đầu gác lên ống phóng.- Ê, Băc Hải, để ổng ngủ. Lại đây mỗ bảo cái nầy.Bắc Hải nhìn ông già lần chót rồi lắc đầu, đoạn cười hiền lành, bước qua bàn của Minh. Hai cô chiêu đãi viên bu quanh anh ta, hỏi lăn xăn:- Thầy hai uống chi?- Băm ba nha thầy hai?- Suỵt xủi phé!- Trời ơi, bộ thầy hai bị cha kia truyền lây bịnh nước đá rồi hả?Bắc Hải chưa ngồi xong, vội nói:- Mỗ muốn kiểm soát lại xem đào kinh Vĩnh tế ta huy động bao nhiêu nhơn công, nhưng lão ấy ngủ mãi, không làm sao hỏi được.Ấy, Bắc Hải chỉ khảo những cái cổ vừa vừa độ hai ba trăm năm trở lại đây thôi, và chỉ khảo riêng về vùng hậu giang thôi. Những thứ lâu đời hơn, hoặc xảy ra nơi khác, anh ta không thèm biết đến.Minh hỏi:- Ê ta... Quán tao heo, anh hùng lâm đại nạn... rồi sao nữa?- Nhà ngươi nói cái gì mà như là hát bội, mỗ không hiểu nổi.- À, mỗ viết truyện kiếm hiệp và đang tìm hai câu thơ để ở đầu chương cho nó có vẻ Càn Long hạ Giang nam.- Vậy à? Quán tai heo, anh hùng... Quán tai heo... dễ ợt.- Sao đó?- Nè... Quán tai heo, anh hùng lâm đại nạn,Xóm Vườn Lài, hào kiệt quyết ra tay.Quán đối với xóm, anh hùng đối với hào kiệt, nghe kêu chan chát như hai lưỡi kiếm chạm nhau.- Hay, nhưng chuyện xảy ra ở xóm Sáu Lèo chớ không phải ở xóm Vườn Lài, và có cả một tiểu thơ tuyệt đẹp trong đó nữa.- Thi sĩ gì mà dở ẹt. Như vầy lại..càng dễ hơn...nè:Quán tai heo, anh hùng lâm đại nạn,Xóm Sáu Lèo, thục nữ quyết ra tay.- Tuyệt! thật là tuyệt cú. Phen này thì thằng Thanh Vân nó sẽ biết tay mổ. Nó cứ khinh mỗ là chỉ được cái than mây khóc gió hão. Được Thanh Vân ơi, phen này mầy sẽ thấy tao phi dạ hành và vung kiếm sáng ngời.Bỗng vụt thình lình và không có câu, không có bắc cầu, Bắc Hải nói:- À, hôm qua mỗ tìm được một cây trôm trôm và một cây vông đồng, nhà ngươi muốn xem, mai này theo mỗ.- Ở đâu?- Trong sở thú.Bắc Hải rất sành cây và thú. Hắn biết tên đến gần hai trăm thứ rắn, và tả được rõ từ cây mắm đến cây nhàu.Hai cô chiêu đãi viên cà rà mãi mà không được Bắc Hải trêu cợt nên buồn ý tản đi. Bắc Hải không thích tán gái, chỉ say mê đồ cổ thôi, mặc dầu hắn ta cũng có nhơn tình, một cô xẩm lai trong xóm Cây Điệp đôi.Anh ta không đẹp trai hơn Minh, không ăn mặc bảnh hơn, nhưng độ rày anh ta có tiền nên được các cô ưu đãi. Minh buồn cười quá, một kẻ muốn vui mà bị họ cho ra rìa, còn một người họ săn đón lại cứ trốn trong cổ thời.Ông giáo ho một hơi. Đó là dấu hiệu ông ta thức dậy luôn, và quả ông ta ngóc đầu lên sau cơn ho. Mặc dầu ăn quán ngủ đình thế, ông ta ăn mặc vẫn chững chạc, và trông đẹp người lắm. Thuở thanh xuân chắc ông ta rất xinh trai.- Chào các anh! Có gì lạ?- Cụ ơi Bắc Hải hỏi, kinh Vĩnh tế...Nghe đến tên con kinh lịch sử ấy, mắt ông giáo sư địa lý bỗng sáng lên: Hữu tình ta lại gặp ta, nên chi hai nhà khảo cổ nhìn nhau say đắm, như cảm thông nhau trong cuộc truy nã quá khứ ngàn đời.Nhưng ông giáo bị một ám ảnh khác, nên vội nói:- Này, thằng Nai Đồng nó giải thích hai tiếng chích, đầm trong tạp chí "Bách Khoa" sai be bét hết.- Chích, đầm gì đó cụ?- Hai anh là người miền Nam, lại không biết hai tiếng đó à. Thơ Nguyễn Đình Chiểu đó mà!Nguồn: Vietmessenger Reply With Quote10-31-2013 #2sieulinh Thành viên chính thức Join DateOct 21st 2010Posts895Post Thanks / Like Rep Power48
Sau trận mưa đầu mùa tưởng chừng như đất đến thúi ra, trời lại nóng bức vô cùng. Nhà trọ không đèn, không điện, không bàn viết, và muỗi cứ kêu vo vo mãi bên tai.Nhưng nếu không có những thứ khó chịu ấy. Minh vẫn cứ thèm đi ra ngoài như thường. Ở đây không có gì gợi hứng cả, mà ngoài kia cũng vẫn không có gì. Nhưng ít ra, ở ngoải vẫn có một thứ: hy vọng. Hy vọng gặp được một nguồn cảm hứng dồi dào, mong đợi mãi mà không bao giờ đến, hy vọng những gì mơ màng không biết rõ là gì, nhưng nhờ thế mà cuộc đời còn có nghĩa đôi chút, còn có một cái gì để mà bám vào.Vả lại nhạc máy phóng thanh của cái trà thất cá kèo tại đầu ngõ hẻm thúc giục quá, không thể nào nằm nhà mà xong được. Mấy năm trước, làm công chức, Minh có tiền và hay lui tới các trà thất, vũ trường. Giờ đêm đêm hễ nghe nhạc trổi là chàng nhớ như kẻ đi xa nhớ nhà.Cái không khí trà thất mà nhạc vừa gợi lên ấy, quán "Tai heo" đằng đầu đường Lý Thái Tổ, gây được phần nào, mà chỉ phải tốn có một chai nước cam tám đồng thôi.Tức tốc, Minh thay y phục, xỏ chân vào săng đan, rút một xấp giấy nhựt trình trắng xin của nhà báo, nhét giấy và cây bút chì nguyên tử vào túi quần tây, đoạn bước ra ngoài.Trận mưa chỉ mới vừa dứt hột nên nước đọng trong ngõ hẻm cao đến khỏi mắt cá và chảy ồ ồ như nước suối. Khi chàng ra tới đại lộ Lý Thái Tổ thì trời bắt đầu mưa lại, chỉ sương sương thôi, nhưng Minh biết chắc là sẽ mưa dầm vì nghe hơi gió đặc biệt của những dám mưa loại ấy.Chàng thích chí hết sức, vì mắc mưa thì nghe được cái cảm giác rất nên thơ của những cuộc lang thang trong mưa gió của những anh chàng thi sĩ thất tình, và nhứt là đằng quán sẽ không có ma nào cả. Đêm cuối tháng mà mưa dầm như thế này, họa là điên như chàng mới lết ra các quán lều. Trận mưa dầm sái mùa này thế mà đáng hoan nghinh đây.Minh sướng quá, nhìn lên trời đưa mặt ra hứng lá điệp, mà cơn gió vừa thả xuống vỉa hè. Bỗng chàng vấp phải một cái sạp gỗ xiểng niểng muốn ngả sấp xuống đất. Sạp của chợ chồm hổm Ngả Bảy nằm la liệt trên vỉa hè, về đêm như gài bẩy những kẻ vô ý như chàng.Nhạc suông đuổi theo chàng đến mãi thật xa. Khi chỉ còn nghe văng vẳng tiếng kèn, chàng bùi ngùi nhớ lại thuở bé, ở nhà quê, đi xem hát đình, khi ra về mà chưa vãn hát, vẫn tiêng tiếc mà nghe nhạc rượt theo chàng đằng xa.Bây giờ mưa hơi nặng hột, và may quá, chàng đã đi mút đại lộ Lý Thái Tổ đến Ngã Bảy, chỉ còn quẹo qua tay trái vài bước thì tới quán "Tai heo".Quán "Tai heo" quả như chàng tiên đoán, đêm nay không có khách.Lời tục thường nói: Tắt đèn, nhà ngói như nhà tranh. Đáng lý gì lời tục phải nói thêm: "Thắp đèn lên, nhà ván như nhà gạch".Quán cất bằng ván và gỗ sơ sài và lợp bằng tôn, thế mà khi cả sáu chiếc đèn ống tuôn ánh sáng xuống những chiếc áo màu của mấy cô chiêu đãi viên đêm, xuống nắp bàn vải trắng thay cho nắp nhựa vào buổi tối, thì cảnh trông cũng có vẻ "thần tiên" lắm. Nền nhà lót bằng ván rầm, dưới ấy chuột cống kêu tục tục suốt đêm, cũng không còn giữ gương mặt tồi tàn lúc ban trưa của nó.Quán không khách, nhưng Minh thoáng thấy đủ mặt bá quan ở đây, và lão Hai Lọt mặc áo thun đang ngồi sau quầy thâu tiền, chắc đang nhìn mưa mà thở dài.Chàng không thèm nhìn ai cả, đường hoàng bước vào quán trong dáng điệu tự tin của kẻ có tiền đầy túi, kéo ghế ngồi lại trước bàn giữa nhà.Thường thì về đêm, chàng chỉ dám ngồi ở chiếc bàn con dựa vách, sợ giành chỗ tốt với khách xộp bị các cô háy nguýt khó chịu lắm.Hôm nay, ở một chiếc bàn dựa vách có hai người đàn ông ra vẻ thợ thuyền đang ăn tai heo nhậu bia.Hồng Đào bước lại hỏi:- Nước đá hay nước cam?- Cassis!Chàng không thèm để mắt tới cô ả, nghiêm nghị kêu thứ rượu lạ đó mà chàng biết là ở đây không có, mắt nhìn ra đường trông như tâm trí bận rộn vì áp phe.Cô chiêu đãi viên mặt mét ngơ ngác không hiểu gì, day lại hỏi cô áo vàng:- Gì mà cắt siết đó chị? Ông này bữa nay ghê quá! Đòi cắt cổ chị em mình à?Cô chiêu đãi viên áo vàng thuộc vào hạng chiêu đãi viên trung đẳng, nghĩa là tuy không đẹp, không sành đời lắm, nhưng vẫn biết được tên rượu. Cô mỉm cười, mai mỉa nói:- Ở đây không có bốn sáu.Ấy, mặc dầu hơi biết biết, các cô hạng trung cấp vẫn dốt, ngỡ tên rượu đó là quatre-six.Minh bật cười, rồi nói:- Thôi thì cho một cái Martini.- Cũng không có Mạc-Ti-Níc.- Trời ơi, ba gì mà chả có cóc khô gì hết vậy?- Ừ, ở đây chỉ có Mạc-ten và Rôm thôi.- Thôi cho bia đi. Với lại một dĩa tai heo.Có lẽ họ thấy anh chàng làm oai trông buồn cười hết sức và vì thế anh chàng hóa ra hay hay hoặc họ cũng buồn vì vắng khách, nên cô áo xanh và áo đỏ đều đi lại ngồi bàn với Minh. Biết đâu cũng có lẽ họ đoán anh chàng đã khá lên, nên họ đổi thái độ?Cả ba cô áo màu này đều xấu không kém cô mặt mét Hồng-Đào và cô mặt đen Bạch-Tuyết. Nếu chỉ xấu xí thôi, thì không kỳ. Đằng này họ lại làm đỏm và đánh phấn bôi son thật vụng, nên hóa ra lố bịch làm sao ấy. Như vậy mà họ vẫn quyến khách được! Hèn chi mà vải bông bán ngoài chợ Bến-thành, thứ bông đẹp hay thứ bông kỳ cục thế nào rồi cũng có người mua, không ế thước nào bao giờ cả. Sở thích của con người thật là thiên hình vạn trạng.Cô áo đỏ hỏi:- Sao bữa nay anh không uống nước cam?- Không cho thay đổi à?- Ai mà dám không cho. Nhưng hồi trưa em bỗng nhớ lại một câu chuyện nước cam rất hay, định tối kể anh nghe, không dè anh lại đổi chiến lược.- Thật à? Quyết kể anh nghe à? Như vậy phải thưởng mới được. Hai em uống gì?- Quatre Six.- Đừng đùa.- Mạc-Ti-Níc.- Á thôi!- Nói chơi, chớ tụi em uống Rôm-sođa.- Đừng có cụi với chủ quán mà chết anh. Không biết uống rượu thì đừng kêu rồi đổ. Uống nước cam đi nhá.Hồng-Đào và Bạch-Tuyết tức lắm vì hai ả phải phục dịch cho khách của một người khách mà hai ả xem không có kí-lô nào hết.Vừa nhai tai heo nghe dòn rụm, Minh vừa nóng nảy hỏi:- Câu chuyện ra sao, nói nghe thử coi.- Chẳng như vầy: Có mấy thằng cha xúm lại để nhậu nhẹt. Nhậu đã đời rồi bèn nói xúc phạm đến ông trời. Ở trên ấy, ông trời ổng lắng tai ổng nghe nên ổng nổi giận sai thiên lôi xuống đánh mấy thằng cha đó.Thiên lôi vưng lịnh, xuống đến nơi thì thấy, ngoài bọn nhậu lại có môt thằng cha cùng bàn nhưng chỉ uống nước cam thôi. Không biết tính sao, thiên lôi mới trở về trời tâu:- Muôn tâu Ngọc hoàng, trong đám đó có xen một thằng uống nước cam. Không lẽ thằng đó lại xúc phạm đến thiên đình, nếu oánh càng, e bắn chết oan. Vậy làm sao bây giờ?Ngọc hoàng vỗ án hét:- Thi cứ oánh chết mẹ luôn thằng uống nước cam đi cho tao. Chỗ người ta uống rượu mà nó xen vô đó làm gì?Cả ba cười xòa, Minh cười nhiều hơn hết, mặc dầu chàng biết cô chiêu đãi viên ấy chưởi khéo chàng. Tuy nhiên cười xong chàng trả đũa ngay:- Em còn quên nuột câu nữa của Ngọc hoàng.- Vậy à. Em chỉ nghe một anh tài tử cải lương kể có bấy nhiêu đó thôi.- Ậy, còn nữa. Ngọc hoàng lại thêm: "Oánh chết cha luôn mấy thằng uống nước cam cọp đi cho tao!"- Kể ơn hả?- Kể chuyện chớ.- Sao mà vô duyên đến thế?- Tại em không hợp lý. Chưởi người ta, người ta cười, mà hễ bị người ta chưởi lại thì giận.Cô áo xanh nãy giờ làm thinh, hỏi:- Sao bữa nay anh lại có tiền?- Mới váy tai họ đêm rồi, cướp được một ghim.- Cái bảng mặt anh như vậy, dám làm cái đó lắm đa nghen. Anh nè, anh hay viết lắm, nhưng sao anh lại không phải làm nhựt trình như thầy hai ống cối?- Sao em biết anh không làm nhựt trình?- Nếu làm thì anh đã có tiền.- Thì bây giờ có đây.- Bộ thầy hai ống cối đem vô làm hả?- Không cần biết cái đó. Việc chánh là từ đây, anh có thể bao nước cam các em mãi.- Khỏi.- Chê hả? Cho thiên lôi đánh gãy răng vàng bây giờ đa.- Không dám chê. Nhưng chợ Trần quốc Toản cất xong rồi, nay mai sẽ dẹp chợ chồm hổm Ngã Bảy này, quán này sẽ ế, tụi em đã tính rút lui rồi. Ở đây đào đâu ra buộc boa, nếu hết khách.Minh hơi buồn buồn. Chàng sầu trước mà nghĩ đến việc quán dẹp, cái quán chàng quen thuộc từ một năm nay. Eo ôi, vừa có tiền, lên chơn được cho chúng nó trọng đãi thì chúng nó lại dẹp đi. Tủi thân quá, chàng suýt rưng rưng nước mắt. Giây lâu chàng hỏi:- Các em rút lui về đâu?Hỏi xong chàng lại bùi ngùi, mũi đỏ cả lên. Không có gì ngậm ngùi bằng bến đò và quán, chủ, khách đều có lý do ngậm ngùi: kẻ ở người đi. "đời ngăn chia ngàn lối", thường khi suốt đời không gặp lại nhau.- Tụi em lên chợ Trần Quốc Toản. Trên đó sân chợ rộng lắm và ngoài sân họ cất ba. Ba lộ thiên chắc chắn là đắt khách.- Thôi, hôm nay anh buồn lắm, các em đi đi, đi cho anh yên.- Cha, ai mà cần. Người ta thấy buồn tội nghiệp, người ta lại chơi, giờ, lại đuổi. Anh này coi mặt hiền như vậy mà đoản hậu lắm. Anh mà có mèo thì mèo nó sẽ khổ với anh.À... mèo! Phải rồi! Minh muốn yêu lắm và nghe mang máng rằng mình cần yêu. Nay nghe hai cô ả nhắc đúng cái danh từ có nghĩa là đối tượng của mình yêu, chàng mới ý thức rõ rệt được về lòng chàng.Bị nhơn tình phụ bạc thì sầu thấm thía, và cần vui để được an ủi. Nhưng thiếu tình yêu lại buồn nhè nhẹ, chơi vơi và cần được yên thân để mơ mộng.Quán sẽ dẹp! Quán "Tai heo" là một cô tình nhơn "đỡ ghiền" khi chưa gặp nhơn tình bằng xương bằng thịt. Tủi ôi! Cho đến đổi cô nhơn tình "đỡ ghiền" này mà chàng cũng không dan díu cho lâu được.Từ lâu, chàng đã lo quán phải dẹp, nhưng không ngờ mà sớm thế. Quán cất ngay trước Ngã Bảy, tại góc hai con đường Lý Thái Tổ và Phan Thanh Giản. Nơi góc đường ấy, đô thành đã dự định trổ một con thông lộ ăn qua đường Trần Quốc Toản. Nhưng phía trong, thiên hạ cất nhà lá tưới lên con đường đã phóng và phía ngoài, Hai Lọt lại cất hai căn phố ván lợp tôn để bán quán. Thế nào rồi cũng bị đuổi vì choán đất bất hợp pháp, nhưng giờ họ lại phải đi trước, vì lẽ khác.Ngoài kia, nước mưa hiện trắng xóa lên trong những vũng ánh sáng của đèn đường, khi nhặt khi thưa, luôn luôn cái nỗi buồn thiên vạn cổ của những cơn lạnh giá của lòng.Bỗng chàng nghe một tiếng động lạ lắm sau lưng chàng. Đó là tiếng tróc chó bằng lưỡi thôi, nhưng nó kêu dòn, khô và to quá sức. Chàng ngẩn người ra. Cái tiếng tróc chó này, chàng đã có nghe rồi nhiều lần, chỉ biết rằng đây là một tiếng động quen thuộc như tiếng bước của người bạn thân, không thể nào lẫn lộn với tiếng tróc chó khác được, vì nó to khác thường và cũng vì điệu nhạc riêng của nó. Tiếng tróc chó ấy gần như là âm thanh chớ không phải tiếng động, và vì thế, có một sức rung chuyển trong không khí như là nhạc gỗ của người sơn cước.Và không phải là tình cờ mà "ai đó" đã tróc chơi một tiếng rồi thôi. "Người ấy" lại tróc thêm một tiếng thứ nhì, lần này thì rõ rệt là một tiếng kêu gọi, đầy hơi hướng năn nỉ van cầu người nghe day lại. Chàng day lại và...Thoạt tiên, chàng nhận ra ngay sự quen thuộc của gương mặt ấy, nhưng không nhớ rõ đã quen trong trường hợp nào. Hình như là quen lúc nó còn cả vẻ rực rỡ của độ xuân tươi. Giờ thì nó héo úa quá rồi để trí nhớ của chàng dễ gây một cuộc liên tưởng giữa một cái tên và một gương mặt khác xưa đó.Bỗng chàng vui lên và cũng đánh lưỡi mà tróc chó như người ấy. Tiếng tróc chó là ám hiệu để hai người nhận nhau, nhứt là trong bóng tối.Cả hai cùng cười, rồi Minh hỏi:- Sao nãy giờ anh không thấy em?- Anh có thèm ngó ai đâu mà thấy!- Em đến làm đây từ bao giờ?- Ba hôm rồi.Hình như là Hoàng vừa ra khỏi một trận đau. Chiếc áo ni-lông màu hồng mà ả ta mặc, rộng quá; mà ả ta hóp, để nhô lên đôi quyền mà xương như muốn chọc lủng da để lòi ra ngoài. Tuy nhiên, đối với năm cô quê mùa ở đây, Hoàng vẫn đẹp và có phong cách hơn nhiều.- Sao không làm trên ấy nữa?Trên ấy là Thủ đức. Minh quen với Hoàng hồi ả ta làm chiêu đãi viên trá hình tại quán Tuyết Hương. Quen nhau vì Hoàng có biệt tài tróc chó vang nhà, nhứt là khi nhai chewing-gum, nàng tróc kêu đến đỗi bên rạp hát trước đó cũng nghe tiếng.- Em thôi làm ở Tuyết Hương lâu rồi.- Uống gì?- Nước cam trời đánh.- Nghe lóm, thẻo tai đa nhé.Khi Hoàng ngồi lại trước ly nước cam mà Bạch Tuyết hậm hực bưng lại, Minh ngó theo cô chiêu đãi viên vừa bưng rượu tới mà pha trò với Hoàng:- Em biết tại sao nó quạo quọ như vậy không? Nó ghen đó.Bạch Tuyết day lại tức thì, nguýt dài một cái và nói:- Hừ, cái tù mặt...Hoàng cười hỏi:- Bồ nhau à?- Mèo của anh mà.- Em không tin.- Sao lại không tin?- Anh bảnh thế kia...Hoàng hạ giọng xuống mà đáp lại Minh, sợ Bạch-Tuyết nghe được mà mích lòng.Minh hơi chua xót mà nghe Hoàng nhắc lại phong độ của chàng mấy năm trước. Phải, thuở ấy chàng bảnh lắm, đã đi làm lại được cha mẹ tiếp tế thêm. Nhưng khi không, chàng đã bỏ sở ngang, trong một lúc bực.Nhìn Hoàng, chàng cười nói:- Anh bảnh thì nó cũng bảnh vậy.- Nó nhà quê một cây!Mặc dầu chàng mới vay được ngàn bạc, vẫn còn là quá nghèo đối với một cô Hoàng sang trọng trước kia, tuy nhiên chàng không có gan công khai sự xuống chơn của mình, phương chi Hoàng lại cứ tưởng là chàng còn bảnh. Chàng hỏi cho có chuyện:- Sao em, độ rày khá không?- Em vừa sanh, nghèo muốn chết.- Vô thừa nhận à?- Anh ấy mướn phố cho em ở, lúc em cấn thai. Nhưng rồi chị ấy đánh ghen, bắt ảnh về, không biết là đánh ghen thật, hay làm hộp với nhau để bỏ em thì không rõ. Điều chắc là em đói từ lúc có mang được bốn tháng cho tới nay thì con em đã hai tháng rồi.A ha, đây là hai kẻ cùng tuột thang xã hội một lượt với nhau, tuột xuống đến nấc thang kế chót là cái nấc mà nơi đó, con ngưới chỉ kiếm vừa đủ bát ăn. Tự nhiên Minh không thấy cần phải giấu giếm nữa:- Anh độ rày cũng nghèo lắm.- Thật là xui xẻo cho em. Vừa mới vào làm ở đây, thì nghe mấy chị ấy nói rằng chợ Trần Quốc Toản sắp khai thị và chợ chồm hổm Ngã Bảy nầy sắp dẹp. Rồi giờ vừa gặp lại anh thì nghe anh than nghèo.Minh thì nghĩ khác. Chàng nghĩ rằng cho dẫu chẳng gặp những tình cảnh không may trên đây, Hoàng cũng chẳng đỡ khổ. Nó tiều tụy thế kia, già như trên ba mươi thì chắc không ai buồn trò chuyện với nó để rồi phải thí buộc boa cho nó.Bỗng dưng nhớ lại một việc, chàng hơi tức cười và lạ lùng thay, chàng vụt tìm được biệt hiệu ưng ý. Cái biệt hiệu khó chịu này, từ hai năm nay, từ lúc bắt đầu làm thơ, chàng đã khổ sở vì nó, không biết đặt thế nào cho kêu, cho lạ và cho hợp với con người của chàng. Chàng đã ký những bút danh sáo, tạm bợ để ngày kia không nhìn nhận chúng nó nữa, vì thơ chàng, tới đây, chàng biết chắc là còn non, khỏi phải tiếc thương gì cả.Cái việc vừa nhớ ra ấy, là lời hứa suông với Hoàng lúc chàng lên Tuyết Hương thường bữa, cách đây hai năm. Hoàng đã xin chàng một lọ nước hoa "Bain de Champagne", và chàng đã hứa bừa càng như đã hứa nhiều thứ khác với những gái hạng như Hoàng. Cái hôm chàng hứa lọ nước hoa, chàng đã quỵt tình yêu của Hoàng rồi không đến nữa, không phải vì sợ mà vì sanh kế: Chàng đã ngông mà bỏ sở, nên hết tiền.Nhớ tới câu chuyện đó, tự nhiên bài thơ của Đỗ Mục văng vẳng vang lên:Lạc phách giang hồ tái tửu hànhSở yêu tiêm tề chưởng trung khinhThập niên nhất giác Dương Châu mộngDoanh đắc thanh lâu bạc hãm danh.Chàng nhại thơ và cà rỡn ngâm nho nhỏ:Nhị niên nhất giác Tuyết Hương mộng.- Phải rồi, chàng lẩm bẩm: quyết là Dương Châu. Tụi nó sẽ ngỡ mình là anh chàng họ Dương mà tên Châu. Kêu lắm.- Gì là Dương Châu? Hoàng ngơ ngác hỏi.- Cái thằng nó hứa biếu em lọ Bain de Champagne khi xưa, tên là Dương Châu.- Vậy à? Sao anh nói anh tên Ngọc?- Lúc đó anh đã xí gạt em. Giờ thì nói thật.- Tổ sư xạo. Sao lúc đó dối, giờ lại thật tình?- Vì lúc đó không yêu em, giờ thì yêu.- Xạo một cây!Minh không đáp, không cãi. Chàng bận nhìn ra ngoài. Đô thành có trồng điệp bông nâu mọc theo đại lộ Lý Thái Tổ. Những cây điệp này, năm nay đã to bằng thân người rồi. Không hiểu vì sao, nơi khúc quẹo này lại có được một cây, có lẽ do tư nhơn trồng cho mát nhà chăng?Cây điệp mọc ngay trước cửa quán "Tai heo", vỏ đen thui và nứt nẻ như vỏ me, trông buồn như đời chàng, như đời của người thiếu phụ ngồi trước mặt chàng.Nước mưa chảy ròng ròng theo thân cây, gợi hình ảnh những dòng lệ mà có lẽ thiếu phụ đã nhiều lần để trào ra khỏi mắt. Chàng ngâm nho nhỏ một câu thơ mà lần nào nghe, chàng cũng ngậm ngùi nghĩ đến số phận những kẻ như Hoàng:Có khi gốc tử đã vừa người ôm.Buồn bỏ mẹ! Cây tử là cây gì anh? Sao lại vừa người ôm?- Khi ra đi, nhà nàng...- Đi đâu, và nàng nào đó vậy?- Nàng Kiều. Nàng đi phiêu bạt giang hồ như em. Khi nàng ra đi, nhà nàng mới trồng một cây tử. Nàng lưu lạc mười năm và một hôm ngồi buồn, nhớ cha mẹ, nhớ xóm làng, nhớ ngôi nhà tổ phụ, thớ cây tử mà nàng tưởng tượng đã lớn rồi, đã vừa người ôm rồi...Hoàng không hỏi thêm gì, lặng thinh nhìn nước mưa chảy ròng ròng theo thân cây điệp bông nâu đen thui, cũng vừa cỡ người ôm. Có lẽ nàng đang nhớ đến cây xoài của quê nàng, bên hè nếp nhà mái đưng của tổ phụ.Bỗng dưng, nàng kéo vạt áo lên lau nước mắt, một cử chỉ nhà quê, nàng đã bỏ được từ lâu, và giờ đây, bất giác làm lại mà không hay.Nhìn cô gái buôn hương đã hoàn lương bắt buộc vì cảnh phấn lợt hương phai, Minh không tránh được liên tưởng đến số phận chàng. Không, tương lai chàng còn nguyên vẹn, nhưng hiện tại thì đen tối y như cô gai má hóp này: cũng thấp thỏm, phập phòng vì miếng ăn, không có ai là thân yêu nơi đất lạ, cho đến một con chó trung thành để làm chỗ dựa tinh thần trong những ngày chán nản cũng không có.- Hoàng ơi! Anh yêu Hoàng thật đó Hoàng à!Người nữ chiêu đãi viên không thèm day lại nhìn chàng, vì nàng đã nghe câu ấy thường quá rồi. Có người nói nghe thật lắm, nhưng cũng chỉ để pha trò chơi vậy thôi.- Hoàng ơi! Anh đã yêu Hoàng thật đó Hoàng à!Câu nói bông đùa lúc vừa tìm ra biệt hiệu, Minh không dè nó khơi mội tình cảm của chàng thật tình. Chàng có yêu Hoàng thật sự hay không, chính chàng cũng chưa biết, nhưng chắc chắn là chàng muốn yêu ả ta.Chàng muốn yêu? Phải. Đời sống tinh thần của chàng, chàng cứ nghe còn thiêu thiếu một cái gì, nhứt là từ khi bắt đầu ve vãn nàng thơ. Chàng nhớ lại ngày xưa em gái chàng bỗng dưng thèm ăn muối. Nó ăn mỗi lần cả muỗng lớn. Đưa nó đi bác sĩ, bác sĩ bảo có thể nó thiếu chất muối nên đòi hỏi chất ấy để được thăng bằng. Con bé ăn muối như thế đúng một tháng là hết thèm và bỗng thông minh ra, học rất giỏi, chứng tỏ rằng quả cơ thể của nó đã tìm lại được sự thăng bằng cần thiết.Chàng cũng thiếu cái gì như em chàng thiếu muối, nên chi chàng làm thơ mãi mà chỉ đẻ ra được những vần gượng ép thôi. Cái chất thiếu ấy, chàng lắng nghe rõ thì ra nó là tình yêu.Chàng cần yêu! Chàng muốn yêu. Nhưng ngoài những thần tượng chàng tạo ra để mà thờ phượng, Minh chưa hề yêu ai và được ai yêu cả. Lúc có tiền, chàng không gặp người vừa mắt, bây giờ thì tóc tai như thế này, nào dám mong ai chú ý đến.Bài thơ đầu tiên của chàng- gởi mấy mươi tờ báo mà không ma nào đăng cho cả- đã nói rõ lên sự trống không nơi lòng chàng.- Hoàng ơi! Anh đã yêu Hoàng, thật đó Hoàng à!Điệp khúc "Hoàng ơi!" này được ca lại mãi khiến cô gái đang rưng rưng lệ bật cười khan lên. Nàng hỏi:- Anh còn nhớ con Thu trên Tuyết Hương hay không?- Thu nào?- Con Thu lưng tôm mà anh cứ khen đẹp mãi đó mà.- À, nhớ ra rồi; sao?- Có một thằng cũng hát câu của anh, hát hay quá, nên hai đứa nó yêu nhau; đúng một tháng thì bao nhiêu tiền dành dụm của Thu bay mất hết cả, bay theo thằng cha "Thu ơi! Anh đã yêu Thu, thật đó Thu à!"- Nhưng Hoàng ngày nay có gì? Hoàng vừa than nghèo, trán của Hoàng đã bắt đầu nhăn rồi, Hoàng soi gương có thấy hay không? Hoàng sợ anh lường tiền hay lường nhan sắc?- Em không có gì hết. Nhưng chính vì không có gì nên em sợ. Sao anh lại yêu đứa không có gì cả?- Là tại anh cần yêu.- Sao lại cần yêu, em thật không hiểu.- Em không thể nào hiểu được cả. Vả lại em có cần gì hiểu đâu. Em chỉ cần biết rằng anh yêu em và em nên yêu lại anh là đủ rồi.Bỗng một tiếng tróc chỏ nổi lên dòn rụm trong đêm mưa dẻo nhẹo, phóng ra một nốt nhạc vui tươi giữa bản trường ca mưa dầm dai dẳng này. Minh hiểu ngay là Hoàng thích chí. Tróc chó là dấu hiệu sung sướng riêng của người kỹ nữ ấy. Mặc dầu đêm nay không có Chewing-gum để nhai, cái tiếng tróc chó lịch sử có nghĩa là tiếng ừ sau lời tỏ tình của Minh, cái tiếng ấy cũng to vô cùng.- Không, Minh nói, em không bao giờ nên tróc chó nữa cả. Anh đang yêu một cô Hoàng khác hơn cô Hoàng trên Tuyết Hương mà tiếng tróc chó lại nhắc nhở đến cô Hoàng năm cũ. Thôi, bây giờ đi nè.- Đi đâu anh?- Đi ăn cái gì rồi xem chiếu bóng.- Trời ơi, đã đang ngồi quán lại rủ nhau đi ăn nơi khác.- Ậy, như vậy mới ra vẻ đi ăn. Ăn ở đây hóa ăn cơm nhà sao.- Nhưng ông Hai không cho, làm sao đi được.Minh nhìn lại Hai Lọt mặc áo thun ba lỗ ngồi sau quầy thâu tiền, mặt nặng như trời đêm mưa.Hắn sói đầu phía trước, trán và sọ láng bóng như da mặt một phụ nữ Quảng Đông nhà quê thường xe chỉ để bứt hết lông mặt. Phía sau đầu hắn còn sót lại leo heo vài trăm sợi tóc, hắn bới lại thành một búi tóc cứt cu.Từ ngày có lịnh cấm cởi trần, hắn nhẫn nại mặc chiếc áo thun bốn mùa này và rất buồn mà không được dịp triển lãm cái bụng phì của hắn ra.Người trong xóm "Chuồng bò" phía sau quán đã bắt gặp hắn ngủ ngoài trời, sau nhà, những đêm nực nội, trên một chiếc ghế bố rất ngắn. Hai chơn hắn lọt ra ngoài mùng, nên họ gọi đùa hắn bằng tục danh Hai Lọt. Tục danh này được phổ biến thêm từ ngày hắn mở quán "Tai heo".Minh không ghét hắn như đã ghét mấy cô chiêu đãi viên ở đây vì hắn là kẻ độc nhứt trong quán ít hất hủi chàng hơn hết. Chàng mỉm cười, làm an lòng bạn:- Em đừng lo, anh nói một tiếng là lão ta bằng lòng buông tha em ngay.Nói là làm liền, Minh thò tay vào túi rút ra một tờ giấv năm chục rồi bước lại quầy vứt lên mặt, gỗ kêu cái xạch và nói:- Ông Hai khỏi tính, còn lao nhiêu cất hết đi.Hai Lọt ngạc nhiên trố mắt nhìn chàng giây lâu rồi cười ha hả hỏi:- Mới trúng mối gì đó hả?- Đúng như vậy. Từ đây tôi giàu lắm. À, nè ông Hai. Đêm nay không có khách, ông cho con Hoàng đi với tôi nhá?Hai Lọt không lập quán trá hình, nên không thèm biết đến chuyện tư riêng của cô chiêu đãi viên nào cả. Hắn cứ thẳng rẳng, hễ đóng cửa quán thì cho họ về, còn trước đó thì khỏi xin, mất công vô ích.Nhưng hắn vừa đâm ra nể nang cái ông khách cũ mà mới giàu này nên hắn rất khó trả lời. Giây lâu hắn đáp:- Thôi, cũng được.- Hay, ông Hai biết điệu quá! Ta đi Hoàng nè!Họ ra cửa lúc một chiếc xe tắc-xi do Minh gọi, ngừng lại trước đó. Nhiều chuỗi cười mai mỉa đuổi theo hai người, nhưng cả hai đều bất kể, Hoàng, vì nàng đã quá cố lì, còn Minh thì vì bản tánh bất chấp miệng đời.Cả năm cô ở lại đều chế giểu họ bằng những chuỗi cười ấy vì họ ngỡ rằng Minh là một anh chàng nhà quê, mới kiếm được chút đỉnh tiền, muốn lên mặt bảnh lại không biết chọn gái, vớ ngay một cô ả vừa hốt bếp, còn ốm tong teo và xanh dờn như ma trơi.Thật ra là cả năm đều ghen tức với Hoàng mà họ thèm may mắn bất ngờ của Hoàng. Minh tuy áo rách vẫn khá hấp dẫn về sắc diện, và nay bỗng dưng anh ta có tiền thì anh ta là người bảnh rồi, người bảnh họ quen biết từ lâu, nhưng lại lọt vào tay kẻ mới đến, thì có tức hay không?Minh bảo xe chạy tuốt ra bến tàu, và khi dìu Hoàng đi trên chiếc cầu nhỏ để lên tửu lâu đặt trên tàu, chàng mới chợt nhận ra cái ngông quá mức của chàng.Chàng đã bỗng dưng bỏ sở mà không có một cớ nào cho đáng cả, đã từ chối viết bài báo theo chỉ dẫn của Thanh Vân, cho đến phải đói lên đói xuống gần một năm nay; nay vừa vay được ít tiền, lại đưa một ả buôn hương xế bóng đến một hiệu ăn sang trọng như vầy thì còn gì ghim bạc nó có thể nuôi chàng no ấm ít lắm là trong hai mươi ngày.Tuy nhiên, Minh không hối hận chút nào. Chàng thấy cái ngông của chàng hay hay, và quyết không sợ, quyết sẽ ngông nữa vào dịp khác, ngông mãi, ngông hoài cho đến hết đời chàng, vì ngông được, thú biết bao! Cái tật ấy như là giải thoát được cái gì nơi tiềm thức chàng, mà chàng chưa rõ, nhưng mỗi lần chàng ngông, là mỗi lần chàng nghe như được ai phóng thích ra khỏi vòng kiểm tỏa vô hình nào.Để được yên thân, đôi bạn tránh mũi tàu lộ thiên đông nghẹt khách, mặc dầu trời chỉ mới vừa dứt hột, và vào ngồi nơi tận cùng, sau lái, nơi gần nhà bếp, nơi mà ai cũng chê cả vì đó là xóm nhà lá của tửu lâu.Minh nhứt định phải ăn Bouillabaisse để tưởng tượng như đang ngồi ở bến tàu tại Marseille, Marseille, thương cảng thơm ngát hương gió bốn phương mà chàng mơ ước đến chơi từ lâu nhưng chưa có phương tiện.Cô Hoàng sang trọng của quán Tuyết Hương bây giờ hóa nhà quê đặc nơi đây, phú mặc cho bạn gọi món ăn gì thì gọi, vì nàng không dám có sáng kiến trong một khung cảnh chênh lệch quá đối với phong độ của nàng.Tự ti mặc cảm và bối rối thẹn thò của Hoàng khiến cho Minh có cảm giác nàng là gái lành và bỗng dưng xóa được niềm hối hận thoáng qua mới nhóm lên trong lòng chàng, hối hận đã điên dại trong một lúc hứng, bắt tình với một cô gái hạng đó. Cho đến sắc đẹp nàng cũng không còn để mà tha thứ dĩ vãng nhớp nhơ của nàng, để mà tha thứ phong cách hiện tại của nàng, nó còn kém hơn nhiều phong cách của một chị bán mía ghim.Nhìn một cánh buồm xa nổi lên trên nền ánh đèn điện của thương thuyền ngoại quốc, thình lình Minh nhớ đến một cảnh năm kia và chợt nhận ra rằng chàng đã có lúc yêu Hoàng thật sự, trong một tuần lễ.Năm ấy, nhờ tới lui thường ở Tuyết Hương, chàng quen thân với Hoàng. Một đêm kia ngồi uống rượu dưới tàn một cây huỳnh liên trong sân quán Tuyết Hương, chàng nghe Hoàng thỏ thẻ:- Nếu anh chịu đi về xứ em với em trong một tuần lễ thì em bao hết chi phí cho anh.- Sao Hoàng lại dở chứng lạ thế? Chàng ngạc nhiên hỏi.Hoàng rưng rưng nước mắt mà rằng:- Dưới ấy ai cũng biết em bị chồng bỏ cả. Nhưng mỗi lần em về, xóm giềng lại thấy em sang hơn lúc có chồng, cho nên họ nói ra nói vào dữ lắm. Ban đầu em quên mất chỗ đó, nên cứ ăn mặc sang trọng và mua quà về thật nhiều. Sau nghe họ xầm xì với nhau, em mới giựt mình.Bây giờ mà họ ngỡ em lại có chồng, mà có chồng giàu, thì họ im ngay.Minh thấy hay hay nên bằng lòng về Vĩnh Long với Hoàng và chính chàng xuất tiền ra để tiêu xài, chớ không nhận đề nghị của cô ả.Chứng kiến cảnh sống thân mật và lành lặn của Hoàng trong bảy ngày, giữa một gia quyến lam lụ tại xóm Cầu Lầu, chàng đã quên tất cả, hay cố ý quên tất cả, để có cảm giác rằng đang về quê vợ thật tình.Những chiều ngồi giải khát với Hoàng tại Bun-ga-lô cất dựa bờ sông, trong gió Cửu Long lộng thổi, đã ghi vào tâm tư chàng một mớ kỷ niệm êm đềm. Dầu ngắn ngủi và miễn cưỡng, bao nhiêu đó cũng là một mối tình, mối tình không nói ra mà có lẽ thật hơn bây giờ, mà chàng vừa tuyên bố yêu Hoàng.Kỷ niệm dễ chịu khơi mội tình cảm của chàng, nó trào lên lai láng và trong giây phút chàng lại nghe yêu Hoàng, yêu thật tình, chớ không hứng bất thần mà thấy cần bám níu vào bất kỳ cô gái bá vơ nào nữa.Bồi bàn bưng ra một dĩa hải trân đầy nhóc. Vừa sớt một con tôm hùm qua dĩa nhỏ của Hoàng, Minh vừa đọc câu thần chú nó ám ảnh chàng từ hôm qua:Quán "Tai heo" anh hùng lâm đại nạn,Xóm Sáu Lèo thục nữ quyết ra tay.Truyện võ hiệp cho báo "Sớm Mai" là một truyện võ hiệp đặc biệt vì câu chuyện không xảy ra bên Tàu như thường lệ, mà xảy ra ngay giữa Sài-gòn tổ chức chặt chẽ này. Chính vì thế mà chàng không biết làm thế nào cho nhơn vật đánh nhau chí tử được với sự tham gia của hàng trăm lâu la, với những ngón nhảy nóc nhà tài dách và đấu kiếm giữa quán hằng giờ.Chàng đọc lại mãi hai câu thơ đầu chương mà Bắc Hải đã gà cho, đọc như đọc thần chú kêu gọi âm bmh trợ lực, nhưng vẫn bí như thường:Quán "Tai heo" anh hùng lâm đại nạn,Hoàng nhìn bạn trân trối rồi cười hỏi:- Em mới đến làm, không biết chuyện gi đã xảy ra đằng quán. Anh hùng nào đó vậy anh?Minh bật cười, không phải vì câu hỏi ngớ ngẫn của Hoàng mà chính vì tình thế kỳ khôi của chàng: Thì ra làm văn nghệ là thế à? Phải bắt hai đứa nó đánh nhau, rượt nhau sôi nổi, không thôi thì tác giả sẽ không có gì dằn bụng cho qua ngày. Nào đâu những tư tưởng uyên thâm, những tình cảm tế nhị mà chàng mơ diễn tả ra bằng những văn thơ độc đáo?Nhìn lại Hoàng đang ăn con tôm một cách tham lam sung sướng như đã nhịn đâu hằng mấy tháng trời, Minh buông muỗng nĩa, thò tay vào túi quần rút ra một xấp giấy trắng, một cây bút chì nguyên tử rồi một mạch, chàng viết nên bài thơ ưng ý nhứt từ khi chàng bắt đầu bập bẹ gieo vần.