Một

     iảng xong bài toán, cô giáo Hòa nhìn Trí, cười:
- Thế nào, còn thắc mắc gì nữa không?
- Thưa Cô không ạ. Con cám ơn Cô.
Trí về chỗ thu xếp sách vở vào cặp. Lớp học chỉ còn lại Trí và cô Hòa. Bạn bè đã về hết, chỉ có Trí là nán lại xin cô giảng nốt bài toán mà Trí gặp phải nhiều thắc mắc. Trí đến vòng tay thưa cô, và chạy nhanh ra ngoài. Cô Hòa nhìn theo, mỉm cười, thoáng một chút hài lòng.
Cô cũng sửa soạn để ra về. Nhưng cô còn muốn đứng lại thật lâu, trên bục gỗ, để nhìn xuống những dãy ghế bàn yên lặng. Trước đây năm phút, như mọi ngày, bầy trò nhỏ ngồi đầy cả lớp, líu lo như bầy chim. Chúng nó đọc, viết, và ca hát. Mỗi ngày hoạt cảnh ấy đều diễn ra, nhưng không làm cô chán. Trái lại, cô càng yêu mến hơn. Nhất là, trong lớp có cậu bé Trí thật nổi bật nhờ trí thông minh, sự lanh lẹ và tính tình hiền lành. Cô Hòa cảm thấy có lẽ cô thương Trí hơn hẳn mọi đứa học trò khác. Cô có hơi thiên vị chăng? Không tránh được. Bởi cô nhiều tình cảm. Không có một việc gì không làm cô suy nghĩ. Ngày xưa cô hằng ao ước có một đứa con như vậy. Cô tưởng tượng trong đầu, một đứa con trai, nhanh nhẹn, thông minh nhưng phải cộng thêm sự hiền lành. Trí giống hệt đứa con trai tưởng tượng ấy. Cô thương nó nhất là vì vậy, vì đứa con trai tưởng tượng kia không bao giờ chào đời, vì chồng của cô đã chết giữa lúc cô đang ở trong những ngày hạnh phúc nhất.
Cô Hòa khe khẽ thở dài. Chuyện đã qua như một giấc chiêm bao. Cuộc sống bây giờ đơn độc và phẳng lặng. Cô quyết sống làm một người chung thủy và nguồn vui duy nhất của cô là bầy trò nhỏ của trường này. Tự nhiên cô cầm lấy một mẩu phấn thừa, vẽ lên bảng một vòng thật tròn, rồi chấm một chấm lớn ngay tâm điểm. Cô mỉm cười một mình. Cô sẽ sống trong khuôn khổ của cô đến trọn đời - một nhà giáo. Sẽ sinh nghề, và sẽ tử nghiệp (?).
Cánh cửa lớp khép lại sau lưng cô Hòa. Cô ôm chồng vở của học trò đi về phía phòng ông Hiệu trưởng. Nghe chồng vở nặng và hương giấy học trò như có quyện mùi sữa. Cô thấy vui vui trong lòng và bước nhanh. Buổi trưa mùa thu, nắng không gắt, chỉ đủ làm trong trẻo bầu không khí mến yêu trong sân trường.
Một cô giáo đi lại, chào cô Hòa:
- Chào chị. Hôm nay chắc chị bận lắm?
- Vâng. Cô cứ nhìn chồng vở này thì biết.
Cô giáo nọ kêu lên:
- Chao ơi! Chị còn chấm bài ở nhà nữa, thì giờ đâu mà nghỉ?
Cô Hòa cười:
- Thế mới vui chứ cô! Tôi có cái thú xem vở học trò như... xem truyện.
- Em phục chị đấy! Nhưng chị nhớ nghỉ ngơi. Lúc này chị hơi ốm đấy nhé!
- Cám ơn cô. Cô lo cho tôi quá!
Hai người chào nhau đi. Những câu xã giao tuy không thân mật lắm nhưng cũng chứng tỏ được rằng những người đồng nghiệp thường để tâm đến cô Hòa và quý mến cô. Họ thường bày tỏ sự mến phục tính điềm đạm của cô và nếp sống đơn chiếc mực thước mà cô đã chấp nhận từ mấy mươi năm nay.
Cô Hòa bước xuống sân, đến bên xe của cô. Cô nhẹ nhàng đặt chồng vở lên nệm ghế sau, rồi ngồi vào chỗ lái. Tiếng máy nổ nghe cũ kỹ, như hình dáng chiếc xe của cô. Nó cũng ốm yếu, già nua và chung thủy như cô vậy. Cô lái xe chạy từ từ ra khỏi cổng trường, và gật đầu chào người gác-dan. Rồi lại nghĩ đến Trí, lại nghĩ đến đứa con trai tưởng tượng. Giờ này có lẽ Trí đang ở trên đường về nhà. Chốc lát nữa nó sẽ ngồi trước bàn ăn với ba má. Cảnh đầm ấm biết là bao!
Nhưng cô giáo Hòa không ngờ, rằng chính lúc đó, cậu bé Trí đang băng nhanh qua đường, sơ ý không nhìn thấy một chiếc xe hơi đang chạy trờ tới. Chiếc xe đang ngon trớn phải thắng gấp vì một đứa bé. Tiếng rít của bánh xe siết xuống mặt đường nghe chát tai. Trí té xuống trước mũi xe. Trí nghe như dưới chân có một cảm giác đau nhức thấu tận óc. Rồi thì toàn thân tê dần. Trí chìm vào hôn mê.
-------------------------------------------
Trích từ tạp chí Tuổi Hoa từ số 226 đến số 233.