Con người có khi buồn mà cũng có khi vui, chẳng khác nào Trời có bữa mưa mà cũng có bữa nắng. Cây cỏ nhờ có mưa rồi có nắng mới sởn sơ tươi tốt mà kết quả đơm hoa. Con người có buồn rồi có vui thay đổi mới ẩn nhẫn mà sống lâu, chớ bắt buồn luôn luôn hoài, Trời lại sợ người ta say mê dâm dật mà chết yểu, rồi thành ma thành quỉ càng hại hơn nữa. Có lẽ vì định luật như vậy nên một lúc nọ bầu Trời đương thanh bạch tình cờ mây đen giăng mù mịt, mặt biển đương lặng trang thình lình nổi sóng gió ồ ào. Con người dầu buồn dầu vui mà thấy quang cảnh đổi thay bất ngờ thì ai cũng giựt mình, ngơ ngẩn, rồi phần nhiều chộn rộn lăng xăng, đầu nầy tìm chỗ đặng ẩn thân, đầu nọ vạch đường cho tiện bước. Hạng thanh niên tân tiến khắp trên địa cầu đều bị hoàn cảnh lôi cuốn, nên tinh thần rộn rực, tâm chí lung lay, bởi vậy nhiều người ở chung trong một nhà mà cũng hết đồng ý đồng tình, huống chi sống khắp nơi ngoài bốn biển làm sao mà được nhứt tâm nhứt đức. Đọc tiểu thuyết TỪ HÔN (viết và xuất bản năm 1937, nhà xuất bản LỬA HỒNG tái bản năm 1952) nhiều bạn đã thấy lúc đó ở Sàigòn gần chợ Thái Bình, có ba cậu thanh niên học thức ở chung một nhà, mà một cậu thì thờ chủ nghĩa "Vô vi vô tự ", một cậu lại bày chủ nghĩa "Tự trọng tự cao", còn một cậu giản dị nên theo chủ nghĩa "Vô khả vô bất khả". Ở chỗ khác còn có nhiều chủ nghĩa khác nữa, nào là "Xã hội nhơn sanh", nào là "Gia đình dân tộc", nào là "Túng dục tự tứ", nào là "An mạng lạc thiên ", nào là "Bác ái từ bi", nào là "Xá sanh thủ nghĩa"có đủ thứ hết, không thể kể cho xiết. Hôm nay chúng tôi tọc mạch giới thiệu với các bạn một cậu thanh niên trí thức khác. Cậu nầy cũng sống đồng thời với ba cậu trong quyển tiểu thuyết TỪ HÔN. Cậu nầy cũng ở gần đó, ở bên phía Vĩnh Hội, ngang chợ Cầu Kho. Vì bổn tánh lạc quan nhưng khiêm nhượng nên cậu lấy hai chữ "Thứ Tiên" mà đặt bút hiệu. Cậu Thứ Tiên nghe người ta tuyên bố chủ nghĩa nầy chủ nghĩa nọ lăng xăng, cậu trề môi mà nói thiên hạ khéo bày đặt cho rộn ràng, họ cải trời, họ vong bổn, nên họ mới đi sái đường lạc lối. Theo ý cậu thì trên đời chẳng có chủ nghĩa nào cao quí, đáng phụng thờ cho bằng chủ nghĩa "Ái Tình". Chủ nghĩa Ái tình là một chủ nghĩa thiên nhiên kỳ cựu, chủ nghĩa của tạo hóa đặt ra từ khi mới có loài người phát hiện trong thế gian. Sở dĩ tạo hóa đặt ra chủ nghĩa ấy là vì tạo hóa phân định có âm có dương, có đàn bà có đàn ông, có cái có đực, có mái có trống, trên mặt địa cầu tức thị phải có ái tình để cho muôn loài thương yêu nhau đặng sống chung cho êm ấm, đặng sanh sản thêm cho đông đảo mà giúp đỡ cậy nhờ nhau. Cậu cảm thấy cái chủ nghĩa thiêng liêng của tạo hóa đó là chủ nghĩa cần thiết của loài người hơn các chủ nghĩa khác hết thảy. Tại con người có tánh hẩng hờ, thứ gì mà được thưởng thức hằng ngày thì hay khinh thường, rồi lại thêm nhàm chán. Hơn nữa cái đẹp mà trải qua nhiều đời, lớp thì bị nhơn tâm biến chuyển, lớp thì tấn hoá đẩy đưa, vẻ đẹp lần lần phải lợt phai. Bởi vậy Ái tình là cây trụ cốt thiên nhiên của xã hội loài người, là cơ động lực mạnh mẽ của nhơn sanh chủng tộc mà bị người ta quên lửng, không được người phụng thờ quí trọng nữa, nó mới lạc mất chánh nghĩa thiêng liêng của nó. Mãi đến thế kỹ hai mươi nầy người ta lại còn khinh thị Ái tình đến nỗi xem Ái tình là một thứ tình tồi tệ là một chứng bịnh hiểm nguy. Người ta dẫn tích vua Kiệt, vua Trụ, vua U, vua Lệ, mà dạy con em phải xa lánh Ái tình, nói rằng nó sẽ làm cho người ta mất nước, sập nhà, nhơ danh, táng mạng. Bây giờ còn có mấy người nhảm nhí hoặc tham lam họ cậy Ái tình mà lừa gạt để họ thỏa mãn nhục dục hay là họ mưu lợi cầu danh mà thôi. Tại như vậy mà Ái tình là một mối tình cao cả, đáng tôn sùng, bị người đời làm lạc nghĩa nó hóa ra thấp hèn, rồi chịu khinh bỉ. Đã biết con người đến tuổi nào và thuộc bực nào cũng có mang Ái tình ngấm ngầm trong thâm tâm, nhưng vì thiên hạ cho Ái tình là tật xấu xa, hoặc bịnh nguy hiểm, bởi vậy ai cũng giấu diếm, nhiều khi lửa Ái tình hừng hực trong lòng mà cũng không dám hở môi hay mở miệng. Cậu Thứ Tiên không phải có óc thủ cựu hay là ý muốn lập dị, nên trái với thiên hạ, cậu xướng lên làm tông đồ cho chủ nghĩa Ái tình không đúng nghĩa, làm cho tình cao thượng hoá ra tình thấp hèn nên cậu cương quyết phải định nghĩa Ái tình lại cho chánh đáng cho hạp với ý của Tạo hóa. Cậu hăng hái hiến thân để phá tan thành kiến tồi tệ làm cho Ái tình lem luốc thấp hèn và nâng đở Ái tình mà đặt lên lại địa vị tối cao, dầu phải thất công tốn của bao nhiêu cậu cũng không nệ. Muốn đuổi theo chủ nghĩa phụng sự Ái tình cho đắc lực, cậu Thứ Tiên lãnh viết bài phóng sự cho một tờ nhựt báo lớn ở Sài gòn đặng thừa chức vụ ấy cậu điều tra chỗ hiểu lầm, cậu giảng giải chánh nghĩa cao quí cho già trẻ hay gái trai đều sáng suốt mà nhận định Ái tình, nếu biết nuôi cho thành thiệt chơn chánh với ý trí thanh tao thì nó giúp cho con người quảng đại tâm chí, vuông tròn nghĩa vụ giúp cho thế giới an lạc hòa bình, giúp cho gia đình êm ấm mà hưởng mùi hạnh phước nực nồng, nếm tình thân yêu lai láng không hờn giận oán thù, không hiểm nguy đau khổ. Thiệt trót mấy tháng cậu Thứ Tiên hoạt động rất mạnh mẽ. Cậu viết bài mà đăng báo để tán dương đức tánh cao thượng của Ái tình. Cậu đi từng xóm mà tuyên bố chủ nghĩa Ái tình là chủ nghĩa cần ích cho nhơn sanh. Đã mấy lần rồi cậu có lên diễn đàn mà giảng giải tâm lý của Ái tình, cậu khuyên nam nữ đồng bào chẳng nên khinh thường Ái tình, phải dùng nó mà xây dựng gia đình trăm năm, chớ đừng cậy nó mà giúp vui trong một lúc. Nghe cặp tình duyên nào yêu nhau rồi lại lẳng lơ muốn rời rã, hoặc hăng hái toan phối hiệp mà bị thân tộc cản ngăn, thì cậu chịu khó giúp kế giúp lời để phá tan trở ngại. Hay nhà nào sắp đăng lời cáo phó lên mặt báo cho thân tộc xa gần hay biết rồi cậu còn thí công đến dự tiệc cưới đặng tán tụng Ái tình là nền tảng thiên nhiên của gia đình và chúc mừng cho hai họ trăm năm vững bền tơ tóc. Tuy cậu tận tâm nỗ lực phụng sự và đắp bồi Ái tình không kể mệt mỏi, song một tay khó vỗ cho kêu, lời nói hay mà nói ra giữa bãi sa mạc mênh mông làm sao mà có tiếng dội. Bởi vậy mặc dầu hoạt động ráo riết mà bồi đắp Ái tình, lượn sóng phá hoại cứ tràn tới như nước bể bờ, cậu chận cản đầu nầy, nó tràn vào đầu nọ, cậu chạy chọt lăng xăng mà coi lại không có hiệu quả gì hết. Trong khoảng vài ba bữa, có khi mỗi ngày, các tờ báo cũng vẫn còn đăng tin cặp vợ chồng nầy đã nộp đơn xin phân ly, cặp vợ chồng kia đã được án phá ôn thú. Chị đàn bà nầy vì ghen tương nên tự tử, hoặc chế dầu mà đốt chồng hoặc tra thuốc độc mà giết chồng. Anh đàn ông kia vì yểm cựu nghinh tân nên bỏ vợ con bơ vơ nghèo khổ. Cậu trai nầy gạt gái gieo tình, làm cho lem luốc tiết trinh, rồi ngảnh mặt đi tìm chỗ khác mà gây tai hại nữa. Cô gái nọ đã nặng lời nguyền ước với chung tình rồi thấy người khác giàu sang hơn thì phụ tình cũ mà gầy duyên mới. Cậu Thứ Tiên đứng trước những tình cảnh trái ngược với chủ nghĩa của cậu như vậy thì cậu bực tức hết sức, bực tức nhưng không chán nản. Trái lại cậu càng hăng hái mà đi tới, cậu cương quyết làm hoài, làm cho thiên hạ thấu hiểu chánh nghĩa của Ái tình đặng tôn sùng Ái tình mà đem lại mỹ tục thuần phong cho an nhà lợi nước. Cậu hăng hái đuổi theo chủ nghĩa đến nỗi ngày thiên hạ nghỉ ngơi mà cậu cũng không nằm nhà. Sáng chúa nhựt cậu Thứ Tiên thay đồ tử tế rồi xuống ghe đò đi qua chợ Cầu Kho kiếm xe xích lô ra Bến Thành đặng chung chạ với nữ tú nam thanh mà giải bày chủ nghĩa. Đi ngang qua trường "Nữ Lưu học hiệu" cậu thấy cô Cẩm Hương là Hiệu trưởng đương đứng ngoài cửa trường mà ngó thiên hạ lại qua, cậu chào cô và hỏi:- Cô mạnh khỏe hả cô Đốc? - Cám ơn. Mạnh luôn, mạnh nên mới ra đứng đây mà chơi được chớ. - Thấy cô đứng đó tự nhiên tôi biết cô mạnh. Nhưng theo điệu xã giao lịch sự hễ gặp nhau phải hỏi thăm sức khỏe vậy mà. Thế cô đã chọn chủ nghĩa "trớ trêu" mà thờ hay sao nên cô trả lời trặc trẹo như vậy hử? - Còn nói chủ nghĩa nữa! Thiệt mấy ông nầy sanh chứng bày đặt nhiều chuyện quá! - Không phải sanh chứng. Đời nầy phải chọn một chủ nghĩa để có dẫn đường lối mà đi cho hạp với tâm chí của mình. Tôi phải làm theo người ta, tôi chọn chủ nghĩa phụng sự Ái tình, là chủ nghĩa thiên nhiên, kỳ cựu, hữu ích cho đời hơn các chủ nghĩa khác. Tôi tưởng cô cũng phải có chủ nghĩa rồi chớ. - Tôi do lương tâm, do lẽ phải mà làm, không cần chủ nghĩa gì hết. - Vậy chớ không phải cô thờ chung một chủ nghĩa với tôi hay sao? - Chủ nghĩa gì mà thờ chung? - Chủ nghĩa Ái tình. - Cha chả! Bây giờ ông thả dê ăn tới sân của tôi nữa hay sao? - Không. Tôi nói thiệt chớ đâu phải chọc ghẹo. Tôi có vợ mà. Lại cô tuổi lớn đáng chị tôi. Tôi thờ chủ nghĩa Ái tình. Tôi là tông đồ của chủ nghĩa đó. Có lẽ nào tôi gây Ái tình bậy bạ như họ hay sao mà cô nghi. Tôi tưởng cô thờ chung một chủ nghĩa với tôi, là vì hôm trước cô gặp tôi, cô cho tôi hay sắp có đám cưới và cô hứa cô sẽ gởi hồng thiệp mời tôi. Chừng nào mới cưới? Hổm nay tôi có ý trông, sao chưa thấy thiệp? Còn chờ gì nữa? Hễ gây Ái tình thì cưới phứt cho rồi? Ngày nào cũng là ngày trời, có ngày nào tốt hơn ngày nào đâu mà chọn lựa. - Ạ! Đám cưới tôi nói với ông hôm trước đó hư rồi. - Sao vậy? - Họ từ hôn rồi. - Ai từ hôn? Cô từ hay là đàng trai từ?- Không phải đám cưới của tôi. Đám cưới tôi nói đó là đám cưới cô bạn học trò của tôi. Tôi đứng làm mai mà thôi. - Làm mai gì dở vậy? Sao lại để hỏng đi? Mà đàng gái từ hôn hay là đàng trai?- Đàng trai. - Ủa! Trai gì mà khờ vậy? Gái không chạy sao trai lại chạy đi? Thế khi chàng không yêu nàng mà tại cô dụ dổ nên chàng chịu, rồi chàng nghe lại hoặc tánh hạnh nàng không tốt hoặc cha mẹ nàng không xứng đáng, nên chàng tháo trúc chớ gì. - Không phải vậy. Nàng có sắc đẹp, lại con bà Huyện giàu có nữa. Nàng yêu chàng đắm đuối. Chàng cũng yêu nàng hết sức nữa. Nhưng chàng viết thơ mà nói tại hai đàng thành thiệt yêu nhau đó nên chàng hổ thẹn mà từ hôn. - Cái gì kỳ vậy? Yêu nhau thì cưới, có chỗ nào quấy đâu mà hổ thẹn nên từ hôn? - Mời ông vô nhà chơi, vô ngồi đặng tôi nói hết công việc cho ông nghe. Tôi sẽ cho ông đọc bức thơ từ hôn nữa. Cậu Thứ Tiên theo cô Cẩm Hương vô phòng khách. Cô Cẩm Hương mời khách ngồi, kêu người nhà biểu rót bưng ra hai tách trà rồi cô ngồi ngang mặt thứ Tiên mà nói: - Việc nầy làm cho tôi bực tức ba bốn bữa rồi ăn ngủ không được. - Tôi chưa hiểu duyên cớ, mà vừa nghe sơ qua tôi cũng giận. Yêu nhau sao lại không chịu cưới? - Vậy mới trái đời. Ngược ngạo quá! Tôi làm mai tôi thất công gần cả tháng, mà tôi lại còn phải xuất tiền nhà mà cho mượn đặng may áo quần, sắm giày vớ, mua lễ vật, trả tiền xe, tốn hao tôi gần bạc ngàn chớ ít sao. Chừng đàng gái người ta biểu chọn ngày cưới thì viết thơ lén gởi mà từ hôn rồi trốn đi mất, không cho tôi hay biết gì hết! Ông nghĩ coi đáng tức hay không? - Cô bị điếm gạt cô đặng sắm vi kiến đủ rồi nó dông chớ gì. - Có phải điếm đâu. Điếm gì mà khờ quá vậy. Thiệt ban đầu mới hay tin tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng tôi xét kỹ lại, vợ yêu mà mẹ vợ cũng cưng quá, nếu điếm thì làm đám cưới riết đặng về đó nằm chổng cẳng mà ăn, sướng như tiên, dại gì lại từ hôn bỏ mà trốn. - Mà ai ở đâu kỳ cục vậy. Cô nói thiệt cho tôi biết đặng tôi kiếm mà điều tra coi tại duyên cớ nào mà trốn. Tôi đem chủ nghĩa của tôi ra tôi giảng cho cậu ta nghe, rồi tôi dắt cậu ta về đặng làm đám cưới. - Cha chả! Ông làm được như vậy con Bạch Yến nó mang ơn ông lắm. Tội nghiệp hổm nay nó thương nhớ, nó khóc không ráo nước mắt. Mà tôi đây cũng cám ơn ông nữa. Chớ tôi tốn bạc ngàn mà vô lối thiệt tôi tức tôi quá. - Mà ai đâu xin cô nói cho rành rẽ đặng tôi biên rồi tôi đi kiếm dùm cho. Cậu Thứ Tiên lấy cuốn sổ tay với cây viết máy ra mà chờ nghe đặng biên. Cô Cẩm Hương mới nói: "Tôi có quen với cậu Châu Tất Đắc là con của ông Phủ Đào hồi trước ở dưới Long Xuyên! Hồi nhỏ cậu học tại Sài gòn đây được mấy năm cha mẹ gởi ở nhà tôi, vì vậy nên tôi coi cậu cũng như em cháu". Lúc đó ông Phủ có tiền mới cho cậu qua Tây mà học cho mau. Cậu đi được năm sáu năm gì đó thì ông Phủ mất, bà Phủ đánh giây thép kêu cậu về. Cậu có bằng Tú Tài kỳ nhứt qua kỳ nhì cậu thi rớt nên phải tiếp học lại đặng có thi nữa. Té ra chưa kịp thi mà cha mẹ kêu về, nên cậu phải bỏ mà về. Vì không có anh em, lại lúc ấy gia đạo khiếm khuyết không thể ở học thêm nữa được. Về ở nhà chừng vài năm thì bà già cậu mất nữa. Còn trơ trọi một mình, cậu buồn, nên bán hết đồ đạc mà trả nợ cho mẹ, còn dư chút đỉnh cậu bỏ túi đi lên Sài gòn. Tuy chưa có đủ bằng Tú Tài toàn phần, song theo học lực của cậu thì cậu đi làm việc mà nuôi sống có lẽ không khó. Ngặt tâm trí với đầu óc của cậu không giống người ta. Với bằng Tú Tài phần thứ nhứt tự nhiên làm việc lương bổng ít hơn người có bằng toàn phần. Cậu bất bình, cậu nói cậu có học toán gần hai năm, cậu không chịu ăn lương thua mấy người may mà thi đậu. Câụ không thèm làm việc sở nào hết. Cậu làm quen với hai thầy ở gần chợ Thái Bình rồi hai thầy mời cậu ở chung trong một căn phố chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu tiện nghi, vật gì cũng thiếu cả. Hai thầy đó một thầy làm giáo sư trong một trường tư thục, còn một thầy làm việc cho một hãng buôn mà lại ham tập viết văn. Ông Giáo sư thì kiếm mấy học sanh giàu mà muốn học riêng toán pháp cho cậu Tất Đắc dạy. Còn thầy làm việc hãng buôn thì xúi cậu viết bài rồi thầy đem cho mấy nhà báo đăng, họ trả tiền bút phí cho cậu xài. Cả ba người không có vợ con, không có bồi bếp, mà chung sống với nhau như vậy coi bộ cũng vui. Lúc có tiền nhiều thì dắt nhau lại tiệm lại quán mà ăn cơm. Bữa nào thiếu tiền mua bánh mì lạp xưởng về nhà ăn với nhau rồi uống nước lạnh cũng được, đồ đạc thì không có gì lắm đã đành, mà áo quần thì cũng lôi thôi chỉ có một bộ đồ nỉ, để trong ba người mà người nào cần phải đi đám tiệc thì lấy mà bận. Đó ba người chung sống cảnh đời kỳ cục như vậy đó, mà ai cũng vui, chớ không biết buồn. Tuy họ đồng tâm chí với nhau, song đầu óc họ lại khác hẳn. Mỗi người có một chủ nghĩa riêng, ai thờ chủ nghĩa nấy, không ai chịu phục ai". Cậu Thứ Tiên bèn chận cô Cẩm Hương lại mà nói: "Ạ! Có chủ nghĩa riêng! Xin cô chậm chậm mà nói tên họ với chủ nghĩa của mỗi người cho tôi biên đặng tôi nhớ."Cô Cẩm Hương nói: - Cậu Châu Tất Đắc quen với tôi, cậu thờ chủ nghĩa "Vô vi " bởi vậy cậu không chịu cực xác, không ưa mệt trí. - Có việc làm mai cho cậu Tất Đắc cưới vợ tôi tới lui tôi mới quen với hai cậu kia. Cậu Giáo sư tên Võ Lộ, cậu thờ chủ nghĩa "Vô khả vô bất khả". - Muốn làm "Thánh chi hoà", nên bắt chước cụ Liêu Hạ Huệ hồi đời xưa. - Còn cậu làm việc hãng buôn tên Nguyễn Tự Cao cậu theo chủ nghĩa "Tự cao tự trọng". - Chọn chủ nghĩa như vậy cho hạp với tên của cha mẹ đặt, mà có lẽ ý cũng muốn làm "Thánh chi thanh" như Bá Di Thúc Tề không thèm ăn thóc của nhà Châu. Nếu ba cậu đều thành thật mà chết sống với chủ nghĩa thì tôi không dám chê mặc dầu cả ba chủ nghĩa đó thấp hơn chủ nghĩa Ái tình của tôi, thấp hơn nhiều. Mà thôi, cô nói tiếp cho tôi nghe coi tại sao có việc làm mai rồi lại có việc từ hôn nữa. Cô Cẩm Hương nói:- Hôm Sài gòn tổ chức cuộc hội chợ, tôi có dọn một gian hàng trong đó mà chưng bánh mứt. Một buổi tối tôi gặp cậu Tất Đắc vô xem hội chợ. Tôi mời cậu tại gian hàng của tôi mà uống trà. Bà Huyện Hớn, là một góa phụ giàu sang ở trên Tân Định, có biệt thự, có phố xá, có ruộng đất, mà chỉ có một đứa con gái tên là Bạch Yến, vốn học trò cũ của tôi. Cô Bạch Yến mới hơn hai mươi tuổi, có nết na, có sắc đẹp, mà chưa có chồng; hai mẹ con mặc quần áo thiệt đẹp. Bạch Yến đeo xoàn thiệt lớn, mẹ con cũng đắt nhau đi xem hội chợ, rồi cũng ghé gian hàng tôi mà chơi. Tôi giới thiệu cậu Tất Đắc bữa đó bận bộ đồ nỉ xám coi cũng thiệt sang trọng. Tôi chưng cậu là Bác Vật, chưng nhầu cho cậu oai. Hai đàng làm quen với nhau rồi ngồi ăn bánh uống trà mà luận thế tục. Cậu Tất Đắc xổ ra những lý luận nghiêng trời động đất theo chủ nghĩa vô vi, vô tư lự của cậu, làm cho mẹ con cô Bạch Yến cười ngất nga ngất nghẻo, vui lại khen cậu nói nhằm lý, chớ không phải khinh ngạo chê cậu nói điên nói khùng. Bạch Yến cứ đeo theo chọc cho cậu nói rồi biểu tôi dắt đi xem cho đủ các gian hàng đặng có dịp mà nghe cậu nói chuyện thêm nữa. Đi chơi với nhau khắp hết, thấy đã khuya nên bà Huyện mới tính từ biệt mà về, nhưng bộ mẹ con còn tiếc nên mời tôi với cậu Tất Đắc bữa nào có dịp đi lên phía Tân Định thì ghé mà uống trà nói chuyện chơi nữa. Tôi hiểu biết mẹ con bà Huyện có thiện cảm với cậu Tất Đắc rồi, bởi vậy chừng mẹ con bà đi xa, tôi mới uốm thử bụng cậu, tôi hỏi cậu như muốn cưới Bạch Yến thì tôi làm mai giùm cho. Cậu trề môi lắc đầu mà nói cưới vợ rồi có con lòng thòng phải làm mệt nhọc mà nuôi. Việc đó trái với chủ nghĩa của cậu nên không bao giờ cậu có nghĩ tới việc cưới vợ. Cậu nói rồi cậu từ tôi mà đi liền. Sáng bữa sau Bạch Yến xuống trường thăm tôi mà nói bà Huyện biểu hỏi coi cậu Tất Đắc hồi hôm đó là con của ai ở đâu, cậu có bà con với tôi hay không. Tình thiệt tôi nói cậu là con của ông Phủ Đào hồi trước ở Long xuyên. Lúc cậu còn nhỏ cha mẹ gởi ở nhà tôi mà đi học nên tôi thương cũng như em cháu chớ không có bà con. Sau cậu có qua Pháo mà học năm sáu năm, vì cha mẹ lần lượt chết hết nên cậu phải trở về xứ. " Cậu Thứ Tiên nghe nói tới đó thì cậu cười mà nói: - Cậu Tất Đắc tuyên truyền chủ nghĩa đã có hiệu quả rồi. Nhờ chủ nghĩa mà cậu sống khỏi cự nhọc, bây giờ sắp có vợ đẹp và giàu nữa, hèn chi cậu thờ chủ nghĩa của cậu là phải lắm. - Vậy mà cậu không chịu mới kỳ chớ! Mẹ con bà Huyện có cảm tình với cậu đã thấy rõ ràng. Vả quan phủ hồi trước thanh liêm nên ông qua đời không có để sự sản gì cho vợ con hết. Thấy cậu Tất Đắc vất vả tôi thương, bởi vậy bữa sau tôi qua chợ Thái Bình kiếm cậu tôi hỏi gắt lại như cậu bằng lòng cưới cô Bạch Yến thì tôi làm mai giùm cho cậu có chỗ nương dựa khỏi cực khổ tấm thân. Tôi gặp đủ ba cậu ở nhà hết. Nghe tôi nói chuyện làm mai thì cậu Tất Đắc liền chưng chủ nghĩa mà bắt bẻ, không chịu có vợ mà phải làm cực khổ đặng nuôi vợ con. Tôi nói người ta giàu có, người ta sẽ nuôi cậu, chớ ai cầu cậu nuôi. Cậu Tự cao mới bài chủ nghĩa cậu mà cãi với tôi, cậu nói làm trai phải giữ nhơn phẩm, ai đành mong đàn bà nuôi mà nói chuyện vợ giàu. Nếu húng hính ra vô để cho vợ nuôi, như nó nuôi mèo nuôi chó trong nhà thì còn mặt mũi nào mà ngó thiên hạ. May có cậu Võ Lộ đem chủ nghĩa "Vô khả vô bất khả" của cậu mà tiếp tôi. Cậu cắt nghĩa chịu cưới vợ hay là không chịu hai lẽ ấy, muốn lẽ nào tự ý, lẽ nào cũng có cái hay lộn với cái dở. Chớ còn mình phải nuôi vợ hay là vợ sẵn lòng nuôi mình, việc đó không thành vấn đề. Vợ chồng thì nuôi nhau. Vợ có tiền còn mình không có thì nó nuôi mình. Chừng mình có tiền còn nó không có thì mình nuôi nó lại. Nếu vợ giàu nó có tiền nhiều nó biểu mình đừng làm gì hết cứ ăn no rồi nằm chơi để cho nó nuôi có phải nó dại nó chịu lỗ đâu. Nó nuôi cơm nước tốn hao có bao nhiêu. Mình đút cơm cho nó cái đó mới quí giá chớ. Nếu nó không biết sanh con thì lỗi về phần nó, lỗ nó phải chịu, nó có trách mình được đâu. - Võ Lộ cắt nghĩa như vậy thì đúng theo chủ nghĩa của cậu thiệt.- Ừ, nhờ cắt nghĩa kỳ cục như vậy cậu Tất Đắc mới chịu cưới cô Bạch Yến. Nhưng cậu than nếu người ta hỏi cậu làm sở nào, cậu không có làm gì hết sợ người ta chê họ không gả thì cậu mất thể diện. Tôi nói tôi bảo lãnh việc đó đừng lo họ chê. Vì đêm trong hội chợ tôi đã giới thiệu cậu là Bác Vật. Vậy cậu cứ khoe cậu có bằng cấp Bác Vật thuộc về hầm mỏ, có hội đi tìm mỏ vàng mỏ bạc trên Lèo năn nỉ cậu giúp sức. Cậu đã hứa lời. Người thay mặt cho hội đã viết thơ về trụ sở bên Pháp rồi chỉ còn đợi ban Quản trị của hội trả lời thì cậu đi lên Lèo tìm mỏ. - Dùng chước như vậy mà cưới vợ giàu thì hợp lý lắm. Sau có đổ bể thì thiệt là đào mỏ chớ đâu phải dối. - Vậy chớ sao. Có vậy mới trúng theo trong kinh nói: "Cái giả đó là thiệt, cái thiệt lại là giả". Nhưng có đổ bể đâu mà lo. Tôi biết bà Huyện giàu có, mà bà có một đứa con. Hễ bà chịu gả thì bà có cho đi lên Lèo đâu mà sợ, mỗi tháng có lương bạc muôn bà cũng không ham. Cậu Tất Đắc lại than không có áo quần cho tốt, mà cũng không có tiền bạc làm sao cưới vợ cho được. Tôi hứa tôi bao cho cậu hết thảy, dầu tốn mấy ngàn tôi cũng xuất cho. Nhưng tôi giao chừng cưới Bạch Yến được rồi thì òn ỷ với vợ kiếm trả lại cho tôi hai ngàn mà thôi. Cậu chịu, nhưng cậu buộc tôi lại, nếu cưới không được thì huề, cậu khỏi trả gì hết. Cậu viết tờ giao kết cho tôi cầm. Tôi mới dắt cậu đi may mấy bộ đồ Tây thiệt bảnh, sắm giày nón đủ bộ vận hết, rồi tôi lên nói với bà Huyện. Bà sẵn lòng chịu gả, nhưng cương quyết bắt rể ở với bà, không chịu cho đi Lèo. - Vậy thì trúng kế rồi. - Trúng ngay. Bà Huyện chọn ngày với tôi rồi dắt cậu lên ăn cơm. Bà có mời khách ít người như đi lễ cầu thân. Chủ khách đều quí trọng cậu Tất Đắc, ai cũng gọi cậu là Bác Vật ngon lành. Giữa đám đông bà Huyện lại nói công khai bà không cho cậu lên Lèo mà tìm mỏ tìm mồng gì hết. Bà biểu viết thơ mà rút lời hứa lại. Ăn cơm tối rồi khách đàn ông về hết, còn mấy bà ở lại đánh bài chơi với tôi. Tất Đắc với Bạch Yến dắt nhau ra vườn hoa mà trò chuyện coi bộ mùi lắm. Hai người hẹn hò với nhau rồi tới chủ nhật hai người xuống nhà tôi mà nói chuyện đặng định ngày cưới. Tôi tính chước đi Sài gòn để cho hai người nói chuyện thong thả cả một buổi sớm mơi. Vậy mà về rồi bữa sau Tất Đắc viết thơ gởi cho Bạch Yến mà từ hôn, thiệt không biết sao mà nói được. Bạch Yến tiếp được thơ lật đật lên xe đem xuống cho tôi đọc. Cô khóc tức tủi thiệt tội nghiệp hết sức. Tôi giận quá, tôi dắt Bạch Yến lên chợ Thái Bình mà kiếm, thì hai cậu Tự Cao với Võ Lộ nói Tất Đắt tom góp áo quần vô hoa ly mà đi hồi khuya, không cho biết đi đâu chỉ nói không thèm ở đất Sài gòn nữa, mà đến chết cũng không trở về đây. Bạch Yến nghe như vậy cô tối tăm mày mặt muốn xỉu. Tôi phải đỡ cô lên xe dìu dắt cô về trường đặng an ủi cô. Cô nằm khóc hoài, cô nói nếu có ai chịu đi kiếm Tất Đắc mà đem về cho cô thì tốn hao bao nhiêu cô cũng chịu. Tôi cũng phiền quá. Tôi đã tốn gần bạc ngàn chẳng nói làm chi. Cậu Tất Đắc báo hại cho tôi mất lòng tin cậy mẹ con bà Huyện, cái đó mới khổ cho tôi lung lắm. Tôi an ủi rồi đưa Bạch Yến về đặng tôi xin lỗi với bà Huyện. Tôi phải hứa tôi kiếm. Ngặt tôi làm sao bỏ trường mà đi kiếm cho được. - Trong bức thơ viết để lại mà đi, Cậu Tất Đắc có nói rõ tại cớ nào mà cậu từ hôn hay không? - Có chớ. Cậu thú thiệt cậu là thằng điếm cậu dùng chước giả dối gạt tôi mà cậy tôi làm mai đặng cưới Bạch Yến, chớ thiệt cậu không có bằng Bác Vật, mà cũng không ai cậy lên Lèo mà tìm mỏ gì hết; chớ chi mẹ con bà Huyện là người háo danh háo lợi thì cậu gạt luôn để "đào mỏ" như thiên hạ cho có vợ đẹp mà âu yếm, cho có mẹ vợ giàu mà cậy nhờ. Chẳng dè được gần gủi mấy lần, cậu nhận thấy bà Huyện là người đúng đắn thành thật thương yêu cậu. Còn Bạch Yến lãng mạn đa tình, say mê lời dụ dỗ mà yêu cậu một cách mù quáng, tại vậy nên cậu hồi tâm bất nhẫn, không nỡ mang mặt nạ mà thực hành chước giả dối được. Tại Bạch Yến yêu cậu mê mẩn, mà bây giờ cậu cũng yêu cô đắm đuối nữa, nên cậu kính trọng tình yêu rồi cậu hổ thẹn về cách giả dối, cậu phải dứt tình mà từ hôn đặng xa lánh cho khỏi thẹn với người yêu. - Nếu vậy thì cậu nầy biết nâng cao Ái tình, cậu cũng thờ một chủ nghĩa với tôi mà. Tôi phải tìm cho được cậu đặng tôi nói chuyện rồi lập thế biến tình giả ra tình thiệt cho hai đàng sum hiệp trăm năm mà vui thú gia đình. Chớ chi tôi được xem bức thơ từ hôn, tôi xem xét ý tứ châu đáo, thì tìm gặp tôi nói chuyện mới dễ. - Tôi có chép một bổn tôi cất đây. Để tôi lấy cho ông xem. Bổn chánh cô Bạch Yến giữ. Cô Cẩm Hương mở tủ lấy bổn sao trao cho Thứ Tiên. Cậu xem sơ qua rồi cậu xin cho mượn đem về cậu chép một bổn nữa, hứa bữa sau cậu sẽ trả bổn nầy lại cho cô. Cô Cẩm Hương thấy ý Thứ Tiên sốt sắng muốn kiếm giùm Tất Đắc thì cô tính làm vui lòng khách nên cô nói: - Ông cất luôn bổn đó mà đi kiếm dùm luôn cũng được, khỏi chép thất công. Để tôi biểu Bạch Yến chép một bổn khác cho tôi. Mấy bữa rày tôi tức quá nên đọc đi đọc lại hoài nên gần thuộc lòng. Ông kiếm được Tất Đắc thì tôi cám ơn ông lắm. - Tôi phải kiếm cho được tôi mới nghe. Ngay bây giờ tôi phải đi qua chợ Thái Bình đặng làm quen với hai cậu Tự Cao với Võ Lộ mà nói chuyện. Với cô thì họ giấu, còn với tôi chắc có lẽ họ nói thiệt. Mà tôi có cách nói chuyện tôi dụ họ lần lần làm cho họ tin rồi việc gì kín cho mấy đi nữa họ cũng nói hết. - Ừ, ông rán nói giùm. Ông muốn gặp cô Bạch Yến hay không? - Nếu tôi được nói chuyện với cô Bạch Yến và bà Huyện Hớn thì càng hay. Tôi dọ tình ý hai mẹ con đặng tôi đìều tra cho dễ. - Bữa nay chúa nhựt tôi rảnh. Tôi muốn mời ông chiều nay lối 4 giờ, trời mát ông đi với tôi lên Tân Định đặng thăm hai mẹ con bà Huyện. - Được, đúng 4 giờ tôi sẽ qua đây. Bây giờ tôi phải đi qua chợ Thái Bình. Cậu Thứ Tiên cáo từ mà đi. Cô Cẩm Hương đưa khách ra cửa, trong lòng mừng thầm, mừng có người sốt sắng giúp mình mà tìm Tất Đắc.