Tựa

NĂM 1979, viết xong cuốn “Kinh Dịch, một tổng hợp Trung triết thời Tiên Tần”, tôi tính chấm dứt công việc biên khảo để viết hồi ký, rồi nghỉ ngơi: đã gần thất tuần rồi.
Năm 1981, bộ Hồi ký viết xong, tôi sắp đặt lại các tủ sách ở Sài Gòn và Long Xuyên, không ngờ có tới non năm chục cuốn về lịch sử, văn minh Trung Hoa. Tôi lấy ra đọc lại hết, mượn thêm được của bạn 6 -7 cuốn nữa; và cũng như trên ba chục năm trước khi tìm hiểu văn học Trung Quốc, tôi vừa đọc vừa ghi chép, và rốt cuộc viết thành bộ sử này, ngoài dự định của tôi.
Trung Hoa ngày nay lớn gần bằng cả châu Âu, dân số trên một tỉ (1 phần 5 dân số thế giới), có truyền thống trọng sử, từ thế kỷ thứ VIII trước Tây Lịch (đời Tuyên Vương nhà Chu) đã có tín sử, và từ đó đời nào cũng có những sử quan chép sử kỹ lưỡng, có công tâm, cho nên tài liệu về sử của họ nhiều vô cùng, rất có giá trị. Bốn năm chục cuốn tôi được đọc, chỉ như một bụi cây trong một khu rừng rộng, có thấm gì đâu, cho nên tôi phải hạn chế sự tìm hiểu của tôi.
Tôi cho lịch sử Trung Hoa là lịch sử của một nền văn minh vô cùng độc đặc (infiniment originale: Guillermaz), tuy ra đời sau vài nền văn minh khác: Ai Cập, Lưỡng Hà... nhưng tồn tại lâu nhất. Khoảng 3.000 năm trước, nó xuất hiện từ miền trung du sông Hoàng Hà. Trong khi các bộ lạc chung quanh đều bán khai thì nhà Ân (cuối nhà Thương) và nhà Chu đã giỏi về nông tang, đồ đồng, có một tổ chức xã hội chặt chẽ, một tôn giáo có tính cách xã hội (thờ Thượng đế, thần xã tắc, cha mẹ...), rất ít mê tín, một vũ trụ quan duy vật (thuyết âm dương) và một lối chữ tượng hình, hội ý mà một số nhà ngôn ngữ học hiện nay khen là có thể dùng làm lối chữ quốc tế được; mà sự thực trong non 3.000 năm, nó đã đóng vai trò ngôn ngữ quốc tế trong “thế giới” của Trung Hoa gồm cả chục dân tộc ở Đông Á.
Văn minh đó truyền bá lần lần ra các miền chung quanh mà không phải dùng tới võ lực; nó thu phục rồi khai hóa, đồng hóa nhiều bộ lạc dã man, và cuối thời Chiến Quốc nó đã lan rộng ra gần hết lưu vực hai con sông lớn nhất của Trung Quốc: Hoàng Hà và Dương Tử giang. Rồi nhà Tần thống nhất Trung Quốc, chấm dứt chế độ phong kiến, lại mở mang thêm đất đai tới hạ lưu sông Tây Giang (Quảng Đông ngày nay).
Phía đông là biển. Phía tây và phía bắc là những cánh đồng cỏ, những sa mạc mênh mông, bạt ngàn, từ đó, các dân tộc du mục hết lớp này tới lớp khác, đột nhập vào đất Trung Hoa, cướp phá mùa màng, súc vật..., người Trung Hoa phải xây trường thành để chặn họ; từ nhà hán phải chiến đấu với họ, dồn họ về các cánh đồng cỏ, mới đầu có lẽ chỉ là để tự vệ, sau nhân đó mà mở mang thêm bờ cõi, thành một cuộc tranh dành đất đai suốt hai ngàn năm, tới cuối nhà Thanh. Hễ Hán (Trung Hoa) thịnh thì Hồ (du mục) lùi về phương Bắc để đợi thời Hán suy để vượt trường thành vào chiếm đất: mới đầu họ chiếm được một phần miền Hoa bắc (các tỉnh Thiểm Tây, Sơn Tây...), lần lần họ mạnh lên, chiếm trọn được Hoa bắc, tới bờ sông Dương Tử, sau cùng, đời Nguyên, Thanh, có thời họ làm chủ hoàn toàn non sông của người Hán hai lần: lần đầu một thế kỷ (Nguyên), lần sau hai thế kỷ rưỡi (Thanh). Họ chiếm đất, cai trị dân tộc Hán, dùng văn tự, ngôn ngữ Hán, chỉ trong vài thế hệ Hán hóa, thành người Hán, và khi người Hán dành lại được chủ quyền, thì đất đai của Hồ thành đất đai của Hán, con dân Hồ cũng thành con dân Hán, nhờ vậy mà sau thời Nam Bắc triều dân tộc Hán thêm được dòng máu Tiên Ti, Tây Tạng, Thác Bạt, sau thời Ngũ Đại, thêm được dòng máu Sa Đà; sau thời Thanh thêm được dòng máu Mãn, Mông, Hồi Hột và đế quốc của họ rộng hơn tất cả các đời trước, trừ đời Nguyên. Hiện tượng đó có thể nói là độc nhất trong lịch sử nhân loại.
Hơn nữa, họ tiếp thu các văn minh khác, một cách có “sáng tác” - theo ngôn ngữ ngày nay - như tiếp thu đạo Phật của Ấn mà làm giàu cho triết học của họ, cho cả triết học Ấn nữa. Ngày nay họ đương tiếp thu văn minh phương Tây và đã có ý muốn sửa đổi chính sách của Nga: họ còn dò dẫm, ta chờ xem họ có thành công hay không.
Một điểm nữa tôi muốn nhấn mạnh: ảnh hưởng của Khổng Tử tới lịch sử Trung Hoa.
Ông chủ trương vua phải là người có tài, đức; ngôi vua không truyền cho con mà truyền cho người hiền như Nghiêu truyền cho Thuấn, Thuấn cho Vũ; nhưng thời ông, sự truyền tử đã có từ lâu đời, không thể bỏ được; ông chỉ có thể cải thiện chế độ, đào tạo những kẻ sĩ có tài, để giúp bọn quý tộc và lần lần thay họ mà trị nước. Những kẻ sĩ đó đều được tuyển trong dân chúng, và từ Hán, Đường trở đi, chế độ quân chủ Trung Hoa có tính cách sĩ trị, không còn giai cấp quý tộc cha truyền con nối nắm hết các chức vụ lớn ở trong triều, ngoài quận nữa. Đó là một tiến bộ rất lớn, người phương Tây phải khen.
Ông lại giảm bớt quyền chuyên chế của vua bằng cách đề cao nhiệm vụ, tư cách của sử quan, gián quan; dạy cho vua, quan, kẻ sĩ và thường dân rằng vua phải thương dân như con, phải tôn trọng nguyện vọng của dân...; phải chăm lo cho dân đủ ăn, tài sản trong nước phải quân bình, đừng có kẻ nghèo quá, kẻ giàu quá. Suốt thời quân chủ, ông vua sáng lập một triều đại nào cũng nghĩ ngay đến vấn đề quân điền, chia đất cho dân cày trước hết. Ngày nay Tôn Văn và Mao Trạch Đông cũng theo chính sách đó.
Sau cùng Khổng Tử có tinh thần nhân bản rất cao. Ông hiếu hoàn trọng trung dung, rất ghét sự tàn bạo, và đa số các vua chúa Trung Hoa theo ông. Học thuyết của Thương Ưởng, Hàn Phi làm cho Tần mạnh lên, thống nhất được Trung Quốc, nhưng khi thống nhất rồi, dân tộc Trung Hoa không dùng nó nữa, từ Hán tới Tống, trên 1.500 năm, không có một bạo chúa nào như Tần Thủy Hoàng. Khi đạo Khổng suy rồi, nhà Minh mới theo nhà Nguyên (Mông Cổ) dùng chính sách độc tài; nhà Thanh (Mãn Châu) cũng vậy, và gần đây, còn tệ hơn nữa, Mao Trạch Đông đã tự hào rằng đã giết kẻ sĩ gấp trăm lần Tần Thủy Hoàng! Nhưng ông ta chưa chết thì “cách mạng văn hóa” của ông ta đã phải dẹp bỏ.
Về việc phân chia thời đại, tôi không theo cách của đa số học giả phương Tây (và học giả Trung Hoa bắt chước họ), chia thành thời Thượng Cổ, Trung Cổ, Cận Cổ, Cận Đại, Hiện Đại. Những danh từ đó mượn của phương Tây, không áp dụng vào lịch sử Trung Hoa được, trừ hai danh từ Thượng Cổ và hiện đại. Vì lịch sử Trung Hoa từ Hán cho tới cuối Thanh, tiến đều đều, không thay đổi gì nhiều như lịch sử phương Tây, không làm sao phân biệt được tới đau là hết thời Trung Cổ, tới đâu hết thời Cận cổ, rồi Cận cổ với Cận đại khác nhau ra sao. Vả lại những danh từ đó không cho ta một ý niệm gì rõ rệt, mỗi người một khác. Chẳng hạn danh từ thời Cận đại (Temps moderne), người thì cho bắt đầu từ thời Nguyên (Eberhard), người lại cho từ cách mạng 1911 (Dubarbier) khác nhau 632 năm, còn gì vô lý bằng!
Tôi chỉ chia làm ba thời đại thôi:
- Thời Nguyên thủy và thời Phong kiến tôi gom làm một (phần 1) vì không biết chắc tới đâu hết thời phong kiến; vả lại thời nguyên thủy không có gì đáng chép, chỉ có 8 - 9 trang, không tiện đặt riêng vào một phần.
- Thời Quân chủ từ nhà Hán tới cách mạng Tân Hợi (1911). Thời này dài nhất - trên 21 thế kỷ - tôi tách làm hai:
+ Từ Hán tới cuối Nam Tống, thời thịnh nhất của văn hóa (Phần II).
+ Từ Nguyên tới cuối Thanh, thời suy cỷa dân tộc Hán (Phần III).
- Thời Dân chủ từ cách mạng 1911 tới ngày nay (Phần IV)
Tôi nghĩ như vậy vừa gọn vừa sáng, chỉ đọc tên thời đại chúng ta cũng hiểu ngay đặc điểm của nó và biết nó bắt đầu từ thế kỷ nào, chấm dứt ở thế kỷ nào.
N.H.L
Long Xuyên, ngày 15 tháng 5 năm 1983
Đọc và sửa tại Sài Gòn, ngày 15 tháng 10 năm 1983