Ăn hoa như thể tiên trong truyện... Tôi đã được ăn một bữa hoa, được lạc vào xứ tiên một lầnNói lạc thì cũng hơi xạo, tôi từ thành phố về xứ ấy theo đoàn, có tàu lớn nhiều sức ngựa ghé tận lề đường Sa Đéc rước đi, lại có hướng dẫn viên du lịch dẫn đường làm sao lạc. Đi chuyến ấy mà bảo lạc thì chỉ nên tin mấy nhà thơ say, ngồi ngay trên nóc tàu uống bia 333 chữ đỏ với tôm càng xanh nướng lửa hồng bếp ga, thấy mây bông soi gương mặt nước lại ngỡ trời dưới chân mình, lẽo đẽo theo mình. Tôi cũng uống chứ, nhưng chỉ nhâm nhi chút đỉnh giải khát vì tôi là người làm báo thiếu nhi chứ không phải nhà thơ. Tòa soạn giao tôi việc chụp cho được ảnh thiếu nhi Đồng Tháp Mười sống chung với lũ, say díp mắt lại thì chỉ có thể tưởng tượng chứ làm sao bấm máy chụp hình!Nhờ tỉnh queo mà tôi chụp được cả cuộn phim những cảnh sống chung như thế...Con nít chống xuồng đưa rơm lên gò cao lo bữa cho trâu chạy nước, trâu ơi ta bảo trâu này, ăn rơm nhẹ bụng chờ ngày cỏ tươi.Có nít nhóm thành phường săn đường nước, đứng trên xuồng căng dàn thun! Chuột bị nước lũ n tít lên những tán cây. Cây tràm, cây dừa, cây gáo... đứng dầm nước ngang ngực, ngang vai, chỉ còn mái tóc với những mắt lá xanh là ngoi lên được. Chuột rụng như trái chín thối! Làm vệ sinh đồng ruộng là vậy đó. Người ta bảo, mỗi lần lũ là một lần sông Cửu Long ào vào như quét! Chuột bọ sợ nước chạy tuốt luốt lên cây, và phường săn thiếu nhi, hạ gục nhanh tiêu diệt gọn!Lại cảnh sống chủng này mới thú chứ một cô bé cỡ lớp hai, lớp ba chi đó đã biết cầm chèo lái, đưa con xuồng ba lá trôi nhè nhẹ dọc theo một tay lưới giăng để người ngồi mũi, chắc là ba em, gỡ những con cá mắc lưới. Bé chỉ chèo một tay, tay kia vẫn cầm một cuốn sách chăm chú đọc. Tôi lắp ống kính tê lê chụp gần lại, thấy được cả dây hoa vàng em đội trên đầu, vàng óng ánh như vương niệm công chúa.Có bằng ấy ảnh đẹp rồi, tôi có thể đóng máy, thực hiện lời tôi hứa với mẹ thằng bạn cùng lớp ngoài Hà Nội. Tôi hứa nếu qua Tam Nông thế nào tôi cũng ghé thăm cháu nội của bà, thăm bạn tôi xưa. Bạn tôi đi kinh tế mới Lâm Đồng, rồi trôi dạt mãi Đồng Tháp Mười dạy học, làm rễ Nam bộ. Tàu thủy đang xình xình trên đất Tam Nông sống chung với lũ của bạn tôi đây. Tôi hỏi anh trưởng phòng giáo dục đi cùng, có thể cho tôi ghé trường cấp hai Thạnh Huê được không. Thì đó! Trường Thạnh Huê nằm sau vạt hoa vàng kia kìa! Nhưng tàu lớn không vào được. Ghé vô mắc cạn thì ở luôn Tam Nông ngủ tàu, sao về Se Đéc? Đăng kí khách sạn rồi nghe cha nội.Nhưng tôi phải vào! Tôi đã hứaThì nhà báo lội vô, chiều tàu trở ra, cánh này rước.Thì lội! Tôi gửi tất tập phim máy đã bọc kín ni lông cho anh bạn cùng tòa soạn rồi nhảy đại xuống. Nước chỉ ngang ngực, chỉ phải bước lõm bõm, nhưng hai tay vẫn phải bơi bơi để vạch đường đi giữa vạt hoa vàng mà anh trưởng phòng đã chỉ. Ken ken vạt này, vạt nữa, vạt nữa...Đó là một rừng hoa dại thì đúng hơn! Mở đường hoa mỏi tay, hàng hoa vàng cuối cùng vừa mở thì hiện ra một ngôi trường ngói đỏ khang trang, đẹp như một tòa thủy ta. Có tiếng học trò đang đồng thanh về một bài khóa tiếng Anh. Bài học kể về một cậu bé yêu môn địa lí, làm bài văn tả con sông quê mình, bài học chính tôi đã một thời phải học thuộc lòng: Then the river ghét bigger and bigger – rồi dòng sông càng lúc càng rộng hơn... Quang ngôi trường thủy ta, những chiếc xuồng ba lá đậu có hàng có lối như một bãi gửi xe đạp của trường Chu Văn An ngoài Hà Nội. Tiếc quá! Tôi không mang máy để chụp bãi gửi xuồng này. Tôi còn phải tiếc hùi hụi nhiều nữa!Thật may, cô giáo Nam bộ làm dâu Hà Nội, dâu hiền của mẹ tôi chưa lên lớn, cô đang gội đầu, chờ lên lớp giờ sau. Vâng gội đầu ngay trong phòng sách của cô! Là vì trường thì đã đút cột bê tông nâng cao nền, đứng kiễng chân trong nước, khu tập thể giáo viên vách lá dừa, mái lá dừa thì chưa, vẫn lùn tịt. Thành ra, nước lũ vào nhà, cô giáo cứ ngồi ngay trên giường nhà mình múc nước sông Cửu Long gội đầu. Tô lại bỏ mất một kiểu cảnh đẹp! Nhưng đó chưa phải kiểu đẹp nhất...Bạn tôi còn giờ dạy nữa mới về. Cô giáo chủ nhà gội đầu xong cũng tới giờ lên lớp, chỉ có tôi và bé Huỳnh Điển ở nhà. Mẹ ghé tai nói gì với Huỳnh Điển rồi mới theo cầu khỉ bắc tạm, từ nhà lên trường. Huỳnh Điển bảo tôi cứ nằm nghỉ, nó đi hái rau. Nhưng tôi đòi đi theo.Chúng tôi lên xuồng lá, Huỳnh Điển cầm chèo, chèo ngược ra rừng cây dại nở hoa vàng mà tôi phải mỏi tay vạch đường vào đây. Xuồng lẫn vào hoa vàng, cô bé đứng trên xuồng với tay hái những bông vàng ấy. Sao cháu đi hái rau mà lại rẽ vào chơi hoa. Ba má về có kịp cơm ăn, chiều còn lên lớp!Bông điên điển là rau của nhà cháu chú à. Hồi mang bầu cháu nè, má cũng chèo xuồng hái điên điển đãi một nhà thơ ghé chơi trường này. Chú nhà thơ thích lắm mới lấy tên hoa bảo má đặt cho cháu, Lê Thị Huỳnh Điển. Tên cháu còn có nghĩa là một pho sách quí, ba cháu nói vậy. Điên điển hái ăn không hết thì chơi nhà chòi. Lờy chỉ xâu thành mão vàng đội đầu...Thì ra trăm vạn bướm vàng rung động cánh, mùa hoa điên điển Tháp Mười dâng... là loài hoa này đây! Cô bé cứ vừa hái hoa vừa thủ thỉ kể chuyện, tôi ngồi dưới ngước mắt nhìn lên thấy mái đầu nhỏ điểm hoa vàng, tôi chợt nhớ cái vương miện công chúa trên đầu cô bé thuyền chài gặp sáng nay. Tôi lại tiếc là đã sai lầm không mang máy chụp hình theo để nằm ngửa ra lòng xuồng ba lá mà chụp những ngón tay măng đang hái một loài hoa ăn được, như hái những đốm nắng vàng. Cao trên kia là bầu trời xanh, thành thử nhìn lên, tay ấy lại như đang hái mây bông nõn nà. Tôi không phải nhà thơ, chỉ là một phó nhòm thiếu nhi vậy mà lúc này tôi cũng mơ mộng theo bồng bềnh nhịp sóng, tôi thấy rừng điên điển biến thành rừng mai vàng, tôi thấy mùa xuân đã đến giữa tiết trung thu này. Má bảo bữa nay hái điên điển đổ bánh xèo đãi khách Hà Nội.Cái chữ xèo làm tôi bật tỉnh, máu nghề của một tay báo phó nháy lại sùng sục. Không có máy thì tôi chụp bằng trí nhớ của mình, tôi hỏi cô tiên nhỏ mang tên hoa: Má có kể ông nhà thơ nào ghé ăn cơm nhà mình không?Má kể hoài chớ gì! Nhưng tên khó nhớ, chỉ nhớ thơ, thơ giống như bài hát mẫu giáo kìa con bướm vàng, kìa con bướm vàng. Cháu thích nhất là câu ăn hoa như thể tiên trong truyện...Tôi cũng thích câu ấy! Và tôi nuốt nước miếng chờ tới bữa trưa được thành tiên ông sau một tiếng xèo thơm hành mỡ.Mùa bông điên điển 1997.