NỘI DUNG I. CHUNG QUANH VIỆC ĐỊNH HƯỚNG II. VAI TRÒ TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG TRONG TỔNG HỢP TƯƠNG LAI III. HỮU VI HAY VÔ VI IV. NHO GIÁO VỚI TỔNG HỢP V. HÁN HỌC HỮU SẢN HÓA NHO GIÁO VI. MẤY VIỆC CỤ THỂ ĐỂ THỐNG NHẤT VĂN HỌC PHỤ TRƯƠNG TRIẾT LÝ TRAO ĐỔI. Tựa Ngày nay không ai nói tới tình trạng bi đát của giáo dục và sự xuống dốc của văn hóa, sự sa đọa của giới trí thức như là căn nguyên khiến xã hội quay cuồng, bầu không khí sinh hoạt bị nghẹt thở vì mánh lới, óc con buôn, việc công đi vào tình trạng dải đất bệ rạc, cả một cảnh nát bấy phơi cái bộ mặt tang thương từ những ổ gà đầy các kiều lộ, cho đến các bàn giấy công sở, học đường, xí nghiệp. Nhưng than trách vô ích. Chỉ cần nhận thức bi trạng rồi đi tìm giải pháp, để chấm dứt trạng huống kia. Chúng tôi nghĩ rằng người ta chỉ có thể mạnh mẽ hăng say hứng thú khi được hướng dẫn bởi một ý tưởng mạnh mẽ phong phú, mà ý tưởng muốn mạnh mẽ phong phú thì việc cần trước hết là phải có một chiều hướng. Chiều hướng có được nhận thức sâu xa mới có đựơc hùng mạnh và sự nhận thức càng rành rẽ thấu triệt thì sức quy tụ lôi kéo càng tăng trưởng, cho đến lúc đủ trở thành chiều hướng giáo dục cũng như văn hóa, chính trị cũng như kinh tế, nghệ thuật và cả toàn bộ lối sống. Chỉ lúc đó chúng ta mới có một phương thế tích cực đối phó với tình trạng tan nát hiện nay. Chính trong viễn tượng đó mà chúng tôi biên ra ít suy tư trong tập này.