1
Lấy tay lau những giọt nước mắt cứ liên tục chảy dài xuống má, Châu Thúy ngả đầu vào khung cửa sổ nhỏ của chiếc phi cơ 747, đang mang nàng xa dần gia đình và bạn bè. Bên ngoài, trời trong sáng, khác hẳn trời Sàigòn đầy mây với mưa tầm tã khi máy bay cất cánh.
Nhắm mắt lại, nàng hình dung đến khuôn mặt của Mẹ đầm đìa nước mắt, đến đôi mắt cương nghị của Bố long lanh ướt khi tiễn nàng vào cửa máy bay. Bố mẹ đã quyết định cho nàng sang Pháp học khi nàng xin được học bổng. Dù rất buồn vì phải xa nàng, Mẹ cũng đành lòng cho nàng đi.
Đã hai năm liên tiếp, Châu Thúy cùng Mẹ lo xin được miễn tuổi để thi Tú Tài I và II. Và cả hai năm, nàng đã không làm Bố Mẹ thất vọng với hạng Bình. Châu Thúy khóc thút thít, nhớ lại mới hôm qua, hai mẹ con còn nằm tâm sự trong nhà cậu Hoàng, trên đường Cách Mạng, Mẹ dặn dò đủ chuyện. Mười bảy tuổi, một thân một mình sang Pháp, Châu Thúy cũng ngại, nhưng đã lỡ rồi, làm sao kêu máy bay ngừng cho nàng nhảy xuống, hay nhờ phi công quay đầu lại...
- Cô có cần uống nước gì không?
Châu Thúy giật mình khi nghe tiếng của một người đàn ông hỏi bên tai. Nàng bối rối ngồi thẳng người lên, quay nhìn bên tay trái của mình, ngập ngừng:
- Dạ không.
Người đàn ông có mái tóc nâu nhạt, đôi mắt hạt dẻ, sóng mũi thật cao, da trắng, đưa bàn tay phải ra trước mặt nàng:
- Tôi tên André, hân hạnh được biết cô.
Châu Thúy bối rối, vụng về đưa tay ra, rồi ngượng ngập nói:
- Hân hạnh được biết ông.
Cầm tay nàng, André cười nhẹ, nói:
- Cô khóc nhiều quá, có lẽ đây là lần đầu tiên cô xa nhà?
- Dạ
Vừa dứt lời, nước mắt lại rơi đầy trên má Châu Thúy. André kéo trong túi ra một bao giấy Kleenex, đưa cho nàng:
- Cô dùng giấy này nè, khăn tay của cô ướt đẫm hết rồi.
Chờ Châu Thúy lau nước mắt xong, André hỏi:
- Cô tên gì?
- Châu Thúy.
- Cô đi đâu đây?
- Dạ, Pháp.
André reo lên:
- Vậy là cô sẽ cùng bay đến Paris với tôi rồi. Vui quá!
Châu Thúy ngớ ngẩn hỏi lại:
- Ông cũng đi Paris à?
- Đúng vậy, tôi về thăm gia đình. Lâu rồi tôi chưa gặp lại mẹ tôi.
- Sao vậy?
- Tôi là ký giả, đi làm xa hoài, ít khi về lại Paris. Còn cô, đi Paris làm gì?
- Dạ đi học.
- Thảo nào cô nói tiếng Pháp chuẩn quá.
Châu Thúy ngượng ngùng:
- Dạ cũng tàm tạm thôi.
- Không tàm tạm đâu, tôi nói thật mà.
- Cám ơn ông.
- Cô ở Sàigòn hay ở đâu?
- Dạ, Huế.
- Cô là học sinh Đồng Khánh?
- Dạ không, tôi học Jeanne D’Arc.
- Thế thì tôi không ngạc nhiên nữa khi cô nói tiếng Pháp gần giống người Pháp.
Châu Thúy bẽn lẽn đáp nhỏ:
- Ông quá lời rồi.
André cười lớn rồi vỗ nhẹ vào vai Châu Thúy:
- Thôi, đừng khiêm nhượng nữa, cô bé. Tôi hỏi nè; sao cô có nhiều nước mắt thế?
- Tôi không biết.
Châu Thúy bật cười sau câu trả lời và André cười theo.
Nhìn đôi mắt tròn xoe của người bạn nhỏ đồng hành đang mở lớn, André tiếp câu chuyện:
- Tôi thích làm phóng viên chiến trường vì tôi thấy thế giới bên ngoài cần được biết rõ cuộc chiến đang xảy ra tại Việt Nam.
Với vẻ khâm phục, Châu Thúy hỏi:
- Ông không sợ nguy hiểm sao?
- Cũng có lúc sợ... nhưng mỗi người đều có số phần của mình.
- Ông là người Pháp mà cũng tin vào “số phận” sao?
- Tin chứ.
Châu Thúy tò mò:
- Tôi tưởng chỉ có người Á Châu mới tin vào số phận thôi chứ!
- Không, cô sai rồi, người Pháp chúng tôi cũng tin vào “số phận” và “nhân quả” như một số lớn người Việt đó cô ạ.
- Có nhiều người Pháp tin như vậy không ạ?
- Tôi không biết có bao nhiêu người tin như vậy, nhưng riêng tôi, tôi rất tin.
André nhìn cô gái với vẻ hoài nghi, tiếp:
- Chắc là cô không tin hả?
- Tại sao ông hỏi vậy?
- Thấy cô còn nhỏ, lại học trường Tây, chắc chắn là các Souer không dạy như vậy đâu!
Châu Thúy gật đầu:
- Đúng là trong trường không dạy như vậy, nhưng tôi vẫn theo mẹ tôi lên chùa mỗi tuần nên được biết chút đỉnh về “nhân quả.”
Quay người qua một chút, nàng tiếp:
- Thế còn ông, bằng cách nào ông lại tin vào nhân quả?
André nhấc ly nước đang uống dở, nhắp một ngụm nhỏ, ra chiều suy nghĩ, chậm rãi trả lời:
- Chuyện của tôi dài dòng lắm, không biết kể đến lúc nào mới hết, nhưng để tôi tóm tắt một chút cho cô nghe nhé...
Đặt ly nước xuống, ông nhìn ra ngoài khung cửa hẹp của máy bay, mắt mơ màng, tiếp:
- Tôi có một người bạn Việt Nam, anh là một tu sĩ Phật giáo, anh dạy tôi về Phật pháp, và dạy cả tiếng Việt nữa.
- Bạn ông đang ở đâu?
- Bạn tôi đang ở ngay Paris, dạo trước bạn tôi ở bên Mỹ nhưng mới qua Pháp chừng vài năm nay thôi.
2
Lầm lũi đi hết đường này qua đường khác trong khu chợ Quận 13, cuối cùng Châu Thúy bước vào một tiệm ăn Tàu. Kêu một tô mì và ly trà nóng xong, nàng chậm rãi cởi bớt áo choàng ra. Ngồi chờ thức ăn, nàng kéo trong ví ra tờ điện tín đã nhàu nát, Châu Thúy đọc lại hàng chữ đánh đi từ Sàigòn: Bố Mẹ sẽ rời Sàigòn ngày mai...
Từ lúc nhận được bức điện tín, Châu Thúy lo lắng vô cùng, không biết bố mẹ sẽ đến đâu. Hơn 2 tuần vẫn chưa có tin tức của bố mẹ. Sàigòn đã thất thủ, tin tức, hình ảnh trên báo chí, trên vô tuyến truyền hình làm nàng mất ăn mất ngủ.
Mới qua đây hơn một năm, đang chập chững làm quen với đời sống sinh viên xa nhà, Châu Thúy vẫn còn khóc vì nhớ bố mẹ và đôi khi nàng nhớ đến người ký giả đã gặp trên chuyến bay từ Sàigòn qua Paris. Trong lúc buồn vì xa nhà, sự chăm sóc của ông đã làm nàng cảm động. Trên chuyến bay mười mấy giờ đồng hồ, ông đã kể cho nàng nghe nhiều về người bạn của ông, cũng như đã nói cho nàng nghe về thuyết nhân quả của Đạo Phật. Lúc thì bằng tiếng Pháp, có lúc thì bằng tiếng Việt.
Cả năm nay, mỗi khi có dịp về lại Paris, nàng lang thang trên đường phố với hy vọng mong manh là sẽ được gặp André. Từ ngày chào nhau tạm biệt ở phi trường Orly, nàng tưởng rồi thế nào cũng gặp lại, nhưng Paris không nhỏ như Huế. Mỗi lần có dịp nghỉ học vài ngày, nàng lại leo lên xe lửa từ Caen về Paris. Đi bộ nhiều lần trong vườn Luxembourg, rồi lê chân qua những con đường vắng người, nàng đã giật mình vài lần khi thấy có người dáng dấp hao hao giống André.
Đưa mắt lơ đãng nhìn ra phố đêm, ánh đèn vàng làm Châu Thúy càng nhớ những đêm mùa Thu ở Huế. Nàng nghĩ đến bố mẹ và rồi lại nghĩ tới André. Lạ thật, chỉ một lần gặp gỡ mà vấn vương cả cuộc đời như vậy sao. Nàng nhớ lại những câu chuyện André kể về những lần ra chiến trường làm phóng sự. Bây giờ chiến tranh đã chấm dứt trên quê hương nàng, không biết André ở đâu.
*
- Châu Thúy, bây giờ cháu tính sao đây?
- Dạ cháu không biết tính sao cả.
Đáp xong, Châu Thúy nhìn bà Nam rồi cúi xuống trang sách, những ngón tay bối rối mân mê cây bút chì đang cầm. Bà Nam nhìn nàng một lúc, rồi ngập ngừng:
- Sàigòn mất cũng mấy tháng nay rồi, tin bố mẹ cháu thì biền biệt, cháu có định học tiếp không?
- Dạ cháu cũng không biết nữa, thưa Bác.
- Sàigòn mất thì chắc chắn là cháu sẽ không còn học bổng nữa...
- Dạ cháu biết, vì cháu được học bổng quốc gia, mà bây giờ...
Châu Thúy nghẹn lời, cố dấu những giọt lệ, nàng chậm rãi tiếp:
- Cháu sẽ xin việc làm và sẽ cố học tiếp.
- Vậy thì tốt quá.
Bà Nam thở ra nhẹ nhỏm, như vừa trút được gánh nặng:
- Cháu biết là hai bác cũng muốn giúp cháu nhưng đời sống càng ngày càng khó khăn... Mẹ cháu là bạn thân của bác nhưng bác cũng không thể lo cho cháu như bố mẹ cháu được.
- Dạ, cháu biết, cháu cám ơn bác...
- Cháu có thể xin đi bán hàng hay giữ trẻ con sau giờ học...
- Dạ, cháu sẽ tính.
Sau vài tuần khó nhọc kiếm việc làm, cuối cùng Châu Thúy cũng tìm được một chân bán hàng trong tiệm bán thực phẩm. Lúc đầu không quen việc, làm gì cũng chậm chạp, nhưng lần lần mọi việc cũng xong. Nàng gặp nhiều người Việt Nam mới đến Pháp sau Tháng Tư Năm 1975, hỏi thăm tin tức về những ngày cuối cùng của Sàigòn để rồi buồn bã thất vọng vì không tìm được tung tích của cha mẹ nàng.
Nàng không ngờ ngày từ giã bố mẹ năm nào lại là ngày cuối được thấy mặt song thân. Tự nhiên thành mồ côi, bơ vơ nơi đất lạ. Tin tức cha mẹ không biết, bà con họ hàng cũng không. Viết thư về nhà cậu Hoàng ở Sàigòn, thư không được trả lời. Gởi thư về Huế cho gia đình cũng không thấy hồi âm. Nàng hình dung đến cảnh bố mẹ đã không may mắn, khi chen lấn xuống tàu trong những ngày cuối của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, hoặc bị đạn pháo kích trong phi trường Tân Sơn Nhất lúc đang chờ chuyến bay...
Bức thư cuối nàng nhận được của Mẹ, khi bố mẹ nàng đã vào tới Sàigòn sau những ngày lênh đênh trên biển, từ Đà Nẵng. Mẹ đã kể về đoạn đường bộ gay go từ Huế vào Đà Nẵng, trước khi Huế thất thủ, rồi khi đến Vũng Tàu, và cuối cùng là Sàigòn vào những ngày hỗn độn giữa Tháng Tư năm 1975...
Châu Thúy không dám suy nghĩ nhiều, nhưng rồi những cảnh vượt biển bị hải tặc tấn công đã làm nàng khủng hoảng nhiều đêm.
Nắm chặt tay Châu Thúy, Simone hỏi bạn:
- Mày nhất định không chịu nhận việc với hãng điện thoại khi ra trường thật sao?
- Tao muốn lắm chứ, nhưng tao phải về Việt Nam kiếm tin tức của bố mẹ tao xem thế nào hẳn.
- Thì mày đi làm vài năm rồi về kiếm cũng được cơ mà.
- Gần mười năm không có tin tức của bố mẹ tao, tao không chờ được nữa.
- Mày chờ được gần mười năm, thì có chờ thêm vài năm nữa cũng đâu có sao?
Rút tay ra khỏi tay bạn, Châu Thúy đáp nhỏ:
- Có sao lắm chứ, tại mày không hiểu thôi.
- Hay là mày lại nhất định kiếm cho ra anh chàng phóng viên ngày xưa?
Châu Thúy cười nhỏ, rồi gật gật cái đầu:
- Cũng có thể.
Simone lắc đầu:
- Tao không hiểu được mày! Tại sao chỉ một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi trên đường bay từ Sàigòn đến Paris mà mày nghĩ là mày yêu ông ta được?
- Tao đã kể với mày nhiều lần rồi mà.
- Ừ, thì mày đã nói nhiều lần, nhưng tao vẫn không tin được.
Giọng Châu Thúy buồn buồn:
- Mày không tin cũng phải thôi, vì tình cảm người Á Đông chúng tao hơi khác...
- Mày ở đây gần mười năm, trước đó mày lại học trường Tây mà sao mày vẫn “nhà quê” như vậy được?
- Thì tao đã nói với mày rồi mà.
Simone lắc đầu thật mạnh, mái tóc ngắn, vàng óng ả bay qua bay về, làm khuôn mặt cô như cứng rắn hơn:
- Chỉ tại ông ta là người đàn ông đầu tiên nắm tay mày, phải không?
- Ừ, nhưng không phải chỉ có vậy thôi đâu!
Cười chế nhạo, Simone gằn giọng:
- Tại vì ông ta dạy cho mày về “số phận,” về “nhân quả” nữa, phải vậy không?
Châu Thúy im lặng không trả lời, nàng biết bạn thương mình nên không buồn lòng khi thấy bạn khó chịu. Simone nhìn bạn, dịu giọng:
- Xin lỗi mày, tại tao thấy vô lý quá. Cả một thập niên mày nhớ cha, nhớ mẹ, cái đó tao hiểu, nhưng cũng cả mười năm trời, mày ôm ấp một bóng hình cái “ông già” phóng viên chiến trường đó, rồi mày sống như một nữ tu... vô lý quá, Châu Thúy à.
- Cám ơn mày.
3
Đạp xe qua những con đường quen thuộc ngày trước, Châu Thúy nhìn lên bầu trời xanh trong, lòng bồi hồi nhớ lại ngày xưa. Cùng với Mẹ, nàng đã đi dưới những hàng cây Đuốt mát rượi vào những buổi chiều tắt nắng.
Trở lại Huế, nàng đã đến ngay căn nhà cũ tìm bố mẹ. Ra mở cửa cho nàng là một người đàn ông xa lạ, Châu Thúy hỏi thăm, ông ta hoàn toàn không biết người chủ trước là ai. Thất vọng, nàng cám ơn rồi lên xe đạp tiếp.
Qua khỏi dốc Nam Giao, Châu Thúy mệt lả người, nàng xuống xe, dắt bộ. Bên kia đường, một tấm bảng màu vàng, chữ đỏ, “Cô Nhi Viện Đức Sơn” đập vào mắt nàng. Mình cũng mồ côi mà, nàng nghĩ, và băng qua đường.
- Các em trong chùa ni tội lắm cô nờ, có em mất cả ba lẫn mẹ, có em nhà nghèo quá, ba mạ nuôi không nổi, đem đến nhờ Chùa nuôi dùm...
Tiếng Sư Cô trụ trì chậm chậm bên tai, Châu Thúy nhìn một bé gái kháu khỉnh đứng nép vào tường, đang mở lớn mắt nhìn nàng. Nàng ra dấu cho con bé tới gần, nhưng con bé cứ đứng yên một chỗ. Sư Cô trụ trì cười, nói tiếp:
- Cháu nớ tên Châu, mới được một ông ký giả Pháp xin rồi đó cô, chừng vài tuần nữa thì cháu sẽ theo cha nuôi về Pháp.
Châu Thúy bỗng cảm thấy hồi hộp, ngập ngừng một lúc, nàng quay qua Sư Cô, hỏi:
- Ở đây có cho nhận con nuôi hả, Sư Cô?
- Có chớ cô, ai xin thì Chùa cho bớt, chớ đông các cháu quá, quí cô nuôi cũng không xuể.
- Thưa Sư Cô, con có thể hỏi tên người cha nuôi của bé Châu được không?
Sư Cô trụ trì cười ngượng ngập:
- Được chơ cô, nhưng mà tui không biết đọc tiếng Tây, tui gọi ổng là ông Ăn Đê, còn mấy Cô nhỏ trong Chùa thì kêu là Ăn Đi...
Cười ngượng ngùng, Sư Cô trụ trì tiếp:
- Cái ông Ăn Đê ni tức cười lắm cô nờ, ổng nói là mười năm trước, ổng gặp một cô gái Việt Nam tên là Chau Tuy, hay Châu Thuy gì đó, ổng nói không rõ lắm, thành ra tui cũng không biết tên cô Việt Nam đó, rồi ông kể là họ mất liên lạc, ổng kiếm hoài không được vì nước mình bị giải phóng đó cô.
Châu Thúy kinh ngạc, hỏi dồn dập:
- Ủa, Sư Cô nói ông là người Pháp, tên là André, hả Sư Cô?
Sư Cô trụ trì gật đầu:
- Đúng rồi, ổng người Pháp, mà tên, thì trong chùa quí cô cứ kêu là Ăn Đê đó. Mấy tháng trước, ổng tới đây, thấy cháu Châu, ổng nói cháu giống cái cô Chau Tuy chi đó, nên ổng xin làm con nuôi. Ủa mà cô mới bên Tây về phải không nờ? Cô ở đây ăn cơm cho vui, chiều ni ông Ăn Đê có nói là sẽ ghé Chùa đem thêm áo quần cho bé Châu.
Châu Thúy không cầm được xúc động, nước mắt dàn dụa, nàng không còn nghe được Sư Cô trụ trì nói gì nữa. Hình ảnh André bỗng hiện ra rõ rệt như hôm ngồi trên máy bay mười năm về trước.
Tiếng Sư Cô trụ trì văng vẳng bên tai:
- Ủa mà răng cô khóc rứa? Ừ lạ kỳ, ai tới Chùa, thấy mấy cháu cũng thương, rồi cũng khóc hết..../.
Hiền Vy
February 2005