Đang ngắm nhìn bức chân dung, sự chú tâm của anh bỗng bị cuốn hút về phía cái bóng của chính mình phản chiếu trong tấm gương lớn kề cận đó, không sao cưỡng lại được. Anh rất thích bức chân dung này, nhưng còn cái bóng kia của anh thì sao nào? Cái đó dường như cũng vô hồn, thiếu sinh khí - cũng thế thôi… Có gì giống nhau giữa hai bên chứ? Có phải cùng đôi mắt biếc thăm thẳm trầm tư. Xao xuyến và suy tưởng hằn sâu những nét nhăn trên vầng trán. - Nghe đây. Tôi muốn bước ra ngoài. Giật mình, anh nhìn quanh, nhưng chẳng có ai. - Tôi muốn ra khỏi cái khung này, cái nhà tù của đường nét và màu sắc này. Tôi muốn thở không khí mát lành và thưởng ngoạn vẻ đẹp mê hồn của thiên nhiên. Tôi thèm nghe chim chóc líu lo, nhìn sông nước lượn lờ và cảm thấy làn gió nhẹ mơn trớn làn da mình. Tôi khao khát nhìn thấy mặt trời mọc và lặn, cũng như tắm mình trong ánh trăng thanh. Tôi quá sợ những con mắt phê phán hùng hổ ở đây lắm rồi. Tôi phát ngán những lời khen đổ lên tôi lúc này. Cái tiêu đề người ta dán trên tôi là rất lầm sai. Tôi chẳng phải là cái mà bạn đang nhìn thấy đâu. Làm ơn giải thoát tôi ra khỏi cái khung này, bạn ơi. Tiếng kêu thống thiết ấy phát ra từ bức chân dung. - Bạn muốn tôi giải thoát bạn ư? Làm sao được khi mà chính tôi cũng là kẻ bị giam cầm? Anh chỉ vào cái bóng mình trong tấm gương bên cạnh: - Những dáng nét thể lý này là của tôi sao, cái biểu hiện này là của tôi sao? Tôi đâu có thích loại màu sắc này. Cái đó áp đặt vào tôi từ bút pháp của hoạ sĩ, ngược lại ý tôi. Không có gì là tôi ở đây, chẳng có gì dường như thuộc về tôi thật sự. Anh tiếp: - Cũng vậy, không có khác biệt giữa bạn và tôi. Bạn còn may mắn biết rõ ai đã lồng bạn vào khung và đắp màu sắc này cho bạn, chứ tôi thì không; không biết ai làm thế với tôi. Tôi cũng chẳng có ý thức gì về chuyện đó. Tôi cứ tin chắc rằng mình tự do tự tại và tất cả màu sắc này, nơi chân dung tôi là của tôi kia đấy. Tôi tưởng những màu sắc này thích hợp với tôi ghê lắm và cách cấu tạo hay ho này làm cho bản thân tôi rất tuyệt. Nhưng giờ thì tôi thấy rằng không có màu sắc nào ở tôi là thuộc về tôi. Chúng gắn vào tôi từ những người khác nhau vào những lúc khác nhau mà thôi. Khi những người khác khám phá những sắc độ này ở tôi, tôi cảm thấy quy hướng về họ, khoái cảm được yêu thương cảm phục. Và tôi bồi hồi hạnh phúc. Anh lại tiếp: - Thời gian trôi qua thế nào không biết. Đôi khi tôi cảm thấy một nỗi đau trong hồn - một nỗi đau không rõ. Tôi cảm thấy bất an khi một niềm nghi hoặc len vào tôi rằng liệu có phải có một sắc thái nào đó không phù hợp với bản thân tôi. Liệu có phải vài sắc thái khác cần phải tốt hơn. Nhưng rồi thế nào cũng có người đoan chắc với tôi rằng sắc thái đó là rất hợp với tôi, rằng đó chính là bản sắc của tôi. Thế là niềm hoài nghi của tôi chết đắm trong gió mưa của những lời trầm trồ ca ngợi. Nhưng theo dòng thời gian, niềm hoài nghi dần dần chuyển thành sự xác tín rằng không có màu sắc nào trong chân dung tôi là của tôi cả. Cảm thức ấy tước đoạt hết mọi an ủi của đời tôi. Anh vẫn miên man kể: - Và tôi bắt đầu tìm kiếm bản ngã của mình. Khi người ta thấy rằng màu sắc mà họ đặt vào tôi đã muốn phai tàn, họ lo sợ. Họ bèn bảo tôi rằng tôi đã thay đổi nhiều và rằng tôi đã đánh mất bản nguyên của mình. Tôi đâm hoảng mà tin theo họ - rằng tất cả mọi màu sắc nơi tôi là của tôi, rằng tôi đã tự do lựa chọn như thế nào rồi. Lý trí tôi đi theo họ nhưng tâm hồn tôi từ chối tin lời họ. Đôi tai tôi lại không thèm tin vào tiếng lòng tôi vì nó đã quá quen với những lời nịnh hót tán dương. Bức chân dung chăm chú nghe, rồi hồi hộp cất tiếng hỏi anh: - Thế rồi chuyện gì đã xảy ra? Anh đáp: - Rồi thì trái tim tiếp tục nhắc nhở tôi: Những màu sắc này không phải của anh; chúng được đắp lên anh thế thôi. Anh trang sức cho mình bằng màu sắc mà kẻ khác thích để được nghe vài lời tán thành, khen tụng. Không đúng đâu. Rửa sạch các màu ấy đi, rồi thay vào đó là màu sắc của riêng mình. Nhưng để được như thế thì anh phải tuyệt đối hoặc là trắng hoặc là đen. Bức chân dung hỏi: - Tại sao anh đã không làm như thế? - Tôi không có can đảm. - Vậy thì bây giờ anh sẽ làm gì? - Tôi không biết nữa. Lúc này tôi đang đứng giữa giao lộ. Màu sắc cũ đang tàn nhanh mà tôi vẫn chưa quyết định màu sắc nào mới là của mình. Thế cho nên cái cá thể đang tàn phai của tôi đã hoá làm địa ngục cho chính tôi cũng như cho kẻ khác. Bức chân dung kêu lên: - Lạ thật! Anh cũng không phải là cái anh đang xuất hiện. Không ai có thể tưởng tượng qua đôi mắt ngời sáng này, gương mặt bình yên này, nụ cười trên môi này, bước chân quả quyết này, anh lại là… Anh vội vã ngắt lời bức tranh: - Ai tưởng tượng, cứ nhìn lại mình xem, bộ anh đang đau khổ với màu sắc của mình sao, bộ anh đang tự mình xem mình là tù nhân của cái khung này sao? Màu sắc, đường nét, dáng vẻ - không có gì là của anh. Ai biết rằng những gì trình hiện chỉ đơn giản là cách mà kẻ sáng tạo anh đã làm ra anh - rằng tự tính của anh nào có ở đó? Không ai biết được vì không ai ngoài tôi có thể nghe được lời anh. Trước khi bức chân dung này có thể nói được gì thì một đám đông người đã kéo đến và lấn anh ra xa chỗ đứng nãy giờ. Anh không còn nhìn thấy bức tranh nữa nhưng vẫn nghe kịp lời cuối cùng của nó: - Tôi muốn ra khỏi cái khung này, được tự do. Làm ơn đưa tôi ra khỏi đây. Những sắc màu này không phải là tôi. Chính cái bóng của anh cũng đã bị cầm tù trong tấm gương lớn đằng đó dù cho anh có ảo tưởng rằng mình đã rời gương. Anh dời chân ra xa, ngắm nhìn những bức tranh khác. Anh thấy nơi người đi quanh, lắng nghe tiếng họ nói cười. Nhưng mà thực ra anh đã bị mắc bẫy vào gương rồi. Và không có màu sắc nào của anh là của anh. eVăn: Nữ sĩ Sughra Mehdi viết văn bằng tiếng Urdu (Ấn Độ), sáng tác truyện ngắn lẫn tiểu thuyết với số lượng phong phú. Truyện ngắn Chân dung (Portrait) được viết với bút pháp cô đọng và kỳ ảo, gợi nhớ những truyện ngắn trong lòng bàn tay của văn hào Nhật Bản Kawabata Yasunari. Nhưng triết lý của nó vẫn dào dạt nguồn nước sông Hằng. Truyện Chân Dung sử dụng cái huyễn tượng (Fantastic) một cách nhẹ nhàng, gần như hồn nhiên: Bức chân dung trong phòng triển lãm bỗng dưng lên tiếng trò chuyện với một người đứng xem cô độc về tình trạng tù túng và khao khát tự do của mình. Và cái bóng của người xem bị mắc bẫy vào tấm gương gần đó, không thoát ra được. Nhật Chiêu dịch theo bản tiếng Anh trên tạp chí Indian Literature số 6 năm 1995, New Delhi.