Như phần đầu câu chuyện đã nói qua. Đàn vượn đen đuôi dài tuy phải lánh đi nơi khác, nhưng thỉnh thoảng năm, bảy con vượn đực lại đột ngột trở về đánh nhau với khỉ khố đỏ. Có lẽ linh tính báo cho lũ vượn đuôi dài rằng: Vũng Dốc Cây Sung, nơi gần với các xóm nhà này không phải là chỗ thích hợp cho đàn khỉ cha quăng sinh sống. Vì thế thỉnh thoảng chúng mới đảo về dò la. Không rõ bọn vượn đuôi dài đi do thám từ lúc nào, mà bọn khỉ khố đỏ vừa bỏ đi buổi sáng thì ngay chiều hôm ấy chúng đã có mặt. Vẫn như trước đây, chiều ấy bọn vượn mình đen đuôi dài đã nhảy nhót trên các tán cây, ngồi vắt vẻo trên các khém đá bình thản như chưa hề có chuyện đánh nhau giành giật, bảo vệ lãnh địa xảy ra. Bọn vượn mình đen đuôi dài mới trở về, mà cây sung cổ thụ quả sai trĩu cành đang mùa chín đã thu hút chúng. Ngay cuối chiều hôm ấy chúng đã kéo cả đàn ra ngọn cây sung. Khác với bọn khỉ cha quăng, bọn vượn đuôi dài không nhảy từ vách núi đá ra tới ngọn sung được. Chúng chuyền cành tới bờ trong của bãi đất, ngồi trên các cành cây rậm lá chờ dịp. Vượn đầu đàn ngồi trên cành cây gạo bên vách đá, đảo mắt quan sát xuôi ngược. Không có gì nguy hiểm hay khả nghi, vượn đầu đàn cất tiếng hú hụ báo cho đàn. Bấy giờ vượn đàn mới cong ngược đuôi lên như những chiếc cán cờ, nhảy những bước dài hết bãi quang, rồi leo lên ngọn sung. Bọn vượn mình đen đuôi dài đã quen phong thổ. Kiếm ăn trên cây sung cổ thụ ngọn cao và tán rộng, tên nỏ bắn không tới, săn đuổi không được, chúng rất yên chí. Ăn no nê, chi thỏa thích, chiều tà chúng lại được vượn đầu đàn canh chừng, từng con một tụt xuống đất, cong đuôi, lại nhảy phong phóc vào núi đá bình yên vô sự. Thấy đàn vượn lặp lại cách di chuyển của bọn khỉ cha quăng có con mọn, máu săn bắn trong chúng tôi lại trỗi dậy. Bọn vượn mình đen đuôi dài này nhiều gia đình nhỏ lại đã nhếch nhác bởi những cô cậu vượn con. Mỗi lần những vượn mẹ hay vượn bố cõng con đi về qua bãi trống, trông chừng vụng về, chậm chạp hơn khỉ khố đỏ. Chúng tôi lại bàn nhau phục kích lũ vượn. Chiều ấy vẫn thả trâu bò trên bãi đất, chúng tôi tụ tập dưới gốc sung. Trên ngọn sung bọn vượn mình đen đuôi dài đang hái quả sung chín nhấm nháp. Nhưng con đã ăn no nê thì đùa nghịch, nhảy nhót. Chúng tôi chia nhau: Một thằng ở lại, rút vào gần lũy tre đầu xóm để vừa cho đàn vượn khỏi nghi vừa trông đàn trâu bò. Còn mười thằng, trong đó có tôi, lặng lẽ bỏ đi như thể vào xóm. Rồi bí mật vòng lại, rải dọc ra chân Lèn Một, ngồi phục sẵn. Chúng tôi nóng lòng chờ cho mặt trời gác núi. Tôi hồi hộp từ trong chỗ nấp nhìn ra ngọn sung. Trên một cành to, một con vượn mẹ ẵm con, đang ngồi vắt vẻo. Vượn mẹ âu yếm con một lúc, rồi đặt xuống cành sung cho con tập bò, tập leo. Có lẽ con vượn mẹ này mới có con đầu lòng nên còn tính ham chơi và vụng nuôi con. Cô nàng để con chơi tha thẩn trên cành cây, rồi nhảy sang cành khác, leo tít ra ngoài chọn von hái lá, hái quả. Ăn nhấm nháp một lúc, rồi cô nàng cùng bọn bạn đánh đu, nhào lộn. Trong gốc cành sung, vượn con vụng về trèo leo. Bỗng nó kêu ré lên. Vượn con không may trượt chân, rơi tõm xuống vực. Quên cả chuyện mình đang bí mật phục kích, rất bản năng, như thể thấy trẻ con ngã xuống sông, tôi kêu toáng lên: - Chúng mày ơi! Vượn con rơi xuống vực! Bọn bạn tôi hết thảy ra khỏi chỗ nấp. Có đứa gắt tôi: - Con khỉ! Nó rơi xuống vực càng hay chứ răng mà kêu ầm lên? Rứa là công toi. Trên ngọn cây, bọn vượn náo động. Lũ vượn đàn ào ào tụt xuống đất, không cần hiệu lệnh của đầu đàn, xô nhau chạy vào núi đá trước những cặp mắt nhìn ngơ ngác, vì bất ngờ của chúng tôi. Chúng tôi lo lắng nhìn mặt vực nước đen ngòm thất vọng. Vì vượn con đã chìm nghỉm, mà đáy vực thì sâu... Chỉ nháy mắt lũ vượn gần như vào hết trong lèn. Trên ngọn sung chỉ còn hai con vượn đang đuổi đánh nhau. Đấy là con vượn bố đuổi đánh con vượn mẹ hậu đậu. Rồi như chợt tỉnh, vượn bố từ trên cao, nhào đầu xuống vực. Chẳng lẽ vượn bố thương con, giận vợ quá mà tự tử? Tôi thoáng nghĩ thế. Và kia, vượn mẹ cũng lao xuống vực nốt. Rồi cả hai mất tăm trong làn nước đen ngòm vì bóng cây sung và bóng lèn núi đã đã trùm lên mặt vực. Chúng tôi xếp hàng dọc gần sát mép nước, đứng hồi hộp, mong chờ và lo âu. Chẳng lẽ cả gia đình vượn mình đen đuôi dài ba sinh mạng kia đã chôn sâu dưới đáy vực? Nhưng kìa! Vượn bố đã ngoi lên, tay bế xác vượn con. Kia nữa, vượn mẹ cũng đã ngoi lên. Trông lên thấy mười đứa chúng tôi đang đứng chắn trên bờ, vượn bố và vượn mẹ dừng giữa vực giây lát. Rồi, vẻ quả quyết, vượn bố trao xác con cho vượn mẹ. Không, vượn con còn sống, nó cựa quậy và kêu oe lên hệt tiếng trẻ con. Thế mới biết không phải chỉ có khỉ, mà vượn nhịn thở cũng rất dài hơi. Như được cổ vũ, vượn bố bơi thẳng vào bờ, sau nó là vượn mẹ cõng con trên lưng. Còn cách bờ khoảng một bước chân dài, vượn bố hộc một tiếng, rồi nhảy thốc vào chỗ tôi và thằng Khôi. Bất giác, chúng tôi không ai bảo ai, tự động giãn ra, nhường lối cho ông bố quả cảm, giàu lòng hy sinh dẫn vợ con vào lèn...