− Xít... Xít... Cay ghê! − Cay! Vậy sao? Đang xít xoa vì cay, nghe giọng ồm ồm của anh Hai, Cát Tường nhìn lên, cô nhướng mắt: − Anh Hai tệ thật, chuyên rình em út. Bảo Trung nhếch môi: − Ai thèm rình nhỏ. Là mẹ nhờ, lên gọi giùm mẹ cục cưng. Dù nghe rõ anh Hai nói mẹ gọi, Cát Tường vẫn cong môi bắt bẻ: − Cho là lệnh mẹ, chí ít khi vào phòng anh phải gõ cửa chứ. Chả lẽ phép lịch sự tối thiểu anh cũng bắt đầu quên? Bảo Trung trợn mắt: − Ê! Đừng phát ngôn bừa bãi nha nhỏ. Chỉ 2 tháng nữa anh Hai đã tốt nghiệp đại học Luật. Sẽ là 1 luật sư thì làm sao anh Hai em không biết lễ nghĩa chứ. Thản nhiên cho thêm 1 sợ bánh tráng vô miệng, Cát Tường tưởng tượng: − Luật sư thì sao chứ. Bộ cứ là luật sư thì phải đĩnh đạc đàng hoàng cả à? Vậy chứ bạn anh, chị Oanh đấy, đàng hoàng không hả? − Hồng Oanh đã làm gì em? − Chẳng làm gì cả. Dù chảnh chẹ cỡ nào, chị ấy vẫn biết em là em gái của anh cơ mà. − Nhỏ này, ăn nói gì đâu. Nếu không có sao bỗng dưng em lại đem chị Oanh ra so sánh? Cát Tường chun mũi: − Cái gì cũng có nguyên nhân cả. Nói thiệt nha. Em đã cố hết sực, vẫn không thể hòa hợp được chị Oanh. − Hồng Oanh vẫn quý mến em kia mà. − Giả tạo thì đúng hơn. Nếu em không phải em gái anh, chắc em và chị ấy đã không thể nói chuyện. Cay như bánh tráng này, em còn cố nhai được, nhưng để chấp nhận chị ấy vào gia đình, em thấy vừa khó, vừa xa lạ. Bảo Trung nhăn nhó: − Bạn bè anh, ai cũng khen anh có đứa em gái dễ thương, vô tư. Bây giờ anh mới biết nhỏ chẳng dễ chịu chút nào, nhất là đem người yêu của anh ra so sánh ví von. Hồng Oanh là điểm hút của hàng trăm chàng trai, vậy mà em coi cô ấy không bằng sợi bánh tráng em cho vô miệng. Thật hết nói. Cát Tường tỉnh bơ: − Anh ăn thử không? 1 lần để sau nay biết lời em nói đúng sai? Vừa nói, cô vừa chìa bịch bánh còn duy nhất 1 sợi, với vô số xác hành phi vào tay anh trai. Bảo Trung cau có: − Anh Hai mà lại thèm ăn thứ này. Ghê đi! Vừa lúc Bảo Tuấn chạy vô: − Chị Ba! Mẹ gọi chị nãy giờ. Cho em ăn miếng đi. Bảo Trung nhăn mặt: − Trời đất! Cả em cũng ăn thứ quỷ này à? Bảo Tuấn nhe răng cười: − Anh Hai lạc hậu thí mồ. Món giẻ rách này, đang được tụi học sinh tôn sùng là món ăn tuyệt vời nhất của tuổi hồng. − Hả! Tên vừa gọi? − Giẻ rách! Gọi thế vì muốn ăn phải mất công xé sợi bánh, đổ bột nêm, satế vào bịch rồi vò kỹ, như kiểu giặt đồ ấy, nên tụi em gọi là "giẻ rách". Ngon lắm đấy. Bảo Trung lắc đầu: − Đúng là điên mới ăn thứ đó. Cát Tường kéo tay Bảo Tuấn: − Út đừng nói nữa, sẽ không thắng nổi anh Hai đâu. Thứ dân thường như chị em mình cãi sao nổi luật sư. Anh nói mình điên nên ăn, vậy chắc bà Oanh cũng mát. Dứt lời, bỏ mặc ông anh đứng chưng hửng vì câu nói nửa vời của mình, Cát Tường cười vang kéo tuốt Bảo Tuấn xuống nhà. Bà Bảo Lộc nghiêm khắc: − Gì mà ồn ào vậy Tường? Con gái lớn rồi phải ý tứ chứ. Cát Tường nhỏ nhẹ: − Thưa mẹ, chị em con chỉ đùa thôi. − Dù đùa, trong phòng riêng thì được. Đã xuống đây, còn chạy rầm rầm thì không được, con nhớ không? − Dạ. Con xin lỗi. Bà Bảo Lộc lại hừ nhẹ: − Mẹ gọi nãy giờ, sao tận bây giờ chứ mới xuống? Cát Tường cúi đầu: − Dạ, tại con đang làm dở bài tập. Bỏ đi, con sợ sẽ quên mất ạ. Cô nói dối trơn tru đến mức suýt nữa Bảo Tuấn đã cười phá lên, Bảo Trung vừa xuống đến cũng phải trợn mắt, lắc đầu. Tưởng cô gái nói thiệt, bà Bảo Lộc dịu giọng: − Con chuẩn bị phụ mẹ tiếp khách, nhớ ăn mặc cho dễ thương 1 chút. Cát Tường chưng hửng: − Tiếp khách ư? Là ai vậy mẹ? − 1 người bạn làm ăn của ba mẹ. − Bạn ba mẹ thường khi có dì út tiếp phụ, chứ con thì chịu thôi. Lóc chóc, loi choi như con tiếp người lớn, không khéo làm mất mặt ba mẹ. - Cát Tường chối phắt. − Mẹ để con lên kêu dì Cát Thủy. Bà Bảo Lộc gắt khẽ: − Dì Thủy đi ra ngoài rồi. Với nữa, bác Lâm Đại đến nhà ta không phải vì công việc, mà bác đến thăm gia đình ta và rất muốn gặp con. Con về phòng sửa soạn đi. Dứt lời, bà Bảo Lộc đứng lên, trở vào phòng riêng. Cát Tường giậm chân: − Mẹ đúng là độc đoán, hở chút là "lệnh". Lệnh gì còn được, đằng này, lại biểu tiếp ông bác Lâm Đại nào. Bạn của ba mẹ, giờ sai con nít tiếp là sao? Bực ghê! Bảo Trung khoái trá phán: − Đơn giản vì mẹ muốn chọn "rể" quý cho cục cưng của mẹ đấy thôi. Cát Tường trợn mắt hét: − Anh đúng là ác khẩu độc miệng, ác tâm nữa! Bạn của ba mẹ đáng tuổi cha chú em, anh dám nói bậy. − Thời buổi kinh tế thị trường, ai còn phân biệt tuổi tác chứ. Cát Tường sấn tới: − Ý anh là sao? Nói! Bảo Trung tỉnh bơ: − Vội gì, nhỏ đợi thêm ít phút nữa sẽ biết mục đích của mẫu hậu thôi. Anh né người, lao nhanh ra cửa. Cát Tường buông phịch người xuống nền nhà, ôm đầu rên rỉ: − Trời ạ! Là sao chứ? Thật ra mẹ muốn chị gặp ông bác già đó ư, Tuấn? Trong nhà, Bảo Tuấn quý chị Ba nhất, vì Cát Tường luôn tỏ ra chiều chuộng cậu. Đã thế, chị Ba còn hay bao che giùm Bảo Tuấn những khi cậu cúp cua đi hát karaoke. Nghe chị hỏi, Bảo Tuấn cũng không biết nói sao, vì chính cậu cũng đang bàng hoàng trước tin của mẹ vừa phán. Lẽ nào ba mẹ muốn "gả" chị Ba cho ông Lâm Đại? Không biết chị Ba đã biết mặt mũi ổng chưa, chứ cậu thì không lạ gì ông ấy nữa, vì cậu học chung lớp với Mẫn Khanh, con gái ông Đại. Mẫn Khanh mồ côi mẹ từ khi mới lên 3, tức là ông Đại đã ở vậy 15 năm. Chả lẽ bây giờ ổng muốn lấy vợ. Có muốn tìm mẹ kế cho Mẫn Khanh và anh Lâm Thành thì ít ra ông Đại cũng nên tìm người ngoài "băm", chứ sao lại muốn lấy con gái "tân"? Và ba mẹ nữa, chị Ba khác nào viên ngọc quý, sao bỗng dưng muốn chị ấy "quen" ông Đại chứ? Ba mẹ không thấy như thế là "mất mặt", là kỳ cục lắm hay sao? Thà là dì Thủy còn dễ chấp nhận. − Bảo Tuấn! Em không có ý kiến gì cho chị à? Vẫn ngồi bệt xuống dưới đất, Cát Tường ngước nhìn em trai bằng ánh mắt hoang mang. Bảo Tuấn trấn an chị: − Em nghĩ chuyện không đến nỗi tệ hại như lời anh Hai đâu. Bạn bè của ba mẹ đều là những người đàng hoàng. Cát Tường bặm môi: − Chị chỉ không biết phải thế nào nữa. Tại sao không để dì Thủy tiếp như thường khi. − Có thể mẹ muốn thử chị, xem cách giao tiếp của chị thế nào, vì chị học bên du lịch ngoại thương. Bà Bảo Lộc đi ra, trông bà thật sang trọng trong bộ đầm dài cho người lớn tuổi mặc ở nhà. Thấy Cát Tường còn ngồi dưới đất, bà nhăn mặt la nhỏ: − Trời đất! Nãy giờ còn chưa thay đồ sao Cát Tường? Khách sắp đến rồi đấy. Cát Tường vớt vát: − Mẹ! Con không tiếp phụ mẹ được kho6ng? Bài tập con còn nhiều. Bà Bảo Lộc lắc đầu: − Bài vở thì thiếu gì giờ để con học, khách ghé thăm gia đình chỉ 1 lần. Nhà có con gái, chả lẽ con cứ mặc cho mẹ tiếp khách như vậy thì còn ra gì nữa. Với lại, sau này con chỉ nên học 1 ngành được rồi, còn đeo nguyện vọng bác sĩ, mẹ ngĩh con không đủ sức học đâu. Thôi, đừng chàng ràng nữa, lên thay đồ đi, con gái. Cát Tường đành thở dài đánh sượt. Cúi đầu chậm chạp lê bước lên lầu, nét mặt cô buồn kinh khủng. o O o − Chị Ba! Mẹ biểu chị xuống dưới, khách đã đến. Bảo Tuấn thò đầu vô phòng Cát Tường, thông báo. Cát Tường thở dài ngán ngẩm: − Mẹ hôm nay làm sao ấy, tự nhiên bắt chị tiếp 1 ông bác. Ổng đi 1 mình hả? Bảo Tuấn cười nhẹ: − Chớ chị muốn ổng đi với ai nữa? Ổng góa vợ lâu rồi, chuyện này em nghi quá. Cát Tường trợn mắt: − Nghi cái gì? − Bây giờ không thể nói. Chị cứ nghe lời mẹ xuống tiếp khách, kẻo mẹ giận, mất công ly chén tơi bời. Cát Tường hậm hực: − Bây giờ cả em cũng về hùa với mẹ để đày ải chị nữa à? Bảo Tuấn xua tay: − Chị nói cái gì mà đày ải chị chứ? Chỉ đơn giản tiếp khách thôi, có phải gánh nặng nhọc gì đâu. Chị đừng nên nghĩ lẩn quẩn nữa. Lát rồi em kể chuyện ông Đại cho chị nghe. − Em biết ổng à? − Biết rất rõ chị ạ. Bởi vì em học chung với con gái ổng. Em nghĩ không thể có câu chuyện theo kiểu tưởng tượng của anh Hai nói đâu. Vì ông Đại là người đàng hoàng, mẫu mực và rất thương con. Cát Tường nhăn nhó: − Hóa ra, chỉ mình chị là không biết đến ông ấy. Thôi được, chị nghe lời nhóc 1 lần coi sao. Nhớ kể đó nha. Bà Bảo Lộc vẫy Cát Tường, khi cô ngập ngừng bước chân nơi bậc cuối cầu thang: − Lại đây con gái. Cát Tường mỉm cười với mẹ, nụ cười của cô thật tươi tắn. Khẽ gật đầu chào khách, bởi cô chưa được mẹ giới thiệu, nhưng cô đoán Lâm Đại chính là ông khách sang trọng này. Nếu vậy, ông ta thuộc dạng phong độ, đẹp trai, dù tuổi cũng đã trạc tuổi ba mẹ cô. Bà Bảo Lộc tươi cười: − Con gái tôi đấy. Cháu đang học năm thứ 2 trường Du lịch Ngoại thương. Cát Tường à! Còn bác đây tên Lâm Đại, mẹ đã nói con biết rồi. Chào bác làm quen đi con. Cát Tường cúi đầu, nói nhỏ nhẹ: − Cháu chào bác. Ông Lâm Đại cười xòa: − Cát Tường à! Bác nghe ba mẹ cháu kể về cháu, nhưng không nghĩ cháu xinh xắn và dễ thương hơn cả lời bình luận của mọi người. Bác rất vui khi được làm quen với cháu. Cát Tường chỉ cười nhẹ. Cô nghĩ mình nên im lặng là hơn. Bà Bảo Lộc dùng chân chà nhẹ lên chân Cát Tường. Suýt chút nữa Cát Tường đã hét toáng lên như mọi lần cô vẫn bị Bảo Tuấn chọc ghẹo. Cô liếc nhanh mẹ, bà Bảo Lộc ra dấu. Cát Tường hiểu mẹ cô đang muốn cô rót nước mời khách. Chuyện nhỏ xíu này không có gì ghê gớm cả, cô làm dư sức. Nghĩ vậy, Cát Tường đứng lên rót nước vào tách nhỏ, mùi trà thơm bốc lên thơm ngát. Cô hơi cười, để lộ chiếc răng khểnh thật duyên. − Cháu mời bác uống nước. Bà Bảo Lộc hắng giọng: − Sao con không làm nước trái cây mời bác. Trời đang nóng thế này... Cát Tường nghe mẹ nhắc, định rời chỗ ngồi. Ông Lâm Đại ôn tồn: − Cháu đừng bận tâm về chuyện nước nôi. Bác thích dùng nước trà nóng hơn, nhất là loại trà Bắc ướp hoa nhà này. Bà Bảo Lộc vui vẻ: − Bác nói vậy, con ngồi xuống đi. Chốc nữa, nhớ gói biếu bác vài ấm trà nha con gái. Ông Lâm Đại xua tay: − Chị lại khách sáo hơn tôi nữa. Nhà trồng được đâu mà biết xén. − Không giấu gì anh, bữa trước có người bạn từ Bắc vô ghé thăm, biếu ba Cát Tường đến vài ký. Nghe nói họ ở chính nơi trồng chè và chế biến, nên mới có loại trà ngon như thế, hợp gu mấy người như anh và ba Cát Tường. Anh đừng từ chối. Ông Lâm Đại đành cười trừ. Uống thêm ngụm trà, ông hắng giọng: − Cát Tường! Cháu đang nghỉ hè phải không? Hơi ngạc nhiên, Cát Tường vẫn nhã nhặn: − Dạ phải. Nhưng cháu còn theo học đại học Y tại chức, nên cháu vẫn đi học trong hè, bác ạ. − Bác có nghe ba mẹ cháu nói. Bà Bảo Lộc xen vô: − Tường à! Chẳng là bác Đại muốn nhờ con chăm sóc thuốc men cho con trai bác ấy. Cát Tường kinh ngạc: − Nhờ con ư? Con đâu rành chuyện này. Mẹ cũng biết con mới theo học Y khoa, đã biết gì đâu mẹ. Ông Lâm Đại từ tốn: − Thế này cháu gái, bác có người con trai lớn bị té xe, may mắn chân tay nó không hề bị thương. Chẳng rõ va chạm thế nào, mắt nó bỗng không nhìn thấy nữa. Đã 4 tháng nay, nó tự giam mình trong phòng, suốt ngày hằn học với tất cả mọi đồ vật nó quơ được nơi tầm tay. Bác sĩ nói nếu được chạy chữa đúng thuốc đúng nơi, khả năn hồi phục lại mắt của nó rất khả quan. Cát Tường bộp chộp: − Nếu thế, sao bác không đưa ảnh chữa trị? Con người cần nhất là đôi mắt, không được nhìn thấy những gì thân thương của cuộc sống thà chết còn sướng hơn. Cháu nghĩ bác thừa khả năng chạy chữa cho ảnh. Ông Lâm Đại trầm giọng: − Cháu nói không sai. Bác muốn đưa Lâm Thành ra nước ngoài chữa, đã liên hệ được nơi cần đến thì Lâm Thành lại cương quyết không chịu đi. Cát Tường ngơ ngác: − Ảnh có bị sao không? Chả lẽ anh ấy muốn suốt đời sống trong bóng tối, suốt đời chịu sự giúp đỡ của người thân. Sống kiểu tầm gửi ấy, sướng cỡ nào cũng khổ lắm. − Thần kinh Lâm Thành rất sáng suốt. Bằng chứng là ngồi 1 chỗ, nó vẫn giúp bác giải quyết những gút mắt công việc ở công ty. − Vẫn muốn làm việc, có tiền để chữa bệnh, vậy tại sao ảnh lại không muốn nhìn thấy ánh sáng chứ? Chả lẽ ảnh còn mối hận nào đó với người đời, mà nhân lúc bệnh tật này ảnh muốn quên đi, đừng nhìn thấy những chướng tai gai mắt ở đời. - Cát Tường phán đoán. Bà Bảo Lộc sợ câu nói của con gái khiến ông Đại phật ý, bà vội la nhỏ: − Cát Tường! Con không nên nói như thế. Ông Lâm Đại bình thản: − Chị đừng rầy cháu. Những lời Cát Tường vừa nói, thật ra đúng với tâm trạng của con trai tôi. Cát Tường vô tư: − Nghĩa là ảnh còn mắc cả tâm bệnh? Ông Đại trầm giọng: − Chuyện là thế này, trước khi con trai bác bị tai nạn, nó đã có người yêu. 2 đứa đều được gia đình chấp thuận, cũng định mùa thu này làm đám cưới. Không ngờ tai nạn xảy ra, Lâm Thành bị mù lòa, Thùy Liên mới đầu còn lui tới thăm hỏi. Nhưng chỉ 10 ngày sau đó, con bé không đến nữa. − Chị ấy sợ phải lấy chồng mù ư? − Cũng không thể trách Thùy Liên, cháu ạ. Gia đình con bé ấy giàu có không thua nhà bác, nó lại rất xinh đẹp, giỏi công việc, nó đâu thể vì tình yêu mà suốt đời cột chặt với 1 kẻ tật nguyền. − Bác đã nói khả năng của anh Thành chữa được kia mà. − Cũng mới nghe bác sĩ nói khoảng hơn 1 tháng nay. Chứ trước đó... Ông Lâm Đại rầu rầu. Cát Tường nhăn nhó: − Chỉ mới 4 tháng đã bỏ anh ấy, như thế chị kia đâu yêu ảnh thật sự. Cháu nghĩ, anh Thành và cả bác đều ngộ nhận. Bà Bảo Lộc nhắc chừng: − Cát Tường! Con lại suy diễn lung tung nữa rồi. Con gái phải biết nói ít nghe nhiều. Con đã biết Thùy Liên thế nào mà dám phê phán cổ. Nhà người ta danh giá lắm đó con. Cát Tường dài giọng: − Con chỉ nói theo sự việc hiện tại. Nếu chị ấy thật lòng yêu anh Thành thì đâu dễ dầu gì quên anh ấy. Chưa chừng chị ta yêu gia tài của bác Đại thì có. − Con nói bậy nữa. Nếu vì gia tài thì với 1 ông chồng tật nguyền càng dễ độc quyền, chứ sao lại bỏ. Cát Tường cắn môi. Hình như lời mẹ cô lý giải cũng đúng. Ông Lâm Đại thở dài: − Đừng nhắc đến Thùy Liên nữa, cô ấy đã làm đám hỏi với 1 Việt kiều. Bác muốn nhờ cháu giúp bác khuyên nhủ Lâm Thành. Chỉ tay vào ngực mình, Cát Tường thuỗn mặt: − Cháu ư? 1 kẻ hoàn toàn xa lạ với con trai bác? − Nhưng cháu có giọng nói thật dịu dàng. Lâm Thành hận đời, hận Thùy Liên. Nó dang là chàng trai tuyệt vời nhất, trên hết mọi chàng trai mà các cô gái trạc tuổi cháu ngưỡng mộ, khát khao. Các cô gái đẹp luôn thích trò chuyện với nó. Bỗng chốc nó bị mất tất cả. Phụ nữ muôn đời cũng là phụ nữ, cháu ạ. Nếu lời bác nói có gì không vừa ý cháu, cháu cho bác xin lỗi trước. Phụ nữ đẹp thích đi chung với đàn ông hào hoa phong độ, không cần biết đến kinh tế nhiều. Con trai bác thường kiêu hãnh về chính bản thân nó, nhưng bây giờ nó không thiết gì nữa, cháu ạ. Cát Tường cắn môi suy nghĩ: − Cháu rất muốn giúp bác, chỉ e tính cháu cũng ngang bướng lắm, khi anh Thành giận cháu không kiềm chế được, vậy là xô xát. Mà người bệnh, lúc bị chửi mắng, họ càng căm đời, hận tình hơn. − Đừng đem triết lý đó để từ chối lời yêu cầu tha thiết của bác. Bác rất muốn cháu đến nhà bác 1 lần đó, Cát Tường. Bà Bảo Lộc cũng cười cười: − Bác Đại đã có thành ý mời, mẹ nghĩ con nên đến thăm cậu Thành xem sao, con ạ. Cát Tường gật đầu: − Cháu sẽ đi với bác. Trước khi đóng cửa xe, Cát Tường còn nhận được cái gật đầu khích lệ của Bảo Tuấn. Bây giờ, Cát Tường không còn lạ nữa trước thái độ vun vào rất nhiệt tình của cậu nhóc. Mà nhóc gì nữa, cu cậu không phải đã phải lòng em gái Lâm Thành đó sao? Muốn lấy lòng cha vợ tương lai, nên cu cậu phải hạ mình với chị Ba của nó. Đúng là đáng ghét thật! o O o Ngôi nhà của ông Lâm Đại tọa lạc trên 1 khuôn viên lớn khá rộng, có đủ cây trái và 1 vườn cây kiểng. Dù nhà nằm ở mặt tiền của con đường chính ngay quận 5. Cát Tường theo chân ông Lâm Đại vào phòng khách, trước ánh mắt ngạc nhiên của bà bếp già. Ông Lâm Đại bấm chuông, bà bếp từ dưới đi lên: − Thưa, ông chủ cần gì ạ? − Chị biểu cô Hoa làm giúp tôi ly nước mát. − Dạ. Bà bếp lui ra. Cát Tường mới buông lời, sau khi đã ngắm no mắt, căn phòng khách của ông Đại: − Phòng khách của bác đẹp thật. Bác tự trang trí hay nhờ thợ ạ? Mắt ông Đại lấp lánh: − Bác suốt ngày bù đầu với kinh doanh, có rảnh đâu mà ngó ngàng tới cuộc sống xung quanh nhiều. Bác thú thật nhé, bác chỉ có công bỏ tiền mua đồ, mua toàn đồ đẹp và quý như cháu thấy đó, đem về tưởng xếp tất tật vào phòng là bác đã hơn mọi người. Cát Tường hớt ngang: − Ý bác muốn nói, bác chỉ mua về thật nhiều đồ, nhưng không hề nghĩ phải sắp đặt ra sao cho thẩm mỹ? − Đúng thế. Ngay cả Mẫn Khanh còn phải phán: "Là 1 phòng khách chứ đâu phải cửa hàng, để ba thích gì mua đó về cho đầy nhà. Con thấy nó thật chẳng ra sao". May thay, Lâm Thành đã giúp bác trang trí lại. Quả là tuyệt phải không cháu? Cát Tường gật đầu: − Nói vậy, anh Thành hẳn giỏi về hội họa nữa hả bác? Ông Lâm Đại kinh ngạc: − Sao cháu biết? − Cháu đoán từ lời kể của bác, cộng với sự quan sát nội thất căn phòng. Cháu nghĩ anh Thành phải là người có tâm hồn nghệ thuật. − Cháu đoán đúng rồi. Hồi còn học trung học, Thành của bác chỉ ham vẽ. Nó vẽ tất cả những gì nó gặp trong tầm mắt, vẽ đến quên ăn quên ngủ. Có lần nó đi Đà Lạt với bác, vô tình đi dạo qua 1 vườn hoa, bắt gặp 1 cô gái đang ngồi tựa cằm lên 1 khóm hồng. Vậy là nó cuống lên vội ngồi bệt xuống đất, lấy giấy và viết ra vẽ. Nó vẽ thật nhanh, chỉ sợ cô gái ấy biến mất. Cát Tường thích thú: − Nghe bác kể, cháu nghĩ cô gái nào đó chắc phải đẹp lắm. Người và hoa vào tranh chắc hẳn trở thành 1 kiệt tác. Sau đó, cô gái ấy có biết mình "bị làm người mẫu" không bác? Ông Lâm Đại thở dài: − Như là định mệnh thì đúng hơn, cháu ạ. Sau này, Vân Nhu trở thành cô bạn gái rất thân của Lâm Thành. Giá thằng Thành nó yêu Vân Nhu, chắc nó không bị cú sốc đến chán ghét đời như bây giờ. Vân Nhu là cô gái tốt, sống rất mực tình cảm và thương người. Tiếc thay, đời đã cho con trai bác gặp Vân Nhu, còn cho Vân Nhu có thêm 1 người chị gái. Thùy Liên chính là chị của Vân Nhu, cô ấy đẹp và sắc sảo hơn cô em. Chính Thùy Liên đã không muốn Thành đi sâu vào hội họa. Vì yêu say đắm, con trai bác đã dẹp bỏ ước mơ của nó và quyết tâm đi vào kinh doanh, dù trước đó Thành không mấy thích. Bà giúp việc bưng khay nước lên, đặt xuống bàn thật nhẹ. Ông Lâm Đại trầm giọng: − Từ sáng đến giờ, Thành có xuống vườn không chị Tư? Bà bếp lắc đầu: − Thưa không. Hôm nay hình như cậu chủ không được khỏe. Ông Lâm Đại vẻ lo lắng: − Không khỏe ư? Thế chị đã lên thăm chừng nó chưa? − Cậu chủ không mở cửa, dù tôi đã cố gắng năn nỉ. Nghe bà bếp nói, ông Đại vội đứng lên: − Cháu ngồi đây uống nước, chờ bác chút. Bác phải lên trên xem Thành bệnh ra sao? Cát Tường nhã nhặn: − Hay bác cho cháu đi cùng, lỡ anh ấy bệnh thật, cháu nghĩ sẽ giúp được bác. Ông Đại hơi lưỡng lự: − Bác chỉ e làm cháu buồn lòng. Thường những lúc thế này, nó hay cộc tính. − Không sao đâu bác. Có tiếp xúc với ảnh trong tâm trạng buồn, cơ may cháu mới tìm ra cách chữa bệnh. Chúng ta cùng lên đi bác. Ông Đại dù rất e ngại, vẫn phải gật đầu. Dẫu sao thì Cát Tường cũng nói đúng. − Thành à! Mở cửa cho ba. Ông Đại lên tiếng, 1 lúc thật lâu mới nghe tiếng trả lời. − Con rất mệt, không muốn gặp ai. − Cả ba hay sao? − Con... − Đừng tự giam mình trong chiếc hộ kín bưng này mãi, ba rất sốt ruột, và sẽ đứng ngoài cửa chờ đến khi nào con chịu mở cửa mới thôi. Ba muốn biết con thế nào. Cát Tường thầm công nhận Lâm Thành có giọng nói thật ấm. Hình như cô đã từng nghe giọng nói này thì phải? Cuối cùng cánh cửa cũng được mở ra, kèm theo câu nói đầy sắc buồn: − Ba vào đi. Ông Lâm Đại bước vào trước, ngoắc Cát Tường theo sau. Cô mới đi được vài bước thì nghe thấy tiếng Lâm Thành chát chúa: − Ba! Ai đi cùng ba thế? Phải ba lại mướn người chăm sóc con không? Hãy nói cô ta ra ngoài đi ba. Không ngờ bị mù mà Thành vẫn nhận biết được, còn phân biệt rõ ràng người đi chung với ông Đại là con gái. Liếc Cát Tường, ra ý xin lỗi, ông Đại ôn tồn: − Lâm Thành! Ba có nói mướn người chăm sóc con đâu. Đây là Cát Tường, con gái bác Bảo Lộc. Cô ấy sẽ làm trợ lý cho ba, nên hôm nay cổ đến nhà chúng ta để làm quen thôi mà. Lâm Thành xoay hẳn người lại, nét mặt anh hiện lên vẻ ưu tư, ngỡ ngàng: − Cát Tường! Hình như con đã nghe tên này ở đâu rồi? Cát Tường đứng sững. Cô bàng hoàng khi nhận ra Lâm Thành trước mặt mình chính là gã đàn ông đã từng 1 lần xô cô té trên sân trượt patin hồi tết năm ngoái. Chẳng bao giờ cô quên được cuộc đụng độ tóe lửa ấy. Vừa đau, vừa tức, cô đã không ngần ngại chửi rủa Lâm Thành. Và anh ta, thay vì phải nhận lỗi để lo cho vết thương của cô, thì anh ta đã khinh khỉnh chìa 1 tờ đôla xanh loại 50 vào mặt cô: − Nè! Bấy nhiêu dư sức đủ lo vết trầy nơi cổ chân rồi đó, cô nhóc. Dứt câu, Lâm Thành thản nhiên quay đi cùng 1 cô gái đẹp mê hồn. Cát Tường tức điên. Cô hét to, vừa hét, vừa tuột chiếc giày trượt, ném vào theo Lâm Thành: − Đứng lại! Đồ khốn kiếp. Bị chiếc giày chọi trúng lưng, Lâm Thành gầm gừ: − Nhóc con vừa gọi ai là khốn kiếp? Cát Tường hất mặt: − Còn ai ngoài bản mặt ông. − Cô dám lập lại không? − Sao không. Chỉ hạng người vô học, khốn kiếp mới có hành động như vậy. Đã gây lên tai nạn cho người khác còn ngang ngược bỏ đi, không phải vừa tồi, vừa bất nhân hay sao? Lâm Thành giơ tay định tát cô, thì bị cô gái đi chung giữ lại: − Anh! Đừng nóng như thế, chuyện đáng gì đâu. Quay sang Cát Tường vẫn đang ngồi bệt dưới đất, 2 tay ôm chân, cô gái đẹp khẽ nói: − Cô bé! Vì công việc đột xuất phải về gấp, chúng tôi không thể lo cho em được. Em hãy cầm tiền đến bác sĩ khám coi sao nha. Cát Tường dài giọng: − Nói như mấy người, hễ gây ra tai nạn cho người khác rồi quăng tiền bỏ đi là lương tâm khỏi cắn rứt à. Tiền của mấy người đó, cầm đi. Vung tay, Cát Tường ném trả tờ giấy bạc về phía gã đàn ông. Trán hắn thoáng cau lại rồi đưa chân hất tờ bạc, hắn nhếch môi: − Chê ít à? Chỉ là chút va quẹt nhỏ xíu, được nửa triệu bạc còn chê, cô bé nhìn hiền mà ma mãnh đấy. Coi như anh có lỗi đi há, cho bé thêm tờ nữa nè. Môi Cát Tường run lên bần bật. Cố gắng ngồi dậy, nhưng khổ nỗi sân patin thì trơn, cô lại vừa té, nên đành mím môi hậm hực: − Đồ... thứ nhà giàu hơm của. Nhất định ông trời sẽ trừng phạt cái thứ khinh rẻ mang người của tụi bay. Ta cầu cho các người ra đường xe đụng, để biết thế nào là cái đau đớn của xác thịt. Cát Tường rủa độc, đến mức Vân Nhi phải kêu lên: − Cát Tường! Con gái đừng nói ác thế, tội lắm. Sau buổi ấy, Cát Tường bị trặc gân chân, còn lại thêm đế giày chà lên làm xước da nên mất cả tuần cô mới đi lại được. Cô vẫn thầm mong, 1 lúc nào đó ông trời cho cô gặp lại gã đàn ông khinh người hơn cỏ rác ấy, nhất định cô sẽ không tha thứ cho hắn, tội hắn đã gây cho cô. Vậy mà trớ trêu thay, không ngờ người bệnh mà cô bắt đầu muốn chăm sóc, vì cô thật sự thông cảm nỗi đau của người cha già lại là kẻ thù số 1 duy nhất, từ khi cô hiểu rõ chân giá trị con người. Gặp Lâm Thành trong căn bệnh mù lòa, cô nghe lòng bất nhẫn thật nhiều. Rõ là trời cao có mắt. Lúc còn sáng mắt lanh tay, anh ta sẵn sàng chà đẹp, rẽ rúng tất cả những gì anh ta gặp. Kể cả tai họa gây ra cho người khác, anh ta cũng không muốn nhìn. Nên ông trời hành tội anh ta đấy. Ông Lâm Đại nhíu mày khi nghe con trai nói câu trên, rồi nhìn qua Cát Tường. Ông hoang mang, khi thấy cô bé như đang chìm trong nỗi giận xót xa tự bao giờ. − Cát Tường! Cháu đang nghĩ gì thế? Hay cháu đã gặp con trai bác? Cát Tường cố gắng bình thản: − Dạ, cháu chưa hề gặp anh Thành, bác ạ. Rồi cô bước đến trước mặt Lâm Thành, chủ động đưa tay bắt lấy tay anh. Cử chỉ thật chân tình, nhưng nếu tinh ý người ta dễ dàng nhận thấy Lâm Thành nhăn mặt, khi những ngón tay rất mực thon nhỏ của Cát Tường siết chặt: − Tôi là Cát Tường, rất vui được quen anh, và hy vọng chúng ta sẽ là bạn tốt của nhau. Dù không nhìn thấy, Lâm Thành vẫn mang cảm giác mình đã gặp "đối thủ". Và cô gái này nhất định anh đã gặp đâu rồi. Mấy năm qua, biết bao cô gái đẹp đã sống với cho anh, không tiếc nuối, không đòi hỏi, vô tình biến anh thành kẻ bất nhân nhất. Trời hỡi! Liệu cô gái này đã lần nào đi qua đời của anh chưa? Cái siết tay như 1 lời cảnh báo, không hứa trước điều tốt đẹp như Cát Tường vừa nói. Lâm Thành giật tay ra: − Cám ơn. Tôi không muốn nghe bất cứ giọng nói đàn bà nào. Nếu còn chút tự trong, mời cô ra khỏi phòng tôi ngay. Cát Tường tái mặt. Cô định "kê" cho Lâm Thành 1 câu rõ đau, nhưng bắt gặp nét buồn bã trên gương mặt cương trực của ông Lâm Đại, cô lại ráng nén. Ông Đại ôn tồn: − Kìa Thành! Cát Tường đến đây là do nhã ý của ba. Đâu phải khi ta đã chăm ghét 1 ai đó, thì tất cả mọi người cũng phải đều chịu sự căm hận ấy hả con. − Ba đừng nói nữa. Và từ nay, xin ba đừng để bất cứ cô gái nào đến nơi này. Cát Tường khịt mũi: − Chỉ những kẻ điên mới có lối yêu ghét như anh. − Cô dám nói tôi điên? Nét mặt Thành sầm lại, trán anh hằn những nếp nhăn. Ông Lâm Đại cũng ngỡ ngàng nhìn Cát Tường. Cát Tường khoát tay, ra hiệu cho ông Đại đừng hỏi. Cô cong môi: − Tôi dám nói tất cả sự thật. Anh chẳng là gì của tôi, để tôi phải kiêng nể cả. Điên như anh chỉ làm khổ người thân của mình thôi. Lâm Thành vung tay: − Cút! Cô xéo ngay đi. − Hứ! Làm như căn phòng của anh có vàng ngọc trân châu vậy. Xin lỗi nha, tôi không đi, anh làm gì tôi chứ. Lâm Thành tức giận: − Ba! Tại sao ba lại dẫn một kẻ xấc xược vô học về nhà. Ba không muốn giấy tờ sổ sách của ba thành giấy lộn thì hãy tống cổ cô ta đi.