Phần 1
(Phê bình và định giá một thi sĩ đại biểu cuối cùng của thơ cũ Việt Nam)

Lời dẫn của người sưu tầm:
Uống rượu với Tản Ðà có lẽ là cuốn sách về Tản Ðà ra mắt sớm nhất, ngay khi nhà thơ Nguyễn Khắc Hiếu còn tại thế. Không ít cuốn sách và bài viết ngay sau đó có nhắc đến cuốn sách này của Trương Tửu, nhưng trong khoảng năm chục năm trở lại đây, hầu như không thấy ai còn nhắc tới hoặc trích dẫn cuốn này (ví dụ lần in gần đây cuốn sách của Văn Tâm: Tản Ðà khối mâu thuẫn lớn, Nxb. Văn nghệ TP.HCM, 2003). Có thể xem cuốn này của Trương Tửu cũng như cuốn Thi sĩ Tản Ðà (1939) của Lê Thanh như những tài liệu đã bị mất.
Rất mừng là trong số những tư liệu mà Thư viện quốc gia Pháp tặng bản chụp (microfilm) cho thư viện quốc gia Việt Nam gần đây có cuốn sách mỏng này của Trương Tửu.
Cuốn sách ra đời ngay hồi đầu năm 1939; đây là loại sách mỏng, nằm trong một tủ sách xuất bản 12 cuốn/năm của Ðại Ðồng thư xã, - cơ quan mà tác giả chính của các ấn phẩm đồng thời là giám đốc: Trương Tửu. Trên bìa cuốn này, có thể đọc thấy những quảng cáo cho các cuốn sách mỏng khác của ông: Vấn đề thơ mới, Những thí nghiệm của ngòi bút tôi, v.v.
Sự đánh giá và lý giải về tác gia Tản Ðà trong cuốn sách mỏng này của Trương Tửu cố nhiên vị tất đã nên xem là thoả đáng. Ðiều tôi, người sưu tầm, muốn đưa lại cho bạn đọc và giới nghiên cứu không phải là một cách nhìn “chuẩn mực” hay “mẫu mực” nào mà chỉ là văn bản một công trình phê bình tác gia Tản Ðà của Trương Tửu, một văn bản đã bị mất lâu nay và chỉ vừa mới tìm lại được. Ít nhất, bạn có thể đồng ý với tôi: đây là một văn bản hiếm và quý.
Lại Nguyên Ân
Tặng cô hàng tạp hoá vô danh ở phố Hàng Bồ, Hà Nội
I. Bữa rượu tam đỉnh
Thi sĩ rót rượu mời chúng tôi:
“Thứ rượu này có ngâm đan sâm và đương quy, uống đậm giọng mà lại không hại sức khoẻ. Hai ông cứ uống thật say, không rức đầu chóng mặt gì đâu mà ngại.”
Chúng tôi chưa kịp đáp lời, cụ đã lại nói tiếp:
“Ðể hôm nay, tôi sào nấu lấy các thức ăn, hai ông xem. Tôi làm bếp có phần lại giỏi hơn làm văn… (cười và quay lại gọi gia nhân) Này, anh nhỏ! Anh đặt cái hoả lò nhỏ lên bàn này tôi… Ðược rồi! Anh đặt luôn cái soong chả dê này lên trên cái hoả lò nhỡ kia, cho thêm tí mỡ vào… Ðược rồi! Bây giờ anh nhóm lửa cái hoả lò to kia lên để nấu canh, húp cho rã rượu… (cười và quay về chúng tôi ) Kìa! Hai ông sơi rượu tự nhiên đi… Ðấy, ăn trên lửa có phải ngon không? (cười to) Một bữa rượu, ba cái hoả lò! Sang thật! Ngày xưa vua chúa dùng ngũ đỉnh, hôm nay ta dùng tam đỉnh, chứ thua gì!
Thi sĩ chấm hết câu pha trò ngông ấy bằng một chuỗi cười lớn, nở nang, ròn tan. Tiếng cười đủ tố giác một tâm hồn cao quý, thẳng thắn và chân thành. Bao nhiêu tình yêu đời tha thiết, cụ đem phổ hoang phí cả vào tiếng cười ấm áp…
Ðáp lại thịnh tình của chủ nhân, bạn tôi, ông Nguyễn Ðình Lạp, nghiêng mình thưa:
“Chúng tôi được hầu rượu cụ hôm nay thật lấy làm hân hạnh và vui vẻ lắm.”
Tôi tiếp lời bạn, thân mật hơn:
“Chúng tôi không ngờ rằng nhà thơ tài hoa của núi Tản sông Ðà lại nấu nướng thức ăn có nghệ thuật đến thế.”
Một nụ cười đắc ý nở kín đáo trên môi thi sĩ:
“Ấy tôi cũng đang tính cho xuất bản một quyển sách dạy nấu ăn lấy tên là Tản Ðà thực phẩm. Trong sách dạy cách chế biến các món ăn thế nào cho người rất ít tiền cũng có thể ăn ngon được. Còn những người giàu sang thì mặc họ! Mình cần chú trọng vào người nghèo hơn…”
Tôi tán thành:
“Vâng, cụ nghĩ thế rất phải. Cụ nên cho xuất bản sách ấy chóng ngày nào hay ngày ấy. Chính chúng tôi đây cũng chờ quyển sách đó để nhờ nó mà có thể sành thêm một chút trong sự nếm. Và không khéo chúng tôi sẽ thành những tay đầu bếp giỏi cả cũng nên.”
Cụ cười vang. Chúng tôi cũng cười. Tiếng cười làm nóng cả không khí ảm đạm của gian nhà vắng vẻ. [1] Cụ lại rót một tuần rượu nữa mời chúng tôi. Chén tạc chén thù, cụ thuật cho chúng tôi nghe những quãng đời phong trần đã nếm trải. Giọng nói của thi sĩ khi trầm hùng, khi lâm ly làm sống hẳn lại cả một thời dĩ vãng. Nhờ những câu chuyện tâm sự ấy, chúng tôi hiểu thêm thi sĩ và cũng yêu thêm một người có công lớn với văn chương Việt Nam hiện tại.
Câu chuyện tâm tình, dần dần chuyển sang địa hạt triết lý. Sau khi thuật lại một vài mẩu đời luân lạc, thi sĩ nói như để kết luận:
“Ở đời, tôi tưởng nên biết thưởng thức mỗi thứ một chút và cốt nhất là phải thưởng thức cho sành, nhất là cái ăn cái uống. Hai ông tính, người ta sống được bao năm? Chẳng tiêu pha cuộc đời cho mãn ý, lúc chết hai tay buông xuôi, hối tiếc cũng bằng thừa. Tuổi xuân của con người mấy lúc mà tàn? Tôi cứ xem như tôi đây vừa dạo nào còn là một thư sinh mà bây giờ đầu đã bạc cả rồi!”
Lời nói chứa đầy một tiếc nhớ mênh mang. Trong cặp mắt mơ mộng của thi sĩ lởn vởn hình bóng xa mù của những năm tháng không bao giờ trở lại nữa… Tự nhiên, tôi thấy bị xâm chiếm bởi những viễn ảnh buồn tênh của tiêu vong. Tiệc rượu lạnh hẳn đi!
Bỗng từ dưới đường cái vẳng lên một âm nhạc vô cùng ai oán. Chúng tôi giật mình, mở cửa kính, nghé mình nom xuống.
Một đám ma!
Tiếng kèn trống, tiếng hồ, nhị, tiếng khóc than làm náo động cả hai bên phố xá. Tiết trời cuối đông cũng hình như ngậm một sầu hoài tang tóc…
Ðám ma đi khỏi, ba chúng tôi lại quay vào bàn rượu, mỗi người băn khoăn theo một xúc cảm riêng.
Thi sĩ thở dài nhẹ nhàng:
“Chết thế là hết! Chúng mình rồi cũng chỉ đến thế thôi! »
Rồi cụ vội hâm nóng gian phòng bằng tiếng cười thân thiết:
«Sống ngày nào, ta hẵng nếm hương vị của đời ngày ấy đã. Chăng ăn chẳng uống, lúc chết như người xấu số kia có đem theo được gì đâu? Kìa, mời hai ông sơi rượu đi! Giá ta được một tảng thịt lợn quay vừa mới khiêng qua mà đánh chén thì thú nhỉ! Hai ông! Ta cạn chén!»
Trong câu bông lơn vô tình, thi sĩ để lộ một bản tính ưa hỷ lạc đến cực điểm. Tôi tưởng thi sĩ sắp hô lớn như anh chàng Pantagruel của Rabelais: “Hỷ lạc muôn năm! Rượu muôn năm!”
Nhưng không.
Thi sĩ là người của phương Ðông trầm nghị.
Cụ yêu hỷ lạc, yêu sống, yêu rượu có lẽ tha thiết hơn anh chàng Pantagruel. Nhưng cụ yêu có nghệ thuật. Yêu đằm thắm mà không rầm rĩ, nồng nàn mà không thô kệch. Yêu với tất cả khiếu kiểm soát minh mẫn của thiên lương.
Thi sĩ Tản Ðà yêu đời, yêu hỷ lạc, yêu rượu theo kiểu một tín đồ sáng suốt của Epicure. Cụ là người bằng giác quan nhưng cũng là người bằng khối óc. Hai cái đó bổ túc nhau, sát hạch nhau, điều khiển nhau, gây thành một thăng bằng về sinh lực, riêng biệt của người épicurien. Các bạn đọc sẽ thấy, ở những trang tiếp theo đây, thơ Tản Ðà chỉ là tiếng nói thông thái và trác luyện của con người épicurien ấy.
°
Thi sĩ Tản Ðà sinh tại Nam Ðịnh, phố Hàng Thao, ngày hai mươi bảy tháng Tư năm Thành Thái nguyên niên (1889), tính đến nay cụ vừa chẵn 50 tuổi. Người cụ đã yếu, đầu đã bạc và hói.
Cụ vốn dòng dõi quyền quý, hấp thụ nền Nho giáo từ bé. Như lời cụ thuật lại, tổ tiên xưa kia vẫn làm quan dưới triều Lê. Cập đến lúc nhà Nguyễn thế chân triều Lê, các ngài thề với nhau quyết không bao giờ chịu ra làm quan nữa. Ðến đời thân sinh của thi sĩ, lời thề ấy bị phụ. Vì gia đình bần bách, thân sinh cụ, - Nguyễn Danh Kế tiên sinh, - phải đi đánh quay đất để nuôi mẹ già. Nghĩ khổ cực quá, tiên sinh đành lỗi ước với tổ tiên, ra thi và chịu ấn phong của Nguyễn triều. Tiên sinh làm đến chức Ngự sử trong Kinh, giữ việc án lý. Tục truyền văn án tiên sinh hay lắm. Những lý lẽ tiên sinh dùng để gỡ tội cho bị cáo nhân bao giờ cũng đanh thép, nhiều lần vua Tự Ðức đã phải khen. Muốn chứng thực tài văn án của tiên sinh, tôi tưởng không gì bằng thuật lại ở đây một vụ truy tố ly kỳ xảy ra dưới triều Tự Ðức, mà trong đó tiên sinh đóng vai Ngự sử.
Nguyên hồi ấy, trong cung vua Tự Ðức có nuôi một con hạc rất đẹp. Vua yêu nó lắm, đã phong tước Vương cho nó. Ở cổ hạc lủng lẳng một cái bài ngà. Một buổi chiều kia, hạc ta ngất nghểu ngao du ra ngoài cửa thành và bị cắn chết bởi một con chó của người chủ quán bán hàng cơm gần đấy. Tức thời, chủ quán bị bắt giam và truy tố. Tiên sinh, ở địa vị Ngự sử, làm trạng sư cãi cho bị cáo nhân. Bản cãi rất hùng hồn và nhiễm một tính cách trào phúng rất sâu sắc. Trong đó có bốn câu dưới đây lý thú nhất:
Hạc hữu kim bài
Khuyển bất thức tự
Súc vật tương thương
Hà phương nhân sự
(Dịch nghĩa: Con hạc có đeo kim bài thật, nhưng con chó không biết chữ. Ðó là việc loài vật hại lẫn nhau. Việc chi đến người bị tội?)
Vua Tự Ðức mến phục tài tiên sinh liền truyền tha bổng người chủ quán. [2]
Thuật lại câu chuyện trên đây, tôi chỉ cốt đánh dấu vào thơ Tản Ðà một di truyền. Nó sẽ cắt nghĩa tại sao thi sĩ hay luận đến triết học, hay bàn đến nhân sự. Nó sẽ giúp ta hiểu Nho cốt của thơ Tản Ðà. Nó sẽ định giá những mộng nhớn mộng con, tình to tình nhỏ của nhà thơ Nguyễn Khắc Hiếu.
°
Ta đã có thể nhận thấy ở thi sĩ Tản Ðà: 1) một bản tính épicurien; 2) một di truyền Nho cốt. Với hai yếu tố tinh thần ấy, một người có thể thành được chân thi sĩ không? Cụ Tản Ðà là thi sĩ ở độ mực nào?
Quyển phê bình nhỏ này viết ra để trả lời minh bạch hai câu hỏi đó.
II. Cô hàng tạp hoá
Năm mười chín tuổi, cậu ấm Hiếu theo ông anh về Hà Nội tòng học tại trường Quy thức phố Gia Ngư. Hồi ấy “ở phố Hàng Bồ số nhà hơn hai mươi về dãy bên lẻ có một người con gái ngồi bán hàng tạp hoá, không biết có phải là tuyệt sắc hay không mà tự con mắt mình khi bấy giờ thì như ngoài người ấy không có ai là con gái ”. [3]
Vốn giống tài hoa, thư sinh cảm thấy ở giai nhân một trái tim đồng điệu. Trong tâm hồn tứ thư ngũ kinh của người thiếu niên thế phiệt ấy tình yêu lẳng lơ nắn một phím đờn. Theo tiếng huyền ân ái, thơ bắt đầu len vào cuộc đời hoa mộng của cậu học trò ngoan ngoãn. Từ đấy, “mỗi buổi chiều tan học ở phố Gia Ngư về phố Hàng Nón, trừ phi giời mưa gió, thường tất phải đi quanh qua phố Hàng Bồ”. [4]
Bạn đọc chớ vội cười! Trong lối đào nguyên ai chẳng thế? Khoé mắt thân tình, nụ cười giăng gió vốn từ ngàn xưa vẫn là abc của nghệ thuật yêu đương. Rồi sớm mận tối đào, rồi trăng thề quạt ước… Kẻ thư sinh khắc khoải vẫn mong diễn lại lớp trò đầu của tích chàng Kim ả Thuý.
“Tấm lòng ao ước ngỏ cùng một người anh em bạn học đồng canh. Người bạn đi nói giúp việc mối. Cứ bên nhà người con gái thời việc có nhẽ xong; bên nhà mình thời ông anh chỉ bảo một câu rằng: Nhà ta nghèo như thế lấy đâu được song mã mà cưới?” [5]
Tình duyên đành gác một bên, cậu ấm thất vọng theo ông anh về phủ Vĩnh Tường, quyết chuyên tâm vào sự học, những mong tiền đồ khoa cử sẽ đem lại cho mình cảnh “võng anh đi trước võng nàng theo sau”.
Ðằng đẵng bốn năm trời, trong trái tim đau khách si tình vẫn ấp ủ hình bóng ưu tư của cô hàng tạp hoá.
“Ðến lúc thi hỏng luôn hai khoá mà ý trung nhân xuất giá thời đời đáng chán hay không đáng chán cũng chẳng đợi cất chén quỳnh mà hỏi bạn tri âm”. [6]
Thất vọng thành tuyệt vọng. Tiếng đàn ân ái chuyển sang điệu u hoài. Khách tài hoa ôm một tiếc hận nặng nề, nghìn thu không cởi được.
Một tiếng thở dài não nuột từ thâm tâm thư sinh vẳng ra: “Ðêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!” Ngân rền trong tịch mịch của đêm thu, nó báo hiệu Khối tình con trong sổ văn chương Viêt Nam hiện đại, nó khai ngày sinh của thi sĩ Tản Ðà.
Rồi, những đêm giăng hiu quạnh, thi sĩ để bay trên mặt giấy những vần thơ ai oán:
Bồn chồn chín khúc cơn mưa lạnh
Ðòi đoạn năm canh bóng nguyệt mờ…
Kìa con én trắng đâu đâu lại
Giục cái thoi vàng chóng chóng qua
Buồn quấn mành trông trông chẳng thấy…
Bèo nước hợp tan người mỗi nẻo
Cậy ai mà nhắn một đôi câu…
Một vừng trăng khuất đi mà đứng
Một lá mành treo quấn lại buông
Ngồi hết đêm suông suông chẳng hết
Chùa ai xa điểm mấy hồi chuông….
Trận gió thu phong rụng lá vàng
Lá rơi hàng xóm, lá bay sang
Vàng bay mấy lá năm già nửa
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng?
Vì ai cho tớ cứ lênh đênh
Nặng lắm ai ơi một gánh tình! [7]
Toàn những lời thất vọng, trách móc, thở than! Trong thơ ta gặp cả một linh hồn tê tái. Ta muốn ơn cô hàng tạp hoá phố Hàng Bồ, nàng Elvire của thi sĩ Tản Ðà. Nhờ cô, ta được ngâm bao nhiêu vần thơ trác tuyệt chan chứa một hận tình thắc mắc. Trong suốt dọc đời thi sĩ, tế Chiêu Quân ở chùa Non Tiên hay khóc Thuý Kiều bạc mệnh, thương nhớ người tình nhân không quen biết hay mơ tưởng đến cố hữu Chu Kiều Oanh, - những đề hứng buồn và đẹp ấy đều bắt nguồn trong giấc mộng phù hoa thứ nhất của cậu học trò mười chín tuổi. Thi sĩ có đa tình là chỉ đa tình với kỷ niệm ái ân đầu tiên ấy. Bao nhiêu năm chìm nổi cũng không xoá nhoà được hình ảnh thân yêu của người hồng phấn nữ phố Hàng Bồ.
°
Lịch sử văn học đã chứng thực nhiều lần mối quan hệ mật thiết của tình yêu đầu tiên đối với nhà văn, nhất là nhà thơ. Khi nhà thơ mới lớn, trái tim và khối óc đang trắng phau, một cái gì lăn qua là in dấu vết lại không tài nào gột sạch. Huống hồ lại là vết yêu đương! Một bóng giai nhân, lúc đó, có thể định đoạt được cả một kiếp người.
Ở đây tôi chỉ đơn cử một chứng cứ văn chương để làm sáng điều tôi vừa ký nhận. Một chứng cứ rất thú vị chưa từng thấy trong thi giới ta. Tôi muốn nói cái tình duyên đầu tiên của thi sĩ Baudelaire. Năm ấy thi sĩ mười tám tuổi và thường cùng một người bạn, Privat d’ Anglemont, lui tới một tửu lâu hạ cấp phố La Harpe (Paris). Ở chốn này thi sĩ được biết một gái đĩ người Do Thái tên là Sarah. Về đức hạnh kỹ nữ, thi sĩ đã tả rất chua chát trong một câu: “Nàng đã bán rẻ linh hồn để mua một đôi giày”. Các nhà văn học sử cận đại đều đồng ý cho người gái đĩ Do Thái ấy là nguồn cảm hứng của tập thơ tuyệt tác Fleurs du Mal. Ta hẵng nghe thi sĩ nói về cuộc đi lại ghê sợ ấy:
Elle louche, et l’effet de ce regard étrange
Qu’ ombragent des cils noirs plus longs que ceux d’ un ange
Est tel que tous les yeux pour qui l’ on s’ est damné
Ne valent pour moi son oeil juif et cerné.
Elle n’ a que vingt ans; la gorge deja basse
Pend de chaque côté comme une calebasse
Et pourtant me tratnant chaque nuit sur son corps
Ainsi qu’un nouveau né, je la telle et la mords.
Et bien qu’elle n’ait pas souvent même une obole
Pour se frotter la chair et pour s’ oindre l’épaule
Je la leche en silence, avec plus de ferveur
Que Madeleine en feu les deux pieds du Sauveur
.
Dịch nghĩa:
Mắt nàng lác, và mãnh lực của cái nhìn kỳ quái ấy,
Cái nhìn bị ẩn dưới bóng những lông mi đen dài hơn mi của thiên thần,
Hiệu nghiệm đến nỗi khiến tôi thấy rằng tất cả những cặp mắt đẹp đã làm đắm người đời
Ðều không giá trị bằng con mắt Do Thái thâm quầng của nàng.
Nàng mới có hai mươi tuổi, mà đôi vú đã trễ xuống
Treo lủng lẳng ở hai bên ngực như hai quả bầu
Thế mà đêm nào tôi cũng rẫy rụa trên thân hình nàng
Như một đứa trẻ mới đẻ, tôi bú và cắn nàng.
Và tuy rằng thường thường nàng chẳng có đến một đồng xu
Ðể tắm gội xác thịt và tẩm dầu đôi vai
Tôi cũng cứ âm thầm liếm thân thể nàng, say mê hơn cả
Nữ thánh Madeleine nhiệt tình quỳ liếm đôi bàn chân của đấng Cứu Thế.
Kết cục, chàng thanh niên thi sĩ hư hỏng ấy bị nàng truyền cho bệnh hoa liễu. Trong một cuốn sách nói về thân thế và sự nghiệp Baudelaire, nhà phê bình John Charpentier thuật đến đoạn này, có viết: “Tính cách ghê tởm của tấn thảm kịch đó ảnh hưởng quyết định đến số kiếp thi nhân. Từ đó, Baudelaire cứ tưởng vâng theo những bản tính thân thích khi đắm mình trong cuộc truy hoan… Ðeo nặng trên lương tâm cái tội gốc, chàng cứ lăn lóc suốt đời trong truỵ lạc…”, [8] và “Baudelaire đã viết: Văn minh không phải ở điện khí, cũng không phải ở hơi nước… mà chính ở chỗ làm giảm bớt dấu tích của tội gốc trong lòng người. Coi đó Baudelaire tin ở tội lỗi.” [9]
Tin tưởng này là nền tảng luân lý của tâm hồn Baudelaire. Nó cũng là nguồn cảm hứng vô tận của thi sĩ. Tập thơ bị người đời kết án, Les Fleurs du Mal, chỉ là biểu thị mỹ thuật của tin tưởng ấy. Cũng bởi cô gái đĩ Do Thái đã đi qua khoảng đời niên thiếu của nhà thi hào bất hủ…
Trái hẳn Baudelaire, thi sĩ Tản Ðà đã gặp một giai nhân hiền hậu. Cậu học trò trường Quy thức, lúc thầm yêu trộm nhớ cô hàng tạp hoá phố Hàng Bồ, đã làm gì có quan niệm về tình ái. Chàng chỉ yêu trong mộng tưởng. Chung quanh người đẹp, chàng thêu dệt bao nhiêu ảo ảnh. Ðó là một tình yêu tinh thần. Tình yêu của một nhà nho! Rồi khi tình yêu, vì cảnh đời ngang ngửa, không kết quả được thành hôn nhân, thư sinh liền mang nặng trong tâm hồn hình ảnh người yêu với tất cả ảo tưởng đẹp đẽ của nó. Suốt đời, thi sĩ Tản Ðà chỉ thờ phụng tình yêu và người yêu ấy. Nhờ hai bảo vật này, tâm hồn nho của nhà thơ thêm nhu nhuyễn và đa cảm. Phát hiện tuyệt đối của trạng thái tâm lý đó là bài khóc tế Chiêu Quân ở chùa Non Tiên.
Giời Nam thằng kiết là tôi
Chùa tiên đất khách khóc người bên Ngô
Tôi với cô, tôi với cô
Trước sân lễ bạc có mồ nào đây
Trong bài tế, thi sĩ để lộ một tâm hồn đa cảm vô cùng tế nhị. Thương người bạc mệnh vùi xương ngàn năm ở đất Hồ, thi sĩ cất tiếng ai điếu số kiếp buồn tênh của con người hồng phấn:
Ô hô Chiêu Quân
Phương cốt hữu tận
U khảm vô kỳ
Minh nguyệt độc cử
âm vân không thuỳ
dịch nghĩa:
Ô hô nàng Chiêu Quân
Nắm xương thơm của nàng có thể mất
Mà mối hận u uất của nàng không có thời hạn nào
Chỉ có trăng sáng soi thấu
Thì lại bị mây đen che khuất [10]
Mấy câu này đủ nói dài về tính chất lãng mạn của thi sĩ Tản Ðà, một tâm hồn dễ xúc động, dễ bị đốt nóng bởi những trạng huống tâm lý của đời tài hoa xấu số. Tản Ðà khóc Chiêu Quân cũng như Nguyễn Du khóc Thuý Kiều, Chu Mạnh Trinh khóc Nguyễn Du. Cùng giống đa tình, các bậc thi nhân ấy đã giảng dạy cho người đời một yêu thương mênh mông và tha thiết, một yêu thương vô tận, không bờ bến, không địa giới.
Ở điểm này, thi sĩ Tản Ðà là nối tiếp tinh thần của thơ ca Việt Nam cố hữu. Trường thơ lãng mạn hiện đại của các ông Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Vỹ,… nhận Tản Ðà là người khởi xướng cũng chỉ là công bằng và hợp lý.
°
Tình yêu đã đánh thức Nàng Thơ trong tâm hồn thi sĩ. Thất vọng lại gieo thêm vào một cung điệu não nùng. Trong mười năm hơn, giữa những gió lốc bụi mù của thế kỷ, Nàng Thơ ấy đã gẩy réo rắt cung điệu ấy trong cảnh hoang tàn của bao nhiêu cõi lòng hiu quạnh…
Ðêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!...
Chú thích
[1]Chúng tôi uống rượu ở trên gác căn nhà số 417 tại Bạch Mai, chỗ cụ Tản Ðà mở phòng xem số Hà Lạc và dạy Hán văn. (Tất cả các chú thích ở đây đều là nguyên chú của Trương Tửu.)
[2]Chuyện này và mấy câu thơ ấy, chính cụ Tản Ðà thuật lại với chúng tôi.
[3]Trích trong tập Giấc mộng lớn của Tản Ðà.
[4]Như trên
[5]Như trên
[6]Như trên
[7]Trích trong tập Khối tình con xuất bản năm 1918.
[8]Beaudelaire par John Charpentier. Editions Jules Tallandier
[9]Như trên.
[10]Bài tế này làm bằng Hán văn. Ðã có bản dịch của Ông Huyện Nẻ Xuyên Nguyễn Thiện Kế. Mấy câu trích ở trang bên là của Ông Huyện Nguyễn. Riêng mấy câu này tôi thấy ở bản dịch lời quốc văn không đạt hết nguyên ý Hán văn, nên tôi không trích ra đây. Và tôi tạm dịch xuôi nghĩa để lý hội được chu đáo nguyên ý của tác giả.
Nguồn: Tạp chí Ngày Nay (Hà Nội) tháng 11. 2004