Ông giăng kia ông ở trên giời Hỏi ông có biết sự đời cho chăng? Sự đời nhít nhít nhăng nhăng Xem ra chẳng biết mần răng nực cười (Câu hát cổ) Quyền đả cước thích (tay chân đấm đá) chỉ là thuật nhỏ, chỉ có nhất lý là thông thiên địa. (Lời người học võ)Mục lục Lời giới thiệu của Nguyễn Huy Thiệp Chương 1: Điểm mặt anh hùng Thần đồng ló dạng Chương 2: Thâu đệ tử, anh hùng thêm vây cánh Lên kinh kỳ, so sánh được tài cao Chương 3: Chốn võ đường, đánh cho phải đạo Ngọc Kỳ Khôi cũng thật kỳ khôi Chương 4: Chốn giang hồ vừa khóc vừa luyện chưởng Nơi chùa chiền nhận thức nhận chân như Chương 5: Đánh nhau với sói Nữ hiệp nổi danh Chương 6: Nháo nhác anh hùng một thuở Cái thời lãng mạn qua đi Chương 7: Hàn vi làm thợ đấu Công thành bởi bắn tên Chương 8: Bến Tiên, khoả thân luyện chưởng Xác thối, biến hoá thành thơm Chương 9: Núi Hoa Đào, anh hùng luận kiếm Ngôi tam bảo bóc mẽ công danh Chương 10: Hành phương Nam, dở cười dở khóc Tự đánh mình, khó nhọc công phu Chương 11: Đại Võ Đài lừng danh một thuở Nương dâu bãi biển, chìm nổi anh hùng Chương 12: Tầm sư học đạo Lạc vào cung mê Chương 13: Gặp sư phụ, anh hùng thoả chí Đường công danh, tỉ mỉ bắt sâu Chương 14: Giấc mộng tế trời, võ lâm định phận Tìm người ấn chứng, thiên cổ lưu danh Chương 15: Võ lâm danh bất hư truyền Chung cuộc từ bi hỷ xả Lời giới thiệu Tiểu thuyết võ hiệp là một thể loại văn học đặc biệt bắt nguồn từ Trung Quốc. Kim Dung - với những bộ tiểu thuyết võ hiệp lẫy lừng đã là một hiện tượng văn học có một không hai trong thời hiện đại. Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn băn khoăn liệu tiểu thuyết võ hiệp có phải là “văn học chính danh” không hay chỉ là một thể loại “cận văn học”, “á văn học”? Sự say mê của rất nhiều độc giả với tiểu thuyết võ hiệp và các bộ phim võ hiệp chuyển thể từ tiểu thuyết võ hiệp đã là một thực tế phải được nhìn nhận tích cực. Ở Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận ảnh hưởng to lớn của văn hoá Trung Hoa nói chung và văn học Trung Hoa nói riêng với toàn bộ đời sống tinh thần và vật chất của người Việt Nam, chính nó đã là một phần tạo nên tính cách Việt Nam và bản sắc Việt Nam. Tôi rất thú vị khi biết Tiểu Ngọc viết tiểu thuyết chưởng. Cả tôi và Tiểu Ngọc gần như chưa bao giờ đọc truyện chưởng, vì thực ra cũng... hơi sợ nó! Vì sao vậy? Vì lối viết của các nhà văn viết truyện chưởng rất dễ làm lung lay các quan niệm văn chương “chính thống” (khái niệm văn chương “chính thống” ở đây có phần tương đương đồng nghĩa với các khái niệm cổ truyền, phổ thông mà các nhà lý luận văn học cũng như các nhà văn vẫn thường quen dùng). Tính chất ma giáo, quái dị có phần nào “bác học” kiểu dân giã có thể làm đảo lộn tùng phèo tất cả các trật tự và giá trị “cổ điển”. Chỉ khi nào gần như hoàn toàn “vô chiêu”, không có thành kiến, lúc ấy người cầm bút mới có thể hoà được vào dòng tâm thức hồn nhiên của thể loại tiểu thuyết này. Tôi và Tiểu Ngọc đã trao đổi với nhau nhiều lần về thể loại tiểu thuyết võ hiệp. Dưới đây xin ghi lại một đôi điều để giúp cho độc giả có thể hiểu thêm về cuốn tiểu thuyết võ hiệp thú vị và có phần kỳ cục này. Cần nói thêm rằng đây có thể là cuốn tiểu thuyết chưởng hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. “Anh ký là Tiểu Ngọc, có ý bắt chước Kim Dung chăng?” “Đúng thế! Có rất nhiều thứ ở ta bắt nguồn, bắt chước từ Trung Quốc. Nhưng Việt Nam là Việt Nam. Thực ra tôi thích Ngô Thừa Ân tác giả của Tây Du ký hơn Kim Dung rất nhiều.” “Cả tôi và anh đều chưa bao giờ đọc Kim Dung cả.” “Chúng ta đều ‘sợ’ thứ văn học mà Kim Dung sáng tạo ra. Đó là một thứ văn học khác, thậm chí không phải là văn học nữa. Chính Kim Dung đã từng khiêm tốn coi nó là ‘á văn học’ nhưng xét về hiệu quả thì nhiều khi cái mà ta gọi là ‘giá trị văn học’ (mỗi cá nhân) so sánh với các bộ sách chưởng của Kim Dung thì không thể nào so sánh được. Tính hiệu quả trong các bộ sách chưởng của Kim Dung khôn lường. “Đúng thế!” “Tôi chỉ là một học trò nhỏ từ xa của Kim Dung đại hiệp văn sĩ.” “Việc chúng ta không đọc Kim Dung có thể sẽ có một tác dụng tốt nào đấy khi viết tiểu thuyết võ hiệp chăng?” “Có thể! Chính sự bắt chước không đến nơi đến chốn cũng có thể là một nét nhấn tạo nên tính cách Việt Nam, bản sắc Việt Nam. Ở trong văn hoá, trong kinh tế, thậm chí trong tôn giáo và chính trị cũng từng có rất nhiều trường hợp như thế. Tính chất nôm na mách qué là một thứ đặc sản đặc biệt Việt Nam. Ở đây chứa đựng rất nhiều yếu tố tự nhiên, dân chủ.” “Tính chất nôm na mách qué có thể làm người ta liên tưởng đến rất nhiều điều, thậm chí văn võ có khi là một.” “Thực ra chỉ có một. Chúa từng nói: ‘Lời’”. “Ý nghĩa tối thượng trong cuốn tiểu thuyết võ hiệp này là gì?” “Vạn pháp quy tâm. Điều đó có ở trong tất cả mọi cảnh giới.” “Vạn pháp quy tâm?” “Nói rõ tức là dung tục nó. Nhưng không sao. Tôi viết tiểu thuyết này chí ít liên quan tới ba cảnh giới, một là viết để viết, để tập suy nghĩ, hai là viết để giáo hoá chúng nhân, hoằng dương võ pháp, sĩ khí, ba là viết để ngộ thiền văn pháp, minh tâm kiến tính. Toàn là những lời lẽ đao to búa lớn nhưng cũng chỉ là ‘vạn pháp quy tâm’ mà thôi.” “Công việc thật chẳng dễ dàng?” “Phải viết trong tâm thức dễ. Làm việc khó trong tâm thức dễ. Võ lâm quyền pháp chủ ý: ‘Có tính mới có khí, có khí mới có thần, có thần mới có lực’. Tính, khí, thần, lực thiếu một sẽ không thành.” “Chúng ta đang đi trên con đường của số phận.” “Chắc là như thế! ” Hà Nội ngày 30/8/2005 Nguyễn Huy Thiệp