Tháng bẩy, vẫn không phải là mùa sáng tác của tôi, huống hồ, tinh thần của tôi năm nay đặc biệt sa sút. Một cảm giác lười nhác nào đó từ mùa đông cứ bám theo tôi, quấn chặt, bọc kỹ lấy tôi, khiến tôi sa vào trong một thứ mệt mỏi gần như rã rời, việc gì cũng không muốn làm, việc gì cũng không hăng hái lên được, nhất là đối với viết lách. Sáng tác là công việc cô độc, lại cần nhẫn nại và nhiệt tình. Vài năm nay, tôi thường thấy công việc này sắp biến thành “gánh nặng” của tôi. Tôi sợ không thể dẫn tới sự công minh của độc giả, tôi sợ mất đi nhiệt tình, tôi càng sợ... bao nhiêu đời nay, người ta lặp đi lặp lại cùng một công chuyện, do đó, tôi cũng tránh không nổi cứ viết về yêu, hận, sống, chết và bất lực của đời người. Bạn thân của tôi, Tam Mao từng nói với tôi một câu: - Nếu chúng ta có thể gỡ thoát khỏi viết lách, tôi nghĩ chúng ta đã thực sự giải thoát! Hoặc giả, chỉ có người sáng tác mới hiểu được câu này, mới có thể hiểu nỗi khổ sở mà bản thân sáng tác mang lại: anh cần phải chung gánh đau khổ và vui sướng của họ, anh phải có sự dâng hiến hoàn chỉnh nhất. Trong quãng thời gian ấy, bản thân tác giả hoàn toàn không có cái tôi. Cho nên gần đây tôi thường thường trong đêm dài không ngủ, suy nghĩ trong cuộc đời sáng tác dài dặc của tôi, tôi có phải đã dâng hiến được quá nhiều hay không? Bao gồm những ngày thanh xuân, bao gồm những năm tháng vui tươi, bao gồm những lúc ánh sáng mặt trời sáng rực ngoài cửa sổ, mưa nhỏ khẽ gõ song cửa, hoặc ánh trăng tưới khắp mặt đất. Trong cuốn tiểu thuyết gần đây nhất “Ngọn đèn đêm qua” tôi đã viết một đoạn: “Toàn thế giới có bao nhiều ngọn đèn? Trăm ngọn, nghìn ngọn, vạn ngọn, triệu ngọn... em có tin rằng dưới mỗi ngọn đèn ấy có câu chuyện của bản thân nó hay không? Phải, dưới mỗi ngọn đèn đều có câu chuyện của bản thân nó. Dưới một ngọn đèn trong số đó, có “tôi” “một con người”, “cô độc” đem ra những câu chuyện ấy, không ngần ngại viết ra, viết ra... Do đó, tôi hỏi “Để làm gì?”, tôi sẽ nói “Tôi mệt rồi”. Tôi không hề cho rằng sáng tác của mình là công việc có ý nghĩa bao nhiêu, tôi cũng không hề thấy mình có “cảm giác sứ mệnh”. Ban đầu cái hấp dẫn tôi viết là một luồng cuồng nhiệt không sao kháng cự nổi, mức độ mạnh mẽ của nó đúng là khó mà diễn tả. Ngày nay, năm tháng đằng sẵng, cuồng nhiệt dần tiêu. Tôi đã mệt, quả thực mệt rồi. Năm nay, tôi đang chìm nổi trong cảm giác lười nhác đó: mơ hồ, ưu uất và bàng hoàng. Tôi hết lần này đến lần khác tuyên bố với người nhà: tôi muốn bỏ sáng tác. Lại ngấm ngầm thấy một nỗi đau đớn khó tả, dường như “sáng tác” với cái “tôi” đã hỗn hợp thành một thể, quả thực tôi muốn tách ra, là quá khó, quá khó... Lại dường như tôi đã đem cái tôi dâng hiến cho “sáng tác”, ngày nay, lại muốn tìm về “cái tôi”, bỗng quay đầu lại, mới phát hiện thết giới mêng mang, đã không nơi nào có “tôi”. Cái tình cảm ấy rất khó nói rõ ràng, cũng rất khó biểu đạt rõ ràng. Năm nay tôi suy sút, chìm lắng, mà mình đối với nó mình hoàn toàn chịu bó tay. Cái đáng sợ nhất là không ai có thể giúp đỡ tôi. Tháng bẩy, khí trời rất nóng. Tháng bẩy tôi “đang chìm dưới đáy dòng sông”. “Chìm dưới đáy dòng sông” là câu của nhà văn Nga Turgueniev, lần đầu đọc nó, tôi mới gần 17 tuổi, trong sự ngờ nghệch chỉ thấy nó rất hay, rất có mùi vị, nhưng không rõ cho lắm nó rốt cuộc là ý tứ gì. Sau đó trong tác phẩm của tôi, tôi không ngần ngại dẫn dụng câu đó, nói ra thì xấu hổ, vẫn không rõ cho lắm ý tứ của nó. Bây giờ, tôi lại dẫn dụng nó, càng thêm xấu hổ, tôi vẫn không hiểu cho lắm! Tôi mang lại cho nó một giải thích: dòng sông là lưu động, “chìm dưới đáy dòng sông” biểu thị “cái động là nước, cái tĩnh là tôi, cái đi là nước, cái ở lại là tôi, cái vội vã mà qua là nước, cái thiêm thiếp ngủ là tôi”. Dù cho giải thích có đúng hay không, tâm tình của tôi đúng là thế. Đúng trong một ngày tháng bẩy như vậy, có bức thư ngắn đến từ làng Vạn Loan, Bình Đông, rơi đến trước mắt tôi, bên trên viết ngắn gọn: “Nữ sĩ Quỳnh Dao: Chào Bà! Trước đây bà không quen biết tôi, hy vọng về sau bà có thể quen biết tôi, rất kỳ quái, phải không? Ở đây có một câu chuyện tôi vẫn muốn viết nhưng viết không nổi, một câu chuyện của tôi, câu chuyện của tôi và “Đà Đà”. “Đà Đà” là tên tục của nàng, gọi theo tiếng Hồ Bắc. Nàng năm nay 24 tuổi, tôi 24 tuổi. Tôi và nàng quen nhau trong vũ hội của bạn đồng học vào 8 giờ 10 phút tối ngày 24 tháng 10 năm 1977. Ở trong đó, xảy ra rất nhiều, rất nhiều chuyện cảm động. Ở chỗ nàng có tư liệu hoàn chỉnh của tôi: thư, phác thảo, tự hoạ, đồ vật các loại. Ở chỗ tôi có ảnh của nàng, ba cuốn nhật ký của tôi, có khoảng 500 bức thư. Tất cả mọi tư liệu đều có, nhưng tôi viết không ra bất kỳ chữ nào. Xin giúp tôi viết ra câu chuyện ấy có được không? Mong đợi Chúc bà vui mạnh. Hàn Thanh kính thư, Tái bút: Nàng vốn tên Viên Gia Bội, tôi gọi nàng là “Đà Đà” - Đại học Phụ Nhân. Tôi vốn tên Hàng Thanh - Đại học Văn Hóa. Xin liên lạc: Điện thoại nhà tôi (87) 888000”. Bức thư đó không mang lại cho tôi bất kỳ xúc động nào, bởi vì trong thư quả thực không viết ra được cái gì. Mà loại thưm này, tôi cũng đã nhận được quá nhiều. Tôi để thư sang một bên, cơ hồ đã quên nó. Vài ngày sau, tôi thu dọn bàn viết lộn xộn, lại nhìn thấy bức thư ấy, đọc lại một lượt, tôi thuận tay kẹp nó vào trong kịch bản “Hỏi ánh mặt trời tà”. Lại qua vài ngày, tôi xem lại kịch bản, bức thư từ trong kịch bản rơi ra. Thế nào? “Nó” dường như không chịu để tôi bỏ qua! Tôi lần thứ ba đọc thư. Đọc xong, nhìn đồng hồ tay, đã là nửa đêm. Làng Vạn Loan, Bình Đông, địa phương rất xa lạ, không biết vị Hàn Thanh này đã đi ngủ chưa? Hoặc giả, tôi nên nghe câu chuyện của anh ta, dù cho tôi đang “chìm ở dưới đáy sông”, không muốn viết bất kỳ cái gì, nghe một cái cũng không có hại gì. Mà một thứ linh cảm nào đó cho tôi biết, người viết thư đang đợi hồi âm, người viết thư gấp muốn giải bày, người viết thư đang đau khổ... anh ta cần một người nghe. Do đó, tôi quay số điện thoại ấy. Tôi gọi được điện thoại cho Hàn Thanh, nói chuyện gần một tiếng đồng hồ. Tôi nói với anh ta: - Đem nhật ký, thư từ, tư liệu của ông tất tật gửi cho tôi, nhưng tôi không bảo đảm với ông, tôi sẽ viết câu chuyện này. Giả sử ông cho rằng tôi đã xem thì nhất định phải viết, thế thì đừng gửi đến! - Tôi hoàn toàn hiểu. - Anh ta nói, giọng kiên định. - Tôi sẽ gửi tư liệu và tất cả mọi cái cho bà. Ba ngày sau, khi bưu cục đưa đến mấy hộp giấy lớn thư từ và nhật ký, tôi đúng là ngây người ra. Có trời biết, tôi hàng ngày bận rộn, còn có bao nhiêu việc chờ làm và làm không xong, tôi làm thế nào xem được nhiều thứ như thế? Nhưng khi tôi nhận được những cái này tôi bỗng nhớ đến Kiều Thư Bồi, (một người khác gửi tư liệu cho tôi), đem câu chuyện của anh ta viết thành “Ráng màu đầy trời”. Vì vậy, tôi yên yên ngồi, yên lặng mở hộp giấy ra và cầm lên một cuốn nhật ký... Có tấm ảnh từ trong cuốn nhật ký rơi ra. Tôi nhặt tấm ảnh lên, một nam một nữ chụp chung, trong ảnh là một chàng trai cười ngốc nghếch, một cô gái tóc dài rẽ giữa. Người con trai mày rậm mắt to, là một thanh niên khá đẹp trai. Người con gái mắt sáng miệng cười lộ ra hai hàm răng trắng, vẻ trong sáng, thuần khiết. Mở nhật ký ra, trên trang bìa viết: “Tôi sa xuống vực sâu 500 dặm, Mà Đà Đà, em khiến tôi nhảy vọt lên” Tôi bắt đầu xem nhật ký, bắt đầu xem thư, do quá nhiều thư, tôi chỉ có thể rút ra đọc. Hàng Thanh là một chàng trai cẩn thận, trên mỗi bức thư đều có đánh số. Đà Đà cũng vậy, trong mỗi bức thư đều có ghi đúng thời gian viết thư: giờ nào, tháng nào, năm nào. (Kỳ quái thật, trong tư liệu của Hàn Thanh gửi đến lại có thư của cả đôi bên). Vài ngày sau, tôi vẫn không xem hết được tư liệu này, nhưng dựa vào phán đoán của tôi, câu chuyện này không thấy được là long trời lở đất, hoặc éo le ly kỳ. Nhưng, nó khiến tôi cảm động, cảm động sâu xa. Không chỉ cảm động, mà còn chấn động bởi cái kết cục bất ngờ khiến người khó mà tin nổi ấy. Còn chưa kịp xem xong thư, tôi lại gọi điện thoại cho Hàn Thanh: - Ông có thể đến Đài Bắc một chuyến, trực tiếp nói cho tôi nghe câu chuyện của hai người được không? - tôi hỏi, không quên bổ xung thêm một câu - Nhưng, tôi không nhất thiết sẽ viết. - Có thể, rất có thể! - Anh ta gấp gáp quyết định - Mồng một tháng tám là chủ nhật, tôi không đi làm, tôi có thể đáp máy bay đến Đài Bắc, nhưng, bà phải cho tôi thời gian tương đối dài. - Được, suốt buổi chiều! - Tôi nói - hai giờ chiều ông đến, tôi dành cho ông thời gian suốt buổi chiều. Hẹn xong giờ giấc, đợi ngày mồng một tháng 8, tôi lại xem những gì mà Hàn Thanh đã gửi cho tôi. Trong đầu đã mơ hồ phác ra đường nét của câu chuyện của họ. Đến tối 31 tháng 7, tôi vừa ăn bữa tối xong lại đột nhiên nhận được điện thoại của Hàn Thanh. Anh ta mở đầu đã nói một câu: - Tôi có thể đổi giờ giấc nói chuyện với bà được không? - Ủa! - Tôi có phần do dự - Tôi nghĩ xem, tuần sau.... - Không, không! - Anh ta gấp rút ngắt lời tôi - Ngay bây giờ, được không? - Ngay bây giờ? - Tôi kinh ngạc - Ông đã đến Đài Bắc ư? - Vâng, vừa mới đến. - À. - Tôi lại lần nữa bị cái bức bách của anh ta làm cảm động, tuy tối hôm nay tôi vốn chuẩn bị đi làm một việc khác - Được, ông đến đi! 8 giờ 30 tối ngày 31 tháng 7, Hàn Thanh đến. Ở Khả Viên, trong thư phòng nhỏ của tôi, chúng tôi ngồi xuống mặt đối mặt. Hàn Thanh, người vừa phải, không cao lắm, sống lưng ưỡn thẳng, mặt mày thanh tú, có dáng tự tin và tự phụ: áo sơ mi trắng, quần dài xanh, thắt cra-vát, y phục chỉnh tề, tóc lồng bồng, mắt to sáng, lông mày rậm, môi dày mọng. Anh ta ngồi đấy, có phần căng thẳng. Anh ta dường như tay chân không biết để vào chỗ nào, anh ta cởi tay áo, tuy trong phòng mở máy lạnh, anh ta lại ra sức xắn cao tay áo, móc khăn tay, nới cra-vát... Tôi đẩy gạt tàn thuốc lá cho anh ta. - Từ trong nhật ký của ông, tôi biết ông hút thuốc. - tôi nói, cười khuyến khích, muốn làm dịu sự căng thẳng - Nhưng tôi quên chuẩn bị thuốc lá cho ông. - Tôi có! Anh ta lấy ra một bao Trường Thọ, lại tìm hộp quẹt máy. Đốt một điếu thuốc, khói mù uốn éo bay lên, dần dần tan loãng, anh ta dựa vào ghế tựa. Tôi rút ra một xấp giấy bản thảo, bên trên viết: 31. 7. 1982. Trích câu chuyện của Hàn Thanh. Câu chuyện bắt đầu, thời gian phải ngược về tám giờ tối ngày 24 tháng 12 năm 1977