Cuối cùng tôi cũng xin được chỗ dạy, ở một trường cách nhà mười lăm kilômét, cũng cách thị xã ngần ấy đường đất. "Thế nào, chấp nhận hả?" - dì Thương hỏi. "Cháu biết làm sao" - tôi nói. An không ngạc nhiên khi tôi báo tin: "Hiểu rồi, ở đời ai chả một thời ảo vọng thế" - anh nói. Tôi dỗi, anh chỉ cười. "Em dự định rằng sẽ đi làm một thời gian, khi nào đủ điều kiện, chúng ta gặp nhau" - tôi nói, và thêm: " Có thể là sang năm, hoặc năm nữa...". "Quân trí thức chúng mày chỉ được cái sĩ diện hão" - dì Thương nói thế, bởi vì tôi đã từ chối việc dì cậy nhờ xin cho tôi làm ở một văn phòng nước ngoài, nơi đó có thu nhập cao. "Cháu muốn" - tôi nói. "Cho là thế, rồi đời sẽ dạy mày biết thế nào là đi thực tế theo con đường của mày", dì hăng hái. "Nhưng còn thằng An?". "Thì cứ tạm thời xa nhau thế, bao giờ cả anh ấy và cháu cảm thấy có thể, chúng cháu sẽ...". Dì cắt lời tôi: "Lãng mạn một cách không phải". Biết nói thêm, hai dì cháu sẽ cãi nhau, nhưng buồn vì cho rằng dì không chịu hiểu. Dì Thương là em út của mẹ tôi, sau cậu Hưng. Mẹ tôi mặn mòi thế, nhưng dì Thương sắc sảo hơn. Mắt dì đen láy, mũi thanh nhỏ, môi đỏ, da trắng hồng. Phải tội, trời phú cho dì gương mặt đẹp thì lại bớt xén của dì thứ khác. Sinh ra dì đã bị thọt chân, một chân nhỏ, ngắn hơn hẳn chân kia. Từ đấy, đôi chân thành mối hoạ của đời dì. Mẹ kể hồi nhỏ đi học, dì học giỏi lắm, từng đỗ đầu huyện về thi học sinh giỏi toán kia mà. Có điều bọn trẻ con ở trường không gọi dì là Thương, dù tên dì đẹp và dịu hiền, chúng gọi dì là con thọt. Chẳng có trò nào dì được chơi cùng, ngoài trò đánh chắt. Sự hãnh diện vì thông minh không bù được nỗi cay đắng vì dị tật. Nhiều bữa dì khóc sưng cả mắt. Bà thương dì, bảo: "Thôi thì ở nhà với mẹ vậy, chả cần học làm gì". Dì cương quyết: "Đã tật lại dốt nữa, để người ta càng khinh à!". Từ đấy dì cứ luôn là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Tốt nghiệp cấp ba, thi vào Đại học Tổng hợp, nhưng dì vào trường rồi bị trả về, cũng vì cái chân. Suốt một năm dì thui thủi ở nhà, thêu móc những ví và túi xách bán cho các nàng con gái thích làm đỏm. Năm ấy cậu Hưng tôi cưới vợ làm nhà trên thị xã. Dì bảo: "Anh cho em theo, em ở giữ nhà giữ cháu cũng được". Thế là dì rời quê. Bà thở dài: "Số nó rồi khốn khổ". Mẹ bảo: "Dì ấy muốn thì cứ chiều".Lên phố với cậu Hưng, ngày cậu mợ đi làm, nhà vắng, ngồi thêu móc mãi cũng chán, dì lân la sang quầy tạp hoá bên cạnh chợ. Chẳng dè sự xuất hiện của dì làm người mua tăng hẳn lên. Bà chủ cửa hàng bên thuê hẳn dì đứng trông quầy tháng trả hai trăm tiền công. Dì nhận lời, từ đấy thành người bán hàng. Người qua phố cứ thấy dì thấp thoáng sau quầy hàng, mắt vời vợi, nụ cười như mê hoặc, không thể không dừng chân. Một đồn bảy, bảy đồn mười, người ta đến như bươm bướm chuồn chuồn, đàn ông con trai cũng như bươm bướm chuồn chuồn. Mẹ bảo: "Dì lấy chồng đi!". Dì cười: "Mười thằng đàn ông thì chín thằng thích hai phần trên, không nhìn phần ba dưới...". Được lâu, dì thôi đứng bán thuê, nên cậu tôi cho mở hẳn một cửa hàng trước nhà. Khách hàng kéo sang cửa hàng dì, đến nỗi bà chủ cũ cũng cạnh khoé. Dì bảo: "Thị trường, ai khéo thì ăn, có ăn cắp của nhau đâu mà sợ...". Vốn liếng dì phình phình ra mãi. Dì hăm lăm, rồi hăm tám... Mẹ buồn rầu: "Mong nó kiếm tấm chồng mà kiểu này cũng không xong!". Dì vẫn cười, mắt lúng liếng, chung chiêng. Người mua hàng vẫn như bươm bướm chuồn chuồn... Tôi vào đại học, dì đã có nhà riêng hẳn hoi, không sang trọng nhưng xinh xắn, ấm cúng. Bốn năm học, nào học phí, sách vở, áo quần, trăm thứ nhu cầu, kể cả ái tình phí, nhà tôi bố mẹ làm ruộng, con đông, không đủ chu cấp, nhờ dì Thương mà tôi không đến nỗi túng thiếu. Dì trẻ, cháu gái lớn, thành ra tôi gần gũi dì, nhiều khi thấy hơn cả với mẹ tôi. Thỉnh thoảng nghỉ học, tôi lại đi một trăm cây số ra thị xã, gục vào dì mà cười mà khóc, mà kể lể. Dì bảo: "Ừ, chỉ khi yêu con người mới lắm nỗi niềm". Khi tôi yêu An, dì cũng không ngăn, chỉ nói: "Dám yêu thì dám chịu". Trái lại mẹ tôi cấm ngặt, bởi An đi làm ở xa, cách nhau gần nghìn cây số, gia đình An lại thuộc thành phần buôn bán không trong sáng! Dì kể, dì cũng đang yêu. Tôi mừng hú, bíu lấy dì: "Chừng nào cưới, hả dì?". "Chả cưới!" - dì thủng thỉnh. Tôi ngạc nhiên nhìn dì. Dì ngoài ba mươi rồi mà sao còn đẹp thế, người như dì suốt đời không được yêu thì bất công biết bao. Tôi là con gái cũng còn phải thua dì. Giá tôi giống dì hay mẹ được một chút, đằng này tôi giống bố, mắt nâu và xếch, da bồ quân... Không, người như dì không thể không được yêu... "Dì nói cháu nghe đi!" - tôi giục. Dì cười mông lung. "Ông ấy có vợ con đề huề". Sao dì?..." - tôi cố nuốt cái gì nghèn nghẹn trong cổ họng. "Là dì tự nguyện đấy, chẳng phải bị phỉnh phờ hay dỗ dành gì đâu" - dì nói như sợ tôi sẽ nghĩ điều không tốt đẹp về người đàn ông của dì. Tôi gay gắt: "Ông ta yêu dì nhưng không dám bỏ vợ chứ gì? Thế thì hèn... ". Dì cúi đầu, một lúc mới cất tiếng: "Có thể. Có thể sự hèn ấy cũng khiến ta yêu. Đôi khi lòng yêu và lòng thương nó là một, đôi khi không phải, nhưng người ta hay nhầm. Chẳng cần biết, chỉ biết lòng được an ủi là đủ". Tôi khóc, vừa thương vừa giận dì. Làm sao có lúc dì tỏ ra thực tế, bây giờ lại cả tin thế?