Lời vào tập

Tập truyện ngắn đầu tay của tôi, Đêm giã từ Hà Nội, tiếp theo là cuốn thứ nhì, Tháng Giêng cỏ non, cũng thể đoản thiên, được in ra lần thứ nhất cách đây đã mười lăm năm. Tuy mỗi cuốn sách, như một đời người, đều có một hình dáng, một định mệnh riêng tây, nhưng hai tập truyện này, trong ý nghĩa một liên tục hoà nhập, cũng có thể được coi như một.
Xuất bản năm trước năm sau liền sát, với những sáng tác cùng được viết ra trong một trạng thái tinh thần và một khí hậu tình cảm đồng nhất, đứa chị đứa em chỉ khác nhau ở ngày sinh tháng đẻ, còn thì đều đánh dấu đậm đà cho con người, tâm trạng, thái độ, đời sống và loạt tiếp nhận thứ nhất của tôi, bấy giờ là khoảng thời gian tôi thoạt dời khỏi Hà Nội, vừa đặt chân xuống cái địa chỉ và vùng định cư mới là thành phố Sài Gòn.
Như tựa đề của tập truyện, Đêm giã từ Hà Nội do đó thể hiện gần như trọn vẹn trong nó hình ảnh một chuyến đi, một bỏ lại. Nghĩa là một lên đường, một giã từ trong đêm, lúc đêm đã nghiêng nhiều về sáng. Và Tháng Giêng cỏ non, cũng vậy, ý nghĩa cũng hiện rõ trong tựa đề của sách. Đêm lên đường đã tàn, những chùm sao của đêm giã từ đã lặn, ngày vừa dựng, đất mới tới, năm mới mở, tháng Giêng đây, cỏ non đồng mùa xuân, sau một đứt lìa, máu lại chảy trong thân người và trong lồng ngực tim người lại đập.
Cũng từ cái ý tưởng một liên tục mới hoà nhập vừa nói, hai tập truyện tưởng là hai điểm rời cách của hai đầu không gian xa thẳm kỳ thực chỉ là hai trạng thái quá độ phát sinh từ một tiến trình cảm xúc tổng hợp, mà những hiện tượng đối nghịch nhất vẫn nằm trong một cấu thành chung bởi đã từ nhau và vì nhau mà có. Một ban mai có vì một đêm kia đã hết. Hạt vui nở vì trái sầu đã rụng. Có vượt biển mới thấy bờ bến mới. Bởi một thất vọng nào mà một hy vọng hiện diện dần lên. Và sống, là những bước chân lại bước sau một đứt ngừng chốc lát. Tôi nói ở trên rằng Đêm giã từ Hà Nội và Tháng Giêng cỏ non tuy hai là một là vì thế. Chúng thở chung một hơi thở, đứng chung một góc đường, là cái lưng phía sau cái ngực phía trước của cùng một thân người, được viết ra bằng cùng một ngòi bút, trên cùng một loại giấy. Chúng là hai cái nhịp đỡ dưới một cây cầu, tuy những đề tài, những cốt truyện, những nhân vật được nói đến trong Tháng Giêng cỏ non và Đêm giã từ Hà Nội hoàn toàn khác biệt nhau.
Người đọc tôi đã hiểu tại sao, cơ sở xuất bản Văn, vì cảm tình đặc biệt dành cho người viết, hơn là cho giá trị tự thân của tác phẩm – tôi thành thực muốn nghĩ vậy – khi lựa chọn một số truyện ngắn đã in của tôi để in gộp lại thành tập truyện này, đã chỉ chọn trong Đêm giã từ Hà Nội và Tháng Giêng cỏ non. Mà không mở rộng thêm lựa chọn sang những tập khác. Như Bầy thỏ ngày sinh nhật hay Dòng sông rực rỡ. Người đọc tôi cũng đã hiểu tại sao, tôi quyết định để nguyên như lần in đầu, không sửa chữa lại văn chương cho những truyện này. Mặc dù, trên phương diện bút pháp và từ ngữ, có rất nhiều đoạn thật ra phải được sửa chữa lại.
Mai Thảo
(9-1970)
Tiểu sử tác giả
http://vnthuquan.net/user/Ct.Ly/MaiThao.jpg
 
 Mai Thảo tên thật là Nguyễn Đăng Quý, thuở nhỏ học trường làng, trung học lên Nam Dịnh rồi Hà Nội học trường Chu Văn An.
Khi chiến tranh bùng nổ năm 1946, Mai Thảo bỏ nhà theo kháng chiến, viết báo, tham gia các đoàn văn nghệ đi khắp nơi từ liên khu ba, khu bốn đến chiến khu Việt Bắc.
Năm 1951 Mai Thảo bỏ kháng chiến về thành, đi buôn, rồi di cư vào Nam năm 54.
Bắt đầu viết truyện ngắn cho các báo Dân Chủ, Lửa Việt, Người Việt.
Chủ trương báo Sáng Tạo (1956) Nghệ Thuật (1965) Văn (1974).
Tham gia các chương trình văn học nghệ thuật trên các đài phát thanh tại Sài Gòn từ 1960 đến 1975.
Ngày 4/2/77 Mai Thảo vượt biên đến đảo Pulau Besar, Mã Lai sau 7 ngày đêm lênh đênh trên biển, và đến Hoa Kỳ đầu năm 1978.
Tháng 7/1982 ông tái bản tạp chí Văn và làm Chủ biên 14 năm đến 1996, sau đó trao lại cho nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng vì lý do sức khỏe.
Ông qua đời vào ngày 10/01/1998 tại California.
Hưởng thọ 71 tuổi.
Sinh thời, Mai Thảo (cùng với Duyên Anh, Nhã Ca) là người viết nhanh, đều tay và có nhiều sách xuất bản nhất.
Không dưới 50 tựa sách đã ra đời sau Đêm Giã Từ Hà Nội viết năm 55.
Ông cũng là người khám phá và giới thiệu những tác phẩm, tác giả lẫy lừng sau này như Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sĩ, Dương Nghiễm Mậu v.v... và được mệnh danh là "vua tiểu thuyết" của Văn học Miền Nam trước 75.
(theo Thụy Khuê và Wikipedia)