Mở đầu

MỤC LỤC
Mở đầu
Chương 17: Thư gửi cha, thư  gửi Ngân và vài lá thư khác 
Chương 25: Lộ diện
Chương 26: Vượt Trường Châu
Chương 27: Cờ thiêng vùng vẫy
Chương 28: Lửa cháy chân thành
Chương 29: Sau giữ là đến phá
Chương 30: Đất thánh lưu danh
Chương 31: Kết thúc một hành trình
Lời giao ước
MỞ ĐẦU
Hà Nội, đêm mùng 2 tháng 9 năm 2005 im lặng và oi ả, tôi đặt lưng xuống giường trong cảm giác bải hoải toàn thân. Cơn buồn ngủ cùng sự êm đềm. Tích tắc, tích tắc...
Tiếng bước chân quyện trên đường, như dòng nước chảy dồn về một hướng. Tôi đang mơ về buổi mít tinh ban sáng, chắc rồi vì tiếng cười, tiếng nói râm ran. Có ai đó vỗ vào vai tôi và ai đó hát lên lanh lảnh “Em yêu bầu trời xanh, yêu bầu trời nước Việt. Em yêu nụ cười anh, nụ cười người trai Việt”. Nụ cười thân thuộc, nhưng có gì khang khác. Tôi ở đây nhưng cũng có gì khang khác. Tôi đang đi trên con đường đất bằng một đôi giày vải, mặc cái quần vải cứng màu nâu, cái áo không dài, không ngắn cũng màu nâu, mang một nụ cười rạng rỡ. Bên cạnh là dăm bác phu mạnh mẽ, mấy bà buôn vội vàng, ba cụ già râu tóc bạc khoan thai, các cô cậu trẻ trung kèm em nhỏ tung tăng và hai văn nhân ung dung rảo bước. Phía trước chật cứng người, phía sau chật cứng người, ta đi như bị đẩy. Cuộc diễu hành dài cả dặm. Khi những người phía trước dừng bước, những người phía sau nhanh chóng tản ra chọn cho mình một chỗ đứng thích hợp, đoàn chúng tôi tìm được một gò đất. Văn nhân bên trái mở đầu:
- Sắp đến giờ Tỵ rồi.
Văn nhân bên phải tiếp:
- Thật tuyệt vời! Tôi mong chờ thời khắc này lâu lắm rồi. Lúc đến lại tưởng còn mơ.
Ba ông già gật gù vuốt râu, mấy người kia cũng tỏ vẻ cảm thán. Riêng tôi chẳng hiểu gì. Chúng tôi đang đứng trước một bức tường thành cao hơn hai trượng có cổng gỗ sơn đỏ mở toang, trông mồn một những hàng quân nai nịt chỉnh tề. Bên trong thành cũng người người tấp nập, tất thảy đều đang chờ đợi một điều trọng đại sắp diễn ra.
Tùng, tùng, tùng, tùng...
Trống từng hồi mạnh mẽ. Có lẽ là trống trận bởi tiếng vang như sấm.
Tiếng trống ngưng. Trên mặt thành xuất hiện đoàn người ăn mặc theo kiểu tướng lĩnh, xếp thành hàng ngang và người đứng giữa trang trọng bước lên. Không gian bỗng dưng im bặt tựa như thần đất mở chiếc túi lớn của mình, hút hết tiếng ồn ào vào trong. Tôi nhẩn nha quan sát người trên thành. Ông ta tuổi độ năm mươi, vẻ mặt cương nghị, râu ba chòm, dáng người tầm thước, mặc áo chẽn màu vàng, vai khoác tấm bào đỏ, sườn đeo kiếm lệnh. Tôi cảm giác khí chất thủ lĩnh toát ra từ con người này.
Tùng, tùng, tùng...
Trống đánh một hồi.
Người thủ lĩnh ngưng thần. Bao lấy ông là những ánh mắt hướng lên biết ơn và chờ đợi trong, sự hạnh phúc của tự do, niềm mơ ước bấy lâu theo đuổi. Ông cất giọng sang sảng:
 “Kính thưa các vị phụ lão, thưa bà con dân chúng và anh em binh sĩ.
Tất cả chúng ta là người Việt, thuộc dòng giống Con Rồng Cháu Tiên của Mẹ âu Cơ và Cha Lạc Long Quân.
Tổ quốc chúng ta là nước Nam, giang sơn trọn vẹn nhờ công lao tiên tổ Hùng Vương dựng lên và nhiều đời sau tiếp nối.
Người Việt nước Nam luôn sống thân thiện, nhân ái, yêu quê hương, yêu hòa bình
Người dân nước nào cũng thế, cùng chung lẽ an cư lạc nghiệp, chung bầu trời xanh,  chung dòng nước mát.
Duy chỉ có những kẻ cầm quyền phương Bắc, mắt mờ bởi đất đai, máu sôi vì vàng ngọc cho nên tham vọng tràn non mà dã tâm ngập bể.
Chúng xua đoàn quân hiếu chiến hòng cướp gọn nước ta, chém bao đầu rơi máu chảy
Chúng rải vó ngựa xâm lăng quyết đè bẹp dân ta, xéo từng gốc cây ngọn cỏ.
Chúng di người Hán ở lẫn nơi đây, lấy vợ Việt nhằm đồng hoá người Việt
Chúng cắt đất chia phần, đặt quan cai trị, biến nước Nam thành châu, thành huyện.
Chúng vơ vét của cải, đặt thuế tầm sưu, làm khắp nơi toàn xác không bình rỗng
Chúng giết người yêu nước, huỷ diệt lòng trung, khiến trẻ con phải mất cha mất mẹ.
Ôi tang thương, buồn bã, đau đớn, căm thù.
Một ngàn năm tối tăm, một ngàn năm rực lửa.
Xưa.
Lửa cháy rực trong mắt Trưng Nữ Vương, Triệu Trinh Nương đốt tan xác cướp Đông Hán, giặc Đông Ngô. Thanh thiên phán là ngàn năm có một!
Lửa bùng lên trên tay Lý Nam Đế, Bố Cái Vương thiêu tàn hồn quỷ nhà Lương, ma nhà Đường. Hoàng địa ca rằng muôn thuở không hai!
Triệu Việt Vương bền gan phục quốc, Dạ Trạch đầm sông Hồng tụ nghĩa.
Mai Hắc Đế nóng ruột cứu dân, Vạn An thành núi Đụn cất quân.
Lửa sáng ngời người nước Nam trung liệt.
Lửa diệt phăng kẻ đất Bắc tham tàn.
Nay.
Lưu Cung hoang tưởng, Nam Hán hung hăng.
Khúc gia suy vong, Đại La thất thủ.
Tám năm ròng có lẻ, mặt trời lặn phủ mờ lẽ sống
Hàng vạn người còn thiếu,  màn đêm buông rợp bóng oan hồn
Bắt phu, bắt lính, bắt tất cả những gì có thể, làm đầy lên đáy túi vô thiên 
Giết trẻ giết già, giết hoàn toàn ai người chống đối, vét cạn đi ý niệm sinh tồn. 
Tưởng đập tắt ngọn lửa tranh đấu
Hòng rửa trôi ý chí quật cường.
Đời loạn lạc lầm than, nhà tan hoang trống trải.
Nhưng.
Đốt gốc tre, măng non vẫn mọc
Xé tổ chim, trứng vẫn thành hình.
Lòng đồng lòng, nhất dạ dấy binh
Người bên người kết thành sóng cả.
Từng đợt, từng đợt, sóng nghĩa quân ào ạt, nhấn chìm quân giặc dưới đáy biển sâu
Dạt dào, dạt dào, cờ khởi nghĩa tung bay, quét sạch mây đen trên cao trời sáng.
Tôi, Dương Đình Nghệ, đứa con ái Châu, đâu dám sánh với bậc anh hùng, chỉ muốn cùng anh em lao tâm dốc sức, quyết hi sinh giành độc lập giang sơn.
Đây, Đại La thành, trái tim đất Việt, sẽ đứng vững đến muôn ngàn đời, cứ mặc cho bão giông thét gào tàn phá, đập mãnh liệt lời thống nhất non sông.
Ta kết thúc ngàn năm Bắc thuộc, sống cuộc đời hạnh phúc ấm no.
Ta huỷ bỏ sợi dây ràng buộc, bước con đường thông thoáng  tự do.
Thưa toàn thể: quá khứ đã qua, tương lai vừa tới.”
Dương nguyên soái vừa dứt lời, tiếng hò reo vang dội.
Tùng, tùng, tùng, tùng...
Hàng quân trong thành tách làm đôi để cho đội áo vàng thắt lưng đỏ từ đằng sau tiến đến, lần lượt từng người một. Khi cách cổng chừng hai chục trượng, họ chuyển bên trái, vẫn đều bước. Tiếng chân cao dần, chứng tỏ có những bậc đá lớn dựa lưng vào thành. Mất vài khắc, người lính đầu tiên lên tới mặt thành, anh nối vào hàng người đang đứng sẵn. Cả đoàn quân dừng bước, họ tạo ra một sợi dây nối từ dưới lên trên, nối đất với thành, nối chúng dân với lãnh tụ.
Tùng, tùng, tùng...
Đoàn quân xoay dọc người theo tiếng trống lệnh. Lúc này ai cũng thấy người lính cuối hàng, hai tay giữ một lá cờ lớn, đỏ rực rỡ.
Tùng, tùng, tùng, tùng.
Trống đánh liên thanh, cờ bay phần phật, chuyển từ tay người sau lên tay người trước, lướt qua những ánh mắt nhìn. Bóng cờ vẽ nên hình con rồng uốn khúc bay cao. Hết tay người lính đến tay tướng lĩnh, vào sinh ra tử không sờn, đều xao xuyến tự hào khi nhận được niềm vinh hạnh lớn lao. Lá cờ dừng lại nơi đầu rồng, vị trí của một tướng trẻ, tuổi ngoài ba mươi, khôi ngô tuấn tú, dáng vóc lạ thường.
- Ngô Quyền ở Đường Lâm. V ăn nhân bên phải thốt lên.
- Dáng đi như cọp, uy thế tựa rồng. V ăn nhân bên trái tấm tắc.
Tiếng trống ngưng, tiếng người im bặt, Ngô Quyền dõng dạc bước lên, trân trọng dâng lá cờ, Dương Đình Nghệ đón lấy vững vàng cắm vào ụ. Gió thổi rất mạnh, mọi người đều nín thở, cán cờ vẫn thẳng tắp không lung lay. Lá cờ bay phần phật trong gió. Gió càng mạnh cờ càng tung. Chữ Việt in đậm trên nền trời đỏ. Tiếng hò reo vang dậy núi sông.
Văn nhân bên trái cúi xuống nhặt một tảng đất trên gò, tảng đất bám đầy cỏ xanh, miệng lẩm bẩm hai chữ Đất thánh. V ăn nhân bên phải lặng người ngắm lá Cờ thiêng.
Tôi giật mình tỉnh giấc.
Lịch sử Việt Nam gần một ngàn năm Bắc thuộc, người phương Bắc biến nước thành châu, đặt là Giao Châu (trừ đời Lý Nam Đế tên nước là Vạn Xuân). Năm 618, nhà Đường làm chủ Trung Hoa thay nhà Tùy đã cai trị Giao Châu cay nghiệt nhất trong các chính quyền đô hộ, vơ vét hết sản vật quý giá đem về phương Bắc
Năm 767, Phùng Hưng người xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây) khởi binh đánh thành, giành độc lập cho đất nước. Phùng Hưng trị vì được bảy năm thì mất. Dân chúng vô cùng thương tiếc, tôn ông là Bố Cái Đại Vương, "Bố" có nghĩa là cha, "Cái" có nghĩa là mẹ, ví công ơn của Phùng Hưng đối với Tổ quốc như công ơn của cha mẹ đối với con cái. Sau khi Phùng Hưng mất, con trai Phùng An lên nối nghiệp nhưng nội bộ bất hòa, ngoại bang dòm ngó. Chẳng bao lâu, nhà Đường sai Triệu Xương đem quân sang, vừa đánh vừa chiêu dụ. Thấy thế không chống được, Phùng An phải đầu hàng. Xứ Giao Châu lại lệ thuộc nhà Đường lần nữa kéo theo gần trăm năm vô cùng đen tối.
Quân Nam Chiếu lợi dụng sự bất lực của nhà Đường sang quấy nhiễu cướp bóc đất Giao Châu, dân chúng sống trong cảnh khổ cực, lầm than. Đến năm 865, nhà Đường sai Cao Biền sang đánh dẹp. Đánh suốt hai năm trời trên đất Giao Châu, Cao Biền mới diệt được quân Nam Chiếu. Cao Biền được phong làm Tiết độ sứ đã cho xây thành Đại La ở bên bờ sông Tô Lịch. Q
Nhà Đường phân ranh giới các châu huyện để dễ bề quản lý: An Nam đô hộ phủ đặt trên đất Giao Châu lấy thành Đại La làm tâm (ngày nay là Hà Nội và các vùng lân cận), Phong Châu (vùng xung quanh ngã ba Bạch Hạc, phần dưới các thung lũng sông Chảy, sông Đà, sông Lô), Trường Châu (đoán ở Ninh Bình), ái Châu (Thanh Hoá), Diễn Châu và Hoan Châu (Nghệ An)..
Năm 906, lợi dụng thời cơ nhà Đường suy yếu, Khúc Thừa Dụ hào trưởng đất Chu Diên, Giao Châu (sau là Hồng Châu, nay thuộc Hải Dương) nổi lên tự xưng là Tiết độ sứ xây dựng chính quyền tự chủ, nhà Đương không khống chế được đành chấp nhận. Cùng lúc, Tiết độ sứ Lưu Nham cũng cát cứ lập ra nước Nam Hán tại Quảng Châu, phủ trị là Phiên Ngung. 
Họ Khúc duy trì đến đời thứ ba thì suy. Năm 923 vua Nam Hán bấy giờ là Lưu Cung, lấy cớ Khúc Thừa Mỹ, cháu nội Khúc Thừa Dụ bỏ giao hiếu với mình quay sang thuần phục nhà Lương, cho quân đến đánh Giao Châu và bắt Thừa Mỹ về nước. Lưu Cung cử Lý Tiến là thứ sử Giao Châu, Lê Khắc Chinh đem binh chiếm giữ, thống trị nước ta.
Dương Đình Nghệ người làng Ràng (Dương Xá), ái Châu, từng là nha tướng của họ Khúc, lập cứ mộ binh tiến hành nổi dậy. Đầu năm 931, quân khởi nghĩa hạ thành Đại La, Lý Tiến bỏ trốn rồi bị giết, Trần Bảo mang viện binh đến cũng rơi đầu. Dương Đình Nghệ nối nghiệp Khúc gia cắt đứt mọi ràng buộc với phương Bắc, khởi đầu nền độc lập nước nhà.
Buổi lễ chúng ta vừa theo dõi chính là buổi lễ khải hoàn đất Việt, khôi phục nước Nam, chấm dứt cả ngàn năm Bắc thuộc. Dương Nguyên soái cùng binh sĩ dựa vào nhân dân đã trải qua một chặng đường gian khổ, vượt bao đắng cay, vất vả để lại rất nhiều mồ hôi, máu và nước mắt đến đích vinh quang.
Cuốn tiểu thuyết coi như một bản “Ngoại sử tân thanh” này được bắt đầu năm 929 (năm Kỷ Sửu) khi tấm màn đen u tối đã che phủ trời Nam khá lâu, vạn vật  mịt mờ dù đã xuất hiện những vầng sáng nhỏ đang  tìm cách tụ lại. Truyện viết về cuộc chiến tuyệt vời của những con người dũng cảm nhằm giành lại ánh sáng mặt trời. Sẽ có bạn không mấy tin tưởng khi đọc nhiều đoạn mang nặng tính hư cấu. Mong các bạn chia sẻ quan điểm với tôi rằng quá khứ đã có thể diễn ra như vậy nhưng sử sách chưa kịp chiếu cố đến. Hay cũng sẽ có bạn cảm thấy băn khoăn khi ngôn ngữ, tình tiết trong truyện tương đối  hiện đại. Rất  mong các bạn hiểu chủ đích của tác giả là cố gắng thể hiện sự hiện đại đặt trên nền móng quá khứ, con người càng văn minh đồng nghĩa càng hướng về nguồn cội. Tâm hồn Việt dẫu mang tấm áo cũ hay mới, vẫn thuỷ chung trước sau như một.
Và vài vấn đề khác nữa chúng ta sẽ giải quyết dần dần.
Còn bây giờ khi mọi sự chuẩn bị đã kết thúc, tôi xin mời các bạn cùng bước ngay vào cuộc hành trình