Bà Tú My ra về mà khuôn mặt còn đượm nét hân hoan. Bà không ngờ giữa bà và bà Hạnh Hoa lại có nhiều điểm tương đồng như thế. Nhìn mẹ tủm tỉm cười mãi, Trường Huy hiểu mẹ đang tâm đắc việc gì đó, và chỉ ít phút nữa thôi, anh sẽ được bật mí. Anh đoán không sai. Chỉ một lát sau, mẹ anh đã đến bên cạnh, thủ thỉ:− Trường Huy! Con rảnh chứ? Mẹ có chút việc muốn bàn cùng con.Gấp sách lại để hờ trên đùi, anh nắm bàn tay của mẹ cười, nói:− Có chuyện gì mẹ cứ dạy, con xin nghe.− Thế tôi có được góp ý kiến vào hay không đây, bà xã? – Ông Đăng Trình trêu vợ.− Nhà chỉ có ba người, dĩ nhiên ông cũng có quyền, còn bày đặt hỏi cơ cấu với tôi nữa sao? – Quay sang Trường Huy bà tiếp – Nhưng mọi quyết định vẫn tùy thuộc vào con đó, con trai ạ.− Chắc chắn con là nhân vật chính của câu chuyện mẹ sắp nói, phải không mẹ? - Trường Huy đùa.− Có chuyện chi mà tôi xem bà có vẻ trịnh trọng thế? - Thấy vợ có vẻ đăm chiêu ông Đăng Trình vừa sửa cặp kính vừa hỏi.− Sao không trịnh trọng cho được chứ, chuyện quan trọng cả đời người cơ mà. – Bà My mở đầu câu chuyện.− Chuyện quan trọng cả đời người? Chắc là việc hôn nhân của Trường Huy rồi. – Ông Đăng Trình có ý dò hỏi.− Ừ, thì chuyện đó đó. Trường Huy! Con nghĩ sao khi mẹ kiếm cho con một người vợ ngoan hiền, học vấn cao, lại con nhà đàng hoàng khá giả?− Cho con? Trường Huy sửng sốt hỏi – Nhưng…− Chị Hạnh Hoa đã ngỏ lời muốn kết tình sui gia với ba mẹ. Ý của mẹ cũng thế. Mẹ nghĩ thời buổi này, kiếm đâu một người như Uyển Nhi. Hai nhà ta làm sui với nhau thì thật môn đăng hộ đối lại thắt chặt thêm tình nghĩa bao năm nay. Chị Hạnh Hoa cho biết Uyển Nhi chưa có người yêu, còn con thì vẫn mải mê công việc. Hơn nữa, hai đứa thân nhau từ bé thì tình cảm có thừa. Việc tiến đến hôn nhân cũng thuận tiện, nên mẹ…− Nên mẹ, nhận lời? - Trường Huy hoảng hốt hỏi lại.− Mẹ chỉ nói rất mừng nếu như hai đứa thành vợ chồng, nhưng vẫn chờ ý kiến của con và Uyển Nhi. Thế ý con sao Trường Huy?Không trả lời thẳng câu hỏi của mẹ, anh quay sang ba mình, hỏi:− Ba nghĩ sao về việc này? Ba có đồng tình việc con với Uyển Nhi không?Ông Đăng Trình mỉm cười trấn an con trai, rồi nói:− Con thừa hiểu tính ba rất bình đẳng, dân chủ nhất là việc này. Hôn nhân là do con chọn lựa, quyết định, ba không có ý xen vào. Nhưng ba chỉ có câu này muốn nói với con. Con quen ai cưới ai, ba cũng đứng về phía con, miễn sao giữa chúng con có tình yêu chân chính và thật lòng với nhau. Giàu – nghèo với ba không thành vấn đề, điều cốt yếu là con có hạnh phúc bên người đó hay không.Quay sang mẹ, anh tiếp:− Thế còn mẹ? Mẹ có buồn có giận con không khi con nói với mẹ rằng con không thể cưới Uyển Nhi theo ý của mẹ và bác Hạnh Hoa?− Nghĩa là… con chối từ việc hôn nhân này? – Bà My ngập ngừng hỏi.− Vâng, giữa con và Uyển Nhi chỉ có tình anh em chứ không bao giờ tồn tại tình yêu bây giờ và mãi mãi về sau.− Nhưng nếu Uyển Nhi nó có tình cảm với con thì sao? Con không thể để nó buồn được. – Bà My chống chế.− Chỉ vì mẹ sợ Uyển Nhi buồn mà bóp chết hạnh phúc tương lai con sao mẹ?− Trường Huy nói phải đó bà. Tình yêu không thể tồn tại từ một phía, hôn nhân càng không thể như thế được. Chẳng lẽ bà định ép duyên con mình ư?− Ồ không! Tôi chỉ hỏi thế thôi, mọi việc vẫn theo sự lựa chọn của con.Quay sang Huy, ông Trình hỏi:− Theo cách nói của con, ba chắc con đã tìm cho mình một nửa kia rồi.− Vâng, thưa ba mẹ. Chẳng những con đã có người yêu mà chúng con còn rất hạnh phúc, yêu thương nhau bằng cả trái tim chân thành. Chỉ còn chờ cô ấy tốt nghiệp ra trường là con sẽ dẫn về ra mắt ba mẹ, sẵn dịp mọi người làm quen nhau. Đợi cô ấy đi dạy vài năm, chúng con sẽ nhờ ba mẹ đứng ra tác hợp lương duyên.− Đi dạy? Bộ bạn gái con học sư phạm sao?− Dạ, học cùng ngành cùng lớp lại là bạn thân của Uyển Nhi.− Thì ra là vậy. – Bà My thở ra – Có lẽ Uyển Nhi cũng biết việc hai đứa yêu nhau.− Vâng, không những biết mà đôi khi chính con phải nhờ cô ấy làm vị cứu tinh cho mình nữa đấy ba mẹ. - Trường Huy cười tươi bước đến ôm vai mẹ - Chính vì lẽ đó, con mới dám khẳng định giữa con và Uyển Nhi chỉ tồn tại tình bạn, có tiến xa đi nữa cũng chỉ là anh em.− Thế bạn con là người như thế nào, gia cảnh ra sao? Con quen đã bao lâu rồi.− Chúng con quen nhau đã gần ba năm. Hoàn cảnh gia đình cô ấy thật đơn chiếc, đáng thương lắm ba mẹ ạ. Ba cô ấy mất đi do bệnh tim tái phát đột xuốt khi cơ nghiệp đang trong thời kỳ hưng thịnh, bỏ lại hai mẹ con trơ trọi trên trần đời. Mẹ cô ấy vốn không biết cách kinh doanh lại là người hay đau ốm, nên tài sản không những không tạo ra nguồn sinh lợi mà còn bị thua lỗ. Để nuôi cô ấy ăn học, bác gái phải buôn bán tảo tần sớm hôm. Cô ấy lớn lên trong hoàn cảnh ấy. Tên của bạn con gái con là Mai Nguyễn. Còn việc nhận xét về Mai Nguyễn, con xin nhường lại ba mẹ. Ba mẹ sẽ là vị giám khảo chính xác và công tâm nhất.Trường Huy rất khôn khéo khi đề cập đến vấn đề này. Vì nếu anh nói tốt cho Mai Nguyễn, khen cô ấy trước mặt mẹ mình sẽ làm giảm tình cảm của mẹ dành cho Mai Nguyễn. Như vậy, cô đã bị “tỳ vết” trong lòng mẹ anh, thì khó mà có diễn biến tốt đẹp cho cả hai người.Ông Đăng Trình gật đầu mỉm cười, thầm công nhận thằng con trai khôn ngoan. Biết tâm lý của mẹ và khéo léo trong cách cư xử giữa tình và hiếu.− Khi nào con cho mẹ gặp mặt bạn gái của con để mẹ còn nhận xét nữa chứ? – Bà My cũng đùa theo ý con - Chỉ cần xem bạn gái con ra sao, mẹ sẽ hiểu được quan niệm tình yêu và mẫu người lý tưởng của con. Mẹ mong rằng mẹ không bị thất vọng.− Bà phải tin tưởng ở con mình chứ. – Ông Đăng Trinh đỡ lời cho anh – Dù chưa tiếp xúc với bạn gái của con, nhưng tôi hiểu cô bé được Trường Huy chọn làm bạn đời chắc chắn phải là người hoàn hảo. Đối với tôi, đẹp xấu giàu nghèo không thành vấn đề. Điều mà tôi mong muốn là vợ chồng nó sống êm ấm, hạnh phúc, biết thương yêu chăm sóc lẫn nhau, cùng nhau lo tương lai… Ba nói đúng chứ con trai?Trường Huy không thốt nên lời, chỉ biết cầm tay ba siết mạnh như muốn cám ơn trước sự cảm thông, chia sẻ của ông. Bà Tú My cũng lặng im theo đuổi suy nghĩ riêng của mình, nhưng ai cũng thể hiện nét rạng ngời trên khuôn mặt.