TÔI ƠI ĐỪNG TUYỆT VỌNG *

Thảo Hiền ghé qua thăm tôi. Giọng nó nhẹ như không:
- Hôm qua tao thấy Nhật đi chơi với Midori
- Midori …
Tôi thẩn thờ nhắc lại. Đây là lần thứ bảy, tôi nghe câu nói này ở 7 lần khác nhau, 7 thời gian khác nhau, từ 7 người khác nhau. Trái tim tôi như bị vặn vẹo co buốt. Tôi cố không để ý đến, nhưng giọng nhỏ Thảo Hiền vẫn đều đều rót vào tai tôi và tôi không thể không lắng nghe:
- Tao gặp họ đi ăn kem Ý. Quán có máy lạnh, thật sang và cũng thật là tình tứ, ấm cúng.
Không nên khóc. Không được rớm nước mắt hoặc chớp mi trong lúc này. Phải tin rằng đó chỉ là tình bạn, loại tình bạn quốc tế, pha chút tình thầy trò vì Midori là cô giáo Nhật. Midori là một cô giáo dạy tiếng Nhật cho Nhật được hơn tháng nay. Người ngoại quốc thường tự nhiên mà Nhật luôn tỏ ra mình là người lịch sự. Không có chuyện gì xấu xảy ra giữ họ, tôi gượng gạo mỉm cười:
- Ờ, cô giáo với học trò mà, đã sao? Tụi bây lắm chuyện quá.
- Ửa, tao thấy vậy, chứ không dám lạm bàn. Nhưng nếu ở địa vị tao, tao không chấp nhận chuyện đó. Đi chơi vung vít. Nên để làm bổn phận đó với mày thì hơn. Vả lại, đi chơi với dân ngoại, tốn kém lắm. Mày thử xem, với mình, người Việt Nam, chỉ dám ngồi ở đầu đường, quán tạm. Học bổng có là bao, không dám dẫn nhau ra phố, sợ phải tốn tiền. Xem hát cũng nhịn, chiếu bóng 7 ngàn một vé, hai vé 14 ngàn. Thôi để dành cho có đủ tiền ăn tới tháng. vậy mà đưa nó đi vèo cái, mấy chục ngàn không tiếc. Vô lý và bất công.
Tôi chẳng phải là một kẻ hay nghe theo lời xúc xiểm, nhưng tôi vẫn thấy đau đớn một cách kỳ lạ. Nỗi đau không phải bắt nguồn từ những lời của Thảo Hiền mà từ một cảm nhận. Mấy tuần nay, tình yêu giữa tôi và Nhật nhạt hẳn đi. Nhật ít lui tới hỏi thăm, chăm nom tôi hoặc quan tâm đến cả việc tôi làm. Đưa đón cũng ít dần, viện cớ bận học thi. Tôi cũng đang học thi nên không nói gì, song mỗi chiều khi nhìn dòng người qua lại, từ trên lầu bốn ký túc xá, tôi bồn chồn, buồn bã và cảm thấy cô đơn vô cùng.
Thảo Hiền đi về từ lâu mà tôi vẫn còn đắm mình trong suy nghĩ. Ngày mai, tôi sẽ lựa lời nói với Nhật. Nhưng nói gì đây? Tình yêu đâu phải là sự trói buộc, thúc ép. Khi yêu nhau chẳng ai muốn làm người mình yêu buồn lòng. Còn nếu không còn yêu nhau, dù níu kéo đên đâu họ cũng dẫm lên lòng mình mà đi.
Đèn đường bật sáng. Dân ký túc xá đang sửa soạn nấu cơm chiều. Những chiếc bếp điện bắt lén làm cường độ dòng điện yếu hẳn khiến ánh sáng trở màu vàng vọt. Tôi ngồi im trên thành cửa sổ, tránh không nghĩ đến hiện tại. Hãy nhìn lên cao kia, nơi có những vì sao nhấp nháy và nhớ về tuổi thơ, về một đòng sông quê hương rất xa. Tôi mồ côi cả cha lẫn mẹ. Không có ai thân thiết trên đời để mà tâm sự. Dòng sông mường tượng từ sâu trong hồi ức. Và những vì sao trên rất cao kia là những người bạn thân thiết nhất mà tôi đã trút vào đó bao nỗi buồn vui thời con gái.
Tôi quen Nhật cách đây hai năm, khi mới bước chân vào Đại Học. Những đêm kèm trẻ trở về ký túc xá, Nhật đã theo tôi cần mẫn, đón đưa. Tôi yêu Nhật bởi tính chân thật, nồng nàn của anh. Tôi không đẹp, lại nghèo. Vừa học vừa làm, vật lộn vì sinh kế, tôi đã mất đi những ham muốn vật chất mà bao người con gái khác đồng trang lứa ưa thích. Thay vào đó, tôi đòi hỏi nhiều về tinh thần và trân trọng đến thờ phụng loại tình cảm cao cả phi vật chất, cái tâm của sự vật, của tình yêu.
Nhưng giờ đây, tôi như linh tính thấy mình đang mất dần những điều quí giá nhất. Tôi phải làm gì đây? Những ngôi sao vẫn hoài thinh lặng.
Ngày hôm sau, tôi chỉ gặp Nhật một lần vào buổi sáng ở giảng đường B. Anh hỏi nhẹ:
- Linh ăn sáng chưa? Hôm nay anh mời cô Midori, Linh có cùng đi không?
Tôi nghẹn ngào:
- Cám ơn Nhật. Em có giờ sớm.
Họ đi rồi, tôi thấy mình no ngấy cả lòng. Sao Nhật không đến với tôi. Chỉ cần một cái siết tay, tôi cũng vơi bớt những muộn phiền. Chỉ với một lời chăm sóc, tôi đủ niềm tin rằng tình yêu vẫn còn đó. Nhưng không, Nhật trở nên xa lạ vô cùng.
- Hôm kia, tụi tao gặp cặp đó ở Bưu điện. Thầy trò gì mà khi nào cũng thấy kè kè. Hình như anh chàng đó là bồ con Linh ở lớp thực vật I đó.
Câu nói tình cờ của ai đó đàng sau nghe như muối xát. Tôi đi như chạy ra khỏi sân giảng đường, hướng về khu rừng đót, liệng người vào chiếc ghế đá khuất sau hàng chè tàu, một người đàn ông đang ngồi ở đó, đứng bật dậy,tròn mắt ngạc nhiên nhìn tôi.
Không quen biểu lộ tình cảm của mình trước người khác, tôi nén lòng lau nước mắt, cúi đầu vào tập “cua” cầm trên tay.
- Không có chuyện buồn nào không vơi được. Cố gắng lên cô bé ạ.
Tôi bực mình xẳng giọng:
- Tôi có quyền. Tôi đã là sinh viên chứ không phải là một cô bé đâu.
Người đàn ông hơi bĩu môi:
- Vâng, một cô bé có nỗi đau của người lớn. À, mà không phải, một người lớn có nỗi buồn của đứa trẻ.
Vậy là quá lắm rồi. Không nhịn được tôi cau mặt:
- Ông chỉ là một người không quen biết. Tôi không nhất thiết phải nói chuyện với ông đâu.
Người đàn ông mỉm cười:
- Tính tình cô vẫn như vậy. Không thay đổi chút nào. Cô còn nhớ tôi không?
Nở nang, tươi cười, người đàn ông đứng dậy, vòng qua bên chỗ tôi, chờ đợi.
Tôi ngạc nhiên lặng nhìn dò xét. Một gương mặt rất lạ và cũng rất quen. Anh ta không lớn tuổi quá như tôi tưởng mà hình như vẫn còn rất trẻ. Chỉ vì bề ngoài cao ráo và hàng ria mép đen sẫm khiến anh ta trông chửng chạc mà thôi. Tôi thấy tự tin hơn nên nói luôn:
- Ông làm như đã biết tôi rồi. Còn tôi, chưa bao giờ từng thấy ông trên đời.
Anh ta vẫn cười kiên nhẫn:
- Cô cứng đầu lắm, nhưng tôi biết là cô rất yếu đuối, dễ động lòng. Bằng cớ là …
Tôi đỏ mặt:
- Ông bất lịch sự lắm.
Người đàn ông không cười,nghiêm mặt hỏi:
- Mẹ cô có khoẻ không, rất lâu rồi, tôi không về …
Tôi cố hình dung gương mặt này đã gặp lần nào chưa nhưng đành chịu, trong khi người đàn ông vẫn tiếp tục nói. Hình như anh ta đang nhớ lại chứ không phải đang nói.
- Tôi còn ở Việt Nam khi cô được 13 tuổi. Nhà cô ở bên cạnh Cầu Vồng. Nơi mà trưa nào trước khi đến trường cô vẫn thường dừng lại, cởi chiếc khăn quàng đỏ để đựng những bông hoa ngũ sắc hái ở ven đường tàu, rồi vừa đi vừa mút.
Đúng là tôi của những năm ấy. Nghèo khổ, ít bạn. Tôi đi học lặng lẽ và chỉ đánh bạn với những chùm ngũ sắc rực rỡ, có trái chín đen tím sẫm ngọt ngào gói trong chiếc khăn quàng. Anh ta là ai. Tôi lục tìm trong trí nhớ.
- Tôi học ở Phan Chu Trinh. Lớp cuối cùng. Nhà ở mé dưới gầm cầu. Tôi cũng sống khổ, sống nghèo với mẹ mình, người đã từng buôn bán như má cô vậy.
Tôi buột miệng:
- A, anh Đạt. Đúng rồi.
Hình ảnh một học sinh lớp lớn, thường đứng kéo cờ mỗi lần vào lớp. Đã có lần anh ấy đỡ tôi khi tôi bị ngã, sắp lăn cù xuống dốc cầu vì tham chùm trái chín.
- Anh lạ quá, khác xưa quá, làm sao tôi nhận ra. Bây giờ …
Anh mỉm cười và lập lại câu hỏi về mẹ tôi. Tôi nghẹn ngào báo:
- Mẹ đã chết lâu rồi. Chỉ còn một mình tôi đang cố vươn lên, nhoài người để hái chùm trái chín. Và tôi đang muốn ngã đây.
Tôi chua chát buột miệng khi chợt nhớ lại Nhật. Nỗi buồn lại trở về cắn xé lòng tôi. Tôi chỉ muốn ngồi một mình.
- Anh mời cô đi uống nước. Gần thôi, bên kia đường. Lâu ngày gặp người quen mừng quá. Anh trở về để định hướng cho một công việc lâu dài ở Việt Nam. Bỏ cấm vận rồi. Anh chẳng muốn lưu lạc mãi ở xứ người. Bố mẹ đã mất ở bển. Vợ con chẳng có. Phải trở về thôi. Bên đó cô đơn lắm.
Tôi nhếch mép:
- Ai mà chẳng có lúc buồn nản. Cuộc sống vẫn vậy.
- Vậy mà có người lại khóc. Nào qua đây, cô hàng xóm, uống một chút nước mừng ngày gặp mặt.
Nhờ buổi gặp gỡ ấy, lòng tôi dịu được đôi phần. Tôi trở về giảng đường học nốt tiết học cuối. Khi trở về ký túc xá, tôi thấy Nhật đang đứng chờ ở cổâng. Tôi cười lạt lẽo:
- Ủa anh tới Linh hồi nào vậy?
Nhật cười:
- Mới 5 phút. Đưa cô giáo về xong, anh ghé đây. Sáng nay cô ấy mời anh đi ăn cơm, rồi sau đó ăn kem. Trễ giờ học, anh đưa cô ấy đi chơi lòng vòng cho hết chiều thứ bảy. Tội nghiệp, cô ấy xa nhà, mẹ ít thư từ, điện thoại, nên cô ấy nhớ nhà.
Tôi thẫn thờ:
- Vâng.
Trong tôi có tiếng nói thứ hai. Tôi mồ côi bươn chải. Chẳng bao giờ được tâm sự cùng ai. Ai là người sẽ để ý và hỏi tôi, tại sao em buồn vậy? Hoặc giả chạnh lòng, đưa tôi đi dạo với sự trìu mến để bù đắp những điều kém may mắn mà tôi đã chịu đựng âm thầm. Không, Nhật, người yêu tôi đứng đó, vẫn dửng dưng với nỗi buồn của tôi và đang thương xót cho một hình ảnh đẹp đẽ rực rỡ khác. Tôi lạnh người, lòng tê tái hoá đông như một tượng đá giả. Nhật ngồi đó, nhớ đến người con gái khác.
Tôi không còn là tôi nữa, trong những ngày này. Thỉnh thoảng, anh Đạt có ghé thăm tôi. Chúng tôi lại trao đổi với nhau về những năm tháng trẻ thơ. Tôi khám phá ra rằng Đạt không thể quên những tháng ngày đó. Và cả tôi cũng vậy. Lòng tôi được an ủi rất nhiều. Cho đến một hôm, Đạt đến, mời tôi đi ăn chè và từ giã:
- Ngày mốt, anh sẽ trở lại Mỹ. Chắc phải một thời gian dài nữa anh mới trở lại Việt Nam. Chả biết lúc ấy, em có còn như bây giờ không? Ra trường, phiêu bạt phương nào.
Tôi nói:
- Anh đi rồi, em chả còn ai để mà nhớ về cái tuổi thơ khốn khó của mình.
Đạt cười:
- Người yêu em sẽ làm việc đó. Phải vậy thôi.
- Anh ấy không yêu em như em nghĩ. Chắc chắn như vậy. Nhưng có đúng như vậy không hở anh Đạt?
Đạt cười khó hiểu, tay anh vỗ nhẹ lên tay tôi:
- Nhật vẫn còn yêu em. Một người như em không thể ai cũng quên dễ dàng đâu. Em cứ đứng vững ở vị trí của mình, tình yêu nhiều khi cần phải biết chờ đợi. Các bóng sắc và nỗi đam mê thường chóng lụi tàn.
Tôi rơm rớm nước mắt:
- Không biết em có chờ đợi được không? Em đuối sức và đau khổ quá rồi. Em không muốn buộc chân ai cả. Em chỉ mong anh ấy sẽ vì tình yêu với em mà trói buộc chân mình.
Đạt lắc đầu:
- Giá như anh là Nhật … mà thôi, đó chỉ là mong ước không thể thành. Anh cũng như em đều chỉ muốn sở hữu những gì thích đến với mình. Hồi còn đi học, anh nhìn em mà mường tượng đến tương lai của mình. Nào ngờ,… cuộc sống thay đổi tất cả. Giờ gặp lại, với những cảm tình của anh dành cho em, anh chỉ biết tha thiết yêu cầu em hãy hy vọng và vui sống. Mai kia khi trở lại Việt Nam, anh muốn nhìn thấy gương mặt của em hạnh phúc, thành đạt. Hãy hứa với anh đi. Cô bé láng giềng của tôi.
Tôi nhìn anh ngỡ ngàng. Tôi chưa hề nghĩ đến chuyện đó. Nhưng đồng thời trong tôi dấy lên lòng biết ơn vô hạn. Vâng, anh nói đúng, cái tình yêu trong trẻo, đẹp đẽ không bao giờ mất được trong cuộc sống. Chỉ có con người tự làm mờ đi tình yêu của chính mình bởi những sắc mây cầu vồng, tuy rực rỡ mà là ảo ảnh. Tình yêu thực sự sẽ tồn tại và vững vàng cùng năm tháng. Hãy tin đi, hỡi tôi,cô bé nhỏ khốn khổ. Tình yêu và tấm lòng chân sẽ thắp sáng tâm hồn tôi cho đến cuối cuộc đời.
KIM HÀI.