Dịch giả: Phạm Cao Tùng
Phần II - Chương 1
TÂM LÝ ĐỘNG


GUỒNG MÁY CỦA TÂM NÃO

Trong những chương vừa qua, chúng tôi đã định nghĩa cá tính con người, đã vạch rõ cái cơ cấu và những thành phần của nó. Có thể xem những bẩm chất căn bản của tâm tính và tâm trí là những cơ quan tinh thần của tâm não cũng như tim, gan, phổi, là những cơ quan của thân thể. Đó là chúng ta mới xét về phần tâm lý tĩnh.
Bây giờ chúng ta hãy thử nghiên cứu về cách vận dụng của những cơ quan ấy, tức là nghiên cứu về những cách phát lộ của cá tính, về cái “động” của nó, tức là phần tâm lý động.
Nói tóm lại, chúng ta xét xem bằng cách nào và do then máy nào khiến chúng ta hành động.
 
Cái chu kỳ tâm lý:
Nói một cách khác, bằng cách nào những tư tưởng chúng ta đặng thành lập và biến thành những tác động?
Sự diễn tiến của những tư tưởng từ lúc chúng mới phát sinh cái chung cuộc thông thường của chúng là một tác động, người ta gọi là chu kỳ tâm lý.
Chu kỳ này khởi đầu bằng một tri giác hoặc một hồi tưởng rút trong trí nhớ. Ký ức và hồi tưởng khác nhau: ký ức là hình ảnh đặng ghi kỹ vào trí nhớ, hồi tưởng là ký ức phát hiện trở lại trong trí óc. Ký ức là phim ảnh, hồi tưởng là việc chiếu lại phim ảnh ấy trên màn hình.
Nhưng dù khởi đầu bằng tri giác hay một hồi tưởng điều ấy cũng không quan hệ đến sự diễn tiến của chu kỳ, vì thực ra hồi tưởng chỉ là sự hồi xuân của một tri giác cũ.
Cái ấn tượng, cái hình ảnh do tri giác hoặc do hồi tưởng ấy gợi ra sẽ gây một phản động làm vận dụng một trong những bẩm chất của cá tính chúng ta; cảm xúc tính. Sự phản động thuộc cảm xúc này có hai phương diện: một thuộc về cảm tính tức là thuộc về cái cảm xúc ấy, và một thuộc về thể chất dưới hình thức của những phản ứng sinh lý.
Lúc bấy giờ, trí tưởng tựơng mới ra tuồng, chụp lấy cái cảm xúc phản ứng ấy, góp nhặt những hình ảnh rút trong cảm xúc và trong trí nhớ rồi dựng nên một truy tưởng.
Tiếp theo sự truy tưởng là một phát hiện thuộc cảm tính và hoạt động tính: tình cảm, do sự vận dụng của những bẩm chất khác: tham muốn, óc hợp đoàn, lòng nhân. Đồng thời và song song, trên địa hạt thể chất người ta nhận thấy sự phát hiện một khí sắc tức là một trạng thái đặc biệt của sức căng của gân thịt mà ở sau đây chúng tôi sẽ có dịp nói đến.
Tình trạng ấy sẽ tồn tại trong một thời gian dài hay ngắn cho đến lúc óc phán đoán xen vào để ước lượng. Nó sẽ đối chiếu biến cố hiện tại với những ký ức và với toàn diện của cá tính tập thành để tạo ra một ý kiến về biến cố này và sau rốt, sẽ quyết định để đi đến một tác động.
Bảng lược đồ dưới đây tóm luận một chu kỳ tâm lý đầy đủ:
 
Như chúng ta thấy, một chu kỳ tâm lý đầy đủ vận dụng toàn diện cá tính chúng ta từ thể chất đến tinh thần. Vì thế người ta thường nói “thể chất ảnh hưởng đến tinh thần và ngược lại”.
Cái chu kỳ tâm lý là sự hòa trộn những biểu thị, những biểu hiện và những biểu lộ.
Tất cả những bẩm chất căn bản mà chúng tôi đã nói đều có dự phần vào và có ảnh hưởng ít nhiều.
 
Một vài thí dụ:
 Một vài thí dụ diễn ra sau đây sẽ giúp quý bạn hiểu rõ sự diễn tiến của những chu kỳ tâm lý.
Chúng ta đang đi ngoài đường, một tiếng vang “ầm” làm chúng ta ngoái cổ lại nhìn. Hai chiếc ô tô vừa đụng nhau. Sự nhận thức tiếng kêu “ầm” ấy gợi ra cho chúng ta một cảm xúc trên địa hạt tình cảm và đồng thời gây ra những phản ứng trên địa hạt thể chất (tự nhiên chúng ta đâm ra tái mặt, nói không ra lời).
Trí tưởng tượng liền xen vào, chúng ta truy tưởng rút trong ký ức để nhớ lại những vụ tai nạn tương tự mà chúng ta đã đặng chứng kiến, hoặc chúng ta thấy kể trên báo. Chúng ta nhớ đến những thân thể bị đè bẹp, những cánh tay gãy, những mảnh óc văng ra, những máu me đầm đìa. Việc truy tưởng này gợi ra một tình cảm sợ sệt và một khí sắc lo âu, sợ hãi.
Lúc bấy giờ óc phán đoán lại xen vào để ước lượng biến cố vừa xảy ra. Có lẽ tiếng xe đụng nghe rùng rợn thật, nhưng sự thiệt hại không bao nhiêu. Sau hết chúng ta bước sang hành động, thí dụ chạy đến cấp cứu những nạn nhân hoặc đi gọi cảnh sát.
Và đây là một thí dụ khác có thật, về một chu kỳ tâm lý đầy đủ. Lần nọ nhân đi dạo theo ven bể, tôi thấy có đám đông người đang tụ tập và giữa đám đông ấy có người kêu khóc ầm ĩ. Tiến lại gần, tôi mới rõ đó là một chàng thanh niên vừa bị chết đuối và những người đang kể lể khóc than đó là cha mẹ của người bạc phúc ấy. Những tiếng khóc than thảm thiết đó làm cho tôi phải xúc động (cảm xúc) và mặt bỗng tái nhợt (phản ứng).
Trí tưởng tượng xen vào. Tôi tưởng tượng đến những mối đau khổ mà thân nhân chàng thanh niên ấy trải qua, một gia đình đang xum họp bỗng chốc lại vắng bóng một người, một cuộc đời tan vỡ và sụ truy tưởng ấy dấn dắt đến một tình cảm sợ sệt, tôi nghĩ dại, nếu một tai nạn như thế xảy ra đến cho con tôi, và tôi đâm ra lo âu.
Óc phán đoán liền dự vào, tôi ước lượng về biến cố ấy nhưng khác với thí dụ trước, sự ước lượng này không kết thúc bằng một tác động. Nó lại dẫn dắt đến một chu kỳ tâm lý khác: tôi liên tưởng đến thằng con tôi, tuy nó biết lội khá nhưng tính hay liều lĩnh…
Như chúng ta thấy, thường khi một chu kỳ tâm lý này dẫn dắt đến một chu kỳ tâm lý khác.
Những chu kỳ tâm lý theo lối này đặng gọi là chu kỳ hoàn bị đầy đủ. Nhưng hiếm lắm. Thường khi một chu kỳ này nối tiếp, hoặc dẫm lên một chu kỳ khác. Lắm chu kỳ lại không trải qua hết các giai đoạn mà ngưng lại ở một nửa. Song luôn luôn nó diễn ra một cách hết sức nhanh. Điều nữa là sự quan trọng của những sợi dây xích nôi tiếp này thường không đồng đều, nó còn tùy thuộc vào sự dự phần của cảm tính hoặc trí tính.
Ngoài những chu kỳ đầy đủ này còn những chu kỳ đơn giản hơn mà sau đây chúng ta sẽ nghiên cứ đến.
 
Những chu kỳ sinh lý:
Có những chu kỳ chỉ thuộc phạm vi sinh lý. Ở trường hợp này, nền tảng của nó là một cảm giác. Người ta thường thấy những chu kỳ thuộc loại này trong đời sống của loài vật và ở những trẻ con.
Một cảm giác sơ đẳng có thể đồng thời gây ra một cảm xúc ở địa hạt tinh thần và một phản ứng ở địa hạt thể chất, để rồi đi đến một tri giác.
Cảm giác => Cảm xúc => Phản ứng sơ đẳng => Tri giác.
Thí dụ chúng ta lỡ uống lầm một thứ nước đắng, chúng ta bị một cảm xúc khó chịu và liền sau đó, một phản ứng làm chúng ta mau mau nhả chất nước ấy ra. Chúng ta đã nhận thức rằng mình vừa làm một việc không hay.
Người ta mời anh ngồi xuống một chiếc ghế phô tơi êm ả. Cái cảm giác mà anh nhận thấy khi ngã mình trên chiếc ghế ấy gây cho anh một cảm xúc dễ chịu, êm ái và đồng thời một phản ứng làm cho anh biết duỗi thẳng tay để giãn xả các gân thịt cho nó nghỉ ngơi. Và anh nhận thức rõ rệt tác động ấy.
 
Những chu kỳ tinh thần:
Những chu kỳ tinh thần chỉ huy các công việc thuộc về trí thức, cảm tính không dự phần vào những chu kỳ này. Nó khởi đầu bằng một tri giác hoặc một hồi tưởng rồi bước sang một truy tưởng để rồi kết thúc ở một ước lượng.
Tri giác/Hồi tưởng => Truy tưởng => Ước lượng.
Cũng nên nói rõ: cái chu kỳ tinh thần thuần túy rất hiếm. Vì thực ra ngay trong những công việc làm bằng trí thức luôn luôn cũng có ít nhiều bẩm chất thuộc cảm tính xen vào. Một tiểu thuyết gia chẳng hạn khó mà che đậy cá tính của mình sau những nhân vật trong tiểu thuyết mà họ đã tạo ra. Vả chẳng thường khi chúng ta làm những công việc trí thức bởi ham thích (bẩm chất ham muốn) bởi yêu thích (bẩm chất lòng nhân), hoặc bởi những thị hiếu hoặc thói quen của chúng ta.
Một thí dụ về chu kỳ tinh thần: một nhà văn định diễn tả một cảnh vật mà ông đã từng trông thấy. Với óc tưởng tượng ông đã xếp đặt, tô điểm để gợi ra một cảnh trí mới. Trong khi ấy ông cũng dùng đến óc phán đoán để ghi rõ một vài nét có thể làm nổi bật cảnh trí ấy, hoặc dùng óc phán đoán để thích ứng, để lồng khuôn cảnh trí ấy vào cốt truyện.
Hành động là cụ thể hóa những ước lượng đang nằm trên mặt giấy.
Khi một chu kỳ không tiến đến giai đoạn ước lượng nghĩa là khi óc phán đoán không dự phần vào thì nó biến thành sự mơ mộng.
Mơ mông là một sự đánh đu, một lối chuyền bóng giữa ký ức và trí tưởng tượng. Những hồi tưởng gợi ra những truy tưởng, để rồi những truy tưởng này sẽ làm giàu trở lại cho ký ức. Cái chu kỳ này bị gián đoạn. Nó chỉ nương mình để tồn tại và nó có thể tồn tại khá lâu, nhưng hình ảnh có thể trở đi trở lại dưới những màu sắc khác.
Trong sự mơ mộng, cá tính hình như không đáng kể. Óc phán đoán không dự phần vào, có nhiều truy tưởng rất kỳ lạ nhưng chúng ta lại xem việc ấy rất tự nhiên và chúng ta càng thích thú đắm mình trong mơ mộng.
 
Những chu kỳ tự động:
Guồng máy những chu kỳ tự động đơn giản hơn cả. Từ trí giác bước thẳng sang tác động. Những chu kỳ tự động là kết quả của tập quán, của giáo dục. Khi một tác động, kết cục của một chu kỳ tâm lý đầy đủ hay không đầy đủ, đặng lập đi lập lại nhiều lượt thì những then xích, những giai đoạn của chu kỳ ấy bị lu mờ dần để rồi tiêu hẳn đi.
Đó là then máy của thói quan, của tự động tính nó chiếm một phần lớn trong đời sống chúng ta. Nếu không có thói quen và tự động tính chúng ta không thể sống. Nếu trước mọi tác động chúng ta đều phải suy nghĩ thì trí thức chúng ta dễ bị mỏi mệt, lụn bại. Những chu kỳ tự động giúp chúng ta tránh sự vất vả ấy. Đây là một vài thí dụ:
Một người đang lái xe sắp lên dốc, khi họ thấy xe chạy chậm lại không cần phải suy nghĩ họ biết trả số ngay. Khi họ biết sắp đến gặp phải một chướng ngại vật, tự nhiên họ liền hãm xe lại không cần suy nghĩ. Những tác động của người tài xế trong việc lái xe đều đặng thực hiện một cách tự động.
Khi mắt vừa liếc thấy một nét chữ hoặc tai vừa nghe đọc thoáng qua một chữ, người đánh máy liền tự động đặt ngón tay đúng vào nút chữ đó. Người chơi dương cầm hoặc vĩ cầm cũng đã dùng đến những chu kỳ tự động. Người đàn ông tự nhiên biết dở nón trước khi bước vào nhà ai hoặc khi đứng trước một người đàn bà đã có một tác động tự động, kết quả của sự giáo dục.
Tất cả những thói quen, những tập quán chúng ta đều đặt trên cơ sở những chu kỳ tự động. Những thói quen này rất hệ trọng trong thuật bán hàng. Những lối làm quảng cáo, những lời lẽ chuốt ngót của người bán hàng, những lối khai thác mối hàng đều nhằm mục đích tạo cho những khách hàng trong tương lai những chu kỳ tự động. Sự lập đi lập lại mãi tên một thứ rượu khai vị chẳng hạn sẽ khiến cho người tiêu thụ khi vào quán rượu biết gọi tự động một cốc rượu hiệu ấy. Những tiêu ngữ dùng trong việc quảng cáo, những câu để “đập vào óc” thường đặng nhắc đi nhắc lại mãi cũng có mục đích gợi ra một cách tự động trong trí nhớ người tiêu thụ hình ảnh của món hàng.
Những chu kỳ tinh thần và những chu kỳ tự động là những phương tiện hay nhất để chúng ta thích ứng, bởi trong đó không có những yếu tố thuộc cảm tính, đầu dây mối nhợ của sự hỗn độn, sự thác loạn, sự rối rấm trong những hành vi của chúng ta.
 
Những chu kỳ toàn thân cảm giác:
Chúng tôi đã có dịp bàn qua về sự sinh hoạt của “toàn thân cảm giác” nó là một trạng thái chung của các cơ quan tạng phủ trong người chúng ta.
Cái “toàn thân cảm giác” này có thể là nguồn gốc của một vài chu kỳ. Nó gây ra những cảm giác vô thức ở bên trong để rồi phát hiện ra bằng một cảm xúc trên địa hạt cảm tính và một trạng thái khí sắc thuộc thể chất, sau cùng sẽ đi đến một tri giác.
Cảm giác nội tại (toàn thân cảm giác) => Tình cảm => Trạng thái khi sắc => Tri giác.
Khi bệnh cảm sốt mới bắt đầu, chúng ta có một cảm giác vô thức ở bên trong nó diễn lộ bằng một tình cảm buồn bã và một khi sắc bức rức. Cái “tình cảm khí sắc” này đưa đến việc tri giác một trạng thái “khó chịu”, “bần thần” khắp thân người mà chúng ta không định rõ nguyên nhân.
Cái “toàn thân cảm giác” thường là nguyên nhân của những trạng thái “vui đáo để”, “buồn rũ rượi” mà đôi khi chúng ta cảm thấy nhưng không giải thích nổi nguyên nhân. Có hôm, sáng thức dậy tự nhiên chúng ta thấy “bần thần” hoặc “dã dượi”, chúng ta “buồn buồn” hoặc “thấy đời đen tối”. Thường khi, nguyên nhân những trạng thái ấy đều do một tình trạng bất điều hòa trong cơ thể (bộ máy tiêu hóa có chỗ nào bị lệch lạc) mà chúng ta không tìm rõ nguyên nhân.
Những nỗi vui không duyên cớ là do một “toàn thân cảm giác” tốt. Vì thế, những người khỏe mạnh ít khi buồn.
 
Những chu kỳ đam mê:
 Chu kỳ đam mê ngưng lại ở giai đoạn “tình cảm – khí sắc”, không tiến đến giai đoạn ước lượng, nó phát sinh do một tri giác sơ đẳng rất mạnh mẽ, cường độ của tri giác ấy càng gia tăng bởi những truy tưởng. Do đó cái “tình cảm – khí sắc” trở nên quá mạnh lấn át cả sự phán đoán, óc phán đoán đâm ra bất lực ít ra trong một thời gian nào đó.
Cái chu kỳ đam mê diễn tiến như sau đây:
Tri giác hoặc hoài tưởng  => Cảm xúc => Phản ứng => Truy tưởng => Trạng thái đam mê => Xung động.
Một thí dụ: chúng ta vừa bị một người thân yêu phản bội. Sự tri giác này gây cho chúng ta một cảm xúc kèm theo những phản ứng. Sau đó trí tưởng tượng chúng ta xen vào, chúng ta hồi tưởng lại còn người phản bội, những lời thề thốt đã trao đổi, cái dĩ vãng, những ân sủng chúng ta đã thí ra cho họ. Việc truy tưởng này càng làm cho tri giác ấy thêm tỏ rõ và chúng ta càng thêm tức tối, sức giận dữ tiến đến mực đam mê nó làm tê liệt óc phán đoán và trên phương diện thể chất có thể gây ra những xung động thiếu suy nghĩ: dậm chân, dậm cẳng, đập phá đồ đạc, quơ tay quơ chân, cũng có thể gây ra ý định giết người.
Trạng thái đam mê này có thể tồn tại một thời gia khá dài và có thể tiến đến mực cực đoan nguy hại.
Những cặp tình nhân thường sống trong trạng thái này. Thường những chu kỳ của họ chỉ gồn có những tri giác liên tục, vui sướng hoặc đau buồn nhưng không bước đến giai đoạn ước lượng. Họ không cần suy nghĩ, lý luận. Vì thế họ bước sang một cách dễ dàng từ trạng thái vui cười hớn hở đến nỗi buồn rũ rượi. Họ có thể có những hành vi rất anh hùng cũng nhưng họ có thể làm những điều rồ dại. Người ta thường nói: ái tình có chiếc khăn bịt mắt, rất đúng vậy. Chiếc khăn ấy cũng bao phủ luôn óc phán đoán.
 
Tính cách thường xuyên của những chu kỳ:
Trong đời sống hàng ngày, những chu kỳ tâm lý liên tiếp diễn ra một cách hết sức nhanh chóng và không bao giờ ngừng. Nó nối tiếp nhau, chằng chịt lẫn nhau vì thế khó mà phân  tách. Mỗi ngày trong tâm não chúng ta có bao nhiêu chu kỳ diễn ra? Điều này không ai có thể biết, tuy nhiên người ta có thể đoán biết tính cách thường xuyên của chúng.
Những chu kỳ đam mê rất hiếm (âu cũng là điều may). Những chu kỳ toàn thân cảm giác và những chu kỳ tâm lý đầy đủ cũng hiếm. Những chu kỳ tinh thần và những chu kỳ sinh lý diễn ra thường hơn. Những chu kỳ tự động diễn ra rất thường.
Bảng kê sau đây tóm luận các loại chu kỳ tâm lý: