Chương VII
ĐƯỜNG LÊN GIỒNG

Ngồi xe trâu.
Một trại ruộng trơ vơ giữa đồng.
Phèn – Các cách trị phèn.
Giồng Bưng Khương.
Cá linh.
Đốt đồng: rắn, rùa.
Sen! Sen!
Uống rượu dưới trăng.
Lúa mạ - Lúa sạ.
Một mình một bóng.
 
Mờ mờ sáng, chúng tôi thức dậy thì hai người phu (tôi nhờ thầy hương quản (1) ở Gãy kiếm hộ) đã ngồi đợi chúng tôi ở trên bờ. Họ trên ba mươi tuổi, vạm vở, đội nón lá, bận quần áo đen, lưng đeo nóp, trong có một gói dựng vài lít gạo và vài con khô (con mắm). Họ chia nhau xách một thùng đồ của sở và một đựng mùng, mền, thức ăn của chúng tôi. Họ đã mướn một chiếc xe trâu, mang đồ đặt trong xe. Uống xong một li sữa, chúng tôi khởi hành.
 
Trước mặt chúng tôi, phương Đông ửng hồng sau bức mành thưa so đũa (2). Trên một cây gòn, cành đâm ngang từng lớp như cây bàng, vài con chim cất tiếng hót.
 
Người đánh xe vút roi ra hiệu cho trâu kéo.
 
Anh Bình bảo tôi:
 
- Ở thế kỉ xe hỏa, xe ô tô mà được dùng phương tiện giao thông cổ lỗ này, cũng thú chứ. Chúng ta có vẻ một bọn dân Mĩ đi tìm những đất mới ở miền Cực Tây của họ quá. Nhưng sao hôm qua anh bảo tôi phải lội đồng mà hôm nay lại dùng xe?
 
- Tôi sợ dân Hà Nội không quen chịu cực nên mướn chiếc xe này đi cho đỡ một khúc khoảng năm, sáu cây số, còn bốn mươi cây số nữa thì không có lấy một con đường mòn, anh sẽ tha hồ mà lội.
 
- Chu đáo quá nhỉ. Song ngồi cái xe lọc cọc lắc lư này độ một giờ thì chắc xương sườn chắc gãy hết, gan ruột cũng lộn ngược cả. Cho tôi đi bộ có lẽ hơn.
 
- Rán chịu đi. Một chút nữa, đường sẽ bằng phẳng. Và có ngồi xe này mới thấy được tài Nguyễn Du trong câu:
 
Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh.
 
- Làm gì có vó câu? Vó trâu chứ! Và tài của Vũ Hoàng Chương trong câu này nữa:
 
Đá gập gềnh nghênh đôi bánh gỗ.
 
Từ Gãy chúng tôi tiến về phía Tây. Một vài chỗ cánh đồng đã được khai phá, có chân rạ, nhưng bàng, lát vẫn làm chúa tể. Dưới làn gió mai, tấm thảm lát gợn sóng, chỉ tiếc màu xanh thẩm quá, không dịu mắt chút nào.
 

°

°  °

 
Khoảng bảy giờ chúng tôi tới một trại ruộng bằng ván lợp lá. Con đường gạo (3) tới đó là hết. Chúng tôi khuân đồ xuống, trả tiền xe.
 
Tôi ngừng ở trại độ nửa giờ, hỏi thăm công việc đồng áng và chỉ cho anh Bình coi cây phảng, cái bồ đập lúa và cái xa gió. Anh bảo tôi:
 
- Cái xa gió này rất tiện lợi sao nông dân Bắc Việt không biết dùng? Để tôi vẽ kiểu về chỉ cho họ mới được.
 
- Vô ích. Ngoài đó, mỗi nhà chỉ vài chục, nhiều lắm là vài trăm hay một ngàn thùng lúa nhỏ thì dùng nó mà làm gì?
 
- Họ sẽ chung nhau lại, mười, mười lăm nhà hoặc một xóm một cái.
 
- Nếu tổ chức cho họ sống tập thể được thì có thể dùng máy cày, máy gặt, máy xay lúa. Anh trông rừng tràm kia đẹp không? Khác chi một bức bình phong ở trước nhà. Tràm dễ trồng, đất phèn cũng mọc được. Anh ương chừng hai ngàn gốc trên một mẫu Tây - tràm không chiếm mất bao nhiêu đất vì mọc càng chen nhau càng tốt, cây càng thẳng – bỏ đó trong mười năm là có một số vốn bốn, năm ngàn đồng rồi. Không tốn công gì cả.
 
Thân tràm có nhiều lớp vỏ, trắng mỏng như vỏ rễ (4) ăn trầu, rất dễ bén lửa nên mùa nắng chỉ vô ý một chút là có thể cả một rừng tràm ra tro hết. Lá tràm có hương tựa khuynh diệp, hình như trị được bệnh sốt rét.
 

°

° °

 
Chúng tôi từ biệt chủ trại, tiến về Tây Bắc, theo một đường mòn xuyên qua một đám sậy cao hơn đầu người. Đi được vài cây số thì đường mòn mất dấu, chúng tôi phải băng đồng.
 
Suốt ba giờ đồng hồ không gặp một túp nhà, một bóng người. Cảnh vật yên tĩnh lạ lùng. Ngoài tiếng chân của chúng tôi, không còn một tiếng động nào khác. Nhiều lúc chúng tôi phải gọi nhau, hỏi nhau cho bớt vẻ hoang vu. Lau sậy mọc chen nhau đến nổi phải vạch ra để tiến. Lá sắc cọ vào tay đến rớm máu. Hết đám sậy thì tới một khu toàn cỏ năng phản chiếu ánh nắng như ức triệu lưỡi gươm nhỏ. Mồ hôi nhễ nhại, tuy khát mà mỗi người chỉ nhấp vài giọt nước, vì nước mang theo ít mà trong đồng toàn là nước phèn và nước cỏ thối.
 
Nhiều lúc, chúng tôi phải đi vòng những cái lung, cái bưng (5) dài năm sáu trăm thước, nước trong vắt nhưng chát sít. Không có loài cá nào sống nổi trong thứ nước ấy. Chỗ khác nước đỏ như gạch, tới rong mọc cũng không được.
 
Tôi bảo anh Bình:
 
- Anh còn nhớ những suối độc tại quê hương Mạch Hoạch không? Có suối tắm lên là hóa điên, có suối uống vào là phát sốt rồi máu túa ở chân lông ra. Hồi trước chưa tới đây, tôi cho đó là chuyện tưởng tượng, nay coi những thứ nước phèn này, tôi mới tin tác giả bộ Tam quốc. Tôi tiếc rằng không mang trầu cau đi.
 
- Để làm gì?
 
- Để làm một thí nghiệm hóa học: nhổ nước cốt trầu xuống nước này, anh sẽ thấy nước cốt trầu đương đỏ biến ngay ra trắng.
 
- Ghê nhỉ!
 
- Nhưng không phải khắp cánh đồng này chỗ nào phèn cũng nhiều như ở đây. Sở tôi đã cho đào đất mấy chục nơi, trên đường thẳng từ Gãy tới rạch Cái Cái thì thấy trên mặt có một lớp đất mỏng rồi tới một lớp bùn than (tourbe), một lớp phù sa hoặc đất sét. Chưa bao giờ đào quá một thước, không biết dưới đó có đá không.
 
Đem đất ấy về Sài Gòn phân chất thì chỗ nào, lớp nào cũng có phèn, nhưng thành phần phèn cũng không nhiều gì hơn miền Bạc Liêu, Cà Mau là mấy, nên cánh đồng này vẫn khai phá được.
 
- Có cách nào trị được phèn không?
 
- Có một cách là rửa. Nước mưa và nước sông Cửu Long mỗi năm rửa cho cánh đồng này được nhiều phèn lắm. Khi nước rút sau mùa lụt, tức tháng mười tháng mười một, hết thảy những kinh, rạch ở miền này đều tuôn nước phèn ra sông Tiền Giang. Biết bao nhiêu triệu thước khối nước mà mỗi thước có vài cà ram phèn.
 
- Vậy mà sao mấy ngàn mấy vạn năm nay phèn vẫn còn.
 
- Các nhà địa chất đoán ở dưới sâu có một lớp đá ba-dan (basalte) rất dày và phèn ở trong lớp ấy. Trong mùa nắng, do sức mao dẫn (capillarité), đất khô trên mặt hút phèn ở dưới lên cũng như tim đèn hút dầu đưa lên ngọn, nên rửa hết lớp phèn này còn lớp phèn khác. Tuy nhiên, chắc phèn hồi này đã bớt nhiều và các nhà chuyên môn bảo chỉ cần đào kinh rửa phèn luôn ba năm cho hết lớp phèn trên mặt rồi trồng lúa thì phèn ở dưới có lên ít nhiều cũng không làm hại lúa nữa. Vì vậy công việc đào kinh ở miền này là công việc khẩn cấp nhất. Phải đào nhiều kinh, kinh cái, kinh con để đồng thời rửa phèn trên khắp cánh đồng thì công hiệu mới mau.
 
Còn cách trị phèn nữa là trộn hoặc tưới vào đất một chất hóa học để cho phèn thành vô hại, song cách này tốn kém lắm, chưa nhà nông nào dám thí nghiệm.
 
- Có trồng gì trên đất phèn được không?
 
- Có, tràm để làm củi, làm cừ, làm cột nhà lá; chưn bầu để làm củi, và khóm (dứa).
 
- Sao người ta không trồng khóm?
 
- Không lợi mấy. Mấy năm nay miền Cà Mau, Rạch Giá trồng nhiều khóm lắm, nên giá khóm rất hạ. Mình chưa có kĩ nghệ làm đồ hộp, trái cây chỉ tiêu thụ trong nước, nên trồng trái cây không bằng trồng lúa. Vã lại có trồng khóm thì cũng phải đào kinh chở khóm ra ngoài chứ? Mà kinh thì hiện nay thiếu nhiều.
 
- Nếu rửa hết phèn, đất này có thể tốt không?
 
- Tốt lắm vì chỗ nào cũng có một lớp phân than. Hai bữa nữa, chúng ta có dịp ghé miền Đốc Vàng, anh sẽ thấy miền này phong phú tới bực nào.
 

°

° °

 
Một người phu dẫn đường cho chúng tôi reo lên.
 
- Giồng kia rồi. Tôi cứ sợ lạc lối. Hai ba năm không trở vô đây, quên mất đường cũ.
 
Tôi hỏi:
 
- Giồng gì đó, anh Hai?
 
- Thưa, giồng Bưng Khương.
 
- Thế còn Động Cát ở đâu?
 
- Ở phía dưới. Chúng ta không đi ngang nơi ấy.
 
Người phu thứ hai, anh Mẹo, xen vô:
 
- Thưa, chúng tôi đi đường tắt, không qua Động Cát, thiếu chút nữa thì lạc.
 
- Tại sao kêu là Động Cát, hai anh biết không?
 
- Chắc tại nơi ấy có nhiều cát. Có cả đá ong nữa, phải không anh Hai?
 
- Thế còn động nghĩa là gì? Phải có cái hang đá không?
 
- Dạ, chúng tôi không biết. Tôi nhớ không có cái hang nào hết.
 
Tôi quay lại nói với anh Bình:
 
- Vậy có lẽ động là đống cát. Động và đống là hai tiếng cùng một dòng. Ở bờ biển Trung Việt có rất nhiều đống cát cao bốn, năm thước, liên tiếp hàng cây số. Gió biển thổi cát ở bờ vào trong đất; cát bay, gặp một cây nhỏ hoặc một mô đất nào thì rớt xuống, lâu lâu thành một đống. Đống đó mỗi ngày một cao, và người ta gọi là động cát.
 
Coi bản đồ Nam Việt chỉ thấy nơi này có tên Động cát mà tiếng động người miền này không ai hiểu nghĩa; vậy tên đó có lẽ do một người miền khác đặt.
 
Chúng tôi leo lên giồng. Giồng cao hơn mặt đồng độ một, hai thước, rộng vài chục thước. Trên giồng có một nền nhà và một túp nhà lá hiện bỏ trống.
 
Chung quanh là khu vực mênh mông của cỏ dại; không một bóng cây, không một cánh chim, hết màu xanh da trời tiếp tới màu xanh của đất. Ở đây ánh nắng và cỏ lát cùng nhau vui vẻ ngự trị: ánh nắng nhảy múa trên cỏ, cỏ nhún nhảy dưới ánh nắng.
 
Chú thích:
(1) Một hương chức như trương tuần ở Bắc Việt.
(2) Một loại cây cao trên ba thước, mau lớn, bông ăn được, thân làm củi hay cột, trái như trái đậu đũa, dài khoảng hai tấc, rủ xuống như bức mành.
(3) Đường mòn đó có lẽ hồi xưa dùng để chở gạo vô đồng, nên có tên ấy.
(4) Một loại cây rừng, vỏ dầy, đỏ chát, ngoài có lớp trất mỏng tựa giấy. Người Bắc dùng nó để nhai với trầu.
(5) Chỗ đất thấp ở trong đồng, có nước nhưng cạn.
 

°

°  °

 
Chúng tôi nghỉ chân trong chòi, mở gói thức ăn ra. Hai người phu ngồi lánh ra một bên, sửa soạn nấu cơm. Tôi bảo họ:
 
- Hai anh khỏi phải nấu. Lại đây ăn chung với chúng tôi. Bánh và cơm ăn không hết đâu… Chỉ có nước là thiếu, nên xin hai anh đừng ăn mặn quá, nhé.
 
Họ vui vẻ nhận lời ngay. Bữa đó có bánh mì, cá hộp, cơm nắm, lạp xưởng và chuối. Ăn cơm nắm, họ khen ngon. Tôi bảo:
 
Ở ngoài tôi, đi đâu xa, dân quê thường nắm cơm. Nấu cho hơi nhão, khi cơm chín, bắt xuống, bới đổ vào cái khăn đã nhúng nước, nắm ngay lại cho thật chặt, thành từng cục như vậy. Lớp ngoài sẽ cứng lại thành vỏ nhưng ở giữa cơm dẽo được hai ngày.
 
- Trong này chúng tôi có làm, gọi là cơm nhồi. Nhưng chúng tôi vẫn thích ăn cơm nóng hơn. Còn muốn ăn đồ nguội đã có bánh mì tiện lắm.
 
- Sao? Món cá mòi này có ngon bằng món cá linh không?
 
- Thưa cũng vậy. Một hộp này bao nhiêu tiền?
 
- Hộp lớn này phải tám cắc.
 
- Tám cắc thì chúng tôi mua được hai ba giạ cá linh.
 
Anh Bình hỏi:
 
- Cá gì mà rẻ thế?
 
- Dạ, nó cũng giống con cá mòi nầy. Kho nhừ xương, ăn thơm và bùi. Tháng mười là mùa của nó, nó theo nước trên đàng Thổ (Cao Miên) xuống, nhiều vô số kể. Tại phía trong miền Hồng Ngự nó lội đầy rạch, chỉ lấy thùng thiếc mà xúc. Hồi lúa rẻ, mỗi thùng [1] chỉ bán có một cắc. Ăn không hết, làm nước mắm và mắm cũng không hết, có khi người ta phải đổ đi, hoặc dùng làm phân bón thuốc (thuốc lá). Nhưng từ Cần Thơ đổ xuống, không có thứ cá ấy và tới tháng giêng nó lớn rồi ăn không ngon nữa.
 
- Đổ cá đi, trong khi ngoài Bắc, chúng tôi không có cá mà ăn. Dân quê mỗi năm chỉ được vài lần ăn những con cá, tép nhỏ bằng ngón tay út.
 
- Thưa ông, ngoài đó không có cá, chắc ăn thịt nhiều lắm.
 
- Thịt đâu mà ăn? Ăn rau muống, đậu phụ (tàu hủ).
 
- Rau muống trong này mọc đầy đồng, có ai ăn đâu, ăn vào đi sông dữ lắm.
 
Tôi nói:
 
- Rau muống ở đây là rau muống dại, còn rau muống ngoài đó là rau muống trồng, ăn không đi sông mà còn bổ nữa.
 
Anh Bình tỏ ý tiếc:
 
- Cá ngon như vậy, rẻ như vậy mà đổ đi hoặc dùng làm phân. Chúng ta có những sản vật quí mà không biết dùng. Phải có nhiều sinh viên học nghề làm đồ hộp mới được.
 

°

°  °

 
Ăn xong, chúng tôi đánh một giấc tới ba giờ, để tránh ánh nắng gay gắt ban trưa, rồi đi về phía giồng Lâm Vồ, lội ngang nhiều cái lung đầy đỉa bằng ngón tay. Mới đặt chân xuống nước rồi nhắc lên liền là đã có ba bốn con bám vào chân rồi, gỡ ra không nổi.
 
Không khí thật oi ả. Khi chui vào những đám lau cao, chúng tôi như nghẹt thở. Mồ hôi ướt đẫm áo, cổ như sau một cơn làm cữ (sốt rét).
 
Bỗng tước mặt chúng tôi, một đám khói bốc lên mù trời, anh Hai, người dẫn đường, nói:
 
- Gặp đám đốt đồng rồi. Chúng ta ở dưới ngọn gió; phải quanh qua phía tay mặt để bọc đám khói.
 
Càng tiến tới gần, không khí càng nóng ghê gớm, càng thấy khó thở. Ngọn lửa dài hàng trăm thước, liếm ngọn cỏ khô và tiến tới mau hơn người chạy, phun lên trời một đám khói đặc, đen nghịch và để lại phía sau một đám than lấp lánh những đốm đỏ.
 
Có tiếng sột soạt trong cỏ, một vật gì loang loáng lướt qua rồi biến mất.
 
- Coi chừng rắn đó, các ông. Đốt đồng thì rắn ra. Miền này nhiều rắn lắm, có đủ giống: hổ mang, mái gầm, hổ lửa, rắn lục… Có những con rắn hổ dài ba, bốn thước, lướt như bay trên cỏ, đuổi kịp ngựa là thường; loài ấy dữ nhất, có tên là hổ ngựa [2].
 
Người ta kể chuyện một ông già kiếm củi ở miền Mộc Hóa thấy một con rắn đầu quấn vào một thân cây, cây ở đầu bên này cái bưng nhỏ, đuôi quấn vào thân cây khác ở bờ bên kia, rồi văng mình qua bên mặt, bên trái, tát nước trong bưng. Chỉ một lát bưng cạn, chú ta bò xuống bắt hết nhẵn cá, ăn một bữa no nê [3]. Nó khôn quá, thưa ông.
 
Anh Bình nghe chuyện rắn, có vẻ sợ sêt, ngó chung quanh và dè dặt bước giữa bọn tôi.
 
Anh Mẹo thấy vậy cười:
 
- Tụi nó sợ mình, thấy mình là trốn; mình đâu phải sợ nó. Chỉ khi nào trời không cho sống nữa, đạp nhằm nó, nó mới cắn; mà thứ rắn hổ lửa cắn thì vô phương chữa ở giữa cánh đồng này. Nhưng ông đi giày cao ống thì lo gì? Có lo là tụi tôi.
 
Anh Bình hỏi:
 
- Miền này nhiều người bị rắn cắn không anh?
 
- Cũng thường có. Mỗi năm làng nào cũng có năm sáu người bị rắn cắn, nhưng phần nhiều tìm đuợc thuốc chữa kịp. Xóm nào cũng có người biết trị rắn. Lâu lắm mới nghe tin có người chết.
 
Tôi nói xen vào:
 
- Mỗi làng có hai ba ngàn người mà lâu lâu mới nghe nói có người chết vì rắn, thì nạn rắn có gì đáng lo? Không bằng cái nạn xe hơi ở Sài Gòn, phải không, anh Bình? Vậy anh cứ yên tâm, đi ở đây an ổn như đi ngang đường Catinat (1) hay Bonard (2) vậy.
 
- So sánh khéo lắm. Phục rồi. Nhưng này, đã yên ổn như vậy, sao còn mang hai ống thuốc trừ nọc rắn làm chi vậy ông?
 
- Cẩn tắc vô ưu mà!
 
Anh Mẹo đi đầu reo lên:
 
- A! có rùa. Rán bắt, tối nay làm thịt ăn.
 
Một con rùa lớn chạy đám cháy, bị anh Mẹo chụp được.
 
Chúng tôi đã tránh được ngọn lửa đốt đồng và đương tiến trong đám sậy, cỏ cháy đen. Đất nóng hổi, chân như bị lùi trong tro. Mặc dầu bước rất nhẹ mà tro cũng bay lên bụi mù bám vào da, vào quần áo. Ai nấy đều có vẻ như ông Táo, phải nín thở và mỗi lần thở phải đưa tay che mũi.
 
Đi độ một cây số khỏi đám đốt đồng, chúng tôi đều vỗ tay nhảy lên:
 
- Sen, sen. Có hồ sen đây!
 
Hàng ngàn bông đỏ điểm trên một nền xanh nhạt. Chúng tôi khỏe hẳn người, cổ bớt khô, ngực bớt nghẹt, vừa chạy ùa lại vừa hít hương sen trong không khí. Lưu, Nguyễn vào Thiên Thai chưa chắc đã vui bằng chúng tôi lúc ấy.
 
Anh Bình nói luôn miệng:
 
- Bĩ cực thì tới tuần thái lai chứ!
 
Sen mọc trong một cái lung dài và rộng, nước còn độ vài tấc. Không khí chung quanh mát rượi và thơm phức. Chúng tôi hít mạnh một lát rồi xuống rửa chân tay, mặt mũi, lại hít mạnh nữa. Anh Hai bẻ chừng một chục gương sen non đưa chúng tôi ăn đỡ khát.
 
Gió hây hẩy trên mặt nước, sen rung rinh tỏa hương. Chúng tôi chỉ tiếc không có vài chai bia ngâm nước đá và vài đĩa khô mực để ngà ngà say với hoa một bữa.
 
Nhưng ánh chiều đã ta. Dù hoa có khoe sắc giữ lại thì cũng không thể nghỉ đêm bên hoa được. Phải đi. Đi mà cứ vài bước lại quay lại, cho tới khi bóng sen khuất hẳn.
 
Một người hướng đạo bảo tôi:
 
- Lúc nãy chúng tôi không dám cho hai ông hay. Đi qua chỗ đốt đồng nhiều khi nguy hiểm lắm. Có chỗ lớp đất ở trên rất mỏng, bước vào thụt chân xuống, tới lớp bùn than ở dưới. Lớp này nóng rực làm phỏng da là thường.
 
- Biết vậy sao các anh còn dắt chúng tôi qua?
 
- Còn lối nào khác đâu? Đi vòng ngọn lửa cũng xa lắm rồi, nếu vòng cả đám cháy đồng ở sau ngọn lửa thì tôi sợ không kịp tới giồng Lâm Vồ trong đêm nay được.
 
Chúng tôi leo lên bốn cái giồng nữa – giồng Cỏ Ống, giồng cà Dâm, giồng Lung Sơn, giồng Thốt Nốt – tới giồng Lung Bông thì mặt trời đã gần giáp ngọn cỏ.
 
Anh Bình tỏ vẻ lo lắng:
 
- Gần tối rồi, nghỉ ở đâu? Hai chân rã rời, tôi muốn cởi ném đôi giày nặng như đá này đi. Đói, khát. Nước uống đã hết. Chung quanh không có nhà cửa.
 
- Thưa, cũng sắp tới nơi. Ông cứ yên tâm, thế nào tối nay cũng có chỗ ngủ.
 

°

° °

 
Chúng tôi cố lết một quãng nữa, gần tới một cái lung cạn, chung quanh là sậy thì có tiếng vo vo như đàn ong vỡ tổ. Một đám mây xám chập chờn ở trước mặt chúng tôi.
 
- Muỗi Đồng Tháp đấy. Anh Bình! Về ngoài đó, nhớ tả cảm tưởng của anh lúc này cho bà con ngoài đó nghe nhé.
 
Tôi đã quen muỗi. Những hồi đi đo ở Cà Mau, Phụng Hiệp, chiếc ghe hầu của tôi sơn xanh lá cây, mỗi buổi chiều, từ sáu giờ trở đi, biến thành màu xám: muỗi bám đầy ghe, liền cánh nhau, mỗi phân vuông có ít nhất vài con. Không thế nào đứng yên được một lát, phải quơ chân múa tay luôn luôn mà chúng vẫn đốt. Nhưng lần này muỗi mới thật là làm cho tôi rợn tóc gáy. Chúng tôi nín thở chạy xuyên qua đám mây, chúng sa vào lỗ mũi, vào lỗ tai, chui vào cổ áo, cổ tay. Cũng may là chúng ít đốt. Sinh trưởng trong miền hoang dã này, chúng chưa biết được mùi máu người, gặp chúng tôi, còn bỡ ngỡ, chưa kịp bu lại đốt thì chúng tôi đã thoát khỏi.
 
Qua đám mây rồi, chúng tôi còn thấy lạnh xương sống.
 
- Anh Bình, anh đã thấy ghê chưa? Muỗi nhiều như vậy, đốt trâu, trâu cũng chết, đừng nói là người. Cho nên miền này, nông dân phải may màn (mùng) cho trâu.
 
- Sướng nhỉ! Trâu được ngủ màn.
 
- Nếu không có màn thì ít nhất mỗi tối phải hun cỏ, rác, cây mục cho muỗi thấy khói mà lánh xa.
 
Khói và sương chiều bao phủ cánh đồng. Cảnh lạnh lẽo cô liêu có một. Vài đốm đỏ hiện lơ lửng ở chân trời như ngôi sao mới mọc.
 
- Thưa ông giồng Lâm Vồ đấy. Chắc trong trại có người ở.
 
- Có ít nhất là một chục người đêm nay. Lần này là lần đầu tiên trên giồng Lâm Vồ đón khách từ bốn phương trời lại. Anh em mình đi mau lên.
 
Chúng tôi quên mệt, nhắm ngọn đèn tiến tới. Nhờ ánh trăng, cũng đỡ thụt xuống lung. Đến giồng thì gần tám giờ tối.
 
-----------------------
(1) Bây giờ là đường Tự Do.
(2) Bây giờ là đường Lê Lợi.
 
Chú thích của Goldfish:
[1] Có lẽ họ đong bằng thùng dầu lửa hiệu Con Sò loại 20 lít. Một táo 21 lít. Một giạ 42 lít. Trước kia, người ta thường dùng đơn vị giạ trong việc mua bán hoặc làm mắn, nước mắn cá linh.
[2] Hổ ngựa tuy dữ nhưng không có nọc độc.
[3] Loại rắn biết tát nước bắt cá, như người ta hay kể, là rắn hổ mây.
 

°

° °

 
Năm sáu người trên giồng chạy xuống đón chúng tôi. Họ làm ở sở Thủy Lợi, đi đo từ Mộc Hóa xuống đây. Vì chúng tôi đã hẹn trước sẽ gặp nhau tại giồng này, nên tiệc đã dọn và đợi chúng tôi để nâng chén.
 
Chắc giồng này trước đó có trồng cây lâm vồ - một loại cây rất giồng cây bồ đề - nên mới có tên ấy. Trên giồng có một trại ruộng khá lớn lợp lá do một anh nông phu coi. Trên kèo treo lủng lẳng những khô rắn, khô cá và khô chuột. Người giữ trại bắt được nhiều quá ăn không hết, làm khô để giành.
 
Chúng tôi kiếm một cái lung ở gần giồng, lau mình qua loa rồi thay đồ ăn cơm.
 
Ngồi ăn ngay trên mặt đất, dưới ánh trăng.
 
Thầy Quang, xếp kíp đo, bảo tôi:
 
- Trên nửa tháng nay, tám anh em chúng tôi sống ở giữa đồng, buồn quá, hay tin ông tới, mừng lắm, hôm qua cho người ra tận Tân Phú mua đồ nhắm để say bữa nay cho bõ những đêm ngủ nóp trong đám sậy.
 
Có rượu chát, la ve, thịt trích, thịt rắn, thịt cua đinh (ba ba). Hai ông dùng được những món lạ ấy không? Đều là thổ sản của cánh đồng này. Rau, không có xà lách Đà Lạt mà có đọt xoài, đọt bằng lăng. À, có cơm lúa ma, một thứ lúa đặc biệt ở miền này.
 
Mười ba người, cả anh giữ trại, quay quần lại. Khát nước quá, chúng tôi uống ngay một li đầy la ve (rượu bia) rồi mới cầm đũa.
 
Anh Bình do dự, chưa dám múc món cháo rắn hổ, thầy Quang bảo:
 
- Nọc nó độ vô cùng mà thịt nó lành và bổ cũng vô cùng. Ông cứ dùng đi, đừng sợ, mát lắm. Bằng uống một thang lục vị đấy. Và món cua đinh này nữa, ngon hơn thịt rùa. Chà! Quên mất rồi. Rượu đế ở Cái Dừng ngon lắm mà không bảo mua. Kìa, ông Lê, uống đi chứ!
 
- Uống đây! Trăng vằng vặc thế này, không nhậu là phụ trăng ư?
 

Nhân sinh đắc ý tu tận hoan,

Mạc sử kinh tôn không đối nguyệt![1]

 

°

° °

 
Tôi ăn một chén cơm lúa ma: hột nhỏ, đỏ hơi cứng nhưng vị ngọt. Tôi hỏi thầy Quang:
 
- Lúa này thầy mua ở đâu? Sao có tên lạ vậy?
 
- Không phải mua. Nó là lúa của Trời nên cũng có tên là lúa Trời. Tháng trước chúng tôi đi đo qua một khu đất mọc đầy thứ lúa dại này. Thân nó cao lắm, trên bốn thước. Bông ít hột, hột nhỏ, vỏ đỏ và có tới chục cái lông dài cỡ một phân. Chúng tôi căng một cái mền rồi cầm gậy đập vào ngọn lúa cho lúa rụng vào mền, được non một giạ. Để ăn chơi và gởi tặng bà con anh em. Tôi sẽ biếu mỗi ông một lít.
 
Người giữ trại nói:
 
- Thường người ta bơi một chiếc xuồng vào giữa đám lúa Trời, cầm hai thanh tre đập ngọn lúa vào be xuồng cho lúa rụng vào xuồng (1). Chúng tôi ở miền này, khoảng cuối tháng chạp, đầu tháng giêng, vào đồng đập một ngày cũng được vài giạ.
 
- Lúa đó mọc ở miền nào?
 
- Trong đồng này có nhiều đám lắm, mỗi đám vài công hoặc vài chục công. Nhiều nhất là ở Cái Dừng và Gò Bắc Chiêng. Hột lúa rụng xuống không thúi, mùa sau lại mọc thành đám khác.
 
- Mà nó không lan rộng ra?
 
- Không. Chắc nó mọc được trên thứ đất nào đó thôi. Nó mạnh lắm. Nước lên cao tới mấy nó cũng theo nổi.
 
Tôi quay về phía anh Bình:
 
- Ở đây có một giống lúa mà ở Bắc không có, là lúa sạ. Cánh đồng này hồi trước hoàn toàn hoang vu. Tới mùa lụt, có khi mỗi ngày nước dưng lên trên hai tấc và nhiều chỗ nước ngập tới ba thước, như vậy lúa nào chịu được.
 
Năm 1891, cố đạo Conte, coi nhà thờ Năng Gù (Long Xuyên), đem một giống lúa ở Cao Miên về đây gieo thử: nó sống và lên theo kịp nước lụt, nên người Pháp gọi là lúa nổi (riz flottant) còn người mình gọi là lúa sạ vì trồng nó chỉ cần cày bừa, sạ (gieo) rồi đợi tới mùa gặt. Khỏi phải cấy.
 
Nó ăn không ngon bằng lúa cấy, nhưng hợp với miền lụt như miền này. Lúa ma có lẽ là loại lúa sạ chăng?
 

°

° °

 
Mười giờ, tiệc mới tan. Trừ người giữ trại và tôi, ai nấy đều say khướt, chui vào mùng hoặc nóp, lăn ra ngủ.
 
Ánh trăng vốn huyền ảo, trên ngọn giồng, trên ngọn giồng, giữa đồng cỏ dại này, lại càng huyền ảo. Nhìn xa xa chỉ thấy một màu mông lung, xanh xanh, xám xám. Vài tiếng sột soạt của rắn, chuột trong đám năng, lác; một đám cỏ lay động dưới chân giồng rồi lại yên lặng hẳn.
 
Tôi hỏi người giữ trại:
 
- Em ở đây một mình có buồn không?
 
Anh ta mới trên hai mươi tuổi mà vẻ mặt đã điềm đạm như một hiền triết, nói nhỏ nhẹ, cử chỉ chậm chạp, mắt mơ mộng.
 
- Thưa ông, cũng quen đi. Tôi làm cho ông hội đồng (2) N. Từ hồi 15, 16 tuổi, ổng (3)  đã cho tôi vào đây giữ trại. Mỗi năm tôi sống ở đây sáu bảy tháng và như vậy non mười năm rồi. Ổng có mười con trâu. Mùa nước cánh đồng này ngập hết, trâu không có chổ để nằm mà cũng không có cỏ để ăn, phải đưa nó vào đây. Còn mùa nắng thì tôi coi đìa (4). Gần chỗ này, ổng có một cái đìa lớn. Đáng lẽ tôi phải ngủ tại đìa. Hôm nay có mấy ông nên về đây chơi.
 
- Vậy em rảnh lắm, làm gì cho hết ngày, chỗ này có gì đâu mà tiêu khiển?
 
- Tôi bắt rắn, chuột, cá, rùa, móc cũ co, hái rau dừa nước về ăn; hoặc cắt lá bàng về đương (đan) nóp.
 
- Gạo muối người ta đem cho em, hay em về làng lấy.
 
- Một đôi khi tôi về làng. Nhưng thường thì có anh Ba hay chị Sáu bơi xuồng mang ra đây. Hai người đó đều làm cho ông hội đồng. Nửa tháng họ mang gạo ra một lần, nghỉ ở đây một lát rồi về.
 
- Từ đây về làng bao xa?
 
- Đi bộ hoặc bơi xuồng cũng mất non nửa ngày.
 
- Mỗi lần gặp họ chắc em vui lắm nhỉ?
 
- Dạ, vui. Tôi hỏi thăm tin tức bà con trong làng. Nhưng không lần nào họ ở lâu.
 
Tôi mơ màng nhớ truyện “Các vì sao” (5) (Les Etoiles) của A. Daudet. Trăng vằng vặc. Vài ba cái giồng ở chân trời như những con vật khổng lồ đương thiêm thiếp ngủ.
 
Tối đó, tôi thấy xa Sài Gòn quá. Đây quả là một thế giới khác.
 
Chú thích:
(1) Tôi đã đọc một tạp chí canh nông của Mĩ nói bên họ cũng có thứ lúa ấy và cũng gặt theo lối ấy.
(2) Tức nghị viên ngoài Bắc.
(3) Trong khi nói chuyện, người Nam nói nhanh hai tiếng “ông ấy” thành một tiếng “ổng”.
(4) Hầm lớn cho cá ở.
(5) Truyện một chàng chăn cừu sống cô độc trên một đỉnh núi.
 
Chú thích của Goldfish:
[1] Hai câu trong bài Tương tiến tửu của Lý Bạch; Hoàng Tạo, Tương Như dịch thơ:
Đời người đắc ý hãy vui tràn,
Chớ để bình vàng suông bóng nguyệt!