Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa nầy là tất cả học sinh đều bận rộn với thi cử. Suốt hai tuần lễ Tử Kiên và Bội Nhu đều "cấm phòng" vùi đầu vào sách vở. Nhưng mọi việc rồi cũng qua đi, mọi lo âu rồi cũng tan biến khi hồi chuông reo ngày cuối cùng báo hiệu cửa trường sẽ khép lại sau ba tháng nghỉ hè. Trên khuôn mặt học sinh từ lớp đệ thất đến đệ nhị cấp đều rạng rỡ vui mừng vì không bận bịu với bài vở thi cử nhưng cũng có những bùi ngùi chia cách, bịn rịn với nhau trong phút giây cuối cùng của niên học vì không biết năm tới trong lớp có gì đổi thay? Vài học sinh theo gia đình đi nơi khác? Và cũng thêm vài khuôn mặt mới bỡ ngỡ làm quen! Riêng Bội Nhu thì thở phào vui thú, Bội Nhu nhảy tung tăng như con chim được trả về với rừng xanh yêu dấu. Suốt đêm Bội Nhu trằn trọc mãi nhìn chừng ra khung cửa như trông chờ bình minh ló dạng để nàng gặp Giang Vỹ... Lâu quá, hơn hai tuần rồi Bội Nhu không gặp chàng, biết bao nhiêu câu chuyện phải nói. Bao nhiêu câu hỏi phải tra tấn chàng? "Nhất nhật bất kiến như tam thu hề". Chắc chắn anh chàng sẽ nổi "tam bành" bực bội, giận hờn, quạu lên phải biết. Cái mặt ấy sẽ "khó thương" biết chừng nào. Bội Nhu cảm thấy những mâu thuẫn ngay chính tronglòng nàng. Từ nhỏ, Bội Nhu được cha mẹ hết mực nuông chiều, đến trường học thầy cô bạn bè ai nấy cũng yêu mến tử tế với Bội Nhu, không có ai làm phật lòng Bội Nhu và chính Bội Nhu cũng có những đức tính cao ngạo tự ái, muốn cái gì là phải thực hiện cho bằng được. Nhưng điều kỳ lạ là từ lúc quen biết với Giang Vỹ, Bội Nhu cảm thấy nàng bé nhỏ và mềm yếu như một cành liễu, lúc nào cũng ngoan hiền chiều chuộng theo ý của Giang Vỹ. Chàng thì nóng tánh, độc tài, ngạo nghễ, kênh kiệu "đáng ghét" quá... Nhưng ở chàng như có một sức hút ghê gớm, và Bội Nhu lại thích những "típ" đàn ông như vậy. Hơn là những chàng công tử chỉ biết "sẵn sàng quỳ dưới chân nàng" để mong được nàng ban bố cho chút tình yêu. Nàng coi thường những đám cừu non "kim sanh" đó. Suốt buổi sáng vừa thức giấc Bội Nhu đã liên miên nghĩ đến Giang Vỹ và náo nức cuộc gặp gỡ sắp đến. Trang điểm xong Bội Nhu xuống lầu để dùng điểm tâm. Vừa bước xuống vài bậc cấp Bội Nhu vội khựng lại vài giây vì chỉ một mình mẹ cô đơn ngồi ở bàn ăn. Cha đã đi vắng, anh Tử Kiên cũng đã mất dạng từ bao giờ. Bà Vú Trương đã cặm cụi làm món bánh mì chiên bơ mà cha Bội Nhu vẫn thích vừa mang ra để trên bàn. Món súp măng cua cho Tử Kiên cũng đã nguội lạnh nằm chơ vơ trên mặt bàn. Ra khỏi trường là như cánh chim vút mất vào không gian, Tử Kiên đâu phải như những thời gian ngoan ngoãn quanh quẩn ở nhà như lúc trước nữa! Có lẽ Tử Kiên đã đến đón cô cháu của họa sĩ Vũ Thu và đưa nàng vào chốn thiên thai nào rồi! Còn cha đi đâu sớm thế! Phải rồi, cha nàng đang sa vào lưới tình. Cha đã lụy vào con sóng thần nguy hiểm. Vũ Thu, nữ họa sĩ nổi tiếng sống bất cần đời, chuyên viên nổi loạn nhưng cũng đang nổi tiếng hiện nay nhờ tranh có chiều sâu nên ăn khách. Tại sao bà ta không dùng tâm hồn sâu sắc ấy để kéo ông chồng cũ "chăm chỉ làm ăn hạt bột ấy" trở về nhỉ? Những ý nghĩ về chuyện ái tình của Tử Kiên, của cha cứ lẩn quẩn trong đầu óc nàng. Bội Nhu nhìn mẹ đang ngồi một mình, trên bàn ăn những món ăn đã không còn bốc khói nữa và y nguyên. Chợt Bội Nhu cảm thấy hối hận và thương mẹ vô cùng. Nàng cảm thấy gần đây Bội Nhu đã có những cử chỉ không phải đối với mẹ. Dù sao đi nữa Mẹ vẫn là Mẹ của mình. Mẹ mình đã mang nặng đẻ đau chịu trăm nghìn khổ vì mình từ thuở ấu thơ cho đến bây giờ. Trên khuôn mặt đẹp ngày nào đã bắt đầu thoáng hiện những nếp nhăn vì ưu tư và buồn bã? Bội Nhu lại gần Uyển Lâm gọi nhỏ: - Mẹ! Mẹ chưa ăn điểm tâm à? Ai cũng đi hết rồi sao hở mẹ? Quán cafe Vân Thọ Đường lúc này đông khách nên cha phải lo lắng đi sớm về khuya. Tử Kiên cũng vậy, từ ngày có tình yêu là coi như thay đổi tất cả, thật tình con cũng không hiểu nổi những sự thay đổi nầy? Thôi để con hầu Mẹ điểm tâm nhé! Mẹ nhé! Bà Uyển Lâm ngước nhìn con thay vì ánh mắt dịu dàng bao dung, nhưng khác với ý nghĩ của Bội Nhu, ánh mắt của bà Uyển Lâm có vẻ lạnh nhạt và bất mãn. - Cán ơn con. Để mẹ một mình ngồi đây cũng được rồi! Con cũng không khác gì những người đó, rồi con cũng sẽ bỏ mẹ mà đi. Như sáng nay chẳng hạn, con ăn mặc đẹp chắc chắn con có hẹn rồi phải không? Lại mặc chiếc váy gì mà ngắn ngủn trông khó coi quá vậy? Con gái bây giờ thật chẳng còn biết xấu hổ là gì nữa? Cứ dùng hết bộ ngực nở nang đến cái váy cũn cỡn để khiêu khích bọn con trai? Mẹ thật không ngờ có đứa con gái hư hỏng như con. Bội Nhu có vẻ bực mình vì những phản ứng của mẹ: - Mẹ nói gì kỳ cục quá vậy? Thời trang tuổi trẻ bây giờ là thường tình đó mẹ, hơn nữa cái vaý của con có gì đâu gọi là ngắn. Mẹ lạc hậu quá, mẹ không thấy nhiều cô còn xài model mini-giupe hơn con nhiều, mẹ cứ ở nhà hoài rồi phê phán con mãi đó thôi. - Con văn minh quá cứ theo mode thời trang đến lúc chắc chỉ còn hai mảnh dính trên người! Thật là chán hết chỗ nói. Hèn gì dạo này mẹ không thấy cậu Từ Trung Khao đến chơi nữa, nó sợ chạy có cờ rồi con ạ. Vì có ai muốn lấy vợ "Mode" một cách khủng khiếp như vậy. Bội Nhu chau mày bực bội: - Mẹ, con xin mẹ đừng nhắc đến tên "công tử bột" đó nữa. Đúng là một hình nộm ngu ngốc nhất trần gian con không yêu hắn được. - Hừ! Nhà người ta danh giá, con của một Giám đốc xuất nhập cảng sợ con không xứng đáng để lọt vào mắt họ đấy thôi! - Thưa mẹ, lấy chồng để tạo hạnh phúc cho con chứ đâu phải lấy của hồi môn giàu có của người ta đâu. Bằng cấp, vàng bạc châu báu chắc gì mua được hạnh phúc đâu mẹ Nếu có ý lấy chồng chắc chắn con không bao giờ nghĩ đến tên Từ Trung Khao. Vừa nói Bội Nhu vừa gằn từng tiếng một như để xác định lập trường của nàng. - Thế thì tại sao con nhận lời đi chơi với người ta? Bội Nhu tròn mắt nhìn mẹ: - Mẹ thiệt tình có nhận xét quá sai rồi, bộ con đi chơi với bạn trai là phải lấy người đó làm chồng sao? Mẹ "cổ lổ sĩ" quá. Bà Uyển Lâm giận xanh mặt: - Bội Nhu, con nói như thế với mẹ hả, con hỗn quá rồi. Bội Nhu thấy mẹ hét lớn giận dữ, tự nhiên những cảm tình trước đây mấy phút dành cho mẹ bỗng tan biến thành mây khói. - Con không ăn nữa đâu. Để mẹ dùng hết một mình đấy. Bội Nhu đứng dậy bỏ đi, bà Uyển Lâm đuổi theo hét lớn hơn: - Đi đâu mà vội vàng thế, có săn đuổi theo trai cũng từ từ chứ. Bà Uyển Lâm dừng lại rút khăn tay chấm nước mắt. Bội Nhu thấy mẹ khóc, thiểu não quá nên cơn giận hờn cũng nguôi dần, Bội Nhu dịu giọng đến bên mẹ: - Con xin lỗi mẹ, thôi mẹ đừng buồn nữa. Mẹ ngồi xuống đây ăn điểm tâm với con rồi con sẽ điện thoại mời mấy người bạn của mẹ đến đánh "mạc chược" với mẹ cho vui nhé! - Như vậy có nghĩa con sẽ bỏ mẹ ra đi? Bà Uyển Lâm khóc lớn hơn. - Nói như vậy có nghĩa là con vẫn đi, bỏ mẹ một mình ở nhà? Đúng rồi, mẹ chỉ như bà vú già trông coi nhà cửa suốt đời, mẹ buồn rồi mẹ sẽ chết mất... Thấy mẹ khóc Bội Nhu cảm thấy bứt rứt hối hận nhiều lần định bước ra cửa nhưng rồi chần chừ mãi... Nhưng hình ảnh của Giang Vỹ hiện ra trong tâm hồn Bội Nhu như thôi thúc, Bội Nhu không thể từ chối được cuộc gặp gỡ đã hai tuần nay không gặp. Cuối cùng Bội Nhu cũng phải cương quyết ra đi. - Hôm nay con có việc cần nên con không thể ở nhà với mẹ được. Uyển Lâm ngồi phệt xuống ghế bành vẫn còn nức nở: - Trời ơi! Sao mà tôi khổ đến như vậy. Trời còn chưa sáng Tuấn Chi đã dậy ra đi tới khuya mới về. Rồi Tử Kiên không kịp ăn sáng đã mất hút có khi cả đêm không thấy về. Bây giờ đến Bội Nhu. Chồng con rốt cuộc tôi chỉ còn lại một mình đối diện với cô đơn buồn chán hết ngày này sang ngày khác. Bội Nhu vừa khép cửa lại nghe Mẹ nói như thế bỗng dưng Bội Nhu thương mẹ quá nên nàng trở vào đến bên mẹ vỗ về: - Mẹ ơi! Đừng có buồn nữa vì đời sống tất cả mọi người đều phải tranh đấu, ở nhà quây quần bên nhau mãi có nước đói dài đấy mẹ. Vừa nói vài câu an ủi mẹ thì vú Trương chạy vào: - Thưa cô, có khách đến tìm cô. Bội Nhu nghĩ chắc chắn khách đến nhà là Từ Trung Khao vì khi chuông vừa reo tan trường là hắn lừ đừ đến chào Bội Nhu và hứa sẽ đến thăm nàng, nên Bội Nhu bảo thẳng với vú Trương: - Nhờ vú bảo tôi không có ở nhà. Vú Trương vừa kịp quay lưng thì Giang Vỹ đã hiện ra ở cửa. - Chào cô Bội Nhu, tôi đến thăm cô đây. Bội Nhu nghe tiếng nói quen thuộc vội vàng quay lại và ngạc nhiên cùng với nỗi vui mừng, Bội Nhu vội chạy ra cửa reo lên: - Anh Giang Vỹ, anh mới đến à! Mời anh vào đi. Giang Vỹ vẫn đứng chắn ngang ở cửa lớn, những tia nắng đầu ngày chiếu xuống qua sau lưng nên Giang Vỹ như một bức tượng đồng đen. Vẫn chiếc quần giean xanh chiếc áo sơ-mi xanh như thường lệ, đơn giản. Mái tóc vẫn bồng bềnh thật là nghệ sĩ. Dáng dấp con ngựa hoang trong sân trường đại học. Nụ cười nhếch môi ngạo nghễ, ở Giang Vỹ có cái nét rất đàn ông khiến Bội Nhu cảm thấy yêu thích. - Anh Giang Vỹ! Sao anh cứ đứng hoài ở đó vậy? Bội Nhu bước lên thêm vài bước đối diện với Giang Vỹ bỗng nhiên Bội Nhu cảm thấy lo âu: - Anh Vỹ... sao anh đến đột ngột quá vậy không cho em hay trước... Anh vào đi để em giới thiệu với mẹ em. Giang Vỹ thản nhiên bước vào như chàng có niềm tin. Bội Nhu tim đập mạnh vì không ngờ Giang Vỹ liều lĩnh đến thăm nàng. Bộ hôm nay Giang Vỹ không đến sở làm việc sao? Hay là Vỹ đã bỏ sở? Tính Vỹ vẫn bướng bỉnh muốn làm theo ý mình không để ý đến thiên hạ. Không nghĩ đến hậu quả xấu tốt? Bội Nhu nhìn mẹ mặt mày tái xanh, và ấp úng thưa với mẹ: - Dạ... dạ thưa mẹ... đây là anh Giang Vỹ bạn con... và Bội Nhu liếc nhanh về phía Giang Vỹ rồi nhìn mẹ nói tiếp: - Và đây là mẹ em. Bà Uyển Lâm giương to mắt nhìn Giang Vỹ có vẻ soi mói khó chịu. Vì bà không thích cách ăn mặc có vẻ "cao bồi" của Giang Vỹ nhất là mái tóc lòa xòa phủ xuống trán, tướng dềnh dàng trông như người rừng... hiện đến trong ý nghĩ của bà. Bội Nhu có thể kết bạn với một người như vậy sao? Người không ra người, ngợm không ra ngợm! Thật không ngờ! Bà Uyển Lâm hết sức ngạc nhiên nên bà nhìn lơ đãng ra ngoài sân nắng và lắc đầu tỏ vẻ thất vọng. Về phía Giang Vỹ vẫn yên lặng đứng như thế, tất cả như có sự sắp sẵn trong đầu chàng, trước khi chấp nhận ra đi chàng đã hình dung đến những khuôn mặt lạnh lùng chung quanh chàng. Chàng phải vào một nơi kín cổng cao tường có một cuộc sống giàu sang giả tạo... thật tình lòng chàng không thích nhưng ở đó có Bội Nhu người yêu dấu nhất của chàng... đã hai tuần nay chàng không gặp Bội Nhu làm cho chàng nhớ nhung khủng khiếp đến nỗi chàng không thể nào chịu đựng nữa nên mới đánh liều tìm đến gặp Bội Nhu. Chàng vẫn đoán gia đình ba má Bội Nhu chắc khó tính lắm nên Bội Nhu không muốn chàng đến thăm gia đình nàng? Bây giờ chàng đối diện với sự thật đó. Giang Vỹ nhìn bà Uyển Lâm, với khuôn mặt đầy đặn, đôi mắt vẫn còn sáng long lanh, chàng liền nghĩ thời xuân xanh chắc bà phải là một thiếu nữ xinh đẹp và chàng khám phá Bội Nhu giống bà như hai giọt nước. Nhưng sao bà Uyển Lâm nhìn chàng một cách xa lạ giống như người ở hành tinh? Giang Vỹ đang suy nghĩ liên miên hết chuyện này đến chuyện khác... bỗng tiếng bà Uyển Lâm cắt đứt ý nghĩ chàng. - Bội Nhu... cậu em đây... học hành ra sao rồi? Giang Vỹ vội đáp ngay: - Thưa bác, con đã thôi học rồi ạ. - Hả! Nghỉ học rồi sao? Bà Uyển Lâm có vẽ ngỡ ngàng vì câu trả lời của Giang Vỹ, nhất là tướng mạo làm mất thiện cảm đối với bà. Bà Uyển Lâm liên tưởng đến những nhân vật du thủ du thực trong những phim tình cảm xã hội mà bà hay xem trong truyền hình. Bà bị ám ảnh đến hình ảnh xấu xa nên bà hay liếc mắt nhìn Giang Vỹ rồi nhìn Bội Nhu... như có cảm tưởng Giang Vỹ là một nhân vật nguy hiểm đáng phải đề phòng nhất là trong nhà chỉ còn có ba người đàn bà yếu duối... - Thế nhà cửa cậu em đâu? Ba má làm gì? - Thưa bác, con thuê một căn phòng ở xóm lao động Hòa Bình để có chỗ trú thân tạm. Ba má đã mất ở quê lâu rồi. Con chỉ ở một mình vừa nghỉ học đang đi làm kiếm sống. Bác có ngửi thấy mùi dầu máy toát ra từ bộ đồ của con không? Con thường bảo với bạn bè đời sống con hiện tại là dầu máy và máu đang hòa chung với nhau cho đến trọn đời. - Như thế là cháu làm thợ... sửa xe à? Bà Uyển Lâm đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác nên cứ trố mắt nhìn Giang Vỹ và hỏi có vẻ mỉa mai. -... Chỉ là thợ sửa xe thồi à! Chứ không phải là kỹ sư? Giang Vỹ nhìn bà Uyển Lâm cười lớn kiêu ngạo: - Dạ, cháu không phải là kỹ sư, cháu chỉ là tên sửa xe tầm thường. Cháu chỉ mới qua khỏi tú tài nên phải bỏ ngang kiếm sống trước đã. Cháu không có cơ may vào đại học thì làm gì với được cái bằng kỹ sư. - À, cháu chỉ là thợ thôi! Bội Nhu thấy mẹ tra hỏi có vẻ chanh chua và không khí đã trở nên căng thẳng nên vội góp ý để dung hòa. - Mẹ, anh Vỹ đang tập sự như một kỹ sư trong vòng hai năm hoàn tất chương trình kỹ sư như vậy. Ngoài ra anh ấy còn là một nhà văn có nhiều tác phẩm ấn hành và được nhiều báo chí ca ngợi nữa đó mẹ. Hiện anh đang cộng tác cho nhiều tờ báo nổi tiếng ở Đài Bắc... Giang Vỹ cảm thấy khó chịu khi nghe Bội Nhu phải kể lể về chàng: - Bội Nhu, em cần gì phải giới thiệu nhiều về anh như vậy. Hơn nữa, thực tế anh chỉ là một người thợ không hơn không kém, em nên thẳng thắn nói ra sự thật đó. Vừa nói Giang Vỹ vừa nhìn trừng vào Bội Nhu như để trấn áp nàng. Giang Vỹ cố gắng tự kiềm chế vì tánh chàng từ lâu vẫn ương ngạnh hay tự ái nhưng vì yêu Bội Nhu nên chàng yên lặng chịu đựng. - Thưa mẹ, con xin thú thật với mẹ anh Giang Vỹ là người bạn thân nhất của con đấy. - Ồ! vậy hả? Bà Uyển Lâm lắc đầu nhìn con: - Thợ máy? Làm công? Sửa xe? Bà Uyển Lâm tỏ ý bất bình tình cảm của Bội Nhu. Giang Vỹ vẫn biết điều đó nhưng chàng vẫn thản nhiên: - Thưa bác, hôm nay con đến thăm bác với mục đích là thưa với bác chuyện giữa con và Bội Nhu đã yêu nhau. Và con nghĩ không thể giấu diếm bác lâu được nữa... - Thưa mẹ, anh Vỹ nói thật đấy. Chúng con đã yêu nhau đó mẹ... Bà Uyển Lâm kêu lên: - Cái gì? Yêu nhau! Yêu nhau! Ối trời đất quỷ thần ơi! Bà Uyển Lâm choáng váng mặt mày ngã người ra thành ghế ôm ngực gần như muốn xỉu. Không! Không thể nào có chuyện tai họa ghê gớm đến như vậy. Giây phút như "động đất" kinh khủng như thế này mà anh Tuấn Chi không có mặt ở nhà chứng kiến đứa con gái yêu quý nhất. Bà Uyển Lâm ôm ngực xong đến ôm mặt khổ sở. - Bội Nhu, mẹ muốn nói chuyện riêng với cậu em này. Con hãy lên lầu đi. Bội Nhu bướng bỉnh không đi. - Con không đi đâu cả, có gì cứ nói thẳng ra, con không đi. - Mẹ bảo con đi! - Con không đi đâu hết. Giang Vỹ nhìn Bội Nhu van lơn: - Bội Nhu, em nên đi lên lầu đi, để Bác nói chuyện riêng với anh mà, em yên tâm. Bội Nhu vùng vằng liếc nhìn Giang Vỹ môi trề ra bực bội: - Nhưng nói xong phải gọi em ngay. - Dĩ nhiên! Khi nào nói xong mẹ sẽ gọi con xuống ngay. Trong ý nghĩ Bà Uyển Lâm tự nhủ mình phải bình tĩnh để đối phó với Giang Vỹ vì tình cảnh đang rơi vào chỗ nguy hiểm trầm trọng, vì Bội Nhu đã mê nó quá mức rồi, không phải đơn giản lắm đâu nên phải bình tĩnh mới giải quyết được. Bội Nhu vừa lên lầu bà Uyển Lâm vội tấn công đối phương ngay. - Ông Vỹ, xin mời ông ngồi và mời ông hút thuốc. Bà đưa thuốc cho Giang Vỹ, chàng vội từ chối. - Cám ơn Bác, con có rồi. Bác cứ gọi con bằng tên đi đừng gọi ông nghe khó chịu quá. - Ông Vỹ, tôi quen gọi người lạ như thế. Xin lỗi, ông quen Bội Nhu từ bao giờ? - Dạ, từ mùa thu năm ngoái trong một cuộc dạ vũ sinh nhật của người bạn con có Bội Nhu đến tham dự. - Người bạn của ông chắc biết đến Cha Mẹ của Bội Nhu chứ? - Thưa vâng, họ biết rất rõ về gia đình bác, biết đến nghề nghiệp của bác trai nữa. Bà Uyển Lâm có vẻ bằng lòng về câu trả lời của Giang Vỹ và tự nhiên bà cảm thấy đối phương đang rơi vào ý muốn của Bà đang gài Giang Vỹ, nên bà Uyển Lâm gật đầu thỏa nguyện: - Tốt lắm. Thế dụng ý hôm nay ông đến tìm tôi có việc gì? Giang Vỹ chau mày suy nghĩ: - Dụng ý? Thưa Bác, ý Bác muốn nói gì con không hiểu? Vì đơn giản con yêu Bội Nhu, con muốn nói lên sự thật đó. Và con mong được đến ra mắt với hai Bác. Bà Uyển Lâm nhìn lên trần nhà cười thành tràng dài: - Ra mắt? Nếu cha Bội Nhu không phải chủ quán Vân Thọ Đường nổi tiếng thì chắc cậu có đến thăm nhà này không? Giang Vỹ ngạc nhiên nhìn bà Uyển Lâm: - Bác nói gì con thật tình không hiểu. - Cậu không hiểu hay giả vờ không hiểu? Bội Nhu nó còn nhỏ cần phải theo đuổi học vấn, cậu không nên phá hoại tương lai nó. Để tôi ra giá cho cậu nghe? Giang Vỹ mắt mở lớn và không thể tưởng tượng bà Uyển Lâm có thể đánh giá tình yêu của chàng một cách tồi tệ đốn mạt như thế. Chàng mất bình tĩnh như muốn ngã quỵ trên sàn thảm, hơi thở dập dồn, chàng như ngộp thở... Nhưng Giang Vỹ cố trấn tĩnh: - Không! Bác đừng nghĩ thế? Bác đừng suy bụng ta ra bụng người. Bác đánh giá tôi quá thấp, tôi đâu phải hạng người tồi tệ như bác nghĩ đâu? Bộ tôi đến làm tiền Bác à? Thật sự Bác đã lầm rồi, chàng nói như hét lớn vào mặt Bà Uyển Lâm. Xin lỗi Bác, dù sao tôi vẫn còn nghĩ đến Bội Nhu nên tôi không dùng đến những ngôn ngữ khác hơn, thưa Bác nên hiểu giùm cho. Bà Uyển Lâm nhẫn nại kêu lên: - Trời ơi! Có gì thì ông từ từ nói cứ làm dữ lên trông ghê quá. Ông cần tiền tôi sẵn sàng thương lượng đàng hoàng sòng phẳng không để cho ông bị thiệt thòi đâu, tôi hiểu mà ông tính toán kỹ lắm ông muốn làm ăn mẻ cá lớn hơn khi cưới được Bội Nhu hưởng gia tài này phải không? Ông đừng có mơ mộng hão huyền, gia đình tôi không bao giờ gả cho một tên thợ không tương lai không danh giá với xã hội như ông đâu. Chúng tôi còn phải làm ăn giao tiếp với mọi người ngẩng mặt lên với xã hội thượng lưu trí thức với bà con bạn bè. Bộ ông muốn chúng tôi vùi mặt trong đống bùn nhơ nữa sao? Ông lầm rồi khi nghĩ đến chuyện dụ dỗ con gái tôi, nó ngây thơ nó con nít biết gì mà yêu đương, tôi nghĩ nó chỉ làm quen sơ với ông thôi. Bây giờ ông muốn bao nhiêu cứ nói? Tôi sẵn sàng chiều theo ý ông. Giang Vỹ nghe những lời bà Uyển Lâm lòng như muốn sôi lên vì tức giận, mặt chàng tím lại dần. Chàng có cảm tưởng mỗi lời nói của bà Uyển Lâm là mỗi làn roi quất vào chàng đau nhói cả tim can. Nếu không phải là mẹ của Bội Nhu thì chàng có thể tát thẳng vào mặt ấy mấy cái cho thỏa cơn thịnh nộ. Giang Vỹ ngẩn người ra, chàng ném điếu thuốc đang ngậm trên môi và vỗ bàn: - Bác vui lòng dẹp hết chuyện thượng lưu trí thức của Bác, vì tôi không muốn nghe đến, vì đó chỉ là những lớp người sống giả dối một cách quá khôi hài. Vâng tôi hiểu vị trí của tôi, tôi đâu dám đua đòi mơ mộng viễn vông. Bác yên chí đi! Kể từ nay tôi không bao giờ xúc phạm đến con gái Bác nữa, chào Bác! Giang Vỹ quay lưng bỏ đi nhưng trước khi đóng cửa lại Giang Vỹ ngoái đầu lại nói: - Bác đừng có tưởng đồng tiền hôi hám của Bác sẽ mua được tất cả, Bác lầm quá rồi, chắc chắn Bác sẽ gặp những chuyện chẳng may nếu Bác cứ nhìn ai cũng qua đôi mắt "khinh người" của Bác. Chưa hẳn lớp người thượng lưu trí thức như Bác lại không phải là những kẻ "cặn bã của xã hội" ăn bám vào sức lao động của người khác! Giang Vỹ đi như bỏ chạy ra khỏi cổng sắt thoát ra ngoài đường, Giang Vỹ mới cảm thấy nhẹ nhõm dễ chịu. Bà Uyển Lâm thở phào ngồi xuống ghế như thoát qua một tai nạn ghê gớm. Chưa bao giờ Bà gặp một tên điên như thế. Bà lẩm bẩm trong miệng. - Đúng là một thằng điên! Điên thật! Bội Nhu nghe tiếng lào xào vội chạy xuống cầu thang. - Anh Vỹ! Anh Vỹ! Bội Nhu bỗng đứng lại ngẩn ngơ vì không thấy bóng Giang Vỹ đâu nữa chỉ còn lại một mình mẹ ngồi im sững trên ghế. Bội Nhu vội chạy đuổi ra cửa tìm kiếm nhưng vô ích Giang Vỹ đã mất hút đâu rồi, thất vọng Bội Nhu trở vào dáng điệu ảo não buồn bã. - Bội Nhu nhìn mắt mẹ đẫm lệ: - Mẹ! Mẹ đã nói gì với anh Vỹ? - Nó là tên điên... Bà Uyển Lâm vừa nói vừa tái mặt tay ôm ngực. - May mà nó bỏ đi... chứ không thì chắc mẹ chết mất... Từ nay mẹ cấm con không được gặp nó nữa. Bội Nhu hét lớn giận dỗi: - Nhưng mẹ đã nói gì với ảnh? Phản ứng của Bội Nhu làm cho bà Uyển Lâm lúng túng thêm: - Mẹ có nói gì đâu. Mẹ chỉ đề nghị với nó là mẹ sẵn sàng chi cho nó một số tiền với điều kiện nó buông tha con yêu dấu của mẹ, mẹ thương con, mẹ lo lắng cho con, một vấn đề đơn giản hợp lý... phải không con? Bội Nhu choáng váng không ngờ mẹ lại đối xử với Giang Vỹ một cách tàn nhẫn đến như vậy. - Mẹ tàn nhẫn quá, mẹ đã sỉ nhục anh ta. Con thù mẹ, con hận mẹ suốt đời... Nói xong Bội Nhu lồng lộn như con thú trúng tên chạy xông xả ra khỏi cổng. Bà Uyển Lâm chỉ kịp đứng dậy kêu theo: - Bội Nhu! Bội Nhu! Con bỏ đi đâu vậy? - Con đi luôn và chắc sẽ không bao giờ về căn nhà này nữa. Con thù ghét mẹ, thà làm một đứa con hoang còn hơn. Bà Uyển Lâm bối rối gọi to vào trong nhà: - Vú Trương ơi! Ra giúp tôi đi! Vú hãy đuổi theo Bội Nhu giùm tôi nhé. Mau đi vú. Bà Vú Trương vội vã chạy đuổi ra khỏi cửa ngó quanh quất không có bèn trở vào. - Thưa bà con tìm khắp đường vẫn không thấy bóng dáng của cô. - Trời ơi! Uyển Lâm lại ôm mặt khóc nức nở. Thật là khổ cho tôi! Tôi yêu con mà, mẹ đâu có hại con, mẹ muốn con có một tương lai bảo đảm hạnh phúc cho con mà, mẹ đâu có xử trí bậy đối với con đâu? Tại sao con lại bỏ mẹ hỡi con? Mẹ chỉ còn có một mình con là đứa con hiếu thảo gần gũi yêu thương mẹ, bây giờ đến con cũng bỏ mẹ... Tại sao đời tôi lại khổ sở như thế này? Biết thế thà đừng lấy chồng có con. Chồng thì đi mặc chồng, con trai lớn cũng không thua gì cha nó, đến Bội Nhu đứa con ngoan cuối cùng của mẹ rồi cũng ghét bỏ mẹ... Bà Uyển Lâm vừa khóc vừa kể trông thật ảo não tội nghiệp. Bà vú Trương đứng nhìn Bà Uyển Lâm khóc kể cũng ngậm ngùi chảy nước mắt theo. Vú Trương đến giúp việc cả mười năm rồi chưa bao giờ bà thấy gia đình rơi vào tình trạng bi thảm như hiện nay, hạnh phúc như đảo ngược với đời sống giàu có. Khi trước cảnh nhà đủ ăn thì hạnh phúc êm ấm thật đầy đủ, cả nhà thường quây quần sum họp mỗi buổi ăn tối cả ngày nghỉ lễ, bây giờ những hình ảnh ấy không còn nhìn thấy nữa. Mọi người hầu như ít ở nhà hơn... - Thưa bà, đến giúp việc với gia đình Bà lâu con hiểu ý Bội Nhu, cô ta cứng rắn lắm sợ cô không chịu trở về. Bà nên điện thoại ngay cho ông chủ tìm cô ba mới hy vọng... Bà Uyển Lâm như giật mình nhớ lại Tuấn Chi, Bà đứng dậy đến quay điện thoại. - Nó ngu quá, tôi thiệt tình tức quá mà, anh nghĩ coi tôi xử sự như thế có đúng không? Vừa nói Bà Uyển Lâm vừa thút thít khóc... - Bây giờ con Bội Nhu đã bỏ chạy theo tìm hắn, anh về mà tìm nó đi... tôi thiệt tình chịu hết nổi rồi đấy...