CÂY KHÔ

Thấy tôi lặc lè với cái bụng gần sanh, chồng tôi lo lắng:
_ Em đã tin cho má biết là sắp sanh chưa?
_ Em báo cho má biết từ tháng trước rồi, không biết má còn bạn gì mà chưa thấy lên nữa.
_ Nhắm chừng má không lên được thì anh phải coi nhờ ai lo cho em chớ, sanh tới nơi rồi.
Nhìn xuống cái bụng tròn căng, nặng nhọc mỗi khi đi lại, tôi hiểu nỗi lo của chồng tôi. Không lo sao được, ảnh thì đi làm suốt ngày, tôi ở nhà một mình, cũng chẳng dám làm gì nặng, nhưng chỉ loay hoay một chút đã mệt đuối ra rồi. Thực tình hơn nửa tháng nay tôi mong má tôi lên lắm. Sanh con đầu lòng, mọi sự còn lúng túng cần những gì cũng không rõ, cứ hỏi chừng mấy chị em chung quanh thôi. Nghĩ đến má, tôi tự nhiên muốn khóc. Má tôi có đến sáu đưá con gái, đứa nào sanh đẻ là cũng kéo về để một tay má lo. Đêm hôm lục cục chăm con chăm cháu, mà lúc này má tôi cũng tuổi tác lắm rồi, bắt má phải chịu cực như vậy nữa, thực tôi không đành lòng. Cha mẹ nào cũng vậy, nuôi con cho lớn chẳng mong cậy nhờ gì, chứ mà có chuyện gì lại quày quả lo toan. Chồng tôi có ý hay, phải tìm người phụ giúp tôi lúc sanh đẻ, để má không phải cực nhọc nữa. Nghĩ vậy, tôi nói:
_ Anh à, hay anh cứ tìm người giúp em đi, chứ má giờ cũng cao tuổi rồi, lâu nay em lại nghe má hay đi chùa, để má phải lo chuyện này khổ má quá. Kiếm ai mình nhờ độ vài tháng thôi.
_ Anh cũng tính vậy dó, nếu mình không có điều kiện thì phải đành phiền má, chớ mình lo được mà, để má nghỉ ngơi tuổi già cho thư thả đi.
_ Kiếm thì kiếm người lớn tuổi một chút anh à, họ có kinh nghiệm, chớ em đã không rành lại gặp người lơ ngơ nữa thì chết.
_ Yên tâm đi cô nương, tui biết rồi.
Đùa cho tôi vui thế rồi mấy ngày sau anh dắt về một người đàn bà tuổi độ ngoài năm mươi. Vừa nhìn thấy, tôi than thầm, trời ơi, đã già quá lại trông ốm yều thế kia. Liệu có làm gì được không, hay vài bữa đổ bệnh ra thì khổ mình nữa.
_ Em à, đây là dì Ba, có chị bạn cơ quan anh giới thiệu giùm, dì chuyên chăm sóc sản phụ đó.
Có lẽ thấy vẻ mặt nghĩ ngợi của tôi, dì Ba rụt rè:
_ Cô Hai à, cô yên tâm đi. Tui nuôi đến chín đứa con rồi, ba cái chuyện sanh đẻ này tui hổng lạ gì đâu.
Tôi trố mắt:
_ Trời đất! Dì tới chín đứa lận hả?
_ Thì cái thời tụi tui có biết kế hoạch…kế hoach gì đó…
_ Kế hoạch hóa gia đình.
_ Ưa phải rồi, có biết chi cái đó đâu, nên cứ bầu là đẻ thôi.
Tôi buột miệng:
_ Hèn gì..
Chồng tôi ngắt ngang:
_ Con nói thiệt với dì, tụi con mới có đứa đầu, nên mọi sự nhờ dì cả đó. Có dì là tụi con yên tâm lắm rồi. Dì ráng giúp tụi con nghe.
Dì Ba cười móm mém:
_ Cậu đừng có lo, bổn phận của tui mà.
Thế là dì Ba ở lại nhà tôi, nói thật là tôi rất áy náy, thuở bé đến giờ nào có quen chuyện người ăn kẻ ở đâu, dì cũng không ít tuổi hơn má tôi là mấy. Mình còn trẻ mà để người già cả phải lo toan phục dịch mình, thiệt nghĩ ngợi làm sao. Nhưng phải chịu thôi, vào lúc này thì không còn giải pháp nào tôt hơn. Vấn đề là do xử sự ở mình vậy, đừng để người ta phải buồn và mặc cảm là được rồi. Tôi tự dặn mình như thế. Ngày đầu tiên, dì vừa nấu xong cơm thì chồng tôi về, dì nhanh nhẹn dọn cơm ra bàn rồi nói:
_ Mời cô cậu ăn cơm.
_ Cha, dì Ba khéo tay ghê há, nhìn mâm cơm đói bụng quá. Dì còn làm gì nữa đó, ăn với tụi con luôn đi.
_ Dạ, cô cậu cứ ăn trước cho nóng,tui còn dở chút chuyện.
_ Chuyện gì, dì cứ để đó, ăn cơm đã.
Nói rồi chồng tôi ngồi vào bàn, chúng tôi vừa ăn vừa có ý chờ, nhưng mãi cho đến lúc no ồi vẫn chưa thấy dì lên. Tôi bỏ chén đi xuống bếp, thấy dì đang giặt quần áo, tôi kêu lên:
_ Trời, dì Ba, dì không ăn cơm luôn, cái này lát nữa làm cũng được mà.
Dì Ba vội vã bỏ chậu quấn áo đứng dậy:
_ Cô cậu ăn xong rồi hả? Để tui dọn.
Nói rồi dì le te đi lên bê mâm cơm xuống, bây giờ dì mới lấy chén xúc cơm ăn, tôi cảm thấy bất nhẫn:
_ Sao dì làm vậy?
_ Dạ…nói thệt với cô, hồi giờ tui cũng đi giúp việc nhiều nơi rồi, nên quen , không dám ngồi ăn chung với chủ đâu.
_ Dì nói chi kỳ vậy. Con không thích thế đâu, người ta khác, tụi con khác, dì mà còn làm như vầy nữa tụi con giận đó.
Dì Ba cười cúi xuống chén cơm , nhìn một người đàn bà đã tuổi tác, vơi mâm cơm thừa ngồi xệp ở nền bếp, tôi không hiểu tại sao có những người đã chấp nhận cái cảnh này một cách đương nhiên được. Họ cho rằng thế mới xứng đáng đồng tiền họ bỏ ra sao? Đồng tiền của họ không chỉ mua công sức thời gian, mà còn muốn mua cả giá trị nhân phẩm của người khác nữa. Họ làm thế mới thỏa mãn được cái quyền làm chủ trước sự khép nép, khúm núm của kẻ tôi đòi. Thật buồn quá cho những ý tưởng phân ranh phi lý và vô tình như vậy. Người ta có khó khăn, người ta mới phải đến phụ giúp mình để kiếm sống, suy cho cùng, đó là sự trao đổi công bằng hai người đêu cần đến nhau, mỗi người có một lợi thế, sự tương quan giữa hai bên chỉ là sự trao đổi những lợi thế đó, để cùng được cho cả hai, hà tất phải bắt người ta phục lụy mình. Chỉ cần có một thái độ tôn trọng, phép tắc khi cần thiết là đủ. Nhưng mà ai cũng nghĩ như tôi thì đời này làm gì có câu  “ Giàu – Sang “ “ Nghèo- Hèn “. Người giàu tự cho mình cái quyền trên chốc, và họ lấy đó làm sang, người nghèo nói to một tiếng cũng khó, nên riết đâm hèn đi. Trước người giàu,lại nhất là phải phụ thuộc đời sống vào người đó, tự nhiên có tính hành xử của kẻ dưới, không biết đã tự hạ thấp phẩm giá mình, không biết đã vô tình nâng cao người kia hơn vốn có, và tạo ra một thứ tâm lý khó chịu cho cả đôi bên. Lan man suy tư, tôi chợt nghĩ đến những người con của dì. Cả chín người con ấy, đã có ai từng thấy mẹ mình trong cảnh này chưa? Chín người con ấy lớn đến đâu rồi? làm được những gì rồi? sao cả chín người mà không nuôi nổi một mẹ mình? mà để mẹ chừng này tuổi còn đi cơm bưng nước rót hầu hạ người? Rồi một hôm, thủ thỉ trò chuyện với dì, tôi được biết.
Dì Ba có bốn con trai, năm con gái. Sáu người trong số đã có gia đình riêng, nhưng không khác gì cảnh ngộ của cha mẹ, cũng tất bật quanh năm suốt tháng mà chẳng đủ ăn , cũng vay đầu nọ đắp đầu kia, và cũng…nhiều con. Vốn vùng nông thôn, mùa màng khi được khi thất, khi hạn khi lũ, không mấy ai nở được nụ cười nhẹ nhõm lúc trời chiều. Không mấy ai mà trán không hằn những nếp nhăn xếp lớp. Và cũng không mấy ai leo nổi qua cổng trường cấp một của xã. Nghèo đói và thất học là mũi tên chỉ sẵn một con đường lao lực. Chồng dì cũng đã ngã xuống trên con đường đó, còn lại đì chèo chống giữa bầy con, bầy cháu nheo nhệch. Thương con cháu, còn chút hơi sức nào dì cũng ráng đem đổi lấy hạt gạo, cọng rau mà đỡ đần. Đã tuổi tác lại sức vóc chẳng còn bao nhiêu, dì chỉ còn mỗi nước đi ở mướn. Giọt nước mắt cay cực của dì khi nhớ đến những cung cách đối xử của một số nhà chủ trước, tôi xót xa:
_ Vậy dì đi làm được bao lâu rồi?
_ Cũng có gần mười năm rồi cô.
_ Các con diì biết cả chứ?
_ Biết thì cũng biết tui đi làm vậy, chớ có những chuyện không vui, tui đâu có cho tụi nó biết. Cái số mình nó vậy rồi, biết làm sao được. Lâu lâu dành dụm được chút ít gửi về cho chúng nó cũng thấy vui bụng. Hổng biêt rồi trong mấy đứa có đứa nào ngẩng mày ngẩng mặt được không? Hổng lẽ cứ vầy hoài.
Trong cái thế giới người này, mãi mãi hai từ “ công bằng “ chỉ là ước lệ. Bao nhiêu kẻ no say phè phỡn, thừa mứa, hoang phí cà vào những thú vui có hại, thì bao con người đang trầy trật vật lộn với cuộc sống hàng ngày.
_ Con nghe nói nhà nước có cho vay vốn xóa đói giảm nghèo mà dì?
_ Có thì cũng có đó, nhưng mà hổng dễ vay được đâu cô ơi. Họ có cho vay cũng nhìn mặt cả đấy. Hổng đến lượt mình đâu. Với lại tui cũng sợ lắm , vay rồi lỡ không có trả, còn mỗi cái nhà dột mất nốt thì sao. Thôi thì còn sống ngày nào, cứ ráng đắp đổi ngày đó, hồi nào hết hơi hết sức thì đi theo ba nó vậy.
_ Dì đừng quá bi quan thế, cuộc đời có luật bù trừ mà.
_ Tới tuổi này rồi còn mong bù trừ được gì nữa.
Nói an ủi dì vậy thôi, chứ tôi cũng biết, chẳng còn khả năng nào để cho dì Ba thay đổi được cuộc sống một cách tốt đẹp hơn.
_ Dì có nghĩ cảnh nhà mình như vậy là do đông con quá không?
_ Có chớ, lâu nay nghe người ta nói nhiều về chuyện đó, nhưng mà biết thì cũng đã muộn rồi.
_ Đời dì thì thực là đã muộn rồi, nhưng còn mấy anh chị, dì nói họ rút kinh nghiệm của thế hệ trước cho đỡ khổ.
_ Tụi nó đứa nào cũng ba bốn đứa rồi, hổng biết nó có biết đường mà tránh không. Nhà quê cũng khó lắm cô.
_ Vấn đế là ở mình thôi dì ạ. Đừng có nghe người xưa nói “ đông con nhiều của “. Không có đâu, vì làm thì ít ăn thì nhiều, có đâu mà dư dã được. Con cái không đủ ăn, không phát triển trí óc được, lại không có điều kiện học hành cho tới nơi tới chốn. Mà thời buổi bây giờ, không có học thì chẳng thể nào thay đổi được cái nghèo, ngay như làm nông nghiệp bây giờ cũng cần phải có tri thức, trình dộ. Mà cũng đừng nên cố để có đủ trai đủ gái, con nào có hiếu thì mình cũng được nhờ cả. Khối người đẻ được con trai thì mừng húm, rồi khi nó lớn nó hư lại than khổ. Dì về nói với mấy anh chị vậy nghe.
Dì Ba cười vui thích:
_ Cô nói phải quá, được rồi để kỳ tới tui về, tui sẽ nói tuị nó đừng có đẻ nữa, quá tiêu chuẩn nhà nước cho phép rồi, nhiêu đó nuôi cho ăn học nên người là được rồi. Thiệt hồi xưa mà biết như vầy thì đâu có khổ.
Nhìn dì Ba cười, tôi liên tưởng đến một thứ cây đã khô xác, còn cố chắt chiu chút nhựa để nuôi những chồi non xanh nhú đầu cành.