Yêu cầu cách chức Trưởng Phòng tổ chức cán bộ Lê Xuân Nghênh của Tân Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Hữu Mã chỉ xuất phát từ tư thù cá nhân. Vì gần đây Nghênh đã mấy lần quát mắng Mã trước đám đông vì những hành vi “không xứng làm người lãnh đạo” của Mã. Nghênh còn đe doạ Mã “Cậu nên biết là cái chức giám đốc Trung tâm của cậu chỉ là trên danh nghĩa thôi, nếu cứ bố láo bố lếu thì Tổng công ty sẽ cách chức vào bất cứ lúc nào đấy!”. Nghe Nghênh đe doạ một cách trịch thượng vậy thì Mã uất lắm. Mẹ nó chứ, nó là thằng trưởng phòng thì cũng ngang hàng với mình là giám đốc Trung tâm, đều trực thuộc Tổng công ty chứ hơn gì ai, mà lúc nào nó cũng lên mặt đe nẹt, dậy dỗ mình. Hôm nào ông gặp Cụ Triệu, bố nuôi nói để Cụ đuổi mẹ nó đi cho khuất mắt. May mắn thay và cũng chóng vánh thay, nó chưa có dịp gặp “bố nuôi” để đề đạt nguyện vọng, thì đùng một cái bác Um bị bắt, lại đùng một cái nó được nghiễm nhiên ngồi vào cái ghế của bác Um, cao nhất Tổng công ty, thì nó phải thực hiện ngay cái việc trả thù lão Nghênh, chẳng cần phải nhờ vả ai nữa. Nhưng thật đáng tiếc lý do nó đưa ra đòi cách chức Lê Xuân Nghênh chỉ là những “tin đồn” chẳng có bằng chứng cụ thể nào cả, nên không được ai giơ tay ủng hộ. Hơn nữa ở cái Tổng công ty này, người ta còn e dè kiêng nể, thậm chí sợ sệt Lê Xuân Nghênh, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ hơn là nó, một Tân Chủ tịch Hội đồng quản trị mà ai cũng biết chỉ là hữu danh vô thực. Tuy ý định cách chức Nghênh không thành, nhưng tất cả các buổi họp nào của Chủ tịch Hội đồng quản trị chủ trì thì Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ đều không được mời dự. Mâu thuẫn hai người trong Tổng công ty ngày một căng. Tuy vậy, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty VINAMAPROTEXCO từ ngày thay Chủ tịch Hội đồng quản trị mới thì “vẫn chạy tốt”. Mâu thuẫn quyền lợi sâu sắc đến mức đối kháng khó có cơ cứu vãn nổi giữa hai ông Chủ tịch Hội đồng quản trị Tạ Tấn Um và Tổng giám đốc Tống Văn Chúi cũng tự nhiên được triệt tiêu, do ông Um bị bắt đột ngột. Từ ngày nhậm chức, nó vừa mới đưa ra cái ý kiến cách chức Nghênh mà chẳng được ai đồng ý, ủng hộ làm nó cũng đâm chán nản và nhận thấy quyền lực của mình ở cái vị trí mới này cũng chẳng hơn gì vị trí cũ. Thế là mọi việc của Tổng công ty nó cứ mặc kệ để chú Chúi làm sao thì làm, nó chẳng cần quan tâm. Mấy lại nó cũng có biết quái gì đâu mà quan tâm. Chú Chúi Tổng giám đốc cũng vì thế mà rất đoàn kết với nó. Thỉnh thoảng chú lại gọi vào phòng chú, rồi dúi cho nó một cục tiền tướng bảo là khách hàng họ cho. Nó ăn chơi nhảy múa, tiêu pha thoả mái. Thỉnh thoảng cô Mai cũng bảo nó phải thế này, phải thế kia mới xứng tầm với người lãnh đạo, nó làm theo răm rắp lời chỉ bảo của cô, nên nhiều người khen nó tiến bộ trông thấy. Có người còn bảo “Thật đúng là để thì là cục đất, cất lên thành ông bụt”. Ừ, bây giờ nó đã là ông bụt rồi, thì cứ ngồi đấy là sẽ có khối người đến vái lạy và thờ cúng, cần quái gì phải làm gì nữa. Một hôm nó đi đánh ten nít từ sáng sớm, trở về nhà thay quần áo rồi đến cơ quan hơi muộn một chút, vừa bước vào sảnh lầu một đã thấy mọi người túm năm tụm ba nói chuyện gì với nhau vẻ khác thường. Vừa nhìn mụ Sơn Thị Son, tức “Son hot”, lãnh tụ phụ nữ, kiêm lái xe, kiêm y tá cơ quan từ thang máy chui ra, nó túm lấy hỏi: - Cơ quan có chuyện gì thế hả cô Son? - Ông Nghênh bị tai nạn nặng lắm. - Thôi trời cũng có mắt, cho lão ấy chết là đáng lắm rồi! - Thỉ thui cái mồm độc địa của cậu đi! - Mụ Son hót tỏ ra không vừa ý với lời nguyền rủa của nó - Người ta đã bị tai nạn chẳng thương thì thôi lại còn rủa sả nữa! - Thế lão ấy bị tai nạn thế nào? - Nghe nói tối qua - Mụ Son hót được dịp “bán dưa lê” - mấy ông trong Liên doanh Phú Mỹ ra, rủ đi nhậu trên Hồ Tây. Khi về chắc ông Nghênh say quá nên tông xe máy vào cái cọc bên đường. Nó bảo: - Thế thì kỳ này thằng “ba que” hết cửa rồi, dám bày tiệc để âm mưu “sát chủ” đây? (Ý nó muốn ám chỉ Quách Bá Quế, giám đốc nhà máy liên doanh vật liệu mới). - Cái cậu này! Đừng có nói thế mà phải tội, ông Bá Quế đang túc trực suốt từ đêm qua trong bệnh viện Việt - Đức kia kìa. - Thế đã chết chưa mà phải túc trực như túc trực bên linh cữu thế? - Có nhà cậu chết thì có! Ông ấy chỉ bị nhẹ thôi, khâu có mấy mũi ở bụng. Bây giờ tôi vào xem thế nào, vì bệnh viện đông quá, phải nằm hai người một giường. Tôi sẽ xin cho ông ấy về nhà, rồi mời bác sĩ đến điều trị tại ngoại cho tiện. - Thế mà tưởng có chuyện gì làm cơ quan nhốn nháo cả lên. Thật đúng là “Vua chúa phải gai, bằng thuyền chài vãi ruột”. - Chẳng bị vãi ruột thì cũng bị cái cọc nó đâm vào bụng phải khâu bốn năm mũi đấy! Nó bảo: - Thế thì cái lão Nghênh ấy chưa chết được đâu. Mọi người đi làm việc đi! Cô Lan văn thư cong cớn: - Thưa tân Chủ tịch, chúng tôi được lệnh của Chánh văn phòng Uý Lý Ấm là nghỉ việc cơ quan để đến chăm sóc cho ông Nghênh đây. Lúc ấy lão Dũng gàn đứng cạnh liền lên tiếng: - Vô duyên chưa kìa, thế cô vợ trẻ của nó vừa được Chủ tịch Um “ban tặng cho” đâu rồi mà đến lượt các cô chăm sóc? - Đừng có mà ăn nói linh tinh rồi lại vạ miệng đấy! - Mụ Son hót cảnh tỉnh Dũng gàn. - Tớ đang muốn được “vạ miệng” đây, không tin thì đằng ấy cứ vào trại giam T16 hỏi ông Tùm Lun xen cái thai trong bụng “cháu Phúc” có phải ông ấy là tác giả không nào? - Thôi đi ông, bây giờ ván đã đóng thuyền, con Phúc nó đã là vợ ông Nghênh, cá vào ao nhà ai thì người ấy được, đừng lôi thôi lắm chuyện nữa! Phúc là nhân viên Phòng hành chính, là con một ông đại tá công an kinh tế nào đấy, được Cụ “huỷ phân” nhận về Tổng công ty từ hồi Cụ còn làm Tổng giám đốc ở đây. Phúc được trời phú cho khuôn mặt xinh xắn, đôi chân sếu và thân hình “rất người mẫu”. Nói là “rất người mẫu” bởi Phúc mê làm người mẫu lắm nhưng mấy lần đi thi tuyển đều thiếu một vài tiêu chuẩn (chứ không phải là trượt), nên Phúc mới phải về Tổng công ty này “làm tạm”, chứ bố Phúc xin đâu mà chả được, kể cả mấy công ty và ngân hàng nước ngoài nhé. Có điều Phúc ghét các nơi ấy nên không thèm làm vì họ cứ nhiêu khê đòi bằng nọ bằng kia, mà Phúc thì lại rất dị ứng với ba cái chuyện bằng cấp. Ngay đến bằng tốt nghiệp cấp phổ thông trung học Phúc cũng chẳng thiết nữa là bằng cử nhân với chả ngoại ngữ, rồi vi tính vớ vẩn. Phúc về Tổng công ty này đã năm năm rồi nhưng chỉ thèm làm “trợ lý văn thư” và phục vụ nước nôi cho Chủ Tịch Hội đồng quản trị Tạ Tấn Um, còn thì chủ yếu “thời gian vàng ngọc” Phúc chỉ chăm chút cho mười cái móng chân mười cái móng tay hay là chơi games thôi, thế mà năm nào Phúc cũng vẫn đạt danh hiệu lao động tiên tiến, vì hầu như ngày làm việc nào Phúc cũng đều có mặt ở Tổng công ty, chẳng tháng nào thiếu ngày công “lao động” cả. Phúc được “chú Um” rất cưng chiều nên cấm có ai dám động đến cái móng chân sơn mầu đỏ đỏ tím tím của Phúc cả. Chính vì “chú Um” cưng chiều quá nên cách đây hơn nửa năm, hồi chú chưa bị bắt, mà Phúc đã “bắt chú” đền cho cái tuổi xuân trong trắng của Phúc. Làm “chú” sợ quá phải cầu cứu quân sư là Trưởng phòng tổ chức cán bộ Lê Xuân Nghênh tìm cách giải quyết giúp. Không biết Nghênh là người trung nghĩa như Hàn Tín nuốt cả cục than để thay hình đổi dạng mà cứu chủ hay hắn cũng mê con bé trẻ đẹp lại là con một ông đại tá công an hình sự mà đã tự nguyện xin cưới con bé làm vợ thay cho Chủ tịch Um? Lúc đầu thì con bé cũng còn ngúng ngẩy chẳng chịu đâu, vì Nghênh đã mồm cá ngão, mắt lươn lại còn hơn bố nó những mấy tuổi, nhưng Nghênh đã quyết chí cái gì là phải làm bằng được cái ấy. Nghênh không phải đệ tử của Năm Cam nhưng Nghênh luôn lấy châm ngôn của Năm Cam là kim chỉ nam cho hành động sống của mình là “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Về khoản này thì ai cũng phải nể phục Nghênh rồi, lúc nào Nghêng cũng “rất nhiều tiền”. Nghênh có cả mấy cái nhà ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chỉ để cho thuê, xe ô tô Nghênh cũng có đến vài ba chiếc đời mới. Ấy vậy mà Nghênh sống rất tằn tiện, không khoa trương. Hàng ngày vẫn đến cơ quan bằng cái xe máy đời 82 tòng tọc. Ăn nhậu thì Nghênh thường xuyên rồi, nhưng là thiên hạ tranh nhau mời Nghênh, thậm chí Nghênh còn phải xếp lịch để nhận lời mời từng chỗ, chứ Nghênh chẳng mời ai bao giờ. Chê mãi rồi cuối cùng Phúc cũng đành nhận lời lấy Nghênh, Phúc được Nghênh dành riêng cho một căn biệt thự giữa phố Bà Triệu, kèm theo một ô tô BMW E280 đời mới. Cưới xong là Phúc xin nghỉ việc ở Tổng công ty liền, nhưng mà không phải Phúc nghỉ việc ở nhà chỉ để giữ của cho Nghênh đâu, mà bố Phúc xin cho Phúc vào làm ở bên cơ quan công an của ông. Nghe nói Phúc chẳng thèm làm “trợ lý văn thư” nữa, mà làm cán bộ điều tra xét hỏi hẳn hoi nhé. Đến cơ quan mới, hàng ngày lại có xe ô tô đời mới đưa đón, mấy anh công an trẻ đồng nghiệp chỉ nhìn Phúc mà thầm thán phục, thèm muốn, rồi ghen tị… chứ chẳng ai biết tác giả cái bụng mà Phúc đang vác là ai nữa mà đàm tiếu. Đợt này thì Phúc đang ở cữ nên Nghênh, chồng Phúc bị tai nạn không có người chăm sóc nên Tổng công ty phải lo. Ngay từ buổi sáng, Chánh văn phòng Uý Lý Ấm đã cử mấy nhân viên nữ Phòng Hành chính đến nhà Nghênh rồi, nhưng vì lượng khách khắp trong Nam ngoài Bắc của các đơn vị trực thuộc Tổng công ty nghe tin Trưởng Phòng tổ chức cán bộ “người tốt” bị nạn, họ thi nhau ùn ùn kéo đến “hỏi thăm” đông quá, nên Chánh văn phòng “Uyliam” lại phải cầu viện đến đoàn thanh niên, để điều lực lượng trẻ đến trợ giúp công tác trông giữ xe cho khách và duy trì trật tự, vệ sinh quanh khu vực nhà Nghênh. Khách đến thăm Trưởng phòng tổ chức cán bộ bị tai nạn mà đông hơn cả đám tang năm ngoái của cụ Tổng giám đốc Bùi Như Lạc đã về hưu. Riêng xe ô tô mang biển số của tất cả các tỉnh ba miền trong cả nước đỗ nối đuôi nhau từ ngõ nhà Nghênh ra xếp hàng rồng rắn gần kín quanh con phố dọc ven hồ Con Rùa. Còn xe máy thì phải xin phép chính quyền khu phố sở tại cho đóng cọc chăng dây trên vỉa hè dọc con phố nhà Nghênh, để đội Thanh niên cờ đỏ cơ quan trông giữ miễn phí. Chỉ khác đám ma là các xe không đem theo vòng hoa, mà khách viếng thăm chỉ đem theo những phong bao gọn nhẹ mà thôi. Còn thì cũng giống đám ma là các đoàn đến “hỏi thăm” đều phải đăng ký với Ban tổ chức, cũng có loa gọi “Mời đoàn A vào thăm đồng chí Nghênh… đoàn B chuẩn bị” lần lượt vào thăm viếng “người bị nạn”. Mỗi đoàn chỉ được nán lại không quá năm phút để hàn huyên hỏi thăm bệnh tình của nạn nhân, rồi phải đi ra để đoàn khác vào. Nghênh vẫn nằm chềnh ềnh ở cái đệm mút phủ ga hoa giữa nhà, một tấm ga trắng phủ lên người Nghênh kín từ ngực trở xuống, đầu Nghênh gối lên cái gối hình con cá sấu nhồi bông… Ban tổ chức đã nhắc nhở các đoàn vào thăm viếng nạn nhân phải giữ trật tự, đi nhẹ nói khẽ, tránh ồn ào gây mất trật tự và chỉ nên cử một đại diện để trò chuyện hỏi thăm nạn nhân thôi, không nên nhiều người hỏi thăm dồn dập làm nạn nhân phải trả lời nhiều sẽ mệt. Đoàn nào vào cũng một câu mở đầu y hệt đoàn trước, đó là “Chết thật anh đi đứng thế nào mà lại ra nông nỗi này?”. Nghênh lại phải mở đôi mắt lươn ra thều thào “Trời tối quá, mìmh tránh cái xe đi ngược chiều…” Câu trả lời như vậy được Nghênh “replay” bằng mồm lại quá nhiều lần, nên Ban tổ chức sợ Nghênh mệt và mỏi mồm nên nảy ra sáng kiến là ghi băng lại, rồi đoàn nào vào hỏi thì một nhân viên Phòng tổ chức của Nghênh lại bật băng lên cho “play” câu trả lời ghi sẵn của Nghênh. Các đoàn vào hỏi liên tục, người bấm máy cũng mỏi tay nên phải để chế độ “Auto revert” tua lại liên tục. Thành thử những người mới đến còn chưa hiểu gì, cứ nghe cái băng cassette ỉ eo như thể tiếng tụng kinh cho linh hồn người sắp quá cố được siêu thoát vậy. Chẳng biết phải khâu ở bụng mấy mũi có đau lắm không, nhưng chắc là cũng bị xoàng thôi, không có gì nguy hiểm đến tính mạng, nên thấy Nghênh vẫn tỉnh táo lắm, chỉ làm ra vẻ mệt mỏi nói thều thào cho giống người đau nặng thôi, chứ mỗi khi các đoàn hết giờ phải đi ra thì đều nói “Thôi, nghe anh bị nạn, Công ty cử em đến thăm, có tí chút gửi để anh bồi dưỡng cho chóng khoẻ” là đôi mắt lươn của Nghênh vẫn ti hí nhìn xem họ bỏ mấy cái phong bì vào cái hòm gỗ vẫn còn để nguyên chữ “hòm phiếu” mà mấy cô hành chính bê từ cơ quan đến chẳng thèm bóc đi, rồi lại thều thào “cảm ơn”. Từ sáng đến trưa, các cô đã phải đổ “phong bì phiếu bầu” mấy lần vào cái bao tải mà cái “hòm phiếu” nó vẫn cứ tiếp tục đầy. Bỗng thấy mụ Son “hót” dừng xe ô tô trước cổng, rồi xuống mở cửa sau cho một người nửa đàn ông nửa đàn bà bước xuống, tay người này cầm cái chai nhựa vỏ nước La Vie, trong đựng thứ nước gì mầu nâu xẫm như rượu thuốc, đi theo Son vào thẳng chỗ Nghênh nằm không cần loa gọi tên giới thiệu gì cả. Mụ Son “hót” nói như ra lệnh cho ban tổ chức thăm viếng: - Hãy cho dừng các đoàn hỏi thăm lại để “cậu” bôi thuốc cho ông ấy! Chánh văn phòng “Uyliam” ngăn lại, hỏi: - Chị mời “cậu” này ở đâu và bôi thuốc gì vậy? Nghe vậy, cái người nửa đực nửa cái mà được Son gọi là “cậu” kia có vẻ không hài lòng, liền dừng tay và nói bằng cái giọng thái giám ai ái: - Thế nào đây hả chị Son? Gia chủ họ chẳng tín nhiệm thuốc của tôi mà chị cứ lôi kéo tôi phải đến bằng được, để cho bao nhiêu người còn đang xếp hàng chờ tôi ở nhà kia kìa! Mụ Son “hót” đon đả: - Dạ, thưa “cậu” không phải thế đâu ạ, chả là một số người ở đây chưa biết tiếng thuốc thần tiên của “cậu” nên muốn hỏi để tìm hiểu cho rõ thôi đấy ạ! - Rồi mụ quay ra nói như quảng cáo với mọi người: - Đây là cô, à quên “cậu” Trùm, mà cả vùng Xứ Đoài Sơn Tây đều gọi là Bà lang Trùm, hay “cậu lang bìm bịp”, vì chỉ bằng một toa thuốc chim bìm bịp ngâm rượu mà “cậu” có thể trị trăm chứng bệnh khỏi mười tật đau. Bệnh gì được dùng thuốc của “cậu” đều khỏi ngay tắp lự. Chẳng tin mọi người hãy chứng kiến “cậu” bôi thuốc vào vết thương cho ông Nghênh bây giờ, chỉ sau năm phút là sẽ hết đau đớn ngay cho mà xem. Giữa lúc “bà đốc” Son hót đang ba hoa quảng bá cho cái thương hiệu rượu ngâm bìm bịp, thì ngoài cổng nhà Nghênh lại đỗ xịch một chiếc taxi biển hiệu “Sân bay Nội Bài”, từ trên xe kẻ tội đồ gây ra tai nạn, “Mít-tờ Ba Que” bước xuống, dắt theo một ông cao dong dỏng, đeo cặp kính trắng, tay xách chiếc cặp Diplomat đen, dáng rất tri thức đi theo vào thăm người bị nạn. Họ cũng chẳng cần ghi tên thứ tự tại Ban tổ chức để chờ được đọc tên trên loa mời vào, mà đi thẳng đến chỗ Nghênh nằm. “Mit-tơ Ba Que” giới thiệu với mọi người: - Đây là giáo sư tiến sĩ y khoa, Ngài Đốc-tờ John Nguyễn, một lương y nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ta ở Cali, một trí thức Việt kiều rất nặng lòng với bà con đồng bào trong nước. Hiện Ngài đang rất bận khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho trẻ em nghèo tại Bệnh viện Làm Phúc trong Thành phố Hồ Chí Minh, tôi phải nhờ các đồng nghiệp trong đó mời Ngài đáp máy bay ra đây gấp cứu giúp cho anh Nghênh chóng lành vết thương, để tôi có thể chuộc được cái lỗi lầm đã chúc anh quá chén mà xảy ra cơ sự này. Ngài Đốc-tờ John Nguyễn cúi gập chào mọi người rồi ghé đít ngồi xuống bên tấm đệm mút cạnh nạn nhân, hỏi: - Sau khi xử lý vết thương, đã cho bệnh nhân dùng những loại thuốc gì rồi? Bà đốc-tờ nửa mùa, không bằng cấp của cơ quan, Sơn Thị Son “hót”, đại diện cho phái “chuyên môn” lên tiếng trả lời: - Cũng mới chỉ dám cho dùng mấy viên kháng sinh theo đơn của bác sĩ Bệnh viện Việt Đức và vừa rồi “cậu” Lang Trùm có bôi cho một vị thuốc dân tộc là rượu bìm bịp thôi ạ. Ngài giáo sư tiến sĩ y khoa mang quốc tịch Hoa Kỳ Quốc nói: - Vết thương vừa được xử lý dùng thuốc trụ sinh là tốt, nhưng bôi rượu bìm bịp lăng lăng thì bậy bạ, bậy bạ hết sức! Bị hạ nhục vị thuốc tiên nổi tiếng của mình thì bà Lang Trùm không thể ngồi yên được nữa: - Ngài lương y Mỹ Quốc chê thuốc dân tộc là bậy bạ, xin hỏi ngài định dùng thuốc phương Tây gì để chóng lành vết thương cho người bệnh đây? - Với nền y học hiện đại tân tiến hàng đầu thế giới của nước Mỹ, chúng tôi chỉ dùng những loại thuốc được bào chế bởi các “la-bô” danh tiếng nhất của Hoa Kỳ, Thuỵ Sĩ. Không bao giờ được phép cho người bệnh dùng những loại thuốc không nhãn mác, hoặc những thứ lăng nhăng gọi phứa lên là “thuốc dân tộc” cả. - Thôi, thôi ông không cần phải quảng cáo cho các “la-bà-bô” của nước Mỹ nước mẽo nào nữa, ông cứ cho biết thẳng là ông sẽ tiêm hay cho người bệnh uống thuốc gì để mau lành vết thương đây? - Thưa bà, à thưa ông – Ngài đốc-tờ tiến sĩ y khoa nhìn “cậu” Lamg Trùm lúng túng – Sorry tôi không biết nên gọi “you” là “mít-tơ” hay “ ma đam”? Tôi nói thuốc được bào chế từ các la-bô danh tiếng tức là thuốc được chế tạo bởi các Hãng dược phẩm có phòng thí nghiệm hiện đại, chứ không như “you” nói là bào chế từ các la-va-bô tức là từ các bồn rửa trong các nhà xí. Còn về phương pháp điều trị thì tôi không tiêm chích, mà cũng chẳng cần phải cho con bệnh uống bất kỳ một loại thuốc gì. Tôi chỉ cần dán vào vết thương một lá cao nhỏ là sau ba tiếng đồng hồ vết thương sẽ liền da lại như chưa bao giờ từng xảy ra thương tích vậy. - Dào ơi, tưởng cao siêu gì – “cậu” Lang Trùm bĩu môi - chứ dán cao vào vết thương thì chỉ có là giết con bệnh chứ chữa với trị gì? Người không có kiến thức về thuốc thì người ta cũng thừa hiểu cao sa-lô-pác của Nhật Bản chỉ được dùng để dán vào những vết thương bị bầm dập, thâm tím, sưng tấy nhưng chưa bị xây sát, chảy máu, chứ dán vào vết mổ thì chỉ có mà đưa con bệnh đi Văn Điển sớm. Hay là ông chưa “đọc kỹ hướng dẫn cách sử dụng trước khi dùng”? - Thưa bà, à sorry thưa ông, y học tân tiến vượt trội của Hoa Kỳ chúng tôi không bao giờ dùng những loại cao rẻ tiền như Sa-lô-pác của Nhật Bổn. Mà chúng tôi dùng loại cao dán đặc trị cao cấp của Hoa Kỳ sản xuất. Đây là một chế phẩm mới nhất của các giáo sư tiến sĩ dược khoa đầu ngành nước Mỹ đang chờ lĩnh giải thưởng Nô-Ben về thành tựu y học của thế kỷ 21. Đang lúc “cậu” Lang Trùm Xứ Đoài Sơn Tây và ngài đốc-tờ giáo sư tiến sĩ y khoa Hoa Kỳ Quốc đang thoá mạ nhau về cách điều trị cho người bệnh bằng rượu bìm bịp dân tộc hay cao dán liền da của Hoa Kỳ, thì ông bác sĩ Bệnh viện Việt-Đức, người vừa điều trị vết thương cho bệnh nhân Nghênh tối qua, dắt một người đàn ông nữa đi cùng, cả hai người đều mặc áo blu trắng và cũng vào thẳng chỗ Nghênh nằm mà không qua thủ tục đăng ký với Ban tổ chức. Ông bác sĩ Bệnh viện chỉ người cùng đi với mình, nói: - Đây là bác sĩ Sơn, người đồng nghiệp của tôi. Xin mọi người làm ơn lui ra cho chúng tôi khám lại vết thương và làm hồ sơ bệnh án để điều trị tiếp cho bệnh nhân Nghênh. Trong khi ông bác sĩ kéo tấm chăn ga trắng đắp trên người bệnh nhân ra thì “người đồng nghiệp” mở tập “hồ sơ bệnh án” của Nghênh để chuẩn bị ghi chép. Khi người bác sĩ cởi khuya áo của Nghênh để lộ ra vết thương mới vừa khâu được dán băng trắng song song với vết sẹo cũ dài chạy thẳng gần rốn Nghênh, thì “người đồng nghiệp” lấy máy ảnh bấm lia lịa mấy “pô” liền. Đoạn “người đồng nghiệp” lại nhanh thoăn thoắt lấy hộp mực dấu trong túi blu trắng ra, áp ngón tay cái, rồi ngón tay trỏ của Nghênh vào, rồi lại gí các ngón tay ấy lên tờ giấy trong kẹp “hồ sơ bệnh án” như thể lấy vân tay vậy. Mọi động tác của hai người diễn ra quá nhanh chóng có lẽ chưa đầy một phút. Ông Bác sĩ vui vẻ nói với mọi người: - Công việc khám bệnh của chúng tôi đã xong, mời mọi người tiếp tục vào thăm bệnh nhân. Hai ông bác sĩ vừa đi ra, thì tiếng loa lại oang oang: - Mời Đoàn Công ty vật liệu miền Tây vào thăm đồng chí Nghênh, Đoàn Cửa hàng vòng bi Sơn Nam chuẩn bị. Trong khi các Đoàn còn đang xếp hàng rồng rắn vào thăm bệnh nhân, thì hai ông bác sĩ tạt vào một quán giải khát “ Ven Hồ” đối diện ngõ nhà Nghênh, gọi hai cốc cà phê đen và hai điếu ba số. Ông bác sĩ nói với “người đồng nghiệp”: - Tôi xin lấy đầu tôi ra mà cam đoan với anh nó chính là thằng “Quang chó”. Cái vết sẹo cũ thẳng đuột mà anh vừa chụp ảnh đó chính tay nó tự rạch ra, và chính tay tôi khâu lại và băng bó cho nó. Tuy đã hơn hai mươi năm rồi, nhưng vì cái vết sẹo đó mà tôi bị kỷ luật hạ liền hai bậc lương, còn phải đi lao động trồng rừng hai năm liền thì tôi không thể nào quên được. Thật là trời run rủi làm sao mà tối qua nó lại đến để tôi khâu vết thương mới cho nó, tôi phát hiện ra ngay, nên phải báo cho các anh biết. Việc xử lý ra sao do các anh quyết định. “Người đồng nghiệp” nói: - Rất cảm ơn anh đã cho cơ quan an ninh chúng tôi biết thông tin này kịp thời, ngay bây giờ tôi sẽ gửi dấu vân tay cho Viện khoa học hình sự để đối chiếu với hồ sơ tàng thư của nó. Mọi công việc bên chúng tôi bây giờ đều đã được mã số hoá, nên công tác đối chiếu chỉ mấy phút là xong. Nếu đúng chúng tôi sẽ xin lệnh bắt khẩn cấp. Tại nhà Nghênh, từ lúc hai bác sĩ Bệnh viện Việt - Đức khám lại vết thương cho Nghênh rồi ra về thì Nghênh như cảm thấy bồn chồn, hốt hoảng. Nghênh ngồi nhỏm ngay dậy xua tay bảo mọi người: - Thôi tôi khỏi rồi, cảm ơn tất cả. Bảo mọi người giải tán về giúp đi không phải thăm nom gì nữa! Mọi người đều sửng sốt vì không biết thuốc thần của “cậu” Lang Trùm xứ Đoài hay cao dán liền da của ông giáo sư tiến sĩ y khoa Hoa Kỳ Quốc mà hiệu nghiệm nhanh đến thế? Được dịp may, hai vị lương y lang ta và đốc-tờ Tây tranh nhau khoe sức hiệu nghiệm thần diệu của thuốc mình vừa xoa và dán cho bệnh nhân. Ai cũng nhận là nhờ có thuốc của mình mà bệnh nhân mới chóng hồi phục đến thế. Chẳng vị nào chịu nhường vị nào. Họ cãi nhau bằng những ngôn từ rất bình dân mà những vị lang băm sẵn có, đến nỗi làm cho khổ chủ Lê Xuân Nghênh không chịu thấu phải kêu lên: - Thôi con van hai vị lương y, thuốc của các vị đều hay, đều là thần dược cả. Xin hai vị hãy nhận tiền công rồi lại nhà sớm giùm cho con được nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Thấy Nghênh nói khổ sở như mếu vậy, mụ Son “hót” và lão “Ba Que” đều vội dắt lương y của mình tháo lui nhanh trong trật tự. Nghênh lại kéo tấm ga trắng phủ kín đầu rồi bật khóc hu hu, làm cho Ban tổ chức thăm viếng phải bối rối, cuống cà kê lên. Lập tức cho ngừng loa gọi các đoàn vào viếng thăm. Có lẽ cùng lúc bôi liền rượu bìm bịp và dán cao liền da nên bị công thuốc chăng? Có nhẽ phải gọi xe cấp cứu gấp. Nhưng Nghênh lại ngừng khóc, thò đầu ra khỏi tấm ga trắng nói như van vỉ: - Tôi khỏi rồi, đừng gọi xe cấp cứu nữa. Mọi người hãy về hết cả đi, khoá giúp tôi cửa và cổng lại, mau lên! Mau lên! Thấy Nghênh hốt hoảng vậy mọi người càng cuống thêm, chắc là Nghênh bị công thuốc đau quá, phát điên lên mất rồi! Người thì đỡ Nghênh nằm xuống, người thì vội pha nước đường đưa cho Nghênh uống để “hạ hoả”, thấy vậy một người giằng lại cốc nước đường, bảo: - Vừa mổ bụng xong, cho uống nước đường để nó vỡ ra à? Giữa lúc đang bối rối thì nghe tiếng còi hú ngoài cổng như còi xe cứu hoả. Ba chiếc xe công an trong đó có một chiếc xe chở tù đỗ xịch trước cổng nhà Nghênh. Một đoàn người mặc trang phục công an từ ba xe bước xuống, Người đi đầu đeo lon thiếu tá chính là “người đồng nghiệp” của ông bác sĩ vừa đến khám lại và chụp ảnh cái bụng của Nghênh cách đây nửa giờ đồng hồ. Họ đi thẳng vào trong nhà chỗ Nghênh đang nằm, cả đoàn hơn mười chiến sĩ công an đứng thành một hàng nghiêm chỉnh. Vị thiếu tá đi đầu ra lệnh đanh gọn: - Lê Xuân Nghênh, tức Lý Lương Tài, tức Nguyễn Hữu Quang, tức “Quang chó” anh đã bị bắt lại lần nữa! Hãy mau ngồi dậy để nghe cáo trạng và lệnh bắt khẩn cấp của cơ quan công an Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam! Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ của Tổng công ty VINAMAPROTEXCO run lẩy bẩy, lồm cồm bò dậy, nhìn cái mặt dài ngoẵng, xám nghoét như cắt không được hạt máu của hắn cúi gằm xuống sàn nhà không dám nhìn ai, ngoan ngoãn nghe lệnh người công an đọc. Mọi người xung quanh đều thấy sửng sốt đến mức không thể ngờ tới khi nghe lệnh bắt khẩn cấp của cơ quan an ninh và tội trạng của Nghênh, tức Quang chó. Hắn vốn xuất thân là tên Đại ca giang hồ chuyên nghề trộm cướp, cờ bạc, lô đề ở khu vực cầu Gia Bẩy thành phố Thái Nguyên cách đây hơn hai mươi năm trước. Hồi đó hắn bị công an Phường Gia Bẩy, Thành phố Thái Nguyên hốt trọn cả sòng cờ bạc xóc đĩa do hắn tổ chức cần cái, sau đó bị Toà án Thành phố Thái Nguyên tuyên phạt 7 năm tù. Khi mới đang thụ án tù được già một năm thì hắn đã đánh chết một bạn tù chỉ vì anh này đói và thèm quá đã ăn vụng mất của hắn một miếng thịt mà gia đình vừa tiếp tế cho hắn. Hắn liền bị đưa vào phòng biệt giam để chờ ngày lĩnh thêm án. Hắn đã bày trò liều lĩnh tự rạch bụng mình tự tử, nhưng không chết. Hắn được cấp cứu vào Bệnh viện Đa khoa thành phố Thái Nguyên, khi ấy chính ông Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức Hà Nội vừa khâu vết thương tai nạn xe máy cho hắn tối qua còn là anh bác sĩ trẻ mới ra trường của Bệnh viện Đa khoa Thái nguyên đã khâu vết rạch bụng cho hắn. Anh lại yêu cầu bệnh viện cho hắn nằm ở một phòng riêng để anh tiện theo dõi điều trị, nào ngờ đêm đó hắn đã trốn đi mất, làm anh bị kỷ luật hạ bậc lương, đi lao động cải tạo vì bị nghi vấn có hành vi tiếp tay cho tên tù giết người trốn viện. Hồi đó hắn đã được đồng bọn đưa xuống Thành phố cảng Hải Phòng, rồi tổ chức vượt biên sang lãnh thổ Hồng Kông khi ấy còn là thuộc địa của Anh Quốc. Hắn sống trong trại tị nạn Hồng Kông khoảng gần một năm thì được nhận “tị nạn chính trị” sang sinh sống tại Canada. Với nghề cờ bạc có hạng, hắn đã nhanh chóng phất lên như một “ông chủ” tại đó. Những năm gần đây dựa vào chính sách cải cách mở cửa và hoà hợp dân tộc của Chính phủ Việt Nam, hắn đã nhiều lần nhập cảnh vào cửa khẩu Tân Sơn Nhất Thành phố Hồ Chí Minh với cái mác Việt kiều yêu nước và cái tên rất “người Hoa” là Lý Lương Tài. Hắn cũng đã đi “làm từ thiện” ở một vài nơi trong các tỉnh đồng Bằng sông Cửu Long và đầu tư vào mấy dự án sòng bạc tại Vũng Tầu, Nha Trang. Với lối làm ăn theo kiểu anh chị, chụp giật, lừa bịp là chính nên khách chơi cũng lảng dần, cả hai sòng bạc đều kinh doanh không hiệu quả, nên hắn đã bán lại sang tên đổi chủ cho người khác để lấy tiền đầu tư vào bất động sản và tổ chức cá độ bóng đá. Đồng thời hắn tìm cách chui vào cơ quan doanh nghiệp Việt Nam là Tổng công ty VINAMAPROTEXCO. Mọi người nghe đồng chí công an đọc tội trạng của hắn trong lệnh bắt khẩn cấp mà ngạc nhiên đến toát mồi hôi. Chánh văn phòng “Uyliam” Uý Lý Ấm bảo: - Thằng này ghê thật đấy, dám lừa cả các vị Lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Nghe vậy, một đồng chí công an nói luôn: - Thưa bà con, đừng nên bị hắn đánh lừa mà hiểu lầm, không hề có chuyện các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước bị hắn qua mặt đâu. Cùng giờ này đồng đội của chúng tôi đã có mặt tại trụ sở VINAMAPROTEXCO thu giữ tất cả các tấm ảnh hắn đang trưng bày trên bàn làm việc của hắn mà mọi người thấy các đồng chí Lãnh đạo ôm hôn hắn, ăn cơm chung với hắn, rồi ngồi đàm phán với Lãnh tụ nước ngoài cùng hắn đều là ảnh chụp thật, nhưng có điều một người trong ảnh đã bị hắn dùng kỹ thuật photoshop cắt bỏ cái đầu đi, rồi ghép cái đầu của hắn vào mà thôi. Nghe vậy mọi người mới “ồ” lên, là mình cũng bị hắn lừa mà không biết. Rồi cùng nhìn theo các chiến sĩ an ninh bắt hắn, khoá tay bằng còng số tám, dẫn giải lên xe hòm, khoá chặt rồi phóng đi mà lắc đầu nuối tiếc cho sự mất cảnh giác để phải nhọc nhằn phục dịch hắn suốt từ sáng đến giờ. Người bất ngờ nhất, đau đớn nhất phải kể đến ông đại tá công an vì đã chọn nhầm con rể. Toà cao ốc ba mươi tầng lầu, ngụ tại số 1000 phố Rồng Bay giữa Thủ đô Hà Nội là văn phòng chính của Tổng công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Vật liệu Việt Nam VINAMAPROTEXCO, sau “cuộc chính biến kép” là Chủ Tịch Hội đồng quản trị Tùm Lum và Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, tức kẻ giết người tử tù trốn trại Lê Xuân Nghênh, tức Quang chó bị bắt thì nó vẫn hiên ngang tồn tại. Mọi hoạt động chỉ đạo sản xuất kinh doanh trong toà nhà đó vẫn vận hành bình thường như chưa hề có chuyện gì xảy ra vậy. Chỉ có khác là nhờ cơ quan an ninh đã triệt tiêu được hai mối mâu thuẫn lớn giữa ông cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị với ông Tổng giám đốc và giữa ông tân Chủ tịch Hội đồng quản trị với ông Trưởng phòng Tổ chức cán bộ. Chuyện ông Tùm Lum bị bắt tạm giam đã diễn ra như một yếu tố tất yếu và linh cảm thấy trước của mọi người trong Tổng công ty, nên hầu như không cảm thấy có yếu tố bất ngờ. Còn việc Lê Xuân Nghênh là tên giết người, tử tù trốn trại thì không ai trong toà nhà này có thể ngờ tới. Sau khi Nghênh bị bắt, do yêu cầu của bên cơ quan an ninh và chỉ đạo của cấp trên, Lãnh đạo Tổng công ty do tân Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Hữu Mã chủ trì một cuộc họp kiểm điểm rút kinh nghiệm và qui trách nhiệm về sự mất cảnh giác, thì người ta mới tá hoá ra là Nghênh chẳng có một tí hồ sơ cá nhân nào còn lưu trữ tại Tổng công ty cả, mà hắn có đưa hồ sơ đâu mà lưu với trữ. Ông Tổng giám đốc Chúi còn nhớ mang máng hình như khi nó về Tổng công ty là có sự giới thiệu của Cụ Triệu thì phải, nhưng bây giờ cũng chẳng còn bằng chứng nào là Cụ giới thiệu cả. Chúi nhớ hình như hôm hắn mới đến thì Um có đưa cho mình mấy chữ viết tay vào sau tờ lịch cũ của Cụ là bố trí nó vào vị trí của mụ Đành Hanh thì phải. Nhưng mẩu giấy ấy Chúi đọc rồi vất đi ngay chứ giữ làm gì. Hơn nữa chắc Cụ Triệu cũng bị nó đánh lừa, nên cũng tưởng nó là người trên Văn phòng Trung ương, chứ làm sao Cụ biết được nó là tên giết người, tử tù trốn trại? “Sống và làm việc theo pháp luật” thì đã hiển nhiên rồi, nhưng mà cũng phải sống và đối nhân xử thế cho hợp với qui luật của đời nữa chứ! Qui luật của cuộc sống hiện đại bây giờ là thành tích thì phải bằng mọi cách cố mà giành giật lấy, nhưng trách nhiệm và khuyết điểm thì cố mà đẩy ra hoặc qui chụp cho người khác. Mà việc đẩy ra là phải đẩy xuống cấp dưới nó mới dễ, mới xuôi chiều, hợp qui luật, chứ có là thằng điên thì mới đẩy ngược chiều lên cấp trên. Cái trách nhiệm nặng nề mà đẩy ngược lên cũng không đẩy nổi, có khi nó rơi xuống còn đè bẹp mình nữa chứ bỡm à? Hãy quên cái chuyện Cụ Triệu, giới thiệu đi là thượng sách. Cái thơm ai chẳng muốn ngửi, cái thối ai chẳng muốn tránh. Thôi thì cứ “đánh rắm đổ cho thằng ngủ” là tốt nhất, vì thằng ngủ đố mà biết cãi cái gì. Lão Tùm Lum tham lam, ăn tạp đã vào trại giam, nặng nhẹ gì thì ra toà cũng rũ tù, có gán thêm một tội mất cảnh giác đưa thằng Nghênh về Tổng công ty thì cũng chẳng vì thế mà lão bị thêm hình phạt nữa. Vả lại trong thời gian thằng gian thần mắt lươn Nghênh âý làm việc tại Tổng công ty, nó đã bao phen bầy mâm dọn bát cho lão Tùm Lum đánh chén. Tỷ như cái vụ nhà nghỉ ở bãi biển tỉnh T. dùng tiền dự án chuyển giao Khu công nghiệp chẳng hạn; hay như việc hắn đã lấy thân mình cứu chủ mà cưới cái con Phúc đĩ non kia khi nó đã mang bầu với lão, thì bây giờ lão phải gánh trách nhiệm là mất cảnh giác nhận nó về cũng đáng lắm chứ! Suy nghĩ vậy nên Tổng giám đốc Chúi phát biểu trước: - Thưa các đồng chí, nếu nói về sự mất cảnh giác đã nhận kẻ tử tù trốn trại về bố trí làm Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, nhìn trên góc độ trách nhiệm thì tôi, Tổng giám đốc phụ trách công tác tổ chức phải nhận trách nhiệm này mới đúng. Nhưng như các đồng chí đã thấy đấy, đồng chí Um, (à quên ông Um, bây giờ ông ta không còn là đồng chí của mình nữa, nên không được gọi là đồng chí), là Chủ Tịch Hội đồng quản trị, phụ trách chung, ông ta lấn sân công việc của tôi không chỉ trong khâu kinh doanh, quản lý dự án mà khâu tổ chức cán bộ ông ta cũng bao biện nắm trọn cả, có để cho tôi được tham gia cái gì đâu. Việc Lê Xuân Nghênh đến Tổng công ty nhận công tác, ông ấy cũng làm xong rồi thông báo cho tôi biết, chứ có được bàn bạc gì đâu. Các đồng chí đều biết Nghênh là người của ông Um chứ đâu phải là người của tôi. Cái nhà nghỉ trong bãi biển tỉnh T. mang tên vợ ông ấy các đồng chí đã rõ từ đâu mà có rồi, còn việc Nghênh cưới cô Phúc thay cho ông ấy lại càng rõ hơn. Thiết nghĩ với từng ấy bằng chứng, thì chúng ta chẳng phải họp bàn nhiều cũng có thể kết luận ông Um phải chịu trách nhiệm chính trong việc nhận Nghênh về Tổng công ty và đứng đằng sau khuyến khích, xúi giục hắn làm bao chuyện bậy bạ, sai nguyên tắc để mưu lợi bất chính…. Ông Tổng giám đốc vừa dứt mạch diễn thuyết, chưa kịp ngồi xuống thì mọi người đã vỗ tay đôm đốp biểu thị sự đồng tình tán thưởng. Vì như thế cũng là nhẹ người, chẳng ai còn lo mình phải có trách nhiệm trong vụ này nữa. Mã Tóc Xoăn nói: - Cháu biết ngay cái thằng này mà!... Ma đam Le, Phó Tổng giám đốc nhắc nhở: - Đây là cuộc họp Lãnh đạo Tổng công ty, đồng chí Mã phải chú ý phát ngôn cho đúng với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của mình, không có cháu cháu chắt chắt gì ở đây cả. Mã Tóc Xoăn thẹn đỏ mặt và lắp bắp: - Xin lỗi, tôi hay quen mồm! - Rồi nó ngồi đực ra một lúc, nghĩ lại lời bác Dương lái xe cho nó, hôm qua nói về lão Nghênh, bác đã nói rất đúng rất hay, lại còn dùng cả ca dao nữa. Nó đã bắt bác nói lại mấy lần để nó học thuộc. Bây giờ nó chỉ cần “đọc thuộc lòng” lại thôi, thế là nó phát biểu tiếp – Thưa các đồng chí, ngay từ đầu khi gặp hắn về Tổng công ty, nhìn cái mồm cá ngão lúc nào cũng như muốn đớp mồi, đôi mắt lươn ti hí gian thần của hắn lúc nào cũng chỉ chực hại người, tôi đã nghĩ ngay rằng “thằng này không phải thiện nhân, chẳng phường trốn trại cũng quân giết người”. Thấy Mã dùng được câu Kiều lẩy rất đắt và đúng chỗ, mọi người phá lên cười vỗ tay tán thưởng, thì Mã lại được thể hăng hái nói tiếp: - Cho nên ngay khi được cấp trên tín nhiệm, phân công giữ trọng trách cao nhất của Tổng công ty, công việc đầu tiên tôi nghĩ đến là chiến lược dùng người (lúc này nó lại nhớ chính lời Nghênh hay ba hoa) vì công tác tổ chức cán bộ tức là công tác về con người. Mọi sự thành công hay thất bại đều ở yếu tố con người, nên công tác tổ chức cán bộ là quan trọng bậc nhất trong tất cả những việc quan trọng của một đơn vị. Tôi muốn thay ngay, phế truất ngay con người gian giảo này, nhưng thật đáng tiếc đã không được mọi người ủng hộ. Bây giờ để xảy ra cơ sự này, bác Um (à quên ông Um) vẫn là người chịu trách nhiệm chính như đồng chí Tổng giám đốc vừa phát biểu, nhưng các đồng chí ngồi đây hãy nhìn lại thái độ của mình phản đối tôi đề nghị cách chức hắn, mà vẫn ủng hộ hắn làm trưởng phòng thì lúc đó các đồng chí đã suy nghĩ thật chín chắn, thấu đáo chưa mà lại hành động như vậy hả? Nghe Mã chất vấn vậy, mọi người đều cảm thấy mình đã sai, đã có lỗi. Chính Mã mới là người tinh tường, biết nhìn người, biết đánh giá con người hơn mình. Tuổi trẻ tài cao, được ăn học ở bên Tây về có khác. Từ nay không thể coi thường nó được nữa. Thấy mọi người đều ngồi im lặng, như biết lỗi, chẳng ai phát biểu. Bà Phó Tổng giám đốc Lê Thị Hoa Mai liền lên tiếng: - Thôi, tôi thấy việc qui trách nhiệm cho ông Um đã mất cảnh giác nhận Nghênh về lại giao cho hắn khâu công việc then chốt trong Tổng công ty là thoả đáng lắm rồi, không cần phải bàn nhiều, qui thêm trách nhiệm cho ai nữa. Việc cần làm ngay bây giờ là tìm người thay thế công việc của Nghênh và hoàn chỉnh bộ máy giúp việc cho đồng chí tân Chủ tịch Hội đồng quản trị, để không bị gián đoạn trong một vài khâu chỉ đạo kế hoạch sản xuất kinh doanh trong toàn ngành, các đồng chí thấy thế nào? – Ma đam Le nêu vấn đề này ra là theo sự chỉ đạo của Cụ Triệu phải hoàn thiện ngay một bộ máy giúp việc giỏi để làm sao cho thằng Mã đứng vững được ở cương vị mới và nắm được khâu nhân sự của Tổng công ty. Không thấy ai nói gì, Ma đam Le nói tiếp - Tôi thấy tuy đồng chí Mã có sức bật của tuổi trẻ, nhiệt tình và năng động, có kiến thức ngoại ngữ tốt và nhiều tiến bộ vượt bậc trong công việc, nhưng dù sao với cương vị là người Lãnh đạo cao nhất của Tổng công ty thì đồng chí cũng còn bỡ ngỡ chưa thể quen ngay công việc được, cần phải có một đội ngũ thư ký, cố vấn thạo việc để giúp đồng chí hoàn thành nhiệm vụ. – Mai ngừng lại nghe ngóng phản ứng của hội nghị, không thấy ai nói gì, Mai liền nói tiếp những ý kiến chỉ đạo của ông Phần hôm qua đã nói với Mai, bằng một giọng điệu hùng hồn, quyết đoán và áp đặt cứ như thể Mai đang là người chủ trì hội nghị chứ không phải là người tham gia ý kiến – Tôi thấy thời gian qua đồng chí Mã làm giám đốc Trung tâm, đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc, cái đó nhờ một phần lớn vào sự giúp việc năng động sáng tạo của Ban Cố vấn. Nay công việc ở Trung tâm mọi cái đã đi vào qui củ, đội ngũ chuyên viên ở đó đã rất thạo việc, không cần Ban cố vấn nữa, Ban Cố vấn Trung tâm nên chuyển về Tồng công ty thành Tổ Thư ký giúp việc cho Chủ tịch Hội đồng quản trị. Còn chức Trưởng phòng Tổ chức cán bộ thì hãy tạm thời để đồng chí Tân Chủ tịch kiêm nhiệm luôn, các đồng chí thấy thế nào? Nếu tán thành xin cho một tràng pháo tay - Một tràng vỗ tay ran lên. Mai nói tiếp – Như vậy là 100% đại biểu tán thành quyết định này, đề nghị thư ký ghi vào biên bản rồi làm quyết định điều động ngay, để Chủ tịch Mã ký và thực hiện. Đồng chí Mã còn có chỉ đạo gì nữa không thì chúng ta giải tán. Mã Tóc Xoăn ấp úng nói “không còn gì nữa… giải tán!”. Thế là Ma đam Le đã thay Mã chỉ đạo cuộc họp giải quyết một vấn đề hệ trọng, tức là xây dựng xong một dàn đỡ mới cho cái dây leo Mã Tóc Xoăn vươn cao lên thêm nữa. Thật đúng là: Trăm năm trong cõi người ta Vận may kia đã vượt xa đức, tài. Liệu Mã Tóc Xoăn có đảm đương nổi trọng trách mới hay không. Xin xem tiếp đoạn sau sẽ rõ.